Khánh thành và cung hiến Thánh đường Gx Mỹ Hòa

Mỹ Hòa – Vào lúc 9h30 sáng ngày 24/303/2007, ĐHY JB Phạm Minh Mẫn Tổng Giám Mục Gp. Sài Gòn, cùng với hơn 65 Cha trong và ngoài Giáo phận Sài Gòn đã long trọng dâng thánh lễ Khánh thành và cung hiến Thánh đường Gx. Mỹ Hòa trong bầu không khí long trọng và trang nghiêm.

Một tuần trước ngày mừng lễ, bầu không khí tại Gx Mỹ Hòa đã bắt đầu thực sự trở nên nhộn nhịp, rộn ràng, hối hả và khẩn trương cho công tác chuẩn bị. Tất cả con tim và khối óc, tài năng của bà con giáo dân đã đựơc huy động cho các công việc trang trí, dọn dẹp, tổ chức …. Các buổi tối, ban tổ chức đã cho tiến hành chiếu các thước phim tư liệu về giáo xứ và nhật ký xây dựng ngôi Thánh đường trên 2 màn hình 300 inch được đặt ngoài sân nhà thờ. Đặc biệt ngày 22/03/2007 ca đoàn Giáo xứ cũng đã tổ chức đêm hội diễn Thánh ca với chủ đề “Tạ ơn và Tôn Vinh Thiên Chúa”, với tiết mục của ca đoàn, các em Thiếu Nhi Thánh Thể trong giáo xứ, ngoài ra còn có các tiết mục với sự góp mặt của các ca sĩ, nhạc sĩ và các ca đoàn trong Giáo phận.

Nhà thờ giáo xứ Mỹ Hòa
Ngựơc với sự u ám của 2 cơn mưa đầu mùa như trút nước từ những ngày trước đó, thì sáng nay một bầu trời trong xanh, quang đãng, với ánh bình mình chiếu tỏa khắp nơi càng làm của ngôi Thánh đường mới đẹp đẽ và nguy nga. Tiếng nhạc trầm bổng của ban kèn, lời nói ấm áp, hùng hồn của 2 MC, những nụ cười tươi rói để lộ những hàm răng mà thiếu đi những cái răng do tuổi tác của các ông cụ, bà cụ. Nếu các bác, các chú nghiêm túc trong bộ com lê thì các bạn thiếu nữ, các bà mẹ duyên dáng trong bộ áo dài truyền thống, các em Thiếu Nhi xúm xính trong bộ quốc phục với vẻ mặt ngơ ngác nhưng thật hiền hòa và dễ thương. Tất cả đó như những gam màu quyện vào nhau để tạo nên một bức tranh thật đẹp của ngày lễ khánh thành hôm nay. Một đêm mất ngủ của tất cả mọi người trong giáo xứ vì tâm trạng nôn nao đợi ánh bình minh của một ngày mới, vì vậy ngay từ sớm mọi ngừơi đã tề tựu tại sân nhà thờ để thực hiện các công việc của mình đã được phân công.

Đúng 9h25 phút thì băng khánh thành ngôi nhà thờ mới được ĐHY, Cha Tổng Đại Diện, Cha Hạt trưởng cắt trong tiếng vô tay dòn giã của mọi người. Sau khi băng khánh thành đựơc cắt thì đoàn rứơc từ từ tiến vào trong nhà thờ. Trước khi Thánh lễ bắt đầu Cha chánh xứ đại diện cộng đoàn đọc nhật ký xây dựng và một số nét chính về nghệ thuật, mỹ thuật, công sức xây dựng thánh đường. Phần đầu lễ, ĐHY đã làm phép và rảy nước Thánh lên các tường và cột của nhà thờ. Và ở phần giữa lễ các nghi thức được diễn tiến như sau: sau kinh cầu các Thánh, ĐHY đã đặt xương Thánh Tử Đạo vào huyệt ở chân bàn thờ. Kế tiếp Ngài đã đọc lời cung hiến và xức dầu bàn thờ, cũng như các cột nhà thờ, xông hương bàn thờ, nhà thờ và cộng đoàn, và phần cuối của nghi thức ĐHY đã thắp sáng bàn thờ. Trứơc khi Thánh lễ kết thúc, ĐHY ký văn bản Thánh Hiến, sau đó Cha Tổng Đại Diện đã đọc văn bản này trong tiếng vỗ tay dài của tất cả mọi người. Đại diện HĐMV đọc lời cảm ơn và dâng tặng hoa Đức Cha và qúy Cha.

Bên trong nhà thờ
Như vậy, từ một Mỹ Hòa nhỏ bé, mang dáng vẻ của một vùng nông thôn êm ả, nằm lọt trong vùng Bưng sáu xã. Sau hơn 52 năm hình thành và phát triển, qua 4 đời Cha chánh xứ: cố Lm Đaminh Vũ Bội Quỳnh, Lm Luca Nguyễn Thanh Bình, Lm Giuse Đinh Quang Thịnh, Lm đương nhiệm Fx Ngô Phục. Từ ngôi nhà bạt tạm thời thô sơ của ngày đầu lập xứ, thì đến ngày nay ngôi thánh đường mới đã đựơc hoàn tất và khánh thành. Ngôi thánh đường mang đường nét kiến trúc truyền thống của Giáo hội phối hợp với những phong cách Gothique, Roman va toscane nổi bật trên nền trời với tháp chuông nhọn 41 mét. Ngôi thánh đường mới khang trang quả thực là một nét kiến trúc tôn giáo hoà nhịpchung với đường nét đô thị hiện đại của vùng Bình Trưng Đông đang thay da đổi thịt nhanh chóng.

Sau đây là một số nét trong kiến trúc Thánh Đường mới:

Tầng hầm nhà thờ với diện tích sử dụng 1000m2 được bố trí phòng bảo vệ, phòng thư viện, nhà chầu Mình Thánh Chúa, 4 phòng giáo lý, nhà kho, phòng điện nước, phòng họp, phòng giao lưu, mặt bằng lớn cho tiệc tùng và đại hội, phòng WC

Diện tích nhà thờ có sức chứa 1220 chỗ ngồi, theo kiến trúc Gothique, roman và toscane. Các đường nét luôn tiềm ẩn diễn tả Alpha và Omega tượng trưng Đức Kitô. Với 2 cánh gà và 2 mái ngang, nhà thờ mang hình Thánh giá. Màu sắc nhẹ nhàng, thư giãn, thanh bình. Các chỉ mềm, vút cao và giao nhau nói lên sự hiền hòa gắn bó, cùng hướng tâm hồn lên gặp gỡ Chúa trong lời cầu nguyện, trong hiến tế.

Các tượng ảnh và đàng Thánh Giá bằng gỗ mít nguyên cây do nghệ nhân miền Trung thực hiện. Riêng 2 tượng thánh Phêrô và Phaolô ở mặt tiền nhà thờ bằng đá do nghệ nhân miền Trung tạc tại chỗ.

Cung Thánh
3 bức phù điêu, “8 mối phúc thật”, “Nước trời”, “Anh hùng tử đạo Việt Nam” và các tượng ảnh còn lại do nghệ nhân dòng Phanxicô Quận 2 thực hiện

Các phần bằng gỗ còn lại do thợ trong giáo xứ thực hiện.

Bàn thờ: bằng đá xám Thanh Hóa do thợ Thanh Hóa và Đà Nẵng thực hiện. Các hoa văn nói lên tại Thánh Đường có 2 bàn tiệc: Lời Chúa và Thánh Thể. Chân bàn thờ là bia mộ 5 Thánh Tử Đạo Việt Nam được tôn vinh bằng cành nguyệt quế bọc chữ “Trung”

Các tượng thánh đặt trong nhà thờ là những vị Thánh Giáo xứ tôn sùng cách riêng ngoài Thánh Giuse và Đức Mẹ.

Phòng áo rộng, có tầng lầu làm kho, phòng âm thanh và các tiện nghi khác.

Cung Thánh: diễn tả vần sáng tử nạn giữa một buổi chiều u ám rồi bừng lên màu hồng hạnh phúc ngày Phục Sinh và màu vàng lan tỏa ơn cứu độ đến khắp Thánh đường, đến mọi người.

Nhà tạm: bằng gỗ ốp đá, hình bánh và chén, gạch nối giữa bàn tiệc ly và núi Sọ, nói lên rằng Đức Kitô đã hết lòng yêu mến thi hành thánh ý Chúa Cha với lòng thương yêu nhân loại vô bờ bến. Ngài vẫn còn ở lại với loài người cho đến tận thế cũng vì lòng yêu mến và xót thương đó.

Các nét kiến trúc, bày biện đồ thờ ở gian cung thánh không ngoài mục đích làm nổi bật bàn thờ hiến tế và nội dung tàn ẩn Tử Nạn - Phục Sinh.

Tiền sảnh và 2 hành lang được trang trí công phu, giúp công trình thêm hoành tráng, che mát lòng nhà thờ, tạo nét vừa cổ kính vừa hiện đại.

Mái bêtông, đỉnh cao 15 mét chưa lợp ngói.

Tầng lửng với diện tích 120m2 và cao 5.5 mét, được thiết kế cho dàn hợp xướng 120 ca viên với chỗ ngồi trang bị các nhạc cụ. Sử dụng để hát lễ cho ngày Chúa Nhật và các lễ trọng cho 3 ca đoàn thay phiên nhau.

Tháp nhà thờ gồm 1 tháp chính cao 41m và 2 tháp phụ cao 21m. Tháp chính có mái lợp đá, cạnh vuông chân chóp, cầu thang đúc lên tạn chóp tháp, có thể treo được 4 chuông. 2 tháp nhỏ để trang trí và cân bằng mặt tiền chủ yếu. Công trình 3 tháp này được thực hiện xây dựng trong 9 tháng. (www.gxmyhoa.net)