Từ ngày 6 tháng 6 tới ngày 9 tháng 6, năm 2012, một hội nghị chuyên đề về giáo hội học hiệp thông đã được tổ chức tại phân khoa thần học của Đại Học Giáo Hoàng Thánh Patrick, Maynooth, Ái Nhĩ Lan, để đánh dấu 50 năm ngày khai mạc Công Đồng Vatican II. Các học giả thuộc nhiều bộ môn (thánh kinh, thần học hệ thống, thần học luân lý, phụng vụ, nghiên cứu mục vụ, truyền giáo học và đại kết học) đã cùng nhau mổ xẻ vấn đề: trạng huống của giáo hội học hiệp thông trong mọi khía cạnh hiện nay ra sao? Hội nghị chuyên đề nhằm tiếp đón các tham dự viên ít nhất cũng đã hoàn tất trình độ cao học về thần học. Khoảng 400 người như thế đã tham dự hội nghị chuyên đề này.

Trong buổi khai mạc, Đức HY Marc Ouellet, chủ tịch Thánh Bộ Giám Mục đã đọc một bài diễn văn theo chủ đề của hội nghị: Giáo Hội Học Hiệp Thông, 50 Năm Sau Vatican II. Sau đây là nội dung bài diễn văn:


Nhập đề

Chân Phúc Gioan XXIII đặt ra hai mục tiêu chính cho Công Đồng Vatican II: cập nhật hóa việc trình bày giáo thuyết của Giáo Hội, và phát huy sự hợp nhất các Kitô hữu (1). Hai mục tiêu này nhằm đổi mới mối liên hệ của Giáo Hội với thế giới hiện đại và nhờ thế làm sống lại sứ mệnh phổ quát của mình.

Để đạt được hai mục tiêu trên, các nghị phụ của Công Đồng đã suy tư thấu đáo về giáo hội học, với hy vọng xác định được tốt hơn bản chất sâu xa của Giáo Hội, cơ cấu chủ yếu của Giáo Hội, và ý nghĩa của sứ mệnh Giáo Hội trong một thế giới càng ngày càng muốn thoát ly khỏi ảnh hưởng và truyền thống của Giáo Hội. Giáo hội học hiệp thông chính là thành quả của cuộc suy tư này, một thành quả được chín mùi qua việc từ từ tiếp nhận các bản văn của Công Đồng, với khá nhiều dị biệt đáng lưu ý. Các dị biệt này đem tới nhiều lối giải thích thần học hay mục vụ khác nhau, lối nhấn mạnh tới liên tục tính, lối nhấn mạnh tới gián đoạn tính đối với Thánh Truyền. Chính vì thế, người ta cần một hướng dẫn của huấn quyền về xu hướng giải thích. Do đó, năm 1985, Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới đã chính thức đưa ra phán quyết: “Giáo hội học hiệp thông là ý niệm trung tâm và nền tảng của mọi văn kiện Công Đồng” (2).

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã đóng góp lớn lao vào các suy tư trên. Ngài nhấn mạnh “Tại sao từ trước đến nay, việc thực thi Công Đồng tại nhiều nơi trong Giáo Hội lại khó khăn đến thế? Chẳng qua, điều đó tùy ở việc giải thích Công Đồng cách đúng đắn, hay nói theo kiểu nói ngày nay, tùy ở khoa giải thích nó một cách thích đáng, một khoa vốn là chìa khóa chính xác cho việc giải thích và áp dụng nó” (3). Muốn biết những điểm chủ yếu trong giáo hội học hiệp thông và lối giải thích nó, ta chỉ cần xem sét cuộc canh tân phụng vụ, tính hiệp đoàn giám mục, tính công đồng và tính đại kết.

Tuy nhiên, nền giáo hội học trên phong phú và hứa hẹn hơn một số cuộc tranh luận từng nói về nó. Trong khuôn khổ cuộc hội nghị chuyên đề này, thiển nghĩ nên sơ lược duyệt lại nền giáo hội học hiệp thông kể từ Công Đồng cho đến nay, sau đó là một số định mức để khai triển thêm nhằm kết thúc với ý nghĩa hoàn cầu của nền giáo hội học này đối với sứ mệnh của Giáo Hội trong thiên niên kỷ thứ ba.

I. Sơ lược duyệt lại nền giáo hội học hiệp thông từ Công Đồng Vatican II

A. Sự ra đời của nền giáo hội học hiệp thông

Năm 1982, Đức Hồng Y Ratzinger đã từng nói rằng “Xin đơn cử một số thành quả thần học quan trọng hơn: Công Đồng đã lồng giáo thuyết về quyền tối thượng, đang có nguy cơ trở thành cô lập, trở lại với Giáo Hội như một toàn bộ; nó tích nhập quan niệm quá tách biệt về phẩm trật vào mầu nhiệm duy nhất về Nhiệm Thể Chúa Kitô; nó phục hồi nền Thánh Mẫu Học quá tách biệt vào sự hợp nhất có trật tự của đức tin; nó đem lại cho lời Thánh Kinh giá trị đầy đủ của nó; nó làm cho phụng vụ một lần nữa trở thành linh động dễ hiểu hơn; ngoài ra, nó còn thực hiện một bước tiến đầy can đảm hướng tới việc hợp nhất các Kitô hữu” (4).

Tất cả các thành quả ấy, dù chưa được kể ra hết, đã minh hoạ việc ra đời của “nền giáo hội học hiệp thông” trước khi thuật ngữ này xuất hiện. Năm 1985, Thượng Hội Đồng đặc biệt đã xác nhận nền giáo hội học ấy như xu hướng nền tảng của Công Đồng.

1. Dân Chúa

Thoạt nhìn, nền giáo hội học hiệp thông khiến ta nghĩ tới chiều kích xã hội học của Giáo Hội, với các cơ cấu tham dự của nó dựa trên chức linh mục chung của mọi tín hữu và trên các đặc sủng mà Chúa Thánh Thần vốn thông ban để Giáo Hội có thể hoàn thành sứ mệnh phổ quát của mình. Chương hai Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân (Lumen Gentium) nhắc đến chiều kích này qua thuật ngữ “Dân Chúa”.

Ta nghĩ tới các hội đồng mục vụ cấp giáo xứ, các hội đồng linh mục và hội đồng mục vụ cấp giáo phận, và sau cùng các hội đồng giám mục như các cơ cấu thường trực có đại diện tại Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới. Các cơ cấu tham dự đa dạng trong Dân Chúa này cho thấy rõ nguyên tắc căn bản của Kitô Giáo sau đây: “Người ta không có cách nào khác để trở thành Kitô hữu ngoài ở trong cộng đoàn mọi anh chị em của Chúa Giêsu Kitô” (5).

Một cách cụ thể, ta sẽ gặp nền giáo hội học hiệp thông trong các cơ cấu mới mẻ này, là các cơ cấu nhằm thực thi xu hướng của Công Đồng. Nhưng chiều kích hữu hình, chức năng và tham dự này của Giáo Hội không phải là tất cả, và cũng chẳng phải là chiều kích chủ yếu của nền giáo hội học hiệp thông. Người ta có thể tìm thấy khởi điểm của nền giáo hội học này trong đoạn đầu của Hiến Chế Lumen Gentium: “Trong Chúa Kitô, Giáo Hội như một bí tích hay như một dấu hiệu và một dụng cụ của sự kết hợp hết sức chặt chẽ với Thiên Chúa và của sự hợp nhất toàn thể nhân loại” (LM 1). Khởi điểm bí tích này sẽ đánh dấu toàn bộ việc khai triển của nền giáo hội học hiệp thông. Ta đừng nên quên rằng: để định nghĩa bản chất và sứ mệnh của Giáo Hội, chương đầu tiên của Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, đã nói trước nhất và đầu hết tới “mầu nhiệm” của Giáo Hội và do đó, tới chiều kích thần linh của nó, là chiều kích vốn phát sinh từ sứ mệnh của Chúa Con và của Chúa Thánh Thần trong lịch sử: “Chúa Thánh Thần ngự trong Giáo Hội và trong tâm hồn các tín hữu, như ngự trong một đền thờ (xem 1Cor 3:16; 6:9)… Người vừa trang bị và điều hướng bằng các nguồn ơn có phẩm trật và đầy tính đặc sủng, vừa trang trí bằng các hoa trái phong phú (xem Eph. 4:11-12; 1Cor 12:4; Gl 5:22)… Như thế, Giáo hội vốn được coi như “một dân tộc trở nên một với sự nên một của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (LG 4).

Cái nhìn có tính Ba Ngôi này về mầu nhiệm Giáo Hội không có chi mới lạ cả. Nó vốn thuộc truyền thống vĩ đại, nhưng trong thời hiện đại, nó bị cách tiếp cận giáo hội học nặng tính pháp chế, tức cách tiếp cận coi Giáo Hội như một xã hội hoàn hảo (societas perfecta) phủ mờ. Tại Vatican II, nó được phục hồi dựa trên ý niệm mở rộng về “bí tích”, áp dụng vào Giáo Hội như một toàn bộ (6). Trực giác mạnh bạo này mời gọi ta biết nhìn các thực tại hữu hình của Giáo Hội như được tắm gội trong thực tại vô hình của hiệp thông Ba Ngôi. Ta sẽ trở lại điểm này một lần nữa.

2. Nền tảng bí tích

Trong một ít đoạn dựa vào linh hứng của Sách Thánh, Công Đồng đã làm nổi bật nền tảng bí tích của nền giáo hội học hiệp thông: phép rửa và phép Thánh Thể, là hai bí tích vốn sáp nhập ta vào Chúa Kitô: Nhờ phép Rửa, ta được tạo hình giống Chúa Kitô, “Vì trong cùng một Chúa Thánh Thần, tất cả chúng ta đều được thanh tẩy thành một thân thể duy nhất” (1Cor 12:13). Bằng cách thực sự dự phần vào thân thể Chúa Kitô khi bẻ bánh Thánh Thể, ta được hiệp thông với Người và với nhau. “Vì bánh chỉ là một, nên tuy nhiều, tất cả chúng ta, những người cùng chia sẻ một bánh, chỉ là một thân thể” (1Cor 10:17). Bằng cách đó, tất cả chúng ta trở nên chi thể trong Thân Thể Người, “còn ai tùy phận nấy mà thành chi thể cho nhau” (Rm 12:5) (LG 7).

Các học giả hiện đại khi chú giải 1Cor 10:16-17 đã làm nổi bật chiều hướng giáo hội của hiệp thông Thánh Thể (7). Theo Thánh Phaolô, hiệp thông thân mình Chúa Kitô trong Thánh Thể là xây dựng Giáo Hội như Thân Thể Người. Cử hành Thánh Thể hiện tại hóa mầu nhiệm Giao Ước, tức việc Chúa Kitô trao ban trọn thân thể Người cho Giáo Hội, hiền thê của Người, để thánh hóa và dưỡng nuôi Giáo Hội (Eph 5:27) và liên kết Giáo Hội vào sự phong phú của Người, để cứu rỗi thế gian (xem LG 7). Chiều hướng giáo hội này của Thánh Thể khởi đầu hết sức mạnh mẽ. Chẳng may, bước qua thiên niên kỷ thứ hai, nó rơi vào tình trạng duy cá nhân do ảnh hưởng của nền thần học mang nhiều tính biện chứng hơn, một nền thần học đã đánh mất ý nghĩa biểu tượng sâu sắc của các Giáo Phụ.

Henri de Lubac đã lần giở lại lịch sử biến đổi của nghĩa ngữ học từng đánh dấu diễn biến của nền thần học Thánh Thể và mối tương quan của nó với Giáo Hội. Thoạt đầu, corpus mysticum được dùng để chỉ thân xác Thánh Thể của Chúa Kitô trong tương quan gần gũi nhất với thân xác Giáo Hội được liên kết với Người. Qua thời Trung Cổ, lạc giáo Bérenger thúc đầy người ta tái khẳng định sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể; thuật ngữ corpus verum đã thế chỗ cho corpus mysticum, và thuật ngữ sau bị đẩy xuống hàng hiện diện thiêng liêng. Rồi nó được sử dụng để chỉ ý nghĩa hoàn toàn thiêng liêng của thân xác Giáo Hội, một thân xác đã mất hết nền tảng của ý niệm bí tích đầy duy thực và cụ thể.

Điều xẩy ra sau đó là sợi dây liên kết giữa Thánh Thể và Giáo Hội đã trở thành yếu ớt. Một lòng sùng kính Thánh Thể có tính duy cá nhân hơn đã được khai triển. Lòng sùng kính này chú tâm vào sự hiện diện thực sự, dù Thánh Tôma Aquinô chủ trương rằng “thực tại của bí tích [Thánh Thể] chính là sự hợp nhất của nhiệm thể” (8).

3. Giáo hội học Thánh Thể

Điều quan trọng cần nhấn mạnh ở đây là nền giáo hội học hiệp thông được Công Đồng cổ vũ đã lấy hứng từ nền giáo hội học Thánh Thể của người Chính Thống, nhất là của Afanassief, người được trưng dẫn trong bản văn. Như thế, nền giáo hội học của Công Đồng có một tầm ý nghĩa đại kết lớn lao. Bài phát biểu của Đức Cha John Zizioulas, TGM Pergamon, tại Thượng Hội Đồng giám mục thế giới ở Rôma năm 2005 về Phép Thánh Thể, đã chứng minh điều đó: “Nền giáo hội học hiệp thông do Vatican II cổ vũ và được nhiều thần học gia lỗi lạc Công Giáo thâm hậu hóa thêm sẽ chỉ có ý nghĩa nếu nó được dẫn khởi từ đời sống Thánh Thể của Giáo Hội. Thánh Thể không hẳn thuộc phạm vi beneesse (phúc thể) mà là phạm vi esse (hữu thể) của Giáo Hội. Trọn sự sống, ngôn từ và cơ cấu của Giáo Hội đều có tính Thánh Thể ngay trong yếu tính của nó” (9). Đức Hồng Y Walter Kasper hoàn toàn đồng ý và cho rằng “nền giáo hội học Thánh Thể đã trở thành một trong các nền móng quan trọng nhất của cuộc đối thoại đại kết giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống” (10).

B. Các giai đoạn phát triển của nền giáo hội học hiệp thông

1. Giáo hội tại gia

Song song với các nền móng do Công Đồng đặt ra cho nền giáo hội học Thánh Thể, ta có thể thêm chiều kích giáo hội tại gia nữa (ecclesia domestica). Chiều kích này có ý nói tới gia đình được xây dựng trên bí tích hôn nhân. Gia đình có “sứ mệnh làm tế bào đầu tiên và sinh tử của xã hội… Nó sẽ chu toàn được sứ mệnh này nếu chịu tỏ ra là cung thánh tại gia của Giáo Hội nhờ tình âu yếm hỗ tương của các phần tử và lời cầu nguyện họ cùng dâng lên Thiên Chúa, nếu cả gia đình cùng tự biến mình thành thành phần của sinh hoạt thờ phượng theo phụng vụ của Giáo Hội” (Apostolicam Actuositatem 11; cũng nên xem LG 11). Giáo hội tại gia này dựa trên “giao ước vợ chồng” được ký kết trong Chúa Kitô qua hôn nhân là định chế thiết lập ra “sự chia sẻ thân mật đời sống và tình yêu vợ chồng” (Gaudium et Spes 48§1).

Ý niệm giáo hội tại gia một lần nữa đã được tiếp nhận một cách có hệ thống trong tông huấn hậu thượng hội đồng Familiaris Consortio, một tông huấn cung cấp cho ta rất nhiều tư liệu dưới sự thúc đẩy của Đức Gioan Phaolô II, vị giáo hoàng của gia đình (11). Nếu đúng là bí tích rửa tội và bí tích Thánh Thể tạo nên Giáo Hội, nhiệm thể Chúa Kitô, thì bí tích hôn nhân đã đem tư cách giáo hội lại cho cuộc kết hợp phu phụ giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Tư cách ấy được thừa nhận qua việc áp dụng thuật ngữ ecclesia domestica cho gia đình Kitô hữu. Vào chính lúc có cuộc khủng hoảng vô tiền khóang hậu về nhân học do việc người ta đánh mất cảm thức về hôn nhân và gia đình, Giáo Hội có thể và buộc phải cậy nhờ vào tài nguyên gia đình vốn xây dựng trên bí tích hôn nhân mới đương đầu được với các thách thức của các xã hội duy tục. Tiềm năng phúc âm hóa của thực tại bí tích này vẫn còn cần được khám phá và phát huy, ngõ hầu các cố gắng tân phúc âm hóa của Giáo Hội có thể trở thành thực tại (12).

2. Giáo Hội từ Thánh Thể

Việc công bố thông điệp Ecclesia de Eucharistia (Giáo Hội từ Thánh Thể) vào năm 2003 là một bước khai triển quan trọng đối với nền giáo hội học hiệp thông. Thông điệp của Đức Gioan Phaolô II trám khoảng trống do Công Đồng để lại. Công Đồng quả có tuyên dương sự ưu việt của Thánh Thể trong đời sống Giáo Hội, nhưng lại không xác định một cách có hệ thống mối tương quan của nó với Giáo Hội (13). Mối tương quan ấy nay được xác định theo nghĩa tương thuộc, trong đó, Giáo Hội tiếp nhận Thánh Thể như “hồng ân ưu hạng” (EE 11), một hồng ân tiền giả thiết có sự sáp nhập vào Chúa Kitô nhờ phép rửa nhưng nó cũng “tăng cường” sự sáp nhập này, vì nó là “sức mạnh hợp nhất của Nhiệm Thể Chúa Kitô” (EE 24). Chủ đề được lặp đi lặp lại của thông điệp này là Giáo Hội sống nhờ Thánh Thể. Nếu phải nói thêm rằng Giáo Hội “làm nên” Thánh Thể, thì Giáo Hội chỉ làm được như thế dựa vào một nguyên nhân sâu xa hơn là chính Thánh Thể; chính Thánh Thể “làm nên” Giáo Hội (14). Làm sống lại quan điểm có tính Thánh Kinh và Giáo Phụ như trên, thông điệp đã thâm hậu hóa chiều kích tông truyền và rút tỉa được nhiều điều quí giá từ biểu tượng hôn nhân của chiều kích này. Thông điệp làm điều đó trong ngữ cảnh một giáo hội học có tính Ba Ngôi và Thánh Mẫu, một giáo hội học vốn mở cho ta con đường bước vào một thế quân bình mới giữa ý thức và thực hành về Giáo Hội.

Ecclesia de Eucharistia cổ vũ các thái độ tâm linh và thực tiễn giúp ta sống sự tùy thuộc đầy hồng phúc của Giáo Hội vào Thánh Thể một cách sâu đậm hơn: “Thánh Thể… vừa là nguồn suối vừa là chóp đỉnh của mọi việc phúc âm hóa, vì mục tiêu của nó là hiệp thông nhân loại với Chúa Kitô và với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần trong Người” (EE 22) (15). Thực vậy, khi được nuôi dưỡng bằng bí tích Thánh Thể, việc hiệp thông của giáo hội sẽ bao gồm trong chiều kích vô hình của nó “sự hiệp thông với Chúa Cha bằng cách đồng hóa với Chúa Con duy nhất của Người nhờ việc làm của Chúa Thánh Thần” (EE 34). Còn trong chiều kích hữu hình, nó cũng nội hàm “sự hiệp thông trong giáo huấn Tông Đồ, trong bí tích và trong phẩm trật của Giáo Hội” (EE 35). Sự can thiệp này của huấn quyền đã củng cố một cách đáng kể nền giáo hội học hiệp thông và phục hồi cam kết của Công Đồng đối với chính nghĩa đại kết bằng cách nhấn mạnh tới chứng tá của nhiều người Công Giáo trong lãnh vực này.

Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2005 về Thánh Thể đã rút tỉa được nhiều hệ quả đại kết từ mối liên hệ nền tảng giữa Thánh Thể và Giáo Hội. Chính tiêu đề của tông huấn hậu thượng hội đồng Sacramentum Caritatis (Bí Tích Tình Yêu) cũng đã chứa đựng cả một chương trình toàn bộ nhằm thể hiện căn tính của Giáo Hội trong tư cách Nhiệm Thể và Nàng Dâu của Chúa Kitô, cũng như phạm vi phổ quát của sứ mệnh Giáo Hội trong tư cách bí tích tình yêu. Dưới ánh sáng này, tông huấn đã đưa ra một minh xác quan trọng liên hệ tới mối tương quan giữa Giáo Hội phổ quát và các giáo hội đặc thù:

“Sự hợp nhất trong hiệp thông giáo hội được biểu lộ cách cụ thể nơi các cộng đồng Kitô Giáo và được canh tân trong lúc cử hành Thánh Thể, là cử hành vừa kết hợp vừa dị biệt hóa họ trong các giáo hội đặc thù, “trong đó và từ đó Giáo Hội Công Giáo duy nhất và độc nhất hiện hữu” (in quibus et ex quibus una et unica Ecclesia Catholica existit). Chính sự kiện một Thánh Thể duy nhất được cử hành tại mỗi giáo phận quanh vị giám mục của họ đã giúp ta thấy các giáo hội đặc thù này hiện tồn ra sao trong và nhờ Giáo Hội (phổ quát) (SC 15).

Thực vậy, tính duy nhất của Thân Xác Thánh Thể Chúa Kitô nội hàm tính duy nhất của Nhiệm Thể Người, tức Giáo Hội duy nhất và bất khả phân chia. Nguyên tắc đơn nhất này dẫn ta tới sự cởi mở của từng cộng đồng và của mọi giáo hội đặc thù đối với mọi giáo hội khác đang cử hành Thánh Thể trong Chúa. Tông huấn Sacramentum Caritatis viết thêm: “Thành thử, khi cử hành Thánh Thể, mỗi phần tử tín hữu thấy mình hiện diện trong Giáo Hội của mình, nghĩa là, trong Giáo Hội Chúa Kitô” (SC 15). Chủ trương này có ý nghĩa đại kết rất cao, vì nó nhìn nhận cả sự gần gũi của các Giáo Hội Chính Thống lẫn cơ sở để đối thoại với các cộng đồng giáo hội do Phong Trào Cải Cách phát sinh ra.

Cái thoáng nhìn nền giáo hội học hiệp thông trong 50 năm qua như trên chỉ có tính chấm phá. Tuy nhiên, nó cũng đã cho ta cảm giác là xu hướng nền tảng của Công Đồng Vatican II quả đã đạt được nhiều thành quả. Với Đức Bênêđíctô XVI, ta có thể quả quyết một cách rõ ràng rằng Công Đồng Vatican II và việc khai triền nền giáo hội học của nó quả là công trình đầy quan phòng của Chúa Thánh Thần trong thời đại ta. Nếu đúng là ta có thể phê phán một số các khai triển hậu công đồng từng để lại nhiều dấu ấn tiêu cực trên phụng vụ, trên gia đình, trên ơn kêu gọi, trên đời sống thánh hiến, thì ta phải thừa nhận rằng việc xuất hiện nền giáo hội học hiệp thông đã đem lại nhiều hoa trái phong phú trong các lãnh vực hiệp đoàn giám mục, tính hội đồng (sodality), việc tông đồ giáo dân, các phong trào đặc sủng và giáo hội, phong trao đại kết, và cuộc đối thoại của Giáo Hội với thế giới hiện đại.

Hiển nhiên, cuộc thảo luận thần học cần được tiếp diễn ngõ hầu minh giải được cách sâu xa hơn nền giáo hội học hiệp thông này. Ở đây, thiển nghĩ, ta nên xét đến ba chủ đề đáng lưu ý sau đây: mối liên hệ giữa Giáo Hội phổ quát và các giáo hội đặc thù, nền thần học khai tâm Kitô Giáo, và việc lồng nhập các hình thức sùng kính Thánh Thể hiện đại vào nền giáo hội học hiệp thông.

C. Các cuộc thảo luận thần học cần theo đuổi

1. Giáo Hội phổ quát và giáo hội đặc thù

Một vấn đề có tầm quan trọng lớn đối với cả phong trào đại kết lẫn việc truyền giáo là cung cách ta quan niệm mối tương quan giữa Giáo Hội phổ quát và các giáo hội đặc thù. Vấn đề này chiếm một chỗ đứng khá quan trọng tại Công Đồng Vatican II. Nó thoát thai từ cuộc thảo luận quanh tính bí tích của hàng giám mục, trong đó, mối tương quan giữa tính tối thượng Phêrô và tính hiệp đoàn giám mục đã được minh xác. Trong ngữ cảnh này, Công Đồng quả quyết một cách rõ ràng rằng “Thực vậy, do nhiệm vụ của mình, là Ðại Diện Chúa Kitô và Chủ Chăn của toàn thể Giáo Hội, Ðức Giáo Hoàng Roma có một quyền bính trọn vẹn, tối cao, phổ quát trên Giáo Hội, và bao giờ Ngài cũng được tự do thi hành quyền bính ấy” (LG 22). Theo một số vị, quyền bính của giám mục đoàn được biểu lộ một cách hạn chế hơn; điều này có nghĩa: các giáo hội đặc thù, các hội đồng giám mục cũng như các công đồng (miền) ít có sáng kiến hơn.

Việc phát triển nhanh chóng của nền giáo hội học hiệp thông đã làm sống dậy cuộc thảo luận trên và hiện đang xoay quanh các vấn đề như bản chất sâu xa của Giáo Hội, sự hợp nhất trong đa dạng của Giáo Hội, sự hiện diện của Giáo Hội phổ quát tại các giáo hội đặc thù, và ý nghĩa cụ thể của tính hiệp đoàn giám mục. Để chống lại lối giải thích duy tương đối nền giáo hội học hiệp thông, Thánh Bộ GLĐT đã cho công bố Lá Thư Gửi Các Giám Mục của Giáo Hội Công Giáo về Một Số Khía Cạnh của Giáo Hội Hiểu Như Một Hiệp Thông (28 Tháng 5 Năm 1992). Lá Thư này đã phát sinh ra một số phê phán, trong đó có phê phán của Đức HY Walter Kasper. Ngài sợ rằng một quan điểm về Giáo Hội như thế có thể “trở thành tranh cãi hoàn toàn nếu Giáo Hội duy nhất, phổ quát được mặc nhiên đồng hóa với Giáo Hội Rôma, thực tế được đồng hóa với Đức Giáo Hoàng và Giáo Triều”. Theo Đức HY Kasper, điều ấy có thể không phải là một “trợ cụ để minh giải nền giáo hội học hiệp thông”, nhưng đúng hơn, là “phá bỏ nó, một thứ mưu toan nhằm phục hồi chính sách trung ương tập quyền của Rôma” (16).

Lời phê phán mạnh mẽ ấy khiến Đức HY Joseph Ratzinger phải lên tiếng. Đức HY Ratzinger bênh vực tính tối thượng hữu thể của Giáo Hội phổ quát đối với các giáo hội đặc thù, ngược với lối giải thích duy nghiệm của Đức HY Kasper, là người quả quyết tính liên thuộc của chúng. Một khi hiểu lầm được đánh tan, thì các dị biệt giữa hai tác giả này chỉ còn rất ít. Tuy nhiên, cuộc tranh luận đã có ích trong việc quân bình hóa nền giáo hội học Thánh Thể, vốn chịu ảnh hưởng của Chính Thống, với nền giáo hội học phép rửa, vốn có tính căn bản hơn của Thệ Phản. Cuộc tranh luận này cũng giúp ta hiểu tốt hơn bản chất sâu xa của Giáo Hội như một chủ thể độc nhất “tồn hữu” (subsists, LG 8) trong Giáo Hội Công Giáo. Nói một cách cụ thể, chủ thể ấy tồn hữu tại mỗi cộng đoàn địa phương do một vị giám mục hiệp thông với hiệp đoàn các vị thừa kế tông đồ và thủ lãnh của các vị, là đấng thừa kế Phêrô, cai quản. Ta không thể khẳng định sự tồn hữu này nơi các giáo hội và cộng đồng giáo hội khác, nhưng ta được phép nhìn nhận các yếu tố tạo nên tính giáo hội trong các giáo hội và cộng đồng giáo hội ấy.

Giáo Hội độc nhất, phổ quát thực ra luôn đồng thời có một thực tại địa phương, nhập thể nơi những con người cụ thể… Do đó, trên bình diện đại kết, Đức Gioan Phaoloô II đã lên tiếng mời gọi các giáo hội và cộng đồng giáo hội khác cho ngài biết phải thực thi thừa tác vụ Phêrô ra sao để đáp ứng tốt hơn các hoài mong của họ (xem Ut Unum Sint, 95-96). Lời mời gọi đối thoại này khá quan trọng vì nó giả thiết một sự sẵn sàng muốn thích ứng việc thực thi tính tối thượng và tính hiệp đoàn theo các điều kiện mới của tình hiệp thông giáo hội cả đối nội lẫn đối ngoại (ad intra & ad extra).

Một phạm vi mềm dẻo khá lớn hiện đang khả hữu trong một số lãnh vực như phụng vụ, hàng giáo sĩ, tính công nghị, việc cử nhiệm và quản trị các vị giám mục v.v… nhưng tính thống nhất trong việc giảng dạy các vấn đề đức tin và luân lý thì đòi phải có một thẩm quyền tín lý để đưa ra các quyết định sau cùng, thẩm quyền này theo truyền thống vẫn là của Đức Giáo Hoàng.

Như thế, giữa Giáo Hội phổ quát và các giáo hội đặc thù không hề có chống đối nhưng đúng hơn là một nội tại tính hỗ tương vốn bắt nguồn từ tính tối thượng của Chúa Kitô đối với Giáo Hội. Không có một giáo hội đặc thù nào mà lại không trước hết và luôn luôn là Giáo Hội phổ quát đang chào đón con cái Thiên Chúa, những kẻ được Chúa Kitô ban cho Giáo Hội qua đức tin và các bí tích cử hành tại một nơi nhất định.

Giáo hội đặc thù được đánh giá đúng mức nếu ta chịu coi nó như một “phần chia ra” (a portion) của Giáo Hội phổ quát, chứ không hẳn một phần hay một miền địa dư. “Phần chia ra” có nghĩa là: Giáo Hội phổ quát hiện diện trong phần ấy và là nền tảng cho việc nó hiệp thông với các phần chia ra khác. Với nhau, chúng tạo ra một Giáo Hội đơn nhất. Sự hiện diện của Giáo Hội duy nhất trong mỗi phần được chia ra ấy hàm nghĩa mối tương quan hiệp thông giữa các giám mục. Đối với mỗi vị giám mục, điều này có nghĩa: các vị có thẩm quyền giám mục trọn vẹn trên phần được trao ban cho mình chăn dắt, và các vị phải bảo đảm sự hiệp thông của phần này đối với Giáo Hội phổ quát. Đức Giáo Hoàng mang nặng “nỗi lo âu đối với mọi giáo hội” (2Cor 11:28) trong tư cách Mục Tử Giáo Hội phổ quát, nhưng ngài chu toàn thừa tác vụ này trong tư cách người bảo vệ sự hợp nhất. Điều này muốn nói: ngài không thay thế thẩm quyền của các giám mục địa phương, nhưng củng cố thẩm quyền này từ bên trong. Trong tư cách giám mục Rôma, đấng chủ trì hiệp đoàn giám mục, mà chính ngài đứng đầu, ngài có thẩm quyền phổ quát trên mọi mục tử và tín hữu. Vai trò của ngài là canh chừng sự hợp nhất của toàn thể Giáo Hội, trước nhất bằng cách chăm sóc sự hiệp thông của các giám mục đối với ngài và sự hiệp thông giữa các vị với nhau. Về phần mình, các giám mục không phải là các đại diện (vicars) của Đức Giáo Hoàng. Vì cả các ngài cũng là các đại diện của Chúa Kitô, nhưng tùy thuộc vào người đứng đầu hiệp đoàn trong bất cứ điều gì liên quan tới tính hợp nhất về tín lý và luân lý của Giáo Hội phổ quát.

Nói tóm lại, mối tương quan giữa Giáo Hội phổ quát và các giáo hội đặc thù giả thiết phải có một nền giáo hội học Thánh Thể đặt căn bản trên nền giáo hội học rửa tội trước đó. Mối tương quan này hàm nghĩa sự hiệp thông giữa các giám mục với nhau và với đấng thừa kế Thánh Phêrô, một sự hiệp thông biết tôn trọng quyền tối thượng của Phêrô và tính hiệp đoàn giám mục. Kể từ Vatican II đến nay, nhiều tiến bộ đã thực hiện được, nhưng trên các bình diện thần học và thực tiễn, ta vẫn còn phải suy tư nhiều hơn nữa để biến việc hiệp thông giáo hội cũng như hiệp thông giám mục luôn trung thành hơn nữa với ơn gọi bí tích của Giáo Hội.
(Còn 1 kỳ)

Ghi chú
(1) Đức Gioan XXIII, diễn văn dịp long trong khai mạc Công Đồng Rất Thánh, 11 Tháng 10, 1962.
(2) Phúc Trình Cuối Cùng của Thượng Hội Đồng Đặc Biệt, Giáo Hội, Dùng Lời Chúa, Cử Hành Các Mầu Nhiệm Chúa Kitô Để Cứu Rỗi Thế Gian, 1985, II, C., 1. Xem thêm Rino Fisichella (ed.), Il Concilio Vaticano II: Recezione e attualità alla luce del Giubileo, (Milan: San Paolo, 2000); René Latourelle (chủ biên), Vatican II. Bilanet perspectives, vingt-cinqans après (1962-1987), (Montréal/Paris: Bellarmin/Cerf, 1988) [Vatican II: Assessment and Perspectives 25 Years Later (New York, Paulist Press, 1988-89)].
(3) Đức Bênêđíctô XVI, Diễn Văn đọc tại Giáo Triều Rôma dịp chúc mừng Giáng Sinh, 22 Tháng 12, 2005.
(4) Joseph Ratzinger, “Duyệt Lại Thời Kỳ Hậu Công Đồng: Các Thất Bại, Các Trách Vụ, Các Hy Vọng” Principles of Catholic Theology: Building Stones for a Fundamental Theology (San Francisco: Ignatius Press, 1987), 370.
(5) Vừa dẫn, 375.
(6) Semmelroth, O. Die Kircheals Ursakrament, Knecht, Frankfurt a.M.1955, 1963; Die Kircheals Sakrament des Heils. Trong Mysterium Salutis.Grundrissheilsgeschichtlicher Dogmatic, 4/1, pp. 309-356.
(7) Xem Xavier Léon-Dufour, “Nhiệm Thể Chúa Kitô và Thánh Thể Theo Thánh Phaolô” trong Le corps et le corps du Christ dans la première Épître aux Corinthiens (Congrès de l'ACFEB, Tarbes,1981) (Paris: Cerf, 1983), 225-55; Hervé Legrand, “Hiệp thông Thánh Thể và hiệp thông giáo hội. Đọc lại thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô”, Centro Pro Unione Bulletin 67 (Spring 2005), 21-32.
(8) Summa Theologica, III, 73, 3.
(9) John Zizioulas, tham luận tại Thượng Hội Đồng Giám Mục Tại Rôma, 11 Tháng 10, 2005, do Walter Kasper trích dẫn “Giáo Hội Học Thánh Thể: Từ Vatican II tới Tông Huấn Sacramentum Caritatis,” trong L’Eucharistie, don de Dieu pour la vie du monde. Actes du Symposium international de théologie (Ottawa: CECC, 2009), 196.
(10) Walter Kasper, đã dẫn, 198.
(11) Đức Gioan Phalô II, tông huấn Familiaris Consortio: The Role of the Christian Family in the Modern World (1981); tông thư Mulieris Dignitatem: On the Dignity and Vocation of Women (1988); Thư Gửi Các Gia Đình (1994).
(12) Xem Marc Ouellet, Mistero e Sacramento dell’amore. Teologia del matrimonio e della Famiglia per la nuova evangelizzazione (Siena, Cantagalli, 2007).
(13) Xem Giuseppe Colombo, Teologia sacramentaria (Milan: Glossa, 1997), 320-38.
(14) Sacramentum Caritatis đưa ra một minh giải bổ túc như sau : “Trong hành động qua lại hết sức kỳ diệu giữa Thánh Thể, tức chủ thể xây dựng nên Giáo Hội, và chính Giáo Hội, tức chủ thể “làm nên” Thánh Thể, nguyên nhân tính đệ nhất đẳng được phát biểu bằng công thức thứ nhất sau đây: sở dĩ Giáo Hội có khả năng cử hành và thờ lạy mầu nhiệm Chúa Kitô ngự trong Thánh Thể là vì chính Chúa Kitô đã hiến mình cho Giáo Hội trong hy lễ Thập Giá. Khả năng “tạo nên” Thánh Thể của Giáo Hội hoàn toàn có nguồn gốc trong việc Chúa Kitô tự hiến mình cho Giáo Hội” (SC 14; Xem Đức Gioan Phaolô II, Redemptor Hominis 20; Dominicae Cenae 4).
(15) Xem Marc Ouellet, “Ecclesia de Eucharistia,” Hội Nghị Thánh Thể Quốc Tế tại Guadalajara, 6 Tháng 10, 2004, tr.13. (www.eglisecatholiquedequebec.org/documents/pdf/congres_euch.pdf)
(16) Walter Kasper, “Zur Theologie und Praxis des bischöflichen Amtes” trong Auf neue Art Kirche Sein. Wirklichkeiten—Herausforderungen—Wandlungen (Munich: Bernward bei Don Bosco, 1999), 44. Muốn đọc các bài trong cuộc đối thoại do bản văn này của Kasper khởi xướng, xin xem
(a) Joseph Ratziner, “Giáo hội học của Hiến Chế Lumen Gentium,” La Documentation catholique 2223 (2 Tháng 4, 2000), 303-12;
(b) Walter Kasper, “Về Giáo Hội. Thân hữu trả lời Đức HY Ratzinger” America 184 (số ngày 23-30 Tháng 4, 2001), 8-14;
(c) Joseph Ratzinger, “Trả lời Walter Kasper: Giáo Hội Địa Phương và Giáo Hội Phổ Quát” America 185 (19 tháng 11, 2001), 7-11.