BÀI 4: THƯỢNG CÔNG LINH MIÊU (1)



Miếu Ông là nơi thờ cúng quan trọng nhất tại Lăng Ông Bà Chiểu. Miếu bắt đầu xây dựng vào năm Thiệu Trị nguyên niên 1841 khi nhà vua tha tội cho thân thuộc Đức Thượng Công. Năm Tự Đức thứ hai 1849, vua cho phá bỏ trụ đá hài tội thì miếu thờ lại được trùng tu, nhưng lúc đó miếu mới chỉ là 3 căn nhà thấp nhỏ như nhà thường. Năm 1925, Hội Thượng Công Qúy Tế xây phần Trung Điện và Chánh Điện, nay còn tồn tại. Năm 1937, Hội trùng tu Miếu thờ một lần nữa: xây cất Nhà Hương và một số nhà phụ thuộc như: Đông Lang, Tây Lang, Phòng Ban Quản Trị, kho nhang đèn, v.v.Từ khi cụ Nguyễn Văn Cứng lên làm Hội trưởng (1953), việc trang trí được đặc biệt chú ý vì cụ là giáo sư hội họa của trường Chasseloup Laubat. Cụ Nguyễn Văn Cứng đã sưu tầm các đồ án trang trí ngoài kinh đô Huế và một số đình chùa nổi tiếng đem về thể hiện tại Miếu thờ Đức Thượng Công, đặc biệt là nghệ thuật đắp miểng kiểu (mảnh sành) thành các tác phẩm mĩ thuật tuyệt đẹp và công phu.

Với thời gian, khu Miếu Ông đã dần dần được xây dựng thêm khá rộng rãi. Để tìm hiểu quần thể kiến trúc này, chúng tôi sẽ theo thứ tự ưu tiên tìm hiểu khu trung tâm gồm có Nhà Hương, Trung Điện và Chánh Điện trước khi tìm hiểu về những kiến trúc phụ thuộc khác.

I. KHU TRUNG TÂM

Khu Trung Tâm Miếu Ông gồm có 4 nhà, cách nhau bằng 2 Sân Thiên Tỉnh: Nhà Hương, Trung Điện, Chánh Điện cũ và Chánh Điện mới. Đây là nơi cử hành chính thức các nghi lễ cúng tế.

Bốn nhà này được xây cất cách nhau khá lâu, và cả bốn đếu vuông vức, trừ ra Trung Điện không vuông hẳn. Nhà vuông gọi là nhà tứ tượng (2). Người ta cho rằng chỉ có Thánh, Thần, Phật mới ở nhà tứ tượng; người trần không dám ở vì sợ tai họa. Niềm tin đó chưa có giải thích thỏa đáng, song trên thực tế hầu như các đình, chùa, miếu, lăng đều kiến trúa theo kiểu nhà tứ tượng, như: Đình Phú Hòa (đường Trần Quang Khải), Đình Phú An (Thị Nghè), Đình Phú Nhuận, Đình Bình Hòa, Lăng Thọai Ngọc Hầu (Châu Đốc), Lăng Cha Cả (Tân Sơn Nhất)…

A. NHÀ HƯƠNG

Từ Sân Đốt Nhang Đèn đi vào, căn nhà thờ đầu tiên là Nhà Hương (còn gọi là Tiền Điện hay Điện Ngoài), được xây cất đồng thời với Đông Lang và Tây Lang vào năm 1937.

Nhà Hương và Đông Lang
Nhà Hương là chỗ bá tánh vọng chân linh Đức Thượng Công. Nơi đây lúc nào cũng có rất đông khách thập phương tới niệm hương, dâng lễ vật và xin xâm, xin keo.

Nhà Hương vuông vức, mỗi cạnh 12m. Mái không uốn cong, lợp ngói âm dương nay đã ngả mầu nâu cũ kĩ. Trên nóc trang trí nhiều đồ án mĩ thuật bằng miểng kiểu: lưỡng long triều nguyệt, tứ linh, bát tiên, âm dương xang nhật nguyệt, ngư hóa long, dơi dơi. Hai bên đốc là 2 đầu con hổ đắp nổi rất đẹp.

Mặt tiền Nhà Hương có 4 cột vuông bằng cẩm thạch Ý Đại Lợi. Cửa chính ở giữa có 6 cánh luôn luôn đóng kín. Hai cửa bên, mỗi cửa có 4 cánh, lúc nào cũng mở rộng. Các cánh cửa màu đỏ, trang trí các góc bằng phù điêu 4 con dơi màu vàng ngậm dây tiền, ở giữa là con dơi lớn hơn, ngậm chỉ vàng. Dưới hiên, ở chính giữa Tiền Điện treo bức hoành phi viết 4 đại tự bằng chữ nho: Thượng Công Linh Miếu. Bên phải bức hoành phi là lạc khoản đề chữ nho khổ nhỏ hơn: Tân Sửu, trọng Thu, cát đán trọng đề (1901, tháng 8, ngày lành, trịnh trọng viết). Góc trái bức hoành phi đề tên bằng chữ nho những người dâng cúng bức hoành phi (cũng có thể là những người góp công của xây miếu thời đó): Thị Hương, Trần Sùng khiết tế, Trần Lục, Lê Hiển bái phụng.

Trên 4 cột mặt tiền có 2 câu đối đắp miểng kiểu: Chinh Thị Nại phong công đệ nhất, thâu Quy Nhơn di tích vô song. Phan Lang tá quốc tiền lương tướng, Gia Định cần vương hậu hiển thân. Nghĩa là: Đánh trận Thị Nại được phong đệ nhất công thần, đoạt thành Quy Nhơn để lại thành tích có một không hai. Tại Phan Rang giúp nước là tướng giỏi, ở Gia Định phò vua sau trở thành hiển thần.

Giữa Nhà Hương là bàn vọng sơn son thiếp vàng, cao 1m70, dài 2m50, rộng 1m, trạm trổ tinh vi theo các đồ án mĩ thuật: tứ linh, lưỡng long. Trên bàn vọng đặt di ảnh Đức Thượng Công với đủ đồ ngũ sự: đỉnh, chân đèn, lọ hương, lục bình, đĩa quả. Hai bên bàn vọng là hai hành biểu bằng gỗ, sơn son, viết chữ vàng. Bảng ngoài cùng đề: Túc tĩnh hồi tị (giữ yên lặng và nghiêm trang). Các biển khác là danh xưng của các vị kề cân với Đức Thượng Công như Tả Quân Phu Nhân, Lê Tả Quân Đô Thống và cả Phan Thượng Thư Lương Khê (Phan Thanh Giản). Trước bàn vọng là các bàn để phẩm vật của bá tánh. Kề tiếp là bàn nghi, trên cũng đặt lư hương, chân đèn. Bình hoa, đĩa quả. Phía trước trải 4 chiếc chiếu; trên chiếu có sẵn các ống xâm, keo để bá tánh vào lễ bái và thỉnh Thần ý. Hai lòng căn hai bên có bàn thờ chư vị Thần Tả Ban và Hữu Ban.

Nhà Hương tương đối rộng rãi và sáng sủa nhờ hai bên tường lồng kính trông suốt sang Đông Lang và Tây Lang. Dọc theo tường hai bên đặt hai hòm sắt đựng tiền, bên hữu có minh chinh (chiêng), bên tả có đại cổ (trống). Tại đây lúc nào cũng có vài gia nhân thuộc Hội Thượng Công Qúy Tế bận quốc phục ngồi đợi khách tới cúng lễ thì nổi trống, đánh chiêng. Chung quanh tường treo nhiều bức hoành sơn mài màu đen hay màu đỏ, chữ vàng. Trên các cột thì treo các câu đối liễn nội dung ca tụng công nghiệp và sự hiển linh của Đức Thượng Công. Hấu hết những bức hoành phi và nghi môn là do người Việt gốc Hoa dâng cúng, nhiều lạc khoản đề rõ niên hiệu như: Trung Hoa Dân Quốc năm thứ…

*Sân Thiên Tỉnh 1:

Sân Thiên Tỉnh là sân lộ thiên thấp hơn nền nhà, nằm giữa Nhà Hương và Trung Điện, rộng 4m, lát gạch khía màu vàng. Gọi là Sân Thiên Tỉnh (tỉnh là giếng nước) có lẽ là vì tại đây có để một vại ‘nước thánh’. Nhiều khách thiện tín tin rằng nếu rửa mặt hoặc uống nước thánh này sẽ được ơn phúc của Đức Thượng Công làm cho khoẻ mạnh, khỏi bệnh.

Đứng tại Sân Thiên Tỉnh 1 nhìn lại Nhà Hương thấy khuông biển đề: Danh Thùy Vũ Trụ (danh tiếng trùm vũ trụ). Hướng về phía Đông Lang thấy biển: Hộ Ngã Quần Kiều (giúp đỡ cho những người trú ngụ chúng tôi). Hướng về phía Tây Lang thấy biển đề Ân Quang Phổ Chiếu (ơn Ngài như ánh sáng chiếu khắp nơi).

B. TRUNG ĐIỆN

Trung Điện và Chánh Điện được xây cất vào năm 1925. Theo cụ Nguyễn Kim Kỳ, Phó Hội trưởng Hội Thượng Công Qúy Tế, sinh 1906, thì khi còn thiếu niên cụ thấy Miếu Ông là 3 căn nhà nhỏ bé lụp xụp, chỉ có Mộ Ông thì vẫn to lớn như ngày nay. Như vậy Trung Điện và Chánh Điện xây trên chính chỗ Miếu Ông cũ đã phá bỏ đi.

Bên trong Chánh Điện
Trung Điện còn gọi là Điện Giữa, kích thước 9m x 12. Từ Sân Thiên Tỉnh bước lên bậc tam cấp đá hoa Quảng Nam để vào Trung Điện. Nhìn lên có khuông biển: Thánh Đức Cao Thâm. Bốn cột trụ mặt tiền cẩn đá cẩm thạch Ý Đại Lợi màu trắng vẩn đen vào năm 1956. Cửa chính có 6 cánh. Hai cửa phụ, mỗi cửa 4 cánh. Tất cả đều sơn son thiếp vàng và phù điêu các đồ án trang trí tứ linh, dơi ngậm dây tiền.

Chính giữa Điện là Bàn Hội Đồng thờ chư vị Công Thần, Hiền Nhân, Chí Sĩ, Anh Hùng, Liệt Nữ Việt Nam. Bàn cao 1m70, trạm trổ tinh vi các đồ án phước lộc thọ, bát tiên, long phụng. Tất cả đều sơn son thiếp vàng. Hai bên Bàn Hội Đồng có tàn lọng. Trước kê một cái bàn khảm xà cừ cao 0m80 để đặt phẩm vật dâng cúng. Phía ngoài là một cặp xương hông cá voi cao hơn 2m của tỉnh Gò Công dâng tặng. Phía sau Bàn Hội Đồng cũng kê một bàn khảm xà cừ cao 1m50 và một giá cắm ngũ linh kì (3). Hai bên ngũ linh kì là 2 giàn bát bửu bằng gổ sơn son thiếp vàng (4).

Giữa hai lòng căn hai bên Điện Giữa có bàn thờ chư vị Tôn Thần Tả Ban và Hữu Ban. Bàn thờ sơn son thiếp vàng, phù điêu hình hạc tùng, hoa điểu. Trước các bàn thờ đều trải chiếu, trên chiếu có sẵn các ống xâm và keo để bá tánh thỉnh Thần ý.

Phía hữu Điện có chiêng và con ngựa xích thố. Phía tả có đại cổ (trống lớn) và con bạch mã. Trên tường Trung Điện gắn 2 bảng cẩm thạch khắc tiếng Pháp, màu đỏ: Bảng bên tả khắc tên các vị đóng góp tài vật cho cuộc trùng tu năm 1937; bảng bên hữu khắc yên các quan cai trị người Pháp và Ban quản trị Hội Thượng Công Qúy Tế đứng ra lo việc trùng tu năm 1937.

Trung Điện cũng được trần thiết những màn trướng, liễn đối, khuông biển, hoành phi sơn son thiếp vàng giống như ở Nhà Hương.

Các khuông biển như: Thiên Thu Sùng Bái (ngàn năm sùng bái); Uy chấn Hiệu Thiên (uy phong chấn động khắp gầm trời); Nam Bắc Đồng Khâm (người Việt và người Hoa đều tôn kính); Trung Thành Nghĩa Dõng (Ngài có đức trung, thành, nghĩa, dũng).

Trên cột treo cặp liễn đối như sau: Vi Danh Tướng Vi Nguyên Thần, Hứa Đa Chánh Tích Nhung Công, Hách Hách Nhiên Tại Nhân Nhĩ Mục; Thử Mộ Bi Thử Từ Miếu, Lịch Tại Âu Phong Á Vũ, Nguy Nguy Hồ Ngô Thổ Sơn Gian (Làm danh tướng, làm bậc bề tôi tiên khởi, biết bao công trạng chính trị trận mạc còn để lại chói lọi tai mắt người đời; Này mộ bia này đền thờ, trải qua khắp gió Âu, mưa Á đồ sộ thay trong khoảng đất này.

Về kiến trúc, Trung Điện lợp ngói âm dương, trang trí trên nóc nhà bằng những đồ án quen thuộc tuyệt đẹp. Trung Điện cũng giống như Chánh Điện đều thiết kế với 2 giài loại có trính, ngoài kèo cái còn có 2 kèo phụ chịu vào tường hai bên đốc nhà. Điểm đặc biệt nhất là các kèo đều là loại kèo kép chồng chất lên nhau coi rất phức tạp. Mỗi giàn có 2 cột cái và 2 cột con, đều bằng gỗ tròn, đặt trên đá tảng cao 0m40; trính và kèo hình chữ nhật nhẵn nhụi; các đòn tay tròn trịa, sơn đỏ, các nẹp cũng sơn đỏ.

Trung Điện cũng như Chánh Điện không có cửa hông nên tối tăm huyền ảo như hầu hết các nơi thờ cúng cổ truyền khác.

C. CHÁNH ĐIỆN CŨ

Trước năm 1973, chưa xây thêm Chánh Điện Nới Rộng, thì Chánh Điện cũ là hậu cung của Miếu Ông, còn gọi là Nội Điện. Ngày thường khách thập phương không được lui tớí, chỉ trừ 3 ngày Tết và kì lễ giỗ Đức Thượng Công. Sau lễ khánh thành vào năm 1973,Chánh Điện cũ trở thành một Trung Điện nới rộng. Chánh Điện cũ và Trung Điện nối liền nhau, chỉ có thể phân biệt được là nhờ các giài và mái nhà khác nhau mà thôi.

Chánh Điện cũ kích thước 12m x 12m, gồm 2 giài như Trung Điện. Chỉ khác nhau về 2 điểm trang trí là:

Một là mặt dưới các kèo ở Chánh Điện cũ có phù điêu các đồ án trang trí sơn son thiếp vàng: điểu, hoa, thú rất tinh vi. Hai là bốn cột Chánh Điện chạm rồng nổi uốn khúc. Đầu và mình rồng ần hiện trong mây từ đưới đất lên tới đầu cột, đuôi rồng vươn lên chống đỡ mái Chánh Điện. Mặc dù cổ lầu có lộng kính ngũ sắc nhưng Chánh Điện vẫn chỉ có ánh sáng mờ mờ ảo ảo.

Chân dung Đức Thượng Công
Chính giữa Chánh Điện cũ là một giường thờ vuông 2m50 x 2m50, cao 1m50; trên để di ảnh Đức Thượng Công lồng khám cao 0m70, rộng 0m50. Trên bàn bầy đồ ngũ sự, một hộp kính để 4 giàn ly pha lê chạm thủng đồ án lưỡng long triều nguyệt và nhiều gối nệm thờ. Bốn góc giường thờ phù điêu đầu rồng và hoa lá. Bốn bên chạm thủng hoa, điểu. Sau giường thờ là một giàn lỗ bộ bằng đồng, hai bên cũng có 2 giàn lỗ bộ bằng gỗ sơn son thiếp vàng (5). Trước 2 cột long trụ là 2 con hạc đứng chầu trên lưng rùa quay đầu vào giữa, cao 2m50. Trước hai con hạc cũng có 2 giàn lỗ bộ bằng kim loại đen sì, mỗi giàn 6 món.

Hai bên lòng Chánh Điện cũng kê 2 giường thờ kích thước 2m x 2m, cao 1m20, chạm trổ tinh vi; trên bàn đặt đồ tam sự, một hộp 4 giàn li pha lê, không có gối thờ. Sau mỗi giường thờ có một giàn lỗ bộ 6 món vũ khí bằng gỗ sơn son thiếp vàng.

Cuối cùng là hậu cung tối âm u là nơi đặt bàn khánh thờ Đức Thượng Công.

Từ năm 1973, Chánh Điện Nới Rộng được khánh thành, phần chính của Miếu Ông chuyển sang Chánh Điện mới xây cất.

* Sân Thiên Tỉnh 2:

Từ Chánh Điện cũ bước qua một hàng rào chắn là tới Sân Thiên Tỉnh 2. Hàng rào chắn bằng gỗ cao 1m10, chạm thủng các đường nét hình học vuông vức, ở giữa là một giàn lỗ bộ bằng đồng. Hàng rào này chỉ mở cho bá tánh trong 3 ngày Tết và kì lễ giỗ Đức Thương Công. Trên khung lòng chính và lòng háng phụ có trang trí đồ án bằng xi măng hình các hoa lá, đầu rồng sơn màu vàng.

Sân Thiên Tỉnh 2 rộng 3m50, không có vại nước thánh, nhưng có hòn non bộ. Đứng ở giữa sân ngó sang hai bên tả hữu thấy 2 hoa viên nhỏ lộ thiên kích thước 4m x 4m với nhiều chậu cảnh qúy.

D. CHÁNH ĐIỆN NỚI RỘNG

Chánh Điện Nới Rộng khởi công năm 1971, khánh thành năm 1973. Kinh phí xây cất 29 triệu.

Chánh Điện Nới rộng cao hơn Chánh Điện cũ, dùng vật liệu mới, khung nhà đúc xi măng cốt sắt. Mái ngói âm dương màu xanh. Tuy dùng vật liệu mới nhưng vẫn họa lại mô hình miếu mạo cổ xưa truyền thống.

Chánh Điện mới kích thước 12m x 12m, cao 20m. Hai mái và một mái hiên, lợp ngói âm dương màu xanh. Trên nóc trang trí đồ án lưỡng long triều nguyệt bằng xi măng cốt sắt, 8 góc cũng trang trí bằng 8 con rồng. Tường sơn toàn màu vàng, nền lát gạch vàng đỏ. Chung quanh tường phía ngoài là hành lang kín đáo rộng 2m. Hai bên hông là hai phòng khách rộng. Hai cột cái ngang bậc lên Chánh Điện cẩn cẩm thạch xám vân trắng. Khung cửa bằng gỗ đỏ chói, không có cánh cửa nhưng có màn bằng vải màu vàng theo kiểu mới.

Cáng khiêng
Bước lên Chánh Điện, nhin hai bên tả hữu thấy 2 cái võng treo trên cáng khiêng chạm hình rồng tượng trưng chức phẩm cao sang; sát bên võng là một cái giá cắm côn, roi, gậy, hèo bằng gỗ sơn son thiếp vàng. Đây là những thứ vật thường dùng của Quan Tổng Trấn đầy uy quyền thuở xưa. Trên tường phía hữu gắn một bảng cẩm thạch khắc tên những vi phụ trách kĩ thuật xây cất: Kiến trúc sư Mohamed Hamin, cố vấn kĩ thuật Gs.Nguyễn Văn Long và Kĩ sư Ngô Nẫm. Trên tường phía tả gắn một bảng khác khắc tên các vị mà Hộ Thượng Công Qúy Tế cho là ân nhân của Hội như: Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, Quốc vụ khanh Mai Thọ Truyền, cựu Tỉnh trưởng Lê Văn Tư, Tỉnh trưởng Châu Văn Tiên. Một bảng nhỏ khắc ngày khởi công 03 tháng 3 Nhâm Tí (16/4/1972), hoàn thành ngày 08 tháng 7 năm Qúy Sửu (26/8/1973).

Tại lòng háng ngoài cùng, trải 3 chiêc chiếu và 2 giàn lỗ bộ bằng đồng.

Nền Chánh Điện, từ lòng giữa vào tới hậu cung, có 3 bậc khác nhau. Sát tường cuối là cái bệ bằng đá rửa cao 3m, rộng 1m. Chính giữa bệ là khánh thờ Đức Thượng Công, sơn son thiếp vàng, kích thước 2m x 2m, chạm thủng nhiều đồ án trang trí hoa, điểu, tứ linh; một phần được khảm xà cừ. Trong khánh thờ đặt bài vị Đức Thượng Công, chữ vàng, nền đỏ. Đọc từ phải qua trái có 3 hàng chữ như sau:

Nam Kì Khai Quốc Công Thần

Khâm Sai Đại Thần Quản Bình Tây Đại Tướng Quân

Tổng Trấn Lê Quận Công Chi Thần Vị

Cũng trong khánh thờ này, trước bài vị Đức Thượng Công có để bài vị Phu nhân của Ngài, viế chữ nhỏ hơn, đọc như sau:

Khâm Sai Bình Tây Đại Tướng Quân

Lãnh Gia Định Tổng Trấn Quận Công

Chánh Thất Đỗ Phu Nhân Linh Vị

Trước bài vị của Phu nhân Đức Thượng Công có một cái hộp son đậy kín. Theo các nhân viên Ban Quản trị, chiếc hộp này đựng sắc phong của nhà vua ban cho Đức Thượng Công. Nhưng bất cứ ý định muốn nhìn xem sắc phong này đều không thể thực hiện được, vì theo lệ, sắc phong các Nhân Thần được giữ hết sức bí mật, chỉ có vài vị chức sắc cao cấp nhất trong Hội thờ cúng được phép mở ra xem mà thôi. Chúng tôi may mắn được quen biết thân tình với cụ cựu Hội trưởng Hội Thượng Công Qúy Tế Nguyễn Văn Cứng, cho nên đả hỏi thăm cụ về sắc phong này. Cụ Nguyễn Văn Cứng cho biết hộp đựng sắc phong trưng bầy trước khánh thờ Đức Thượng Công chỉ có tính cách tượng trưng, vì khi còn làm Hội trưởng, cụ đã mở ra xem mà không thấy có sắc phong.

Hai bên tả hữu khánh thờ Đức Thượng Công là Đông Hiến và Tây Hiến. Đông Hiến có khánh thờ Đức Thiếu Phó Lê Chất. Trong khánh có bài vị:

Tả Dinh Đô Thống Chế Lãnh Bắc Thành Phó Tổng Trấn Tánh Lê Thần Vị (6).

Ngay cạnh khánh thờ dựng một cờ nghi biểu, đề chữ Tướng tượng trưng cho hàng quan võ. Ngài Lê Chất vốn là bạn đồng tâm của Đức Thượng Công.

Tây Hiến có khánh thờ cụ Phan Thanh Giản. Trong khánh thờ có bài vị:

Tiền Hiệp Biện Đại Học Sĩ

Lãnh Lễ Bộ Thượng Thư

Phan Công Lương Khê Thần Vị.

Ngay cạnh khánh thờ dựng một cờ nghi biểu, đề chữ Sư tượng trưng cho hàng quan văn (7).

Lễ giỗ Ngài Lê Chất nhằm ngày 10 thánh 7 Âm lịch. Lễ giỗ cụ Phan Thanh Giản nhằm ngày 05 tháng 7 Âm lịch.

Hai khánh thờ Ngài Lê Chất và cụ Phan Thanh Giản đều chạm trổ tinh vi, sơn son thiếp vàng như khánh thờ Đức Thượng Công nhưng kích thước nhỏ hơn một chút. Bên trong 3 khánh thờ có ánh đèn điện đỏ mờ tỏa sáng lung linh huyền ảo.

Dưới bệ đặt các khánh thờ là thềm đá hoa cao khoảng 1m. Hai bên lòng háng có 4 bậc bước lên thềm bằng đá rửa. Mặt thềm hai lòng chính ghép cẩm thạch xám vân trắng. Trên thềm tại lòng chính để bàn nghi. Trên bàn nghi đặt ghế ngự màu đỏ và một hộp lồng kính đựng mũ đại triều tượng trưng địa vị tôn qúy của Đức Thượng Công.

Dưới sàn Điện đặt 3 bàn nghi, bàn nghi tại lòng gian giữa lớn hơn bàn nghi hai bên Đông Hiến và Tây Hiến. Tất cả đều được trạm trổ tinh vi và sơn son thiếp vàng. Trên các bàn đặt đồ ngũ sự. Bốn góc bàn nghi chính dựng 4 cái lọng vàng, cán đỏ. Hai bên khánh thờ Đức Thượng Công trên bệ cao cũng dựng 2 cái tán thêu thùa rực rỡ. Hai bên chiếc chiếu trải trước bàn nghi chính là 2 giàn lỗ bộ bằng đồng..

Đường từ cổng tam quan vào Miếu Ông
Về trang trí, trong lòng Chánh Điện Nới Rộng, ngoài các khánh, bàn nghi và đồ thờ, không có vật gì có vẻ cổ kính, trừ ra 4 cột cái bằng xi măng cốt sắt đúc hình rồng uốn khúc khá tinh vi, sơn màu nâu sậm, tương tự 4 long trụ chạm gỗ qúy tại Chánh Điện cũ. Chánh Điện Nới Rộng không trần thiết những câu đối liễn, mà chỉ có màn trướng, tàn, soái và một bức hoành duy nhất treo trên đầu tường hậu cung, đề 4 đại tự: Uy Trấn Hạo Thiên (uy danh chấn động tận trời).

II. NHỮNG KIẾN TRÚC PHỤ THUỘC

Những kiến trúc phụ thuộc vào khu trung tâm Miếu Ông gồm có Sân Đốt Nhang Đèn, khu nhà phía Đông và khu nhà phía Tây.

A. SÂN ĐỐT NHANG ĐÈN

Cũng như khu Lăng Mộ, tất cả khu Miếu Ông tọa lạc trên một nền đất cao hơn mặt huê viên khoảng 0m50. Mặt hướng Nam, lưng quay về hướng Bắc (phía Tòa Hành Chánh tỉnh Gia Định).

Từ Cửa Tam Quan đi vào, khách chiêm bái rẽ sang tay trái, bước lên 2 bậc thềm đá xanh để vào Sân Đốt Nhang Đèn. Cổng vào sân kiến trúc bằng 2 trụ cột vuông, đỉnh cột đặt tượng cá hóa rồng bằng sành màu xanh. Mỗi cánh cửa là một hình chữ Thọ bằng sắt sơn đỏ. Lối vào đề chữ Nhập. Trên 2 trụ cột là đôi liễn chữ nho do Hòa thượng Thích Khánh Anh, Pháp chủ Hội Tăng già Nam Việt tặng nhân dịp Ngài viếng thăm vào năm 1958. Đôi liễn cẩn miểng kiểu, nguyên văn:

Thần Lâm Chứng Lễ Khai Tư Đạo,

Nhân Tấn Hành Hương Nhập Thử Môn.

(Thần đến chứng lễ mở lới này, Người tới chiêm bái vào cửa này).

Lối ra đề chữ Xuất, có đôi liễn như sau:

Thần Tại Khuyết Linh Thường Giáng Phước,

Nhân Hồi Thủ Lễ Xuất Tư Môn.

(Thần ở cửa khuyết linh thiêng thường ban phước, Người trở về giữ lễ kính ra cửa này).

Sân Đốt Nhang Đèn hình chữ nhật 15m x 26m, nền lót đá. Giữa sân là 3 nhà nhỏ để đốt vàng mã, nhà chính giữa cột xây, có 2 mái lợp ngói âm dương, 2 nhà hai bên mái tôn sơn đỏ: phía trước là 5 cái lư hương lớn cẩn miểng kiểu hình long phụng, trong đổ cát để khách thiện tín cắm nhang cúng. Phía sau nhà đốt vàng mã sát phần mộ Đức Thượng Công còn có 6 chậu hoa đổ cát cũng dùng để cắm nhang.

B. KHU NHÀ PHÍA ĐÔNG

Nhà Hương, Đông Lang và Lễ Khách Đường
Khu nhà phụ thuộc phía Đông có 2 dẫy: Dẫy nhà sát vào Miếu Ông là Đông Lang 1; dẫy nhà ngoài cùng là Đông Lang 2.

1. Đông Lang 1: Đông Lang 1 cách Miếu Ông một hành lang rộng 1m50, trên lợp tôn mica xanh che mát. Từ ngoài sân đi hết dẫy Đông Lang 1 dài 34m, rộng 5m. Đầu hồi quay ra Sân Nhang Đèn cẩn miểng kiểu hình một con lân rất đẹp, trên nóc dùng các hoa văn và những đồ án trang trí quen thuộc. Các phòng chia ra như sau:

a. Đông Lang 1: dài 12m, ngày thường là nơi bá tánh tới thỉnh nhang đèn. Kỳ lễ giỗ Đức Thượng Công, Đông Lang 1 biến thành chỗ bá tánh hướng sang Nhà Hương để coi hát cúng

b. Phòng khách: Đi vào qua một hành lang rộng 4m là tới Phòng khách, dài 10m, kê nhiều bàn ghế quý giá, trên tường treo những khuông bảng sơn mài đen, chữ vàng do bá tánh dâng tặng, như: Vinh Danh Vĩnh Kí. Vạn Cổ Lưu Phương. Phòng này để tiếp thượng khách của Hội Thượng Công Qúy Tế trong các dịp lễ.

c. Kho dụng cụ: để chứa dụng cụ nhà bếp.

d. Phòng thủ tự: để chứa đồ thờ.

2. Đông Lang 2: Song song với Đông Lang 1 là Đông Lang 2. Nằm bên ngoài cổng Sân Nhang Đèn. Các phòng chia ra như sau:

a. Phòng Tiếp Tân: Mặt tiền Phòng Tiếp Tân đắp miểng kiểu 3 đại tự Lễ Khách Đường bằng chữ nho, hai bên và trên mái cũng là những đồ án trang trí tinh xảo. Trong những kì đại lễ, các khách danh dự được đón tiếp tại đây trước khi vào phòng khách hoặc vào dự lễ. Phòng kê 4 bộ bàn ghế cẩn xà cừ tuyệt đẹp. Trên tường treo nhiều liễn đối xưng tụng, như: Vĩ Chấn Long Hưng Địa, Đức Phổ Lộc Giả Thiên (Lớn lao chấn động vùng đất Long Hưng, Đức độ nổi danh bầu trời Đồng Nai); những khuông biển sơn son thiếp vàng, như: Danh Cao Thiên Cổ, Thần Ân Tí Hựu, Trạch Cập Kiều Quần (danh cao ngàn xưa, Ơn Thần giúp rập, Ơn huệ đến với mọi kiều dân cư trú).

b. Phòng Khánh Tiết: Xây dựng năm 1949, dài 10m, rộng 7m50. Cuối phòng đặt bài vị Tiền Hiền: Bổn Xã Hiển Linh Tiền Hiền Khai Khẩn Tánh Lê Tự Thi Thần Vị. Tương truyền chính ông Lê Thi là người đầu tiên đứng ra xây dựng Miếu thờ Đức Thượng Công vào năm 1841. Phòng Khánh Tiết là nơi cúng tế các vị Tiền Hiền, Hậu Hiền và hội viên qua đời, cũng là nơi khoản đãi quan khách và hội viên trong những kì đại lễ.

c. Nhà Trù: Kế Phòng Khánh Tiết là Nhà Trù, tức là nhà bếp, nơi Ban Công Quả phụ nữ dọn cỗ bàn cúng tế và các bữa tiệc.

C. KHU NHÀ PHÍA TÂY

Khu nhà Phía Tây cũng có 2 dẫy cân đối với khu nhà phía Đông. Dẫy nhà sát vào Miếu Ông là Tây Lang, dẫy nhà ngoài cùng là Tây Điện.

1. Tây Lang: Tây Lang xây cất năm 1937. Cách Miếu Ông một hành lang rộng 2m, lợp mica xanh. Từ ngoài sân đi vào hết dẫy Tây Lang dài 34m, rộng 4m50, chia ra như sau:

a. Tây Lang: để trống 2 mặt Bắc và Đông, không kê bàn ghế, chỉ có quầy hang ngày phát giấy bàn xâm cho bá tánh và các tủ đựng xâm treo dọc theo tường phía Tây. Phòng còn để bá tánh ngồi hướng sang Nhà Hương coi hát cúng vào dịp lễ giỗ Đức Thượng Công. Đầu hồi quay ra phía Sân Nhang Đèn cẩn miểng đồ án long mã phụ đồ tuyệt đẹp ( con vật mình ngựa, đầu rồng mang túi thơ trên lưng).

b. Phòng Ban Quản Trị: Bước qua một hành lang rộng 4m thì tới Phòng Ban Quản Trị. Lúc nào cũng có ông Tổng Thư Kí Ban Quản Trị và nhân viên thư kí làm việc ở đây. Các ngày lễ và chủ nhật, hầu hết nhân viên Ban Quản Trị túc trực tại Văn phòng. Trên tường Phòng Ban Quản Trị treo danh sách các Hội viên, danh sách các Hội viên đã qua đời, danh sách các Hội viên đã ra khỏi Hội, danh sách Ban Quản Trị và các Tiểu ban. Nhìn qua văn phòng Ban Quản Trị sẽ biết Hội Thượng Công Qúy Tế là một Hội thờ cúng lớn, có tổ chức quy củ và dồi dào về tài chánh.

c. Phòng Thủ Bổn và Kho Nhang Đèn: Phòng Thủ Bổn có cửa sắt kiên cố, là nơi kiểm điểm tiền dâng cúng và làm sổ sách chi thu.

Kế đó là Kho Nhang Đèn: chứa nhang đèn, lễ phục, các lá xâm, thẻ xâm, ống xâm.

2. Tây Điện: Song song với Tây Lang là Tây Điện, xây cất năm 1959. Tây Điện gồm có Tiền Đường và Tây Điện.

a. Tiền Đường: Tiền Đường kích thước 5m x 7m50. Từ Sân Thiên Tỉnh đi sang phía Tây, trước khi vào Tiền Đường Tây Điên, khách sẽ thấy khuông thành vọng chạm lộng hình mai điểu rất tinh vi. Giữa Tiền Đường đặt một long trụ cao 2m, phù điêu trên gỗ quý màu đen 2 con rồng rất đẹp. Trên 4 mặt tường treo nhiều khuông biển tán tụng và ghi ơn Đức Thượng Công, chẳng hạn như: Thù Tạ Thần Ân, Bảo Ngã Bình Ân (tạ ơn vì đã gìn giữ được bình an), Anh Linh Hiển Hách, Thần Ân Phổ Chiếu ( anh hồn hiển hách, ơn Thần ban ra phắp nơi). Hữu Cầu Tất Ứng Tạ Lậy Thần Ân (có cầu xin, ắt ứng nghiệm, xin lậy tạ Thần Ân). Lê Tướng Uy Linh, Nhựt Nhựt Hộ Trì, Quan Thánh Đức Xương Dân An Tại, Niên Niên Khâm Ngưỡng Bái Thần Ân ( Tướng học Lê oai linh, hằng ngày phù giúp, trông thấy đức độ Bậc Thánh của Ngài, giúp dân được bình an, hằng năm kính thờ cúi ơn của Thần).

b. Tây Điện: Tây Điện dài 14m, rộng 7m50. Nơi đây đặt 3 bàn thờ Bàn thở ở giữa để di ảnh Đức Thượng Công, hai bên tả hữu thờ Tiền Hiền và Hậu Hiền. Trên tường hai bên có khuông biển sơn mài rồng chầu lư hương. Tây Điện được coi như một Chánh Điện phụ để chia bớt bá Tánh chiêm bái quá đông tại Chánh Điện vào những ngày đại lễ. Vì thế tại đây có 2 tủ sắt đựng tiền dâng cúng, 1 đại cổ (trống lớn) và một minh chinh (chiêng đồng). Trước bàn thờ trải 5 chiếc chiếu, trên có sẵn những ống xâm và keo cho bá tánh thỉnh Thần ý. Tây Điện còn dùng để tổ chức lễ cúng các chiến sĩ trận vong trong dịp lễ giỗ Đức Thượng Công. Về kiến trúc, Tây Điên xây cất theo lối mới, không có gì đáng chú ý.

III. NHẬN XÉT CHUNG VỀ KIẾN TRÚC LĂNG ÔNG

Sau khi mô tả tổng quát kiến trúc Lăng Ông, chúng tôi xin có vài nhận xét chung:

1. Khu Lăng Mộ Đức Thượng Công còn giữ nguyên vẻ cổ kính. Xét về kích thước, đó là ngôi mộ to lớn đặc biệt của hàng đại công thần hoặc thân vương.

2. Lối xếp đặt các nhà từ ngoài vào trong Nhà Hương, Trung Điện, Chánh Điện tượng tự lối xếp đặt Võ Ca, Võ Quy và Chánh Điện của nhiều ngôi đình ở Miền Nam. Tất cả hướng Nam. Theo thuyết ngũ hành, phương Nam thuộc hành Hỏa. Làm nhà hướng Nam là mong mỏi sự sáng suốt như lửa đỏ.

3. Các Ban Quản Trị Hội Thượng Công Qúy Tế luôn quan tâm tớí việc canh tân, tu sửa; thậm chí còn phá hủy nhà cũ để xây nhà mới tại Miếu Ông. Việc này có các lí do: vật liệu xưa thường bằng gỗ dễ bị hư hỏng do thời tiết khắc nghiệt và mối mọt đục khoét. Hơn nữa, vì sự thờ cúng ngày một trở nên sầm uất, tài chánh ngày một khả quan hơn, các Ban Quản Trị đã lần lượt xây cất thêm những nhà phụ thuộc và có chương trình phá bỏ những nhà cũ để xây lại hoàn toàn bằng vật liệu mới bền vững hơn, hầu đáp ứng với nhu cầu phát triển.

4. Công trình tu bổ và xây cất bằng vật liệu mới có ưu điểm là bền vững, cao ráo, sáng sủa và mát mẻ. Tuy nhiên, mỗi lần sửa chữa, hoặc phá bỏ nhà cũ để xây nhà mới, vẻ cổ kính của kiến trúc mất mát dần.Chánh Điện Nới Rộng mới xây cất xong năm 1973, to cao hơn, sáng sủa hơn, nhưng không còn những nét đặc thù của kiến trúc đình chùa tuyền thống là mái rộng và cong, nhà thấp, và bên trong phải tối tăm mờ mờ ảo ảo để tạo một không gian huyền linh.

*Trần Vinh

CHÚ THÍCH:

(1) Bài trích trong tập Sự Thờ Cúng Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt, 1974. Có nhuận sắc.

(2) Nguyễn Long Thao. Nghiên Cứu Một Ngôi Đình Miền Nam: Phú Nhuận Đình. Tiểu luận cao học Văn Khoa, Đại Học Sài Gòn, 1974. Tr.33.

(3) Cờ ngũ hành gồm 5 lá cờ hình vuông 5 màu: xanh chỉ mộc, đỏ chỉ hỏa, trắng chỉ kim, tím chỉ thủy, vàng chỉ thổ.

(4) Bát bửu: 8 thứ đồ dùng của bậc tao nhân mặc khách: pho sách, cuốn thơ, bầu ruợu, cái quạt, lẵng hoa, đàn tì, phất trần, gậy như ý.

(5) Lỗ bộ: tên 18 loại vũ khí: chủy, trái đấm, búa, kích, kiếm, song kiếm, trường thương, đại đao, đoản đao, siêu, roi, xà mâu, mác, khiên, giáo, cung tên, rìu, côn.

(6) Có lẽ có sự lầm lẫn ở đây khi viết bài vị của Đức Thiếu phó Lê Chất:

- Sử chép: ‘Em Duyệt tên là Phong lúc đầu trung hưng thường đi theo chinh phạt có chiến công, đời vua Gia Long làm đến chức Đô Thống Chế Thần Sách Tả Dinh lãnh chức Phó Tổng Trấn Bắc Thành’ (Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện. Quyển 23. Tr. 31B, bản dịch chưa xuất bản của Ủy Ban Dịch Thuật Bộ Văn Hóa Giáo Dục. Trang đề theo nguyên bản chữ nho).

- Về Lê Chất, sử chép ông từng giữ chức Tổng Trấn Bắc Thành (Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu. Sđd. Tr. 126). Thêm vào đó, sử chép tiếp: ‘Chưởng Hậu Quân Quận Công Lê Chất mất, Ngài thương xót đình triều 3 ngày, tặng chức Thiếu Phó thụy là Đổng Nghị’ )Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu. Sđd. Tr. 131).

Xét như thế, có lẽ có sự lầm lẫn giữa bài vị của Lê Văn Phong, em ruột của Đức Thượng Công với bài vị của Đức Thiếu Phó Lê Chất. Chính ra bài vị của Đức Thiếu Phó Lê Chất phải viết như sau:

Chưởng Hậu Quân Quận Công Lãnh Bắc Thành Tổng Trấn Lê Thần Vị.

(7) Có dư luận cho rằng vì cụ Phan Thanh Giản đã hàng Pháp, nên người Pháp có đôi chút cảm tình với cụ mà ép Hội Thượng Công Qúy Tế phải thờ cụ tại Miếu Đức Thượng Công. Song theo các viên chức trong Ban Quản Trị Hội thì Hội thờ cụ Phan Thanh Giản do tự ý chọn một vị trong hàng quan văn để thờ song đôi với Ngài Lê Chất là tượng trưng cho hàng quan võ