LINH HỒN HÀN MẠC TỬ

Lời giới thiệu:

Nhân kỷ niệm 70 năm nhà thơ Hàn Mạc Tử, bài nghiên cứu vừa được công bố của cụ Phạm Đình Khiêm, “Linh hồn Hàn Mạc Tử”, giới thiệu một nét rất mới: Đời sống thánh thiện của nhà thơ trẻ. Bản gốc tiếng Việt của tác giả đã bị thất lạc. Bản dưới đây là bản dịch của Vĩnh An Nguyên Văn Sơn, dịch lại từ bản Pháp ngữ của cụ Võ Long Tê. Có thể xem đối chiếu trong quyển NHƯ HƯƠNG TRẦM BAY LÊN, Nxb Tôn Giáo 2010, tt. 79-180.

Đang khi cụ Phạm Đình Khiêm chuẩn bị xuất bản quyển sách, bản thân chúng tôi đã viết bài chia sẻ kỷ niệm 70 năm Hàn Mạc Tử, từ một góc nhìn khác nhưng rất bất ngờ lại cùng một chủ đề: “Hàn Mạc Tử, người kitô hữu trẻ trên lối vào nội tâm”. Mời quý độc giả tham khảo tại: http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=detail&ib=611

và: http://vietcatholic.net/News/Clients/ReadArticle.aspx?ID=86039

Thiết tưởng đây là một chủ đề cần được nghiên cứu rộng rãi để dọn mừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ, vào năm 2012 sắp tới đây.

Linh mục Trăng Thập Tự

Phạm Đình Khiêm


LINH HỒN HÀN MẠC TỬ

Từ Chơi Giữa Mùa Trăng đến câu chuyện Bà Như Lễ hay là ước mơ trong cõi thực và thực tại trong cõi mơ

Tiểu luận Tâm linh và Văn học

Tựa của Võ Long Tê

1974

Tủ sách Văn – Sử

LINH HỒN HÀN MẠC TỬ

Tiểu luận văn chương thần học

của Phạm Đình Khiêm

Dẫn nhập của Võ Long Tê

Một người bị bệnh phong đến trước Đức Giêsu nài xin: “Nếu ngài muốn ngài có thể chữa tôi lành.” Và Đức Giêsu chạm tay vào anh ta và nói: “Tôi muốn, hãy lành bệnh.” Ngay sau đó người phong hủi đã rời bỏ Đức Kitô (xem Lc 5,12-16; Mt 8, 2-4; Mc 1, 40-45). Về phần mười người phong hủi khác, họ đứng cách xa chỉ để Đức Giêsu nhìn thấy để không vi phạm luật của Môsê liên quan đến những người bị phong hủi. Thế nhưng họ nói to: “Lạy thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi.” Đức Giêsu truyền cho họ đi trình diện với các thầy tư tế và trong lúc đi đường, họ được chữa lành. Một người trong nhóm thấy mình được chữa lành, liền trở lại sấp mình dưới chân Đức Giêsu cảm ơn Ngài và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Buồn phiền vì không thấy chin người khác quay trở lại để cảm ơn Thiên Chúa như người Samari này, Đức Giêsu nói người này: “Hãy đứng dậy mà đi, đức tin anh đã cứu anh” (cx Lc, 17, 17-19).

Mặc dù hai trường hợp chữa lành kỳ diệu ấy bao hàm giáo huấn riêng, đó là trong trường hợp đầu, lòng thương xót của Chúa mau mắn chữa lành và trong trường hợp sau bổn phận làm con tri ân và tôn vinh Thiên Chúa Cha chúng ta; nhưng cả hai đều xác nhận đức tin trọn vẹn và sống động trước mọi thử thách là điều kiện chủ yếu để được cứu độ. Hai nhân vật kịch của Paul Claudel về phương diện này là một minh họa thú vị: Pierre Craon,bị phong hủi từ lúc mới sinh là một Kitô hữu nhiệt thành đã xây cất các ngôi thánh đường và đã được giải thoát khỏi căn bệnh khủng khiếp sau khi hành hương đến Mộ Thánh và Violaine người nữ bị mắc bệnh phong đã thánh hóa đời sống mình bằng vô vàn sự hy sinh tự nguyện và khi còn sống đã có được tinh thần trong sạch và tỏa sáng, trở thành công cụ mà Thiên Chúa dùng để làm phép lạ cho cháu gái của bà là Aubaine sống lại.

Về phần thi sĩ nổi tiếng Hàn Mạc Tử (1912-1940), đức tin của ông không kém nhiệt thành so với đức tin của mười hai người phong hủi được Chúa làm phép lạ chữa lành trong Tân Ước, và không kém sống động so với hai người phong hủi trong vũ trụ nghệ thuật của Claudel khiến chúng ta phải nghĩ rằng tâm hồn của thi sĩ chiếm một vị trí ưu ái trong kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa. Nhưng những ý định của Đấng Quan Phòng thường không thể dò thấu. Thi sĩ Hàn Mạc Tử lìa đời ngày 11 tháng 11 năm 1940, đúng năm giờ bốn mươi lăm* và căn bệnh ghê sợ, khủng khiếp không lìa bỏ ông. Sự chữa lành được mong mỏi rất nhiều khi ông còn sống đối với chúng ta dường như được nâng lên một bình diện khác. Nó trở thành sự giải thoát, thanh luyện, sự tiên báo của phúc đời đời nếu chúng ta tin vào lời bà Nguyễn Thị Như Lễ thuật lại về sự hiện ra của Hàn Mạc Tử hồi mười chín giờ mười lăm phút sau khi ông mất, nghĩa là lúc một giờ sáng ngày 12 tháng 11.

Đây là một điều bí mật mà từ lâu gia đình thi sĩ đã giữ kín và chị nhà thơ, bà Như Lễ lần đầu tiên tiết lộ với ông Nguyễn Đình Niên, giáo sư dạy văn; ông là người có công nhận biết ý nghĩa nghiêm túc và cao cả của nó và công bố năm 1973.

Chúng tôi đã thực hiện một dẫn nhập, có phân loại trong phần Những lời được gán cho Hàn Mạc Tử, trong tác phẩm Thư mục phê bình về Hàn Mạc Tử. Sau đây là đoạn đầu của bài dẫn nhập đó:

“Trong tiểu luận Cao học nhan đề Kinh nghiệm về thân phận làm người trong thơ Hàn Mạc Tử, được bảo vệ thành công ngày 31 tháng 7, 1973 ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Ông Nguyễn Đình Niên thuật lại lời bà Nguyễn thị Như Lễ tiết lộ cho ông như sau:

“Một giờ khuya đêm Hàn Mạc Tử mất (rạng sáng ngày 12-11-1940) bà Như Lễ đương nằm ngủ ở Qui Nhơn thì thấy Hàn Mạc Tử ôm một bọc áo quần, mặc toàn trắng, đầu tỏa hào quang màu trắng bước vào, để bọc áo quần lên giường kêu:

– Chị ơi, em lành rồi này! Rồi chàng hơi cúi đầu xuống, đưa đầu cho chị:

– Chị ơi! Chị hôn em đi!

Bà bạn nằm ở giường bên cạnh, sực thức dậy, bảo bà Như Lễ:

– Cô ơi! Có ai vô nơi kìa, để cái gì trên giường kìa

Đến năm giờ sáng, ông Bữu Dõng đi trực đêm ở Bệnh viện Qui Nhơn về, báo tin cho vợ biết Hàn Mạc Tử đã chết” (Nguyễn Đình Niên, Sđd, tr.75, s. 78)

Có những thông tin bổ túc do hai bà Tuấn Khanh và Vân Khanh, hai con gái của bà Như Lễ, đưa ra như sau:

– Mẹ chúng tôi giữ điều bí mật ấy cho riêng bà không cho chúng tôi biết mãi đến ngày bà tiết lộ với ông Nguyễn Đình Niên, bà Tuấn Khanh nói với chúng tôi khi được hỏi về việc này. Còn bà Vân Khanh thì xác nhận:

– Mẹ tôi đã kể lại cho chúng tôi, tôi nhớ rất rõ, rằng trong buổi sáng ngày 12 tháng 11, 1940 cha chúng tôi trở về nhà sau ca trực đêm ở bệnh viện Qui Nhơn đã nhận thấy niềm vui khác thường của mẹ chúng tôi. Mẹ nói cho cha biết lý do khi kể lại cậu chúng tôi hiện ra mà bà tin chắc rằng đã được lành bệnh. Cha chúng tôi phải lựa lời để báo cho mẹ chúng tôi tin cậu chúng tôi đã mất, tin buồn này đã được trại phong Quy Hòa gọi điện thoại báo cho bệnh viện Qui Nhơn.

“Về vấn đề bà khách nằm cùng phòng với bà Như Lễ, bà Vân Khanh đáp:

– Đó là mẹ của anh Lê Văn An. Anh này đang trọ học nhà chúng tôi để dễ dàng đến bệnh viện Qui Nhơn nơi anh đang theo học nghề y tá. Hôm đó mẹ anh đến thăm anh và chúng tôi tiếp bà như một người khách trọ qua đêm.

“Về phần ông Nguyễn Bá Tín và Nguyễn Bá Hiếu, hai người em của Hàn Mạc Tử, cũng đã xác nhận với chúng tôi nội dung câu chuyện mà chị Như Lễ của họ kể lại.

Để bình luận câu chuyện ấy, chúng tôi đã nhờ người bạn văn và bạn tâm linh của chúng tôi là Phạm Đình Khiêm, một nhà văn có tiếng cả trong Pháp văn Việt văn. Từ năm 1940 ông là tác giả của những tác phẩmđáng chú ý về lịch sử và tâm linh.

Ông đã tế nhị giúp chúng ta rút ra lợi ích từ những suy tư sáng suốt và từ sự hiểu biết sâu xa của ông về nhà thi sĩ bị phong hủi khi ông viết ra một tiểu luận chính xác, một công trình hiếm hoi tóm tắt trong ít trang toàn bộ linh hồn Hàn Mạc Tử.

Tiểu luận này được soạn thảo với những luận cứ có cơ sở và những chứng từ được đối chiếu kỹ lưỡng nên nó buộc chúng ta phải chấp nhận phẩm chất văn chương và nội dung tâm linh cao độ của nó với cả tính chính xác khoa học. Đối với một hiện tượng vượt tự nhiên (ngoại nhiên), thần bí liên quan đến Hàn Mạc Tử thì điều quan trọng là có ba cách tiếp cận: lịch sử, văn chương và thần học, được tác giả tiến hành có phương pháp với sự thận trọng và tự tin. Trong những viễn cảnh được Ân sủng và Đức tin củng cố, nó bao gồm một thực tại kép vừa uyển chuyển vừa khó hiểu nhưng rất lôi cuốn và đầy ý nghĩa liên quan đến thi sĩ Hàn Mạc Tử, đó là: một đời sống mà số phận đã dồn vào những nỗi khổ đau đen tối nhất nhưng cũng được Đức Tin Kitô giáo biến đổi và chiếu giãi hào quang, làm cho các sáng tác thi ca và văn chương của thi sĩ thành một bài ca bất tận của tình yêu, một thánh thi trường cửu dâng lên Đấng Tạo Thành và tạo vật.

Đề cập đến đời sống tâm linh của một giáo dân, ông Phạm Đình Khiêm thế là đã viết một tiểu luận thần học mà giá trị của tác phẩm, bậc sống giáo dân và những ý hướng cao cả của tác giả, làm cho tiểu luận này cũng là một chứng cứ của việc thăng tiến bậc sống giáo dân, một vinh dự dành cho sự thánh thiện của bậc sống đó; mà sự thăng tiến và thánh thiện của bậc sống này đã được Công Đồng Vaticanô II (1962-1965)** và những Hội nghị và Văn Kiện hậu Công Đồng khuyến khích mạnh mẽ.

Chúng tôi xin giới thiệu tiểu luận này để nhiều người được biết một công trình có thể hướng những người thán phục Hàn Mạc Tử về thế giới mầu nhiệm của Đấng Khôn Dò Thấu. Có một mầu nhiệm Hàn Mạc Tử mà chúng ta phải suy gẫm và giải thích vì Hàn Mạc Tử là một dấu ấn dễ nhìn thấy về mầu nhiệm Thiên Chúa.

VÕ LONG TÊ

-------------

(*) Xem Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội “Lumen Gentium”, ch. IV-5; Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong Thế giới của thời đại chúng ta “Gaudium et Spes”; Sắc lệnh về truyền giáo của giáo dân “Apostolicam Actuositatem”; Sắc lệnh về các phương tiện truyền thông xã hội “Inter Mivifica”; Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo “Gravissimum educationis momentum”. Các bản văn Latinh và tiếng Pháp trong Concile OecumeniqueVatican II, Paris, xb. Centurion 1967. Bản dịch tiếng Việt trong Công Đồng Vatican II, Saigon, xb. Senatus 1969; Thánh Công Đồng Vaticano II, Dalat, Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X.

Chúng ta cũng lưu ý một trong những tác phẩm về thần học giáo dân: Phạm Đình Khiêm, Giáo dân trong Giáo Hội, Saigon, nhà in Hạnh Phúc, 1966, 116 trang.

LINH HỒN HÀN MẠC TỬ

– I –



Cuộc hiện ra của Hàn Mạc Tử hay giấc mơ của bà chị Như Lễ?


Một trong những sự lạ lùng nhất chưa biết đến về Hàn Mạc Tử (1912-1940) từ lúc thi sĩ thiên tài từ biệt chúng ta đi vào vĩnh cửu, ngày 11 tháng 11 năm 1940, sau một cuộc đời ngắn ngủi và vô cùng đau khổ, ấy là giai thoại cảm động xảy ra sau lúc thi sĩ tắt thở mười chín giờ mười lăm phút. Thế nhưng giai thoại này phải chờ ba mươi ba năm trước khi được tiết lộ cho công chúng, qua một tiểu luận Cao học văn chương mà ông Trần Đình Niên đã trình ở Đại Học Văn Khoa Sài gòn năm 1973.

Về hình thức, người ta tự hỏi phải chăng đây là một giấc mơ của bà Như Lễ - chị Lễ mà trong thời niên thiếu được mô tả đã cùng đi chơi với Hàn Mạc Tử trong bài thơ ẩn dụ Chơi giữa mùa trăng (1) – hay đây là sự hiện ra của chính linh hồn Hàn Mạc Tử khi được giải thoát khỏi thân xác vật chất với chị Lễ ấy?

Vì bà Như Lễ kể rằng “trong khi bà đang ngủ [ở nhà bà] tại Qui Nhơn, bà thấy Hàn Mạc Tử ôm một bọc áo quần v.v…”, từ đó người ta kết luận là một giấc mơ. Nhưng có một sự việc khác trong phần tiếp theo của câu chuyện. “Bà bạn nằm ở giường bên cạnh, sực thức dậy, bảo bà Như Lễ: Cô ơi! Có ai vô nơi kìa, để cái gì trên giường kìa.” Lời chứng này khiến chúng ta phải tin vào việc người quá cố hiện ra hơn là một giấc mơ của bà chị, vì nói chung việc hai hay nhiều người cùng thấy một sự hiện ra thì dễ chấp nhận hơn việc hai hay nhiều người có cùng một giấc mơ. Nhân đây cũng nói thêm rằng tiếng Việt có một từ ngữ dung hòa hai khái niệm ấy là ‘báo mộng’.

Khỏi cần phải yêu cầu bà Như Lễ khẳng định đã nhìn thấy Hàn Mạc Tử trong thực tế hay trong giấc mộng. Tân Ước đã thuật lại Chúa sai Thiên sứ hiện ra để giải thoát thánh Phêrô khỏi ngục tối một cách kỳ diệu và dẫn thánh nhân theo Thiên sứ ra ngoài. Nhưng lúc đó vị Tông đồ của Đức Giêsu “không biết việc Thiên sứ làm đó có thật hay không, cứ tưởng mình thấy một thị kiến”, sách Công vụ nói (ch. 12, 5-9). Phêrô chỉ biết sự thật khi đã đi đến cuối con phố và Thiên sứ rời bỏ ông, lúc đó ông mới hoàn hồn.

Thật vậy, Kinh Thánh thuật lại nhiều lần hiện ra hay báo mộng, chúng không phải đều từ Thiên Chúa hay các Thiên sứ theo lệnh của Thiên Chúa, nhưng cũng từ những người đã sống ở trần gian như ngôn sứ Samuen đã hiện ra với vua Saolơ (1 Sm 28,12-19), tổ phụ Môsê và ngôn sứ Êlia cùng hiện ra với Đức Giêsu Chúa chúng ta để đàm đạo với Ngài trên núi Tabor (Mt 17,3). Và theo Phúc Âm thánh Mátthêu, những sự kiện sau đây trong số những sự kiện khác xảy ra vào lúc Đức Giêsu Chúa chúng ta chết trên thánh giá để chuộc tội cho nhân loại: “Mồ mả bật tung và xác của nhiều vị thánh được an nghĩ đã chỗi dậy, các ngài ra khỏi mồ vào thành thánh và hiện ra với nhiều người.” (Mt 27, 52-53)

Theo định nghĩa của thần học, “hiện ra” là một biểu lộ của Thiên Chúa, của các Thiên Sứ hay của những người chết (thánh thiện hay không) tỏ bày dưới một hình thức tác động đến các giác quan của con người (2).

Ngày nay nhiều tác phẩm nghiêm túc cũng thuật lại các trường hợp những người chết hiện ra dưới nhiều hình thức. Về phương diện này, tiêu biểu là nhật ký của nữ tu Marie de la Croix (chết ngày 15 tháng 5 năm 1917) dưới nhan đề Manuscrit du Purgatoire (Thủ bản Luyện ngục).

Ngày qua ngày tác giả đã ghi lại những lần trò chuyện với linh hồn của một nữ tu cùng dòng tên Marie Gabrielle (chết ngày 22 tháng 2, 1871). Nữ tu này lúc sinh thời, đã có một đời sống tôn giáo rất thông thường, có nhiều khuyết điểm và gương xấu, tự bản tính đã chống lại nữ tu Marie de la Croix trong con đường nên thánh. Nữ tu quá cố còn ở trong Luyện ngục để được thanh luyện đã được Thiên Chúa cho phép hiện ra không phải dưới hình thức thể chất, nhưng chỉ bởi âm thanh và một vài tiếng động báo sự hiện diện của chị để mời gọi và giúp đỡ nữ tu còn sống sửa mình và thánh hóa bản thân, để nhờ đó nữ tu quá cố được giải thoát. Trong sáu năm liên tiếp (1884-1890), xơ Marie de la Croix ghi lại trong nhật ký ngoài những lời khuyên bảo và dặn dò mà linh hồn ấy đã mang lại như một linh hướng với đầy sự khôn ngoan … còn có nhiều tiết lộ về Luyện ngục và những cứu cánh sau cùng khác của con người (cái chết, phán xét, thiên đàng, địa ngục). Trong thời gian đó chị sửa mình và thánh hóa thật sự làm cho linh hồn của nữ tu quá cố sau cùng đến – luôn luôn dưới hình thức không có thể chất – cám ơn và nói lời từ biệt để lên Thiên Đàng (3).

Những kiểu mẫu khác là hai lần hiện ra dưới hình người sáng láng và điểm trang lộng lẫy mà tu viện trưởng Gilbert Combe, cha xứ của giáo xứ Dion (Callier, Pháp): đó là sự hiện ra của cha mẹ của ngài, sau thời gian thanh luyện (mẹ của ngài chịu ba tuần và cha chịu mười lăm tháng) và trước khi vào Thiên đàng, đã được phép lần lượt đến cám ơn vị nữ ân nhân tại thế đã thực hiện những sự hy sinh cao cả khi sốt sắng cầu nguyện để họ được giải thoát. Vị nữ ân nhân của họ chính là Nữ Tu chân phước Marie de la Croix (cùng tên với nữ tu viết Manuscrit du Purgatoire) nổi tiếng hơn dưới cái tên thời thơ ấu Mélanie, cô bé chăn cừu ở La Salette, người cùng với Maximin nhỏ tuổi hơn cô đã nhìn thấy Đức Mẹ hiện ra năm 1846 và nữ tu này vào giai đoạn của đời sống ẩn dật (1899-1904), đã sống như một nữ tu đơn độc và kín đáo trong giáo xứ do tu viện trưởng Combe phụ trách (4).

Ở Việt Nam, trường hợp của nữ tu Maria Catarina Nguyễn Thị Diện, chị được đặc sủng có những liên lạc khả giác với mẹ và người anh quá cố của chị liên tiếp đến báo cho chị biết họ đã được giải thoát khỏi Luyện ngục. Trường hợp của chị đã được một giám muc người Pháp, giám mục giáo phận cũng là cha linh hướng của chị, Đức Cha Louis de Cooman và những tài liệu đầu tay của ngài (5) đã giúp chúng tôi rất nhiều khi viết tác phẩm về chị nữ tu thần bí hiếm có ấy của Việt Nam (6).

Như thế lời kể lại của bà Như Lễ về thị kiến Hàn Mạc Tử vốn không xa lạ với Kinh Thánh, thần học và kinh nghiệm đời sống. Trong trường hợp này, nên lưu ý một chi tiết: bà Như Lễ đã có thị kiến ấy trước khi chồng bà trở về nhà báo cho bà biết cái chết của Hàn Mạc Tử, đã xảy ra mười chín giờ một khắc trước đó mà bà không hề biết. Nhân tố này có tính chất vô hiệu hóa những hoài nghi có thể có cho rằng lời kể lại của bà Như Lễ bị hoen ố bởi tính chủ quan, của ảo giác, của tự kỷ ám thị v.v… vì người ta có thể giả định như thế trong trường hợp thị kiến xảy ra sau khi bà đã biết cái chết của em trai bà.

II

Khỏi bệnh thân xác hay giải thoát linh hồn ?

Một nghiên cứu sâu hơn lời kể lại ấy mời chúng ta tìm hiểu kỹ ý nghĩa của lời Hàn Mạc Tử đã nói: “Chị ơi, em lành rồi này!”

Phải chăng sự lành bệnh của thể xác? Không. Thân xác của thi sĩ sẽ được mai tang cho đến lúc hư nát hoàn toàn, còn xấu xí và gớm ghiếc hơn cả bệnh phong hủi đã đục khoét ông khi còn sống – trong khi chờ đợi sự Sống lại, bởi ân sủng của Thiên Chúa phục hồi thân xác ấy và kết hiệp nó lại với linh hồn ông trong thời sau rốt cho cuộc Phán xét vũ trụ và số phận vĩnh cửu.

Trong lúc ấy, những lời “Em lành rồi này!” của Hàn Mạc Tử chỉ có thể được hiểu đối với linh hồn: Kết thúc cuộc lưu đày trần thế với mọi biến cố thăng trầm, nhọc nhằn, bệnh tật, đau khổ, buồn sầu … Linh hồn trung tín với ân sủng của Thiên Chúa được giải thoát, để đến chiêm ngưỡng Ngài trong Vương quốc ánh sáng của Ngài như Đức tin Hàn Mạc Tử đã xác tín và lòng Cậy trông của ông đã lôi kéo ông khi không ngừng cảm hứng cho ông những bài ca bất tận.

Thật vậy, những linh hồn hoàn hảo được tình yêu Thiên Chúa thiêu đốt, thanh luyện ngày càng nhiều trong lò lửa của tình yêu và của sự đau khổ -- luyện ngục trần gian này như người ta thường nói – và nhờ đó xứng đáng được đón nhận ngay lập tức trong đôi tay của Chúa Cha hằng hữu khi ra khỏi thế giới này, những linh hồn vàng ròng ấy chỉ là một số rất nhỏ! Hầu như mọi người chết còn phải đi qua thử thách của luyện ngục trong một thời gian không xác định, có thể được giới hạn trong vài giờ, vài ngày, vài tháng hoặc vài năm hoặc kéo dài đến hàng chục năm, thậm chí nhiều thế kỷ… Nếu tin theo cuốn Manuscrit du Purgatoire đã dẫn ở trên và những tiết lộ khác của các nhà thần bí, thời gian thanh luyện sau cùng này, trong phần lớn các trường hợp là từ ba mươi đến bốn mươi năm.

Vậy, số phận nào được dành cho linh hồn của thi sĩ thân yêu và sùng đạo của chúng ta? Chúng ta sẽ tránh mọi suy đoán tự phụ. Chỉ có Tông tòa Rôma trong các vụ án phong chân phước và phong thánh, mới đòi hỏi các thủ tục tìm hiểu và điều tra mà người ta không thể thực hiện kỹ lưỡng và thấu đáo hơn. Những thủ tục ấy kéo dài hàng chục có khi hàng trăm năm – ngoài ra tòa phong thánh còn đòi hỏi tối thiểu phải có ba phép lạ được xác nhận – để công nhận sự thánh thiện của linh hồn được đề nghị. Chỉ có Quyền bính không sai lầm mới có thể công bố một linh hồn nào đó được phong chân phước hay phong thánh, điều này có nghĩa là linh hồn ấy đã mang lại những chứng cứ rõ ràng về sự cứu chuộc của họ và họ được đón nhận vào trong vinh quang các thánh và xứng đáng được nêu ra làm gương cho những người còn bước đi trong cuộc lữ hành trần thế.

Trong trường hợp của Hàn Mạc Tử, ý định của chúng tôi không ngoài việc bàn luận về những hiện tượng bên ngoài và một giả thuyết của việc suy lý. Vả lại giả thuyết mà các hiện tượng bên ngoài đã được xem xét phải gợi ra là đối với người Kitô hữu cao cả ấy, tất cả là dấu chỉ của sự cứu độ và vinh quang. Các bạn hãy lưu ý rằng khi hiện ra với chị, Hàn Mạc Tử không hề xin sự trợ giúp của kinh nguyện và những hy sinh đền tội, như các linh hồn mà Thiên Chúa cho phép đặc biệt hiện về từ Luyện ngục thường làm. Vả lại thi sĩ “ mặc toàn trắng” và “đầu tỏa hào quang màu trắng” thì rõ ràng đó là dấu chỉ của sự thanh khiết, sự giải thoát, vinh quang… Thật vậy, con người trần tục không thể chịu được sự huy hoàng nguyên vẹn của ánh sáng một linh hồn ở tình trạng vinh quang trong Thiên Chúa. Điều này làm cho trong mỗi trường hợp đặc biệt sự tỏa sáng ấy được định mức theo khả năng tri giác của người tiếp nhận thị kiến, tùy theo những sự an bài của Thiên Chúa, Đấng đo lường mọi sự.

Chúng ta hãy trở lại một lần nữa từ-khóa ấy: “Chị ơi! Em lành rồi!” Lời nói này đơn giản và khiêm nhường biết bao, nó hoàn toàn ăn khớp với khung cảnh hiện ra: vẻ mặt, áo quần, hết thảy ở đây đều đơn sơ, khiêm nhường, từ tốn để thể hiện đúng đắn tính cách của con người Hàn Mạc Tử, cả khi ở ngưỡng cửa vinh quang lúc bấy giờ.

Sau cùng, điều gì được gợi ra về khoảng thời gian từ lúc Hàn Mạc Tử tắt hơi ở trại phong (năm giờ bốn mươi lăm ngày 11 tháng 11, 1940) đến lúc thi sĩ khải hoàn hiện ra cho chị mình? (một giờ sáng ngày 12 tháng 11, 1940).

Tuy vẫn là giả thuyết nhưng cũng có thể rất thật, đó là thời gian vật chất của sự thanh luyện sau cùng trước cuộc Hội ngộ khôn tả với Thiên Chúa của sự Hoàn Thiện. Do đó, “em lành rồi” là lời loan báo không chỉ của việc thi sĩ ra khỏi chốn lưu đày trần thế như chúng ta đã nói mà còn là lời loan báo thi sĩ đã được giải thoát khỏi Luyện ngục. Tóm lại, đó là tiếng kêu vinh quang để về Thiên Đàng, trong một ngôn ngữ kín đáo phù hợp với một lòng khiêm nhường như thế.

Và lúc đó sự thần hóa đã khởi đầu …

III

Bí mật về linh hồn Hàn Mạc Tử

Điều gì làm kinh ngạc và cũng mang lại hiệu quả khiến linh hồn Hàn Mạc Tử đã mau chóng bay lên khỏi những ngọn lửa của luyện ngục?

Được thanh tẩy khỏi tội nguyên tổ, được thêm sức mạnh với nước rửa tội ngay từ lúc mới sinh rồi nhận được sự giáo dục tốt nhất trong gia đình cũng như từ các sư huynh các trường học công giáo, Hàn Mạc Tử đã sống đức Tin và nâng nó lên đến trình độ anh hùng. Hơn thế nữa ông đã làm chứng cho đức Tin qua những khổ đau bất tận, theo cách của vị Tử Đạo thách thức mọi sự bách hại và chấp nhận đổ máu mình ra vì đức Tin. Thật vậy còn hình ảnh nào gợi lại rõ ràng cái chết trên vỉ sắt nung đỏ của một thánh Laurent (tử đạo năm 258) như cái chết của Hàn Mạc Tử có thể nói cũng bị nung trên vỉ là cái giường của người phong hủi qua những năm tháng nhưng vẫn ca khen những điều kỳ diệu của Thiên Chúa?!

Về vấn đề khổ chế, khi một nhân đức của một người đã đạt đến mức độ anh hùng, nó đương nhiên kéo theo các nhân đức khác đi lên. Như thế với đức Tin anh hùng, Hàn Mạc Tử đã có được đức Cậy của một ông Gióp mà Kinh Thánh đã chép lại lời này của ông: “Ngài [Thiên Chúa] có thể giết tôi: tôi không còn hy vọng nào khác phải biện hộ cách sống tôi trước nhan Ngài” (G 13,15).

Về phần đức Mến làm cho người tín hữu thành người con yêu mến Chúa Cha và người anh em yêu thương hết thảy mọi người, Hàn Mạc Tử cũng đã có nhiều đức Mến và biểu lộ thành “người Kitô hữu tốt lành”, như người ta sẽ nói.

Cùng với ba nhân đức đối thần ấy, các nhân đức luân lý cũng là gương mẫu nơi vị anh hùng của chúng ta. “Anh em hãy học cùng tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng” Đức Giêsu đã nói (Mt 11,29). Đức khiêm nhường và hiền lành, hai nhân đức rất thân thiết với Ngài mà Ngài đã giáo huấn rõ ràng, Hàn Mạc Tử xem ra đã thể hiện chúng. Và vì khiêm nhường là nền tảng của mọi nhân đức luân lý khác, làm thế nào một linh hồn đã thấm nhuần nhân đức ấy lại không được những viên kim cương khác trang điểm? Ví dụ như đức khó nghèo, người bạn không thể tách rời của đức khiêm nhường, một trong ba lời khấn của bậc tu trì. Hẳn Hàn Mạc Tử có thể đòi cho mình tước hiệu “người nghèo của những người nghèo”, theo gương của thánh bổn mạng ngày thi sĩ nhận phép thêm sức, thánh Phanxicô Átsidi. Ông cũng có thể lấy lại cho mình lời Đức Giêsu đã nói về chính Ngài: “Con Người không có chỗ tựa đầu.” (Lc 9, 58). Thế nhưng, ông ca tụng, ngợi khen suốt ngày, trong đời sống khó nghèo cùng cực như một nhân đức của Tin Mừng.

Phải nói gì về sự thanh khiết của linh hồn và của thân xác? Câu hỏi này có lẽ bị bóng đen che phủ đối với một số người, chúng tôi chừa lại để sau sẽ làm sáng tỏ.

Còn đức nhẫn nại, lòng can đảm, kiên trì và sùng tín … ai sẽ chống lại Hàn Mạc Tử về những nhân đức ấy ? Hay đúng hơn ai không thán phục tất cả các phẩm chất ấy của người anh hùng trẻ tuổi của chúng ta?

Trình bày những luận cứ khẳng định rút ra từ cuộc đời và tác phẩm của Hàn Mạc Tử là điều không khó. Tuy nhiên vì khuôn khổ hạn chế của tiểu luận này, chúng tôi phải bằng lòng với một vài chỉ dẫn và chứng cứ có sức thuyết phục nhất, và dành quyền tự do khai thác lãnh vực này cho người nào muốn có vinh dự vẽ ra một bức tranh hoàn hảo và đầy đủ về linh hồn Hàn Mạc Tử với những hành trình khổ chế và đi lên thần bí của ông còn hiếm thấy nơi các tín hữu giáo dân.

Trước tiên là sự đánh giá tự phát của một nữ tu có thẩm quyền biết rõ điều mình nói: Mẹ Marie de Saint Venant, của Dòng Phanxicô Thừa Sai Đức Mẹ, phó giám đốc trại phong Qui Hòa, mẹ cùng các nữ tu khác đã hết lòng chăm sóc cho thi sĩ phong hủi: “Ông ấy thật bé nhỏ, rất mực lễ phép và sống vẹn toàn đạo Kitô”, mẹ đã thổ lộ như thế với nhà văn Trần Thanh Mại mà mẹ tiếp chuyện khi ông Mại đến thăm mộ thi sĩ vừa qua đời, chính xác là vào mùa thu 1941 (7).

Chỉ một lời đã vẽ ra toàn bộ chân dung tinh thần và tâm linh của Hàn Mạc Tử! Đã hẳn Hàn Mạc Tử vóc người nhỏ bé, nhưng điều đó không phải là không tính đến trình độ cao hơn của câu nói ấy. “Bé nhỏ” ở đây chính là có “nhân đức nhỏ bé”, đi theo “con đường nhỏ của tuồi thơ ấu thiêng liêng” là học thuyết tinh túy của Tin Mừng – “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em thì sẽ không vào được” (Mc 10,15; Lc 18,17) – và khi tuyên xưng học thuyết ấy, một nữ tu Cát Minh khiêm nhường thành Lisieux đã đạt đến vinh quang trong thời đại chúng ta, thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu (1873-1897). “Lễ phép” chắc hẳn đã bao hàm trong nội tâm của thi sĩ một sự khiêm nhường chân thật cùng với sự tế nhị của tâm hồn và lòng nhân hậu của trái tim… Sau cùng, “một Kitô hữu tốt” chính là giữ mọi giới răn của Thiên Chúa, sửa đổi đời sống mình theo đời sống của Đức Giêsu, thực hành Hiến chương Nước Trời mà Ngài đã ban phát trong Bài giảng trên Núi, một bài giảng tuyệt hảo đã tạo nên biết bao vị thánh, cả những người không phải là Kitô hữu như Mahatma Gandhi. “Thật bé nhỏ, rất mực lễ phép, và sống vẹn toàn đạo Kitô”: tất cả đều ở thể trổi vượt của tính từ (superlatif). Vậy đó chính là sự hoàn thiện, sự thánh thiện của người giáo dân. Mẹ phó giám đốc dường như muốn nói tâm hồn cao thượng của Hàn Mạc Tử ở trình độ đó.

Về phần ông Nguyễn Văn Xê, một bệnh nhân được điều trị trong trại phong Qui Hòa và với tư cách một phụ y tá, người bạn trung tín của Hàn Mạc Tử, cũng đã làm chứng về sự khiêm nhường tinh tế và sự quên mình hoàn toàn của Hàn Mạc Tử. Suốt nhiều tháng tương giao thân thiết (8), không có gì được tiết lộ về hào quang văn chương của thiên tài Hàn Mạc Tử. Người bạn ấy cũng không biết rằng người bệnh được giao cho ông săn sóc là một thi sĩ. Ông cũng không ngờ ông có trong tay mình một tuyển tập thơ tôn giáo mà chính Hàn Mạc Tử đã tặng ông ba ngày trước khi qua đời. Tập sách nhỏ ấy không biết được đánh mày từ lúc nào mà trang đầu tiên đến lúc đó còn để trắng, bấy giờ mới được viết bằng bút chì nhan đề Thơ Cầu Nguyện và câu để tặng anh Xê cùng với chữ ký viết rõ François Trí (9). Đó là vinh dự sau cùng của thi sĩ dành cho bạn ông Nguyễn Văn Xê, từ ngày 30 tháng mười 1940 khi thi sĩ được đưa vào phòng chờ chết vì bị bệnh lị rất nặng.

Hàn Mạc Tử còn hủy mình ra không đến mức giấu kín việc ông biết rành tiếng Pháp – và do đó giữ vai trò làm một người dốt nát hay gần như thế, trong thời kỳ chế độ bảo hộ Pháp. Trong việc liên hệ với các mẹ và các nữ tu nói tiếng Pháp thì chính người bạn đồng bệnh của thi sĩ đã phải đóng vai trò thông ngôn! Sau cùng ông Xê đã tìm thấy trên thi hài của thi sĩ tờ giấy nhàu nát với tác phẩm bất hủ của Hàn Mạc Tử viết bằng tiếng Pháp đề tặng cho các mẹ và các nữ tu. Đó là bài thơ văn xuôi nhan đề La Pureté de l’Âme. Ông Xê đã trao tận tay cho Mẹ Bề Trên, Mẹ Résurrection, ông hết sức kinh ngạc như Mẹ và trước mặt ông Mẹ đã kêu lên:

– “Giỏi quá! Uổng quá! Một con người tài năng, Xê ạ! (10)”

Còn một điểm này chứng tỏ Mẹ Bề Trên chú ý đến bài thơ chắc chắn là của Hàn Mạc Tử như thế nào:

– “Nhưng Mẹ xin phép Trí đổi nénuphar (hoa súng) thay cho lotus (hoa sen) vì cuộc đời tu sĩ của chúng tôi ở đây chính là những hoa súng lên xuống như con nước và bập bềnh trôi nổi như mọi vật trong hồ, chứ không dám tự hào như hoa sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” (10).

Một sự ganh đua của lòng khiêm nhường thật cảm động giữa những linh hồn ưu tuyển trong nếp sống tu trì và một linh hồn ưu tuyển của hàng giáo dân!

Chúng ta hãy trở lại chứng từ sau đây, nó xua tan mọi nghi ngờ về cái gọi là một đời sống tình cảm quá nông nổi – để không còn nói như thế nữa – và người thi sĩ trẻ tuổi của chúng ta. Trái lại chứng từ ấy đã trả lại cho ông mọi hào quang của sự ngây thơ ban đầu và của sự thanh sạch anh hùng. Chính nhà văn Hoàng Trọng Miên, người bạn thân của thi sĩ, đã kể lại giai thoại này:

“Ngoài chuyện thơ văn ra, Tử không biết gì khác nữa. Sống chung với các bạn, đang độ trai trẻ, hăng say, lại ở trong không khí phóng túng của văn nghệ trẻ, nhưng Tử theo một nếp sống thật hiền lành, yên dịu, ngoan ngoãn của một thư sinh chăm chỉ sách đèn.

“Đời sống xa hoa, ăn chơi đặc biệt của xã hội Sài-gòn trước chiến tranh thứ hai, cũng như những thú đam mê về nhan sắc, phù dung, rượu … phổ biến trong giới cầm bút thời đó, không hề ảnh hưởng gì đến Hàn Mạc Tử. Tử sống nhút nhát, e thẹn đến độ mỗi khi các bạn trai nói chuyện dính líu đàn bà, con gái là Tử đỏ mặt lên và lặng lẽ tránh đi.

“… Tính nết hay thẹn thùng của Tử làm cho Việt Hồ càng trêu già. Một lần Việt Hồ bàn với Thúc Tề tổ chức đưa Tử vào lòng đàn bà để ‘coi hắn ra sao?’. Tử không dè các bạn tinh nghịch muốn phá mình nên theo Việt Hồ và Thúc Tề đến ‘Xóm đặc biệt’.

“Khuya lại tôi thấy Tử về im lặng, không nghe ngâm nga như thường ngày nữa, còn Việt Hồ và Thúc Tề thì nhìn nhau khúc khích. Sáng hôm sau, Tử nằm dài trên chiếu trải sàn gác, nói giọng mệt nhọc nhờ tôi đến tòa soạn báo ‘Sài-gòn’ [của ông bà Bút Trà] nhắn giùm là anh đau không đi làm được.

“Hỏi ra mới biết là đêm qua lúc bị gạt đưa vào tay đệ tử thần Bạch Mi, Tử phải hết sức vùng vẫy mới thoát được vòng vây của các nàng. Tử hú vía về nhà, xúc động đến đỗi phát đau, và mỗi lần nghe các bạn cười nhắc lại việc Tử bị các nàng kéo tay lột áo … anh cười, nhắm đôi mắt nhỏ một mí lại mà la:

– Đồ quỷ! Thiệt mấy đứa bay là quỷ sứ!” (11)

Câu chuyện này – phần nào đó thật khác thường – xảy ra vào cuối năm 1935 hoặc đầu năm 1936 – chưa đầy bốn năm trước cái chết của Hàn Mạc Tử, bốn năm đau đớn ghê gớm chỉ càng củng cố sự thanh khiết nơi linh hồn và thân xác của vị anh hùng của chúng ta.

Đã hẳn thi sĩ có những tình yêu lớn – tất cả đều là tình lý tưởng – những người yêu mà thi sĩ gắn bó vẫn còn sống và sẵn sàng phủ nhận điều mà văn chương đã tưởng tượng thêu dệt, từ mấy thập kỷ nay, về những nữ lưu mà thi sĩ đã làm cho trở thành bất tử trong những bài thơ tình yêu bất hủ, đó là:

– Hoàng Thị Kim Cúc, cô láng giềng trên con phố Khải Định ở Qui Nhơn, ông đã yêu nàng trong bước đầu của nghề văn bằng một tình yêu sâu xa và thầm kín – do đó không kết quả – và nàng đã có một trực giác về tình yêu ấy của ông nhưng không vì thế nàng từ bỏ sự giữ gìn ý tứ của một thiếu nữ quý phái mẫu mực gốc Huế.

– Mộng Cầm, tên thật là Lê Thị Nghê, nữ thi sĩ đã có lúc gởi thơ cho các nhật báo ở Sàigòn mà ông đã cộng tác, nàng đã chấp thuận lời cầu hôn của ông như sự thành tựu của những mối đồng cảm về văn học, tuy nhiên thi sĩ đã trả lại tự do cho nàng với sự can đảm và sáng suốt nhưng không phải là không có những nỗi đau khôn tả, ngay khi ông có những triệu chứng của bệnh cùi.

– Mai Đình, tên thật là Lê Thị Mai, nữ sĩ tài năng và và cao thượng, mà thi sĩ đã đánh giá cao lòng trắc ẩn, lòng thương cảm này đã mau chóng chuyển đổi thành tình yêu mà nàng đã quảng đại dành cho thi sĩ ngay từ lúc ban đầu, vì căn bệnh hiểm nghèo của ông trước khi ông được nàng đồng thuận và cùng nàng thăng hoa vào sự hiệp thông tinh thần không phải trong “tuần trăng mật” theo nghĩa tầm thường, mà trong viễn cảnh say sưa ở nơi thoát tục.

– Thương Thương, cháu gái của bạn ông Trần Thanh Địch, được ông này giới thiệu cho Hàn Mạc Tử như một người ái mộ thi sĩ, mà tên gọi có âm thanh ngân vang và những bức thư nồng nàn được nàng viết ra theo lệnh của Trần Thanh Địch đã gợi lên cảm hứng cho những tác phẩm đáng chú ý trong số đó có một vở kịch thơ mà ông cố tình bỏ lững ngay khi biết được đó chỉ là sự tưởng tượng do người bạn quá tốt của ông dàn dựng, như dấu chỉ của sự từ bỏ điều thú vị của những hư cấu trong văn chương.(12)

Đó là chưa nói đến những đóa hoa biết nói khác là nguồn gốc những mơ mộng khác của ông vốn thường gặp ở mọi nhà thơ. Dù có bóng tối nào bay lượn trên mọi điều ấy, chỉ chứng từ trên kia đủ để xóa tan tất cả: cuộc chiến đấu vinh quang của một ngày tiết lộ về cả một đời. Vậy cho đến lúc chết, chàng thanh niên ấy vẫn còn khiết tịnh như các trinh nữ đã được thánh hiến mà chàng sẽ đã từng ca ngợi. “Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8).

Với tất cả những sự bảo đảm đạo đức ấy, còn có thêm một dấu chỉ rất rõ ràng trên trán của Hàn Mạc Tử: lòng sùng kính Đức Mẹ của ông. Không chỉ là một đứa con hiếu thảo của Mẹ, ông còn tỏ ra là một tông đồ nhiệt thành và một thiên thần thi nhân của Mẹ có lòng thương xót. Không gì bằng kiệt tác Ave Maria (13) say sưa tình yêu và hy vọng, và bởi âm điệu du dương lôi cuốn mọi tâm hồn hướng về Mẹ thiên quốc, và bởi ngôn ngữ như thêu hoa, dệt gấm nó sánh được với nhạc khúc của các Thiên Thần … Vâng, không gì bằng hành động hiếu thảo cao cả ấy, kiệt tác ấy của lòng sùng kính Đức Mẹ đủ để mở rộng cho ông Cửa Thiên Đàng – Toàn thể Giáo Hội đã đồng thanh dùng diễn ngữ ấy để chỉ về Đức Trinh Nữ Maria, cho ta thấy sự trung gian của Mẹ mạnh mẽ dường nào: Porta Caeli!

Bài thơ ấy như một lời đối đáp đầy ấn tượng cho bài thơ La Vierge à Midi của Paul Claudel. Sáng tạo của Hàn Mạc Tử sẽ là một sự thăng tiến của văn chương Việt Nam như bản nhạc Ave Maria của Schubert đối với âm nhạc, hay bức tượng Pièta đối với điều khắc. Trong thực tế, bài thơ ấy đã khơi dậy nhiệt tình các tâm hồn, lau khô những dòng lệ, xức thuốc thơm vào những vết thương, đồng thời mở ra những đỉnh cao chiêm niệm, mang lại những từ ngữ thần diệu cho các nhà thuyết giảng, và một đề tài hàng đầu cho các nhà soạn nhạc (14).

Liên kết với kiệt tác ấy trong đời Hàn Mạc Tử là một ý tưởng nhỏ mà thi sĩ đã thổ lộ từ đáy sâu của tâm hồn ông, luôn luôn hướng về Mẹ Maria, như một khúc nhạc thầm – ông sẽ nói lại là “nhạc thơm” – kéo dài suốt thời gian ông bị bệnh trước khi tan biến vào hòa âm của các Thiên Thần ngày Hội Ngộ.

Ý tưởng đó là: chiều ngày 30 tháng 10 năm 1940, khi ra khỏi nhà nguyện của trại phong sau giờ đọc kinh chung, nghĩa là trước buổi tối ông bị cách ly và chuyển vào phòng dành cho những người sắp chết như đã nói ở trên, Hàn Mạc Tử kéo ông Xê ra một nơi và nói:

– “Từ ngày tôi bị bệnh phong, tôi đã mong ước hành hương một chuyến đến Đức Mẹ La Vang, nhưng …” (15)

Mặt khác, ông Nguyễn Văn Xê, ngồi canh chừng liên tục bên cạnh thi sĩ đêm 10 tháng 11 năm 1940, kể lại rằng đêm đó “Trí đều đọc kinh lần chuỗi cho đến ngày 11-11-1940 lúc 5 giờ 45 phút thì Trí nhẹ nhàng tắt thở một cách êm ái” (16)

Như thế ước muốn sau cùng và những kinh nguyện cuối cùng là những cử chỉ yêu thương chân thành và tín thác dành cho Đức Mẹ và cuộc hành hương không thực hiện được ở đời này đã được thực hiện tuyệt vời khi ông bay về trời.

Hãy nói về Nữ Vương Thiên Đàng, Mẹ rất ân cần đã nhanh chân đến tìm ông với vòng hoa chắc hẳn là rạng ngời nhất!

Chính lúc đó, trên thi hài còn nóng của ông mà của báu La Pureté d’Âme đã được tìm thấy như đã nói ở trên. Trước đó đã lâu, Hàn Mạc Tử đã nghĩ ra trong đầu, ấp ủ trong tim và giấu trong y phục của ông bài ca - di cảo này – y như Thánh nữ thành Lisieux đã làm với bản kinh nồng cháy dâng mình cho Tình Yêu Nhân Hậu của Ba Ngôi Chí Thánh.(17).

“Văn là người” (le style c’est l’homme) người Tây phương nói thế. Văn chương được đọc giữa những dòng chữ, người Đông phương đáp lại, qua những đường gân (filigrane) như trong giấy bạc. Vậy nên, hồn thanh khiết mà ông ca ngợi nơi các trinh nữ đã được thánh hiến, thực chất cũng là hồn thanh khiết của chính ông. Hỡi linh hồn Hồn Mạc Tử, linh hồn đầy ân sủng, được tình yêu thiêu đốt, được lửa khổ đau thanh luyện, tinh khiết như nước đầu nguồn, sáng ngời như pha lê, nhẹ nhàng như thanh khí!... Hỡi linh hồn được chúc phúc mà ân sủng thánh hóa đã biến đổi nên giống với những linh hồn các “hôn thê Đức Kitô” từng làm ông thán phục và động viên những sức mạnh tâm linh của ông và cảm hứng ông đi lên những độ cao thần bí… cho đến khi đồng nhất với các hôn thê của Chúa! Và như ông đã bày tỏ trong bài ca vĩnh biệt, chính tại trần gian này đã hoàn thành các PHÉP LẠ khiến con người phải lặng thinh thán phục khi chiêm ngưỡng công trình thần bí của Đấng Tối Cao”(18).

Và đó là bí mật của linh hồn Hàn Mạc Tử. Bí mật của cả một đời người và nhất là của con đường ngắn ngủi – như người ta có thể nhận biết nếu không phải là thoáng thầy – từ nơi lưu đày trên trần thế đến nơi vĩnh phúc.

Hàn Mạc Tử chết trẻ: 28 tuổi đời. “Những người mà các thần linh yêu thích thường chết trẻ” (ceux que les dieux aiment, meurent jeunes), một tác giả cổ điển và ngoại giáo đã nói thế. Còn hơn thế nữa, làm thế nào Thiên Chúa của các Kitô hữu, Thiên Chúa của sự thật, xưng mình là TÌNH YÊU lại không sớm lôi kéo về với Ngài đứa con rất dễ thương, rất ngoan ngoản, rất mộ đạo ngay khi nó đã hoàn thành tốt cuộc lữ hành trần thế?

- IV -

Ba triều thiên

Cả cuộc đời của Hàn Mạc Tử, ông chỉ mơ đến “Xuân Như Ý, ” theo đuổi “Thượng Thanh Khí” (19)

Chúng ta hãy nghe một vài tiếng thở dài của ông:

– Tôi mong ước đội vòng hoa vinh dự của Thiên Chúa

Và tắm mình trong suối nguồn ánh sáng

(Ngoài Vũ Trụ, trong tập Đau Thương) (20)

– Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu

Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu

Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang!

(Ave Maria, trong tập Xuân Như Ý) (21)

– Hỡi các thiên thần trên trời, thiên thần của Chúa, thiên thần bình an hoan lạc, xin mang xuống cho tôi một triều thiên.

(Hồn Thanh Khiết) (22)

Thiên Chúa vô cùng nhân hậu thường đáp lại những khát vọng tình yêu của con cái Ngài dưới trần gian với sự rộng rãi trên bình diện vũ trụ. Chính vì thế chúng ta phải nghĩ rằng Hàn Mạc Tử hẳn sẽ được ban thưởng không chỉ một triều thiên mà đến ba triều thiên:

+ Triều thiên Tông Đồ: Vì tâm hồn thi ca của ông chủ yếu thấm nhuần sứ điệp Tin Mừng, và tất cả nghệ thuật, tật cả tài năng mà người ta ca ngợi nơi ông cũng chủ yếu nhắm vào việc truyền bá Tin Mừng Cứu Độ cho những người còn chìm đắm trong bể khổ để họ được cứu như ông và với ông, như Lời Chúa đã hứa: “Tất cả những ai đang vất vả và mang gán nặng nề hãy đến cùng tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hòa và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt 11, 28-30)

+ Triều thiên Ngôn sứ: Vì ông thường xuyên làm sáng tỏ, ca ngợi, tôn vinh Chân, Thiện, Mỹ cho tới Chân, Thiện, Mỹ Tuyệt đối là Thiên Chúa. Như vậy là ông đã đóng vai trò như một ngôn sứ của Thiên Chúa, và xứng đáng lời chúc phúc này của Chúa Giêsu: “Ai đón nhận một ngôn sứ như ngôn sứ sẽ được phần thưởng dành cho ngôn sứ”. (Mt 11,41)

+ Triều thiên Tử đạo: “Thi sĩ của đạo binh thánh giá” như ông đã nói về mình (3), đời sống của ông là một sự tử đạo không ngừng, tử đạo không phải bởi một thanh gương, nhưng bởi cả ngàn mũi kim đâm, theo cách của Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu … Và tại sao ở đây không thực tế để nói rằng: Hàn Mạc Tử đã Tử đạo với hàng ngàn vết thương và hàng ngàn điều sỉ nhục bởi chứng bệnh phong thời đó…: “Phúc thay ai sầu khổ vì sẽ được Thiên Chúa ủi an”, Đức Giêsu, Vua của các tử đạo, đã xác nhận (Mt 5,5).

xxx

Câu chuyện ẩn dụ Chơi giữa mùa trăng – hay nói về một đêm tối siêu hình – của cậu bé Hàn Mạc Tử đi chơi cùng với chị Lễ lúc đó mới mười lăm tuổi, kết thúc bằng những lời Hàn Mạc Tử nói cùng chị mình như sau:

“Không, không chị ơi! Rồi ánh sáng đêm nay sẽ tan đi, ta sẽ buồn thương và nhớ tiếc. Em muốn bay thẳng lên trời để tìm ánh sáng muôn năm thôi.” (24)

Nguyện vọng ấy của Hàn Mạc Tử giờ đây đã được nhận lời. Ông đã đi vào ánh sáng vĩnh cửu. Chính vì thế ông đã vội vã quay về chia sẻ với chị Như Lễ, bây giờ là bà Bữu Dõng. Như thế câu chuyện ẩn dụ hôm qua đã có một kết luận có thật và đã xác nhận kết luận của ẩn dụ tức là mơ ước hôm qua.

Mơ ước ngày xưa của Hàn Mạc Tử như thế đã trở thành hiện thực. Giờ đây chính hiện thực ấy – (đã hẳn thuộc bình diện tâm linh) - đi vảo giấc mơ của bà Như Lễ. Điều làm ngạc nhiên nhất là chính Hàn Mạc Tử đã thấy trước, loan báo và bình luận hết thảy điều đó như ông đã viết trong bài “Chiêm bao và sự thật”:

“Mộng tàn rồi, nghĩa là mộng biến đi, những điều tôi vừa thoáng thấy toàn là huyền hoặc cả? Có lẽ nào! Tôi đã thấy thực như đã thấy sự sống của tôi. Những phút giây trong sáng đây không phải là phút giây mê sảng nữa. Có ai nhận thấy hai hàng nước mắt của tôi không?” (25)

– Có chứ, hỡi nhà thơ yêu thương! Xin cho phép đứa em khiêm hạ trong lòng đời, trong văn chương và nhất là trong Thiên Chúa, được thưa với anh rằng em đã thấy hai hàng nước mắt nóng hổi của anh. Và đứa em này biết rằng đó là hai suối lệ tình yêu và hạnh phúc. Tình yêu khôn dò và hạnh phúc khôn tả mà anh đang tận hưởng hôm nay trong Xuân Như Ý của anh tức là trong Thiên Chúa, Chúa của chúng ta.

PHẠM ĐÌNH KHIÊM