THẦN HỌC LINH ĐẠO TRONG THƠ CUNG CHI

Nhà thần học Karl Rahner (1904-1984) dòng Tên cho rằng trong một số trường hợp cá biệt, một người vừa là một nhà thơ, lại vừa là một linh mục. Xuân Diệu đã định nghĩa thi nhân trong bài Cảm Xúc:

Là thi sĩ nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng và thơ thẩn cùng mây
Để linh hồn ràng buộc bởi muôn dây
Hay chia sẻ bởi trăm tình yêu mến.


Còn bàn tay của linh mục, ngoài việc cầm bút, chủ yếu là:

Nhân danh Ba Ngôi cực trọng thay
Con dùng đôi tay yếu đuối này
Làm dấu nối liền trời với đất
Như nguồn phúc lộc suối ơn đầy.


Hai đoạn thơ trích dẫn đều là thơ mới bẩy chữ, gieo cùng vần điệu (mây, dây / thay, này, đầy). Trong khi Xuân Diệu ‘‘ràng buộc bởi muôn dây’’, linh mục Cung Chi dùng bàn tay để ‘‘nối liền trời với đất’’. Như vậy nhận xét của Karl Rahner có đúng chăng ? Linh mục và thi sĩ phải chăng giống như đông và tây trong câu văn của Rudyard Kipling: ‘‘Đông là Đông, Tây là Tây, đôi ngả đông tây không bao giờ tái hợp’’ (l’Est est l’Est, l’Ouest est l’Ouest, et jamais ils ne se rencontreront).

Trong vần thơ trích dẫn, nhà thơ Xuân Diệu đã đưa ra mấy chất liệu hun đúc hồn thơ: gió, trăng, mây. Thi nhân là chủ từ của các động từ: ru, mơ, thơ thẩn, ràng buộc và chia sẻ.

Thơ Cung Chi cũng có đủ các chất liệu gió, trăng, mây. Này đây ngọn thiên phong đã làm rung động hồn thơ Cung Chi:

Lạy Thánh Thần xin hãy thổi ! hãy thổi
Xóa nhòa đi những nét gợn bi quan
Cho hoa nở thơm phức mùi hân hoan
Trong cung thẳm những quãng đời đen tối.

Trăng trong thơ Cung Chi chiếu soi đến tận cõi lòng:

Như trăng rằm vằng vặc giữa ngân giang
Như mặt trời chiếu bình minh suối ngọc.

Và sau cùng là mây :

Hôm ấy ngày mười lăm
Mẹ lên trời hồn xác
Con xao xuyến băn khoăn
Trông mây bay ngơ ngác


Như vậy là nhà thơ Cung Chi đã khiến Đông Tây tuy xa cách không gian mà gặp nhau trong tâm tưởng; thi nhân và linh mục vẫn có thể một, ‘‘mình với ta tuy hai mà một’’.

Cung Chi là bút hiệu của linh mục Đinh Đồng Thượng Sách. Ta hãy nghe thi sĩ Vân Uyên giới thiệu Cung Chi và hai bút hiệu khác nữa của nhà thơ:

Hiên ngang ‘‘Thần Lộ’’ giữa trần ai,
Ngâm khúc ‘‘Cung Chi’’ lộng đất trời.
Thế kỷ phần tư dâng của lễ,
Một lời trọn vẹn hứa không sai.
Thiên tình thắm thiết ‘‘Lương Nhi Tử’’,
Nhân đạo thâm sâu nặnh gánh vai.
‘‘Thượng Sách Đinh Đồng’’men muối Chúa,
Nêu gương tử đạo ‘‘Họ là ai’’.


Trong bài ‘‘Men muối Chúa’’, thi sĩ Vân Uyên đã nhắc đến ba bút hiệu của nhà thơ: Cung Chi, Thần Lộ, Lương Nhi Tử.

Thần Lộ (神 路):
- Thần (神) có nghĩa là tinh thần, thần khí;
- Lộ (路) là đường cái, đường đi lại.

Bút hiệu Thần Lộ là do người bác của thi nhân đã đặt ra từ thuở thiếu thời ở quê nhà. Ngoài việc khai tâm chữ Hán, người bác còn đặt bút hiệu cho cháu là Thần Lộ.

-Cung Chi (恭之): Bút hiệu này nói lên lòng tôn kính Đức Mẹ của tác giả.
Cung Chi lấy từ sách Luận Ngữ (論語)
Vi chánh dĩ đức thí như Bắc Thần cư kỳ sở, nhi chúng tinh củng chi
(為 政 以 德,譬 如 北 辰,居 其 所,而 眾 星 共 之)
Làm việc chánh, đức độ ví như sao Bắc thần đứng một chỗ, các vì sao khác đều quy chầu.

Đức Mẹ ví như sao Bắc đẩu đứng một chỗ, các vì sao khác đều quy chầu

Ave Maris Stella, Dei Mater Alma, Atque semper Virgo, Felis cœli porta

Ông bác còn cải danh Củng Chi (共 之) thành ra Cung Chi (恭 之), vì vần bằng dễ đọc. Cung (恭) bộ Tâm (心) có nghĩa là cung kính.

Lương Nhi Tử (梁 兒 子) : Cụ Đinh Đồng Lương là thân phụ nhà thơ. Cụ bà nhũ danh Nguyễn Thị Nhi.‘‘Tử’’ là con. Khi chọn bút hiệu này, phải chăng nhà thơ nói lên tâm nguyện tiếp nối ý thơ và chắp lại hồn thơ của các bậc sinh thành, gom lại trong cõi thơ Cung Chi.

Bút hiệu Thần Lộ lúc khởi nghiệp có nghĩa là đường về quê thật. Ba bút hiệu là ba chặng đường thơ: Với huyết thống văn học của song thân (Lương Nhi Tử), nhà thơ làm thơ để diễn tả hai mối tình. Toàn tập thi phẩm Cung Chi là một thiên tình sử. Mỗi ý thơ là một giọt yêu thương: yêu trời và yêu người. Thiên tình ở đây có hai nghĩa, vừa là Thiên tình (天 情): yêu Trời, Thiên viết hoa), lại vừa là thiên tình sử (千 情 史): nghìn trang truyện tình, thiên không viết hoa). Lương Nhi Tử và Cung Chi tiếp nối nhau trên con đường cái quan (Thần Lộ), khởi đi từ Kinh Bắc với vần thơ lục bát quan họ:

Tim ta là góc trời êm
Là bến thơ mộng dễ quên đường về
‘‘Mình về ta chẳng cho về,
Ta nắm vạt áo ta đề bài thơ’’.

(Góc Trời, tr. 225)

Quê hương quan họ Kinh Bắc là quê hương nhà thơ:

Ôi khúc sông thiêng của Thị Cầu,
Như làn huyết mạch rất nhiệm mầu.
Dội lên hừng hực tim Kinh Bắc,
Tình đời nghĩa đạo thật thâm sâu.
(Trăm Năm Duyên Kết, tr. 585).


Con đưòng thiên lý chạy dài từ Bắc xuống Nam, rồi qua ngả Thần Lộ, bắc một một nhịp cầu nối liền giữa Đông và Tây. Vì vậy trong thơ Cung Chi có đủ bốn phương trời. Tùy nội dung từng bài, nhà thơ ký các bút hiệu khác nhau. Sau đây xin đơn cử một vài trường hợp:

-Lương Nhi Tử: Chớ bỏ qua (tr. 90)

- Cung Chi: Nếu không là linh mục (tr. 126), Đôi bàn tay linh mục (178), Lời nguyện đầu năm (326), Bốn mùa cảm tạ (tr. 544), Men muối Chúa (tr. 785), Thấu chăng (tr. 789)

Trong ngót một nghìn trang của thi tập Thương Ngàn Thương, không thấy tác giả ký tên Thần Lộ. Phải chăng ngày nay bút hiệu này chỉ còn là vang bóng một thời ?

Nhà thơ có lần thổ lộ:

Tôi lữ thứ trên đường đời vạn nẻo
Buồn cô đơn côi cút dặm trường xa.
(Chúc tụng, tr. 115)


Là lữ khách (homo viator), tác giả có thói quen sáng tác trên những toa tàu, làm thơ trên bến cảng, phi trường:

Con tàu theo gió lướt bay,
Ngẩn ngơ như bỗng nhừ say tâm tình.
(Chia tay, tr.75)


Cung Chi thường chép lại những nụ thơ chớm nở trong cuốn agenda bỏ túi, có thể bằng cây viết Bic, cũng có khi là mẩu bút chì. Từ khi mái tóc còn đen nhánh, ông đã chép thơ trên trang giấy trắng mực đen, mãi đến nay mái tóc đã điểm sương như câu thơ Lý Bạch (701-762) trong bài Tương tiến tửu (將進酒):

君不見黃河之水天上來,
奔流到海不復回?
君不見高堂明鏡悲白髮,
朝如青絲暮成雪?


Quân bất kiến Hoàng hà chi thủy thiên thượng lai
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi ?
Quân bất kiến cao đường minh kính bi bạch phát
Triều như thanh ti mộ thành tuyết ?
Biết chắng ai Sông Hoàng hà ngọn nước tại lưng trời, tuôn đến bể khôn vời lại được ?
Biết chăng nữa Đài gương mái tóc bạc, sớm như tơ mà tối đã như gương ?
Vô Danh dịch


Thơ Cung Chi rất đa dạng cả về hình thức lẫn nội dung. Tác giả đã dùng nhiểu thể loại khác nhau để diễn đạt tình cảm của mình như được trình bầy trong phần sau đây.

I - Thể loại trong thơ Cung Chi:

Thi tập Thương Ngàn Thương có bài thơ mới 5 chữ khai bút. Từ nhân nghĩa đến nhân sĩ làm theo thể song thất lục bát là bài thơ cuối tập thay cho lời bạt (跋). Giữa hai bài thơ alpha - oméga và hai ý thơ kim - cổ là hơn năm trăm bài thơ trước tác theo đủ thể loại, từ thất ngôn bát cú đến thơ Đường, thơ mới. Sau đây là biểu đồ các thể loại trong thơ Cung Chi:

1 - Song thất lục bát: 21,5 %
2 - Lối câu 7 chữ: 20,2 %
3 - Lục bát: 19 %
4 - Đường thi (唐 詩): 17 %
5 - Thơ mới năm chữ: 12,8 %
6 - Lối câu 8 chữ: 7,4 %
7 - Lối câu dài ngắn khác nhau: 1,2 %
8 - Hát nói: 0,9 %

Biểu đồ trên đây thực hiện khi lần đầu đọc thơ Cung Chi, giúp chúng tôi có một ý niệm về thể loại và chủ đề sáng tác của nhà thơ. Thi tập này có được là do Thầy Phó tế Phạm Bá Nha, chủ bút nguyệt san Giáo Xứ, dày công thu thập. Thi phẩm chỉ gồm những sáng tác của Cung Chi từ cuối giai đoạn Giáo Xứ còn ở đường Boisonnade đến nay. Những sáng tác trước giai đoạn này phần lớn đã bị mai một.

Theo biểu đồ trên đây, những bài song thất lục bát trong thi nghiệp Cung Chi là đáng kể nhất. Thể thơ này của riêng nước ta, còn được gọi là ngâm (吟). Theo Dương Quảng Hàm (1898-1946), thể song thất lục bát là ‘‘bài văn vần tả những tình cảm trong lòng, thứ nhất là những tình buồn, sầu, đau, thương’’. Nếu căn cứ vào câu nói thời danh của bá tước Buffon (1707-1788) trong bài diễn văn đọc ngày 25-8-1753 tại Viện Hàn lâm Pháp, ‘‘văn là người’’ (le style est l’homme même), Cung Chi trước hết là nhà thơ kể chuyện qua những vần thơ. Nhà thơ đã thực hiện trọn vẹn ba chức năng của thi nhân, theo định nghĩa của Yves Thériault (1915-1983) là tự sự, trước thuật, trước tác (conter, raconter, écrire). Trong số những bài song thất lục bát của Cung Chi, xin trích dẫn khổ cuối bài Ngọt ngào mang tâm tình người con sống xa nhà và bài Thương yêu, tác giả thác lời mẹ còn lận đận chia sẻ số phận hẩm hiu của dân tộc ở quê nhà:

Còn những kẻ thấy đời rác rưởi,
Xin mời vô mua chổi má tôi.
Mỗi người một chiếc đủ rồi,
Quét sao cho sạch cõi đời lầm than.
(Ngọt ngào, tr. 440)


Dù có phải long đong đi nữa,
Cũng không sao tắt lửa niềm tin.
Trước sau ăm ắp chân tình,
Ở ăn chung thủy chí tình là hơn.
(Thương yêu, tr. 441)


Tác giả thưòng biến các câu kết thành toa tầu chuyên chở đạo lý (moralité), thường thấy trong thi ca tây phương và văn học nước ta: văn dĩ tải đạo (文以載道). Như vậy, bút hiệu Chổi Cùn Giáo Xứ mà tác giả sử dụng trên báo Giáo Xứ vừa có cội nguồn văn học: Thơ cái chổi trong Quốc văn Giáo khoa thư (Thương Ngàn Thương, tr. 791), lại vừa nặng chĩu tình nhà.

Trong thơ Cung Chi, lối thơ bẩy chữ đứng ngay sau thể thơ song thất lục bát. Như vậy là sau khi mượn một thể thơ trong văn học nước ta để làm công việc chứng nhân, tác giả quay về với thơ mới để tự sự.

Theo Dương Quảng Hàm, ‘‘lối thơ mới phát nguyên từ lối thơ của người Pháp. Các nhà làm thơ mới thấy rằng thơ Pháp, trừ mấy lối định thể (poèmes à forme fixe) như sonnet, ballade, rondeau, không có hạn định số câu số chữ, không có niêm luật, không theo phép đối và có nhiều cách gieo vần, nên cũng muốn đem các thể cách rộng rãi ấy ứng dụng trong thơ ta.’’ Tiết tấu của thơ mới thường ngắt câu thành những đoạn dài ngắn khác nhau khiến câu thơ nghe réo rắt như khúc nhạc sầu. Paul Verlaine bàn về nghệ thuật thi ca (l’art poétique) trong mấy câu thơ sau đây:

De la musique avant toute chose
Et pour cela préfère l’Impair
Plus vague et plus soluble dans l’air
Sans rien en lui qui pèse ou qui pose


Xin tạm dịch:

Thơ nghe réo rắt dường mong muốn
Ý thơ ngắt chữ lẻ loi sầu
Chơi vơi hòa điệu trong gió cuốn
Bận bịu chi đâu nối nhịp cầu


Trong Thương Ngàn Thương, tác giả gởi trọn niềm nhớ thương người em gái còn ở quê nhà qua bài thơ 7 chữ Chiều nhớ, viết cuối năm 1968 ở Bruxelles:

Chiều nhớ
tặng em Vạn

Nhớ thương biết mấy thuở ban đầu
Hồi em còn nhỏ áo gụ nâu
Đôi má hồng xinh vân ngọc thắm
Cặp mắt ngoan hiền đôi mắt câu.
Em là em bé đất Tử Nê
Tươi mát bốn mùa hương lúa quê
Ngọt lịm trong lành như giếng nước
Chưa biết ngoài xa chiến tranh về.
Em là gái út ở trong nhà
Mẹ thì chợ búa lúc gần xa
Các anh trọ học trên miền tỉnh
Vài tháng đôi lần mới gặp cha.
Em còn quá nhỏ chưa biết gì
Tháp chuông nhà thờ chả nhớ chi
Ngay cả ao chùa ngoài phía cổng
Bốn hướng trong làng ngõ ngách đi.


Lối thơ năm chữ nối tiếp lối thơ 7 chữ trong biểu đồ thể loại. Lối thơ này giầu nhạc điệu mà tấc lòng lắm ý thâm sâu. Cung Chi thường dùng thế thơ này để diễn tả nỗi niềm riêng tư. Trong thất tình (七情), tác giả bỏ bớt chữ ‘‘nộ’’ (giận) và ‘‘cụ’’ (sợ) trong bẩy mối tình đời (thất tình), chỉ còn lại niềm vui (喜 hỷ), đôi khi là nỗi buồn (哀 ai), tình yêu (愛 ái), niềm mong ước được nên thánh (欲 dục). Xin đơn cử một bài thơ thể loại năm chữ của Cung Chi:

Năm chục kinh đời con
Chục đầu mười tuổi tròn
Thơ ngây dâng kính Mẹ
Thơm như hương lúa non
Chục sau hai mươi tuổi
Lý tưởng đương phơi phới
Mỗi lời kinh đọc lên
Như tình xuân chới với
Tới chục hạt ba mươi
Khắng khít chí không rời
Từng lời gửi tới Mẹ
Như thơ bay tuyệt vời
Sang chục kinh thứ tư
Thấy Mẹ càng nhân từ
Nhìn con đầy âu yếm
Trách yêu sao quá hư
Năm chục tuổi kinh xong
Mái tóc đã điểm sương
Mắt mờ trông lên Mẹ
Dưng dưng lời cây trông
Liệu con còn đọc tiếp
Bao chục kinh mùa Thương
Nào đâu con có biết
Chỉ biết thương ngàn thương.


Trong 5 khổ đầu, câu thứ 5 khi nào cũng có những chữ diễn tà nhịp điệu tuổi đời: ‘‘hương lúa non’’ là nhịp nhanh (presto). ‘‘Xuân chới với’’ vẫn còn linh hoạt (vivace). ‘‘Bay tuyệt vời’’ là nhịp vui (allegro). Lời trách yêu ‘‘sao quá hư’’ chuyển qua nhịp vừa (moderato). ‘‘Lời cậy trông’’ chậm rãi (lento). Câu thứ 5 ngoại khổ kết lại ‘‘thương ngàn thương’’. Chữ ‘‘thương’’ đầu là động từ. Qua đến ‘‘thương’’ sau trở thành danh từ. Ngôn ngữ nước ta có câu ‘‘trăm nhớ ngàn thương’’. Nhớ nhung thường chỉ tăng thêm ân tình. Ngàn thương là thương gấp 10 lần nỗi nhớ.

Lối thơ 8 chữ có số chữ dài hơn mới có đủ ngôn từ tụng ca Đức Mẹ. Thánh Nữ Đồng Trinh Maria của Hàn Mặc Tử là bài thơ 8 chữ. Cung Chi có bài Nhân từ cũng theo lối thơ 8 chữ, gieo vần liên tiếp như đoàn người liên tục hành hương:

Lạy Thánh Nữ, Đấng tinh tuyền vẹn sạch
Được tác thành như dấu chỉ từ nhân
Cả lòng Ngài bể lân tuất trong ngần
Mắt của Ngài chứa chan niềm thương sót
Tình của Ngài vượt non cao chót vót
Trái tim Ngài chói lói hơn ngân hà
Bàn tay Ngài như ôm lấy thiết tha
Cả những kẻ ngại ngùng không dám đến
Cúi lạy Bà, Người con hằng trìu mến
Trông lên Ngài với trót cả niềm tin
Của những kẻ xưa nay đến nguyện xin
Mà không thấy bao giờ bị chối bỏ
Cúi lại Ngài, suối nguồn ơn phù trợ
Nơi muôn người tuốn đến để nương thân
Nơi muôn người gặp được nhiều ân cần
Nơi an ủi kết tinh thành hơi thở
Cúi lạy Ngài, vì Sao Mai rạng rỡ
Giữa bầu trời tăm tối của chúng con
Là nhật nguyệt trong đáy thẳm tâm hồn
Là bình minh rực sáng mầu hy vọng
Xin giúp con say men yêu tin tưởng
Lòng dạt dào đắm đuối mãi khôn nguôi
Trí ngất ngư cơn choáng váng suốt đời
Đến giây phút an nghỉ trong tay Mẹ.
(Nhân từ, tr. 459)


Tuy là thơ mới, tác giả dùng thể tỉ (比) thường thấy trong ca dao để ca tụng Thánh Mẫu: dấu chỉ từ nhân, bể lân tuất, non cao, ngân hà, suối nguồn, Sao Mai, nhật nguyệt. Các danh hiệu kết lại thành trăng sao, là trời là bể, là suối nguồn, là dải ngân hà.

Trong tập Thương Ngàn Thương còn có bài thơ mới 8 chữ Rực Sáng. Đây là bản giao hưởng tụng ca Thánh mẫu gồm 62 câu. Thánh Nữ Đồng Trinh Maria của Hàn Mặc Tử cũng có 62 câu. Cả hai đếu bắt đầu bằng vẩn trắc, tiếp theo là hai vần bằng.

Thánh Nữ Đồng Trinh Maria mở đầu bằng ơn trời:

Như song lộc triều nguyên ơn phước cả
Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng
Còn Rực Sáng bắt đầu bằng cõi người ta:
Cả tạo vật chuyển mình trong trăn trở
Ngàn vạn năm chờ đợi rất xôn xao


Trong 62 lời thơ tụng ca của Hàn Mặc Tử có 10 câu thơ tuyệt bút:

Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước
Cho tình tôi nguyên vẹn tợ trăng rằm
Thơ trong trắng như một khối băng tâm
Luôn luôn reo trong hồn trong mạch máu
Cho vỡ lở cả muôn ngàn tinh đẩu
Cho đê mê âm nhạc và thanh hương
Chim hay tên ngọc, đá biết tuổi vàng
Lòng vua chúa cũng như lòng lê thứ
Sẽ ngây ngất bởi chưng thơ đầy ứ
Nguồn thiêng liêng yêu chuộng Mẹ Sầu Bi.


Tụng ca Thánh Mẫu của Cung Chi là 8 vần thơ nhập thể:

Trong lòng Mẹ Ngôi Hai đã nhập thể
Đã cưu mang nguồn yêu thương nhân thế
Rất trinh thơm vẹn sạch rất tinh tuyền
Như pha lê trong vắt ngọc khôi nguyên
Không chút bụi gợn nhơ nào vương vấn
Như nuớc hồ xanh không chút ngấn
Như gương soi không dấu chấm mờ ngang
Như trăng rằm vằng vặc giữa ngân giang.


Chung khúc tụng ca của hai nhà thơ công giáo đều có ánh trắng rằm:

Cho tình tôi nguyên vẹn tợ trăng rằm
(Hàn Mặc Tử)


Như trăng rằm vằng vặc giữa ngân giang
(Cung Chi)


Trong vần thơ dẫn nhập, Hàn Mặc Tử nói về cõi trời, còn Cung Chi thì nói đến phận người. Đổi lại, trong phần tụng ca, vầng trăng trong thơ Hàn Mặc Tử nói về phận người. Còn vần trăng tụng ca trong thơ Cung Chi ‘‘vằng vặc giữa ngân giang’’.

Lòng tôn kính Đức Mẹ và lòng yêu mến người mẹ là chủ đề quen thuộc trong thơ Cung Chi. Nguồn thi hứng của nhà thơ Cung Chi được khơi nguồn từ lòng mến Chúa, yêu người.

II - Các đề mục chính trong thơ Cung Chi:

Gaston Bachelard (1884-1962) là triết gia Pháp chuyên bàn về thơ. Ông cho rằng: ‘‘Thi sĩ là người có quyền khơi dậy niềm xúc cảm thi ca trong tâm hồn độc giả’’ (le poète est celui qui a le pouvoir de déclencher le réveil de l’émotion poétique dans l’âme du lecteur). Còn theo nhà thơ Paul Eluard, ‘‘thi sĩ là người cảm hứng hơn là người được cảm hứng’’ (le poète est plus celui qui inspire que celui qui est inspiré). Hai ý tưởng văn thơ này gặp nhau trong câu thơ:

Để tâm hồn ràng buộc bởi muôn dây
Hay chia sẻ bởi trăm tình yêu mến


Celui qui est inspiré của Paul Eluard và hai ý thơ của Xuân Diệu đểu ở thụ động cách (phrase à la forme passive). Tâm tình này được thể hiện qua thi tập Thương Ngàn Thương của Cung Chi.

Cung Chi cho rằng cuộc đời gồm muôn mảnh chắp lại. Nhà thơ là một Đức Kitô khác, khiến những vần thơ hóa thân thành những bông ‘‘hoa chớm nở giữa lòng đời cơ khổ’’ (Đời muôn mảnh, tr. 175).

Thi tập Thương Ngàn Thương ghép lại trăm ngàn mảnh đời, từ bi lụy nhân thế đến niềm ‘‘tin cậy mến’’ siêu thoát. Tác giả Thương Ngàn Thương đã thi vị hóa lời chứng (poéticité du témoignage), chắp ý thơ cho vần điệu thăng hoa.

Trong bài nói chuyện ngắn ngủi này, thật khó lòng chắp nối nhiều mảnh đời vỡ nát. Chúng tôi chỉ xin giới thiệu hai chủ đề chính, là tình mẫu tử và thư viện. Ngày Văn hóa Giáo xứ năm nay kỷ niệm 20 thành lập Thư viện Giáo xứ. Ta cùng nhau ôn lại những vần thơ của Cung Chi nói về Thư viện Giáo xứ vì Thư viện là một công trình văn hóa để đời của nhà thơ.

1 - Tình mẫu tử:

Tình mẫu tử là chủ đề chính trong thơ Cung Chi. Nhà thơ làm thơ để thể hiện lòng yêu mến người mẹ chung của mọi nhà và người mẹ riêng của thi nhân. Tên tập thơ ‘‘Thương Ngàn Thương’’ lấy từ một bài thơ năm chữ dâng kính Đức Mẹ. Thầy Phạm Bá Nha là người có công thu thập và thực hiện thi tập. Ông cảm nhận được hồn thơ Cung Chi nương náu trong tình mẫu tử nên đề nghị lấy ba chữ cuối bài thơ đặt tên cho toàn tập. Ý kiến này được nhà thơ hoan hỉ chấp nhận. Thiết tưởng đó cũng là sự đồng cảm giữa thi nhân và độc giả như ý kiến của Bachelard trích dẫn trên đây.

Trong phần nói về các thể loại, chúng tôi đã trích dẫn thơ Cung Chi tụng ca Đức Mẹ. Phần này xin dành để nói qua tình mẫu tử.

Tình mẹ trong thơ Cung Chi che phủ cả cuộc đời nhà thơ, ngay từ tấm bé với hai bài thơ 5 chữ Áo mẹ xưa (tr. 14), và Bên giường bệnh viện (tr. 40):

Ngày xưa con còn bé
Mẹ mớm cho con ăn
Những lúc con khóc thé
Mẹ gặp bao khó khăn
Bằng những câu ca dao
Những lời kinh ngọt ngào
Mẹ ru cho con ngủ
Đẹp như giấc chiêm bao.


Tâm thức nhà thơ luôn khắc ghi câu ru lục bát và lời kinh mẹ đọc. Người mẹ chính là nhà thơ lớn nhất đầu đời và là giáo lý viên ươm mầm đạo lý. Vào ngày lễ các bà mẹ, nhà thơ làm bài thơ 5 chữ thay cho món quà biếu mẹ:

Năm nay lễ bà mẹ
Con làm bài thơ này
Thành kính tri ân mẹ
Và tặng em gái gầy
Xin Thánh Mẫu từ nhân
Giơ đôi tay đỡ đần
Mẹ con tháng ngày cuối
Em con bớt nhọc nhằn.
(Chơi vơi, tr. 87)


Đến khi mẹ mất, nhà thơ khóc mẹ cũng bằng thơ 5 chữ:

Thế là mẹ đã mất
Còn gì nữa đâu em
Giờ phút ngại ngùng nhất
Đã đến rồi đó em.
(Lệ ứa, tr. 312)


Tác giả thi tập Thương Ngàn Thương thường dùng thể thơ năm chữ để diễn tả tâm tình người con. Theo nhà ngôn ngữ học Jacques Lecan, ‘‘Cõi vô thức và ngôn ngữ được hình thành từng bước một’’ (l’inconscient est structuré comme un langage). Con trẻ bập bẹ những từ ngữ biểu đạt (significant) một cách ngắn gọn, nhiều lắm cũng chỉ là 5 chữ. Một người con cho dầu khôn lớn vẫn còn bập bẹ vòi vĩnh, làm nũng mẹ. Trong văn học nước ta, còn thế thơ nào ngắn gọn hơn là thơ năm chữ ? Hơn nữa, lời con trẻ còn giầu nhạc tính. Thể thơ này chỉ gồm mấy chữ mà réo rắt lòng người. Chẳng thế mà Mozart đã soạn 12 biến khúc cho bản đồng dao quen thuộc ‘‘Ah, vous dirai-je, maman’’.

Ngoài tình mẫu tử, tác giả có những bài nói về thư viện, từ sinh hoạt đến nhân sự, như được trình bầy trong phần sau đây.

2 - Thư viện Giáo xứ : Linh mục Đinh Đồng Thượng Sách có công thành lập Thư viện Giáo xứ ngày 16-4-1990, tính đến nay (11-4-2010) là tròn tuổi đôi mươi. Tên lúc mới thành lập là Thư viện Thanh Thiếu Niên vì do Nhóm Văn hóa Giới trẻ thực hiện. Nhóm này do cha Sách là tuyên úy. Năm 1990, Thư viện có 3 234 tựa sách. Hiện nay, danh xưng chính thức là Thư Viện Giáo Xứ. Số sách đã lên tới mức (thiên thư) vạn quyển (10 000), tỷ lệ gia tăng là 323,40%. Mỗi năm, Thư Viện có thêm 200 sách mới phần nhiều là sách biên khảo, chiếm tỷ lệ 2 %. Trong thư mục có nhiều tài liệu chữ nôm hiếm quý. Từ nhiều năm nay, Thư viện đã được điện toán hóa.

Ngoài cha Đinh Đồng Thương Sách là nhà sáng lập và giám đốc điều hành, Thư Viện Giáo Xứ còn có một nhóm điều hành do anh Cao Trọng Nghĩa là trưởng nhóm. Thành viên gồm có anh Trần Anh Dũng, chị Trần Kim Chung, chị Cao Thị Thủy Tiên, anh Nguyễn Ngọc Cẩn, chị Nguyễn Thị Xuân Lan, chị Trần Thị Phúc, anh Nguyễn Thanh Sơn, anh Lê Quang Đại, anh Trịnh Quang Bình, chị Tiết Phương Mai Uyển, anh Hoàng Mặc Khải, chị Phạm Dương Xuân Lan, chị Nguyễn Mỹ An.

Nhà thơ Cung Chi đã ưu ái dành cho người con tinh thần của mình 44 vần thơ song thất lục bát với lời đề tặng ‘‘Mến tặng Nhóm Thư viện’’:

Đây có phải ‘‘anh hùng lao động’’
Quanh năm làm chẳng ‘‘rống’’một câu
Hể có độc giả yêu cầu
Là vâng là dạ là hầu hạ ngay
Chẳng bao giờ dám gây ai cả
Dù những khi bị vạ tày đình
Bấc chì khóe cạnh bất bình
Anh em vẫn cố ép mình cười duyên.
(Chút duyên thừa, tr. 120)


Theo thông lệ, cứ mỗi năm Thư Viện lại tổ chức một Ngày Văn Hóa Giáo Xứ vào tháng 4, đánh dấu ngày thành lập Thư Viện. Ngoài phần nghi thức, Ngày Văn Hóa còn mời các diễn giả giới thiệu một nhà văn hóa công giáo có công đóng góp vào văn học sử nước nhà. Tức cảnh sinh tình, cứ mỗi đề tài thuyết trình, nhà thơ Cung Chi lại sáng tác một bài hát nói hoặc có bài họa thất ngôn bát cú, gọi là ‘‘của tin còn lại chút này làm ghi’’ (Nguyễn Du). Xin chép lại một số bài thơ in trong thi tập Thương Ngàn Thương như sau:

Nhiệt huyết

Nhân dịp Thư Viện Giáo Xứ tổ chức buổi nói chuyện về vị Cố Giám mục tiên khởi Việt Nam (29-4-2001)

MƯỠU

Kính dâng tấc dạ chân thành
Giám tòa đài cũ hương tâm hoa lòng

NÓI

Giám mục đầu tiên non nước Việt
Mở sang trang đặc biệt huy hoàng
Giòng Giáo sử thêm đậm nét vinh quang
Nhờ sau trước nối hàng tiếp bước
Cha sở Tân Định‘‘Tiền Hô’’ trước
Đức Cha Phát Diệm ‘‘Bá Tòng’’ sau
Trước sau vẫn một khác chi đâu
Một thân thế chứa một bầu nhiệt huyết
‘‘Tuồng Thương Khó’’ nơi nơi đều biết
‘‘Tài hùng biện’ khắp xứ lưu danh
‘‘Rễ chân sâu bén tuyển dân’’ *

* Châm ngôn của Đức Cha Gioan Baotixita (Tiền Hô) Nguyễn Bá Tòng là: In electis meis mitte radices (Hãy châm rễ sâu trong dân tộc ta đã chọn).

Tuyệt mệnh

Bài nói chuyện về nhà bác học Trương Vĩnh Ký ngày 7-4-2001

Quanh quanh quẩn quẩn lối đường quai
Xô đẩy người vô giữa cuộc đời
Học thức gởi tên con mọt sách
Công danh rốt cuộc cái quan tài
Dạo hòn lũ kiến men chân bước
Bò xối con sùng chắc lưỡi hoài
Cuốn số bình sanh công với tội
Tìm nơi thẩm phán để thừa khai.


Sỹ Tài TRƯƠNG VĨNH KÝ

Bài họa (cước vận)

Há miệng xưa nay phải mắc quai
Nhưng cần đâu ngại giúp cho đời
Bằng lời bằng ý bằng văn sách
Hoặc trí hoặc mưu lẫn đức tài
Ích quốc lợi dân hằng cất bước
Phò vương phụ đế những quan hoài
Bình sinh cuốn sổ công vô tội


Sỹ Tải Trương sư Vĩnh Ký khai.

LƯƠNG NHI TỬ

Hữu Phước

Ngày 27-4-2005, Thư Viện Giáo Xứ tổ chức buổi nói chuyện về Quận công Phước môn Nguyễn Hữu Bài. Diễn giả là GS Vũ Quốc Thúc và LS Lê Trọng Quát.

Ngũ phước quận công Nguyễn Hữu Bài
Phước môn, cửa phước, quả không sai
Phước sơn, núi Phước, vươn cao mãi
Nguồn phước, Phước Nguyên, chảy xiết hoài
Suối phước, Phước Tuyền cho hết thẩy
Phước sa, cát phước, chẳng trừ ai
Phước trời, lộc đất, tôi ngay Chúa
Ái quốc, trung quân: Nguyễn Phước Bài.


CUNG CHI

Gia Tô Cơ Đốc

Ngày 3-3-2008, Thư Viện tổ chức nói chuyện về Sự nghiệp văn hóa của Thánh Phan Văn Minh, nhà điển ngữ và nhà thơ. Diễn giả là GS Trương Công Cừu và GS Lê Đình Thông

Gia-tô Cơ-đốc Đấng Con Trời
Đặc cách lâm phàm cứu khắp nơi
Chẳng lấy lợi danh mà tạo nghiệp
Không dùng vương bá để xây đời
Vâng lời thiên mệnh đành thân thiệt
Gánh tội nhân gian chịu máu rơi
Dĩ nhược thắng cường mệnh chứng tỏ
Kiếp sau hiện hữu sống muôn đời


PHILIPPHÊ MINH

Thánh tử, Thần nhân, xuất tự trời
Hoằng dương thiên đạo phổ nơi nơi
Cải tà qui chính, trừ ma nghiệp
Hoàn thiện hành nhân, khước tội đời
Bát phúc hiến chương, thân dẫu diệt
Thập điều cương lĩnh, mặc đầu rơi
Yêu người trót dạ tâm trăng tỏ
Mến Chúa hết lòng xuyên suốt đời.


CUNG CHI

Trong bài Đường thi trên đây, ngôn ngữ thi ca là các thuật từ thần học. Trong phần sau đây, ta thử lược bàn về thần học linh đạo trong thơ Cung Chi.

III - Thần học linh đạo trong thơ Cung Chi:

Thần học linh đạo (théologie spirituelle) chủ yếu khai triển từ chữ ‘‘Tâm’’ (心) trong Kinh thánh. Chữ Tâm (tiếng Do thái: lèv, tiếng Hy lạp: kardia, tiếng La tinh: Cor) được nói đến trong Cựu ước và Tân ước. Theo Thánh vịnh, trái tim rộn rã niềm vui (Tv 4,8; I5[16], 9) cũng như se sắt nỗi buồn (Tv12 [123], 3), con tim nguyện ngắm (Tv 18 [19], 15) và tìm kiếm Thiên Chúa (Tv 26[27], 8). Lời tâm nguyện (le coeur prie) phát xuất tận đáy lòng. Chữ ‘‘Tâm’’ nguyện cầu được thể hiện qua những vần thơ trác tuyệt của nhà thơ linh mục Cung Chi.

Thi nhân diễn đạt tư tưởng nhập thể (pensée incarnée) bằng ngôn từ tươi mát như sương sớm, phát xuất từ con tim (ces paroles originelles qui jaillissent du coeur). Linh mục rao giảng lời Chúa (Cv 6,4). Bàn về thần học linh đạo của linh mục thi sĩ là để tìm hiểu những vần thơ chắp lại từ ngôn ngữ nguyên sơ phát xuất từ trái tim, để loan truyền lời hằng sống.

Thi tập Thương Ngàn Thương là tâm kinh của linh mục. Toàn tập thể hiện tình yêu Thánh tâm Chúa (le sacerdoce, c’est l’amour du coeur de Jésus), như lời Đức Bênêdictô XVI trong Ngày Thánh hóa các Linh mục đồng thời là ngày khai mạc Năm Linh mục (19-6-2009). Trong Thương Ngàn Thương, Cung Chi nói về các linh mục và về một số chủ đề Kitô học.

1 - Về linh mục:

Chương A hiến chế ‘‘Ánh sáng muôn dân’’ (Lumen Gentum) phân biệt hai loại tư tế (sacerdoce):

- Tư tế thừa tác (sacerdoce ministériel): tư tế của các linh mục. Chức thánh này có được là nhờ bí tích truyền phép linh mục (sacrement de l’ordination sacerdotale);

- Tư tế chung (sacerdoce commun): tư tế của các giáo dân.

Lễ truyền chức gồm ba nghi thức quan trọng: kinh cầu các thánh (litanie des saints), lễ đặt tay (imposition des mains) và lời nguyện truyền chức (prière d’ordination). Trong kinh cầu các thánh, vị tân phong nằm sấp mình (prostration) bầy tỏ lòng khiêm hạ vì từ nay được đặt trong tay Chúa. Kinh cầu các thánh chỉ trong khoảnh khắc mà biến hữu thể trở thành linh mục của Chúa Kitô. Nhà thơ Cung chi đã viết về giây phút thiêng liêng mở đầu chức thánh linh mục như sau:

Họ là những thanh niên trào nhựa sống
Ngẩng đầu cao mắt sáng trí thông minh
Lửa yêu đương hừng hực bốc trong tim
Nhìn tương lai lạc quan đầy tin tưởng.
Rồi một hôm bỗng dưng nằm sấp xuống
Áo trắng tinh phủ kín cả hình hài
Giây quàng chéo màu máu đỏ ngang vai
Thân trai tráng trải dài như bất động


.. . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Nhận nằm xuống là vui lòng nhận lãnh
Quên bản thân không phù phiếm phô trương
Làm ‘‘tiếng kêu giữa sa mạc dọc đường’’
Mong ‘‘nhỏ bé để Ngài nên vĩ đại.’’
(Tự nằm xuống, tr. 633)


Từ khi nhận chức thánh, đôi bàn tay linh mục ra tay cứu độ chúng sinh qua bí tích rửa tội, thêm sức, hòa giải, thánh thể, hôn phối và xức dầu bệnh nhân:

Chúa ban cho con đôi bàn tay
Gọi con giơ lên vào một ngày
Lĩnh ấn dầu thơm ơn thánh hiến
Để rồi sai đi khắp đó đây.
Chúa bảo con dùng cả đôi tay
Đón mọi tuổi đời dẫu thơ ngây
Biến đổi con người thành con Chúa
Qua giếng thiêng liêng cao quý thay.
Rồi có những lần cao đôi tay
Con xin tha thiết xuống dư đầy
Bẩy ơn Thánh Thần tăng thêm sức
Cho đoàn chiên Chúa được hăng say.
Dù rằng bất xứng trọn đôi tay
Vẫn được Chúa thương nhịn hàng ngày
Chấp nhận cho con dâng Mình Chúa
Nuôi dưỡng hồn thiêng dưới thế này.
Cảm động biết bao chút bàn tay
Vớt lấy sinh linh thoát bến lầy
Nhờ công cứu chuộc trên Thánh giá
Bằng muôn cực hình dấm chua cay.
Những cặp hôn nhân cũng nhờ tay
Kết liên giao ước chặt mối giây
Keo sơn gắn bó tình phu phụ
Chung thủy một lòng không đổi thay
Giờ phút cuối đời rộng đôi tay
Bên giường bệnh nhân sắp đến ngày
Xức dầu an ủi ban toàn xá
Phần mộ chia ly lá lìa cây.
(Đôi bàn tay linh mục, tr. 178)


Trong bài thơ trích dẫn,‘‘Chấp nhận cho con dâng Mình Chúa’’ là tâm kinh linh mục, chuyển qua ‘‘Nuôi dưỡng hồn thiêng dưới thế này’’ thể hiện qua vần điệu Cung Chi. Tác giả tôn sùng Thánh Thể bằng lời thơ và bằng cả cuộc đời tận hiến: Cha Giuse Đinh Đồng Thượng Sách là linh mục dòng Thánh Thể (Congrégation du Saint Sacrement). Lịch sử Dòng Thánh thể Việt Nam chép rằng: ‘‘Khi xin vào Dòng Thánh Thể thuộc Tỉnh Dòng Pháp, cha Giuse Đinh Đồng Thượng Sách còn là chủng sinh Triết học. Ngài là người Việt Nam thứ 2 thụ phong linh mục trong Dòng Thánh Thể, sau cha Gioakim Nguyễn Đức Việt Châu.’’

Cha Giuse Đinh Đồng Thượng Sách hiện cư ngụ tại Dòng các Linh mục Thánh Thể (Congrégation des Prêtres du Saint Sacrement), 23 avenue de Friedland, quận 8 Paris. Tu viện do thánh Pierre-Julien Eymard thành lập năm 1856, nằm trên đại lộ Friedland là một trong 12 nhánh sao của quảng trường Étoile. Nguyện đường Thánh Thể (Corpus Christi) 23 avenue de Friedland còn là nơi yên nghỉ của thánh Eymard, đấng sáng lập dòng.

Ngày nay, ngoài trụ sở chính tại quận Thủ Đức, Dòng Thánh Thể Việt Nam còn mở các tu viện ở cả ba miền đất nước:

- Giáo tỉnh Saigon có các tu viện ở Đồng Nai, Vũng Tầu.

- Giáo tỉnh Huế có các tu viện ở Đà Nẳng và Ban Mê Thuột.

- Giáo tỉnh Hà Nội có tu viện ở Hải Dương.

Nếu bàn tay linh mục ‘‘làm dấu nối liến trời với đất’’, bàn tay thi nhân khơi nguồn thơ linh đạo, là ‘‘nguồn phúc lộc suối ơn đầy’’.

2 - Thần học Ba Ngôi:

Thần học Ba Ngôi (théologie trinitaire) là mầu nhiệm đức tin căn bản, là nguồn gốc và ánh sáng của mọi mầu nhiệm khác: Thiên Chúa duy nhất có ba ngôi (hypostases), cả ba đồng bản thể (homoousia). Ngôi Cha hằng có muôn đời (Elohim). Ngôi Con là Con Một Đức Chúa Cha. Ngôi Ba là Thánh Thần (Pneuma) Thiên Chúa.

Thi tập Thương Ngàn Thương vừa là kinh Tin kính, lại vừa là tâm kinh nguyện cầu Chúa Ba Ngôi.

- Tác giả chúc tụng Ngôi Cha bằng lối thơ 8 chữ:

Tôi nhác thấy thần thiêng hát vang dội
Chúa Trời ! Chúa Trời ! lạy Chúa Trời
Rồi nhác thấy rộng mở chín tầng trời
Và trái đất, và thinh không hợp tấu.
(Chúc tụng, tr. 115)


Câu 1 và câu 4 nhắc lại hai lần (tôi) nhác thấy để diễn tả hai động từ thấy và mở xảy ra cùng lúc (simultanéité). Câu 2 là tiếng hát thiên thần cầu khấn Đức Chúa Cha: Chúa Trời, Chúa Trời, lạy Chúa Trời. Câu 3 nhắc lại lời Chúa: ‘‘Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra’’ (Lc 11,9-10).

- Tác giả tụng ca Ngôi Hai bằng câu thơ 7 chữ:

Con thành tâm cúi đầu thờ lạy
Linh hồn thiêng của Chúa Kitô
Cho con điều quý trọng vô bờ
Là được ơn siêu nhiên thánh hóa.
(Anima Christi, tr. 12)


- Tác giả dâng lên Thánh Thần những vần thơ trông cậy:

Lạy Thánh Thần, xin hãy thổi hãy thổi
Gió linh thiêng mang sinh khí muôn nơi
Hãy cuốn đi những ô nhục kiếp người
Cho nhân phẩm nên cao siêu thần thánh.
(Gió linh thiêng, tr. 221)


3 - Giáo hội Việt Nam:

Thi tập Thương Ngàn Thương còn có nhiều bài thơ đẹp như những bức tranh, ghi lại trang Giáo sử hào hùng của dân tộc. Bài thơ 8 chữ chỉ gồm 56 câu mà ghi lại được hết danh tính 117 thánh nhân tử đạo nước nhà, ngày 19-6-1988 đã được ghi vào sổ vàng thánh nhân của Giáo hội hoàn vũ. Toàn bài thơ là khải hoàn ca. Tiền nhân chấp nhận cái chết để làm chứng cho đức Tin son sắt, trung kiên. Chung khúc anh hùng ca là nén tâm nhang thành kính nguyện cầu tiên tổ:

Họ là ai muôn đời quên sao được
Lấy máu đào viết Giáo sử Quê hương
Gieo vào lòng đất mẹ hạt yêu thương
Bằng hàng trăm ngàn con tim bác ái
Lạy tiên tổ vô cùng thánh ái
Giúp chúng con vững chãi niềm tin
Trung kiên thờ Chúa hết mình
Đi đâu vẫn thắm mối tình Việt Nam.
(Họ là ai, tr. 253)


Đi đâu vẫn thắm mối tình Việt Nam. Tác giả nhớ đến trước hết là Giáo xứ Việt Nam tại Paris, ‘‘hạt yêu thương’’ vun trồng trong tâm khảm, nơi có những con tin bác ái ‘‘vui với người vui, khóc với người khóc’’ (Rm 13,15), vui buồn nhân thế là nhờ sống trung thực với Phúc âm, có đức tin vững chãi. Cung Chi có vần thơ cộng đoàn như sau:

Cộng đoàn chúng con,’’Dân tộc Thánh’’ (1 Pr 2,9)
Nhục vinh vui khổ luôn kiêu hãnh
Không quên thân phận tội cát lầm
Chúa thương nuôi dưỡng bằng ơn thánh
Cộng đoàn chúng con ‘‘Dân Tư Tế’’ (1 Pr 2,9)
Dâng cả cõi lòng làm của lễ
Bao nhiêu cuộc sống vương hy sinh
Bấy nhiêu giọt nước trong chén lễ
Cộng đoàn chúng con ‘‘Dân Vua Chúa’’ (1 Pr 2,9)
Hoan lạc trên đường về Đất Hứa
Gieo hạt luống cầy trong đau thương
Gặt lấy vàng thơm muôn bó lúa.
(Hiên ngang, tr.238)

Gặt lấy vàng thơm muôn bó lúa nhắc lại lịch sử Giáo xứ Việt Nam tại Paris. Tác giả đề tặng ‘‘Giáo xứ Việt Nam Paris tròn 50 tuổi (1847-1997). Thánh lễ do Đức Sứ thần Tòa thánh Mario Tagliaferri chủ lể ngày 11-5-1997’’. Những bông lúa của ‘‘Mùa gặt mới’’ được tác giả gom lại thành một bó thất ngôn:

Mấy chục năm qua nhờ cấy cầy
Mạ non lúa chín ngát hương bay
‘‘Liên đoàn’’ khai sáng công trình ấy
‘‘Giáo xứ’’ hoàn thành sự nghiệp này
Linh mục góp phần đâu quản ngại
Giáo dân góp sức thật hăng say
Giờ đây khánh chúc năm mươi tuổi
Mùa gặt ngày mai hy vọng đầy.


Trong thi tập, Cung Chi sáng tác nhiều bài thơ, nói đến các ‘‘linh mục góp phần đâu quản ngại’’, đứng đầu là Đức Ông Mai Đức Vinh, giám đốc Giáo xứ.

Ngoài hai tập 1 và 2, thi tập Thương Ngàn Thương sắp có thêm tập 3 cho đủ ngàn trang. Một ngàn trang sách là trăm nhớ ngàn thương, vấn vương bao nhiêu là tâm kinh nguyện cầu. Toàn tập sách có thể ví với Kinh Thi (詩 經) chép lại vần điệu ca dao trong cổ thi. Bích Sơn, người nữ nghệ sĩ công giáo, từng đọc thơ Cung Chi thay cho lời nguyện sáng như sau:

Xin chúc phúc cho con mỗi buổi sáng
Để lòng con mới lại chút tình thương
Cho bớt đi những nhỏ bé tầm thường
Để mở ra một khung trời đại lượng.
Cho con mang nét mặt người sung sướng
Lòng nhân từ hiền hậu đáy mắt con
Lời nói ra chân thành cảm núi non
Trên đôi môi có nụ cười âu yếm.
Cho con quên đừng nghĩ đến khuyết điểm
Một hãy nhìn gương tốt để noi theo
Giúp đỡ người không phân biệt giầu nghèo
Để thấy được cho đi là hạnh phúc.
Cho con biết: Chúa yêu con rất mực
Con thầm xin: NGUYỆN MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
Bị vu oan không thù oán một lời
Nhưng chỉ biết thương yêu và tha thứ.
Cho con biết bỏ đi con người cũ
Mặc lấy người đổi mới mãi mỗi ngày
Cho con sống say sưa từng phút giây
Như chính Chúa trong con đang sống vậy
(Thức giấc, tr. 684).


Khi gấp tập thơ lại cũng là lúc tấm lòng rộng mở. Với tấm lòng yêu thơ và tôn kính một linh mục thi nhân, chúng tôi có câu thơ đề tặng sau đây, để kết thúc bài nói chuyện về thơ:

Trăm nhớ ngàn thương

Nhà thơ sáng tác tập thơ đầu
Tâm tình mục tử ý thâm sâu
Công cha nghĩa mẹ như trời biển
Mến Chúa yêu người tựa ngọc châu
Chữ nghĩa thơ Đường ngàn nỗi nhớ
Bài thơ lục bát vạn niềm đau
Xem thơ chợt nhớ Lương Nhi Tử
Có phải thi nhân sớm bạc đầu ?


Giáo xứ Paris, tiết Đông tàn (8-3-2010)