Tôi đến Perth đã gần ba tháng, chưa được đi thăm thú nhiều nơi. Hôm nay có người gọi phone rủ: đi viếng Đức Mẹ ở Bullsbrook không? Như đất chờ mưa hạn, tôi hăm hở gật đầu cái rụp, khăn gói lên đường, xem hành hương Đức Mẹ ở xứ Kangaroo có khác với Việt Nam không.

1g trưa, từ Perth chúng tôi đi về hướng bắc, hơn một giờ đồng hồ đến nơi. Nhiệt độ ngoài trời lúc đó rất nóng, 39 độ C, mùa hè ở đất nước chuột túi này nóng khủng khiếp. Tuy thế, tôi đã thấy có nhiều gia đình đến bên đền Mẹ đọc kinh, trong đó có một gia đình Việt Nam. Lân la làm quen với gia đình anh Khanh và chị Thùy này, tôi được biết: anh chị vẫn lên đây thường xuyên để cầu nguyện, dù lái xe đi xa. Không những thế anh chị còn cho hai con đi cùng. Lúc ở đền Đức Mẹ sau khi cùng gia đình anh chị đọc kinh, cậu con trai 7 tuổi hỏi xin Mẹ tiền để bỏ vào thùng thông công. Tôi buột miệng khen cậu bé còn nhỏ mà đã biết sống chia sẻ, nhưng chị Thùy nói, gia đình thường xuyên lên đây và đó là thói quen của bé rồi. Một thói quen tốt lành và thánh thiện ngay từ lúc nhỏ...

Mặc dù trời nóng, nhưng giáo dân đến khá đông. Tôi ngồi ở chỗ không thể quay lên quay xuống ngang dọc để chụp được những tấm hình ưng ý, nhưng tiếng thưa kinh trong lúc cha đặt Mình Thánh Chúa và đọc 50 Kinh Mân Côi trong giờ Chầu thì nhịp nhàng và đông người. Sau nửa tiếng đồng hồ Chầu Thánh Thể, cha tiếp tục dâng lễ lúc 2g 30. Nóng khủng khiếp, nhưng hình như không ai cảm thấy nóng khi ngồi bên Mẹ. Khi chiêm ngưỡng Mẹ khiêm nhường hai tay cầm quyển Kinh Thánh trước ngực cúi xuống nhìn đoàn con cái.

Trên đường hành hương, anh chị Vượng – Hồng, người đưa chúng tôi đi kể rằng: đầu thập niên 80, một số người đến bên hang đá Mẹ cầu nguyện và họ thấy hiện tượng lạ là mặt trời quay và chuỗi mân côi trên tay họ đổi màu, rồi nhiều người khỏi bệnh nhờ uống nước suối bên cạnh nhà thờ. Trước đây có người bị đau chân hay bị tật ở chân gì đó, phải mang nạng suốt đời, nhưng khi đến với Mẹ Bullsbrook, anh được khỏi và anh đã để lại cái nạng để làm chứng... đó chỉ là những lời kể của nhiều người được ơn của Mẹ. Tôi không biết thực hư ra sao, nhưng tôi biết chắc chắn rằng: Mẹ không bao giờ bỏ quên con cái của mình. Mẹ không bao giờ ngoảnh mặt làm ngơ trước những khó khăn của những đứa con ngày ngày luôn đến bên Mẹ để dâng lời tạ ơn qua kinh Kính Mừng... Có lẽ thế mà nhiều người vẫn thường xuyên đến với Mẹ dù đi đường xa. Tôi có hỏi gia đình anh chị Khanh – Thùy. Anh chị đã được ơn gì chưa? Anh trả lời ngay: chúng con cứ xin xỏ, nhưng chưa được gì, tuy vậy con vẫn cứ xin. Chị Thùy nói ngay, vợ con mạnh khỏe rồi còn đòi gì nữa. Lúc đó, cắc cớ tôi hỏi thêm: Vợ đẹp con khôn, nhà cao cửa rộng còn xin Mẹ điều gì nữa. Thì xin Mẹ cái gì mà còn thiếu. Anh Khanh vừa trả lời vừa cười. À thì ra thế, người ta chạy đến với Mẹ không chỉ xin những cái gì là vật chất, là ấm no, mà mình còn nhận ra thiêu thiếu một cái gì đó nữa tận trong sâu thẳm trái tim của mình.

Khi đến bên hang đá nho nhỏ trước ngôi thánh đường, tôi nhìn thấy có rất nhiều tờ giấy được gấp thật nhỏ, nhét trong các kẽ của hang đá. Có những tờ giấy đã vàng ố, những làn gấp đã mục, có những tờ giấy có lẽ khi mở ra sẽ trở thành những vụn nhỏ...có nhưng tò giấy vẫn còn mới nguyên... tất cả được gấp lại, để bên Mẹ như là tâm tình của những người con hiếu thảo nhỏ to tâm sự với Mẹ.

Dù đường xa, dù mệt nhọc, dù nắng nóng gay gắt cũng không làm nản lòng bước chân của con Mẹ. Và tôi nhận ra, bất cứ nơi nào thì con của Mẹ vẫn hướng lòng về Mẹ và Mẹ sẽ không bao giờ làm ngơ trước lời “xin xỏ” tha thiết tự thâm sâu con người của những người con.

Tôi cũng được may mắn tiếp xúc với chị Hương và anh Khiêm là hai người được Mẹ chữa lành. Được nghe chính miệng hai nhân chứng này nói lên tình thương của Mẹ dành cho anh chị qua biến cố bệnh tật của mình. Tôi cũng được gặp gỡ thân nhân của hai anh chị này khi họ đến để tạ ơn Mẹ. Hai gia đình đều chung một chứng từ là Mẹ đã nâng đỡ và can thiệp rất nhiều vào đời sống đức tin của gia đình.

Sr. Maria Nguyễn Thị Minh Du

Dòng ĐaMinh Rosa Lima