Bài Tin Mừng Luca 8:26-39: Chúa Giêsu chữa người bị quỷ ám tại Ghêrasa

26Thầy trò ghé thuyền vào vùng đất của người Ghêrasa, đối diện với miền Galilê. 27Người vừa ra khỏi thuyền và đặt chân lên đất, thì có một người dân trong thành bị quỷ ám ra đón Người. Từ lâu, anh ta không mặc quần áo, không ở trong nhà, nhưng ở trong đám mồ mả.

28Thấy Đức Giêsu, anh la lên, sấp mình dưới chân Người, và lớn tiếng nói rằng: “Lạy ông Giêsu, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông? Tôi xin ông đừng hành hạ tôi!” 29Ấy là vì Đức Giêsu đã truyền cho thần ô uế xuất khỏi người ấy. Thật vậy, đã nhiều lần quỷ bắt lấy anh ta, người ta dùng xiềng xích gông cùm mà trói và giữ anh; nhưng anh bứt tung dây trói và bị quỷ đưa vào những nơi hoang vắng. 30Đức Giêsu hỏi anh: “Tên anh là gì?” Anh thưa: “Đạo Binh”, vì rất nhiều quỷ nhập vào anh. 31Lũ quỷ nài xin Người đừng truyền cho chúng rút xuống vực thẳm.

32Ở đó có một bầy heo khá đông đang ăn trên núi. Lũ quỷ nài xin Người cho phép chúng nhập vào bầy heo kia, và Người cho phép. 33Lũ quỷ xuất khỏi người đó, nhập vào bầy heo. Cả bầy heo từ trên sườn núi lao xuống hồ và chết ngộp hết.

34Thấy sự việc xảy ra, các người chăn heo bỏ chạy, loan tin trong thành và thôn xóm. 35Thiên hạ ra xem sự việc đã xảy ra. Họ đến cùng Đức Giêsu và thấy kẻ đã được trừ quỷ đang ngồi dưới chân Đức Giêsu, ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo. Họ phát sợ. 36Những người chứng kiến đã kể lại cho họ nghe người bị quỷ ám được cứu chữa thế nào. 37Bấy giờ đông đảo dân chúng vùng Ghêrasa xin Người rời họ, vì họ sợ quá. Thế nên Người xuống thuyền trở về.

38Kẻ đã được trừ quỷ xin được ở với Người. Nhưng Người bảo anh ta về và nói: 39“Anh cứ về nhà và kể lại mọi điều Thiên Chúa đã làm cho anh.” Anh ta ra đi, rao truyền cho cả thành biết mọi điều Đức Giêsu đã làm cho anh.


Trích trực tuyến Tin Mừng Luca của Nhóm Phiên dịch Các Giờ kinh Phụng vụ



Chú thích

Vùng đất Ghêrasa. Cha Fitzmyer cho rằng địa danh này không thống nhất giữa 3 Tin Mừng và ngay các thủ bản Tin Mừng Luca cũng có đến 3 cách gọi vùng này: a) Gerasa (nay là Jerash) thuộc vùng Bên kia Sông Gióocđan, cách đông nam Hồ Galilê khoảng 33 dặm, một thành phố thuộc Thập Thành (Decapolis). Bầy heo vượt một quãng đường xa như thế để lao xuống hồ, theo cha Fitzmyer, phải kể là có sức mạnh dữ! Hay đây không phải là hồ Galilê. Origen từng thấy khó mà đọc kiểu này. b) Gadara (nay là Umn Qeis) là một thành khác cũng của Thập Thành, khoảng 6 dặm cách đông nam Hồ Galilê, do đó, gần với Hồ này hơn. c) Gergesa được Origen nhận diện như “một thành phố nằm cạnh Hồ nay gọi là Tiberias, “thuận tiện” hơn để bầy heo lao mình xuống hồ tự sát. Tên hiện nay là Kersa (hay Kursi) nằm ở phía đông của hồ. Tuy nhiên, Cha Fitzmyer vẫn thích lối đọc Ghêrasa, dù khó hiểu hơn (lectio difficilior).

Đối diện với miền Galilê. Việc thêm cụm từ này, dù đang nói đến thừa tác vụ của Chúa Giêsu ở Galilê, cho thấy quan tâm của Luca đối với việc truyền giáo cho Dân ngoại.

Bị quỷ ám. Thực ra, theo Cha Fitzmyer, ở đây Luca sử dụng danh từ số nhiều (demons) tương ứng với “đạo binh” ở câu 30. Nhiều qủy nhập vào một người cũng đã diễn ra ở Lc 11:26. Mc 5:2 viết là “thần ô uế”, được cho là thích đáng hơn với bối cảnh ở đây: người bị ám không mặc quần áo, lại ở chỗ mồ mả vốn bị người Do Thái coi là ô uế. Có lẽ vì thế mà ở câu 29, Luca cũng đã sử dụng cụm từ “thần ô uế” để chỉ bọn qủy này.

Ở trong đám mồ mả. Có thể có nghĩa là người này bị xa lánh nhưng cũng có nghĩa là muốn liên hệ người bị qủy ám với lãnh vực người chết.

Con Thiên Chúa Tối Cao. Qủy dùng tước hiệu đã có trong trình thuật tuổi thơ (1:32) để chỉ Chúa Giêsu.

Tên anh là gì? Qủy muốn khống chế Chúa Giêsu bằng cách cho biết chúng biết tên và tước hiệu của Người. Giờ đây, Chúa Giêsu hỏi tên chúng. Đàng sau cuộc đối thoại này là niềm tin bình dân cho rằng muốn thống trị qủy cần biết tên nó. Chúa Giêsu muốn biết tên qủy, nhưng hắn tránh né bằng cách không nói rõ tên nhưng chỉ tiết lộ con số.

Đạo binh. Tiếng Latinh “legio” dịch sang tiếng Hy lạp là “legion”. Thời Augustus, một “legio” La Mã có tới 6,000 binh sĩ.

Vực thẳm. Hạn từ abyssos trong tiếng Hy lạp thường chỉ nơi ở của người chết (xem Tv 107:26; Rm 10:7) hay nơi giam cuối cùng của Xatan và các qủy (Kh 20:3). Nó thường được Bản Bẩy Mươi dùng để dịch chữ Hípri tĕhōm chỉ “nơi sâu có nước” hay biển dưới lòng đất, biểu tượng của hỗn mang và mất trật tự. Không muốn về cái nơi cùng đích ấy, bọn qủy xin được nhập vào bầy heo vốn bị coi là loài động vật ô uế.

Đang ngồi dưới chân Đức Giêsu. Nghĩa là trong tư thế của môn đệ ngồi dưới chân thầy. Luca chuẩn bị như thế cho lời yêu cầu của người được trừ khỏi qủy ám ở câu 38 “xin được ở với Người”.

Vì họ sợ quá. Có thể vì các mất mát khác trong tương lai, nhưng trước hết do quyền năng huyền bí hàm ngụ trong việc trừ qủy. Phản ứng của Dân ngoại này đối với “Đấng Cứu rỗi” không khác bao nhiêu so với chính thị trấn quê hương Người (4:28-29), những kẻ còn muốn xô Người xuống vực thẳm.

Người bảo anh ta về. Một kiểu nói có nghĩa Chúa Giêsu sai anh ta đi truyền giáo nhưng chưa phải là việc truyền giáo theo nghĩa Kitô giáo vì thời của các môn đệ ngoại giáo chưa xuất hiện trong trình thuật Luca. Cũng nên lưu ý hai câu cuối cùng: Chúa Giêsu bảo anh ta về nhà và giảng giải cho người ta biết “mọi điều Thiên Chúa đã làm cho anh” nhưng thực tế, anh ta đã “rao truyền cho cả thành biết mọi điều Đức Giêsu đã làm cho anh”. Điều này cho thấy Luca muốn đồng nhất hóa Chúa Giêsu với Thiên Chúa.

Nhận định

Đây là câu truyện nữa về phép lạ hay trừ qủy. Theo Kertelge (Die Wunder Jesu, 107), câu truyện trừ qủy thường có hàm ý truyền giáo. Ở đây hàm ý ấy thấy nơi hai câu 38-39.

Một số người cho rằng đây là một câu truyện hơi lạ. Nó từng bị nghi vấn về các yếu tố kỳ quái và thô thiển: há ở đây Chúa Giêsu đã không quá tàn nhẫn với thú vật hay sao? Tại sao Người lại gây cho chủ bầy heo một thiệt hại lớn lao về tài chánh như thế? Làm thế nào bầy heo có thể chạy cả hàng chục dặm để lao xuống hồ? Tuy nhiên, theo cha Fitzmyer, thắc mắc như thế là quên bản chất của những câu truyện trong Tin Mừng, luôn có tính biểu tượng và tôn giáo. Các chi tiết cường điệu và thô thiển của câu truyện này cho thấy xu hướng bắt đầu được liên kết với các câu truyện trong truyền thống Tin Mừng, một xu hướng lên cao điểm nơi các truyền thống ngoại thư (apocryphal) trong đó Chúa Giêsu thiếu niên vi phạm ngày Sabát bằng cách chế tạo 12 con chim sẻ bằng đất sét, rồi vỗ tay và chúng vừa bay đi vừa kêu chim chíp…

Bultmann (History of the Synoptic Tradition, [Oxford, Blackwell, 1968] 201) thì cho rằng đây là câu truyện sử dụng chủ đề quán xuyến “thằng qủy bị lừa”. Nó tìm cách khống chế Chúa Giêsu bằng cách nêu tên Người; khi Người hỏi tên nó, nó đánh trống lảng, chỉ khai số lượng. Khi bị Chúa Giêsu ra lệnh phải ra khỏi người đàn ông (apopompē) hắn ranh mãnh xin nhập vào bầy heo (epipompē) thay vị xuống vực thẳm, không ngờ bị Người cho vào bầy heo, nhưng bầy heo lao xuống hồ chết hết cả lũ. Người “lừa” bầy qủy và “cứu” người đàn ông.

Một tác giả khác, A.H. M’Neil (The Gospel according to St Matthew [London, McMillan, 1915] 114), thì cho rằng sở dĩ Chúa Giêsu để bầy heo lao xuống hồ chết là để người đàn ông hoàn toàn an tâm vì điều làm ông khốn khổ, nay hoàn toàn không còn nữa.

Vả lại theo Cha Fitzmyer, cuối câu truyện, hai câu biến nó trở thành câu truyện truyền giáo cũng cho thấy truyền thống này được lưu truyền dưới hình thức câu truyện nhân gian. Việc một câu truyện nhân gian tìm được đường đi vào qui điển là điều hơi lạ; nhưng ai có thể nói linh hứng Kinh Thánh, hiểu cho đúng, lại không thể thích ứng với một truyền thống có những chi tiết cường điệu và thô thiển?

Cốt yếu là ở chỗ mô tả Chúa Giêsu sử dụng quyền năng của Người để chữa lành một con người bất hạnh bị mất trí, một người bị xã hội ruồng bỏ, do đó, đã phục hồi ông ta trở lại trạng thái trí khôn tỉnh táo, ăn mặc hẳn hoi. Hơn nữa, quan tâm cứu vớt này được tỏ rõ cho cả một người ngoại giáo.

Thánh Cyril thành Alexandria, trong bài nhận định số 44 của ngài về tình tiết này nhận định tính tàn ác của ma quỉ đối với người đàn ông khốn cùng: trong người đàn ông này “cư ngụ nhiều thần ô uế, và ông ta không còn tâm trí và hiểu biết, và không còn mặt nào khác với những người chết đã nằm yên trong lòng đất, hay đúng hơn, có lẽ, thậm chí còn khốn khổ hơn thế nữa. Vì người chết, bó gọn cẩn thận trong khăn liệm, được đặt vào lòng đất, như trong lòng mẹ: còn ông ta, trong nỗi khốn cùng to lớn và trần truồng, lang thang hết mồ mả này sang mồ mả khác, quả là hoàn toàn khốn khổ, sống một cuộc sống nhục nhã và đê hèn: đó quả là bằng chứng cho sự tàn ác của ma qủi, và chứng cớ hiển nhiên cho tính ô uế của chúng.

Điểm thứ hai là tại sao ma quỉ lại có thể ám người ta? Thánh Cyril trả lời: lý do rất sâu xa. Nhưng tựu chung, “Thiên Chúa cố tình cho phép một số người rơi vào quyền lực của chúng, không phải để họ phải đau khổ, mà là để họ học biết ma quỉ xử tệ với chúng ta ra sao và nhờ thế tránh ý muốn làm tôi chúng. Vì sự đau khổ của một người, nhiều người được xây dựng”.

Điểm thứ ba là tính cao ngạo của ma quỉ, khi dám nói với Chúa Giêsu “chuyện tôi can gì đến ông?”. Trời đất, thừa nhận Người là Con Thiên Chúa, nghĩa là mọi sự đều là của Người, thuộc về Người, thế mà sau khi chiếm đoạt điều không phải của ngươi, hay đúng hơn điều vốn thuộc của Người, ngươi lại quả quyết Người không có gì dính dáng đến ngươi sao?

Điểm thứ tư được Thánh Cyril lưu ý là ma qủi xin nhập vào bầy heo. Tại sao chúng phải xin như thế? Vì chúng không có quyền lực tự chúng nhập vào đâu cả. Điều này giúp chúng ta an lòng. Vì “những kẻ không có quyền lực trên sự vật, như thế là vặt vãnh, vô giá trị, làm sao chúng có thể gây tổn hại cho bất cứ ai được Chúa Kitô cân đo, và đặt hy vọng nơi Người”.