50 NĂM THỜ CÚNG TỔ TIÊN - 1
Với bầu khí hiệp thông với các đẳng linh hồn trong tháng 11, loạt bài bất ngờ được mang một tên mới: “50 năm thờ cúng Ông Bà” để nhấn mạnh hơn tới cuộc kỷ niệm “Plane compertum est” đang đến. Tuy nhiên, các bài chia sẻ vẫn tiếp tục được đánh số thứ tự nối theo loạt bài trước để việc loan báo Tin mừng cho Dòng họ và việc hội nhập Đạo Hiếu vào Tin mừng là một.
50 NĂM THỜ CÚNG ÔNG BÀ - Chia sẻ 27
CHUNG MỐI ĐỒNG CẢM
Sau khi đưa lên mạng bài chia sẻ số 16, tôi nhận được bài viết của tác giả Mạc Tường tựa đề “Như gấm thêm hoa”, trùng khít với những điều tôi đang viết. Do đó, đề tài chia sẻ này xin được dành để giới thiệu cùng quí độc giả suy tư của anh Mạc Tường.
NHƯ GẤM THÊM HOA
Thấm thoát đã gần nửa thế kỷ từ ngày Tòa Thánh chấp thuận cho giáo dân Việt Nam được thờ cúng ông bà, tổ tiên theo cung cách cổ truyền, miễn là đừng thực hiện những hành vi mang tính dị đoan. Giáo Hội Công giáo Việt Nam cũng đã cổ võ khuyến khích thực hiện việc thờ cúng ông bà tổ tiên theo tinh thần trên. Riêng Giáo Phận Quy Nhơn, gần đây các bài giáo huấn số 32 và 34 của lịch phụng vụ năm C được rao đọc trước các thánh lễ Chúa Nhật đã nhấn mạnh tính quan trọng và cấp thiết trong việc thiết lập bàn thờ gia tiên, thực hiện các nghi thức lễ bái, nhất là những dịp giỗ, chạp, lễ tết, để nhờ đó có thể sớm xóa tan được thành kiến “theo đạo bỏ ông bà”.
Sau gần nửa thế kỷ, được khuyến khích hòa nhập với cộng đồng dân tộc, hầu xóa sạch những hiểu lầm và hàn gắn những khoảng cách không đáng có giữa người Công giáo và anh chị em lương dân, thử hỏi chúng ta đã hòa nhập đến đâu?
Thật đau lòng và đáng lo ngại! Hiện nay, trong các gia đình Công giáo, một số đã có bàn thờ gia tiên, nhưng thử hỏi có bao nhiêu bàn thờ được bài trí một cách đàng hoàng, nghiêm cẩn như ở các gia đình lương dân?
Bước vào nhà người Công giáo, trên bàn thờ Chúa cũng như trên bàn thờ gia tiên, thật khó mà tìm thấy một cặp nến màu đỏ như ở các gia đình lương dân. Tại sao chúng ta cứ nhất thiết phải dùng nến trắng trong khi nến đỏ đã được dùng rất lâu ở Việt Nam trước khi có những cây nến màu trắng lạ mắt có nguồn gốc từ Châu Âu?
Trong những dịp lễ lớn chúng ta dâng lên bàn thờ Thiên Chúa, bàn thờ gia tiên những thức ăn, thức uống, bánh mứt, rượu bia, nước ngọt… Nhưng liệu chúng ta có quen với việc dâng lên một mâm cơm cúng như anh chị em lương dân quen làm không?
Khi trong gia đình Công giáo có tang sự, chúng ta thường rước đoàn kèn Tây (“rất tốn kém và thổi những bản nhạc đời vô tội vạ”, như một Cha sở đã nói). Chúng ta có đủ can đảm rước một đoàn nhạc bát âm, với những nhạc cụ dân tộc (chỉ diễn những bản nhạc thuộc về tang lễ) như anh chị em lương dân thường làm không? Còn bao nhiêu điều tưởng chừng như nhỏ nhặt, thực ra lại là hố sâu ngăn cách, khó bề gần gũi giữa người Công giáo và anh chị em lương dân.
Nếu chúng ta không quyết liệt về nguồn, không triệt để canh tân, loại bỏ những cách biệt, thiết nghĩ việc xóa định kiến “theo đạo bỏ ông bà” chắc chắn còn xa, xa vời lắm!
Mong rằng tất cả nọi người Công giáo Việt Nam ý thức được tầm quan trọng và cơ hội mà Hội Thánh đã trao cho chúng ta. Không lý gì chỉ vì màu của cây nến; không lý gì chỉ vì chút ngại ngần trước mâm cơm cúng; không lý gì chỉ vì không quen với dàn nhạc bát âm, và chỉ vì những tiểu tiết tương tự mà công việc truyền giáo cứ phải mãi mãi bị ngáng trở!
Những hố sâu, rào cản cần được dỡ bỏ, san bằng để mọi người Việt Nam dễ cảm nhận Đạo Công giáo phù hợp với tấm lòng, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam. Được như thế, trong một viễn cảnh không xa ta có thể thấy hình ảnh các thợ gặt rộn rã với những bó lúa vàng trĩu nặng trên tay trên khắp cánh đồng truyền giáo Việt Nam bao la bát ngát. Và ngày ấy Giáo Hội Công giáo Việt Nam sẽ “như gấm thêm hoa”.
MẠC TƯỜNG
50 NĂM THỜ CÚNG ÔNG BÀ - Chia sẻ 28
QUYỂN GIA LỄ Công Giáo HAY KINH NGUYỆN GIA ĐÌNH
Thông cáo 1965 kết thúc: “Yêu cầu quý cha phổ biến rộng rãi và giải thích tường tận thông cáo này không những trong các nhà thờ mỗi khi có dịp, không những cho anh em giáo hữu mà cho cả người ngoài Công Giáo. Các vị phụ trách Công Giáo Tiến hành cũng phải lấy thông cáo này làm đề tài học tập cho các hội đoàn trong các buổi họp và các khóa huấn luyện”.
Nói chung, các cha đều có trình bày trên tòa giảng, cả trong những dịp tang lễ và hôn lễ, trong các lớp dự bị hôn nhân. Cũng có những người muốn thúc đẩy cho việc tái hội nhập vào văn hóa dân tộc tiến nhanh nhưng hình như không mấy ai hưởng ứng. Bài viết của anh Mạc Tường tiêu biểu cho nỗi âu lo thao thức của những người quan tâm tới việc khai mở con đường loan Tin mừng qua việc thờ cúng Tổ Tiên. Phải nói rằng, sau 50 năm, nếu để khai báo thành quả, hầu như chúng ta chưa làm được gì mấy. Lắm người bảo việc áp dụng huấn thị “Plane compertum est” cách nửa vời càng dễ gây phản tác dụng vì dễ khiến người lương nghĩ rằng người Công Giáo không thật lòng trong việc này.
Sau những năm tích cực nhập cuộc tôi nghĩ sự trì trệ có hai lý do. Ngoài lý do tự nhiên là thiếu tài liệu hướng dẫn cụ thể, hẳn còn có một lý do siêu nhiên khá bất ngờ là linh tính đức tin của người tín hữu chưa cho phép họ mạnh dạn tiến xa. Ở chia sẻ sau, tôi sẽ nói tới lý do siêu nhiên, còn ở đây xin trình bày lý do tự nhiên.
Thật ra, cho tới nay chưa có tài liệu hướng dẫn thực hành chính thức nào đi xa hơn những nguyên tắc trong hai bản thông cáo 1965 và 1974. Nhiều giáo dân muốn áp dụng nhưng có lẽ chỉ biết cách mơ hồ, không rõ phải làm gì trong thực tế.
Đi tìm hiểu cách thực hành của anh chị em lương dân, tôi sớm nhận ra rằng các truyền thống đạo hiếu được duy trì và phổ cập đồng bộ trong dân chúng có lẽ là do sự góp phần rất lớn của một quyển sách mỏng tên là “Thọ Mai gia lễ”. Cũng có một vài quyển gia lễ khác nhưng có lẽ quyển Thọ Mai thịnh hành nhất và có ảnh hưởng rộng nhất. Nay nếu muốn cho việc áp dụng thông cáo của Hội Đồng Giám Mục đi sâu vào tận các gia đình, cũng cần có một quyển “Gia lễ Công Giáo” với những chỉ dẫn cặn kẽ.
QUYỂN GIA LỄ Công Giáo HAY KINH NGUYỆN GIA ĐÌNH
Đang khi tôi suy nghĩ tìm cách thực hiện thì Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, giám mục Nha Trang, sau khi dự Thượng hội đồng Giám mục về gia đình, đã giao cho tôi dịch tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục. Tôi dịch xong và trình cho ngài thì ngài bảo làm một sưu tập những kinh theo tinh thần mới để dùng cho các gia đình. Yêu cầu ấy của ngài cho tôi hiểu ra rằng quyển “Gia lễ Công Giáo” không gì khác hơn là một quyển “Kinh nguyện Gia đình”, với những đầy đủ các chỉ dẫn cần thiết cho các gia đình, trong đó có những chỉ dẫn về tang lễ, kỵ giỗ và việc thờ cúng Ông Bà. Tôi đúc kết một bản thảo, đem in lụa dùng thử rồi sửa đi sửa lại. Khoảng năm 1986 thì có được ấn bản mới. Đức Cha Phaolô duyệt qua và cho phép dùng. Sau đó cuối năm 1997 ngài cho imprimatur và Tòa Giám mục Nha Trang đã chính thức xin phép xuất bản và in lại nhiều lần.
Quyển sách gồm hai phần. Phần đầu là sưu tập một số các kinh cũ, kinh mới, bài hát, thánh vịnh, lời nguyện. Phần hai là những chương trình giờ kinh khác nhau trong gia đình. Trong đó, mục thứ năm là “Những dịp đặc biệt trong gia đình”, với những hướng dẫn về cúng lễ gia tiên, dọn tất niên, tưởng nhớ gia tiên dịp tết nguyên đán, lễ giao thừa, lễ minh niên, lễ bổn mạng một người trong gia đình, giáp năm ngày rửa tội, thôi nôi hoặc sinh nhật, nghi thức lễ cưới ở gia đình, giáp năm ngày cưới, lễ giỗ và làm phép nhà. Mục thứ sáu là chăm sóc bệnh nhân và cầu nguyện cho người hấp hối. Mục thứ bảy là “Cầu nguyện cho tín hữu đã qua đời”, với những hướng dẫn về viếng thi hài, canh thức cầu nguyện tại tang gia, nhập quan, động quan và di quan, trước khi hạ huyệt, nghi thức hoả táng và nghi thức tiếp nhận di cốt về gia đình. Mỗi mục nhỏ ấy đều gồm những chỉ dẫn thực hành (giống như các “lời bảo” ngày xưa) và những kinh hoặc bài hát thích hợp (lấy ở phần đầu của quyển sách). Xin nêu mục nhỏ thứ nhất làm minh họa.
18. CÚNG LỄ GIA TIÊN (phiên bản 1986)
Thiên Chúa đã tự xưng là Thiên Chúa của các tổ phụ. Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của người sống (Mt 22,32). Bên kia cái chết các bậc tiền nhân nào đã thực sự “sống khôn thác thiêng” đều đang sống trong Thiên Chúa. Các tín hữu ở trần gian kết hợp với họ trong mầu nhiệm các thánh thông công. Do đó, khi nhớ đến gia tiên tổ phụ, người Công Giáo không làm một sự thờ phượng ở ngoài sự thờ phượng Thiên Chúa, nhưng thật ra là để nhờ đó mà thêm lòng biết ơn và kính mến Thiên Chúa là nguồn mọi tình phụ tử trên trời dưới đất (Ep 3,14). Đàng khác, khi nhớ đến các tổ tiên theo huyết thống, người Công Giáo cũng nhớ đến các tổ phụ trong đức tin.
Người Việt Nam có thói quen rất tốt: mỗi khi gia đình có việc buồn vui đều luôn tưởng nhớ gia tiên và biểu lộ tâm tình ấy bằng việc cúng lễ. Người tín hữu Công Giáo Việt Nam tiếp nhận truyền thống tốt đẹp ấy với một cái nhìn chính xác, phù hợp với đức tin Kitô giáo.
Mỗi gia đình nên có một bàn thờ gia tiên đơn sơ. Mà đã có bàn thờ thì nhớ thắp hương, đừng để hương tàn khói lạnh.
Hình thức sơ đẳng nhất của lễ gia tiên là mỗi sớm, mỗi tối, mỗi lần ra khỏi nhà và mỗi lần đi đâu về, ta thắp một cây nhang cắm lên bàn thờ và thinh lặng cầu nguyện một phút.
Ngày tết ngày giỗ nên giữ một cây hương cháy suốt ngày. Tránh những chi tiết trái đức tin và tránh tốn kém không hợp tình hợp lý. Về hình thức, chỉ cốt sao biểu lộ được tấm lòng và giúp các cháu nhỏ học được lòng biết ơn tổ tiên và biết ơn Thiên Chúa Tạo Hoá.
Khi cúng lễ, cần nhắc cho các cháu nhỏ nhớ: Đức tin Công Giáo dạy ta biết rằng người quá cố không cần đến thức ăn vật chất, các lễ vật chỉ nhằm bày tỏ lòng biết ơn kính nhớ mà thôi.
Lễ gia tiên thường do vị trưởng tộc hoặc người cha trong gia đình chủ lễ. Nếu vị này vắng mặt thì vợ hoặc con trai hoặc con dâu trưởng chủ lễ.
Chương trình đơn giản như sau:
1. Thắp hương đèn trên bàn thờ
2. Dấu thánh giá
3. Kinh Lạy Cha
4. Tạ ơn Chúa:
Xướng: Ta hãy tạ ơn Thiên Chúa đã đưa các bậc tổ tiên ta về với Ngài.
Đáp:
A. Chúa trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên
Và nhớ mãi lời xưa giao ước
B. Chúa đã thề với tổ phụ Ab-ra-ham
Rằng sẽ giải phóng ta khỏi địch thù
5. Cầu cho các tín hữu đã qua đời:
X. Ta hãy cầu nguyện cho các linh hồn ở luyện ngục
Đ.
A. Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ
Cho các đẳng linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi
B. Hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen.
6. Lời nguyện với tổ tiên (do vị chủ lễ đọc):
Kính lạy anh linh các bậc tổ tiên ông bà nội ngoại hai bên, cùng các bác, các chú, thím, cô dì, cậu mợ và mọi anh chị em đã qua đời.
Hôm nay nhân ngày. .. (nhân ngày đầu năm, cuối năm, hoặc nhân một ngày một dịp nào khác), chúng con xin thắp nén hương bày tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn. Kính xin thương cầu nguyện cho chúng con được bình an mạnh khoẻ, được hoà thuận êm ấm và được mọi điều tốt đẹp như ý Thiên Chúa muốn. ..
(Vị chủ lễ vái 4 vái. Những người hiện diện tuần tự tiến lên vái mỗi người 4 vái và cầu nguyện riêng. Ai không lên vái cũng không sao. Đến đây kết thúc trong thinh lặng hoặc cũng có thể hát một bài tạ ơn để kết thúc).
XIN GÓP Ý
Đó là mục thứ 18 trong phần II của quyển “Kinh Nguyện Gia Đình” và cũng là mở đầu cho phần “Gia lễ Công Giáo”. Có thể một số độc giả đã từng sử dụng quyển sách và biết phần hướng dẫn ở các mục khác tương tự. Quý độc giả nào chưa biết quyển sách, xin tải xuống từ địa chỉ:
http://gpquinhon.org/qn/download/tu-duc/Kinh-nguyen-gia-dinh/
Đóng góp của tôi trong quyển sách chỉ mới là một cố gắng cá nhân. Tôi đã cố gắng bám sát những trường hợp có thật và đa dạng để xây dựng các lời chỉ dẫn cho đúng thực tế. Dù vậy, còn rất nhiều thiếu sót.
Đã hơn 25 năm. Cả những bài hát trong đó đã nhiều bài bị đào thải. Nay chuẩn bị mừng 50 năm áp dụng huấn thị Plane compertum est, Ban Mục vụ Văn hóa Giáo phận Qui Nhơn đang duyệt lại toàn bộ để phát hành với tựa đề mới là SÁCH GIA LỄ Công Giáo.
Trong viễn tượng loan Tin mừng rộng lớn và lâu dài, các chỉ dẫn thực hành này cần được chỉnh sửa thật chu đáo. Do đó, tôi tha thiết ước mong quý độc giả chịu khó tải quyển sách xuống, xem kỹ mục thứ năm và thứ bảy của phần II và đóng góp ý kiến. Quý vị nào muốn góp ý trên bản thảo mới, chúng tôi sẽ gửi file vi tính của bản thảo. Chúng tôi mong nhận được các góp ý trước ngày 15-12 để có thể sớm hoàn tất việc biên tập.
Xin liên lạc về: tinmunggiesu@gmail.com
Xin chân thành cám ơn.
50 NĂM THỜ CÚNG ÔNG BÀ - Chia sẻ 29
50 NĂM LINH TÍNH ĐỨC TIN – NGHI THỨC CÚNG GIỖ
Xin được trình bày lý do thứ hai, lý do siêu nhiên, khiến việc áp dụng huấn thị Plane compertum est trong 50 năm qua tiến rất chậm. Suy cho kỹ, chúng ta sẽ phải cảm tạ Thiên Chúa vô cùng vì sự an bài kỳ diệu Ngài đã làm cho Giáo Hội tại Việt Nam trong lãnh vực này, nơi cuộc tranh luận 1610-1742 xưa kia cũng như nơi sự trì trệ 50 năm qua. Mãi đến hôm nay, cả những linh mục đã đọc kỹ hai thông cáo 1965 và 1974 vẫn thấy ngập ngừng liệu có nên khuyến khích giáo dân bày đồ cúng lên bàn thờ với các thức ăn như xôi, chè, thịt, cá. Sự ngập ngừng ấy không phải không có lý do. Vậy đâu là trở ngại và đâu là cách giải quyết?
Sau hơn 20 năm tích cực nhập cuộc, nghe ngóng, xem xét, suy tư và sáng tạo thể nghiệm, tôi nhận ra rằng nơi sự dè dặt ấy có ơn của Chúa Thánh Thần rất rõ. Sự dè dặt ấy có thể nói là một minh họa sống động hiếm hoi cho trường hợp thứ ba của ơn vô ngộ là cảm thức đức tin của Dân Chúa mà cha Phi Khanh Vương Đình Khởi gọi dịch rất chính xác là “linh tính đức tin” của các tín hữu (x. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 889). Mặc dù hai thông cáo 1965 và 1974 mở rộng cửa, cả các linh mục lẫn giáo dân đều cảm thấy có cái gì đó chưa ổn. Người ta linh cảm rằng ở đây, giữa ý nghĩa dấu chỉ tượng trưng và những ngộ nhận dẫn đến mê tín, ranh giới thật mong manh. Đang khi có những tác giả mới như Khải Chính Phạm Kim Thư (Nguyên tắc cúng, khấn, vái và lạy – dactrung.net) diễn giải các chi tiết một cách trong sáng, gần gũi với cách nhìn của Giáo Hội Công Giáo thì các sách nghi lễ hiện hành kết thúc các văn tế với lời mời tiền nhân về “phối hưởng” các lễ phẩm (ví dụ trong quyển “Tập Văn tế mẫu Cúng Gia Tiên”, Thái Vy biên soạn, Nxb Thanh Hóa,2007). Các bài văn tế hiện dùng thường dịch lại sát các bản văn xưa và cũng mang ý nghĩa mời người xưa về hưởng các lễ phẩm. Nói tắt, vẫn còn một tỉ lệ lớn bà con lương dân nghĩ rằng Ông Bà Tổ Tiên về hưởng của cúng.
Có nhìn vào thực tế ấy, ta mới hiểu được tính nghiêm túc của cuộc tranh luận kéo dài cả 130 năm từ sau cái chết của cha Matthieu Ricci (1610) và của huấn thị Ex quo singulari. Thực tế ấy cũng giúp chúng ta thông cảm với lập trường dứt khoát và cứng rắn của anh em Tin lành trong vấn đề “ăn của cúng”.
Những chi tiết văn hóa khi hội nhập vào cuộc sống người Kitô hữu phải được mặc lấy một ý nghĩa mới, nhưng đó là ý nghĩa nào? Ở đây, không thể xuề xòa hay nhập nhằng thỏa hiệp.
Thông cáo 1965 nói: “nếu cần, thì phải giải thích chủ ý của mình một cách khéo léo, hợp cảnh, hợp thời”, và thông cáo 1974 nói nếu “sợ có sự hiểu lầm nên khéo léo giải thích qua những lời phân ưu khích lệ, thông cảm…”. Thật ra đó là việc vượt quá khả năng người giáo dân bình thường. Ngay cả khi họ vẫn nắm vững và biết cách giải thích, khung cảnh thực tế của sự việc thường rất tế nhị, những giải thích như thế sẽ thiếu tự nhiên, lắm khi còn vô tình gây những căng thẳng không đáng có.
Để giúp vượt khỏi những ngập ngừng dè dặt kia cũng như những trường hợp khó xử này, cần có một quyển gia lễ hướng dẫn cặn kẽ cho việc áp dụng huấn thị Plane compertum est, để qua đó cả người giáo lẫn người lương đều có thể hiểu cách dễ dàng là Giáo Hội muốn dạy gì. Phiên bản “Kinh nguyện gia đình” 1986 của chúng tôi cũng chỉ mới nêu một số đề xuất mang tính dò dẫm. Sau hơn 25 năm thể nghiệm, chúng tôi thấy vấn đề khá rõ. Với phiên bản “Sách Gia lễ Công Giáo” sắp ấn hành, chúng tôi xin được mạnh dạn đề xuất một bản văn “nghi thức cúng giỗ” như sau. Rất mong được độc giả bốn phương, Công Giáo cũng như ngoài Công Giáo, góp ý hoàn chỉnh. Xin gửi về: tinmunggiesu@gmail.com
NGHI THỨC CÚNG GIỖ
Việc cầu nguyện trong ngày giỗ vừa là để dâng lời cảm tạ Chúa đã giải thoát các bậc tổ tiên, đưa về hưởng nhan Chúa, vừa là để cầu xin ơn giải thoát cho những người đang cần được thanh luyện, quen gọi là cầu hồn. Đối với những người mới qua đời, ta nên nhấn mạnh tới việc cầu hồn, còn đối với những người đã qua đời rất lâu năm, ta có thể chú trọng hơn tới việc dâng lời cảm tạ Chúa nhân từ đã thứ tha và giải thoát. Cần nhớ rằng chúng ta đang sống trong một thế giới lệ thuộc không gian và thời gian, còn tiền nhân đã khuất đang thuộc về một thế giới vượt ngoài không gian và thời gian, do đó lấy ý niệm “rồi” và “chưa” theo cách ta quen suy nghĩ ở đời này đem áp dụng cho thế giới đời sau không khỏi có phần khập khiễng. Nói đến đời sau là ta đang chạm đến những mầu nhiệm vượt khỏi mọi ý niệm cân đo đong đếm. Cũng nên nhớ rằng ngay cả những vị đã chết mà không chịu phép thánh tẩy, ta vẫn có thể tin rằng Thiên Chúa nhân từ và đầy quyền năng đã có cách cứu vớt họ trong Chúa Kitô và nhờ Chúa Kitô.
Cũng đừng quên rằng ta có thể cầu nguyện với những bậc tổ tiên đang được hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa. Nói đúng hơn, ta có thể xin họ cầu nguyện với Chúa cho ta. Khi còn sống, họ đã yêu thương cầu nguyện cho ta, thì khi đã về với Chúa, họ còn yêu thương ta hơn và lời cầu nguyện của họ còn hữu hiệu hơn.
Bữa ăn giỗ là để phát huy tình cảm gia đình và gia tộc, lắm khi là để giúp vượt qua những bất hòa bất thuận trong cuộc sống, để ai nấy lại thấy ấm tình hiệp thông và hiệp nhất. Do đó, từ chương trình đến cách sắp xếp chỗ ngồi, cần làm sao để cả người lớn và trẻ con đều tham dự tích cực, chan hoà trong tình hiệp nhất thân mật. Nên chú trọng hơn tới nội bộ gia tộc. Nếu mời vài người khách thì nên liệu sao để sự hiện diện của họ không ngăn cản sự thân mật giữa mọi người trong gia tộc.
Trên bàn thờ, có thể dùng nến hồng (ngụ ý xin Chúa ban phúc lành cho mọi người có mặt và vắng mặt) hoặc nến trắng (ngụ ý nói lên lòng tin, cậy và yêu mến Chúa). Cũng có thể dọn mâm cơm trước bàn thờ theo truyền thống dân tộc. Về nghi thức cầu nguyện, có thể theo một trong ba hình thức sau đây.
A. Hình thức thứ nhất:
- Gia chủ nói đôi lời tuyên bố lý do: giỗ ai, mấy năm, vài nét về người đã khuất (nếu là giỗ chung thì nói chung về những tiền bối liên hệ) và mời mọi người cầu nguyện
- Gia chủ ghi dấu thánh giá, xướng kinh Lạy Cha,
- Có thể đọc vài câu Lời Chúa
- Hát một bài
- Lời nguyện trên của cúng:
“Lạy Cha, xin chúc lành cho những của ăn Cha đã rộng lòng ban cho chúng con mà chúng con dùng để bày tỏ niềm hiệp thông thân thương và quý mến đối với người thân yêu đã khuất. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.”
- Lời nguyện lễ giỗ:
Lạy Chúa, chúng con xin ngợi khen cảm tạ Chúa nhân từ đã thương đưa các bậc tổ tiên chúng con về hưởng hạnh phúc với Chúa. Chúng con cũng xin Chúa đoái thương đến những linh hồn đã qua đời đang cần tới lòng từ bi vĩnh cửu của Chúa, xin đoái thương cho họ sớm được hợp đoàn cùng các thánh Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
(Có thể thêm: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ. Chúa dạy chúng con phải giữ lòng hiếu thảo. Hôm nay chúng con họp nhau để kính nhớ tổ tiên. Xin Chúa trả công bội hậu cho những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con, và giúp chúng con luôn sống cho phải đạo đối với các ngài. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.)
X. Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ, xin cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi.
Đ. Hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen.
B. Hình thức thứ hai
Chủ sự tuyên bố lý do rồi nguyện kinh trước bữa ăn hoặc hát một bài xin Chúa chúc lành rồi mời mọi người dùng bữa.
C. Hình thức thứ ba
Nếu cử hành nghi thức cúng giỗ theo truyền thống dân tộc thì thực hiện theo thứ tự sau đây
1. CHUẨN BỊ ĐỒ CÚNG
Sau khi dọn thức ăn, mọi người tề tựu nghiêm trang, chủ lễ cầu nguyện trên của cúng.
2. LỜI NGUYỆN TRÊN CỦA CÚNG
Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần
Lạy Cha là Chúa Trời Đất, là Cội Nguồn duy nhất và là Hạnh Phúc đích thật của muôn loài. Chúng con cảm tạ Cha đã ban những lương thực này để nuôi sống chúng con như đã nuôi sống những người đi trước chúng con. Giờ đây những người đã khuất không còn cần đến những lương thực này nữa nhưng trước khi chúng con cùng nhau dùng bữa tưởng nhớ (người thân của chúng con/họ/các ngài), chúng con muốn bày tỏ niềm kính trọng, mến thương và hiệp thông qua dấu hiệu thân thương của bữa ăn. Nhờ đó, chúng con cảm thấy người đã khuất vẫn hết sức gần gũi với chúng con. Nếu (người thân của chúng con/họ/các ngài) còn vướng mắc những lỗi lầm thiếu sót, cúi xin Cha thương sớm hoàn tất cuộc thanh tẩy để (người thân của chúng con/họ/các ngài) sớm được hưởng Tiệc vui đời đời. Cúi xin Cha cũng thương cho tất cả chúng con đây một ngày kia được chung hưởng niềm vui Nước Trời với Cha và với những người thân yêu đã đi trước chúng con. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Con Cha, là Thiên Chúa và là Chúa chúng con, là Đấng hằng sống hằng trị cùng Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn thở muôn đời. Amen.
(Nếu có sẵn nước thánh, chủ lễ nói những lời sau đây trước khi rảy:
- Thưa anh chị em, chúng ta cảm ta Chúa đã ban bí tích Thánh Tẩy để tái sinh chúng ta làm con cái Chúa. Nước thánh chúng ta dùng đây là nước tự nhiên nhưng chúng ta đã xin Chúa chúc lành để thành dấu hiệu nhắc chúng ta nhớ đến ơn làm con cái Chúa qua bí tích Thánh Tẩy. Có những người chưa được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy bằng nước, nhưng lòng đã hướng về Chúa và đã cố gắng sống ngay chính theo lương tâm, thì cũng được Thiên Chúa thanh tẩy trong máu Chúa Kitô. Với nước thánh này rảy trên của cúng, chúng ta cảm tạ Chúa đã cho tiền nhân được làm người và hơn nữa, còn được làm con cái Thiên Chúa và được chung phần hạnh phúc đời đời với Chúa.
(chủ sự rảy nước thánh trên của cúng)
Mọi người cùng đọc chung Kinh Lạy Cha.
3. VĂN KHẤN
(Văn khấn đọc trước bàn thờ, nên viết ra giấy thật rõ ràng, bỏ những chữ thừa, để khi đọc không lẫn lộn, mất nghiêm túc)
VĂN KHẤN VỚI MỘT NGƯỜI ĐÃ KHUẤT TRONG NGÀY GIỖ RIÊNG
Ông (Bà/Cha/Mẹ/Bác/Chú/Thím/Cô/Dì/Cậu/Mợ/ Anh/Chị/Em) kính mến (hay thân mến),
Hôm nay là ngày giỗ (đầy năm) của Ông (Bà/Cha/ Mẹ/Bác/Chú/Thím/Cô/Dì/Cậu/ Mợ/Anh/Chị/Em). Tất cả chúng con (chúng tôi) quy tụ về đây để tưởng nhớ.
Chúng con (chúng tôi) không quên được hình ảnh của (Ông/Bà/Cha/Mẹ/Bác/Chú/Thím/ Cô/Dì/Cậu/Mợ/Anh/Chị hoặc Em). Dù nay còn phải buồn sầu xa cách vì sự chết, nhưng mai kia chúng ta sẽ lại sum vầy bên nhau trong cõi lòng của Thiên Chúa Tình Yêu. Là con cái Chúa, chúng ta biết rằng sự sống thay đổi chứ không mất đi và thời lưu ngụ dưới trần chấm dứt là để nhường chỗ cho hạnh phúc vĩnh cửu trên trời. Chúng con (chúng tôi) họp nhau cầu xin Thiên Chúa là Cha, nhờ công ơn cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô, Con Ngài, sớm hoàn tất những thanh luyện cần thiết cho (Ông/Bà/Cha/Mẹ/Bác/Chú/Thím/Cô/Dì/Cậu/Mợ/ Anh/Chị/Em) và đưa về hưởng phúc muôn đời. Chúng con (chúng tôi) cũng xin (Ông/Bà/Cha/Mẹ/Bác/Chú/Thím/Cô/Dì/Cậu/Mợ/Anh/Chị/Em) nhớ đến chúng con (chúng tôi), chuyển cầu cho chúng con (chúng tôi) trước nhan Chúa để chúng con (chúng tôi) được mọi ơn lành phần hồn và phần xác, sống xứng đáng là con cái Chúa, bây giờ và mãi mãi. Amen.
VĂN KHẤN VỚI TỔ TIÊN TRONG NGÀY GIỖ CHUNG (GIỖ TẾ HIỆP)
Hôm nay là ngày … tháng… năm… Tất cả chúng con cùng quy tụ nơi đây để tưởng nhớ toàn thể tiên nhân trong Gia tộc, Tổ tiên, Ông Bà, Cha Mẹ, các Bác, các Chú, Thím, Cô, Dì, Cậu, Mợ và các Anh Chị Em đã hoàn tất hành trình dương thế trước chúng con.
Thiên Chúa Toàn Năng là Cha Trên Trời, là Cội Nguồn duy nhất, là Đấng Tạo Hóa đã thương tạo dựng nên tất cả, cho sống trên cõi đời này rồi lại thương gọi về cho hưởng phúc đời đời với Ngài.
Chúng ta yếu hèn tội lỗi, nhưng Chúa Cha giàu lòng thương xót đã cho Con Ngài là Chúa Kitô đến hy sinh, chịu nạn chịu chết trên cây thánh giá mà cứu chuộc và ban ơn tha thứ; nhờ đó, chúng ta được thoát ách sự chết và được sống luôn mãi cho Thiên Chúa là Cha.
Hôm nay chúng con họp nhau cùng cảm tạ, chúc tụng và ngợi khen Thiên Chúa về những hồng ân ấy. Chúng con cầu xin cho tất cả những ai đang cần ơn giải thoát, sớm được Thiên Chúa hoàn tất những thanh luyện cần thiết và đưa về hưởng phúc muôn đời.
Chúng con cũng xin các bậc tiền nhân nhớ đến chúng con, chuyển cầu cho chúng con trước nhan Chúa để chúng con được mọi ơn lành phần hồn và phần xác, sống xứng đáng là con cái Chúa, bây giờ và mãi mãi. Amen.
Sau phần văn khấn, chủ sự đọc lời nguyện lễ giỗ và lời nguyện báo hiếu:
Chúng ta dâng lời cầu nguyện.
Lạy Chúa, chúng con xin ngợi khen cảm tạ Chúa nhân từ đã thương đưa các bậc tổ tiên chúng con về hưởng hạnh phúc với Chúa. Chúng con cũng xin Chúa đoái thương đến những linh hồn đã qua đời đang cần tới lòng từ bi vĩnh cửu của Chúa, xin đoái thương cho họ sớm được hợp đoàn cùng các thánh Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Lạy Chúa là Cha rất nhân từ. Chúa dạy chúng con phải giữ lòng hiếu thảo. Hôm nay chúng con họp nhau để kính nhớ tổ tiên. Xin Chúa trả công bội hậu cho những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con, và giúp chúng con luôn sống cho phải đạo đối với các ngài. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Để kết thúc phần nghi thức, chủ sự xướng cho mọi người đáp như sau:
- X: Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ, xin cho các đẳng linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi
- Đ: Hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen.
4. NIỆM HƯƠNG
Từng người đến khấn và vái trước bàn thờ gia tiên và bàn thờ của vị được tưởng nhớ trong ngày giỗ.
Cầm hương trong tay và khấn thầm hoặc nói lớn rồi thinh lặng, lâu hay mau tùy ý tùy lòng, rồi cắm hương lên các bàn thờ.
Sau đó có thể vái, lạy hoặc phủ phục, rồi lui xuống, nhường chỗ cho người khác.
Với bầu khí hiệp thông với các đẳng linh hồn trong tháng 11, loạt bài bất ngờ được mang một tên mới: “50 năm thờ cúng Ông Bà” để nhấn mạnh hơn tới cuộc kỷ niệm “Plane compertum est” đang đến. Tuy nhiên, các bài chia sẻ vẫn tiếp tục được đánh số thứ tự nối theo loạt bài trước để việc loan báo Tin mừng cho Dòng họ và việc hội nhập Đạo Hiếu vào Tin mừng là một.
50 NĂM THỜ CÚNG ÔNG BÀ - Chia sẻ 27
CHUNG MỐI ĐỒNG CẢM
Sau khi đưa lên mạng bài chia sẻ số 16, tôi nhận được bài viết của tác giả Mạc Tường tựa đề “Như gấm thêm hoa”, trùng khít với những điều tôi đang viết. Do đó, đề tài chia sẻ này xin được dành để giới thiệu cùng quí độc giả suy tư của anh Mạc Tường.
NHƯ GẤM THÊM HOA
Thấm thoát đã gần nửa thế kỷ từ ngày Tòa Thánh chấp thuận cho giáo dân Việt Nam được thờ cúng ông bà, tổ tiên theo cung cách cổ truyền, miễn là đừng thực hiện những hành vi mang tính dị đoan. Giáo Hội Công giáo Việt Nam cũng đã cổ võ khuyến khích thực hiện việc thờ cúng ông bà tổ tiên theo tinh thần trên. Riêng Giáo Phận Quy Nhơn, gần đây các bài giáo huấn số 32 và 34 của lịch phụng vụ năm C được rao đọc trước các thánh lễ Chúa Nhật đã nhấn mạnh tính quan trọng và cấp thiết trong việc thiết lập bàn thờ gia tiên, thực hiện các nghi thức lễ bái, nhất là những dịp giỗ, chạp, lễ tết, để nhờ đó có thể sớm xóa tan được thành kiến “theo đạo bỏ ông bà”.
Sau gần nửa thế kỷ, được khuyến khích hòa nhập với cộng đồng dân tộc, hầu xóa sạch những hiểu lầm và hàn gắn những khoảng cách không đáng có giữa người Công giáo và anh chị em lương dân, thử hỏi chúng ta đã hòa nhập đến đâu?
Thật đau lòng và đáng lo ngại! Hiện nay, trong các gia đình Công giáo, một số đã có bàn thờ gia tiên, nhưng thử hỏi có bao nhiêu bàn thờ được bài trí một cách đàng hoàng, nghiêm cẩn như ở các gia đình lương dân?
Bước vào nhà người Công giáo, trên bàn thờ Chúa cũng như trên bàn thờ gia tiên, thật khó mà tìm thấy một cặp nến màu đỏ như ở các gia đình lương dân. Tại sao chúng ta cứ nhất thiết phải dùng nến trắng trong khi nến đỏ đã được dùng rất lâu ở Việt Nam trước khi có những cây nến màu trắng lạ mắt có nguồn gốc từ Châu Âu?
Trong những dịp lễ lớn chúng ta dâng lên bàn thờ Thiên Chúa, bàn thờ gia tiên những thức ăn, thức uống, bánh mứt, rượu bia, nước ngọt… Nhưng liệu chúng ta có quen với việc dâng lên một mâm cơm cúng như anh chị em lương dân quen làm không?
Khi trong gia đình Công giáo có tang sự, chúng ta thường rước đoàn kèn Tây (“rất tốn kém và thổi những bản nhạc đời vô tội vạ”, như một Cha sở đã nói). Chúng ta có đủ can đảm rước một đoàn nhạc bát âm, với những nhạc cụ dân tộc (chỉ diễn những bản nhạc thuộc về tang lễ) như anh chị em lương dân thường làm không? Còn bao nhiêu điều tưởng chừng như nhỏ nhặt, thực ra lại là hố sâu ngăn cách, khó bề gần gũi giữa người Công giáo và anh chị em lương dân.
Nếu chúng ta không quyết liệt về nguồn, không triệt để canh tân, loại bỏ những cách biệt, thiết nghĩ việc xóa định kiến “theo đạo bỏ ông bà” chắc chắn còn xa, xa vời lắm!
Mong rằng tất cả nọi người Công giáo Việt Nam ý thức được tầm quan trọng và cơ hội mà Hội Thánh đã trao cho chúng ta. Không lý gì chỉ vì màu của cây nến; không lý gì chỉ vì chút ngại ngần trước mâm cơm cúng; không lý gì chỉ vì không quen với dàn nhạc bát âm, và chỉ vì những tiểu tiết tương tự mà công việc truyền giáo cứ phải mãi mãi bị ngáng trở!
Những hố sâu, rào cản cần được dỡ bỏ, san bằng để mọi người Việt Nam dễ cảm nhận Đạo Công giáo phù hợp với tấm lòng, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam. Được như thế, trong một viễn cảnh không xa ta có thể thấy hình ảnh các thợ gặt rộn rã với những bó lúa vàng trĩu nặng trên tay trên khắp cánh đồng truyền giáo Việt Nam bao la bát ngát. Và ngày ấy Giáo Hội Công giáo Việt Nam sẽ “như gấm thêm hoa”.
MẠC TƯỜNG
50 NĂM THỜ CÚNG ÔNG BÀ - Chia sẻ 28
QUYỂN GIA LỄ Công Giáo HAY KINH NGUYỆN GIA ĐÌNH
Thông cáo 1965 kết thúc: “Yêu cầu quý cha phổ biến rộng rãi và giải thích tường tận thông cáo này không những trong các nhà thờ mỗi khi có dịp, không những cho anh em giáo hữu mà cho cả người ngoài Công Giáo. Các vị phụ trách Công Giáo Tiến hành cũng phải lấy thông cáo này làm đề tài học tập cho các hội đoàn trong các buổi họp và các khóa huấn luyện”.
Nói chung, các cha đều có trình bày trên tòa giảng, cả trong những dịp tang lễ và hôn lễ, trong các lớp dự bị hôn nhân. Cũng có những người muốn thúc đẩy cho việc tái hội nhập vào văn hóa dân tộc tiến nhanh nhưng hình như không mấy ai hưởng ứng. Bài viết của anh Mạc Tường tiêu biểu cho nỗi âu lo thao thức của những người quan tâm tới việc khai mở con đường loan Tin mừng qua việc thờ cúng Tổ Tiên. Phải nói rằng, sau 50 năm, nếu để khai báo thành quả, hầu như chúng ta chưa làm được gì mấy. Lắm người bảo việc áp dụng huấn thị “Plane compertum est” cách nửa vời càng dễ gây phản tác dụng vì dễ khiến người lương nghĩ rằng người Công Giáo không thật lòng trong việc này.
Sau những năm tích cực nhập cuộc tôi nghĩ sự trì trệ có hai lý do. Ngoài lý do tự nhiên là thiếu tài liệu hướng dẫn cụ thể, hẳn còn có một lý do siêu nhiên khá bất ngờ là linh tính đức tin của người tín hữu chưa cho phép họ mạnh dạn tiến xa. Ở chia sẻ sau, tôi sẽ nói tới lý do siêu nhiên, còn ở đây xin trình bày lý do tự nhiên.
Thật ra, cho tới nay chưa có tài liệu hướng dẫn thực hành chính thức nào đi xa hơn những nguyên tắc trong hai bản thông cáo 1965 và 1974. Nhiều giáo dân muốn áp dụng nhưng có lẽ chỉ biết cách mơ hồ, không rõ phải làm gì trong thực tế.
Đi tìm hiểu cách thực hành của anh chị em lương dân, tôi sớm nhận ra rằng các truyền thống đạo hiếu được duy trì và phổ cập đồng bộ trong dân chúng có lẽ là do sự góp phần rất lớn của một quyển sách mỏng tên là “Thọ Mai gia lễ”. Cũng có một vài quyển gia lễ khác nhưng có lẽ quyển Thọ Mai thịnh hành nhất và có ảnh hưởng rộng nhất. Nay nếu muốn cho việc áp dụng thông cáo của Hội Đồng Giám Mục đi sâu vào tận các gia đình, cũng cần có một quyển “Gia lễ Công Giáo” với những chỉ dẫn cặn kẽ.
QUYỂN GIA LỄ Công Giáo HAY KINH NGUYỆN GIA ĐÌNH
Quyển sách gồm hai phần. Phần đầu là sưu tập một số các kinh cũ, kinh mới, bài hát, thánh vịnh, lời nguyện. Phần hai là những chương trình giờ kinh khác nhau trong gia đình. Trong đó, mục thứ năm là “Những dịp đặc biệt trong gia đình”, với những hướng dẫn về cúng lễ gia tiên, dọn tất niên, tưởng nhớ gia tiên dịp tết nguyên đán, lễ giao thừa, lễ minh niên, lễ bổn mạng một người trong gia đình, giáp năm ngày rửa tội, thôi nôi hoặc sinh nhật, nghi thức lễ cưới ở gia đình, giáp năm ngày cưới, lễ giỗ và làm phép nhà. Mục thứ sáu là chăm sóc bệnh nhân và cầu nguyện cho người hấp hối. Mục thứ bảy là “Cầu nguyện cho tín hữu đã qua đời”, với những hướng dẫn về viếng thi hài, canh thức cầu nguyện tại tang gia, nhập quan, động quan và di quan, trước khi hạ huyệt, nghi thức hoả táng và nghi thức tiếp nhận di cốt về gia đình. Mỗi mục nhỏ ấy đều gồm những chỉ dẫn thực hành (giống như các “lời bảo” ngày xưa) và những kinh hoặc bài hát thích hợp (lấy ở phần đầu của quyển sách). Xin nêu mục nhỏ thứ nhất làm minh họa.
18. CÚNG LỄ GIA TIÊN (phiên bản 1986)
Thiên Chúa đã tự xưng là Thiên Chúa của các tổ phụ. Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của người sống (Mt 22,32). Bên kia cái chết các bậc tiền nhân nào đã thực sự “sống khôn thác thiêng” đều đang sống trong Thiên Chúa. Các tín hữu ở trần gian kết hợp với họ trong mầu nhiệm các thánh thông công. Do đó, khi nhớ đến gia tiên tổ phụ, người Công Giáo không làm một sự thờ phượng ở ngoài sự thờ phượng Thiên Chúa, nhưng thật ra là để nhờ đó mà thêm lòng biết ơn và kính mến Thiên Chúa là nguồn mọi tình phụ tử trên trời dưới đất (Ep 3,14). Đàng khác, khi nhớ đến các tổ tiên theo huyết thống, người Công Giáo cũng nhớ đến các tổ phụ trong đức tin.
Người Việt Nam có thói quen rất tốt: mỗi khi gia đình có việc buồn vui đều luôn tưởng nhớ gia tiên và biểu lộ tâm tình ấy bằng việc cúng lễ. Người tín hữu Công Giáo Việt Nam tiếp nhận truyền thống tốt đẹp ấy với một cái nhìn chính xác, phù hợp với đức tin Kitô giáo.
Mỗi gia đình nên có một bàn thờ gia tiên đơn sơ. Mà đã có bàn thờ thì nhớ thắp hương, đừng để hương tàn khói lạnh.
Hình thức sơ đẳng nhất của lễ gia tiên là mỗi sớm, mỗi tối, mỗi lần ra khỏi nhà và mỗi lần đi đâu về, ta thắp một cây nhang cắm lên bàn thờ và thinh lặng cầu nguyện một phút.
Ngày tết ngày giỗ nên giữ một cây hương cháy suốt ngày. Tránh những chi tiết trái đức tin và tránh tốn kém không hợp tình hợp lý. Về hình thức, chỉ cốt sao biểu lộ được tấm lòng và giúp các cháu nhỏ học được lòng biết ơn tổ tiên và biết ơn Thiên Chúa Tạo Hoá.
Khi cúng lễ, cần nhắc cho các cháu nhỏ nhớ: Đức tin Công Giáo dạy ta biết rằng người quá cố không cần đến thức ăn vật chất, các lễ vật chỉ nhằm bày tỏ lòng biết ơn kính nhớ mà thôi.
Lễ gia tiên thường do vị trưởng tộc hoặc người cha trong gia đình chủ lễ. Nếu vị này vắng mặt thì vợ hoặc con trai hoặc con dâu trưởng chủ lễ.
Chương trình đơn giản như sau:
1. Thắp hương đèn trên bàn thờ
2. Dấu thánh giá
3. Kinh Lạy Cha
4. Tạ ơn Chúa:
Xướng: Ta hãy tạ ơn Thiên Chúa đã đưa các bậc tổ tiên ta về với Ngài.
Đáp:
A. Chúa trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên
Và nhớ mãi lời xưa giao ước
B. Chúa đã thề với tổ phụ Ab-ra-ham
Rằng sẽ giải phóng ta khỏi địch thù
5. Cầu cho các tín hữu đã qua đời:
X. Ta hãy cầu nguyện cho các linh hồn ở luyện ngục
Đ.
A. Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ
Cho các đẳng linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi
B. Hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen.
6. Lời nguyện với tổ tiên (do vị chủ lễ đọc):
Kính lạy anh linh các bậc tổ tiên ông bà nội ngoại hai bên, cùng các bác, các chú, thím, cô dì, cậu mợ và mọi anh chị em đã qua đời.
Hôm nay nhân ngày. .. (nhân ngày đầu năm, cuối năm, hoặc nhân một ngày một dịp nào khác), chúng con xin thắp nén hương bày tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn. Kính xin thương cầu nguyện cho chúng con được bình an mạnh khoẻ, được hoà thuận êm ấm và được mọi điều tốt đẹp như ý Thiên Chúa muốn. ..
(Vị chủ lễ vái 4 vái. Những người hiện diện tuần tự tiến lên vái mỗi người 4 vái và cầu nguyện riêng. Ai không lên vái cũng không sao. Đến đây kết thúc trong thinh lặng hoặc cũng có thể hát một bài tạ ơn để kết thúc).
XIN GÓP Ý
Đó là mục thứ 18 trong phần II của quyển “Kinh Nguyện Gia Đình” và cũng là mở đầu cho phần “Gia lễ Công Giáo”. Có thể một số độc giả đã từng sử dụng quyển sách và biết phần hướng dẫn ở các mục khác tương tự. Quý độc giả nào chưa biết quyển sách, xin tải xuống từ địa chỉ:
http://gpquinhon.org/qn/download/tu-duc/Kinh-nguyen-gia-dinh/
Đóng góp của tôi trong quyển sách chỉ mới là một cố gắng cá nhân. Tôi đã cố gắng bám sát những trường hợp có thật và đa dạng để xây dựng các lời chỉ dẫn cho đúng thực tế. Dù vậy, còn rất nhiều thiếu sót.
Đã hơn 25 năm. Cả những bài hát trong đó đã nhiều bài bị đào thải. Nay chuẩn bị mừng 50 năm áp dụng huấn thị Plane compertum est, Ban Mục vụ Văn hóa Giáo phận Qui Nhơn đang duyệt lại toàn bộ để phát hành với tựa đề mới là SÁCH GIA LỄ Công Giáo.
Trong viễn tượng loan Tin mừng rộng lớn và lâu dài, các chỉ dẫn thực hành này cần được chỉnh sửa thật chu đáo. Do đó, tôi tha thiết ước mong quý độc giả chịu khó tải quyển sách xuống, xem kỹ mục thứ năm và thứ bảy của phần II và đóng góp ý kiến. Quý vị nào muốn góp ý trên bản thảo mới, chúng tôi sẽ gửi file vi tính của bản thảo. Chúng tôi mong nhận được các góp ý trước ngày 15-12 để có thể sớm hoàn tất việc biên tập.
Xin liên lạc về: tinmunggiesu@gmail.com
Xin chân thành cám ơn.
50 NĂM THỜ CÚNG ÔNG BÀ - Chia sẻ 29
50 NĂM LINH TÍNH ĐỨC TIN – NGHI THỨC CÚNG GIỖ
Xin được trình bày lý do thứ hai, lý do siêu nhiên, khiến việc áp dụng huấn thị Plane compertum est trong 50 năm qua tiến rất chậm. Suy cho kỹ, chúng ta sẽ phải cảm tạ Thiên Chúa vô cùng vì sự an bài kỳ diệu Ngài đã làm cho Giáo Hội tại Việt Nam trong lãnh vực này, nơi cuộc tranh luận 1610-1742 xưa kia cũng như nơi sự trì trệ 50 năm qua. Mãi đến hôm nay, cả những linh mục đã đọc kỹ hai thông cáo 1965 và 1974 vẫn thấy ngập ngừng liệu có nên khuyến khích giáo dân bày đồ cúng lên bàn thờ với các thức ăn như xôi, chè, thịt, cá. Sự ngập ngừng ấy không phải không có lý do. Vậy đâu là trở ngại và đâu là cách giải quyết?
Sau hơn 20 năm tích cực nhập cuộc, nghe ngóng, xem xét, suy tư và sáng tạo thể nghiệm, tôi nhận ra rằng nơi sự dè dặt ấy có ơn của Chúa Thánh Thần rất rõ. Sự dè dặt ấy có thể nói là một minh họa sống động hiếm hoi cho trường hợp thứ ba của ơn vô ngộ là cảm thức đức tin của Dân Chúa mà cha Phi Khanh Vương Đình Khởi gọi dịch rất chính xác là “linh tính đức tin” của các tín hữu (x. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 889). Mặc dù hai thông cáo 1965 và 1974 mở rộng cửa, cả các linh mục lẫn giáo dân đều cảm thấy có cái gì đó chưa ổn. Người ta linh cảm rằng ở đây, giữa ý nghĩa dấu chỉ tượng trưng và những ngộ nhận dẫn đến mê tín, ranh giới thật mong manh. Đang khi có những tác giả mới như Khải Chính Phạm Kim Thư (Nguyên tắc cúng, khấn, vái và lạy – dactrung.net) diễn giải các chi tiết một cách trong sáng, gần gũi với cách nhìn của Giáo Hội Công Giáo thì các sách nghi lễ hiện hành kết thúc các văn tế với lời mời tiền nhân về “phối hưởng” các lễ phẩm (ví dụ trong quyển “Tập Văn tế mẫu Cúng Gia Tiên”, Thái Vy biên soạn, Nxb Thanh Hóa,2007). Các bài văn tế hiện dùng thường dịch lại sát các bản văn xưa và cũng mang ý nghĩa mời người xưa về hưởng các lễ phẩm. Nói tắt, vẫn còn một tỉ lệ lớn bà con lương dân nghĩ rằng Ông Bà Tổ Tiên về hưởng của cúng.
Có nhìn vào thực tế ấy, ta mới hiểu được tính nghiêm túc của cuộc tranh luận kéo dài cả 130 năm từ sau cái chết của cha Matthieu Ricci (1610) và của huấn thị Ex quo singulari. Thực tế ấy cũng giúp chúng ta thông cảm với lập trường dứt khoát và cứng rắn của anh em Tin lành trong vấn đề “ăn của cúng”.
Những chi tiết văn hóa khi hội nhập vào cuộc sống người Kitô hữu phải được mặc lấy một ý nghĩa mới, nhưng đó là ý nghĩa nào? Ở đây, không thể xuề xòa hay nhập nhằng thỏa hiệp.
Thông cáo 1965 nói: “nếu cần, thì phải giải thích chủ ý của mình một cách khéo léo, hợp cảnh, hợp thời”, và thông cáo 1974 nói nếu “sợ có sự hiểu lầm nên khéo léo giải thích qua những lời phân ưu khích lệ, thông cảm…”. Thật ra đó là việc vượt quá khả năng người giáo dân bình thường. Ngay cả khi họ vẫn nắm vững và biết cách giải thích, khung cảnh thực tế của sự việc thường rất tế nhị, những giải thích như thế sẽ thiếu tự nhiên, lắm khi còn vô tình gây những căng thẳng không đáng có.
Để giúp vượt khỏi những ngập ngừng dè dặt kia cũng như những trường hợp khó xử này, cần có một quyển gia lễ hướng dẫn cặn kẽ cho việc áp dụng huấn thị Plane compertum est, để qua đó cả người giáo lẫn người lương đều có thể hiểu cách dễ dàng là Giáo Hội muốn dạy gì. Phiên bản “Kinh nguyện gia đình” 1986 của chúng tôi cũng chỉ mới nêu một số đề xuất mang tính dò dẫm. Sau hơn 25 năm thể nghiệm, chúng tôi thấy vấn đề khá rõ. Với phiên bản “Sách Gia lễ Công Giáo” sắp ấn hành, chúng tôi xin được mạnh dạn đề xuất một bản văn “nghi thức cúng giỗ” như sau. Rất mong được độc giả bốn phương, Công Giáo cũng như ngoài Công Giáo, góp ý hoàn chỉnh. Xin gửi về: tinmunggiesu@gmail.com
NGHI THỨC CÚNG GIỖ
Việc cầu nguyện trong ngày giỗ vừa là để dâng lời cảm tạ Chúa đã giải thoát các bậc tổ tiên, đưa về hưởng nhan Chúa, vừa là để cầu xin ơn giải thoát cho những người đang cần được thanh luyện, quen gọi là cầu hồn. Đối với những người mới qua đời, ta nên nhấn mạnh tới việc cầu hồn, còn đối với những người đã qua đời rất lâu năm, ta có thể chú trọng hơn tới việc dâng lời cảm tạ Chúa nhân từ đã thứ tha và giải thoát. Cần nhớ rằng chúng ta đang sống trong một thế giới lệ thuộc không gian và thời gian, còn tiền nhân đã khuất đang thuộc về một thế giới vượt ngoài không gian và thời gian, do đó lấy ý niệm “rồi” và “chưa” theo cách ta quen suy nghĩ ở đời này đem áp dụng cho thế giới đời sau không khỏi có phần khập khiễng. Nói đến đời sau là ta đang chạm đến những mầu nhiệm vượt khỏi mọi ý niệm cân đo đong đếm. Cũng nên nhớ rằng ngay cả những vị đã chết mà không chịu phép thánh tẩy, ta vẫn có thể tin rằng Thiên Chúa nhân từ và đầy quyền năng đã có cách cứu vớt họ trong Chúa Kitô và nhờ Chúa Kitô.
Cũng đừng quên rằng ta có thể cầu nguyện với những bậc tổ tiên đang được hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa. Nói đúng hơn, ta có thể xin họ cầu nguyện với Chúa cho ta. Khi còn sống, họ đã yêu thương cầu nguyện cho ta, thì khi đã về với Chúa, họ còn yêu thương ta hơn và lời cầu nguyện của họ còn hữu hiệu hơn.
Bữa ăn giỗ là để phát huy tình cảm gia đình và gia tộc, lắm khi là để giúp vượt qua những bất hòa bất thuận trong cuộc sống, để ai nấy lại thấy ấm tình hiệp thông và hiệp nhất. Do đó, từ chương trình đến cách sắp xếp chỗ ngồi, cần làm sao để cả người lớn và trẻ con đều tham dự tích cực, chan hoà trong tình hiệp nhất thân mật. Nên chú trọng hơn tới nội bộ gia tộc. Nếu mời vài người khách thì nên liệu sao để sự hiện diện của họ không ngăn cản sự thân mật giữa mọi người trong gia tộc.
Trên bàn thờ, có thể dùng nến hồng (ngụ ý xin Chúa ban phúc lành cho mọi người có mặt và vắng mặt) hoặc nến trắng (ngụ ý nói lên lòng tin, cậy và yêu mến Chúa). Cũng có thể dọn mâm cơm trước bàn thờ theo truyền thống dân tộc. Về nghi thức cầu nguyện, có thể theo một trong ba hình thức sau đây.
A. Hình thức thứ nhất:
- Gia chủ nói đôi lời tuyên bố lý do: giỗ ai, mấy năm, vài nét về người đã khuất (nếu là giỗ chung thì nói chung về những tiền bối liên hệ) và mời mọi người cầu nguyện
- Gia chủ ghi dấu thánh giá, xướng kinh Lạy Cha,
- Có thể đọc vài câu Lời Chúa
- Hát một bài
- Lời nguyện trên của cúng:
“Lạy Cha, xin chúc lành cho những của ăn Cha đã rộng lòng ban cho chúng con mà chúng con dùng để bày tỏ niềm hiệp thông thân thương và quý mến đối với người thân yêu đã khuất. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.”
- Lời nguyện lễ giỗ:
Lạy Chúa, chúng con xin ngợi khen cảm tạ Chúa nhân từ đã thương đưa các bậc tổ tiên chúng con về hưởng hạnh phúc với Chúa. Chúng con cũng xin Chúa đoái thương đến những linh hồn đã qua đời đang cần tới lòng từ bi vĩnh cửu của Chúa, xin đoái thương cho họ sớm được hợp đoàn cùng các thánh Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
(Có thể thêm: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ. Chúa dạy chúng con phải giữ lòng hiếu thảo. Hôm nay chúng con họp nhau để kính nhớ tổ tiên. Xin Chúa trả công bội hậu cho những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con, và giúp chúng con luôn sống cho phải đạo đối với các ngài. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.)
X. Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ, xin cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi.
Đ. Hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen.
B. Hình thức thứ hai
Chủ sự tuyên bố lý do rồi nguyện kinh trước bữa ăn hoặc hát một bài xin Chúa chúc lành rồi mời mọi người dùng bữa.
C. Hình thức thứ ba
Nếu cử hành nghi thức cúng giỗ theo truyền thống dân tộc thì thực hiện theo thứ tự sau đây
1. CHUẨN BỊ ĐỒ CÚNG
Sau khi dọn thức ăn, mọi người tề tựu nghiêm trang, chủ lễ cầu nguyện trên của cúng.
2. LỜI NGUYỆN TRÊN CỦA CÚNG
Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần
Lạy Cha là Chúa Trời Đất, là Cội Nguồn duy nhất và là Hạnh Phúc đích thật của muôn loài. Chúng con cảm tạ Cha đã ban những lương thực này để nuôi sống chúng con như đã nuôi sống những người đi trước chúng con. Giờ đây những người đã khuất không còn cần đến những lương thực này nữa nhưng trước khi chúng con cùng nhau dùng bữa tưởng nhớ (người thân của chúng con/họ/các ngài), chúng con muốn bày tỏ niềm kính trọng, mến thương và hiệp thông qua dấu hiệu thân thương của bữa ăn. Nhờ đó, chúng con cảm thấy người đã khuất vẫn hết sức gần gũi với chúng con. Nếu (người thân của chúng con/họ/các ngài) còn vướng mắc những lỗi lầm thiếu sót, cúi xin Cha thương sớm hoàn tất cuộc thanh tẩy để (người thân của chúng con/họ/các ngài) sớm được hưởng Tiệc vui đời đời. Cúi xin Cha cũng thương cho tất cả chúng con đây một ngày kia được chung hưởng niềm vui Nước Trời với Cha và với những người thân yêu đã đi trước chúng con. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Con Cha, là Thiên Chúa và là Chúa chúng con, là Đấng hằng sống hằng trị cùng Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn thở muôn đời. Amen.
(Nếu có sẵn nước thánh, chủ lễ nói những lời sau đây trước khi rảy:
- Thưa anh chị em, chúng ta cảm ta Chúa đã ban bí tích Thánh Tẩy để tái sinh chúng ta làm con cái Chúa. Nước thánh chúng ta dùng đây là nước tự nhiên nhưng chúng ta đã xin Chúa chúc lành để thành dấu hiệu nhắc chúng ta nhớ đến ơn làm con cái Chúa qua bí tích Thánh Tẩy. Có những người chưa được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy bằng nước, nhưng lòng đã hướng về Chúa và đã cố gắng sống ngay chính theo lương tâm, thì cũng được Thiên Chúa thanh tẩy trong máu Chúa Kitô. Với nước thánh này rảy trên của cúng, chúng ta cảm tạ Chúa đã cho tiền nhân được làm người và hơn nữa, còn được làm con cái Thiên Chúa và được chung phần hạnh phúc đời đời với Chúa.
(chủ sự rảy nước thánh trên của cúng)
Mọi người cùng đọc chung Kinh Lạy Cha.
3. VĂN KHẤN
(Văn khấn đọc trước bàn thờ, nên viết ra giấy thật rõ ràng, bỏ những chữ thừa, để khi đọc không lẫn lộn, mất nghiêm túc)
VĂN KHẤN VỚI MỘT NGƯỜI ĐÃ KHUẤT TRONG NGÀY GIỖ RIÊNG
Ông (Bà/Cha/Mẹ/Bác/Chú/Thím/Cô/Dì/Cậu/Mợ/ Anh/Chị/Em) kính mến (hay thân mến),
Hôm nay là ngày giỗ (đầy năm) của Ông (Bà/Cha/ Mẹ/Bác/Chú/Thím/Cô/Dì/Cậu/ Mợ/Anh/Chị/Em). Tất cả chúng con (chúng tôi) quy tụ về đây để tưởng nhớ.
Chúng con (chúng tôi) không quên được hình ảnh của (Ông/Bà/Cha/Mẹ/Bác/Chú/Thím/ Cô/Dì/Cậu/Mợ/Anh/Chị hoặc Em). Dù nay còn phải buồn sầu xa cách vì sự chết, nhưng mai kia chúng ta sẽ lại sum vầy bên nhau trong cõi lòng của Thiên Chúa Tình Yêu. Là con cái Chúa, chúng ta biết rằng sự sống thay đổi chứ không mất đi và thời lưu ngụ dưới trần chấm dứt là để nhường chỗ cho hạnh phúc vĩnh cửu trên trời. Chúng con (chúng tôi) họp nhau cầu xin Thiên Chúa là Cha, nhờ công ơn cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô, Con Ngài, sớm hoàn tất những thanh luyện cần thiết cho (Ông/Bà/Cha/Mẹ/Bác/Chú/Thím/Cô/Dì/Cậu/Mợ/ Anh/Chị/Em) và đưa về hưởng phúc muôn đời. Chúng con (chúng tôi) cũng xin (Ông/Bà/Cha/Mẹ/Bác/Chú/Thím/Cô/Dì/Cậu/Mợ/Anh/Chị/Em) nhớ đến chúng con (chúng tôi), chuyển cầu cho chúng con (chúng tôi) trước nhan Chúa để chúng con (chúng tôi) được mọi ơn lành phần hồn và phần xác, sống xứng đáng là con cái Chúa, bây giờ và mãi mãi. Amen.
VĂN KHẤN VỚI TỔ TIÊN TRONG NGÀY GIỖ CHUNG (GIỖ TẾ HIỆP)
Hôm nay là ngày … tháng… năm… Tất cả chúng con cùng quy tụ nơi đây để tưởng nhớ toàn thể tiên nhân trong Gia tộc, Tổ tiên, Ông Bà, Cha Mẹ, các Bác, các Chú, Thím, Cô, Dì, Cậu, Mợ và các Anh Chị Em đã hoàn tất hành trình dương thế trước chúng con.
Thiên Chúa Toàn Năng là Cha Trên Trời, là Cội Nguồn duy nhất, là Đấng Tạo Hóa đã thương tạo dựng nên tất cả, cho sống trên cõi đời này rồi lại thương gọi về cho hưởng phúc đời đời với Ngài.
Chúng ta yếu hèn tội lỗi, nhưng Chúa Cha giàu lòng thương xót đã cho Con Ngài là Chúa Kitô đến hy sinh, chịu nạn chịu chết trên cây thánh giá mà cứu chuộc và ban ơn tha thứ; nhờ đó, chúng ta được thoát ách sự chết và được sống luôn mãi cho Thiên Chúa là Cha.
Hôm nay chúng con họp nhau cùng cảm tạ, chúc tụng và ngợi khen Thiên Chúa về những hồng ân ấy. Chúng con cầu xin cho tất cả những ai đang cần ơn giải thoát, sớm được Thiên Chúa hoàn tất những thanh luyện cần thiết và đưa về hưởng phúc muôn đời.
Chúng con cũng xin các bậc tiền nhân nhớ đến chúng con, chuyển cầu cho chúng con trước nhan Chúa để chúng con được mọi ơn lành phần hồn và phần xác, sống xứng đáng là con cái Chúa, bây giờ và mãi mãi. Amen.
Sau phần văn khấn, chủ sự đọc lời nguyện lễ giỗ và lời nguyện báo hiếu:
Chúng ta dâng lời cầu nguyện.
Lạy Chúa, chúng con xin ngợi khen cảm tạ Chúa nhân từ đã thương đưa các bậc tổ tiên chúng con về hưởng hạnh phúc với Chúa. Chúng con cũng xin Chúa đoái thương đến những linh hồn đã qua đời đang cần tới lòng từ bi vĩnh cửu của Chúa, xin đoái thương cho họ sớm được hợp đoàn cùng các thánh Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Lạy Chúa là Cha rất nhân từ. Chúa dạy chúng con phải giữ lòng hiếu thảo. Hôm nay chúng con họp nhau để kính nhớ tổ tiên. Xin Chúa trả công bội hậu cho những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con, và giúp chúng con luôn sống cho phải đạo đối với các ngài. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Để kết thúc phần nghi thức, chủ sự xướng cho mọi người đáp như sau:
- X: Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ, xin cho các đẳng linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi
- Đ: Hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen.
4. NIỆM HƯƠNG
Từng người đến khấn và vái trước bàn thờ gia tiên và bàn thờ của vị được tưởng nhớ trong ngày giỗ.
Cầm hương trong tay và khấn thầm hoặc nói lớn rồi thinh lặng, lâu hay mau tùy ý tùy lòng, rồi cắm hương lên các bàn thờ.
Sau đó có thể vái, lạy hoặc phủ phục, rồi lui xuống, nhường chỗ cho người khác.