Trong khi với đại chúng nói chung và giới truyền thông nói riêng, Đức Phanxicô là người được ca tụng bao nhiêu thì với một số người Công Giáo và không Công Giáo bảo thủ, ngài bị chỉ trích, hay ít nhất càng ngày càng bị cảm nhận một cách khó chịu bấy nhiêu. Đến nỗi có người không ngại tỏ ý mong ngài từ nhiệm.
Đó là trường hợp Karl Keating, sáng lập viên của Catholic Answers. Ông nêu câu hỏi A New Pope in 2016? Và cho biết đây không hẳn là một lời tiên đoán mà chỉ là một thao tác suy tư.
Thao tác này khởi đầu với việc trên đường từ Hán Thành trở về Rôma năm ngoái, Đức Phanxicô, nhân lúc ca ngợi việc Đức Bênêđíctô XVI từ nhiệm như là “một cử chỉ đẹp đẽ của lòng cao thượng, khiêm nhường và can đảm” đã cho các ký giả tháp tùng hay rằng triều giáo hoàng của ngài “sẽ kéo dài không lâu: hai hay ba năm”.
Tính từ ngày Đức Phanxicô lên ngôi năm 2013, Karl Keating nghĩ rằng năm 2016 rất có thể là năm ngài sẽ chấm dứt triều đại của mình.
Nếu chỉ có thế thì đâu có gì phải bận tâm. Đàng này, Keating còn thêm nhiều điều dài dòng khác khiến người ta khó lòng nghĩ khác hơn là: ông tỏ ra thiếu kiên nhẫn đối với một triều giáo hoàng nói nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu.
Thực vậy, theo Keating, Đức Phanxicô được bầu với hoài bão sẽ cải tổ giáo triều Rôma. Về việc này, ngài rõ ràng đã thay đổi hình ảnh công cộng về ngôi vị giáo hoàng và dưới sự hướng dẫn của Đức HY Pell, nền tài chánh của Vatican cuối cùng đã được kiểm soát cách hợp lý. Nhưng chính cuộc cải tổ giáo triều, thì Keating cho rằng “hai năm rưỡi dưới triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, xem ra thay đổi chẳng được bao nhiêu”.
Tuy nhiên, về một phương diện khác, ông thấy Đức Phanxicô rất tha thiết mong việc làm của Thượng Hội Đồng về Gia Đình sẽ hoàn tất mỹ mãn. Như mọi người biết: Thượng Hội Đồng này sẽ họp vào tháng Mười tới và muộn nhất, tông huấn phổ biến kết quả của Thượng Hội Đồng sẽ được công bố trong năm 2016. Năm này cũng có thể là năm hội đồng Hồng Y sẽ đệ trình những đề xuất cuối cùng về việc cải tổ cơ cấu giáo triều để ngài công bố cho thi hành.
Theo Keating, đến lúc đó, nghị trình của Đức Phanxicô kể như đã hoàn tất. Hay đúng hơn, ông cho rằng: lý do để Đức Bênêđíctô XVI từ chức là ngài thấy mình không còn sức mạnh cần thiết để chu toàn sứ mạng. Đức Phanxicô cũng thế, đến lúc đó (năm 2016), ngài có thể kết luận là ngài không đủ sức để chu toàn điều cần chu toàn, sau khi khá thành công trong việc thay đổi hình ảnh, nhưng không thành công bao nhiêu trong giáo huấn cũng như tái tổ chức guồng máy Vatican.
Đọc kỹ bài báo của Karl Keating, ta còn thấy ông hàm một ý sâu xa hơn khi thuật lại câu truyện Thánh Giáo Hoàng Celestinô V. Vị giáo hoàng này được bầu trong một hoàn cảnh chưa từng thấy trong lịch sử Giáo Hội: các vị Hồng Y bị sa lầy trong suốt 2 năm trời không bầu được người kế vị cho Đức Nicôla IV, qua đời năm 1292. Điều này khiến nhà ẩn tu già của Dòng Biển Đức không chịu được nên đã viết thư cho các Hồng Y hay: nếu không bầu người kế vị Đức Nicôla ngay lập tức, cơn giận của Chúa sẽ giáng xuống đầu các vị. Sợ quá các Hồng Y bầu ngay vị ẩn tu già này làm giáo hoàng.
Dù không vui với biến cố này, vị ẩn tu già cũng chấp thuận kết quả cuộc bầu và lấy hiệu là Celestinô V. Keating bảo: là một người dịu dàng nhưng thiếu quả quyết, Đức Celestinô hầu như không biết nói “không” với ai. Kết quả: ngài sẵn sàng đề cử những người xin xỏ vào bất cứ chức vụ gì họ muốn. Thậm chí còn cử nhiệm nhiều người vào cùng một chức vụ. “Ngài thánh thiện nhưng hoàn toàn thiếu khả năng”. Keating kết luận như vậy.
Nhưng ít nhất ngài cũng tỉnh trí đủ để thấy rằng mình không thích hợp đảm nhiệm chức vụ và đã quyết định từ chức sau 5 tháng cầm quyền, sau khi đã chính thức ra sắc lệnh nói rằng Đức Giáo Hoàng có thể từ nhiệm.
Năm 2010, trước khi từ nhiệm, Đức Bênêđíctô XVI từng tới viếng thăm mộ của Đức Celestinô V và ở lại lâu để cầu nguyện. Lúc ấy, không ai lưu ý tới sự kiện này, nhưng khi Đức Bênêđíctô XVI quyết định từ chức năm 2013, có người cho rằng quyết định này đã có lúc ở bên cạnh mộ Đức Celestinô V.
Keating cho rằng Đức Phanxicô cũng rất có thể đang trong diễn trình suy nghĩ như thế! Ông viết: “Giống Đức Celestinô V, Đức Phanxicô chắc chắn là người thánh thiện. Cũng như Đức Celestinô, dù ở một mức độ đỡ hơn nhiều, ngài không sánh được với các vị tiền nhiệm mới đây của ngài về kỹ năng ngoại giao hay quản trị.
“Không phải là một dấu hiệu thiếu lòng kính trọng con thảo khi nhận định điều nhiều người vốn nhận định rằng khi nói ứng khẩu, Đức Phanxicô thường hay nói lung tung (confusingly). Chứng cớ ở chỗ Cha Federico Lombardi, giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, thường phải ra trước ống kính máy ảnh để cố gắng xoay xở sao cho lời lẽ của Đức Giáo Hoàng được tạm ổn”.
Keating cho rằng: đã đành triều giáo hoàng nào cũng có những giải thích của phòng báo chí, nhưng phần lớn chỉ là lặp lại bằng ngôn ngữ bình dân các lời lẽ tinh tế và quá cô đọng của vị giáo hoàng thôi. Dưới triều Đức Phanxicô, vấn đề có hơi khác. “Phòng báo chí từng phải đưa bản chất thần học vào những kiểu nói ứng khẩu như ‘tôi là ai mà dám phê phán?’”.
Với một thao tác suy tư như trên, Keating không ngại cho rằng “Có thể, tôi không nói là có lẽ, mà chỉ có thể, vào hồi này năm tới, chúng ta lại sẽ nghe được từ bancông Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô câu long trọng ‘Habemus papam!’ (chúng ta có (tân) giáo hoàng)”.
Trung thành với Vatican II
Linh mục C. John McCloskey có cái nhìn khác với Karl Keating. Trong bài Pope Francis and Vatican II, ngài cho rằng Đức Phanxicô gây ngỡ ngàng cho nhiều tín hữu, nhất là những người Công Giáo nào đã quá quen thuộc với sự sáng sủa của Đức Bênêđíctô XVI và của cả Đức Gioan Phaolô II nữa. Thành thử, họ khó có thể vào sâu được ý nghĩa các lời lẽ của Đức Đương Kim Giáo Hoàng.
Nhưng ngài bị hiểu lầm hơn cả do truyền thông thế tục, dùng internet, không ngừng tô vẽ ngài như người sẵn sàng thay đổi các giáo huấn nền tảng của Giáo Hội Công Giáo, nhất là trong lãnh vực đời sống hôn nhân. Tại Hoa Kỳ, nơi đang chờ đợi chuyến viếng thăm của ngài chỉ một tuần trước Thượng Hội Đồng về gia đình, các suy đoán lại càng “sâu đậm”. Nhiều người hy vọng ngài sẽ nhượng bộ các thay đổi căn để về luân lý tính dục, nhất là liên quan tới người ly dị tái hôn và đồng tính luyến ái. Người Công Giáo hiểu biết nghĩ rằng điều này không thể nào có được. Nhưng một phần vì các lời tuyên bố ứng khẩu của ngài, niềm hy vọng trên cứ thế tồn tại trong tâm trí nhiều người.
Điều không may, theo Cha McCloskey, là một số giám mục và Hồng Y có nhiệm vụ chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng sắp tới đã có cùng hay ít nhất đã khuyến khích các hiểu lầm nêu trên. Nhưng điều may mắn là các vị ấy không có trong hàng ngũ phẩm trật Hoa Kỳ, mà phần lớn thuộc phẩm trật Đức và Áo. Điều may mắn nữa là lực lượng mạnh mẽ nhất bảo vệ giáo huấn truyền thống của Giáo Hội là các mục tử Phi Châu.
Nhân dịp này, Cha McCloskey giới thiệu tác phẩm vừa xuất bản của Eduardo Echeverria, tựa là Pope Francis: The Legacy of Vatican II. Echeverria hiện là giáo sư triết học và thần học hệ thống tại Đại Chủng Viện Thánh Tâm ở Detroit.
Echeverria chứng minh rằng Đức Phanxicô là người của Công Đồng Vatican II và là người trung thành với giáo huấn của Công Đồng này. Ông khám phá ra hai yếu tố chủ yếu có tính giải thích nơi Đức Phanxicô. Thứ nhất, ngài tin rằng Giáo Hội nên phán đoán giữa “có” và “không” bất cứ điều gì truyền thông hiểu về câu “tôi là ai mà dám phê phán?”. Thứ hai, Đức Phanxicô nghiêng nhiều về ý niệm pueblo fiel (“người dân tín nghĩa”) ở Á Căn Đình. Ngài muốn ám chỉ thứ Đạo Công Giáo bình dân chân chính trung thành sâu sắc đối với truyền thống Giáo Hội.
Tác giả này dành nhiều chương nói tới cách xử lý của ngài với các người duy truyền thống cũng như với phe cấp tiến trong Giáo Hội. Ông cũng nói tới các cố gắng của ngài trong việc khuyến khích người Thệ Phản và những ai đứng bên ngoài đức tin Công Giáo chịu tiếp xúc với Rôma. Ông cho rằng sức lôi cuốn của Đức Phanxicô đối với mọi người trên thế giới hiện nay sẽ lôi kéo nhiều người gia nhập Giáo Hội của Chúa Kitô.
Trái với các ấn tượng công cộng, Đức Phanxicô thường đề cập tới cuộc chiến thiêng liêng trong linh hồn mỗi Kitô hữu như chống lại thói ngồi lê đôi mách, thiên kiến và tự dễ dãi với chính mình. Nhưng cùng một lúc, ngài cũng cho thấy sự quan trọng của việc biểu lộ niềm vui và chia sẻ đức tin của ta với gia đình và bằng hữu cũng như tại nơi làm việc.
Cha McCloskey cho rằng các luận điểm trên đến đúng lúc vì Hoa Kỳ, nước đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới, cũng đang chờ đón tiếp Đức Phanxicô tới thăm. Vì sự sụp đổ của Kitô Giáo đang liên tiếp diễn ra tại đây, các giáo huấn của Đức Phanxicô, nếu được hiểu cho đúng đắn, sẽ đóng một vai trò lớn quyết định số phận Hoa Kỳ. Cuộc bầu cử này tất nhiên sẽ có ảnh hưởng tới việc đề cử các thành viên mới cho Tối Cao Pháp Viện, một định chế hiện đang gây rất nhiều tai họa cho lãnh thổ trước đây vẫn hãnh diện là của Kitô Giáo, mà gần đây, phán quyết hôn nhân đồng tính được kể là tai họa lớn nhất.
Ít nhất, quan điểm của Echeverria cũng là phản cực cho những “thao tác suy tư” kiểu Karl Keating.
Đó là trường hợp Karl Keating, sáng lập viên của Catholic Answers. Ông nêu câu hỏi A New Pope in 2016? Và cho biết đây không hẳn là một lời tiên đoán mà chỉ là một thao tác suy tư.
Thao tác này khởi đầu với việc trên đường từ Hán Thành trở về Rôma năm ngoái, Đức Phanxicô, nhân lúc ca ngợi việc Đức Bênêđíctô XVI từ nhiệm như là “một cử chỉ đẹp đẽ của lòng cao thượng, khiêm nhường và can đảm” đã cho các ký giả tháp tùng hay rằng triều giáo hoàng của ngài “sẽ kéo dài không lâu: hai hay ba năm”.
Tính từ ngày Đức Phanxicô lên ngôi năm 2013, Karl Keating nghĩ rằng năm 2016 rất có thể là năm ngài sẽ chấm dứt triều đại của mình.
Nếu chỉ có thế thì đâu có gì phải bận tâm. Đàng này, Keating còn thêm nhiều điều dài dòng khác khiến người ta khó lòng nghĩ khác hơn là: ông tỏ ra thiếu kiên nhẫn đối với một triều giáo hoàng nói nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu.
Thực vậy, theo Keating, Đức Phanxicô được bầu với hoài bão sẽ cải tổ giáo triều Rôma. Về việc này, ngài rõ ràng đã thay đổi hình ảnh công cộng về ngôi vị giáo hoàng và dưới sự hướng dẫn của Đức HY Pell, nền tài chánh của Vatican cuối cùng đã được kiểm soát cách hợp lý. Nhưng chính cuộc cải tổ giáo triều, thì Keating cho rằng “hai năm rưỡi dưới triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, xem ra thay đổi chẳng được bao nhiêu”.
Tuy nhiên, về một phương diện khác, ông thấy Đức Phanxicô rất tha thiết mong việc làm của Thượng Hội Đồng về Gia Đình sẽ hoàn tất mỹ mãn. Như mọi người biết: Thượng Hội Đồng này sẽ họp vào tháng Mười tới và muộn nhất, tông huấn phổ biến kết quả của Thượng Hội Đồng sẽ được công bố trong năm 2016. Năm này cũng có thể là năm hội đồng Hồng Y sẽ đệ trình những đề xuất cuối cùng về việc cải tổ cơ cấu giáo triều để ngài công bố cho thi hành.
Theo Keating, đến lúc đó, nghị trình của Đức Phanxicô kể như đã hoàn tất. Hay đúng hơn, ông cho rằng: lý do để Đức Bênêđíctô XVI từ chức là ngài thấy mình không còn sức mạnh cần thiết để chu toàn sứ mạng. Đức Phanxicô cũng thế, đến lúc đó (năm 2016), ngài có thể kết luận là ngài không đủ sức để chu toàn điều cần chu toàn, sau khi khá thành công trong việc thay đổi hình ảnh, nhưng không thành công bao nhiêu trong giáo huấn cũng như tái tổ chức guồng máy Vatican.
Đọc kỹ bài báo của Karl Keating, ta còn thấy ông hàm một ý sâu xa hơn khi thuật lại câu truyện Thánh Giáo Hoàng Celestinô V. Vị giáo hoàng này được bầu trong một hoàn cảnh chưa từng thấy trong lịch sử Giáo Hội: các vị Hồng Y bị sa lầy trong suốt 2 năm trời không bầu được người kế vị cho Đức Nicôla IV, qua đời năm 1292. Điều này khiến nhà ẩn tu già của Dòng Biển Đức không chịu được nên đã viết thư cho các Hồng Y hay: nếu không bầu người kế vị Đức Nicôla ngay lập tức, cơn giận của Chúa sẽ giáng xuống đầu các vị. Sợ quá các Hồng Y bầu ngay vị ẩn tu già này làm giáo hoàng.
Dù không vui với biến cố này, vị ẩn tu già cũng chấp thuận kết quả cuộc bầu và lấy hiệu là Celestinô V. Keating bảo: là một người dịu dàng nhưng thiếu quả quyết, Đức Celestinô hầu như không biết nói “không” với ai. Kết quả: ngài sẵn sàng đề cử những người xin xỏ vào bất cứ chức vụ gì họ muốn. Thậm chí còn cử nhiệm nhiều người vào cùng một chức vụ. “Ngài thánh thiện nhưng hoàn toàn thiếu khả năng”. Keating kết luận như vậy.
Nhưng ít nhất ngài cũng tỉnh trí đủ để thấy rằng mình không thích hợp đảm nhiệm chức vụ và đã quyết định từ chức sau 5 tháng cầm quyền, sau khi đã chính thức ra sắc lệnh nói rằng Đức Giáo Hoàng có thể từ nhiệm.
Năm 2010, trước khi từ nhiệm, Đức Bênêđíctô XVI từng tới viếng thăm mộ của Đức Celestinô V và ở lại lâu để cầu nguyện. Lúc ấy, không ai lưu ý tới sự kiện này, nhưng khi Đức Bênêđíctô XVI quyết định từ chức năm 2013, có người cho rằng quyết định này đã có lúc ở bên cạnh mộ Đức Celestinô V.
Keating cho rằng Đức Phanxicô cũng rất có thể đang trong diễn trình suy nghĩ như thế! Ông viết: “Giống Đức Celestinô V, Đức Phanxicô chắc chắn là người thánh thiện. Cũng như Đức Celestinô, dù ở một mức độ đỡ hơn nhiều, ngài không sánh được với các vị tiền nhiệm mới đây của ngài về kỹ năng ngoại giao hay quản trị.
“Không phải là một dấu hiệu thiếu lòng kính trọng con thảo khi nhận định điều nhiều người vốn nhận định rằng khi nói ứng khẩu, Đức Phanxicô thường hay nói lung tung (confusingly). Chứng cớ ở chỗ Cha Federico Lombardi, giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, thường phải ra trước ống kính máy ảnh để cố gắng xoay xở sao cho lời lẽ của Đức Giáo Hoàng được tạm ổn”.
Keating cho rằng: đã đành triều giáo hoàng nào cũng có những giải thích của phòng báo chí, nhưng phần lớn chỉ là lặp lại bằng ngôn ngữ bình dân các lời lẽ tinh tế và quá cô đọng của vị giáo hoàng thôi. Dưới triều Đức Phanxicô, vấn đề có hơi khác. “Phòng báo chí từng phải đưa bản chất thần học vào những kiểu nói ứng khẩu như ‘tôi là ai mà dám phê phán?’”.
Với một thao tác suy tư như trên, Keating không ngại cho rằng “Có thể, tôi không nói là có lẽ, mà chỉ có thể, vào hồi này năm tới, chúng ta lại sẽ nghe được từ bancông Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô câu long trọng ‘Habemus papam!’ (chúng ta có (tân) giáo hoàng)”.
Trung thành với Vatican II
Linh mục C. John McCloskey có cái nhìn khác với Karl Keating. Trong bài Pope Francis and Vatican II, ngài cho rằng Đức Phanxicô gây ngỡ ngàng cho nhiều tín hữu, nhất là những người Công Giáo nào đã quá quen thuộc với sự sáng sủa của Đức Bênêđíctô XVI và của cả Đức Gioan Phaolô II nữa. Thành thử, họ khó có thể vào sâu được ý nghĩa các lời lẽ của Đức Đương Kim Giáo Hoàng.
Nhưng ngài bị hiểu lầm hơn cả do truyền thông thế tục, dùng internet, không ngừng tô vẽ ngài như người sẵn sàng thay đổi các giáo huấn nền tảng của Giáo Hội Công Giáo, nhất là trong lãnh vực đời sống hôn nhân. Tại Hoa Kỳ, nơi đang chờ đợi chuyến viếng thăm của ngài chỉ một tuần trước Thượng Hội Đồng về gia đình, các suy đoán lại càng “sâu đậm”. Nhiều người hy vọng ngài sẽ nhượng bộ các thay đổi căn để về luân lý tính dục, nhất là liên quan tới người ly dị tái hôn và đồng tính luyến ái. Người Công Giáo hiểu biết nghĩ rằng điều này không thể nào có được. Nhưng một phần vì các lời tuyên bố ứng khẩu của ngài, niềm hy vọng trên cứ thế tồn tại trong tâm trí nhiều người.
Điều không may, theo Cha McCloskey, là một số giám mục và Hồng Y có nhiệm vụ chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng sắp tới đã có cùng hay ít nhất đã khuyến khích các hiểu lầm nêu trên. Nhưng điều may mắn là các vị ấy không có trong hàng ngũ phẩm trật Hoa Kỳ, mà phần lớn thuộc phẩm trật Đức và Áo. Điều may mắn nữa là lực lượng mạnh mẽ nhất bảo vệ giáo huấn truyền thống của Giáo Hội là các mục tử Phi Châu.
Nhân dịp này, Cha McCloskey giới thiệu tác phẩm vừa xuất bản của Eduardo Echeverria, tựa là Pope Francis: The Legacy of Vatican II. Echeverria hiện là giáo sư triết học và thần học hệ thống tại Đại Chủng Viện Thánh Tâm ở Detroit.
Echeverria chứng minh rằng Đức Phanxicô là người của Công Đồng Vatican II và là người trung thành với giáo huấn của Công Đồng này. Ông khám phá ra hai yếu tố chủ yếu có tính giải thích nơi Đức Phanxicô. Thứ nhất, ngài tin rằng Giáo Hội nên phán đoán giữa “có” và “không” bất cứ điều gì truyền thông hiểu về câu “tôi là ai mà dám phê phán?”. Thứ hai, Đức Phanxicô nghiêng nhiều về ý niệm pueblo fiel (“người dân tín nghĩa”) ở Á Căn Đình. Ngài muốn ám chỉ thứ Đạo Công Giáo bình dân chân chính trung thành sâu sắc đối với truyền thống Giáo Hội.
Tác giả này dành nhiều chương nói tới cách xử lý của ngài với các người duy truyền thống cũng như với phe cấp tiến trong Giáo Hội. Ông cũng nói tới các cố gắng của ngài trong việc khuyến khích người Thệ Phản và những ai đứng bên ngoài đức tin Công Giáo chịu tiếp xúc với Rôma. Ông cho rằng sức lôi cuốn của Đức Phanxicô đối với mọi người trên thế giới hiện nay sẽ lôi kéo nhiều người gia nhập Giáo Hội của Chúa Kitô.
Trái với các ấn tượng công cộng, Đức Phanxicô thường đề cập tới cuộc chiến thiêng liêng trong linh hồn mỗi Kitô hữu như chống lại thói ngồi lê đôi mách, thiên kiến và tự dễ dãi với chính mình. Nhưng cùng một lúc, ngài cũng cho thấy sự quan trọng của việc biểu lộ niềm vui và chia sẻ đức tin của ta với gia đình và bằng hữu cũng như tại nơi làm việc.
Cha McCloskey cho rằng các luận điểm trên đến đúng lúc vì Hoa Kỳ, nước đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới, cũng đang chờ đón tiếp Đức Phanxicô tới thăm. Vì sự sụp đổ của Kitô Giáo đang liên tiếp diễn ra tại đây, các giáo huấn của Đức Phanxicô, nếu được hiểu cho đúng đắn, sẽ đóng một vai trò lớn quyết định số phận Hoa Kỳ. Cuộc bầu cử này tất nhiên sẽ có ảnh hưởng tới việc đề cử các thành viên mới cho Tối Cao Pháp Viện, một định chế hiện đang gây rất nhiều tai họa cho lãnh thổ trước đây vẫn hãnh diện là của Kitô Giáo, mà gần đây, phán quyết hôn nhân đồng tính được kể là tai họa lớn nhất.
Ít nhất, quan điểm của Echeverria cũng là phản cực cho những “thao tác suy tư” kiểu Karl Keating.