Tháng Năm năm 2001, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mở một cơ mật viện gồm toàn thể các vị hồng y của Giáo Hội Công Giáo để bàn về tính tối thượng của thừa tác vụ Phêrô (ngôi vị Giáo Hoàng) và tính hiệp đoàn của các vị giám mục. Trong cơ mật viện này, nhiều vị hồng y đã đọc bài tham luận, trong đó có Đức Hồng Y Godfried Daneels, tổng giám mục Brussels-Mechelen, Bỉ. Đề tài bài tham luận của ngài là: Con người hiện đại và Giáo Hội.

Lãnh tụ phe cải cách

Theo lời ngài tâm sự với Doris Donnelly, giám đốc Chương Trình Đức Hồng Y Suenens về Thần Học và Đời Sống Giáo Hội tại Đại Học John Carroll, ở Cleveland, Ohio, thì bài tham luận này chỉ được soạn thảo một ngày trước, sau khi đã lắng nghe nhiều vị hồng y khác phát biểu. Ngài là vị hồng y phát biểu sau cùng, sau khi một số trong 44 vị muốn phát biểu nhưng không được phát biểu vì lý do thì giờ.

Trong cuộc phỏng vấn với Doris Donnelly, Đức Hồng Y Daneels cho hay: tại chính cơ mật viện, các nhận định của ngài không bị ai hiểu lầm hay đòi phải được minh xác thêm, nhưng ở bên ngoài cơ mật viện, thì đã có hiểu lầm, phần lớn cho rằng chủ đích của ngài muốn đánh bóng tương lai làm giáo hoàng. Nhưng Đức Hồng Y Daneels cho hay: ngài không bao giờ có ước nguyện làm giáo hoàng. Những điểm ngài nêu lên chỉ là những điểm cấn phải nói lên, thế thôi.

Tưởng cũng nên nhắc lại, Đức Hồng Y Daneels là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Bỉ. Vì Bỉ là một trong các quốc gia có tỷ lệ phá thai, đồng tính luyến ái khá cao (đã được hợp pháp hóa), nên có người đã gán cho Đức HY nhãn hiệu “lãnh tụ phe cải cách” trong Giáo Hội Công Giáo.

Đức Hồng Y Daneels vốn nổi tiếng trong lãnh vực phụng vụ. Các bài đóng góp của ngài trong Dictionary of the Liturgy (Từ Điển Phụng Vụ) đã làm ngài nổi tiếng khắp thế giới Công Giáo. Ngài cũng từng tích cực tham dự công trình soạn thảo hiến chế Sacrosanctum Concilium của Công Đồng Vatican II. Thụ phong giám mục năm 1977, hai năm sau, đảm nhiệm tổng giám mục Brussels, nhận mũ hồng y năm 1983, hiện là thành viên của ban thư ký thường trực Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, thành viên Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, thành viên Thánh Bộ Giáo Sĩ, được các ĐH Georgetown và ĐH Công Giáo Tilburg cấp bằng tiến sĩ danh dự.

Trong cuộc phỏng vấn với Doris Donnelly trên đây, có lẽ để soi sáng phần nào cho nhãn hiệu “lãnh tụ phe cải cách”, Đức Hồng Y Daneels nhận định rằng: Trước Công Đồng Vatican II, trong lãnh vực thần học, cũng như trong nhiều lãnh vực khác, kỷ luật khá nghiêm minh. Nhưng sau Công Đồng đó, là cả một cuộc cách mạng, một cuộc cách mạng, theo ngài, khá hỗn mang: người ta mặc tình muốn thảo luận gì thì thảo luận. Hết còn một thần học hay một triết học chung như trước nữa. Người ta mặc tình thí nghiệm đủ mọi thứ ý niệm mới mẻ.

Theo ngài, nền thần học của ta vẫn còn đang trong thời kỳ khủng hoảng và còn cần một thời gian nữa, may ra mới ổn định được. Trong tình thế như thế, tất nhiên Rôma phải thỉnh thoảng can thiệp vào để cho thấy quan điểm này hay quan điểm nọ không phù hợp với đức tin Công Giáo. Đức HY khuyên các nhà thần học nên hiểu điều ấy. Theo ngài, có nhiều thần học gia đi quá xa đến độ rút gọn đức tin Công Giáo vào một thứ triết lý phổ quát.

Ngài cũng cho rằng đối với Rôma, vấn đề là phải biết lúc nào nên can thiệp và can thiệp ra sao với ý thức rằng mình rất có thể đi quá xa trong việc hạn chế tự do của các nhà thần học. Đối với cả Rôma lẫn các nhà thần học, việc ấy không dễ chút nào. Tuy nhiên, điều thường xẩy ra có khi không hẳn do các nhà thần học. Có những tố cáo nhằm thẳng vào Rôma nhưng người tố cáo lại không phải là thần học gia, mà là nặc danh. Cho nên theo ngài, giám mục địa phương nên là nơi liên hệ trực tiếp với các thần học gia để xác định tính chính thống.

Để dễ cho cả hai bên thực thi các chỉ dẫn có sẵn, Đức Hồng Y Daneels cho rằng trong các lời phi lộ đầu sách của mình, các nhà thần học nên có mấy dòng đại khái nói rằng: đây chỉ là giả thuyết, là giả thuyết của tôi. Tôi xin đặt giả thuyết này dưới sự phán đoán của đồng nghiệp, các thần học gia khác, cũng như của thẩm quyền Giáo Hội”, chứ đừng nên cho người đọc hiểu rằng: đây là những lời cuối cùng, là chân lý trọn vẹn của vấn đề. Đức Hồng Y Daneels cho hay: phần lớn, lời khuyên của ngài không được ai nghe!

Ít nhận thức rõ thực tại bí tích

Trong tham luận của mình, Đức Hồng Y Daneels cho rằng Giáo Hội đang phải đương đầu với nhiều vấn đề, tuy nhiên, trong bối cảnh thế tục hóa cao độ của Âu Châu, ngài nghĩ nên vắn tắt tìm hiểu con người hiện đại tại Phương Tây. Ngài nhận diện ba khía cạnh trong con người ấy mà khía cạnh đầu tiên là họ ít nhận thức được thực tại bí tích, tuy họ rất thích lễ nghi và lễ nghi hóa.

Xem ra, người Phương Tây đang có một điểm mù. Trong thừa tác vụ chăn dắt, các linh mục đang bị cám dỗ đi trở lui để chỉ tập chú vào thừa tác vụ lời và diakonia (“phục vụ”). Tình thế này ra gia trọng do việc giảm thiểu con số linh mục. Dù sao, các bí tích cũng không còn là trọng tâm của chăm sóc mục vụ Công Giáo nữa.

Thực vậy, dù con người hiện đại vẫn còn hiểu rõ sức mạnh của lời và liên hệ tính của phục vụ thừa tác (diaconal service) trong Giáo Hội, mỗi ngày họ một hiểu và đánh giá ít hơn thực tại của thế giới bí tích. Hậu quả là: phụng vụ liều mình bị tràn ngập một cách quá đáng bởi lời và bởi phương cách người ta muốn tới đó ‘xạc’ bình điện cho diakoniavà hành động xã hội. Giáo Hội xem ra chả còn là gì khác ngoài là một nơi để người ta lên tiếng và đặt để mình phục vụ thế giới. Đời sống bí tích bị chuyển dịch từ tâm điểm ra bên lề Giáo Hội. Phải chăng đó là chuyện từ từ và vô thức Thệ Phản Hóa Giáo Hội từ bên trong?

Dù gì, thì xu hướng ấy cũng đem lại những hậu quả nghiêm trọng đối với bản chất của Giáo Hội, bản chất của thừa tác vụ thụ phong và bản chất của các bí tích. Nó còn có thể hủy diệt quan niệm của Công Giáo về rao giảng, một rao giảng chủ yếu không phải là thuật hùng biện tìm kiếm thị trường, và tìm kiếm diakonia, vốn là việc thương người (philanthropy).

Nguyên nhân thì có nhiều và khá đa dạng. Dù sao, nó không phải là việc đánh mất cảm quan về biểu tượng, như nhiều người vốn nghĩ. Bởi vì ngày nay, hơn lúc nào hết, người ta hết sức say mê nghi lễ. Các nghi lễ mọc lên như mùa ra lá xum xuê của một cánh rừng nhiệt đới. Người ta đang sáng chế ra, và tìm thị trường, cho man vàn nghi lễ thế tục hay có tính vũ trụ hay các nghi lễ có liên hệ tới các tôn giáo tự nhiên, để đánh dấu mọi giai đoạn lớn của đời người: sinh ra, dậy thì, lấy nhau và chết. Phải chăng chúng ta đang trở về thời đại các thầy tu Xen-tíc (Celtic druids) hay tôn giáo huyền bí?

Điều đang lâm nguy ở đây là nền tảng lịch sử và Kitô học của các nghi lễ có tính bí tích Kitô giáo, là các nghi lễ vốn phân biệt một cách độc đáo các bí tích của Giáo Hội với các biểu tượng và nghi lễ nhân bản phổ quát. Hơn nữa, các nghi lễ của tôn giáo tự nhiên làm phát sinh mà không giải quyết được ba vấn đề đang thách thức tất cả chúng ta: tính hữu hạn, cái chết và tội lỗi. Các nghi lễ kia không có khả năng tạo ra sự hồi tâm; đúng hơn, chúng chỉ hứa hẹn các ảo tưởng chữa bệnh hay tự cứu chuộc mình.

Bởi thế mà chúng ta công bố lời và thực hành diakonia. Nhưng chúng ta cũng phải bảo toàn kho tàng qúy giá nhất của Giáo Hội Công Giáo: phụng vụ và các bí tích. Hiến chế về Phụng Vụ của Công Đồng Vatican II há không quả quyết rằng không thể múc cạn được phụng vụ, phụng vụ là nguồn từ đó mọi sự tuôn chẩy và là đích điểm mà mọi sự cần cho sự cứu rỗi nhân loại tụ về đó sao?

Nhu cầu tham gia

Khía cạnh thứ hai: con người hiện đại, cả đàn ông lẫn đàn bà, thích tham gia và gặp khó khăn đối với thẩm quyền nói chung. Đối với Đức Hồng Y Daneels, vấn đề hiện nay về chủ đề hiệp đoàn tính (collegiality) trong Giáo Hội là: liệu người ta có muốn nó nằm ở đầu nghị trình trong công luận của Giáo Hội và truyền thông hay không. Mặt khác, chủ đề này có tính “công đồng” một cách ưu hạng. Trong khi đang mở rộng và đa dạng hóa mỗi ngày một nhiều hơn, thế giới cũng mỗi ngày một muốn mình là một nhiều hơn. Đây là một thách đố hết sức lớn lao đối với Giáo Hội trong tương lai: phải cương quyết tiếp tục là một nhưng đồng thời phải quảng đại ra đa dạng và hội nhập văn hóa. Đây cũng là nghịch lý muôn thuở của Giáo Hội: mối liên hệ giữa Phêrô và Mười Một Tông Đồ, giữa quyền tối thượng của Phêrô và tính hiệp đoàn của các giám mục. Sự nghịch lý này sinh ra đã có (congenital) và trải rộng suốt nhiều thiên niên kỷ. Đối với thiên niên kỷ thứ ba này, vấn đề hiệp đoàn tính chắc chắn sẽ là một trong các thách đố lớn mà ta phải đối diện.

Về điểm trên, Giáo Hội sẽ không bao giờ ẩn trốn được căng thẳng. Một số người mơ tưởng có thể giải quyết vấn đề ấy bằng cách tán dương một trong hai cực mà gây hại cho cực kia: hoặc là đề cao quyền tối thượng của Phêrô mà gây hại cho hiệp đoàn giám mục hoặc giảm thiểu vai trò của Phêrô để nghiêng hẳn về các giám mục. Ấy thế nhưng giải pháp cũng không thể là nhẩy một chân. Mà phải củng cố cả hai cực: cả tính tối thượng lẫn tính hiệp đoàn. Một thế giới đang mở rộng, với đủ mọi dị biệt nhưng luôn tìm kiếm hợp nhất tính, cần một Phêrô mạnh và một hiệp đoàn giám mục mạnh.

Cho đến nay, ta vẫn chưa có được dụng cụ hoàn toàn thích đáng để thực hiện được thế quân bình trên; các “dụng cụ” của chúng ta để khởi động hiệp đoàn tính vẫn chưa sẵn có. Ta phải tìm ra một cách chính xác và hữu hiệu hơn để đồng hình đồng dạng hóa và diễn tả rõ ràng bốn thành tố sau đây: Giáo triều Rôma, các hội đồng giám mục, thượng hội đồng giám mục và cơ mật viện các hồng y.

Theo Đức HY Daneels, các đề nghị của các vị hồng y liên quan tới một hình thức phân quyền nào đó đối với các giáo hội địa phương, trong thủ tục đề cử giám mục, quản trị công lý trong Giáo Hội và trong các mối liên hệ giữa Giáo triều và các hội đồng giám mục, đáng được nghiêm chỉnh và thiện chí cứu xét, cả khi chưa lập tức đạt được bất cứ giả pháp nào.

Thượng hội đồng giám mục thế giới chắc chắn là dụng cụ ưu hạng của hiệp đoàn tính. Tuy nhiên, cần phải hoàn thiện hóa sự vận hành của nó. Như cách vận hành hiện nay chẳng hạn, nó chưa cho phép có được các cuộc tranh luận thực sự trong hiệp đoàn giám mục quanh Phêrô. Hai tuần lễ đầu chỉ đưa lại một “bản đồ địa dư” cho vấn đề, như lối nói của Đức Gioan Phaolô II. Tuần lễ thứ ba, chia thành từng nhóm nhỏ, thì quá ngắn ngủi và điều hợp không được tốt: nó không cho phép các ý tưởng được dịp chạm trán với nhau. Nói một cách thành thực, các phúc trình trong buổi họp toàn thể tiếp theo đó khiến người ta thất vọng. Nói về tuần lễ thứ tư, phải nói đó là giờ phụ trội nhưng chỉ sản xuất được chút ít đề cương. Rất may, Đức Thánh Cha đã ‘cứu bồ’ bằng cách nhận viết huấn dụ hậu thượng hội đồng.

Thiết tưởng cần phải cổ vũ một nền văn hóa tranh luận thực sự trong Giáo Hội. Đã đành là các nghị phụ thượng hội đồng nên thành thực và nói đúng chỗ hơn nữa trong các tham luận của mình. Thiếu sót không phải chỉ hệ ở phương pháp trong thủ tục (ordo procedendi). Đức Hồng Y Daneels cho rằng: theo Sách Giảng Viên “mọi sự đều có mùa của chúng”. Có lúc để giảng lễ và có lúc để tham luận tại thượng hội đồng.

Ta có nên sợ tranh luận tại thượng hội đồng không? Nếu mọi nghị phụ của thượng hội đồng đều đặt lòng yêu mến Giáo Hội lên trên sở thích cá nhân hay sở thích của giáo đoàn mình, nếu các ngài có can đảm khước từ các ảnh hưởng bên ngoài, nếu các ngài sống sâu sắc niềm tin vào thừa tác vụ Phêrô và vào ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, thì một nền văn hóa tranh luận trong Giáo Hội sẽ là điều mang lại nhiều ơn ích, và còn là điều không thể thiếu được nữa. Ta không nên quên rằng thượng hội đồng không phải chỉ là vấn đề cai quản Giáo Hội, mà trước nhất nó thuộc lãnh vự cử hành. Vì Chúa Thánh Thần hiện diện ở đấy.

Do dự trước điều đúng, bất lực trước điều tốt, nhưng yêu điều đẹp

Khía cạnh thứ ba của con người hiện đại là: do dự trước cái đúng, bất lực trước cái tốt, nhưng yêu mến cái đẹp. Để phúc âm hóa con người hiện đại ấy, người rao giảng phúc âm nhất thiết phải bám rễ thật vững chãi vào Thánh Kinh và Thánh Truyền. Họ cũng nhất thiết không kém phải gần gũi sâu sắc với nền văn hóa đương thời. Theo Đức HY Daneels, sẽ là một lầm lỗi lớn nếu, trong khi huấn luyện các đại chủng sinh, linh mục và cả giáo dân nữa, mà ta lại nhút nhát tự giam mình vào một học trình giáo dục “trong ống nghiệm” (“in vitro” ). Điều tuyệt đối cần thiết là người rao giảng phúc âm phải biết rõ sự phong phú mênh mông của nền văn hóa hiện đại: khoa học và kỹ thuật, sinh hoạt tâm trí trong các trào lưu đa dạng của nó, văn chương, nghệ thuật, kịch nghệ, tóm lại, toàn bộ cuộc sống đầy hứng thú của thế giới ngày nay. Các giáo sĩ và giáo dân của ta chắc chắn cần có một cái khung vững chắc gồm các nhận thức về Thánh Kinh, tín lý và luân lý có thể chống đỡ được bão tố mùa thu của nền văn minh già nua đang bị đe dọa bởi căn bệnh dòn xương văn hóa. Nhưng họ cũng cần có được một hệ thần kinh biết nhạy cảm đối với những đổi thay muôn màu muôn vẻ của môi trường văn hóa: Những dây thần kinh siêu nhạy cảm.

Cùng một luồng tư duy trên, ta không thể không nói tới một cánh cửa khác dẫn tới Thiên Chúa: đó là cánh cửa Cái Đẹp. Thực vậy, Thiên Chúa là Sự Thật, Sự Thánh Thiện và là Sự Hoàn Thiện Luân Lý, nhưng Người còn là Cái Đẹp nữa. Ta có thể tìm thấy Người nhờ cánh cửa sự thật, vì sự thật quả lôi cuốn chúng ta. Nhưng không thiếu những người đồng thời với chúng ta giống Philatô xưa, luôn miệng đặt câu hỏi: “chân lý là cái quái gì?” và tiếp tục đứng ngoài cửa, không chịu bước vào. Thiên Chúa, trong tư cách Hoàn Thiện Luân Lý và là Sự Thánh Thiện cũng lôi cuốn chúng ta. Nhưng thiếu gì người bảo: “Sự hoàn hảo luân lý lôi cuốn tôi, nhưng tôi bất lực, không có khả năng với tới nó” và tiếp tục đứng bên ngoài vì mình đầy những thiếu sót luân lý.

Nhưng cái đẹp thì không thế, nó bắt người ta buông vũ khí: đối với con người hiện đại, không ai cưỡng lại được nó. Các sinh viên trẻ đang thảo luận và học hỏi các khóa giảng về tín lý (Điều Đúng) và luân lý (Điều Thiện). Nhưng sau cuộc trình diễn bản “Cuộc Khổ Nạn Theo Thánh Mátthêu” của Johann Sebastian Bach, họ thấy mình hoàn toàn bị khuất phục và không còn biết nói gì nữa. Giáo Hội có nhiều điều đẹp đẽ để nói và trình bày với thế giới, không phải chỉ lấy từ gia tài nghệ thuật của mình, mà còn rút ra từ rất nhiều vị thánh vốn sáng ngời về cái đẹp. Chỉ cần đơn cử hai vị thánh vĩ đại: Thánh Phanxicô Assisi với Ca Khúc Mặt Trời và thánh Gioan Thánh Giá với những vần thơ bất hủ. Ở đấy có nhiều điều hơn là chính khoa mỹ học. Đối với những ai còn hoài nghi, ta nên nhắc họ nhớ rằng cái đẹp có liên hệ với mọi điều chân thật, với chính chân lý: cái đẹp chính là vẻ sáng của chân lý. Cái đẹp cũng liên hệ với mọi điều thiện hảo, với chính sự thiện. Đức Hồng Y Daneels cho rằng: người Hy Lạp còn tổng hợp những điều trên vào một chữ duy nhất, đó là kaloskagathos.

Từ kép này vốn không dễ gì dịch sang tiếng Việt, cả tiếng Anh cũng thế. Vì nó tổng hợp cả hai đức tính, mà có người dịch là “đẹp trai và can đảm”. Người lại dịch là chính nhân quân tử (gentleman) hay hiệp sĩ (knight) để nhấn mạnh nghĩa xã hội, hay “anh hùng chiến trận” và ngay cả “tuẫn đạo” (martyr) nữa để nhấn mạnh tới khía cạnh đấu tranh. Thực ra, trong xã hội qúy tộc Nhã Điển, nó được dùng chỉ chính giai cấp này. Đối với các triết gia đạo đức, từ này chỉ con người lý tưởng hay người hoàn hảo. Tóm lại mẫu người này là thế quân bình của cả cái thiện lẫn cái đẹp, mà thuật ngữ Latinh cũng có cái tương đương: “mens sana in corpore sano” (tâm trí lành mạnh trong một thân xác lành mạnh).

Tóm lại, theo Đức Hồng Y Daneels, cái đẹp có thể tổng hợp được cả cái chân lẫn cái thiện. Chân, Thiện, Mỹ. Ở đây chúng là ba cái tên và ba con đường dẫn tới Thiên Chúa. Nhưng Cái Đẹp thì vẫn còn phải khám phá nhiều hơn nữa trong thần học và giáo lý của thời ta. Nay chẳng phải là lúc mình chú tâm tới sự thiếu sót này sao?