Bài 6: VIỆC THỜ CÚNG NGÀY THƯỜNG TẠI LĂNG ÔNG BÀ CHIỂU



I. ĐỐI TƯỢNG VIỆC THỜ CÚNG:

A. Đối tượng chính: Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt là đối tượng chính của việc thờ cúng tại Lăng Ông Bà Chiểu. Người ta gọi nơi đây là Miếu Ông, là Thượng Công Linh Miếu. Khánh thờ có bài vị của Đức Thượng Công đặt chính giữa tại Chánh Điện. Bàn thờ Ngài là chỗ vinh dự nhất của miếu thờ.

B. Đối tượng phụ: Ngoài ra, tại đây còn đặt bàn thờ hoặc bài vị của những đối tượng phụ sau đây:

1. Lê Công Phu Nhân: Từ năm 1932, Lê Công Phu Nhân được thờ tại Miếu Ông. Bài vị của Phu Nhân viết chữ nhỏ hơn và đặt kèm vào trước bài vị của Đức Thượng Công.

2. Đức Thiếu Phó Lê Chất: Chỉ biết Đức Thiếu Phó Lê Chất được thờ tại Miếu Ông từ rất lâu, nhưng không ai biết rõ thời điểm. Hằng năm, Hội Thượng Công Qúy Tế tổ chức lễ giỗ Đức Thiếu Phó vào ngày 10 tháng 7 Âm lịch. Ngài Lê Chất quán tại huyện Phù Mĩ, Bình Định. Trước theo Tây Sơn, sau quy hàng Chúa Nguyễn, được phong Chưởng Hâu Quân Quận Công. Ngài mất vào tháng 7 năm Bính Tuất (1826), vua tặng tước Thiếu Phó, thụy là Đổng Nghị. Sinh tiền, Ngài là bạn thân thiết của Đức Thượng Công. Có lẽ đó là lí do chính, khiến Hội Thượng Công Qúy Tế lập bàn thờ Ngài cạnh bàn thờ Đức Thượng Công, phía Đông hiến.

3. Cụ Phan Thanh Giản: Sinh quán Vĩnh Long, hiệu Lương Khê, được phong Tiền Hiệp Biện Đại Học Sĩ, lãnh Lễ Bộ Thượng Thư. Vì không chống nổi quân thực dân Pháp nên Cụ đã uống thuốc độc tự tận tại Vĩnh Long vào năm Đinh Mão (1867). Có những dư luận khác nhau về nguyên do và thời điểm cụ Phan được thờ cúng tại đây. Song chúng tôi chắc chắn cụ Phan đã được thờ cúng tại Miếu Ông từ trước năm 1894 vì đây là năm quan Phụ Chánh Đại Thần Hoàng Cao Khải cho dựng Lê Công Miếu Bi và trong bài văn bia có nói rõ việc cụ Phan Công Lương Khê được thờ cúng tại Miếu Ông. Tại đây, hằng năm cử hành lễ giỗ cụ Phan Thanh Giản vào ngày 05 tháng 7 Âm Lịch.

4. Tiền Hiền, Hậu Hiền và Hội Viên quá vãng: Tiền Hiền là những vị có công tiên khởi xây cất Lăng Miếu. Hậu Hiền là những vị có công sáng lập Hội Thượng Công Quý Tế. Các vị Tiền Vãng (là các thành viên lo việc thờ cúng tích cực trước khi thành lập Hội Thượng Công Qúy Tế) và Hậu Vãng (là các Hội viên) đã qua đời. Tất cả các vị kể trên được thờ tại Phòng Khánh Tiết. Trên bàn thờ để bài vị Ông Lê Văn Thi, người được coi là vị sáng lập tiên khởi, để tượng trưng cho tất cả các vị khác. Thông thường Hội Thượng Công Qúy Tế dành ngày thứ tư trong kì lễ giỗ Đức Thượng Công để cử hành lễ tế Tiền Hiền, Hậu Hiền và các Hội viên quá vãng tại Phòng Khánh Tiết vào hồi 10 giờ sáng.

Ngoài ra, hàng năm, vào ngày thứ ba trong kì lễ giỗ Đức Thượng Công, Hội Thượng Công Qúy Tế còn lập bàn thờ Phật tại Sân Thiên Tỉnh để cúng cầu siêu cho các chiến sĩ vị quốc vong thân. Lễ cúng hoàn toàn theo nghi thức Phật giáo.

Trong văn tế Túc Yết và Đoàn Cả, có xướng danh một số vị Thần khác, như: Tả Hữu Đài Quan Văn Võ, Bộ Hạ Liệt Vị Chi Thần (các công sự thân cận Đức Thượng Công); Chư Thần Thượng Đẳng Công Thần Đồng Triều Công Thần (các vị công thần đồng liêu, đồng triều với Đức Thượng Công); Bổn Xứ Thành Hoàng Tôn Thần (vị Thần Thành Hoàng của địa phương); Dương Cảnh Thổ Địa Phước Đức Chánh Thần (vị Thổ Thần); Bạch Mã Thái Giám Chi Thần; Lang Lại Đại Tướng Quân Chi Vị; Môn Đương, Hộ Đối Tỉnh Táo Chi Thần.

II. THÀNH PHẦN KHÁCH THIỆN TÍN

So sánh với các nơi thờ cúng khác ở vùng Sài Gòn - Gia Định thì Lăng Ông Bà Bà Chiểu thu hút được khách thập phương khá đông đảo và gồm đủ mọi thành phần trong xã hội, từ những nhân vật cao cấp trong chính quyền tới các vị tướng lãnh, sĩ quan, quân nhân, thương gia, sinh viên, học sinh. Tuy nhiên giới bình dân vẫn là số đông nhất. Xét về phái tính, tín nữ đông hơn thiện nam. Xét về tuổi tác, khách thuộc lứa tuổi 25 tới 50 chiếm đa số. Xét về mục đích, hầu hết khách thiện tín trên 30 tuổi tới đây để thỉnh Thần ý về công việc làm ăn, mua nhà cửa, xe cộ, xin được bình an, xin được lành bệnh…; dưới 30 tuổi thì thỉnh Thần ý về hôn nhân, thi cử… Đặc biệt là khách thiện tín người Việt gốc Hoa là con số đông đáng kể.

Nguyên do khiến các nhân vật cao cấp trong chính quyền và quân đội Miền Nam sùng kính Đức Thượng Công vì tin rằng họ là những người tiếp nối nắm giữ quyền bính của Đức Thượng Công ở Miền Nam cho nên họ phải nhớ ơn và sùng kính Ngài một cách đặc biệt để Ngài gia hô cho chức tước địa vị của họ được vững bền (Xin đọc bài 2: Nguyên Do Sự Thờ Cúng Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt Tại Lăng Ông Bà Chiểu).

Không thể làm một bản thống kê chính xác, nhưng nếu căn cứ vào số nhang đèn để sẵn tại Đông Lang thì mỗi ngày có khoảng 130 tới 150 bá tánh tới thỉnh phần nhang đèn. Vào những ngày sóc, vọng, con số tăng lên 450 tới 470. Đấy là chưa kể có tới một nửa số bá tánh tới lễ bái nhưng không thỉnh nhang đèn từ Đông Lang. Con số bá tánh tới lễ bái sẽ tăng gấp bội vào những ngày lễ, nhất là trong 3 ngày Tết và những ngày trong kì lễ giỗ Đức Thượng Công hàng năm, nhằm ngày 30 tháng 7 Âm lịch và những ngày kế tiếp. Trong những ngày này, khuôn viên Lăng Ông tràn ngập thiện nam tín nữ và chen chúc nhau lễ bái trong Miếu Ông cũng như ngoài mộ phần của Ngài và Phu nhân.

III. LỄ BÁI NGÀY THƯỜNG

A. Lễ vật: Tại Lăng Ông, thông thường, nếu khách thiện tín muốn thỉnh Thần ý về một việc riêng tư nào đó, ít khi họ sắm sửa lễ vật, họ sẽ chỉ thành tâm khấn nguyện rồi xin xâm, xin keo, xin bùa…; đôi khi dâng cúng chút tiền bạc. Những trường hợp này, Hội Thượng Công Qúy Tế đã sắp sẵn từng phần nhang đèn trên các bàn đặt tại Đông Lang, khách thập phương chỉ việc tới thỉnh và đem ra lễ tại Miếu Ông hay tại Lăng Mộ. Riêng khách thiện tín người Việt gốc Hoa, đa số họ tự mua nhang đèn và giấy vàng mã, giấy hình người, hình vật, rồi đem đặt trước bàn vọng tại Nhà Hương hoặc ngoài Lăng Mộ để van vái. Sau đó đem đốt tại Nhà Hóa Mã. Việc đốt vàng mã có lẽ nhằm mục đích ‘lo lót’ các binh gia bộ hạ của Ông, vì tin tưởng nơi thế giới bên kia, vẫn có những nhu cầu tương tự trên cõi đời này. Do đó muốn lời thỉnh cầu với Đức Thượng Công được ‘đắt lời’, khách thiện tín phải ‘biết điều’với bộ hạ của Ngài trước. Những hình người, hình vật và vàng mã, khi hoả thiêu, sẽ trở thành gia nhân, bộ hạ, gia súc và tiền bạc để xử dụng ở thế giới bên kia. Vì được ‘lo lót’ cho nên những vị này sẽ sẵn sàng giúp đỡ chuyển lời khẩn cầu của người khấn xin lên Đức Thượng Công. Trường hợp khách thiện tín tới để tạ ơn Thần đã nhận lời cầu xin một ơn huệ, họ sẽ sắm sửa lễ vật theo khả năng hoặc theo mức độ của lòng tín mộ. Lễ vật thường thấy như hoa trái, một con gà quay, một con vịt luộc, và đôi khi là một con heo quay…

B.Hành lễ: Theo thông lệ: nhất bái sanh (một lậy cho người còn sống), nhị bái tử (2 lậy cho người đã chết), tam bái Phật (3 lậy cho Phật), tứ bái ân (4 lậy cho ông bà cha mẹ đã qua đời và các vị Thần). Tại Lăng Ông Bà Chiểu, đa số khách thiện tín, nhất là phụ nữ, hành lễ tự do theo lòng nhiệt thành sùng kính, không giữ đúng thông lệ. Vừa bước tới Sân Nhang Đèn họ đã chắp tay vái nhiều lần, miệng lâm râm cầu khấn. Vào trong Miếu thờ, khách vừa van vái, vừa qùy lậy. Thường thì ngồi bệt xuống mà lậy hết sức thành khẩn.. Ít khi thấy một khách thiện tín cử hành đúng lệ 4 lậy 3 vái đối với vị Thần ở đây. Khi vái, chỉ chắp tay trước ngực mà vái, cử động đơn sơ. Về cách lậy thì phức tạp hơn nhiều. Người lậy phải đứng thẳng, chắp hai tay, giơ cao ngang trán, rối từ từ khum xuống, đặt hai tay vẫn đang chắp xuống chiếu, qùy gối phải trước, gối trái sau, cúi rạp đấu xuống tới hai bàn tay. Tư thế này gọi là ‘phủ phục’. Sau đó, cất đầu và mình thẳng lên, đồng thời đưa hai tay vẫn chắp về trước ngực, rồi co đầu gối phải, đặt bàn chân phải lên chiếu, tì hai bàn tay vẫn chắp lên đầu gối phải mà đứng dậy. Chân trái đang qùy cũng theo chân phải đứng dậy. Động tác này gọi là ‘hưng bình thân’.

Ngoài Lăng Mộ, khách thiện tín cũng không hành lễ tại một chỗ nào cố định, người đứng ở đầu mộ, người đứng bên phải, người đứng bên trái; nhưng số đông đứng trên Bái Đình ở cuối mộ, tay cầm nắm nhang quay về hướng Bắc vái nhiều lần, miệng lâm râm cầu khấn. Sau đó chia nắm nhang ra cắm vào các châu cát hoặc các chậu cảnh. Có khi cắm vào các khe nứt của ngôi mộ hoặc kẽ nứt của bức tường chung quanh, có khi cắm cả xuống đất.

Trường hợp khách thiện tín lễ bái tại Nhà Hương hoặc Trung Điện thì có gia nhân của Hội Thượng Công Qúy Tế đánh trống, đánh chiêng, nhất là khi khách thiện tín có dâng lễ vật. Gia nhân đánh chiêng trống không theo quy tắc rõ rệt, chỉ đánh một hồi rồi ngưng. Tiếng chiêng, tiếng trống vang lên có tác dụng ‘thông báo’, ‘thỉnh mời’ Thần tới chứng giám lòng thành của người cúng lễ.

IV. CÁC TỤC LỆ NGÀY THƯỜNG

Như đã trình bầy trên đây, đa số khách thiện tín tới Lăng Ông là để thỉnh Thần ý về một việc gì hoặc là để tạ ơn Thần vì một ân huệ, chỉ một số ít tới để chiêm bái vãng cảnh mà thôi. Muốn thỉnh Thần ý, ngoài việc cầu xin, vái lậy đơn giản, khách thiện tín còn thực hành một số phương cách khác nữa, như xin xâm, xin keo, khấn, kí bán, xin bùa, thề. (Vì tục lệ xin xâm, xin keo được khá đông người thực hành cho nên chúng tôi sẽ trình bầy trong một chương riêng biệt).

A. Khấn: Khấn có thể chỉ là một tác động nội tâm hướng về đấng siêu nhân hay đấng thiêng liêng, nhưng thông thường khấn có nghĩa là đoan hứa, giao ước với Thần Thánh. Khách thiện tín cầu xin Thần Thánh ban cho một ơn huệ hoặc thỉnh Thần ý về một việc gì và giao hứa nếu được toại nguyện, sẽ dâng một lễ vật hoặc sẽ làm một việc công đức để tạ ơn. Tại Lăng Ông, hằng ngày có nhiều khách thiện tín tới khấn với Đức Thượng Công. Mục đích thường là để thỉnh Thần ý về công chuyện làm ăn, mua nhà cửa, mua xe, cưới xin, chữa bệnh, xuất hành, kiện tụng, mất đồ….Theo nguyên tắc việc khấn diễn ra trực tiếp giữa cá nhân người khấn và Thần Thánh. Sự ‘thương lượng’ diễn ‘tay đôi’ giữa người và Thần linh. Tuy nhiên để việc cầu khấn thêm phần long trọng, hơn nữa vì nhiều người cho là lời lẽ của mình thô thiển vụng về, nên đã nhờ cậy sự giúp đỡ của các thầy bàn xâm. Các thầy chuyên nghề bàn xâm tại Lăng Ông này kiêm luôn nghề viết sớ mướn (tức văn khấn) và tuyên sớ. Nơi khấn tùy theo ý muốn của khách, hoặc ở Trung Điện, Nhà Hương hoặc ngoài Lăng Mộ Đức Thượng Công. Thầy bàn xâm được thuê sẽ viết sớ, rồi gói sớ vào một bao màu vàng dài khoảng 0m30, đặt trên cái mâm bằng nhôm nho nhỏ. Thầy cũng thường yêu cầu khách mua thêm một nắm nhang, một xấp tiền vàng mã. Thầy bỏ tất cả lên mâm và bưng theo khách tới vị trí khấn. Mở đầu, người khấn phải đội sớ, nghĩa là dở bao đựng sớ ra, nâng sớ đặt lên đầu mà đội, đang khi đó lâm râm cầu khấn van xin. Sau đó, tờ sớ được trao cho thầy để tuyên sớ (hay là tuyên đọc văn khấn). Thầy qùy phía tay trái của người khấn và bắt đầu đọc lớn tiếng toàn văn bài sớ. Trong lúc đó, người khấn cũng tiếp tục qùy mà van xin. Có những vị khách còn thỉnh Thần ý ngay lúc đó bằng cách xin xâm và xin keo. Tuyên sớ xong, thầy đứng lên lễ Thần 4 lậy ba vái, rồi gấp sớ bỏ vào bao, đặt lên mâm như cũ, bên cạnh xấp tiền vàng mã và đem hóa (đốt) hết tất cả tại Nhà Hóa Mã ở giữa Sân Nhang Đèn.

Bên cạnh việc khấn thỉnh Thần ý còn có loại khấn tạ ơn. Trường hợp khách thiện tín vì đã khấn xin mà nay được toại nguyện thì sẽ trở lại tạ ơn Thần bằng một lễ vật tùy theo khả năng và tùy theo lời đoan hứa với Thần trước đây. Lễ vật có thể là tiền bạc, có thể là trái cây, là một con vịt luộc, con gà hoặc con heo quay. Nếu tạ lễ bằng trái cây, khách có thể biếu ông thủ từ ít trái, còn một số đem về cho con cái ăn gọi là thỉnh lộc của Thần. Nếu tạ lễ bằng một con vịt, gà hoặc heo quay, khách có thể để lại một phần gọi là kiếng, phần đem về nhà gọi là hồi lễ.

B. Kí Bán: Vì niềm tin mãnh liệt vào uy lực và sự phù hộ của Đức Thượng Công cho nên có những bà mẹ đã đem con tới kí bán cho Ngài, với nguyện vọng xin Ngài bao bọc che chở cho con cái mình.

Xin đan cử 2 thí dụ điển hình:

Bà Lư Thị Muội, thư kí của Hội Thượng Công Qúy Tế, có đứa con gái nhỏ tên Đỗ Thị Tuyết hay đau yếu. Bà Muội bế cháu Tuyết tới lễ bái Đức Thượng Công và kí bán con gái cho Ngài với lời khấn xin như sau: ‘Con tên là Lư Thị Muội, cư ngụ tại…. Con có đứa con gái tên Đỗ Thị Tuyết. Vì cháu hay đau yếu, nay con kí bán con của con cho Ngài. Từ nay, cháu Tuyết không còn thuộc về con mà thuộc về Ngài’. Trong khi bà Muội khấn xin, gia nhân đã nổi chiêng trống phụ họa cho lời cấu khấn của bà. Đọc xong lời khấn nguyện, bà thư kí bồng cháu Tuyết đi luồn qua giường thờ Đức Thượng Công 3 lần. Sau đó bà xin bùa đeo vào cổ cho con gái được mạnh khoẻ. Ra về, bà đổi tên con là Lê Thi Tuyết vì từ nay đứa bé đã thuộc quyền bảo trợ của Đức Thượng Công Lê Tả Quân. Tuy nhiên, trên giấy tờ hành chánh, cháu Tuyết vẫn mang họ cha là Đỗ Thị.

Nhân một buổi đi tham quan học hỏi tại Chánh Điện cũ, chúng tôi được chứng kiến cảnh một bà trạc tuổi trung niên, mặc áo dài, đang đứng cạnh giường thờ Đức Thượng Công giữa 2 cậu con trai khoảng 15, 16 tuổi. Lúc ấy, ba mẹ con cùng chắp tay van vái thiết tha. Sau đó, bà mẹ bảo 2 con chui qua chui lại dưới giường thờ 3 lần. Xong thủ tục, họ vái lậy và ra về. Chắc chắn đó cũng là một vụ kí bán con cho Thần, mong cho chúng được mạnh giỏi.

C. Xin bùa: Bùa là một vật, một dấu hiệu hay chữ viết tượng trưng sức mạnh của một vị Thần được tin tưởng là có thể trấn áp qủy ma.

Tại Lăng Ông Bà Chiểu, thường dùng 3 thứ bùa: Bùa cầu tài, bùa thuốc và bùa đeo. Cả ba đều viết bằng chữ nho trên giấy, để sẵn từng xấp trong đĩa trên các bàn thờ.

1. Bùa cầu tài: Bùa này viết 4 chữ Thượng Công Tọa Trấn trong 2 khung hình vuông trên giấy màu đỏ. Khổ giấy 8cm x 12cm. Bá tánh xin bùa cầu tài, gấp nhỏ lại và để trong túi áo với niềm tin bùa cầu tài sẽ giúp tránh được rủi ro hoặc thua lỗ trong công việc làm ăn.

2. Bùa thuốc: Nhiều người tin sở dĩ bị đau ốm là do qủy ma trù ếm; vì thế phải tới lễ bái đức Thượng Công và xin xâm thuốc kèm theo bùa thuốc về để trừ ma qủy mới mong hết bệnh. Bùa thuốc viết bằng các chữ nho màu đỏ trên giấy màu vàng, khổ 9cm x 12cm. Giữa đề 4 chữ Thượng Công Tọa Trấn. Hai bên lề đề 8 chữ Khu Tà Xuất Ngoại (xua đuổi tà ma ra ngoài), Bách Bệnh Tiêu Trừ (trừ hết trăm thứ bệnh). Khách thiện tín xin bùa thuốc về đốt thành tro, pha vào với thuốc (bài thuốc do xâm thuốc đã xin được) mà uống, ít nhất là 3 lần.

3. Bùa đeo: Bùa loại này khổ lớn 12cm x 19cm. Ở giữa viết 4 chữ màu đỏ trong khuông hình vuông Lê Công Tọa Trấn. Bên trên 4 chữ đó viết 5 chữ Sắc Lệnh Lê Tả Tướng Quân Trấn. Hai bên là 8 chữ Khu Tà Xuất Ngoại và Bách Bệnh Tiêu Trừ. Khách thiện tín xin bùa đeo, gấp nhỏ lại và đụng trong một cái túi bé xíu đeo vào cổ áo con nít, mong cho nó được mạnh khoẻ. Đôi khi người lớn cũng đeo bùa loại này. Ngoài ra, nhiều người xin bùa này về treo trên cửa ra vào để trừ tà ma, không cho xâm nhập khuấy nhiễu gia đình.

D. Thề: Thề là lời tuyên bố trước sự chứng giám của Thần, Thánh, Phật, Chúa về một việc gì để chứng tỏ sự thành thật, nếu gian dối sẽ xin chịu hình phạt của các đấng thiêng liêng.

Tùy trường hợp mà thề thốt có hình thức long trọng nhiều hay ít. Đối với người Việt Nam, Thần Thánh luôn hiện diện khắp nơi. Các Ngài không bất động, trái lại rất tích cực tham dự vào đời sống con người. Các ngài sẵn sàng gia ơn, giáng phúc hoặc là nghiêm khắc trừng phạt. Vì tin như thế cho nên trong những câu chuyện ngày thường, để tăng thêm giá trị cho lời nói, người ta hay thề thốt. Chẳng hạn như: ‘Tôi mà nói sai cho Qủy đánh Thánh đâm’ hay là ‘Đứa nào gian dối cho chết tươi tức thì’!...

Trường hợp quan trọng, người ta thường đưa nhau tới những nơi thờ cúng có tiếng linh thiêng để thề thốt theo một nghi thức long trọng. Tục lệ này cũng được thực hành trong phong tục của người Tây phương và người Kitô giáo. Ngày nay, những lời tuyên thệ long trọng được tổ chức trước vị thẩm phán hay trước mặt quốc dân.

Tại Lăng Ông Bà Chiểu, nơi được nhiều người tin là rất linh thiêng, vì thế đã từ lâu người ta thường đưa nhau tới đó để thề thốt trong những vụ tranh tụng về đủ mọi vấn đề. Theo lời đồn đại, Đức Thượng Công linh hiển đã từng phạt chết tươi những kẻ thề gian tại Miếu thờ Ngài. Thật vậy, bất cứ bô lão nào chúng tôi hỏi han tới, đều tỏ ra tin tưởng mãnh liệt vào lời đồn rằng Ông rất linh. Thậm chí ngay cả tòa án cũng đã từng cho phép các tụng phương đưa nhau tới đây để thề, mong tìm ra sự thật trong những vụ tranh tụng thiếu bằng chứng.

Trường hợp tòa án cho phép các tụng phương tới Lăng Ông để thề thì, trước hết, ông Biện lí (prosecutor) gửi văn thư thông báo cho Hội Thượng Công Qúy Tế. Tới ngày đã định, Cảnh sát tư pháp đưa hai bên tụng phương tới Lăng Ông để thề tại Nhà Hương, trước sự chứng kiến của ông thủ từ và của Cảnh sát tư pháp. Trên bàn thờ, đèn nến sáng trưng, nhang hương nghi ngút. Thủ tục bắt đầu với 3 hồi chiêng trống gây tác động linh thiêng có sức trấn áp tinh thần các đương sự. Tiếp theo, người tự cho là mình bị oan ức thề trước. Khi chiêng trống vừa dứt, y đứng thẳng, dơ tay lên, xưng tên tuổi và trình bầy nỗi oan, rồi vặn cổ một con gà mà thề rằng, nếu gian dối, sẽ bị Thần vật chết tươi như y đang giết chết con gà vậy. Sau đó đến lượt người tố cáo. Tất cả diễn tiến đều được Cảnh sát lập biên bản. Đã có những trường hợp, khi nghe tiếng chiêng trống nổi lên, một bên đương sự run sợ không dám thề, đành phải thú nhận tội lỗi. Bà thư kí Hội Thượng Công cho chúng tôi biết hiện Hội còn lưu hồ sơ 2 vụ thề chính thức tại Lăng Ông. Mãi cho tới nay, trong những ngày cuối tháng 4 năm 1974, tại Hạ Nghị Viện Việt Nam Công Hòa, dân biểu Đỗ Sinh Tứ tố cáo một số đồng viện dính líu vào vụ bê bối về phân bón và theo báo chí thì các đương sự thách thức nhau tới Lăng Ông Bà Chiểu để thề độc ‘kẻ gian dối sẽ bị hộc máu tươi mà chết tại chỗ!’ Nói thế, nhưng như chỗ chúng tôi được biết, hiện nay Hôi Thượng Công Qúy Tế đã cấm chỉ các cuộc thề thốt trong Lăng Miếu Đức Thượng Công vì lí do, mỗi khi thề thốt, các đương sự tự coi như mình bị oan ức thường kêu la khóc lóc, làm mất vẻ trang nghiêm nơi thờ cúng. Do đó các vụ thề thốt đã phải cử hành ngoài phần mộ Đức Thượng Công.

Trần Vinh

(Trích trong tập Sự Thờ Cúng Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt Tại Lăng Ông Bà Chiểu, 1974. Giữ nguyên nội dung nhưng có nhuận sắc).