WASHINGTON - Ngày đầu của cuộc tấn công vào Iraq đã tạo nên một loạt những cuộc biểu tình phản đối trên tòan thế giới.

Thủ đô Athène của Hy lạp đã chứng kiến một cuộc biểu tình lớn nhất trong số các cuộc biểu tình cho đến nay trên thế giới. Ít nhất một trăm ngàn người đã xuống đường.

"Đây là lúc chúng ta cần phải họp nhau lại và lật đổ những chính quyền sát nhân như vậy. Đây là lúc chúng ta, trên tòan thế giới phải xuống đường như chúng tôi ở đây và làm sao cho thế giới thóa khỏi được tình trạng này. Hy lạp là một quốc gia chủ hòa và chúng tôi hoàn toàn không hợp tác với người Mỹ. Không có chuyện cho tiếp tế xăng, hay bay qua không phận của chúng tôi. Hoàn toàn không."

Ở Seoul, Hàn quốc, cảnh sát và những người biểu tình đụng độ khi những người biểu tình tiến đến tòa đại sứ Hoa kỳ. Họ đòi chính phủ Nam hàn rút lui sự ủng hộ đối với chính sách của Hoa kỳ.

Ở Ai cập cũng vậy. Cảnh sát chống biểu tình đã đụng độ và đẩy lui nhiều trăm người biểu tình cố tìm cách đến tòa đại sứ Hoa kỳ ở Cairo.

"Chúng tôi không chấp nhận chiến tranh. Chúng tôi muốn có hào bình cho Ai cập, cho Hoa kỳ, cho Đức , cho Trung quốc, cho Ấn độ. Chúng tôi chỉ muốn hòa bình."

Nhưng trong khi đó cảnh sát chống biểu tình tại Jordanie đã giải tán các cuộc biểu tình của nhiều trăm luật sư tìm cách tiến đến tòa đại sứ Iraq ở thủ đô Amman. Một số đã bị thương khi cảnh sát tấn công.

Còn tại Luân Đôn đã có một số nhóm tổ chức các cuộc biểu tình trước quốc hội.

"Chúng tôi phải tìm cách chấm dứt cuộc chiến. Nhiều người vô tội đang chết chỉ vì Hoa kỳ muốn có quyền và có dầu khí. Tôi hy vọng các cuộc biểu tình này sẽ giúp rút ngắn thời gian của cuộc chiến. Nhờ các cuộc biểu tình cuộc chiến đã bị để chậm lại. Tôi không tin là Saddam Hussein có vũ khí hủy diệt hàng loạt. Chẳng qua chỉ là Hoa kỳ và chính sách bá quyền của họ."

Tất cả những người biểu tình đều nói là trên tòan thế giới vào cuối tuần này, các cuộc biểu tình sẽ lớn hơn nữa. Những nhóm tổ chức tin là những cuộc biểu tình này sẽ lớn đến mức các chính trị gia phải nghe tiếng nói của họ.

Các cuộc biểu tình rải rác chống chiến tranh Iraq đã tiếp diễn ở Pakistan sang ngày thứ nhì với nhiều cuộc mít tinh và tuần hành được tổ chức sau buổi cầu nguyện thứ Sáu.

Các giới chức Hồi Giáo đã kêu gọi cả nước hãy bãi công. Lời kêu gọi được một số thành phố quan tâm, nhưng nhiều thành phố khác lại tỏ ra thờ ơ.

Báo cáo từ các tỉnh của Pakistan nói rằng đã có những phản ứng lẫn lộn trước lời kêu gọi bãi công. Tại Quetta, là tỉnh một phần thuộc sự kiểm soát của các đảng phái cực đoan Hồi giáo, các cửa hàng đã đóng cửa.

Ở các thành phố khác trên toàn Pakistan, như Karachi và thủ đô Islamabad, chẳng mấy ai quan tâm đến việc bãi công. Đã có những lời kêu gọi hãy biểu tình bài Mỹ sau giờ cầu nguyện thứ Sáu.

Những phản ứng tương đối lặng lẽ cũng không làm cho các lực lượng an ninh Pakistan tăng cường hoạt động tại các địa điểm nhậy cảm, ví dụ như đại sứ quán các nước Tây phương, các nhà thờ Thiên Chúa và đền thờ Hồi Giáo trên toàn quốc.

Hoa Kỳ tuyên bố tạm thời đóng cửa đại sứ quán và lãnh sự quán tại Pakistan vì lý do an ninh. Một số nhân viên không thiết yếu đã được rời đi.

Thử thách thực sự về tâm trạng của người Pakistan sẽ là vào hôm Chủ Nhật, khi cuộc biểu tình lớn thứ ba sẽ diễn ra tại phía đông thành phố Lahore. Với hai cuộc biểu tình đã diễn ra trước đó, các nhà tổ chức hy vọng sẽ có hàng chục ngàn người tham gia.

Đã không xảy ra tình trạng bạo lực trong hai cuộc biểu tình đó, thế nhưng cảnh sát Pakistan cũng rất cương quyết và đã cảnh báo các nhà tổ chức rằng họ phải bảo đảm là những người tham dự biểu tình phải giữ thái độ bình tĩnh.(bbc)