KỶ NIỆM 100 NĂM HÀN MẶC TỬ, bài 6
Ca Trưởng Nguyễn Kim Tuấn thiết kế chương trình Văn Nghệ

« HÀN MẶC TỬ NGƯỜI LỮ HÀNH DƯỚI TRĂNG »

Ba xướng ngôn viên : Hồn (Nga), Hàn Mặc Tử (Thường) và Tâm (Lan)]

Đây là bài thứ sáu trong loạt 8 bài « Kỷ Niệm 100 năm Hàn Mặc Tử »
1. Đức cha Hoàng Văn Đạt dâng lễ Lòng Chúa Thư ơng xót, cầu cho Hàn Mặc Tử
http://vietcatholic.net/News/Html/97284.htm
2. Kỹ sư Trần Anh Dũng giới thiệu Ngày Văn hóa 100 năm Hàn Mặc Tử và Thư viện Giáo xứ
http://vietcatholic.net/News/Html/97337.htm
3. Đức cha Hoàng Văn Đạt bình và hát bài Tình sử « Hàn Mặc Tử »
http://vietcatholic.net/News/Html/97362.htm
4. Giáo sư Đỗ Mạnh Tri thuyết trình về «Thinh lặng và siêu thoát trong thơ Hàn Mặc Tử »
http://vietcatholic.net/News/Html/97385.htm
5. Giáo sư Lê Đình Thông nói về «Thơ Tin, Cậy, Mến của Hàn Mặc Tử »
http://vietcatholic.net/News/Html/97407.htm
6. Văn nghệ với chủ đề « HànMặc Tử người lữ hành dưới trăng »
7. Giáo sư Đặng Tiến cho cảm tưởng về Ngày Văn hóa Kỷ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử
8. Lời bạt : Những Hàn Mặc Tử mới đang xuất hiện



LỜI GIỚI THIỆU

Paris, ngày chủ nhật 15.04.2004, Thư viện Giáo xứ Việt Nam mừng sinh nhật thứ 22 và tổ chức Ngày Văn Hóa « KỶ NIỆM 100 NĂM HÀN MẶC TỬ ». Khoảng 400 người đã đến tham dự. Ca trưởng Nguyễn Kim Tuấn, Ca trưởng Ca Đoàn GXVN, đã thiết kế một chương trình Văn Nghệ. Sau nhiều tìm tòi và suy nghĩ ông đã chọn đề tài gắn liền nhất với Thi Sĩ Hàn Mặc Tử, là Trăng, với chủ đề đầy đủ là : « Hàn Mặc Tử, người lữ hành dưới trăng.

Vào những năm cuối 70, đầu 80, ca trưởng Nguyễn Kim Tuấn cùng với ca trưởng Bùi Văn Triển, đã là những ca viên trong Ca Đoàn Giáo Xứ do cha Nguyễn Duy Linh điều khiển. Dần dà, hai anh đã thành những thành phần cốt cán, có giọng ca điêu luyện của ca đoàn. Trong khoảng những năm cuối 80, họ đã thành hôn với hai giọng oanh vàng khác trong ca đoàn : Kim Tuấn với Bạch Thảo, Văn Triển với Kim Lan, cả bốn hiện đều là trợ tá đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể. Vào khoảng năm 1986, Văn Triển đã bắt đầu sinh họat với đoàn và từ đó lập ra một ca đoàn thứ ba, sau Ca Đoàn Giáo Xứ, lập từ những năm 40 và ca đoàn Lê Bảo Tịnh, lập vào năm 1985. Đó là Ca ĐoànThiếu Nhi Thánh Thể. Từ đó, hai ca trưởng Kim Tuấn và Văn Triển đã thay nhau, cùng với vài người khác nữa, điều khiển hai Ca đoàn Giáo xứ và Ca đoàn Thiếu nhi. Từ đây, trong tất cả những đại lễ ở Giáo xứ hay ở Nhà thờ Đức Bà Paris, hay trong các Buổi Văn Nghệ của Giáo xứ, của Thiếu nhi, của Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam, nghĩa là trong tất cả những buổi hát thánh ca đại trào, những buổi trình diễn văn nghệ quan trọng, đều do hai anh thiết kế, tập luyện và điều khiển.

Buổi văn nghệ hôm nay « Kỷ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử » đã được ca trưởng Nguyễn Kim Tuấn thiết kế và ca trưởng Bùi Văn Triển điều khiển, với chủ đề « Hàn Mặc Tử, người lữ hành dưới trăng ». Do đâu mà có chủ đề này ? Theo ca trưởng Nguyễn Kim Tuấn, thì ý tưởng chỉ đạo làm nguồn hứng cho đề tài là cuộc lữ hành của Nhân gặp Địa và Thiên. HÀN MẶC TỬ là NHÂN, trên đường lữ hành, đã gặp gỡ và tiếp xúc với môi trường, cảnh trí, người vật của Địa là TÂM và đã khám phá ra môi trường tâm linh thiêng liêng của Thiên là HỒN. Và trên cuộc lữ hành này, đâu đâu Hàn Mặc Tử cũng gặp trăng, thấy trăng, uống trăng, ngậm trăng, …

Nhập đề, cuộc lữ hành dưới trăng của Hàn Mặc Tử khởi đầu với vấn nạn « Tôi là ai, tôi làm gì, tôi mong gì » ? – Tôi làm trăng cổ độ. Tôi làm Tô Đông Pha. Tôi bắt chước Hi Di. Tôi thấy nàng Tây Thi. Tôi yêu trời nguyệt bạch, Tôi say màu thanh thiên, Tôi ưng ả thuyền quyên. Cho tôi hoa đền ngự. Cho tôi lòng ni cô.

Lữ hành phần I : Gặp Địa, Tiếp xúc với không gian, trăng mờ, huyền mơ ; Với thời gian, tráng lệ, thời xanh, với lớp bụi, khốn khổ, đi qua, bất diệt : Từ hữu hạn, nghi vấn về vô hạn, từ nhòa biến, nghi vấn về bất diệt ; Gặp gỡ tình quê, đụng độ tình yêu, nghi vấn về tình : Tình đích thực có cần đối tượng đền đáp chăng ? Huyền ảo nhân ra như có lời mời gọi « Người sẽ ra khỏi cuộc đời lữ hành này để đi vào một cuộc lữ hành khác ».

Lữ hành phần II : Gặp Thiên, Khám phá một mùa xuân mới ra đời ; Khám phá ra Lòng Chúa Thương Xót ; Khám phá ra « Hồn » ; Tìm được « bình an như nguyệt bạch », « ánh sáng tuyệt vời bay » ; Muốn làm dấu thánh giá ; Muốn « Chắp hai tay lạy quỳ hoan hào, ngửa trông cao, cầu nguyện trắng không gian ».

Chung Kết : Như say, như ngây ngất và nghe vang vang đâu đây lời tung hô Chào Bà Maria « Ave Maria ».


HÀN MẶC TỬ NGƯỜI LỮ HÀNH DƯỚI TRĂNG

Ba nhân vật :
Hàn Mặc Tử (HMT). (Thường)
Hồn. (Nga)
Tâm : Tiếng « tâm » của Hàn Mặc Tử. (Lan)

1/ (Lan, Thường và Nga bước ra, Thường đứng giữa, Nga và Lan hai bên)
(Musique de fond : vivante, d'espérance)

HMT (cười to) Ha ha ha ha.... (rồi nói) Tôi làm trăng cổ độ.
Tâm : Lượng trời rộng bao la.
HMT : Tôi làm Tô Đông Pha.
Hồn : Đàn tương tư lạc điệu.
HMT : Thơ tôi thương huyền diệu.
Tâm : Mọc lên đạo từ bi.
HMT : Tôi bắt chước Hi Di.
Hồn : Ngủ một trăm ngày dậy..
HMT : Xem mặt trời đang cháy.
Tâm : Là điềm có tiên tri.
HMT : Tôi thấy nàng Tây Thi.
Hồn : Giặt sa trên bàn thạch.
HMT :
Tôi yêu trời nguyệt bạch
Tôi say màu thanh-thiên.
Tôi ưng ả thuyền quyên
Ở trong pho tình sử.
Hồn: Cho tôi hoa đền ngự.
Tâm : Cho tôi lòng ni-cô.
Hồn và Tâm :
Xuân trên má nường thơ.
Ngon như tình mới cắn.
HMT (cười to) Ha ha ha ha.... (rồi nói lập đi lập lại 3 lần) : Tôi làm trăng cổ độ...
(Trong lúc đó Hồn và Tâm cũng lập đi lập lại 3 lần) : Lượng trời rộng bao la...

2/ ( HMT và Hồn đi xuống, Tâm ở lại)
(Musique de fond : vivante, d'espérance, la même que le numéro 1/)

Tâm : Từ vạn cổ trăng đã ở trong tôi, từ vạn cổ tôi đã ở trong trăng, đường tôi đi là đường trăng, vòng trăng quay làm ra những vũng xoáy đời tôi. Tôi đi tìm trăng trong nỗi bất hạnh của kiếp người, thoáng gặp thoáng không, như một người lữ hành đi tìm quê hương, bơ vơ trên sóng cả hồn trăng, gần lắm, xa lắm, rợn rùng lắm, tê điếng lắm, mà cũng thênh thang lắm, kỳ diệu lắm, đê mê lắm, thiêng liêng lắm, thiêng liêng như một sáng thế, một khởi đầu... « Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu »....

(Ca đoàn bước ra hát « Đà lạt Trăng Mờ » do hai Ca đoàn Thiếu Nhi và Giáo Xứ, dưới sự điều khiển của ca trưởng Bùi Văn Triển).

3/ (HMT và Hồn bước ra)
(Musique de fond : lente, réfléchie)
HMT (bâng khuâng) :
Còn đâu tráng lệ những thời xanh
Mùi vị thơm tho một ái tình.
Đố kiếm cho ra trong lớp bụi.
Ít nhiều hơi hám của kiên trinh.
Thời gian... thời gian... Hồn ơi, sao ta không giữ được thời gian, những mẩu thời gian khốn khổ ?
Hồn : Chàng hỡi, đừng nguyền rủa thời gian, hãy để nó giữ lấy vai trò của nó trong vùng tương đối của cõi nhân sinh, của vũ trụ hữu hình, nó có nhanh như ánh sáng, hay chậm như nhịp đập con tim thì có hề gì ? Nó chỉ là một nhắc gợi, một vết bóng con người dưới ánh trăng đêm.
HMT : Hồn có biết hay không :
Chỉ có trăng sao là bất diệt
Cái gì khác nữa thảy đi qua.
Hồn : Không hẳn là như thế, rồi chàng sẽ hiểu, có những mối tình muôn đời bất diệt, như ánh trăng của động đá Sa Kỳ, ánh trăng của một vùng thơ ấu, nó đã là một phần đời của chàng, in đậm, thẳm sâu, dẫu đơn sơ, nép kín, dẫu chỉ là một chút « Tình Quê ».

(Đơn ca « Tình Quê » do Lệ Thanh).

4/ (Tâm bước ra)

(Musique de fond : lente, réfléchie la même que le numéro 3/)

Tâm : Cái cò lặn lội bờ sông, gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.
Rời khỏi ánh trăng vàng, giờ đây tôi đang dừng chân giữa cánh đồng bạt nắng, xuân trong không gian thơm đặm thời gian. Tôi đã đi đươc bao lâu trong cuộc lữ hành ? Tôi đã đi được bao xa trên con đường vô định ? Xuân dường như đã chín, xuân sắp rụng hay chưa ? Ngay cả mùa xuân mà cũng hữu hạn hay sao ? Nếu vậy thì có gì là vô hạn ? Những yêu thương ngày nào rồi cũng sẽ rụng rơi, nhòa biến. Nhớ quá quê tôi, nhớ quá bóng người gánh gạo như cánh cò lặn lội.
Chị ấy năm nay còn gánh thóc.
Dọc bờ sông trắng nắng chan chan?
(Ngâm thơ « Mùa xuân chín » do Mỹ Ly).

5/ (HMT và Hồn bước ra)
(Musique de fond : nostalgique)

Hồn : Sao từ lâu chàng không về thăm lại thôn Vỹ Dạ dấu yêu ?
HMT : Hồn ơi, từ độ « Gió theo lối gió, mây đường mây » ta đã mất cả đường về. Áo nàng trắng quá nhòa cả nét yêu xưa. « Ở đây sương khói mờ nhân ảnh ». về làm gì, về làm gi !!!!
Hồn : Nhưng tình chàng thì vẫn đậm ?
HMT : Có ích gì khi tình người đã nhạt ?
Hồn : Tình đích thực có cần đối tượng đáp đền chăng ?
HMT : Có lúc ta đã viết :
« Cho ta nhận lấy không đền đáp
Ơn trọng thiêng liêng xuống bởi trời »
Nhưng ta có đủ bao la và độ lượng để không cần ân tình vọng lại ?
Hồn : Cứ đi về « Thôn Vỹ Dạ » hỏi « bến sông trăng » biết đâu ta sẽ được câu trả lời chàng nhé.

(Đơn ca « Thôn Vỹ Dạ », do Bạch Thảo).

6/ (Tâm bước ra)
(Musique de fond : nostalgique, la même que le numéro 5/)

Tâm : Tôi đi tìm trăng, tôi tưởng chừng trăng sẽ là câu trả lời cho tất cả, cho đến một đêm trăng huyền ảo nọ, khi mà :
« Có thứ gì rơi giữa khoảng im
Rơi tự thượng tầng không khí xuống.
Tiếng vang nhè nhẹ dội vào tim ».
Bỗng dưng tôi chợt nhận ra hình như có một gọi mời nào đó, nhẹ nhàng mà sâu thẳm, từ hư vô vọng lại, như nói với tôi rằng : « Người sẽ ra khỏi cuộc lử hành này để đi vào một cuộc lử hành khác ». Tôi nhìn ra, ánh trăng vẫn vô cùng huyền ảo.

(Ngâm thơ « Huyền ảo », do Phượng Liên).

7/ (HMT, Hồn vàTâm bước ra)
(Musique de fond : Nostalgie, la même que le numéro 5/)

Tâm : Trăng nhẹ của tôi ơi, trăng vàng trăng ngọc của tôi ơi, trăng sáng của tôi ơi, trăng lụa, trăng tơ, trăng sữa. Tôi đã đùa với trăng, tôi đã chạy theo Trăng, tôi uống trăng, tôi say trăng, tôi mệt nhoài ngủ vùi bên trăng. Thơ tôi là trăng mớm, tình tôi thì trăng ban, ngực tôi trăng phủ, hơi thờ dồn theo trăng, mạch máu tôi rạo rực những đêm trăng, tôi yêu trăng, tôi thèm trăng, tôi ghen với trăng, tôi mơ trăng, tôi nuốt trăng, tôi ghì lấy để trăng hòa trong tôi... thành một... thành tôi... thành trăng...
Nhưng trong cơn say ngất ngây xương thịt bỗng nhói đau, tê điếng, một rạn vỡ trong tôi, từng tế bào nứt nẻ, da thịt thôi sáng láng, xương khớp đặc nỗi sầu,. Tôi ọc ra trăng, từng vũng trăng lạnh buốt, trăng rướm máu còn tôi thì bất giác, bất giác, hoang mang, hoang mang.
Hình như có một tôi, muốn vùng ra, thoát ra, vượt qua, ra đời... Phải, giữa cõi hoang mang, có một mùa xuân mới phải ra đời.
HMT :
Xuân ra đời điềm ngọc ấm như ngà.
Thơ có tuổi và chiêm bao có tích.
Và tâm tư có một điều rất thích.
Không nói ra vì sợ bớt say sưa.
Hồn : Chàng ơi ! Chàng ơi ! Sự lạ hôm qua
Mùa xuân tới mà không ai biết cả.

(Ca đoàn bước ra hát « Ra Đời » do hai Ca đoàn Thiếu Nhi và Giáo Xứ, dưới sự điều khiển của ca trưởng Bùi Văn Triển).

8/ (Tâm bước ra)
(Musique de fond : tristesse, doute, désespoir)
Tâm : Sau cùng, ông Gióp mở miệng nguyền rủa ngày ông chào đời. Ông Gióp lên tiếng nói : Phải chi đừng xuất hiện ngày tôi đã chào đời, cũng như đêm đã báo : "Đứa con trong bụng mẹ là một nam nhi !". Phải chi ngày ấy là đêm tối, phải chi từ nơi cao thẳm Thiên Chúa đừng để ý tới ngày ấy làm gì ?
Phải chi tinh tú ban mai thành tăm tối mịt mờ, và ban mai uổng công chờ ánh sáng, không hề thấy bình minh xuất hiện. Vì đêm ấy đã không đóng kín lòng dạ cưu mang tôi khiến mắt tôi khỏi nhìn thấy đau khổ. Sao tôi không chết đi lúc vừa mới chào đời, không tắt thở ngay khi lọt lòng mẹ ?
Ông Gióp ơi, ông là nỗi bất hạnh ngày xưa, còn tôi là nỗi bất hạnh ngày nay. Tôi mang gì trong tôi, một vũng tội từ thưở hồng hoang, một kết án, một trừng phạt ? Hay một lãng quên, loại bỏ ? Cùng đích đời tôi sẽ là gì, có lẽ chỉ là một khoảng không nằm trong một cõi cô liêu vô hạn, dành riêng cho những kẻ nằm bên lề nhân loại...
« Chao ơi ghê quá trong tư tưởng
Một vũng cô liêu cũ vạn đời ».

Ai xót thương tôi hay chỉ có chính tôi ?

(Tốp ca « Chúa xót Thương », do Bạch Thảo, Lệ Thanh, Lan Hương và Kiều Thụy).

9/ (HMT, Hồn và Tâm bước ra)
(Musique de fond : tristesse, doute, désespoir, la même que le numéro 10/)

Hồn : Hình như chàng có điều muốn ngỏ ?
HMT : Hồn là ai ?
Hồn : Là một thụ tạo như chàng.
HMT : Hồn có tự bao giờ.
Hồn : Từ lúc chàng đã có mặt trong con tim Thượng-đế, Hồn đã ở bên chàng.
HMT : Hồn là ta và ta là Hồn hay sao ?
Hồn : Không hẳn thể.
HMT : Sao Hồn cứ quấn quýt mãi bên ta không rời ?
Hồn : Ta không thể xa nhau, như ánh trăng không thể có nếu không có vầng trăng.
HMT : Hồn muốn cợt ta, Hồn muốn đùa ta đấy, Hồn ơi ! Hồn ơi !.
Tâm : Hồn là ai là ai? tôi chẳng biết
Hồn theo tôi như muốn cợt tôi chơi
Môi đầy hương tôi không dám ngậm cười
Hồn vội mớm cho tôi bao ánh sáng
HMT : Tôi chết giả và no nê vô vạn
Cười như điên, sặc sụa cả mùi trăng
Áo tôi là một thứ ngợp hơn vàng
Hồn đã cấu, đã cào, nhai ngấu nghiến
Tâm : Thịt da tôi sượng sần và tê điếng
Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên
Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm
Cho trăng ngập trăng dồn lên tới ngực
(dừng lại một chút rồi tiếp)
HMT và Hồn :
Hai chúng tôi lặng yên trong thổn thức
Rồi bay lên cho tới một hành tinh
Cùng ngả nghiêng lăn lộn giữa muôn hình
Để gào thét một hơi cho rởn ốc
Cả thiên đường trần gian và địa ngục

HMT, Hồn và Tâm :
Hồn là ai? là ai! tôi không hay
Dẫn hồn đi ròng rã một đêm nay
Hồn mệt lả mà tôi thì chết giấc

(Tâm đi vào, HMT và Hồn ở lại, HMT mệt mỏi ngồi xuống ghế)
(Musique de fond : priante, calme)

HMT :
Trời hôm nay bình an như nguyệt bạch.
Đường trăng xa ánh sáng tuyệt vời bay....
Hồn : Chàng dường như đang cầu nguyện ?
HMT : Ta muốn làm dấu thánh giá.
Hồn : Chàng còn chờ gì mà không làm dấu ?
HMT : Tay ta đã tê cứng mất rồi. Than ôi cả đời ta làm dấu ba ngôi, Đến lúc này chỉ ước ao được thêm một lần dấu ấ trên ta mà chẳng được ?
Hồn : Chàng đừng lo, Ba Ngôi đã in dấu trên Chàng từ muôn thưở. Hãy làm dấu bằng tim, bắng óc, bằng hơi thở, bằng cả châu thân...

(Hồn đỡ HMT vào, tốp ca « Làm Dấu », do Toàn, Bạch Thảo, Kiều Thụy, và Vũ )

(Hồn đỡ HMT đi ra ngồi vào ghế, Tâm đi ra đứng bên cạnh)

HMT : Hình như hồn muốn lìa xa ta ? Hồn đã hứa sẽ chẳng bao giờ xa ta cả mà...
Hồn : Chàng ạ, đã đến lúc cuối đường tắt nắng. Con đường có dài đến đâu cũng phải chạm góc chân trời, cuộc lữ hành này đến lúc phải tận cũng như mọi bài thơ phải tận. Cái đồng hồ thể xác phải gõ nhịp cuối cùng.
HMT : Rồi ta sẽ mất Hồn, ta sẽ mất chính ta hay sao ?
« Ôi hồn thiêng liêng không hề chết đặng,
Làm sao hồn chẳng hiểu nghĩa vô biên
Ngày tận thế sẽ là ngày tán loạn
Xác của hồn, hồn của xác y nguyên ».
Hồn : Chàng sẽ vẫn là Chàng dù rất khác, một biến hình trong cõi vô biên. Chàng đừng sợ vì có một bàn tay đang đợi đón Chàng trong chuyến vượt qua này, hãy giao hết, phó hết, Chàng nhé...
Tâm : Ta chắp hai tay lạy quỳ hoan hảo
Ngửa trông cao, cầu nguyện trắng không gian.
Để vừa dâng vừa hiệp bốn mùa xuân.
Nở một lượt giàu sang hơn Thượng-đế.

(HMT gục xuống, Hồn khoác lên vai chàng một mảnh khăn trắng. Hồn đi vào thắp một ngon nến bước ra. Cả ca đoàn bước ra đứng phía sau. Hồn đưa nến cho Tâm, lấy tấm khăn trắng ra, HMT choàng thức dậy đứng lên. Tâm đưa nến cho HMT).

HMT : Ta đang ở đâu đây ?
Hồn : Ở một nơi mà « Cây bằng gấm và lòng sông toàn ngọc ».
HMT : Bây giờ là mùa nào ?
Tâm : Mãi mãi xuân « bốn mùa xuân cả bốn ».
HMT : Ồ nhìn xem, ánh sáng nào dịu quá, có phải là ánh trăng xưa ?
Hồn : Chỉ là Thần Nhạc « Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng ».
HMT : Ta có còn mãi được làm thơ ?
Tâm : Nơi đây chỉ có thơ và thơ, thơ chí tôn, thơ bất diệt, vì là nơi trú ngụ của Ngôi Lời.
HMT : Ta như say, như ngây ngất quá đỗi.
Tâm : « Trí tôi hớp bao nhiêu là khí vị,
Và trong miệng ngậm câu ca huyền bí.
Và trong tay nắm một nạm hào quang,
Tôi no rồi ơn võ lộ hòa chan... »
HMT : Nghe như vang vang đâu đây lời tung hô... Ave Ave
HMT, Hồn, Tâm : Ave Maria...

(Hợp ca Ave Maria, do hai Ca đoàn Thiếu Nhi và Giáo Xứ, dưới sự điều khiển của ca trưởng Bùi Văn Triển).

LỜI KẾT

Bài hợp ca kết thúc này không phải để chấm dứt, nhưng để nối dài, nối dài giữa hai bản nhạc của Hải Linh và của Phạm Duy, của hai thế hệ giọng hát già và giọng hát trẻ. Một bài hợp ca uyển chuyển, tha thiết, mơ màng, thần nhạc, lôi cuốn.

Dưới sự điều khiển của ca trưởng Bùi Văn Triển, hơn hai mươi ca viên của hai Ca đoàn Giáo Xứ và Ca đoàn Thiếu nhi đã làm say mê hội trường qua ba bài hợp ca lừng danh Ave Maria, Ra Đời và Đà Lạt Trăng Mờ.
Hai bài tốp ca, hai bài đơn ca và hai bài ngâm thơ đã được những giọng ca điêu luyện và giọng ngâm tha thiết của các ca sĩ và nghệ sĩ nổi danh của giáo xứ trình diễn : Lệ Thanh, Mỹ Ly, Bạch Thảo, Phương Liên, Kiều Thụy, Lan Hương, Toàn và Vũ.

Kỹ thuật âm nhạc cao, xướng âm chỉnh, các ca đoàn và ca sĩ đã cho cộng đoàn và thân hữu thưởng thức một buổi văn nghệ tuyệt vời. Tuyệt vời không chỉ vì giọng hay, cung đúng, âm đẹp, mà nhất là vì tâm tình truyền cảm. Người nghe như thấy được hồn, cảm được tâm của người hát ; bởi ngưởi hát đã bỏ hết hồn mình vào lời ca, giọng hát, âm ngâm.

Paris, ngày 25 tháng 04 năm 2012

NGUYỄN KIM TUẤN và TRẦN VĂN CẢNH