NGUYÊN DO SỰ THỜ CÚNG ĐỨC THƯỢNG CÔNG TẢ QUÂN LÊ VĂN DUYỆT TẠI LĂNG ÔNG BÀ CHIỂU (1)



Từ lâu, Lăng Ông Bà Chiểu đã trở thành trung tâm tín ngưỡng thờ Thần điển hình của người Việt Nam vùng Sài Gòn Gia Định, đồng thời nổi tiếng là một danh lam thắng cảnh hấp dẫn khách thiện tín thập phương và lôi kéo được sự chú ý đặc biệt của các vị khách quốc tế.

Tại đây, Ngài Tả Quân Lê Văn Duyệt được coi là vị ‘sinh nhi tướng, tử vi thần’ và được bá tánh kính cẩn thờ cúng sầm uất vào bậc nhất không thua kém bất cứ trung tâm sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng nào tại miền Nam (2).

Khách thiện tín tại Lăng ông Bà Chiểu gồm đủ mọi thành phần, nam phụ lão ấu; trong số đó, người Việt gốc Hoa chiếm một phần rất quan trọng.

Để góp phần tìm hiểu sinh hoạt tín ngưỡng, chúng tôi sẽ trình bầy sơ lược tiểu sử Đức Thượng Công, sau đó tìm ra các nguyên do xa, gần khiến cho người Việt cũng như người Hoa tin tưởng và thờ cúng Ngài tại Lăng Ông Bà Chiểu.

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ ĐỨC THƯỢNG CÔNG TẢ QUÂN LÊ VĂN DUYỆT

Đức thượng Công họ Lê, húy là Duyệt, sinh năm 1764 tại Long Hưng, Định Tường. Thân phụ Ngài là cụ Lê Văn Toại. Nguyên quán tổ tiên ở Bắc Việt (3), sau vào ngụ tại xã Bồ Đề, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, đến đời ông nội Ngài thì di vào miền Nam ngụ tại làng Long Hưng, gần rạch Ông Hổ, tỉnh Định Tường.

Theo sách Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, Đức Thượng Công là con trưởng trong gia đình có bốn con trai. Từ bé, Ngài bị tật không có bộ phận sinh dục bình thường, hình vóc nhỏ thấp, nhưng tinh anh, dũng cảm và có sức mạnh phi thường (4). Thời niên thiếu, Ngài không thích học văn, chỉ ham mê võ nghệ và nuôi chí lớn. Năm 17 tuổi (1780), Ngài theo Chúa Nguyễn Ánh làm chức Thái giám nội đình. Trong giai đoạn đầu của cuộc trường chinh thống nhất sơn hà, lực lượng còn yếu, chúa tôi Nguyễn vương đã nếm đủ mùi gian khổ. Chính Đức Thượng Công đã bảo vệ cung quyến trong những cuộc chạy trốn ở các đảo cực Nam cũng như hai lần hộ giá tòng vong sang Xiêm La trong suốt 6 năm trường, từ 1782 (Tây Sơn chiếm Gia Định) tới 1788 (Nguyễn vương trở lại Gia Định). Đã có lần Ngài bị Tây Sơn bắt, nhưng trốn thoát. Từ khi trở lại Gia Định, Nguyễn vương cho Đức Thượng Công theo việc binh. Ngài đã lần lượt lập được nhiều chiến công lẫy lừng như: phá thủy quân Tây Sơn ở cửa Thị Nại,; đoạt thành Phú Xuân; vây quân Tây Sơn; vĩnh viễn thâu hồi thành Bình Định và chiếm trọn đất Bắc Hà cho nhà Nguyễn.

Trong khoảng 10 năm tham chiến, Đức Thượng Công đi từ cấp nhỏ tới cấp cao nhất trong binh lực nhà Nguyễn và được liệt vào hàng các vị khai quốc công thần triều Nguyễn. Ngài đã từng được phong các chức vụ như sau:

Năm Qúy Sửu (1793) lập chiến công trong trận đánh thành Diên Khánh, được phong Thuộc Nội Vệ Úy (5).

Năm Đinh Tị (1797) được thăng Diệu Võ Vệ Úy, Tả Đồn Chính Thống thuộc quân Thần Sách, lĩnh Trấn Thủ thành Diên Khánh (6).

Sau trận Thị Nại và trận tái chiếm Phú Xuân, được phong Thần Sách Quân Chưởng Tả Dinh Đô Thống Quận Công. Lúc đó đang tiến hành chiến dịch giải vây thành Bình Định khoảng tháng 7 năm Tân Dậu (1801) (7).

Trước khi ra đánh Bắc Hà, Đức Thượng Công còn còn được vinh thăng Khâm Sai Chưởng Tả Quân Dinh Bình Tây Tướng Quân, tước Quận Công và được trao quyền thống lãnh bộ binh tiến ra Bắc (8).

Tổng cộng cuộc trường chinh của vua Gia Long kéo dài 24 năm thì Đức Thượng đã có mặt 22 năm. Khi đất nước thanh bình, Ngài được lệnh vua mang cờ tiết việt xử trí việc bang giao với nước Xiêm và việc bảo hộ nước Cao Miên; đi kinh lược Thanh Hóa và Nghệ An; 2 lần bình quân ác man; một lần dẹp giặc Thày Sãi trong Nam và nhiều lần đánh dẹp nhóm người Thượng Đá Vách (Thạch Bích) khởi loạn ở Quảng Ngãi. Bất cứ nơi nào Đức Thượng Công tới, an ninh trật tự đều được tái lập. Đức thượng Công còn giữ chức Tổng Trấn Gia Định Thành 2 lần: lần thứ nhất từ năm 1812 tới năm 1815 (triều Gia Long), lần thứ hai từ năm 1820 tới năm 1832 (triều Minh Mạng).

Vì có tật kín, nên mặc dù Đức Thượng Công có phu nhân là bà Đỗ Thị Phận, Ngài không có con thừa tự. Năm 1803, vua Gia Long dậy Ngài phải nhận Lê Văn Yến là con Lê Văn Phong (em ruột Ngài) làm con (9). Năm Minh Mạng thứ năm (1824), vua gả em gái là Ngọc Nghiên công chúa cho Lê Văn Yến và phong làm Phò Mã Đô Úy (10).

Thân nhân của Đức Thượng Công cũng được nhà vua ban ân huệ rất đặc biệt. Năm 1804, vua Gia Long truy tặng Những năm về cuối đời, Đức Thượng Công sống bình lặng ở Gia Định trong chức vụ Tổng Trấn.

Qua bao nhiêu năm chinh chiến gian khổ, lại thêm tuổi già sức yếu, Đức Thượng Công lâm trọng bệnh và mất tại Gia tằng tổ Đức Thượng Công tước Cẩm Y Vệ Cai Đội; tặng nội tổ Ngài tước Cẩm Y Vệ Cai Cơ và sắc phong cho thân phụ Ngài là Chưởng Cơ (11). Vua Minh Mạng còn cho thân phụ Ngài tước Đô Thống Chế hàm nhất phẩm và thân mẫu Ngài tước Nhất Phẩm Phu Nhân (12).

Định ngày 30 tháng 7 năm Nhâm Thìn (25.8.1832) niên hiệu Minh Mạng 13, hưởng thọ 69 tuổi (13). Vua Minh Mạng tặng Ngài tước Tá Vạn Công Thần Đặc Tấn Tráng Võ Tướng Quân Tả Quân Đô Thống Phủ Chưởng Phủ Sự Thái Bảo Quận Công, thụy là Oai Nghị, ban tứ tế một đàn, ngày an táng lại ban tế nữa (14). Ngài được chôn cất tại Bình Hòa Xã (Gia Định).

I. TẠI SAO NGƯỜI VIỆT NAM THỜ CÚNG ĐỨC THƯỢNG CÔNG

Nhiều người Việt ở miền Nam, nhất là ở vùng Sài Gòn Gia Định, vẫn suy tôn Đúc Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt là một vị anh hùng và là một vị phúc thần vì các lí do:

- Ngài có những đức tính đặc biệt,

- Sự nghiệp của Ngài vĩ đại cả về quân sự lẫn chính trị,

- Khi qua đời, Ngài bị oan khuất, nhưng lại hiển linh, thường hay thi ân giáng phúc hoặc có thể trừng phạt nhãn tiền.

A. NHỮNG ĐỨC TÍNH ĐẶC BIỆT CỦA NGÀI:

1.Tính trọng võ: Khoảng đầu thế kỉ 19, miền Nam còn đầy rừng rú hoang dã, người Việt thưa thớt, thú dữ và trộm cướp rất nhiều. Những lớp người được coi là đi khai hoang bao giờ cũng trọng võ hơn văn. Trong hoàn cảnh ấy, võ xem ra thực dụng hơn văn. Theo tiểu sử Đức Thượng Công, Ngài ham võ hơn văn. Tính ham võ nghệ và sức lực phi thường của Ngài rất được người miền Nam thuở trước nể trọng. Dường như Đức Thượng Công luôn luôn bị ám ảnh bởi những trận chiến đấu, cho nên tính khí tỏ ra rất võ biền. Ngay trong cách giải trí Ngài cũng chỉ mê say những thứ đầy chiến đấu tính như: hát bội (thường diễn những tuồng tích cổ, những cảnh tranh bá đồ vương…), những trận đấu hổ, đấu voi hoặc chọi gà. Học giả Trương Vĩnh Ký kể lại: ‘Ngài rất say mê trận mạc, Ngài đã lập một thứ hí trường để cho người đấu với hổ hoặc voi. Ngài cũng đam mê chọi gà và kịch tuồng. Những trò giải trí này chiếm trọn thì giờ nhàn rỗi của Ngài’ (15).

2. Ngài là một chiến sĩ can đảm và gan dạ phi thường: Đây là bí quyết thành công trên bước đường công danh sự nghiệp của Đức Thượng Công. Xin đan cử 2 bằng chứng sau đây:

Theo Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu, vào tháng 11 năm Canh Thân (1800) trong mặt trận Gò Thị, Nguyễn vương sai Ngài và tướng Tống Viết Phước phụ giúp tướng Nguyễn Văn Thành đánh Đô đốc Thu của Tây Sơn. Sách ấy chép: ‘Trận ấy, ông Thành, ông Duyệt đều cầm cờ tướng chỉ biểu quân lính, Thành hay uống rượu, lúc gần ra trận cầm hồ rót rượu, rót cho Duyệt một chén mà nói rằng: ‘uống rượu để thêm sức mạnh’. Ông Duyệt nói: ‘Ai tánh hay sợ mới uống rượu để cho thêm mạnh, còn như tôi thời trước mắt coi không trận dữ, cần chi phải uống rượu’. Thành có ý thẹn, từ đó giận Duyệt’ (16).

Đặc biệt là trong trận đánh cửa Thị Nại, trận đánh sinh tử quyết định thắng bại giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh, Đức Thượng Công đã tỏ ra hết sức can đảm và gan dạ. Sách Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu chép như sau: ‘Năm Tân Dậu thứ XXI I (1801), tháng Giêng, quân thủy ta đánh phá giặc ở cửa Thị Nại, nguyên khi trước Võ Văn Dũng đem hai chiếc thuyền hiệu Định Quốc và hơn 100 chiếc thuyền chiến, đậu ngang cửa biển, lại lập đồn hai bên cửa biển: bên tả tại Nhạn Châu, bên hữu tại núi Tam Tòa, hai đồn ấy đều đặt súng lớn để chống cự quân ta. Đến bây giờ các đạo quân ta đều sắm đồ hỏa công đủ hết; canh ba đêm 16, Ngài (Nguyễn Ánh) sai Nguyễn Văn Trương chèo thuyền nhỏ lớn vào nơi Hổ cơ, đốt đồn thủy giặc. Võ Di Nguy đem mấy chiếc thuyền lớn xông tới, Văn Duyệt theo sau; Nguy bị đạn chết, Duyệt không ngó đến, càng găng sức đánh. Từ giờ Dần đến giờ Thân đốt phá hết giặc; ai cũng khen trận ấy là võ công đệ nhất’ (17). Sách Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện cũng tả trận đó như sau: ‘Vua mạng Nguyễn Văn Trương và Tống Phước Lương đốc thủy binh tiến trước, Duyệt và Võ Di Nguy đến sau, khi Trương ra ngoài biển, bắt gặp ghe bơi của địch, lấy được khẩu hiệu, Trương vào trước nổi lửa đốt đồn lũy của địch, còn Duyệt và Di Nguy liên tục kéo đến, quân địch giữ đồn trên núi chống cự, đạn súng bắn ra như mưa, Di Nguy bị trúng đạn sa xuống nước chết, nhưng Duyệt càng ra sức giao chiến, vua trông thấy tướng sĩ bị tử thương nhiều người, ba lần sai quân ra bảo tạm lui để tránh mũi nhọn của địch đương hăng, nhưng Duyệt xin liều chết giao chiến, nói với quân tiểu sai rằng: ‘Ta chỉ có tiến chứ không lui, có xung vào chứ không có ra’. Vẫy quân tiến gấp vào trong cửa biển, theo ngọn gió buông lửa đốt hết chiến thuyền của địch, địch tan vỡ và chết rất nhiều, lúc ấy chính là ngày 16 tháng Giêng…quân ta chết rất nhiều’ (18).

3. Tính nghiêm khắc: Khi lâm trận, Đức Thượng Công áp dụng kỉ luật sắt, đôi khi tỏ ra hiếu sát. Sử chép: ‘Từ khi Phước (tức Tống Viết Phước) bị tử trận, Duyệt nổi cơn giận đánh càng hăng, phàm lúc hành quân hoặc ai lui lại một chút liền dùng quân pháp xử tội, không tha thứ cho chút nào, khi đắc thắng giết hết quân địch, nói đó là vì Tống Công (Tống Viết Phước) làm lễ tế vậy. Vua sợ Duyệt giết nhiều quá nên phải khuyên răn’ (19).

Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện còn chép: ‘Các tướng lúc trung hưng chỉ có Duyệt và Nguyễn Văn Trương không trận nào bị thua, Trương đến đâu địch đều chạy trốn, nên được toàn thắng, mà sĩ tốt cũng ít bị tổn thương. Còn Duyệt đến đâu mà gặp giặc thì trọn ngày ác chiến, nên tướng sĩ nhiều người chết. Vua Thế Tổ thường dụ rằng: Dũng tướng không bằng trí tướng, trí tướng không bằng phước tướng, đó là chỉ vào Duyệt và Trương mà nói vậy’ (20).

Ngay đối với dân chúng, Đức Thượng Công cũng tỏ ra quá nghiêm khắc khiến ai cũng khiếp sợ. Trong cuốn Định Tường Xưa Và Nay, tác giả Huỳnh Minh kể lại: ngày 01.01.1966 ông tới Sầm Giang và được một người bạn là nhà văn Khổng Nghi kể cho một giai thoại về Đức Thượng Công. Chuyện đó như sau: ‘Hồi Đức Thượng Công còn làm Tổng Trấn Gia Định, mỗi khi người dân được lệnh Ngài đòi tới hầu là cả một vấn đề sinh tử. Trường hợp điển hình là ông xã trưởng làng Vĩnh Kim Đông tự nhiên được lệnh Ngài đòi hầu. Ông xã trưởng hồn kinh phách lạc, vội từ giã vợ con và hội tề, lòng tự kể như mình ra đi không có ngày về’ (21). Thật sự Ngài chỉ gọi ông xã trưởng tới để nhờ chuyên chở đá ong Biên Hòa về xây mộ cho hai cụ cố của Ngài ở làng Long Hưng.

Đối với các quan đồng triều, Ngài cũng tỏ ra nghiêm khắc không kém. ‘Duyệt tánh nghiêm thẳng, đối với quân sĩ nghiêm và cấp bách, tướng lại không dán ngửa mặt trông Duyệt, đương thời các vị huân cựu đại thần cũng nể sợ, chỉ có một viên Hậu Quân Lê Chất mới quy phụ phụng sự Duyệt rất cẩn thận, phàm những quân cơ hành binh và nghị luận triều chính hằng qua lại thương nghị cùng Duyệt’ (22).

4. Thượng tôn luật pháp: Trong thời gian làm Tổng trấn Gia Định. Đức Thượng Công nổi tiếng là người áp dụng luật pháp một cách cứng rắn, không vị nế một ai, không nương tay bất cứ trường hợp nào. Ngài được vua ban đặc quyền ‘tiền trảm hậu tấu’(23). Theo sách Đại Nam Thực Lục, quyền này vua chỉ ban riêng cho Đức Thượng Công: ‘Khi Duyệt về chầu, quyền nhiếp thành ấn là Nguyễn Văn Tuyên, hình tào Trịnh Xuân Trạm chém 20 tên cướp, vua mắng: ‘Quyền lớn sinh sát là từ triều đình. Trước kia Lê Văn Duyệt là trọng thần nên đặc cách cho tiện nghi làm việc, bọn ngươi lại muốn viện đấy làm lệ à?’ Đều giáng hai cấp’(24).

Để minh chứng việc áp dụng luật pháp cứng rắn của Đức Thượng Công xin trưng dẫn vài thí dụ:

a. Đối với dân: Ngài rất quan tâm tới việc duy trì đạo lí trong dân chúng. Học giả Trương Vĩnh Ký kể chuyện, một hôm Đức Thượng Công đi Chợ Lớn, tới Cầu Kho, Ngài thấy một đứa bé khoảng bốn năm tuổi chửi cha mẹ nó. Ngài tạm ra lệnh bắt nó, nhưng lại đổi ý và tiếp tục đi. Buổi chiều khi trở về, Ngài còn nghe thấy nó chửi mắng cha mẹ nó đang lúc bữa ăn. Ngài dừng lại bắt nó đi theo. Đức Thượng Công ra lệnh cho đứa bé ăn cơm, nhưng đã mật lệnh phải tráo ngược đầu đũa. Thằng nhỏ sắp xuôi đôi đũa rồi mới ăn. Ngài liền truyền chém đầu nó vì cho rằng nó đã có đủ trí khôn để hiểu tội nó phạm là nặng nề.

Lần khác, Ngài ra phố bắt gặp một tên ăn trộm cuộn giấy hút thuốc và bỏ chạy. Ngài liền ra lệnh chém đầu tại chỗ không cần xét xử (25).

b. Đối với các viên chức: Đối với các viên chức Ngài cũng áp dụng luật pháp vô cùng cứng rắn, nếu không nói là quá đáng. Cũng học giả Trương Vĩnh Kí đã kể chuyện một viên thơ lại, khi ra khỏi sở đã gặp một bà bán cháo ở cổng thành. Vì muốn trêu ghẹo, ông đưa tay lên với cái hộp trầu mà bà bán cháo để trên nắp thúng. Bà bán cháo hô hoán lên là có trộm. Viên thơ lại bị bắt quả tang và bị chém đầu mà không được xét xử tại quan đường (26).

c. Đối với vua nước chư hầu: Hằng năm, vua nước Cao Miên phải sang Sài Gòn vào dịp Tết Nguyên Đán để làm lễ thần phục hoàng đế Việt Nam ở miếu hoàng triều cùng với quan Tổng Trấn. Vua Cao Miên tới vào ngày 30 Tết, nhưng thay vì đến Sài Gòn, lại ngủ đêm ở Chợ Lớn. Sang canh Năm, quan Tổng Trấn tới dự lễ trong tiếng nhạc mà không thấy vua chư hầu. Sau buổi lễ, vua Cao Miên mới tới. Đức Thượng Công phạt vua chư hầu ba ngàn quan tiền. Nộp đủ mới cho về nước (27).

d. Vụ án cha vợ vua Minh Mạng: Đối với Đức Thượng Công thì ‘pháp bất vị thân’, không vị nể bất cứ thế lực nào. Vụ án cha vợ vua Minh Mạng là bằng chứng.

Khi Ngài vào trấn nhậm Gia Định lần thứ hai năm 1820, biết tính Ngài chính trực, dân chúng đã tố cáo với Ngài những chuyện nhũng lạm của Phó Tổng Trấn Huỳnh Công Lí. Ngài liền cho điều tra căn kẽ, lấy đủ bằng cớ xác đáng. Sau đó, Ngài dâng biểu tâu về triều và khép Lí vào án tử hình.Vua muốn cứu cha vợ, nên sai người lãnh chỉ đi suốt đêm ngày vào Gia Định, truyền rằng Lí đáng tội chết, vậy phải giải về kinh để y phục quốc pháp. Dựa vào lời phê ‘đáng tội chết’, Ngài cho chém đầu Huỳnh Công Lí, rồi truyền muối thủ cấp y vào thùng gửi về triều và tâu rằng vì đường xá xa xôi, e có điều chi bất trắc, nên phải ‘phụng thừa Thánh chỉ, xử trảm tội nhân’. Huỳnh Công Lí là thân phụ một sủng phi, nên vua phải biếm bà vào lãnh cung theo luật triều đình vì có cha là kẻ phạm trọng tội (28).

5. Khảng khái can ngăn vua Gia Long: Đức Thượng Công phục vụ qua 2 triều Gia Long và Minh Mạng. Dưới thời Gia Long, Đức Thượng Công đã khảng khái can ngăn mỗi khi thấy nhà vua làm điều gì không hợp lí.

Sau khi thống nhất sơn hà, vua Gia Long nghĩ tới việc củng cố sự nghiệp lâu bền nên đã bắt dân và quân lao tác cực nhọc trong các công trình xây cất. Nhận thấy quân sĩ quá khổ cực, Đức Thượng Công đã mạnh dạn can gián nhà vua: ‘Trước kia tại Gia Định, Bệ Hạ hứa với những tướng sĩ hễ khắc phục Phú Xuân thì lập tức cho giải ngũ nghỉ ngơi. Nay, kinh sư đã thâu hồi, Bắc Hà đã đại định mà binh sĩ thì hoặc phải đi thú trấn này, ải nọ, hoặc phải gom về xây đắp kinh thành, tháng dập năm dồn chẳng biết đến thuở nào mới được về tụ họp với gia đình. Như vậy, thử hỏi tín lệnh của triều đình sẽ ra sao và lòng người Gia Định sẽ thế nào?’(29).

Quyết liệt hơn nữa, Đức Thượng Công cùng với Nguyễn Văn Thành đã dám can ngăn việc vua Gia Long chọn hoàng tử Đảm làm thái tử kế vị (tức vua Minh Mạng) thay vì phải chọn con trưởng của hoàng tử Cảnh (con trưởng nhưng đã qua đời) mới đúng theo nguyên tắc trọng trưởng trong việc truyền ngôi vua (30).

6. Khảng khái đối với vua Minh Mạng, nhất là trong việc cấm đạo: Đức Thượng Công đã từng dùng luật pháp mà giết Huỳnh Công Lý cha vợ vua như đã nói trên đây, Ngài còn cương quyết giữ thói quen ‘nhập triều bất bái’chỉ cúi đầu chứ không lậy, rồi lên ngồi gần ngai vua. Thấy thế, ‘Trịnh Hoài Đức bước lại gần Tả Quân, nhắc phải lậy. Tả Quân nổi nóng mà đáp lớn rằng: ‘Ngươi là đứa phùng nghinh! Ngươi làm vậy được chớ ta làm không được!’. Vua Minh Mạng rất bất bình, nhưng không nói gì, chỉ ngầm giận trong bụng’ (31).

Về việc cấm đạo Thiên Chúa và kì thị người Tây phương: Học giả Trương Vĩnh Ký thuật lại phản ứng của Đức Thượng Công như sau: ‘Ngài Tổng Trấn bấy giờ đang xem chọi gà thì dụ bắt đạo chuyển tới. Ngài kêu lên rằng: ‘Làm sao chúng ta lại bắt bớ những kẻ đồng đạo với giám mục Adran và những người Pháp mà nhờ họ chúng ta còn có cơm ăn? Không, Ngài nói tiếp, đang khi giận dữ xé dụ của nhà vua, chừng nào tôi còn sống, người ta sẽ không làm được chuyện đó, điều nhà vua muốn thì hãy làm sau khi tôi chết’ (32).

Chính vì những việc kể trên, nên Michel Đức Chaigneau đã viết: ‘Trong số các quan bạn của người Pháp, Tổng Trấn Sài Gòn đã dám đương đầu với tân vương và đám cận thần. Ngài thẳng thắn chỉ trích hoàng tử đã chà đạp đường lối khôn ngoan và khả kính của vua cha, và tỏ ra không biết ơn đối với những người tận tâm phục vụ, nhờ họ mà hoàng tử được ngôi vua’ (33).

7. Tính biết phục thiện: Không phải Đức Thượng Công chỉ biết cương cường mà không biết nhu thuận. Lịch sử ghi chép vài sự việc như sau: ‘Thành Gia Định dâng sổ binh, Lang Trung Binh Tào là Bùi Phụ Đạo đóng kí triện ngược đầu. Vua giao bộ nghị xử. Tổng Trấn Lê Văn Duyệt cho là lỗi mình không trông nom nên dâng biểu tự hặc và cũng xin giao cho bộ bàn xử để răn Tào thần. Vua dụ: việc nhỏ không bắt lỗi vì Lê Văn Duyệt là chức lớn trọng trách nặng, hơn nữa đã biết tự nhận’ (34).

Một bằng chứng khác: Năm Minh Mạng thứ 11 (1830) có nhiều giặc biển, ‘Tổng Trấn Gia Định Lê Văn Duyệt thấy là phái quân đi tuần ngoài biển không được việc gì, dâng sớ chịu lỗi’ (35).

8. Tuyệt đối trung thành: Suốt đời vị lão tướng đại công thần Lê Tả Quân chỉ biết tận tụy phục vụ cho vua cho nước. Chính vì tin tưởng vào lòng trung thành của Ngài mà vua Gia Long, trước khi băng hà, đã đặc biệt ủy thác Ngài trông coi tân vương là hoàng tử Đảm (vua Minh Mạng) trong lúc đầu còn bỡ ngỡ (36).

Đức Thượng Công mặc dù đã làm nhiều việc phật ý vua Minh Mạng, nhưng nhà vua chẳng những không bắt lỗi mà còn luôn khen thưởng sự tận tụy và lòng trung thành của Ngài. Vua dụ rằng: ‘Trẫm nghĩ khanh khi xưa đi theo vua đã có công lao, giữ hết lòng trung cho nên hoàng khảo ta dặn lại giúp trẫm. Trước nhân đất Gia Định ở giáp nước phiên nên sai khanh làm Tổng Trấn. Từ khi khanh giữ việc đến nay thì dẹp yên giặc Chân Lạp, tiếp đến tra xét đinh lậu thêm lên hơn vạn hộ khẩu. Nay lại tự mình đốc suất việc đào sông để thành cái chí noi theo việc trước của trẫm. Làm tôi siêng năng duy khanh là hơn cả, cho nên hậu thưởng. Từ trước tới nay các hoàng tử tước Công chưa từng cho đeo đai ngọc. Nay nghĩ khanh công tước vốn đã rạng rỡ, lại dựng được công mới, nên đặc cách ban cho. Khanh nên dốc lòng trung thành, cố gắng hơn nữa’ (37).

Vua thường nói với thị thần rằng: ‘Người ta nói Duyệt tính bướng, nay trẫm xem ra là người trung thuận, cái nghĩa thờ bề trên có sẵn lúc ngày thường. Thì ra cái tính bướng bỗng đã gột sạch, không ngờ lúc tuổi già lại tỉnh ngộ như thế’ (38).

B. SỰ NGHIỆP VĨ ĐẠI CỦA ĐỨC THƯỢNG CÔNG

Sau khi trình bầy những đức tính đặc biệt của Đức Thượng Công, chúng tôi xin tóm lược sự nghiệp vĩ đại của Ngài về phương diện quân sự và sẽ đặc biệt đề cao sự nghiệp chính trị của Ngài. Bởi lẽ xưa nay người ta thường cho rằng Ngài là một vị tướng tài từng bách chiến bách thắng mà quên rằng Ngài còn là một nhà cai trị kiệt xuất, có công lớn trong việc ổn định và phát triển kinh tế cho toàn miền Nam nước ta vào thời đầu thế kỉ 19.

1. Sự nghiệp quân sự: Sự nghiệp quân sự của Đức Thượng Công bắt đầu từ khi Nguyễn vương ở Xiêm La (Thái Lan) trở về tái chiếm thành Gia Định năm Mậu Thân (1788) và cho Ngài theo việc binh. Từ một viên thái giám vô danh, không bao lâu sau, Ngài đã thu được nhiều chiến công hiển hách. Đáng kể nhất là trận đánh tan quân Tây Sơn ở cửa Thị Nại vào mùa Xuân năm Tân Dậu (1801); trận chiếm lại Phú Xuân và kinh thành Huế; trận giải tỏa áp lực quân Tây Sơn ở thành Bình Định và sau hết là chiến dịch chinh phục toàn cõi Bắc Hà.

Tất cả những chiến công lẫy lừng nhất trong thời Nguyễn trung hưng Ngài đều tham dự tích cực và lập công lớn. Ngài chưa bao giờ bại trận (39). Riêng trận đánh cửa Thị Nại, có tính cách quyết định sự thành bại cho nhà Nguyễn, đã được tuyên dương là ‘võ công đệ nhất’ (40).

2. Sự nghiệp chính trị:

a. Việc nội trị: Về nội trị, có 2 sự nghiệp nổi bật: Dẹp giặc và cai trị đất Gia Định.

1/ Dẹp giặc: Năm Gia Long thứ hai (1803), nhóm dân thiểu số Đá Vách (Thạch Bích) nổi loạn ở vùng Quảng Nghĩa. Đức Thượng Công phụng mệnh vào dẹp tan. Tuy nhiên, thực lực loạn quân chưa bị tiêu diệt hoàn toàn, vả lại do địa thế hiểm trở, cho nên Ngài còn phải đưa quân đánh dẹp vào các năm 1807, 1808 và lần sau cùng vào năm 1815 (41).

Năm Gia Long thứ 18 (1819), 2 trấn Thanh Hóa và Nghệ An bị nạn đói, dân lưu lạc tụ họp nhau ăn cướp. Các tù trưởng miền rừng núi cũng nổi lên quấy phá. Vua sai Ngài ra kinh lược 2 trấn này. Ra tới nơi, Ngài không dùng binh, chỉ hiểu dụ dân chúng, chiêu hàng bọn phiến loạn, trị tội các quan lại tham nhũng và tâu vua tha thuế cho dân. Vì thế chỉ trong vòng mấy tháng, binh lính không phải đánh trận, dân không bị tù đầy mà nơi nơi được thanh bình. 10 động ở Sầm Nứa, trước thuộc Vạn Tượng, chưa có lệ cống, Đức Thượng Công tâu trình cho vào hàng cống man (42).

Tại Miền Nam, Đức Thượng Công cũng lập được công dẹp loạn. Năm Minh Mạng nguyên niên (1820), có sãi Kế, người Cao Miên, giỏi bùa chú, nổi loạn. Dân theo rất đông. Sãi Kế cướp phá các đạo ở trấn Phiên An và uy hiếp cả Nam Vang. Đức Thượng Công phụng mệnh vào làm Tổng Trấn Gia Định lần thứ hai để vãn hồi an ninh với quyền được thăng giáng quan lại, dấy lợi trừ hại. Chẳng bao lâu sau, sãi Kế bị Đức Thượng Công đánh thua, bị bắt và bị chém đầu thị chúng. Đất Gia Định lại được hưởng thái bình. (43).

2/ Việc cai trị đất Gia Định: Miền Nam là đất trung hưng của nhà Nguyễn, vào đầu thế kỉ 19, vẫn còn thưa dân. Dưới triều Gia Long, đất Gia Định (hay Đồng Nai) chia ra 5 trấn: Phan Trấn (Gia Định ngày nay), Biên Trấn (Biên Hòa), Vĩnh Trấn (Vĩnh Long, An Giang), Định Trấn (Định Tường), Hà Tiên (Hà Tiên). Sang triều Minh Mạng lại chia ra 8 trấn: Gò Sặt (Pur-sặt), Nam Vang (Pnom-Penh), An Giang (Châu Đốc), Vĩnh Thanh (Vĩnh Long hay Long Hồ), Định Tường (Mỹ Tho), Phan Yên (tức Gia Định còn đọc là Phiên An), Biên Hòa (Đồng Nai), Hà Tiên (44).

Chính tại miền đất rộng lớn này, đức Thượng Công đã 2 lần làm Tổng Trấn. Lần thứ nhất từ năm 1812 tới 1815 có Trương Tấn Bửu làm Phó Tổng Trấn, Ngô Nhơn Tịnh làm Hiệp Trấn. Lần thứ nhì từ năm 1820 tới năm 1832 (là năm Ngài tạ thế) có Huỳnh Công Lí làm Phó Tổng Trấn. Sau khi Lí bị tội chết, Trương Tấn Bửu lại được cử vào thay thế. Trên 15 năm cai trị đất miền Nam, Đức Thượng Công đã chu toàn nhiệm vụ một cách tốt đẹp, để lại một sự nghiệp vĩ đại.

* Việc trị an: Sử chép: ‘Duyệt vào đến Gia Định, rõ lập điều cấm, cho nên không có trộm cướp, dân được yên ổn’ (45). Đặc biệt là việc dẹp loạn thầy sãi Cao Miên như vừa trình bầy trên đây.

* Phát huy lễ nghĩa: Đức Thượng Công rất quan tâm tới việc duy trì đạo đức, việc Ngài trừng trị thẳng tay đứa bé hỗn láo mắng chửi cha mẹ và viên thư lại ăn trộm như đã thuật lại trên đây là bằng chứng rõ ràng.

* Duy trì lực lượng quân sự: Binh lực mạnh là chỗ dựa vững chắc cho một nền thịnh trị, do đó Đức Thượng Công duy trì lực lượng quân sự. Nhất là miền Nam lúc đó còn phải đối phó với Xiêm La (Thái Lan) và bảo hộ nước Cao Miên. Hằng năm, sau Tết Nguyên Đán, Ngài làm lễ ra quân (diễn binh) tại Sài Gòn gồm binh lính tất cả các trấn toàn cõi Gia Định. Lễ ra quân này vừa mang ý nghĩa chính trị, vừa mang ý nghĩa tín ngưỡng xua đuổi tà ma, đem lại an lành cho năm mới (46).

* Lực lượng trừ bị: Để bảo đảm có sẵn quân số khi hữu sự, đồng thời vẫn có thêm nhân lực khai thác nông nghiệp, Đức Thượng Công áp dụng chế độ đồn điền. E. Deschaseaux viết: ‘Ông Thượng, Tổng Trấn Gia Định thành, đã phụng mạng lập đồn điền đầu tiên (1830). Ngài chọn thành Sài Gòn làm trung tâm thí nghiệm và huấn luyện. Bốn đoàn lính canh tác được bố trí về các vùng phụ cận, không có đồn trại. Người lính ở nhà mình, cầy cấy trên đất vua nhượng lại và chịu đóng 2 quan tiền, 10 dạ lúa. Mỗi năm vào tháng Giêng, lính canh tác phải về thành để làm lễ ra quân và tập luyện. Sau đó, họ lại được giải giới cho về và được miễn lao dịch. Khi hữu sự, họ phải đáp tiếng gọi đầu tiên’ (47).

* Phát triển thương mại: Một người ngoại quốc tới nước ta vào thời Đức Thượng Công làm Tổng Trấn Gia Định đã kể lại: ‘Khi tới Sài Gòn, chúng tôi phải ngạc nhiên vì trước mắt chúng tôi hiện ra một thành phố to rộng. Khi bước lên bờ, đi dọc con sông dài nhiều dặm chúng tôi thấy không hết nhà cửa. Dân chúng cư ngụ san sát, và xếp hàng dọc theo các con đường dài rộng rãi phong quang, hoặc trên bờ các con kinh xinh xắn. Sự phân chia các đường phố còn khá hơn nhiều kinh đô ở Âu châu’ (48).

Chính J. Silvestre, một quan cai trị người Pháp cũng tả cảnh thanh bình thịnh vượng ở Sài Gòn, Chợ Lớn dưới thời Đức Thượng Công làm Tổng Trấn như sau: ‘Người ta thấy từ khi tái lập hòa bình, Sài Gòn và Chợ Lớn, vùng phụ cận của nó thương mại đã hoạt động trở lại, làm giầu và mở ra một kỉ nguyên thịnh vượng. Trong những năm sau cuộc ghé qua của Crawfurd và Finlayson, sự hoạy động này càng tăng thêm dưới sự cai trị khôn ngoan và nghiêm khắc của Tổng Trấn Lê Văn Duyệt. Năm 1830, thương nghiệp của người Trung Hoa ở Chợ Lớn xuất cảng hàng năm 12.000 tấn luá, 2.200 tấn bong, 400 tấn đường, 120 tấn gia vị, 20 tấn sáp, và nhiều sản phẩm khác nữa như đời mồi, ngà voi, hải sâm và cây thuốc’ (49).

* Đào kinh Vĩnh Tế: Nhằm các mục tiêu thương mại, nông nghiệp và quân sự, năm Minh Mạng thứ tư (1823), Đức Thượng Công phụng mệnh làm đổng lí việc tiếp tục đào kinh Vĩnh Tế chạy từ Châu Đốc qua Hà Tiên và đổ vào Vịnh Thái Lan (50). Việc đào kinh vô cùng khó khăn, nguy hiểm. Nhưng nhờ đó mà việc giao thông buôn bán, việc khẩn đất canh tác vùng giáp biên giới được phát triển và nếu có động binh ra biên giới cũng được mau lẹ.

* Công tác xã hội: Đức Thượng Công thành lập 2 cơ quan từ thiện là Anh Hài và Giáo Dưỡng để nâng đỡ cô nhi tử sĩ. Con em các tử sỉ ưa võ nghệ có thể xin học ở cơ quan Anh Hài; nếu ham học văn thì tới cơ quan Giáo Dưỡng (51).

b. Sự nghiệp ngoại giao: Trong những năm làm Tổng Trấn Gia Định, Đức Thượng Công phải đối phó với Xiêm La (Thái Lan), bảo hộ Cao Miên, tiếp xúc với người Tây phương và bênh vực cho họ khỏi bị bắt bớ vô lí.

1/ Đối phó với Xiêm La và bảo hộ Cao Miên: Lí do chính khiến vua Gia Long cử Đức Thượng Công vào trấn nhậm Gia Định năm 1812 là vì việc nước Cao Miên (Chân Lạp). Nặc Ông Chân bị các em mượn binh Xiêm về đánh để giành ngôi, nên phải chạy sang nước ta cầu cứu.

Đức Thượng Công vừa tới Gia Định, sứ giả Xiêm sang trình quốc thư thanh minh về việc họ đưa quân vào Cao Miên là để giảnh hòa an hem Nặc Ông Chân chứ không có ý gì.

Năm 1813, Ngài cùng Ngô Nhơn Tịnh phụng chiếu đem 13 ngàn quân đưa vua Cao Miên về cố đô La Bích. Ngài trị quân rất nghiêm, không ai dám sách nhiễu dân địa phương, khiến cho người Cao Miên rất khâm phục.

Trước áp lực quân sự, quân Xiêm phải nhượng bộ, nhưng chưa chịu rút khỏi Cao Miên. Đức Thượng Công phải chia quân giữ các chốt trên sông Cửu Long và các vị trí hiểm yếu, rối viết thư trách Xiêm vương không chịu lui quân, trả đất cho Cao Miên. Tiếp được thư của Ngài, quân Xiêm mới chịu lui binh.

Nhận thấy thành La Bích thấp nhỏ, không tiện việc phòng thủ, Đức Thượng Công tâu vua xin rới đô Cao Miên về Nam Vang, xây cất to lớn và kiên cố hơn. Hoàn thành công tác, Ngài kéo quân về nước, chỉ để lại 1.500 quân, giao cho Nguyễn Văn Thoại ở lại bảo vệ Nam Vang (52).

Từ đó, Cao Miên và Xiêm La đều kiêng nể Đức Thượng Công. Tuy vẫn tôn trọng chủ quyền của vua Cao Miên, nhưng Đức Thượng Công xử rất nghiêm về phương diện lễ nghi của một vua chư hầu đối với hoàng đế Việt Nam (53).

2/ Đức Thượng Công bênh vực người Tây phương và tín đồ Thiên Chúa giáo: Trên đây chúng tôi đã có dịp trình bầy việc Đức Thượng Công cương quyết bênh vực người Tây phương và tín đồ Thiên Chúa giáo, chống lại dụ cấm đạo. Ở đây chỉ dẫn thêm một chứng từ khác về việc này: ‘Lê Văn Duyệt mất tại Sài Gòn tháng Tám năm 1832 và cho tới giờ sau hết, Ngài vẫn còn là người bảo vệ người Pháp và các tín đồ Thiên Chúa giáo’(54).

Ngoài Xiêm La và Cao Miên, Đức Thượng Công còn giao thiệp với người Miến Điện và người Anh Cát Lợi.

Trên đây là những đức tính và phẩm cách nổi bật của Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt. Thêm vào đó, tài năng quân sự và những đặc ân của nhà vua đã giúp cho Ngài chu toàn trách nhiệm một vị Tổng Trấn Gia Định, đem lại an bình thịnh vượng cho toàn miền Nam mới được khai khẩn vào hồi đầu thế kỉ 19, khiến cho dân chúng sinh lòng biết ơn, và hết sức ngưỡng mộ, nể sợ Ngài ngay khi Ngài còn tại thế.

C. TƯỚNG TINH SIÊU VIỆT, BỊ HÀM OAN VÀ LINH HỒN HIỂN LINH

1. Tướng tinh siêu việt:

Ngay khi còn tại thế, dân gian đã tin Đức Thượng Công có tướng tinh siêu việt hớp hồn người ta và có thể sai khiến thú dữ. Nhà văn Sơn Nam kể: ‘Ngài Tả Quân là người có hào khí, theo lời đồn đại thì ‘tướng tinh’ của Ngài là con cọp bạch. Khi chưa theo Chúa Nguyễn, lúc ngủ thì ban đêm có người thấy có bóng dáng con cọp bạch hiện ra chợp chờn ở bên cạnh Ngài’ (55). Học giả Trương Vĩnh Ký cũng thuật lại: ‘Người Việt Nam đã đồn rằng quan Tả Quân có dáng uy nghi và nhất là cái nhìn của Ngài. Người ta kể rằng những con hổ Ngài nuôi để giao đấu sợ và nghe lời Ngài. Trong thời dữ tinh nhất, những con voi bất trị chỉ sợ có một mình Ngài Tổng Trấn. Con voi lớn và dữ nhất gọi là voi Vinh, khi nó nổi cơn điên thì phá phách hết, gặp cái gì cũng giầy xéo, phá đổ hết cả. Quan Tổng Đốc liền tới, Ngài lên võng để trần, đến trước con vật khổng lồ này, Ngài gọi tên nó và khiến nó trở lại điềm tĩnh. Con vật như hiểu và dịu lại ngay’(56).

Đến cuối đời, khi Đức Thượng Công ngã bệnh, còn đồn thổi nhiều chuyện lạ về Ngài. Sách Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện viết: ‘Khi Đức Thượng Công sắp ngã bệnh, cột cờ ở thành Gia Định, không có gió mà tự nhiên gẫy. Sau đó một tháng, Ngài ra ngoài biên giIớ, vừa ra đến ngoài thành, con voi Ngài cỡi thình lình nằm bẹp xuống đất cất tiếng kêu mãi lên, bắt ép thế nào cũng không đứng dậy, phải dùng ngựa thay thế mà đi. Đi được chùng một dặm, ngựa cũng không tiến lên được. Ngài cho là quái lạ và bảo với người nhà rằng Ngài sắp bị bệnh. Lại có một lão già mặc theo lối quê mùa, cầm trái bầu từ ngoài đ`ến bảo người gác cửa vào thưa với Đức Thượng Công có cố nhân đến. Người gác cổng lấy làm lạ, vào thưa. Ngài sai đi theo tới sông thấy y đang rửa trái bầu và nói y muốn cho Đức Thượng Công được thoát cõi đời mà không được. Nói xong thì biến mất. Nghe thuật lại, Ngài nói: ‘Hiên ngang lắm ru, đó là hồn ma của ta vậy’(57).

Những giai thoại như trên khi được đồn đại rộng rãi trong dân gian có tác dụng khiến cho nhiều người coi Đức Thượng Công như là một vị thánh sống và thêm kính phục Ngài.

2. Bị hàm oan do vụ án Lê Văn Khôi:

Có nhiều tài liệu lịch sử ghi chép vụ án Lê Văn Khôi khởi loạn và nỗi oan khuất mà Đức Thượng Công phải gánh chịu (58).

Như đã biết, vua Minh Mạng từng để bụng căm giận Đức Thượng Công vì tính khí khảng khái của Ngài. Nhưng do uy tín của Đức Thượng Công quá lớn cho nên khi Ngài còn sống, nhà vua đành nín nhịn.Vừa khi Đức Thượng Công nằm xuống, vua Minh Mạng liền bãi bỏ chức Tổng Trấn Gia Định. Tác giả Michel Đức Chaigneau đã viết: ‘Lúc đó tân vương không dám thu hồi sự cai trị của Ngài ở Sài Gòn, cũng chẳng dám ngược đãi Ngài, nhà vua e dè sự được lòng dân của Đức Thượng Công. Không thể thỏa mãn lòng căm hờn khi con người khí phách này còn sống nhà vua đợi khi Ngài chết’ (59).

Biết được điều đó, Bố Chánh Phiên An là Bạch Xuân Nguyên, khi vừa tới nhận nhiệm sở, đã tự nhận có mật chỉ truy xét việc làm ngày trước của Đức Thượng Công và ngược đãi chân tay thân tín của Ngài, đặc biệt là Lê Văn Khôi, vốn là hàng binh được Đức Thượng Công thu phục khi Ngài đi kinh lược Thanh Nghệ và đã được Ngài nhận làm con nuôi.

Vì quá bất mãn, Lê Văn Khôi bèn khởi loạn vào đêm 18 tháng Năm năm Qúy Tị (1833), giết cả nhà Bạch Xuân Nguyên và Tổng Đốc Nguyễn Văn Quế, rồi tự xưng là Đại Nguyên Soái. Trong một tháng, Khôi chiếm được 6 tỉnh. Khi đại quân triều đình đánh tới, Khôi bỏ các tỉnh, rút về cố thủ trong thành Phiên An. Tháng Chạp năm đó, Khôi bị bệnh chết. Mặc dù thế, quân trong thành vẫn còn cố thủ được ngót 3 năm, mãi tới tháng 7 năm Ất Mùi (1835), thành mới bị hạ. Dân quân trong thành tất cả 1.831 người đều bị giết, chôn chung một chỗ, gọi là Mả Ngụy, còn lại 6 ngưòi bị coi là thủ phạm thì giải về kinh đô trị tội một cách dã man. Sau đó vua Minh Mạng truyền phá hủy thành Phiên An và xuống chiếu ra lệnh cho đình thần truy tội Đức Thượng Công.

Đức Thượng Công bị đình thần buộc 6 trọng tội: Tự ý giao dịch với Diến Điện (Miến Điện, Burma, Myanmar ngày nay); cố ý dung nạp sứ thần Diến Điện; tự nhận có quyền đưa tầu bạt gió Anh Cát Lợi ở cửa Bình Thuận vào Gia Định; yêu quân; cố ý vi chiếu và bất kính; kết đảng tư tình.

Ngài bị đình thần đề nghị tuyên án phạt như sau:

7 tội đáng xử trảm: 1/ Sai người đi riêng sang Diến Điện, ngầm kết ngoại giao. 2/ Xin giao tầu Anh Cát Lợi đến thành, để tỏ ra có quyền. 3/ Yêu sách giết thị vệ Trần Văn Tình để bịt miệng. 4/ Kháng sớ xin giữ laị viên quan đã được lệnh tuyên chuyển đi nơi khác. 5/ Xin tăng thọ cho Lê Chất với dụng ý kết đảng tư tình. 6/ Giấu chứa giấy ngự bảo. 7/ Tiếm gọi mô cha là ‘lăng’; tự xưng là ‘Cô’ với mọi người.

2 tôi đáng xử giảo: 1/ Cố xin dung nạp Diến Điện để che chở lỗi của mình. 2/ Khoe với mọi người là đã xin được quẻ thẻ có câu thơ: Trần Kiều nếu gặp cơn binh biến, Mảnh áo hoàng bào dễ ép nhau.

1 tội đáng phát quân: Tự tiện sai biền binh tu tạo binh thuyền.

1 tội đáng xử lăng trì: Vì đã dung dưỡng Lê Văn Khôi và lính hồi lương khiến để xẩy ra cuộc khởi loạn ở Phiên An.

Đình thần còn đề nghị truy đoạt các tước phong tặng cho tằng tổ, tổ phụ, mồ mả ông bà, cha mẹ, nếu có tiếm dụng trái phép thì hủy đi; con, cháu, vợ cả, vợ lẽ đều phân biệt nghị tội; tịch biên tài sản.

Án đệ lên, vua phê: ‘Những tội nguyên nghị trảm quyết đổi làm giam hậu; con cháu từ 15 tuổi trở xuống tạm hãy nghiêm cấm; trẻ thơ ấu chưa biết gì thì tha không bắt; 3 họ phải phát nô cũng đều tha; nguyên nghị lục thì cũng thôi’. Riêng về Đức Thượng Công, vua phê: ‘Song nghĩ hắn đã chết lâu và đã truy đoạt quan tước, xương khô trong mả, không bõ gia hình. Vậy cho Tổng Đốc Gia Định đến chỗ mả hắn, san bằng đất và khắc đá dựng bia, ở trên viết to những chữ ‘QUYỀN YÊM LÊ VĂN DUYỆT PHỤC PHÁP XỨ’ (chỗ này là nơi hoạn quan lộng quyền Lê Văn Duyệt chịu tội) (60).

3. Dân gian tin tưởng linh hồn Đức Thượng Công bị oan khuất nhưng hiển linh:

Vụ phản loạn của Lê Văn Khôi là một tội lớn. Song nguyên do phát khởi không phải vì ý đồ chính trị cho bằng những sai lầm đối xử giữa vua tôi và sự ganh ghét trong hoạn trường. Đang từ một bậc khai quốc công thần, có sự nghiệp quân sự và chính trị to lớn, nhất là có công ổn định và đưa toàn miền Nam vào thời kì phát triển mọi mặt, nay phút chốc Đức Thượng Công biến thành kẻ trọng tội, điều ấy khiến cho lòng dân xôn xao, bất bình và càng làm cho họ dễ dàng tin vào những lời đồn thổi về sự hiển linh của vong hồn Ngài bị oan khuất.

Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện ghi: ‘Mộ phần của Đức Thượng Cộng ở Gia Định, năm Minh Mạng thứ 16, tại Phiên An, mỗi khi tối trời, có tiếng qủy khóc hoặc có tiếng ngưòi ngựa nhộn nhịp, dân cư ở đó chẳng dám đến gần, người đi qua đường phải tránh xa chỗ ấy’ (61).

Rồi từ đó, người ta truyền tai nhau vô số chuyện Đức Thượng Công hiển linh trừng phạt nhãn tiền những kẻ gian tham, trộm cắp, thề thốt man trá ngay tại Miếu thờ Ngài. Đó là những trường hợp bị ‘Ông vật’, bị ‘Ông bắt hộc máu’, v.v.. Vì dân gian quá tin tưởng, sau này, đã có những lần Tòa án, Sở Cảnh sát hay các hãng xưởng, mỗi khi xẩy ra vụ án bí ẩn không tìm ra manh mối, đã đưa các nghi can tới Lăng Ông bắt phải thề thốt. Kết quả, đã có những đương sự run sợ khi nghe tiếng trống khởi sự nghi thức thề nguyền mà phải thú nhận tội lỗi.

Thời gian dần dà đã khiến cho các bậc vua, quan đủ khách quan nhìn lại chuyện cũ và trả lại danh dự cho Đức Thượng Công. Năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), vua tha tội cho thân thuộc Ngài (62).

Năm Tự Đức nguyên niên (1948), nhờ lời tâu trình của Đông Các Đại Học Sĩ Võ Xuân Cẩn, vua gia ơn ban chức Cai đội cho cháu của Đức Thượng Công là Lê Văn Diễn (63). Năm Tự Đức thứ hai, xẩy ra bệnh dịch khí tại kinh thành, vua hạ chiếu tìm phương trừ hại. Các quan võ từ Tạ Quang Cự trở xuống, các quan văn từ Hà Duy Quyền trở xuống, tất cả 23 vị dâng sớ xin rửa tội cho những người bị oan ức như trường hợp Đức Thượng Công. Vua chấp nhận, sai quan địa phương bỏ trụ đá hài tội trên mộ của Đức Thượng Công và cho con cháu được sửa sang mộ phần của Ngài (64). Năm Tự Đức thứ 21 (1868), vua truy phục chức tước cho Đức Thượng Công là Vọng Các Công Thần Chưởng Tả Quân Bình Tây Tướng Quân và liệt vào Miếu Trung Hưng Công Thần (65).

Các bô lão kể lại, năm 1905, vua Thành Thái tới thăm Lăng Miếu Đức Thượng Công và xá tội cho Ngài. Từ đó chân linh Ngài được siêu thoát, không còn trừng phạt nhãn tiền những tội lỗi như trước, thế nhưng dân chúng vẫn cứ tin tưởng sự hiển linh của Ngài và tin các tội, phước sớm muộn đều báo ứng (66).

Hai ‘giai thoại’ sau đây chứng tỏ dân gian rất tin tưởng sự linh hiển của Đức Thượng Công: ‘Có một đoàn đi thỉnh sắc Thần ờ đường Hoàng Hoa Thám ngang qua Lăng Miếu Đức Thượng Công, chuông trống ầm ĩ mà không cử người vào bái yết ‘Đức Ông’ hoặc khoán án bằng một tờ giấy đỏ dán bên ngoài vòng rào Lăng Miếu như thói quen của các đám rước khác. Vì thế, cả người lẫn kiệu của đám rước tự nhiên bị quật ngã giữa đường. Sau đó, có người hiểu ra, vội hướng vào Lăng Ông vái tạ lỗi; nhờ vậy, đoàn rước đi qua bằng an’ (67). Giai thoại thứ hai kể vào đêm giao thừa Tết năm Giáp Ngọ (1954), Hội Thượng Công Qúy Tế đã xin một quẻ xâm về tình hìng đất nước. Đức Thượng Công cho Hội quẻ xâm số 95 chỉ điềm hòa bình với câu: Lưỡng gia thủ thế, Đáo để hòa bình. Nghiệm ra đúng là có sự chấm dứt chiến tranh ngày 20 tháng 7 năm 1954. Hai miền Nam Bắc tuy có giữ thế phòng thủ, nhưng hòa bình đã tạm thời được vãn hồi. Để kỉ niệm việc này, Hội Thượng Công Qúy Tế đã cho xây một chiếc Đỉnh Hòa Bình khá lớn, đặt trong khuôn viên Lăng Ông (68).

Để đáp ứng lòng sùng mộ càng ngày càng nhiệt thành của bá tánh, năm 1914, ông Trương Văn Trạch đã cùng với các thân hào nhân sĩ tỉnh Gia Định thành lập ra Hội Thượng Công Qúy Tế để đảm trách việc trùng tu, kiến thiết và quanh năm lo việc cúng tế Đức Thượng Công tại Lăng Ông Bà Chiểu. Đây là hội thờ cúng một vị Nhân Thần có tổ chức quy mô bậc nhất tại Miền Nam hiện diện đã 60 năm qua.

Ngoài Hội Thượng Công Qúy Tế ra, cho tới nay, vẫn còn nhiều người từ dân gian lên tới các quan chức cao cấp, dân sự lẫn quân sự, rất tin tưởng sùng kính Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt. (Lễ giỗ Đức Thượng Công năm 1973, Qúy Sửu, có sự hiện diện của cựu Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm và phu nhân, Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, Phó Thủ tướng Nguyễn Lưu Viên, Phụ tá Tổng trưởng Văn hóa Giáo dục Đỗ Văn Rỡ. Tướng Tư lệnh Hải quân Trần Văn Chơn, v.v.). Các quan chức đương quyền cho là mình là hậu bối được ‘thừa kế’ quyền hành của Ngài cho nên phải cung kính lễ bái Ngài mong Ngài phù hộ cho được hanh thông hoạn lộ. Còn dân gian chỉ tin tưởng đơn giản Đức Thượng Công ‘sinh vi Tướng tử vi Thần’ sẵn sàng thi ân giáng phúc cho kẻ ngay lành và có thể trừng phạt nhãn tiền những kẻ tham lam, gian ác nên quanh năm thường vãng lai Lăng Ông Bà Chiểu để thành kính thờ cúng tế tự Ngài.

I I. TẠI SAO NGƯỜI VIỆT GỐC HOA THỜ CÚNG ĐỨC THƯỢNG CÔNG TẢ QUÂN LÊ VĂN DUYỆT

Tại Lăng Ông, ngày lễ cũng như ngày thường, người ta nhận thấy hầu như một nửa khách thiện tín là người Việt gốc Hoa. Quan sát kĩ các đồ thờ trưng bầy trong Miếu, sẽ thấy phần lớn các đồ qúy giá là do người Việt gốc Hoa dâng cúng, vì trên mỗi món đồ đều có gắn danh thiếp của người dâng tặng. Vào những ngày sóc, vọng, đa số các lễ vật dâng cúng đắt tiền là của người Hoa đem tới. Ngay cả việc đốt vàng hương, đồ mã và phóng sinh hàng chục con chim ra khỏi lồng…cũng đều do họ thực hiện.

Bên trong Miếu thờ, hầu hết những câu liễn đối, khuông biển sơn mài chữ vàng chữ đỏ cũng do người Hoa dâng cúng.

Đi tìm những nguyên do khiến người Việt gốc Hoa sùng kính Đức Thượng Công, chúng tôi nhận thấy như sau:

1. Do lòng biết ơn: Thời Vua Gia Long trị vì cũng là thời Đức Thượng Công làm Tổng Trấn Gia Định, người Minh Hương được hưởng nhiều đặc quyền, được miễn lao dịch và miễn thuế thân, chỉ phải đóng thuế doanh nghiệp. Việc đô thị hóa vùng Sài Gòn, Chợ Lớn tiến triển mau lẹ. Riêng tại Chợ Lớn nơi người Hoa cư ngụ, các sinh hoạt thương mại rất phát đạt thịnh vượng. Vì thế người Hoa tỏ ra kính phục Ngài Tổng Trấn Lê Văn Duyệt một cách đặc biệt. Đến Năm 1824, vua Minh Mạng bắt người Minh Hương và người Hoa mới di cư phải đóng thuế thân thì Ngài Tổng Trấn Lê Văn Duyệt không bằng lòng khiến cho chương trình phải tạm ngưng. Ngài Tổng Trấn muốn duy trì chính sách tự trị cho người gốc Hoa như dưới thời vua Gia Long.

Năm 1832, Ngài Tổng Trấn qua đời, vua Minh Mạng thi hành chính sách cai trị tập trung cứng rắn, bãi bỏ quy chế tự trị của các đại bang người Hoa. Đương nhiên người Hoa bất mãn. Vì thế nhiều người Hoa đã mau mắn tham gia vụ khởi loạn do Lê Văn Khôi chủ xướng năm 1833. Có tới 3.000 thủy binh người gốc Quảng Đông phụ trách trấn giữ sông rạch. Khi thành Phiên An bị quan quân Triều đình hạ vào năm 1835, 800 người Hoa bị bắt và trong số 6 người được coi là ‘lãnh đạo’ bị giải về Kinh đô chịu xử lăng trì có người Hoa tên là Lưu Hằng Tín. Từ đó người Hoa phải đóng thuế thân, không còn được hưởng những đặc ân như trước nữa.

Những sự kiện kể trên giải thích việc, đương thời, người Hoa có cảm tình đặc biệt với quan Tổng Trấn Lê Văn Duyệt. Khi Ngài qua đời, họ tỏ lòng biết ơn Ngài cho nên đã căm phẫn trước cung cách đối xử ‘cạn tầu ráo máng’ của tân triều và của đám quan lại địa phương toa rập nhau để bới móc hài tội Ngài Tổng Trấn vừa quá vãng.

2. Do lòng tin tưởng Đức Thượng Công hiển linh và quyền phép có thể gia ân giáng phúc:

Cũng như người Việt Nam ta, người Hoa tin người ta chết chưa phải là hết, linh hồn người quá vãng vẫn có những sinh hoạt, những nhu cầu và vẫn yêu thương, phẫn nộ như khi còn tại thế. Từ đó mới có tục thờ cúng ông bà tổ tiên, các danh nhân, anh hùng. Họ thờ cả những vong hồn hay những kẻ tuy vô danh tiểu tốt nhưng được tin là chết vào giờ linh. Cho nên rất dễ hiểu, nếu nhiều người Việt Nam thờ cúng Ngài Quan Công (Quan Vân Trường hay Quan Vũ) thì nay người Hoa cũng thờ cúng Ngài Tả Quân Lê Văn Duyệt. Đối với họ, Ngài vừa là ân nhân của họ, vừa là một quan Tổng Trấn đầy uy quyền khi còn sống; đến khi qua đời, xẩy ra có quá nhiều lời đồn đại về việc Ngài hiển thánh làm ra những việc lạ lùng. Người Hoa cũng tin anh linh Đức Thượng Công quyền phép sẵn sàng nghiêm khắc trừng phạt những kẻ gian tham, trộm cắp hoặc bất kính; đồng thời cũng sẵn sàng gia ân giáng phúc cho những ai có lòng kính trọng và thành khẩn kêu cầu Ngài. Do đó, người Hoa bắt đầu tin tưởng và kéo nhau tới để cầu khấn Ngài. Đối với quan niệm bình dân của họ, cầu xin trọn vẹn là một cuộc trao đổi với Thần linh, muốn xin một ơn, muốn lãnh Thần ý về công việc làm ăn buôn bán hay muốn quyết định một việc quan trọng…, thì phải sắm sửa lễ vật tới dâng cúng Đức Thượng Công. Sau đó lãnh Thần ý Ngài bằng cách xin xâm hoặc xin keo. Sau này, nếu được toại nguyện, bao giờ họ cũng sẽ trở lại tạ ơn Thần bằng một lễ vật giá trị hoặc dâng cúng một món tiền.

Tục lệ thờ cúng Đức Thượng Công của người Hoa đã có từ lâu và đã truyền lại cho con cháu mãi tới ngày nay.

Trần Vinh



GHI CHÚ :

(1) Đây là bài 2 tiếp theo bài Tín Ngưỡng Thờ Cúng Các Danh Nhân Và Anh Hùng Dân Tộc Của Người Việt Nam (Dunglac.net), trích từ tập Sự Thờ Cúng Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt Tại Lăng Ông Bà Chiểu, thực hiện năm 1974, để tại thư viện Hội Nghiên Cứu Đông Dương trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Nội dung không thay đổi, nhưng nay có sắp xếp và nhuận sắc lại.

Vì là bài viết về tín ngưỡng, mà đối tượng thờ cúng là Ngài Tả Quân Lê Văn Duyệt, cho nên chúng tôi sẽ gọi Ngài một cách trang trọng là Ngài, là Đức Thượng Công như bá tánh thường gọi.

(2) Thật vậy để chứng minh cho nhận xét này, chỉ cần căn cứ tổng số tiền bá tánh dâng cúng tại Lăng Ông vào tháng 2 (là tháng có cử hành Tết Nguyên Đán) năm 1972 là $6,024,765.00 (hơn 6 triệu đồng tiền VNCH) và tổng cộng tiền bá tánh dâng cúng trong cả năm 1972 là $16,638,215.00 (hơn 16 triệu đồng VNCH) thì thấy rõ. Không có nhà thờ hay đình chùa nào ở miền Nam thời đó có số tiền dâng cúng cao như thế (Theo Phúc Trình Tài Chánh của Chánh Thủ Bổn Huỳnh Văn Diệp kí ngày 29 tháng 02 năm 1972).

(3)Theo Lê Văn Kim, cháu của Ngài Lê Văn Duyệt, ngụ tại Hà Nội, viết trong tạp chí Tri Tân, số 118, ra ngày 28.10.1943, trang 20 và 21 thì tổ quán Lê Công ở xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Yên (trước thuộc Sơn Tây).

(4)Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện. Sơ tập. Quyển 22. Mục Chư Thần Liệt Truyện 19. Lê Văn Duyệt (Tập thượng), Trang 1A (bản dịch để tại Ủy Ban Dịch Thuật Nha Văn Hóa do cố học giả Tô Nam Nguyễn Đình Diệm cho mượn. Vì bản dịch chưa xuất bản (1974) cho nên vẫn dùng số trang như trong nguyên bản chữ Hán của Quốc Sử Quán).

(5)Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện. Sđd. Trang 2A và 2B.

(6)Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện. Sđd. Trang 2B và 3A.

(7)Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện. Sđd. Trang 7B.

(8)Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện. Sđd. Trang 10A.

(9)Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu. Nhóm Nghiên cứu Sử Địa Việt Nam. Sài Gòn, 1972. Trang 56.

(10)Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện. Sơ tập. Quyển 23. Mục Chư Thần Liệt Truyện 20. Lê Văn Duyệt (Tập hạ). Trang 6A.

(11)Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện. Sơ tập. Quyển 22. Mục Chư Thần Liệt Truyện 19. Lê Văn Duyệt (Tập thượng). Trang 12A.

(12)Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện. Sơ tập. Quyển 23. Mục Chư Thần Liệt Truyện 20. Lê Văn Duyệt (Tập hạ). Trang 11A và 11B.

(13)Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện. Sđd. Trang 16A.

(14)Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu. Sđd. Trang 153.

(15) Trương Vĩnh Ký. Souvenirs Historiques Sur Saigon et Ses environs. Tạp chí Excursions et Reconnaissances X, N0-23.5-6-1885. Tr.15.

(16) Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu. Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa Việt Nam. Sài Gòn, 1972. Tr.37.

(17) Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu. Sđd. Tr.37.

(18) Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện. Sơ tập. Quyển 22. Mục Chư Thần Liệt Truyện 19. Lê Văn Duyệt (Tập thượng). Tr. 5A và 5B. Bản dịch của Ủy Ban Dịch Thuật Bộ Văn Hóa Giáo Dục, vì chưa xuất bản cho nên vẫn dùng số trang của nguyên bản chữ Hán của Quốc Sử Quán.

(19) Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện. Sđd. Tr.9B.

(20) Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện. Sơ tập. Quyển 23. Mục Chư Thần Liệt Truyện 20. Lê Văn Duyệt (Tập hạ) Tr. 29B và 30A.

(21) Huỳnh Minh. Định Tường Xưa và Nay. Tác giả xuất bản. Tr.134.

(22) Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện. Sđd. Tr.13B.

(23) Trương Vĩnh Ký. Bài đã dẫn (Phần chú thích). Tr.31.

(24) Đại Nam Thực Lục Chính Biên. Tập VI I I. Nhà xuất bản Khoa Học, Hà Nội. Tr.322.

(25) Trương Vĩnh Ký. Bài đã dẫn. Tr.31.

(26) Trương Vĩnh Ký. Bài đã dẫn. Tr.31.

(27) Trương Vĩnh Ký. Bài đã dẫn. Tr.32.

(28) Hội Thượng Công Qúy Tế. Tập Kỷ Niệm 200 Năm Sanh Nhựt Đức Tả Quân và 50 Năm Thành Lập Hội Thượng Công Qúy Tế. 1964. Tr.43.

(29) Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện. Quyển 22. Sđd. Tr.10B.

(30)Việc Đức Thượng Công Tả Quân và Tiền Quân Nguyễn Văn Thành can ngăn vua Gia Long chọn hoàng tử Đảm (Minh Mạng) lên kế vị được Trương Vĩnh Ký nói đầy đủ trong Cours d’Histoire Annamite à l’Usage des Ecoles de la Basse-Cochinchine. Xuất bản lần thứ nhứt tại Sài Gòn, năm 1877. Tr.225.

Theo Giáo sư Vũ Quốc Thông, có 3 nguyên tắc chung trong việc truyền ngôi vua ở Việt Nam cũng như ở Pháp:

1/ Lãnh thổ bất khả phân hay ngôi vua bất khả phân (principe d’indivisibilité);

2/ Trọng trưởng (principe du droit d’ainesse)

3/ Trọng Nam (principe de masculinité).

Về nguyên tắc trọng trưởng, nếu con trưởng quá cố thì người cháu trưởng (đích tôn) có quyền kế vị. (Vũ Quốc Thông. Pháp Chế Sử Việt Nam. Tủ sách Đại học Sài Gòn, 1971. Tr.69-72).

(31) Lê Đình Chân. Cuộc Đời Oanh Liệt Của Tả Quân Lê Văn Duyệt. Phổ Thông, Sài Gòn, 1956. Tr. 68 (chú thích số 2).

(32) Trương Vĩnh Ký. Bài đã dẫn. Tr.31.

(33) Michel Đức Chaigneau. Souvenirs de Hue. Typhon, Shanghai, 1941. Tr.214 (chú thích số 1).

(34) Đại Nam Thực Lục Chính Biên. Tập VI I. Nhà xuất bản Khoa học, Hà Nội, 1964. Tr.223 và 224.

(35) Đại Nam Thực Lục Chính Biên. Tập X. Nhà xuất bản Khoa học, Hà Nội. Tr.171.

(36) J.Silvestre. L’Insurrection de Giadinh. Bài đã dẫn. Tr.11.

(37) Đại Nam Thực Lục Chính Biên. Tập VI. Nhà xuất bản Khoa học, Hà Nội, 1964. Tr.179.

(38) Đại Nam Thực Lục Chính Biên. Tập VI I I. Nhà xuất bản Khoa học, Hà Nội, 1964. Tr.317.

(39) Xin xem chú thích số 20.

(40) Xin xem chú thích số 17.

(41) - Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu. Sđd. Tr.55 và 68.

- Kiều Oánh Mậu. Bản Triều Bạn Nghịch Liệt Truyện. Sài Gòn, 1963. Tr.9, 13, 15 và 23.

- Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện. Quyển 22. Sđd. Tr.11A, 12A, 20A, và 20B.

(42) - Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu. Sđd. Tr.102, 103, và 104.

- Kiều Oánh Mậu. Bản Triều Bạn Nghịch Liệt Truyện. Sđd. Tr.29.

- Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện. Quyển 22. Sđd. Tr.21A.

(43) - Đại Nam Thực Lục Chính Biên. Tập V. Nhà xuất bản Khoa học, Hà Nội, 1963. Tr.96.

- Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu. Sđd. Tr.111.

- Kiều Oánh Mậu. Bản Triều Bạn Nghịch Liệt Truyện. Sđd. Tr.31 và 33.

(44) Trương Vĩnh Ký. Petit Cours de Géographie de la Basse-Cochinchine. Xuất bản lần thứ nhất tại Sài Gòn, 1875. Tr.8.

(45) Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu. Sđd. Tr.81.

(46) Xin xem Trương Vĩnh Ký. Souvenirs Historiques Sur Saigon Et Ses Environs. Sđd. Tr.15.

(47) E. Deschaseaux. Anciens đồn điền Annamites Dans La Basse-Cochinchine. Imprimerie Coloniale, Saigon, 1889. Tr.5.

(48) J.Silvestre. L’Empire D’Annam. Paris, 1889. Tr.298,299. J.Silvestre trích dẫn lời George Finlayson, người đã cùng Crawwfurd tới Sài Gòn và Huế năm 1821 và 1822.

(49) J.Silvestre. L’Empire D’annam. Sđd. Tr.300.

(50) - Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu. Sđd. Tr.121.

- Đại Nam Thực Lục. Tập VI. Nhà xuất bản Khoa học, Hà Nội, 1964. Tr.107.

- Đại Nam Chíng Biên Liệt Truyện. Quyển 23. Sđd. Tr.3B.

(51) Hội Thượng Công Qúy Tế, Tập Kỷ Niệm 200 Năm Sanh Nhựt Đức Tả Quân và 50 Năm Thành Lập Hội Thượng Công Qúy Tế. Sđd. Tr.37.

(52) - Kiều Oánh Mậu. Bản Triều Bạn Nghịch Liệt Truyện. Sđd. Tr.19.

- Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu. Sđd. Tr.84.

(53) Xin xem chú thích số 27.

(54) A.Schreiner. Les Institutions Annamites En Basse-Cochinchine Avant La Conquête Francaise. Tome I, Saigon, 1900-1902. Tr.192.

(55) Sơn Nam. Tháng Giêng Ở Sài Gòn. Tạp chí Xuân Miền Nam, Giáp Dần, 1974. Hội Văn Hóa Bình Dân. Tr.16.

(56) Trương Vĩnh Ký. Souvenirs Historiques Sur Saigon et Ses Environs. Bài Đã dẫn. Tr.32 (Phần chú thích).

(57) Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện. Quyển 23. Sđd. Tr.30A và 30B.

(58) Các tài liệu lịch sử nói tới cuộc khởi loạn của Lê Văn Khôi năm 1833:

- Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện. Quyển 23. Sđd. Từ trang 16B tới 26A.

- Đại Nam Thực Lục Chính Biên. Tập X I I. Nhà xuất bản Khoa học, Hà Nội, 1965. Tr.213-216, 221-224, 236, 238-239, 241, 281 và 287.

- Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu. Sđd. Tr.158-162, 169-198.

- Trương Vĩnh Ký. Cours D’Histoire Annamite à l’Usage des Ecoles de la Basse-Cochinchine, 1er Edition. Tome I I. Tr.263-266.

- Kiều Oánh Mậu. Bản Triều Bạn Nghịch Liệt Truyện. Sđd. Tr. 61-67.

- J.Silvestre. L’Insurrection de Gia Đinh. Bài đã dẫn. Tr.25-31.

- Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược. Quyển I I. Trung Tâm Học Liệu, Bộ Giáo Dục. Tr.206-215.

(59) Michel Đức Chaigneau. Souvenirs de Hue. Sđd. Tr.215.

(60) Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược. Quyển I I. Sđd. Tr.215.

(61) Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện. Quyển 23. Sđd. Tr.29A.

(62) Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu. Sđd. Tr.240.

(63) Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu. Sđd. Tr.283.

(64) Đại Nam Chánh Biên Liệt Truyện. Quyển 23. Sđd. Tr.29A và 29B.

(65) Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu. Sđd. Tr.351.

(66) Hội Thượng Công Qúy Tế. Sách Bàn Xâm và Lịch Sử, 1949. Tr.15.

(67) Hội Thượng Công Qúy Tế. Tập Kỷ Niệm 200 Năm Sanh Nhựt Đức Tả Quân Và 50 Năm Thành Lập Hội Thượng Công Qúy Tế, 1964. Tr.74.

(68) Hội Thượng Công Qúy Tế. Tập Kỷ Niệm 200 Năm Sanh Nhựt Đức Tả Quân Và 50 Năm Thành Lập Hội Thương Công Qúy Tế. Sđd. Tr.74.