Ngày 7 tháng Bẩy vừa qua, tại Viện Napa ở California, Đức Hồng Y Timothy Dolan, Tổng Giám Mục New York, đã đọc một tham luận về bản chất Giáo Hội. Trọng điểm là ví Giáo Hội như một gia đình, xây dựng trên hôn nhân thánh giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, một cuộc hôn nhân bất khả tiêu, bất chấp mọi yếu đuối, sai phạm, dối trá, lửa đảo. Tựa đề tham luận của ngài là: "Điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phân ly!". Chúng tôi mời độc giả đọc trọn tham luận của ngài:

"Lúc ấy, Sau-lô vẫn còn đang gieo rắc đe dọa sẽ sát hại các môn đệ của Chúa. Ông đi gặp thượng tế và yêu cầu cấp thư giới thiệu tới các hội đường ở Damascus yêu cầu họ cho phép ông bắt giữ và đưa về Giêrusalem bất cứ tín đồ nào của Đạo. . .

Khi đang trên đường tới Damascus. . . bỗng có một ánh sáng từ trời xuất hiện bao quanh ông. Ông ngã xuống đất và nghe thấy một giọng nói, ‘Sao-lô, Sao-lô, sao ngươi bách hại Ta?’.

Sao-lô hỏi, ‘Ngài là ai, thưa Ngài?’ và giọng nói trả lời:"Ta là Giêsu, và ngươi đang bách hại Ta'"(Cv 9: 1-6).

Tình tiết này từ sách Tông Đồ Công Vụ là một trong những qui mô gây động đất trong lịch sử cứu độ, tôi khá do dự khi sử dụng kiểu so sánh này ở đây, ở California! Việc can thiệp "sấm sét" theo nghĩa đen này của Chúa Giêsu không những đã dẫn đến việc chuyển đổi Saolô thành Thánh Phaolô Tông Đồ, nhưng nó còn đem lại cho chúng ta một thỏi vàng ròng của niềm tin Kitô giáo nữa.

Sao-lô đang bách hại một cách đắc thắng các môn đệ của Chúa Giêsu, Giáo Hội của thế hệ đầu tiên. Các học giả cho rằng sự kiện này xảy ra năm 36 CN, chỉ ba năm sau khi Chúa Giêsu trở về với Cha của Người.

Chúa Giêsu đã nói lớn những gì với Saolô? "Saolô, Saolô, tại sao ngươi bách hại. . ." Dân Ta? Không. Giáo Hội Ta? Không. Các môn đệ Ta ? Không.

"Saolô, Saolô, tại sao ngươi bách hại Ta?"
"Nhưng, Ngài là ai, thưa Ngài?"
"Ta là Giêsu, và ngươi đang bách hại Ta!"

Các các bạn nắm được chứ? Chúa Giêsu và Giáo Hội của Người y như nhau! Chúa Kitô và Giáo Hội của Người là một! Chúa Giêsu Kitô và Giáo Hội của Người là đồng nghĩa!

Tựa đề tôi dùng cho bài trình bày buổi sáng nay của tôi, "Điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly" (Mt 19: 6), tất nhiên, là mệnh lệnh được Chúa ban bố cho chúng ta về sự kết hợp bất khả hủy tiêu giữa một người nam và một người nữ trong bí tích hôn nhân.

Tuy nhiên, áp dụng các lời lẽ này của Thiên Chúa vào sự hiệp nhất giữa Chúa Kitô và Giáo Hội của Người chắc chắn cũng là điều thích đáng, vì đây là điều người vừa được chuyển đổi từ Saolô thành Thánh Phaolô thực sự đã thực hiện. Hãy nhớ lại ẩn dụ của Thánh Phaolô, một ẩn dụ tuyệt vời trong hệ luận thiêng liêng của nó cho cả người chồng người vợ lẫn niềm tin của chúng ta vào bản chất Giáo Hội; hệ luận đó là: người chồng kết hợp với vợ mình một cách mật thiết như Chúa Kitô kết hợp với Giáo Hội của Người.

Lớp học của chúng ta hãy kết luận theo tam đoạn luận! Chúa Giêsu là người chồng, Giáo Hội là cô dâu của Người! Hai trở nên một. "Điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, chúng ta không được phân ly!".

Tất nhiên, Thánh Phaolô khó có thể pha chế ra ẩn dụ này về dây hôn phối giữa Chúa và Giáo Hội của Người. Ngài biết nó trong tư cách một Người Do Thái trung thành, vì đây là hình ảnh được các tiên tri thời xưa sử dụng để mô tả sự thân mật giữa Giavê và Israel.

Các tiên tri trên đã rất nên thơ dạy rằng Giavê là một người chồng luôn trung thành, dịu dàng, nhân hậu, bảo vệ, cứu vớt; Còn Israel là người vợ yếu đuối, thường bướng bỉnh, tự hủy hoại, và gian lận.

Chúng ta vừa nghe điều trên trong Thánh lễ thứ hai tuần trước, khi tiên tri Ô-sê nói thay cho Chúa rằng: "Israel sẽ gọi Ta, 'chồng em'. . . Ta sẽ thành hôn với ngươi mãi mãi".

Thánh Phaolô của chúng ta, người đã học được bài học này lúc "bị quật ngã từ lưng ngựa của mình" trên đường đi Damascus, đã sử dụng một ẩn dụ khác để nhấn mạnh khoa sư phạm của Thiên Chúa về sự hiệp nhất giữa Chúa Kitô và Giáo Hội của Người: đó là thân thể!

Với hình ảnh này, Giáo Hội là thân thể thiêng liêng của Chúa Kitô. "Giáo Hội là thân thể của Người. Người là đầu của nó". Thánh Phaolô sẽ giải thích như thế với tín hữu Côlôxê (Col. 1:18).

Nói thêm về vấn đề này, các Giáo Phụ đã giải thích rằng, như Con Thiên Chúa, Ngôi Hai của Ba Ngôi Chí Thánh, tức Ngôi Lời Vĩnh Cửu, đã mang lấy bản chất con người, một thân thể thật sự, trong mầu nhiệm Nhập Thể thế nào, thì Ngôi Lời Vĩnh Cửu, Thiên Chúa Ngôi Con, cũng ở lại với chúng ta ngày nay, nhập thể trong thân thể thiêng liêng hay thân thể mầu nhiệm của Người, là Giáo Hội của Người, như thế.

Đồng ý . . . (nhưng) thế thì sao? Đến đây, chắc các các bạn sẽ hỏi, "Bao giờ thì ngưng đây? Có phải ngài sắp cho chúng ta một bài giảng khô khan, mệt óc về Giáo Hội học, một ngành thần học bàn về bản chất Giáo Hội, hay sao đây?”.

Xin các bạn suy nghĩ một lần nữa đi . . . Trong sách vở của tôi, duy trì sự hiệp nhất của Chúa Kitô và Giáo Hội của Người có lẽ là thách thức mục vụ quan trọng nhất đặt ra cho chúng ta ngày nay.

Các các bạn thân mến, nói một cách đơn giản, ý kiến và tâm tình nổi bật mà chúng ta ngày nay đang phải đối diện là: "Chúng tôi muốn Chúa Kitô, nhưng không muốn dính dáng gì với thứ Giáo Hội ngu ngốc ấy".

Đúng như thế, các bạn biết đó! Các bạn nghe con cái các bạn và con cháu các bạn chủ trương điều đó! Và các cha, anh em linh mục của tôi, nghe các giáo dân trước đây của các cha chủ trương điều đó.

Họ nói với chúng ta:

"Tôi muốn đức tin nhưng không muốn có các tín hữu khác!"
"Tôi thích tâm linh hơn tôn giáo".
“Tôi muốn Chúa làm mục tử với điều kiện tôi là con chiên duy nhất”.
"Tôi muốn Chúa Kitô làm Vua một vương quốc chỉ có một người là tôi".
"Tôi tin nhưng không muốn thuộc về".
"Thiên Chúa là cha của tôi, nhưng tôi là người con duy nhất".
"Chúa Giêsu là đại tướng của tôi nhưng không có quân đội nào cả".

Họ muốn Chúa Kitô nhưng không muốn Giáo Hội của Người. . . và chúng ta tin rằng điều đó trái với những gì Chúa Giêsu muốn. Chúa Giêsu và Giáo Hội của Người là một!

Ronald Rolheiser nhắc nhở chúng ta rằng người ta không còn chủ trương, như họ đã chủ trương nhiều thập niên trước đây, rằng chúng ta đang sống trong "thời kỳ hậu-Kitô giáo." Không. Hầu hết mọi người chúng ta không có trở ngại chi trong việc tin tưởng Chúa Kitô. Nhưng nay, chúng ta đang sống trong "thời kỳ hậu-Giáo Hội", trong đó, người ta, tốt nhất, cũng cảm thấy họ không cần Giáo Hội, mà tệ nhất, họ cảm thấy Giáo Hội gây độc hại cho tâm đạo của họ.

Tôi không nghĩ tôi đang phạm bí mật ở đây, nhưng đây là một chủ đề thường xuyên trong cuộc họp mười hai ngày của các Hồng Y giữa cuộc từ chức của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô và mật nghị hội đem lại cho chúng ta Đức Thánh Cha Phanxicô.

Hết vị Hồng Y này đến vị Hồng Y kia thách thức chúng ta rằng nhu cầu mục vụ cấp bách nhất mà chúng ta hiện có là canh tân vẻ lộng lẫy của Giáo Hội, là làm cho Giáo Hội thành ánh sáng thế gian và muối cho đất, như Chúa Giêsu có ý định muốn cho Nhiệm Thể của Người trong thế gian trở thành, ngõ hầu làm nó sống lại như "bí tích phổ quát của ơn cứu độ" như Vatican II thúc giục, làm cho nó thành một cây cầu, chứ không phải một hàng rào, một nam châm, chứ không phải lực đẩy lui, lấy lại sự hợp nhất có tính giải phóng của Chúa Kitô và Giáo Hội của Người.

Đức Hồng Y Jorge Bergoglio chú ý lắng nghe. Chẳng bao lâu sau, trong tư cách người kế vị Thánh Phêrô, ngài sẽ công bố:

"Chúng ta không thể ở trong sự hiệp thông với Thiên Chúa mà không ở trong sự hiệp thông với Giáo Hội".

"Chúng ta không sống cô lập và chúng ta không phải là các Kitô hữu bởi chính chúng ta; bản sắc của chúng ta là thuộc về! Nó giống như tên họ: nếu tên riêng của chúng ta là Kitô hữu, thì tên họ của chúng ta là: ‘Tôi thuộc về Giáo Hội’”.

"Biết bao lần, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã mô tả Giáo Hội như một Giáo Hội 'chúng ta'? Đôi khi chúng ta nghe người ta nói, ‘Tôi tin Thiên Chúa, tôi tin Chúa Giêsu, nhưng tôi không quan tâm đến Giáo Hội'. Một số tin rằng họ có thể có một mối liên hệ bản thân, trực tiếp và cận kề với Chúa Giêsu Kitô, bên ngoài sự hiệp thông với Giáo Hội và không cần sự trung gian của Giáo Hội. Điều này không ổn! Đây chỉ là các cám dỗ nguy hiểm và có hại. Chúng là những nhị phân vô lý như Đức Phaolô VI quen nói".

"Các bạn không thể yêu mến Thiên Chúa ở bên ngoài Giáo Hội. Các bạn không thể sống trong sự hiệp thông với Thiên Chúa mà không sống trong sự hiệp thông với Giáo Hội. . . "(Tất cả từ cuộc yết kiến ngày 26 Tháng Sáu năm 2014).

"Kitô hữu không phải là một đơn tử, nhưng thuộc về một dân tộc, thuộc về Giáo Hội. Kitô hữu mà không có Giáo Hội là một điều hoàn toàn duy lý; nó không có thực" (Bài giảng, ngày 15 tháng 5, 2014).

Vậy đó! Các bạn hãy nắm lấy điều ấy!

Được, nhưng. . . làm thế nào chúng ta khởi xướng dự án chủ yếu nhằm canh tân sự đồng nhất của Chúa Kitô với Giáo Hội của Người? Chúng ta đang sống trong một thế giới thường coi niềm tin vào Thiên Chúa, tốt nhất, chỉ là một sở thích cá nhân, mà tệ nhất là một ý thức hệ nguy hiểm; nhưng còn việc thuộc về Giáo Hội? Chuyện mê tín dị đoan! Phi lý! Lạc hậu! Vô ích! Phản tác dụng!

Chúng ta phải làm gì, theo thói cũ ư? Phần tôi, chắc chắn tôi không có chiến lược nào. Nhưng tôi có một ý tưởng mà tôi sẽ không ngại chia sẻ với các bạn, không hẳn một viên đạn bằng bạc, nhưng, có lẽ, một khả thể đầy hứa hẹn.

Đó là phát triển một nền thần học, và một thực tế, về "Giáo Hội như một gia đình".

Tôi không dám cho rằng chủ trương này là một chủ trương mới mẻ. Giáo Hội như gia đình Thiên Chúa là điều cũng xưa như chính Tân Ước. Chúng ta chỉ muốn làm nó sống lại mà thôi.

Tất cả chúng ta đã duy trì được những cảm xúc ấm áp về Giáo Hội như gia đình siêu nhiên của chúng ta từ khi chúng ta còn là những em nhỏ: Thiên Chúa là Cha của chúng ta; Chúa Giêsu, Con của Người, là đấng cứu thế của chúng ta và là anh trai của chúng ta; Chúa Thánh Thần là sợi dây trung thành và yêu thương giữ cho chúng ta là một gia đình với nhau; Đức Maria là Mẹ của chúng ta; các thánh là tổ tiên của chúng ta trong gia đình đức tin; các người Công Giáo khác là anh chị em của chúng ta; phép rửa là việc chúng ta sinh vào gia đình thiêng liêng này; phép Thánh Thể là bữa ăn gia đình của chúng ta. . . và vân vân. . . “Như các bé thơ, các ngươi sẽ được bà bồng trên tay, ôm ẵm trong lòng. Người mẹ vỗ về con mình thế nào, Ta cũng sẽ vỗ về các ngươi như thế ", chúng ta nghe được điều này từ tiên tri I-sai-a trong Thánh lễ Chúa Nhật tuần trước.

Hệ luận là chúng ta được sinh ra trong Giáo Hội. Đây là một việc ban cho, chứ không phải một lựa chọn. Chúa Giêsu chọn chúng ta để thuộc về Người và Giáo Hội của Người, chúng ta không chọn Người.

Các bạn biết còn những ai khác tin điều đó trong đức tin của họ không? Đó là các bạn bè Do Thái của chúng ta. Trong nhiều cuộc gặp mặt đầy soi sáng của tôi với các giáo sĩ Do Thái ở New York, tôi nghe họ chia sẻ cùng các vấn đề mục vụ như của chúng ta: nhiều người trong dân họ cũng đang rời khỏi đức tin Do Thái Giáo. Giống như chúng ta, họ cũng gặp các cha mẹ đầy nước mắt như các bạn, những người buồn bã kể lại việc họ cố gắng nói chuyện nghĩa lý cho con cái họ đã từ bỏ Do Thái Giáo. Họ nói với chúng "Các con không thể lìa bỏ". "Các con là Người Do Thái; đó là điều các con sinh vào, không phải là điều các con lấy hoặc bỏ. Các con không chọn Thiên Chúa; Thiên Chúa đã chọn các con! Đừng nhạo báng Người, hành động như kẻ vô ơn bằng cách nói với Người các con từ bỏ bản sắc của các con".

Các con là Người Do Thái! Chúng ta là người Công Giáo! Chúng ta là chi thể của Giáo Hội! Nó ở trong gien của chúng ta, trong DNA của chúng ta. Chúng ta hít thở nó!

Không quen thuộc trong một nền văn hóa duy Calvin, một nền văn hóa coi câu hỏi quan trọng nhất mà người ta mọi thời phải hỏi là, "Các bạn có chọn Chúa Giêsu làm Chúa và Cứu Chúa của các bạn không". Như Đức Hồng Y Francis George quen nói, "Chúng ta, người Công Giáo ở Mỹ, đang trở thành tín đồ Calvin với bình hương!"

Không quen thuộc trong một tâm thức luôn phong thánh cho sự lựa chọn, luôn luôn tự đưa ra quyết định cho mình, một xã hội đề cao giá trị của ý niệm này: trưởng thành và tinh khôn là vứt các truyền thống trói buộc của quá khứ lại phía sau.
Các bạn có nhớ cuốn truyện cổ điển “The Power and the Glory” (Sức Mạnh và Vinh Quang) của Graham Greene, nói về "Ông Linh Mục Whisky" không được nêu tên, đang chạy trốn chính phủ Mexico chống Công Giáo trong các thập niên mở đầu thế kỷ trước không? Linh mục này có rắc rối về đức điều độ; thay vào đó, ngài rất anh hùng về lòng trung thành, vì ngài bị săn đuổi, cuối cùng bị xử tử, vì đã không chịu đưa ra lời tuyên thệ từ bỏ và rời khỏi Giáo Hội.

Ngài trốn trong một vựa chuối và gia đình lẻn đưa thực phẩm đến cho ngài. Cô gái thiếu niên trong gia đình mang đến cho ngài một số bánh mì và một chai rượu cerveza để chào đón ngài. Cô rất ngạc nhiên trước lòng trung thành của ngài.

Cô ta bảo ngài "Tất nhiên, cha có thể từ bỏ mà".

Vị linh mục đáp lại: "cha không hiểu".

Cô gái giải thích: "từ bỏ đức tin của cha đó".

Ngài trả lời: "Đó là điều không thể. Không thể nào . . . Nó nằm bên ngoài quyền của cha".

“Cô gái chăm chú nghe, rồi nói 'Ồ, giống như một cái bớt lúc mới sinh. . . '"

Các bạn thân mến, điều ấy thật sâu sắc. Là người Công Giáo giống như. . . một cái bớt từ lúc mới sinh! Chúng ta được rửa tội vào nó, sinh vào nó. Giáo Hội là gia đình của chúng ta. Chúng ta đã không chọn để được sinh ra trong gia đình trần thế của chúng ta, đúng không? Chúng ta dính chặt vào nó. Chúng ta không thể lìa bỏ nó, dù có những lúc, chúng ta chán ngấy nó!

Người Công Giáo đã quen với việc biết điều này một cách trực giác. Chắc chắn, nhiều người Công Giáo thành thật thừa nhận họ "không hành đạo" hoặc "sa ngã” nhưng họ vẫn tự nhận mình là người Công Giáo, và biết đó là sinh quyền của họ, là gia đình của họ. Nay không như thế nữa, tôi sợ thế.

Như thi sĩ New York, Jimmy Breslin, nhận xét, "Người Công Giáo chúng ta rất có thể không tốt lắm trong việc làm chi thể của Giáo Hội, nhưng chúng ta không lìa bỏ. Tất cả chúng ta chỉ cần một cơn đau ngực là sẽ trở lại".

Không như thế nữa. Mỗi lần Trung tâm nghiên cứu Pew đưa ra một nghiên cứu mới, phần trăm những người tự xưng là cựu Công Giáo hoặc “không tôn giáo nào (none)" lại tăng thêm một vài điểm.

Thành thử, khẩn cấp phải đòi lại hình ảnh Giáo Hội như gia đình. . .

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang cố gắng nhiều trong vấn đề này, đúng không? Để khôi phục trái tim của Giáo Hội, để nhen nhúm lại cảm thức dịu dàng, thuộc về, chào đón, nhạy cảm với những người cảm thấy bị loại trừ. . . Như phương ngôn cũ từng nói, "nhà là nơi, khi các bạn trở về và gõ cửa, người ta phải để cho các bạn vào, ‘vì các bạn là gia đình’". Đó là Giáo Hội, Đức Thánh Cha nhắc nhở như thế.

Dưới đây là một hệ luận đáng suy nghĩ của hình ảnh này về Giáo Hội như gia đình: Giáo Hội không chỉ là gia đình của chúng ta. . . nó còn là một gia đình gặp trục trặc về chức năng (dysfunctional) nữa!

Ngày nay, ai cũng nói về "gia đình bị trục trặc về chức năng!" Các bạn đã có bao giờ gặp "một gia đình bị trục trặc về chức năng” chưa?

Việc có những sai sót, những tội lỗi, những thiếu sót, những sai lầm, những trục trặc về chức năng trong gia đình thiêng liêng của chúng ta, tức Giáo Hội, là một điều để chúng ta sáng tạo.

Trong Đại Năm Thánh 2000, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công khai xin lỗi năm mươi bốn lần vì tội lỗi cụ thể của Giáo Hội.

Và Đức Thánh Cha Phanxicô chắc chắn cũng sẽ không do dự làm như thế!

Khi thế giới, một thế giới luôn sẵn sàng đặt tiêu đề cho các lỗi lầm của Giáo Hội, thấy các chi thể trung thành của Giáo Hội sẵn sàng thừa nhận họ. . . thì, chắc chắn họ sẽ nhìn lại.

Bức tranh biếm họa mà họ ưa thích về Giáo Hội, coi Giáo Hội như một người giả hình thối nát, kiêu ngạo, tự coi mình là công chính, hay phán xét, sẽ dần biến đi.

Tôi không biết nhiều về các bạn, nhưng tôi sẵn sàng thừa nhận rằng có những lúc, thật khó khăn lắm mới yêu mến Giáo Hội được, vì Giáo Hội có thật nhiều thiếu sót. Nhiệm Thể Chúa Kitô có rất nhiều mụn cóc!

Đại tiểu thuyết gia Flannery O'Connor, một người Công Giáo hết sức chân thành, từng viết, "Các bạn biết đấy, không phải việc chịu đau khổ vì Giáo Hội làm tôi phiền! Mà là việc Giáo Hội làm tôi đau khổ!"

Hoặc, như nhà phê bình văn học Mary Settle viết để chào đón đại tiểu thuyết gia Walker Percy gia nhập Giáo Hội sau khi ông này trở lại, "Chào mừng bạn! Nhưng bạn đang tham gia một bộ phận hết sức lộn xộn!"

Các bạn biết đấy, Flannery O'Connor và Mary rất đúng. Về mặt con người, Hiền Thê của Chúa Kitô có thể lộn xộn, thối nát, gây tai tiếng, tội lỗi, chủ yếu là vì các thành viên của mình, là các bạn và tôi!

Ronald Rolheiser nhận định rằng "Giáo Hội luôn luôn là Chúa Kitô, nhưng bị treo giữa hai tên trộm".

Hoặc như Dorothy Day, một người trở lại đầy say mê đối với đức tin, từng viết: "Giáo Hội thường là cô dâu rạng rỡ, không tì vết, xinh đẹp của Chúa Kitô, Giáo Hội thực sự là thế. Nhưng có những lúc khác, Giáo Hội có thể hành động như con điếm thành Babylon".

Tuy nhiên, Giáo Hội vẫn là người Mẹ thánh thiện của chúng ta, của gia đình chúng ta. Giống như gia đình trần thế có thể làm chúng ta khó chịu, bị tổn thương, và ngã lòng, thì gia đình trên trời của chúng ta cũng có thể làm như vậy. Tuy nhiên, chúng ta càng yêu gia đình này và bám vào gia đình này nhiều hơn.

Nhà thơ Ý, Carlo Caretto, đã viết một bài ca tình yêu ca ngợi Giáo Hội tựa là, Tôi Đã Tìm và Tôi Đã Thấy. Các bạn hãy nghe đây:

"Hỡi Giáo Hội của tôi, tôi chỉ trích người xiết bao, ấy thế nhưng, tôi vẫn yêu người biết chừng nào!

Vâng, người đã làm cho tôi đau khổ, ấy thế nhưng tôi vẫn nợ người nhiều hơn bất cứ ai khác.

Người đem lại cho tôi rất nhiều tai tiếng, ấy thế nhưng người đã làm cho tôi hiểu sự thánh thiện.

Trên khắp thế giới này, tôi chưa bao giờ thấy điều gì bị tổn hại nhiều hơn, sai lầm nhiều, ấy thế nhưng cũng chưa bao giờ, tôi được đụng chạm điều gì tinh khiết hơn, quảng đại hơn, đẹp đẽ hơn.

Vô số lần tôi có cảm giác như muốn đóng sầm cánh cửa linh hồn tôi trước mặt người, ấy thế nhưng, mỗi đêm tôi đều cầu nguyện để không chết ngoài vòng tay chắc chắn của người.

Không, tôi sẽ không bao giờ có thể thoát khỏi người, vì, tôi là một với người. Vả lại, tôi còn biết chạy đến với ai khác? Để khởi đầu một Giáo Hội khác? Nhiều người đã làm như thế! Nhưng, tôi không thể làm mà không có cùng những khiếm khuyết, vì các khiếm khuyết này chính là các khiếm khuyết của tôi. Lúc đó nó là Giáo Hội của tôi, không còn là của người. Không có chuyện đó! Tôi già đủ để biết rõ hơn!"

Nhìn vào mặt tối của Giáo Hội, và thừa nhận nó, thực sự có thể dẫn người ta đến với Giáo Hội. Hãy lấy trường hợp của Arnold Toynbee, một người khó được coi là ngoan đạo. Không hề là người bạn của Giáo Hội, nhưng ông vẫn thừa nhận rằng "Tôi tin Giáo Hội Công Giáo là thần thánh, và theo tôi, bằng chứng của tính thần thánh này là: không một định chế thuần nhân bản nào, được điều hành một cách ngu xuẩn tinh quái như thế, mà lại tồn tại tới hai tuần lễ!"

Đúng, một số người từ chối Giáo Hội vì Giáo Hội già nua, nhăn nheo, và không còn thích hợp, cần giải phẫu tận căn để thay đổi truyền thống đức tin và luân lý cũ rích của mình, khuôn định lại thứ cơ cấu trung cổ, tổ phụ, lỗi thời của mình.
Nhiều người khác chạy trốn vì họ cảm thấy Giáo Hội đã trở nên quá hỗn xược, chao đảo đối với sự khôn ngoan của nhiều thời đại, quá thỏa hiệp với các mốt thời trang nhất thời của thời đại.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phát biểu tại một đại hội Giới trẻ Thế giới rằng "Hãy để tôi yêu cầu các bạn, hỡi những người trẻ thân mến". "Các bạn hãy kiên nhẫn với Giáo Hội! Giáo Hội là một cộng đồng của những người yếu đuối và bất toàn. Thiên Chúa đã đặt công trình cứu độ, các kế hoạch của Người, các ước nguyện của Người, trong bàn tay dơ bẩn của con người. Đúng, đó là một nguy cơ, nhưng, không có Giáo Hội nào khác hơn là Giáo Hội được thành lập bởi Con của Người. Người mời gọi chúng ta trở thành các cộng tác viên của Người trong thế giới và trong Giáo Hội, với mọi bất tài và thiếu sót được thừa nhận là của chúng ta".

Tất nhiên, tất cả những điều mà điều trên muốn nói là: chúng ta có một Thiên Chúa trên thập giá, chúng ta có một Giáo Hội, gia đình thiêng liêng yêu dấu của chúng ta, mang thương tích.

Tôi thường suy niệm về chương thứ hai mươi của Tin Mừng Thánh Gioan. Chúa Giêsu hiện ra với Giáo Hội, với các tông đồ của Người, vào chính buổi tối Người phục sinh. Và, Người đã làm gì? "Người đã cho họ thấy các vết thương của Người".

Như thể Người muốn nói với các ông: "Thầy đã sống lại từ cõi chết. Cơ thể của Thầy sáng láng, được vinh hiển, có tính trời, không bao giờ chết nữa. Ấy thế nhưng, Thầy mang các vết thương. Các con cũng vậy. Nhiệm thể Thầy, tức Giáo Hội của thầy, cũng thế!"

Ông bạn tốt của tôi, Richard Sklba, giám mục phụ tá đã nghỉ hưu của Milwaukee, thích kể một câu chuyện.

Theo kết quả của việc lên kế hoạch mục vụ, một giáo xứ vùng quê có tính lịch sử, rất đáng kính phải đóng cửa và sáp nhập vào một giáo xứ lân cận. Giáo dân rất buồn, và thoạt đầu, khá tức giận, nhưng sau đó đã phải thừa nhận rằng giáo xứ nhỏ bé của họ, chỉ gồm có tám mươi người, khó có thể tiếp tục mở cửa, trong khi giáo xứ kia chỉ cách có năm dặm.
Dù vậy, giáo dân cũng hỏi xem liệu họ có thể đốt rụi ngôi nhà thờ của mình hay không. Họ giải thích, hãy xem, nếu cứ đóng cửa nó đứng đó, nó sẽ rơi vào tình trạng hết sửa chữa và có thể bị phá hoại. Họ không muốn bán nó, sợ rằng nó có thể bị biến thành một thứ nhà hàng hoặc cửa tiệm bán quần áo gì đó. Liệu họ có thể đốt nó đi như một hành vi hy sinh và tôn kính chăng?

Đức tổng giám mục vào thời điểm đó đồng ý. Đức Cha Sklba tới đó, buổi tối thứ Bảy, để cử hành Thánh Lễ cuối cùng. Ngài nhớ lại, buổi lễ ấy rất cảm động. Các bức tượng, các cửa sổ kính màu, các bình thánh, bàn thờ và các băng ghế dài, và, tất nhiên, Bí Tích Cực Trọng, tất cả đều được cẩn thận gỡ đi. Vào lúc kết thúc Thánh lễ, mọi người ra bên ngoài, và đứng ở một khoảng xa lúc sở cứu hỏa địa phương chuẩn bị để đốt tòa nhà một cách chuyên nghiệp. Vừa khi ngọn lửa bùng lên, giáo dân cất tiếng hát bài "The Church’s One Foundation" (Nền Tảng Duy Nhất Của Giáo Hội), và cùng đọc kinh Mân Côi khi các khúc gỗ bị thiêu rụi.

Đức Cha qua đêm tại giáo xứ lân cận, nhưng, sáng hôm sau, trước khi trở về thành phố, ngài quyết định lái xe tới khu tàn phế. Ở đó, ngài thấy những đống tro còn đang âm ỉ, và nhiều giáo dân, đi bộ xung quanh than hồng, mang theo xô nước, tay mang găng chống abestos, thu lượm. . . các chiếc đinh! Thấy chưa, ngọn lửa thiêu rụi rất mãnh liệt, rất đều đặn, đến nỗi những gì còn lại chỉ là những đống đinh lớn từng giữ cho nhà thờ này lại với nhau trong 150 năm nay.

Khi ngài ngắm giáo dân thu lượm những di tích đó của ngôi nhà thờ cũ thân yêu của họ, ngài nghĩ, "Quả thực các chiếc đinh, các chiếc đinh của thập giá Chúa Kitô, đã giữ cho Giáo Hội lại với nhau!"

Giáo Hội, gia đình của chúng ta, có sự phục sinh; Giáo Hội chúng ta có sự chết. . . Giáo Hội chúng ta có sự chữa lành, Giáo Hội chúng ta có những vết thương. Giáo Hội có cả hai thứ này.

Các bạn biết ai diễn tả điều ấy rất tốt không? Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả, cách nay mười lăm thế kỷ! Ngài từng nói:

"Vì bình minh thay đổi dần dần từ bóng tối qua ánh sáng, Giáo Hội. . . rất thích hợp được ví như bình minh. Bình minh chỉ gợi ý rằng đêm đen đã qua đi. Nó vẫn chưa tỏ hiện sự rạng rỡ trọn vẹn của ban ngày. Trong khi xua tan bóng tối và đón chào ánh sáng, nó giữ trong tay cả hai, điều này trộn lẫn với điều kia. Giáo Hội cũng thế".

Tôi cho rằng tất cả các các bạn đều đồng ý với tôi rằng ngày nay, chúng ta đang có một thách thức lớn lao trong việc đổi mới niềm tin Công Giáo của chúng ta, rằng Chúa Giêsu và Giáo Hội của Người là một.

"Chúng ta chỉ có thể có Thiên Chúa là Cha chúng ta, nếu chúng ta có Giáo Hội là Mẹ của chúng ta", như Thánh Cyprianô đã tuyên bố trong thế kỷ thứ hai.

Tôi không biết các bạn có đồng ý với chiến lược của tôi hay không, rằng một cách làm mới lại vẻ lộng lẫy của Giáo Hội là nói về Giáo Hội như gia đình thiêng liêng của chúng ta, một gia đình có những thành viên thiếu sót, tội lỗi, bị thương tích. Chính tôi cũng vẫn đang nghiền ngẫm về nó.

Nhưng tôi biết rằng con người ngày nay đánh giá cao sự trung thực và lòng khiêm tốn. Tôi biết: những người rời bỏ Giáo Hội nói cho chúng ta biết lý do họ lìa bỏ là vì mặt tối của Giáo Hội.

Nếu thế giới thấy chúng ta khiêm tốn và trung thực, sẵn sàng nhận thức các sai sót của chúng ta, ăn năn vì chúng, và mong muốn sửa chữa chúng;

Nếu nền văn hóa đầy ngờ vực này thấy chúng ta không phải là một định chế lạnh lùng hay một viện bảo tàng trống rỗng, nhưng là một gia đình ấm áp, dịu dàng, mời mọc, biết chia sẻ các trục trặc về chức năng mà gia đình tự nhiên nào cũng có, và chúng ta không "chọn" Giáo Hội của chúng ta nữa như chúng ta không " chọn " gia đình trong đó chúng ta sinh ra, một gia đình chúng ta không từ bỏ, dù có lúc chúng ta muốn từ bỏ, thì có lẽ Giáo Hội sẽ được hồi sinh.

Nếu chúng ta không sợ biểu lộ các vết thương của chúng ta, các vết thương của gia đình chúng ta, tức Giáo Hội, thì có lẽ các vết thương khác sẽ quay trở lại.

Khi Cha Pio được phong chân phúc, tôi đang làm viện trưởng Cao đẳng Bắc Mỹ ở Rôma. Chúng tôi làm chủ nhà cho hàng trăm người hành hương từ Mỹ đến dự biến cố này.

Trong số họ, có khá nhiều cựu chiến binh Thế chiến II, những người từng gặp Cha Pio sau chiến tranh, và tất cả họ đều có những câu chuyện để kể.

Tôi đã trò chuyện với một nhóm người trong số họ từng cùng được gặp vị thánh với nhau, và họ đã dỗ dành Anthony, một trong số họ, chia sẻ với tôi về cuộc gặp gỡ đó.

"Vâng," Anthony bẽn lẽn bắt đầu "lúc đó là năm 1945, và những người này mời tôi lấy xe lửa xuống San Giovanni Rotundo và tham dự Thánh Lễ sáng sớm của Cha Pio. Tôi không hề phấn khởi bao nhiêu, vì tôi phần nào là một người Công Giáo sa ngã, và khá hoài nghi tất cả những điều ấy, nhưng tôi đã đi cùng đi chuyến ấy. Rồi, sau Thánh Lễ, chúng tôi được mời đứng thành hàng dài để chào đón Cha Pio. Tôi không hề có ấn tượng gì. Những anh chàng khác này thì rất nôn nao và xum xoe đối với ngài. Không có những chuyện đó đối với tôi! Nên lúc Cha Pio đến với tôi, tôi trêu chọc ngài "Cho con xem những vết thương của cha!" Trước đó, tôi có nghe nói rằng ngài được in dấu thánh, tức năm vết thương của Chúa Giêsu trên thập giá, nhưng ngài mang găng che nửa bàn tay và các bàn tay này bị bao phủ hết. Mọi người há hốc miệng và cố gắng bảo tôi ngậm miệng lại. Nhưng tôi yêu cầu một lần nữa, 'Cho con xem các vết thương kia đi!'

Cha Pio nhìn tôi, mỉm cười và trả lời: ‘Con cho cha xem các vết thương của con đi!’ Tôi nhìn lại ngài và nói, ‘cha đang nói gì vậy? Con có cho là con có các vết thương như cha đâu! Cha hãy cho con xem các vết thương của cha đi!'

Rồi, Cha Pio thì thầm nói với tôi: "À, này anh bạn, tôi sẽ vui lòng cho bạn thấy các bàn tay và các bàn chân của tôi. Nhưng, bạn hãy tin tôi đi, bạn cũng có các vết thương nữa đấy!” Và với những lời này, ngài dẫn tôi đến tòa giải tội, và ở đấy, tôi đã trút hết ruột gan của tôi ra với ngài, ‘vì tôi chắc chắn đã có rất nhiều tội lỗi, rất nhiều vết thương".

Thế đấy, gia đình chúng ta, tức Giáo Hội cũng có những vết thương. Chúng ta không hề sợ phải biểu lộ chúng cho thế giới, một thế giới cũng đầy các vết thương chỉ có thể được chữa lành bởi Chúa Giêsu mà thôi.

Don Corleone (God Father, Bố Già) từng nói với con trai Michael, của ông rằng "Cuối cùng, gia đình là tất cả những gì chúng ta có".

Cuối cùng, gia đình thiêng liêng của chúng ta, tức Giáo Hội, là tất cả những gì chúng ta có.

Và Giáo Hội xứng đáng để ta chết cho, và xứng đáng để chúng ta sống cho.

Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từng khuyên bảo "Tình yêu đối với Chúa Giêsu và Giáo Hội của Người là niềm đam mê của đời ta!"

Vì, như De Lubac từng nói, "Làm sao tôi biết được Người, nếu không có Bả (Giáo Hội)".