KỶ NIỆM 100 NĂM HÀN MẶC TỬ

KỸ SƯ TRẦN ANH DŨNG CHÀO MỪNG VÀ GIỚI THIỆU


« Ngày Văn hóa Kỷ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử và Thư viện Giáo xứ»

Kỷ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử

(Bài 2 : Giới thiệu Ngày Văn hóa Kỷ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử và Thư viện Giáo xứ)

Paris, ngày chủ nhật 15.04.2004, Thư viện Giáo xứ Việt Nam mửng sinh nhật thứ 22 và tổ chức Ngày Văn Hóa « KỶ NIỆM 100 NĂM HÀN MẶC TỬ ». Khoảng 400 người đã đến tham dự. Mở đầu, cả Nhóm đồng ca bài « Những nẻo đường Việt Nam » và Trưởng Nhóm, Kỹ sư Trần Anh Dũng, nói Lời Chào Mừng và Giới Thiệu.

Kính thưa Đức cha Giáo Phận Bắc Ninh,

kính thưa quí Cha, quí vị Quan Khách và các Bạn Hữu,

Cha Giám Đốc Thư Viện Giáo Xứ Đinh Đồng Thượng Sách và ban điều hành hân hoan chào mừng quí vị trong ngày mừng Sinh Nhật thứ 22 của Thư Viện Giáo Xứ Việt Nam Paris (1).

Sau lời chào mừng, tôi xin phép được giới thiệu về Ngày Văn Hóa “Kỷ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử”, rồi về Thư Viện Giáo Xứ Việt Nam.

1. Ngày Văn Hóa “Kỷ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử” (2)

Bài đồng ca “ Những nẻo đường Việt Nam ” mà Thư Viện hàng năm chọn làm lời chào mở đầu, nhưng cũng là lời mời gọi tất cả mọi người đến với Thư Viện Giáo Xứ từ các nẻo đường Nam Bắc Trung. Qua bài đồng ca “ Những nẻo đường Việt Nam ” anh chị em thư viện cũng muốn nói lên tình yêu quê hương và nhất là nói lên tình yêu dân tộc qua tiếng mẹ đẻ của mình : Tiếng Việt.

Vấn đề Đọc, Viết, Nói và Hiểu tiếng Việt là trọng tâm trong tinh thần duy trì văn hóa dân tộc. Nhưng có lẽ Nói và Hiểu tiếng mẹ đẻ là trọng tâm hàng đầu của người Việt Nam sống nơi xứ người. Tổ tiên chúng ta, tổ tiên Lạc-Việt sáng tạo ngôn ngữ tiếp nối từ đời này qua đời nọ, gọt dũa, thêm bớt ; Và với thiên tài, khiếu văn chương, cha ông ta đã duy trì và phát triển văn hóa dân tộc, trường tồn và phong phú tiếng việt qua 4000 năm, ngay cả trong suốt 1000 năm dưới sự đô hộ của Tàu.

Thật vậy:

Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời …
Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi!
Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi,


Bài Tình Ca của Phạm Duy do Thái Thanh hát mà tôi được nghe khi còn ở quê nhà , đến nay đã hơn 40 năm, vẫn làm cho lòng tôi thổn thức và tôi tin chắc rằng tất cả mọi người có mặt hôm nay cũng có cùng một tân trạng như tôi.

Chưa một dân tộc nào lại nặng tình gia đình, tình quê hương bằng dân tộc Việt Nam. Trong tâm tình “Yêu tiếng nước tôi,yêu tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi”, trong tâm tình mừng 22 năm Thư Viện Giáo Xứ được thành lập, Thư Viện chọn kỷ niệm 100 năm sinh nhật thi sĩ Hàn Mặc Tử làm chủ đề cho Ngày Văn Hóa năm nay. GS Đỗ Mạnh Tri và GS Lê Đình Thông sẽ cho chúng ta thấy những đặc trưng về Hàn Mặc Tử và thơ Hàn Mặc Tử.

Chao ôi, cả một trời thơ, cả một vầng trăng của Hàn Mặc Tử sẽ làm cho lòng chúng ta thổn thức trong chương trình văn nghệ dưới sự điều khiển của hai ca trưởng Nguyễn Kim Tuấn và Bùi Văn Triển.

2. Thư Viện Giáo Xứ Việt Nam Paris

Kính thưa Đức cha,

kính thưa quí cha, quí vị quan khách và bạn hữu,

Người Việt Nam chúng ta mỗi khi nói đến thơ hay nói về thơ là nói đến Văn Chương Việt Nam. Thật vậy, Văn chương Việt Nam thể hiện sự cốt yếu của ngôn ngữ dân tộc Việt Nam. Nó bao gồm thi ca, tiểu thuyết, kịch nghệ, phê bình, văn học, khảo cứu, luận thuyết, sử học, triết học và ngay cả tôn giáo….Nói như thế văn chương là một kho chứng tích văn hóa.

Để chứng minh điều này, Thư Viện Giáo Xứ có nhiều tác phẩm văn chương lớn nhỏ, những pho sử ký viết bằng văn xuôi, hơn ngàn cuốn sách chuyên đề Văn Hóa, Tôn Giáo, Triết Lý…. quí vị sẽ thấy một triết lý như:

Nhập thế cục bất khả vô văn tự (Trần Tế Xương)

Thư Viện Giáo Xứ không chỉ có tiểu thuyết, kịch nghệ, chuyện kiếm hiệp để đọc giải trí ; Nhưng Thư Viện còn có những tiểu thuyết lịch sử lôi cuốn chúng ta trở lại các thời vàng son của nước Đại Việt qua các tác phẩm như Tiêu Sơn Tráng Sĩ, Anh Hùng Lĩnh Nam, Nam Quốc Sơn Hà….và khi nói về lịch sử phụ nữ Việt Nam, ai mà không hảnh diện cho phái nữ khi đọc sự tích Hai Bà Trưng:

Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân.


Thư Viện Giáo Xứ có nhưng tác phẩm văn chương đem lại cho người đọc những cảnh trí, địa lý của quê hương xứ sở, những tác phẩm như Hà Nội 36 phố phường hay Hoàng Việt Địa Dư Chí, Làng Bùng Trạng Bùng….và quí vị sẽ tìm thấy hình ảnh quê hương như:

Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về


Hay :

Rồng chầu ngoài Huế
Ngựa tế Đồng Nai,
Nước sông sao cứ chảy hoài
Thương người xa xứ lạc loài đến đây


Thư Viện Giáo Xứ có các thi phẩm để đời mà hầu như ai cũng biết đến như Chinh Phụ Ngâm Khúc, Chuyện Kiều, Gia Huấn Ca….các thi phẩm của các thi sĩ hiện đại như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Bính…quí vị sẽ nghe lại âm hưởng của một:

Ngậm một khối căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua. (Thế Lữ)


Hay một

Nắng chia nữa bãi chiều rồi
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi là sầu (Huy Cận)


và rất nhiều thi phẩm khác.

Văn chương Việt Nam là một kho tàng văn hóa vô cùng quý giá cho dòng giống con Rồng cháu Tiên. Chúng tôi là hậu sinh, không chỉ tìm đến những ý nghĩa

“Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi, thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi!” ; nhưng còn quyết tâm gìn giữ kho tàng văn hóa này, quyết tâm chuyển đạt cái ý hướng trong lành của tổ tiên là quảng bác, là đôn hậu và là văn hóa của 4000 năm.

Thư Viện Giáo Xứ Việt Nam Paris tuy nhỏ nhưng phong phú , xúc tích. Cha Đinh Đồng Thượng Sách tận tâm phát triển, mở rộng mọi mặt của Thư Viện. Các anh chị điều hành thư viện nhiệt tâm phục vụ.

Thay mặt toàn thể anh chị em điều hành thư viện, tôi chân thành kính mời quí vị đến với thư viện, đọc sách, tham khảo tại chỗ hay mượn về đọc. Thư Viện Giáo Xứ cũng xin kêu gọi sự đóng góp và tham gia của tất cả mọi người trong cộng đồng người Việt Nam để duy trì văn hóa Việt Nam mà sự đóng góp và tham gia của quí vị rất đơn giản là truyền bá, giới thiệu Thư Viện Giáo Xứ cho các bạn hữu xa gần khác.

Hôm nay, sự hiện diện đông đảo của quí vị (gần 400 người) trong ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ là một đóng góp và tham gia cụ thể vào các sinh hoạt của thư viện giáo xứ. Đó là một khích lệ rất lớn cho anh chị em điều hành thư viện.

Tôi xin thành thật cám ơn và kính chúc quí vị một ngày Văn Hóa thật ý nghĩa.

Paris 15/04/2012
Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ Việt Nam Paris

Trần Anh-Dũng