Bất chấp các bất cập của John F. Kennedy mà ngay lúc còn sống đã được rất nhiều người biết đến, lúc nằm xuống, ông chỉ được tưởng niệm như một tổng thống qúy yêu của đất nước Hoa Kỳ.

Nhân ngày kỷ niệm 50 năm ông qua đời, Đức Ông John T. Myler, Cha Sở Nhà Thờ Chánh Tòa St Peter tại Belleville, Illinois, chuyên nghiên cứu về lịch sử và nền thần học Công Giáo thời Công Đồng Vatican II, đã thuật lại một số chi tiết lịch sử diễn ra tại Vatican II lúc John F. Kennedy qua đời, dưới tựa đề: Năm Mươi Năm Trước Đây Tại Công Đồng... Ngày 22 Tháng Mười Một, 1963.

Thứ Sáu, 22 tháng Mười Một, sau trưa (giờ Rôma) một chút, phòng báo chí của các giám mục Mỹ công bố một thông cáo báo chí, do Đức Ông Tucek viết: “Phiên họp toàn thể thứ 73 của Công Đồng Vatican II, ngày 22 tháng Mười Một, sẽ là ngày đáng ghi nhớ không những trong lịch sử Công Đồng mà còn trong cả lịch sử của Giáo Hội nữa”.

Biến cố lịch sử được nhắc tới chính là việc các giám mục thế giới chấp thuận gần như nhất trí văn kiện Sacrosanctum Concilium, tức văn kiện cải tổ Nền Phụng Vụ Thánh và cho phép việc cử hành Thánh Lễ bằng tiếng địa phương.

Tuy nhiên, bản tin ấy mau chóng bị lu mờ bởi bản tin đánh đi từ Dallas, Texas, do một sự kiện xẩy ra cùng ngày thứ Sáu hôm ấy, vào đầu buổi tối, giờ Rôma.

Khoảng cuối buổi chiều, nhiều giám mục tới viếng Nhà Thờ Thánh Nữ Cecilia tại Trastevere; vì ngày 22 tháng Mười Một là ngày lễ kính Thánh Nữ Bổn Mạng của âm nhạc. Xác Thánh Cecilia được chôn trong ngôi thánh đường xinh đẹp xây ngay trên các phế tích ngôi nhà của Thánh Nữ. Lúc 5 giờ chiều, Đức HY Meyer của Chicago cử hành Thánh Lễ Đại Trào tại đó, vì Nhà Thờ Thánh Cecilia vốn là nhà thờ “hiệu toà” của ngài.

Sau đó, lúc 8 giờ tối, một nhóm giám mục Hoa Kỳ đi ăn tối tại Cavalieri Hilton, dự tính để mừng tin vui trong ngày với một số chuyên viên (periti) từng giúp soạn thảo văn kiện phụng vụ mới. Lúc các ngài vừa nâng ly chúc mừng, thì Đức TGM John Cody bước vào phòng, tiến tới chiếc bàn, và trịnh trọng loan báo: “Tôi vừa nghe truyền thanh cho biết Tổng Thống Kennedy đã bị bắn tại Dallas”.

Tất cả đều rời khỏi Hilton, lặng lẽ bước vào đêm tối.

Một quan sát viên Thệ Phản tại Công Đồng nhắc lại việc nhóm của ông dự tính gặp các giám mục Hoa Kỳ tối hôm đó để thảo luận văn kiện kế tiếp bàn về đại kết: “Trước khi lên đường, chúng tôi đã nghe trên truyền hình tin khủng khiếp về việc Tổng Thống Kennedy bị bắn. Chúng tôi ra bến taxi và lấy một chiếc trong âm thầm và cầu nguyện, vì lúc ấy, chúng tôi vẫn hy vọng là phát đạn không gây tử vong. Tuy nhiên, khi tới căn phòng của các giám mục, chúng tôi biết chắc sự thật kinh hoàng. Sau khi bắt tay, có người đề nghị chúng tôi cùng đọc kinh, và một giám mục hướng dẫn chúng tôi đọc kinh “Từ Vực Sâu”. Chúng tôi ngồi trong tư thế ngỡ ngàng một lúc lâu, lắng nghe các tường trình truyền thanh mới nhất bằng tiếng Anh”.

Một số giám mục Hoa Kỳ bắt đầu tìm kiếm một nhà thờ nào đó còn mở cửa để có thể dâng thánh lễ cầu hồn.

Và kể từ đêm thứ Sáu trở đi, nhiều đám đông bắt đầu tụ tập đàng trước Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Via Veneto. Nhiều công dân Ý đặt hoa ở lối ra vào. Một số giám mục Hoa Kỳ cũng tụ họp ở đó. Thấy một số giám mục dàn dụa nước mắt, một linh mục già người Anh nhận xét: “Vì lòng tôn sùng Chúa, đem ra thực hành ở khắp mọi nơi trên lục địa, các giám mục Hoa Kỳ quả là độc đáo. Âu Châu không có gì để chứng tỏ cho các ngài về lòng mộ mến các bí tích, về sự hy sinh cho nền giáo dục Công Giáo, về lòng độ lượng đối với các xứ truyền giáo. Các ngài ít nói tới điều này... Có lẽ cuộc đời của vị tổng thống trẻ vừa bị ám sát phản ảnh một cách anh hùng lòng sốt sắng của các ngài chăng”.

Trong tác phẩm đồ sộ “Lịch Sử Công Đồng”, Guiseppe Alberigo có viết: “Biến cố có tầm quan trọng quốc tế xẩy ra trong các tuần lễ của khóa hai (Công Đồng) là vụ ám sát J.F. Kennedy... một vụ ám sát được Vatican II cảm nhận mạnh mẽ không khác gì tại những nơi khác”.

Thứ Bẩy, ngày 23 tháng Mười Một, Đức HY Cushing của Boston đã có mặt tại Hoa Kỳ. Ngài từng chủ tọa lễ cưới của John Kennedy và Jacqueline Bouvier năm 1953 và rửa tội cho hai đứa con của họ là Caroline và John, Jr. Tháng Tám, 1963, chỉ 3 tháng trước vụ ám sát, ngài còn cử hành Thánh Lễ cho đứa con thứ ba, là Patrick Bouvier Kennedy, chết 2 ngày sau khi sinh ra. Khi JFK nhậm chức Tổng Thống thứ 35 của Hoa Kỳ vào ngày 20 tháng Giêng, 1961, Đức HY Cushing đã dâng lời cầu nguyện. Giờ đây, ngài dự tính sẽ dâng Thánh Lễ An Táng cho Tổng Thống tại Washington D.C.

Trong khi hai linh mục Công Giáo được vào Tòa Bạch Ốc vào sáng Thứ Bẩy để cầu nguyện hai bên cỗ quan tài bằng gỗ gụ, thì Đức Giáo Hoàng Phaolô VI dâng Thánh Lễ tại nhà nguyện riêng của ngài để cầu cho linh hồn Tổng Thống. Sau đó, ngài cho phép các máy quay phim của truyền hình vào Tông Điện để ngài có thể trực tiếp thưa chuyện với nhân dân Hoa Kỳ:

“Tôi ngỡ ngàng sâu xa trước tin đau buồn và bi đát về việc sát hại Tổng Thống Hiệp Chúng Quốc Mỹ Châu, và việc gây thương tích nặng cho Thống Đốc Connally.

“Tôi đau buồn sâu sắc vì tội ác này, vì cái tang đang làm sầu khổ đất nước vĩ đại và văn minh, vì nỗi đau đớn đang giáng xuống Bà Kennedy, con cái ông bà và gia đình họ.

“Tôi hết lòng đau buồn về những gì đã xẩy ra. Tôi tha thiết mong rằng cái chết của chính khách vĩ đại này sẽ không gây thiệt hại đến chính nghĩa của nhân dân Hoa Kỳ, đúng hơn, sẽ tăng cường các tâm tư luân lý và dân chính cũng như củng cố các cảm thức cao thượng và hoà hợp của họ.

“Ông là vị tổng thống Công Giáo đầu tiên của Hiệp Chúng Quốc. Tôi nhớ lại niềm hân hoan được tiếp ông tới thăm và khám phá nơi ông sự khôn ngoan lớn lao và quyết tâm cao vì thiện ích của nhân loại.

“Ngày mai, tôi sẽ dâng Thánh Lễ để xin Thiên Chúa ban cho ông sự nghỉ ngơi đời đời, xin Người an ủi tất cả những ai đang khóc thương ông và xin cho tình yêu Kitô Giáo thống trị toàn thể nhân loại”.

Trong một điện tín riêng gửi cho Bà Jacqueline Kennedy, Đức Giáo Hoàng viết: “Con gái thân yêu, cha vội gửi tới con... tới con và con cái con sự an ủi của ơn thánh Chúa, và phúc lành tòa thánh đầy âu yếm của cha”.

Đức Giáo Hoàng cũng gửi thông điệp riêng cho thân phụ mẫu vị Cố Tổng Thống. Bà Rose Kennedy đã tham dự hai thánh lễ vào sáng sớm thứ Bẩy tại Nhà Thờ Thánh Phanxicô Xaviê, là nhà thờ giáo xứ của gia đình tại Hyannis Port, Massachusetts. Một trong hai Thánh Lễ này được cử hành tại bàn thờ do gia đình Kennedy dâng cúng để tưởng nhớ người con trai lớn nhất của họ là Joseph, Jr., tử nạn lúc là phi công của Hải Quân trong Thế Chiến II.

Nhà Thờ Santa Susanna, trên đường Via XX Settembre, đầy ních người tham dự Thánh Lễ lúc 5 giờ chiều do Đức HY Spellman cử hành.

Cùng lúc ấy, Đức Tổng Giám Mục O’Boyle của Washington và Đức Cha Phụ Tá Hannan lên đường trở lại Hoa Kỳ để tham dự tang lễ vào hôm thứ Hai.

Về các biến cố trong ngày Chúa Nhật, 24 tháng Mười Một, một trong các quan sát viên không Công Giáo tại Công Đồng ghi lại như sau: “Cuối tuần này, mọi suy nghĩ, trong đó hình như có cả các suy nghĩ của dân tộc Ý nữa, đều hướng về cái chết của Tổng Thống Kennedy.

“Sáng Chúa Nhật, vợ tôi và tôi trước nhất tới một nhà thờ Công Giáo, là Nhà Thờ Santa Susanna... sau đó, tới một nhà thờ Methodist. Các buổi lễ khác nhau xiết bao! Ấy thế nhưng chúng cũng tương tự xiết bao, vì ở mỗi nơi, việc thờ phượng đều hướng về cùng một Thiên Chúa, Đấng đã tự mặc khải nơi Chúa Giêsu Kitô.

“... Tại nhà thờ Công Giáo, chúng tôi im lặng tham dự một Thánh Lễ trầm lặng, chúng tôi được mặc tình cầu nguyện và suy niệm cá nhân. Tại nhà thờ Thệ Phản, chúng tôi ca hát, cầu nguyện, và cùng nhau lắng nghe một bài giảng. Trong tình hiệp thông hoàn toàn, tôi tin chắc rằng trong Giáo Hội tương lai, cả hai kinh nghiệm này cần được dâng lên và không ai tự cho mình là Kitô Hữu hoàn toàn mà lại không biết tự tiếp nhận các giá trị đặc thù của mỗi bên”.

Sau đó trong ngày, Đức Hồng Y Ritter của St Louis đã ra một tuyên bố cám ơn mọi nghị phụ Công Đồng đã gừi lời phân ưu và hứa hẹn cầu nguyên: “Nơi nào trái tim con người không chiếm hữu được tình bác ái và sự ân cần hỗ tương, nơi ấy chỉ có thể có hận thù, mà cái chết này là một trong các hoa trái”.

Cùng khoảng lúc ấy, người ám sát Tổng Thống cũng đã bị ám sát.

Sáng thứ Hai, ngày 25 tháng Mười Một, trong các loan báo thường lệ lúc bắt đầu ngày làm việc của Công Đồng, cái chết của Tổng Thống Kennedy đã được Đức TGM Felici ghi nhận. Ngài thông báo với các nghị phụ rằng một Thánh Lễ cầu hồn long trọng sẽ được cử hành lúc 5 giờ chiều tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan Lateran để cầu cho linh hồn cố Tổng Thống Hoa Kỳ được nghỉ yên. Mọi nghị phụ đều được mời tham dự.

Sau đó, các nghị phụ đã bắt đầu ngày làm việc như thường lệ và đã chấp thuận sắc lệnh về truyền thông xã hội Inter Mirifica.

Và cũng vào chính ngày này, khi các giám mục chấp thuận việc sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại để loan truyền Tin Mừng, mười triệu người nam nữ khắp thế giới đã mở máy truyền hình và truyền thanh để theo dõi đám tang của Tổng Thống Kennedy.

Đây là một Thánh Lễ âm thầm, theo lời yêu cầu của Bà Kennedy. Quan tài được đặt ở phía trước, giữa lòng nhà thờ chính tòa. Trong khi Đức HY Cushing dâng Thánh Lễ bằng một giọng “ê a quen thuộc”, thì Luigi Vena, từ ca đoàn, hát bài Ave Maria cao vút của Gounod, y như ông từng hát tại lễ cưới của vợ chồng Kennedy 10 năm trước đó.

Tờ New York Times tường thuật: “Đức Hồng Y, khổ người cao lớn và đường bệ trong ngôi thánh đường đồ sộ, đọc Thánh Lễ hoàn toàn bằng tiếng La Tinh cổ truyền ("Dominus vobiscum. Et cum spiritu tuo"). Ngài đọc đều đặn, không vấp váp, đôi khi bằng một giong như hát nghe tựa tiếng ê-a đều đặn chứ không hẳn đọc từng chữ, từ phần Nhập Lễ, Kinh Thương Xót, lời truyền phép, qua mọi phần Thánh Lễ khác vốn quen thuộc với người Công Giáo Rô Ma khắp thế giới, tới tận phần rước lễ...

“Bà Kennedy và Robert Kennedy là những người đầu tiên lên rước lễ. Sau đó là Edward Kennedy. Hàng trăm người khác trong nhà thờ cũng đã lên rước lễ... Khi Thánh Lễ chấm dứt, giám mục phụ tá Hannan đã lên bục giảng nói khoảng 11 phút bằng tiếng Anh.

“Các cửa nhà thờ mở ra, buổi lễ tại nhà thờ chính tòa kết thúc, gia đình, các giáo phẩm và vị vọng lên đường tham dự lễ nghi tại huyệt mộ ở Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington”

Cũng cùng lúc ấy, Thánh Lễ buổi chiều cho John F. Kennedy tại nhà thờ chính tòa Rôma, tức Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan Lateran, cũng chấm dứt.

Thánh Lễ trên được cử hành non sáu tháng sau cái chết của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII. Sau khi Tổng Thống Kennedy qua đời, một giám mục Hoa Kỳ có mặt tại Công Đồng đã nhắc lại một biến cố “để tưởng niệm ông”: “Điều con nhớ là như sau: đang đứng tại công trường ở Florence để chiêm ngưỡng bức tượng David nổi tiếng của Michelangelo, thì một người đàn ông lịch thiệp người Ý đến sau lưng vỗ vai con. Con quay lại, ông ta vừa dàn dụa nước mắt vừa nói với con: ‘chúng ta mất cả hai Gioan của chúng ta rồi’”.

Nhà triết học chính trị Đức gốc Do Thái là Hannah Arendt, từng qua Mỹ trong thập niên 1930, đã viết trên tờ The New York Review of Books như sau:
“Có một sự tương tự rất lạ lùng và vô cùng buồn bã giữa cái chết của hai người vĩ đại nhất mà chúng ta vừa mới mất năm nay, một người rất già, người kia thì rất trẻ.

“Cả Đức Cố Giáo Hoàng lẫn Cố Tổng Thống đều chết quá sớm nếu nói về công trình đã được các vị khởi diễn nhưng đã để lại dở dang. Cả thế giới bỗng thay đổi và ra tối tăm khi tiếng nói của các vị im bặt.

“Ấy thế nhưng thế giới sẽ không bao giờ được như thế trước khi các vị lên tiếng và hành động theo lời lên tiếng này”.

Ngày 25 tháng Mười Một, ở cuối bài tường thuật chi tiết Thánh Lễ cầu hồn và an táng, nhà báo Tom Wicker viết: “ Lúc 3 giờ 34 chiều, chiếc quan tài được hạ xuống lòng đất. Đời ngắn, ngày dài, đã vĩnh viễn ra đi. Và không một long trọng và hoành tráng nào, không một nghi lễ hay âm nhạc nào, không lời nói hay khóc thương nào, không khuôn mặt tại đường phố nào, không nhân vật bất động nào trong các xe limousines, có thể nói được điều gì hay hơn lời kinh vắn tắt in đàng sau tấm hình vị tổng thống tử nạn và được phân phối tại Nhà Thờ Chính Tòa: ‘Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin thương chăm sóc đầy tớ Ngài là John Fitzgerald Kennedy!’”.