Hà Thượng Nhân: Người Được Rửa Tội Bằng Những Vần Thơ

Thánh đường Saint Victor ở San Jose mở đầu tháng tám bằng hồn thơ thánh tẩy. Ngày 1-8-2009, nhà thơ Hà Thượng Nhân lãnh nhận bí tích rửa tội, hoàn tất tâm nguyện Tin Cậy Mến. Trong ba nhân đức, thi nhân bắc nhịp cầu đức mến bằng những vần thơ ngợi ca Tình Yêu. Theo văn hào Pháp Buffon (1707-1788), ‘‘Văn chính là người’’ (Le style c’est l’homme). Câu nói dân gian cho rằng: ‘‘Người làm sao chiêm bao làm vậy’’. Giấc chiêm bao của Hà Thượng Nhân là tơ vàng yêu thương:

Ngoài hiên tạm rũ phong trần,
Để nghe lồng lộng những vần yêu thương.
Ai rằng cái nghiệp văn chương,
Ta rằng Trời đã dễ nhường cho ai.’’


Nhà thơ đảo ngược ba nhân đức. Thay vì Tin Cậy Mến, thi nhân bắt đầu bằng nhịp ba: Mến, Cậy, Tin như câu thơ Thanh Tâm Tuyền:

‘‘Tim còn nhẩy đập
Nhịp ba nhịp ba nhịp ba.’’


Trong Bài ca đức mến (Hymne à l’amour, Hymn to Love), thánh Phaolô thăng hoa nhân đức này như sau: ‘‘Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.’’ (1Cr 13,13)

Ngày xưa Thánh Phaolô được ơn mạc khải trên con đường Damas. Ngày nay, nhà thơ họ Hà được ơn mạc khải, (mạc: màn che; khải: mở) trên quãng đường thơ. Bài Ngợi ca Tình yêu (Hymne à l’amour) của thi nhân như sau:

‘‘Hai ngàn năm đó như tia chớp
Hai ngàn năm trước Chúa ra đời
Chúa chịu đóng đinh trên Thánh Giá
Chúa đổ máu mình để cứu người
Chúa đổ máu mình mong chuộc tội!
Tội vẫn lan tràn khắp mọi nơi
Bao nhiêu dâu bể bao đau khổ
Lời giảng tình yêu vẫn khản hơi
Những nỗi băn khoăn vẫn còn đó
Vẫn đêm mưa lạnh ngày sương gió
Vẫn nắng chang chang, vẫn tử sinh
Vẫn trẻ như trăng vừa mới mọc
Vẫn già vẫn bệnh vẫn điêu linh
Vẫn câu hỏi lớn chưa ai giải
Ta tự đâu về như cỏ dại
Một cơn gió thổi loạn tinh cầu
Hòa bình mọc giữa cơn binh lửa
Binh lửa tàn đâu mọc ở đâu ?
Mọc giữa lòng người đầy oán hận
Mọc trên nấm mộ cỏ xanh sầu ?
Thời gian xoá hết thiêu tàn rụi
Khởi sự coi như mới bắt đầu
Thiên niên kỷ mới bao nhiêu nữa
Ta có một tình yêu
Bao la như trời đất
Ta viết vào trang thơ
Tình yêu ta không mất. ’’


Cách đây 60 năm, vào năm 1949, Edith Piaf viết lời cho ca khúc ‘‘Hymne à l’amour’’, Margueritte Monnot phổ nhạc. Piaf một lòng cậy trông vào Chúa sẽ kết hợp những người yêu nhau phải chia lìa vì âm dương cách biệt:

Si un jour la vie t'arrache à moi
Si tu meurs que tu sois loin de moi
Peu m'importe si tu m'aimes
Car moi je mourrai aussi
Nous aurons pour nous l'éternité
Dans le bleu de toute l'immensité
Dans le ciel plus de problèmes
Mon amour crois-tu qu'on s'aime
Dieu réunit ceux qui s'aiment


Hà Thượng Nhân sinh năm 1920, tên thật là Nguyễn Sĩ Trinh, quê xã/làng Hà Thượng, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Bút hiệu Hoàng Trinh của ông một nửa là tên thật (Trinh). Năm 1945, cụ Phạm Xuân Độ nhận ông làm nghĩa tử, ông đổi tên là Phạm Xuân Ninh. Sau này, ông chọn bút hiệu là Hà Thượng Nhân, có nghĩa là người làng Hà Thượng (xứ Thanh) thuộc huyện Hậu Lộc. Quê hương ông nằm ven biển Đông, có các cửa sông Hoạt, sông Mã, sông Yên và sông Bạng. Xứ Thanh có bãi biển Sầm Sơn. Hoàng Trinh là bạn thơ cùng thời với T.T.KH., Thâm Tâm, Hữu Loan, Quang Dũng, Phùng Quán, Trần Dần, Huy Cận, Xuân Diệu. Trong số các bạn thơ, ông chơi thân với Hữu Loan, tác giả Màu Tím Hoa Sim và Hoàng Cầm, Lá Diêu Bông. Ông xuất thân là giáo chức, giáo sư trường Dũng Lạc cạnh nhà thờ lớn Hà Nội. Vì vậy, ông chọn tên thánh là Phêrô Dũng Lạc để nhớ lại con đường Damas của đời ông.

Ông có nhiều điểm trùng hợp với nhà thơ công giáo Hàn Mặc Tử. Tên thật của ông là Nguyễn Sĩ Trinh, Hàn Mặc Tử: Nguyễn Trọng Trí. Cả hai tên thánh là Phêrô. Hàn Mặc Tử sinh năm Nhâm Tý (1912). Hà Thượng Nhân sinh năm Canh Thân (1920). Cả hai đều là nhà thơ công giáo, một lúc còn son trẻ và một tuổi đã xế chiếu. Hàn Mặc Tử lấy bút hiệu là Tử (Tử: người có công trình văn hóa lưu truyền hậu thế); Hà Thượng Nhân chọn chữ Nhân (Nhân: người):

Hà Thượng Nhân được rửa tội ngày 1-8-2009. Theo khoa thần học thánh tẩy (théologie du baptême), các bậc giáo phụ thường so sánh phép rửa tội với việc vượt qua Hồng hải vào miền đất hứa. Nhờ bí tích rửa tôi, thi nhân bước vào cuộc sống kitô giáo.

Nhà thơ từng trăn trở vể ý nghĩa đích thực của cuộc đời:

Vẫn câu hỏi lớn chưa ai giải
Ta tự đâu về như cỏ dại


Kinh Thánh đã cho lời giải đáp:

‘‘Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa,
Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.’’ (St 1, 27)

Ta không phải là những ‘‘loài ký sinh lang bạt kỳ hồ trong cõi người ta’’ (parasites cosmiques), như thuật từ của Nietzsche. Ta là loài thụ tạo được tạo ra theo thánh ý Chúa (créatures voulues de Dieu), được Thiên Chúa yêu thương từ thuở đời đời:

‘‘Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở,
Nên Ta vẫn dành cho người lòng xót thương.’’ (Gr 31,3)


Sau khi lãnh nhận bí tích rửa tội, thi sĩ Hà Thượng Nhân đã thổ lộ lý do xin được thanh tẩy ‘‘vì đã khám phá ra rằng đạo Công Giáo là đạo làm cho ta được sống lâu, sống mãi và sống lại’’. Nhà thơ thấm nhuần lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Gioan, còn được gọi là Tin Mừng của Tình Yêu: ‘‘Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.’’ (Ga 3,16).

Cứu cánh của đời ta là ơn cứu độ trong đức tin: ‘‘Thưa các ngài, tôi phải làm gì để được cứu độ ?’’ - ‘‘Hãy tin vào Chúa Giêsu, thì ông và cả nhà sẽ được cứu độ.’’ (Cv 17,30-31). ‘‘Thiên Chúa muốn mọi người được ơn cứu độ và nhận biết chân lý’’ (1 Tm 2,4). ‘‘Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu phán: ‘‘Này con cứ yên tâm, con đã đưoc tha tội.’’(Mt 9,2). Một khi được ơn cứu độ, ta ‘‘phụng thờ Chúa với niềm hoan hỷ, vào trước thánh nhan Người giữa tiếng hò reo.’’ (Tv 11,1-2). ‘‘Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của người, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi.’’ ‘‘Ngươi phải yêu người thân cận như chính minh.’’ (Mt 22,37-37).

Ngay trước ngày nhận lãnh phép rửa tội, những vần thơ của thi nhân là một lời đại nguyện:

Hai ngàn năm trước Chúa ra đời
Chúa chịu đóng đinh trên Thánh Giá
Chúa đổ máu mình để cứu người
Chúa đổ máu mình mong chuộc tội!


Và ông tự nguyện dùng ngòi bút để ngợi ca Tình Yêu Thiên Chúa:

Chúng ta đau khi kẻ khác còn đau,
Ta vui sướng trước từng tia nắng nhỏ.


Thi nhân ‘‘đau khi kẻ khác còn đau’’ là đã thuấn nhuần giáo huấn hai ngàn năm trước của thánh Phaolô: ‘‘Vui với người vui, khóc với người khóc. Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn.’’ (Rm 12,15).

Chiếc lá sen chép vần thơ Hà Thượng Nhân còn đọng sương đức mến:

Có mùa xuân phút chốc ngẩn ngơ tình,
Ta thương người như thương cả chính mình


Nhà thơ đã thực hiện trọn vẹn giới răn của Chúa: ‘‘Ngươi phải yêu người thân cận như chính minh.’’ (Mt 22,37-37).

Ông tự nguyện làm ngọn đuốc, ‘‘thắp sáng lửa yêu đời’’:

‘‘Con người không lang sói của con người,
Miễn làm sao thắp sáng lửa yêu đời.’’


‘‘Con người không lang sói của con người’’ là khước từ Homo homini lupus của Plaute. Thay vào đó là lời tung hô (acclamation) đọc trong thánh lễ:

Agnus Dei, qui tollis peccata mundi: miserere nobis

Agnus Dei, qui tollis peccata mundi: miserere nobis
Agnus Dei, qui tollis peccata mundi: dona nobis pacem

Lời tung hô này của thánh Gioan khi ngài thấy Đức Giêsu: ‘‘Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian.’’ (Ga 1,29).

Trong hang toại đạo, con chiên là hình ảnh hy tế của Đức Kitô. Chúa thường vác con chiên trên vai, là biểu tượng của mục tử lành đi tìm chiên lạc bầy. Con chiên với thánh giá và chén thánh (xem hình) là biểu tượng cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Giêsu. Trong hang đá Bêlem, một trẻ chăn chiên đã dâng lên Chúa Hài đồng một con chiên, báo trước cuộc hy tế của Chúa Giêsu. Trong Cựu ước, Abel đã dâng lên Đức Giavê con chiên làm của lễ hy tế.

Trong số 10 ngàn bài thơ, Phêrô Hà Thượng Nhân đã chào cộng đoàn dân Chúa bằng những vần thơ 2000 năm sau Chúa giang sinh:

Chào thiên kỷ mới! Chào năm mới!
Chào những hy vọng thật gần gũi
Con người được những bát cơm ngon
Những manh áo lành được học hỏi
Và xa hơn nữa được tự do
Tha hồ viết lách, tha hồ nói
Chúng ta nhìn nhau đầy yêu thương
Không còn giết nhau như lang sói
Hai chữ Tình Yêu sẽ viết hoa
Lòng bao nhiêu tuổi vẫn không già
Thấy lá Thu vàng rơi trước cửa
Thấy ánh chiều Thu vàng bao la
Rủ nhau họp bạn dăm bẩy kẻ
Nói chuyện thơ văn chuyện nước nhà
Nghe trong câu nói sao đầm ấm
Sao dịu dàng thay sao thiết tha


Để đáp lại, Linh mục Thi sĩ Cung Chi có bài thơ Man mác chúc mừng thi sĩ Phêrô Hà Thượng Nhân như sau:

Man mác

Kính tặng thi sĩ Hà Thượng Nhân nhân dịp thi sĩ nhận làm con Chúa qua Phép Rửa ngày 1-8-2009

Mấy chục năm qua những đợi chờ
Nửa thế kỷ hơn vẫn ước mơ…
Một lời hứa hẹn cùng trời đất !
Bao giờ mới đến, liệu bao giờ ?
Từ thuở đầu xanh tôi đã hay
Đến nay đầu bạc theo tháng ngày…
Mong sao ngày ấy, có ngày ấy
Để trời lẫn đất được vui lây.
Ôi sung sướng mấy ! Khi nghe tin
Vào lúc nhá nhem tuổi đời minh
Có cuộc tái sinh nhờ phép rửa
Người tôi sau trước nhớ như in.
Người ấy: Thi sĩ Hà Thượng Nhân
Đã nên con Chúa trong Thánh Thần
‘‘Đàn Ngang Cung’’ trước, Trời đã chọn
Hồng ân tất cả là hồng ân.
Lộc trọng quyền cao hết thế gian
Vẫn thua hồn mở đón Thiên đàng
Lộc nào trọng hơn lộc ‘‘Bát Phúc’’
Bánh rượu nào hơn Bánh Rượu Thần ?
Dám mong thi hứng kể từ đây
Có phần tin, cậy, mến thương đầy
Ca tụng Tình Yêu ơn cứu độ
Thập hình dấu ấn cao vời thay !
Cám ơn, lạy Chúa, đã cho con
Điều hằng chờ đợi hằng trông mong.
Cám ơn, thi sĩ người Hà Thượng
Tin ấy, tin vui… man mác lòng.
Vinh danh Thiên Chúa chín tầng trời
Bình an dưới thế cho ai người
Thành tâm thiện chí theo chân Chúa
Từ nước ‘‘Giuốc-đăng’’ đến Nước Trời.
Lisieux 15-8-2009
Cung Chi


Linh mục Thi sĩ Cung Chi ‘‘cám ơn Thi sĩ người Hà Thượng’’. Khi chọn bút hiệu, ông mượn thôn làng năm cũ Hà Thượng, thêm vào chữ Nhân để nói rằng thi nhân quê làng Hà Thượng. bút hiện này có thể ngắt chữ là Hà Thượng / Nhân. Sau ngày 1-8-2009, ta có thể ngắt sau chữ Hà: Hà / Thượng Nhân, thay cho lời thăm hỏi: sao nào, (kính chào) con người cao quý: Hà Thượng Nhân.

Paris, ngày 9 tháng 9 năm 2009