Uỷ ban Văn hoá trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (UBVH) đã tổ chức Hội thảo Kinh Nghiệm Về Hoạt Động Thư Viện & Góp Ý Xây Dựng Thư Viện Văn Hóa Công Giáo Việt Nam (TVVHCGVN) tại Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam, số 72/12 Trần Quốc Toản, P.8, Q.3, Sàigòn.

Xem Hình

Tham dự buổi Hội thảo có Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám Mục giáo phận Vinh, hai Giám Mục Phụ Tá Giáo phận Sàigòn là Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng và Đức Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, Cha Giuse Trịnh Tín Ý, Tổng thư ký Ủy ban Văn hóa và nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân đến từ các giáo phận và các dòng tu.

Ban Tổ chức cho biết: “Trước năm 1975, Hội Đồng Giám Mục miền Nam Việt Nam đã thành lập Thư Viện Hội Đồng Giám Mục miền Nam Việt Nam, đặt trong khuôn viên Trung Tâm Công Giáo Việt Nam số 72/12 Trần Quốc Toản, bây giờ là Văn phòng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Nhưng vì thời thế, các sách báo tại đây đã “tan đàn sẻ nghé”! Tới năm 2003, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã nghĩ tới và trao cho Uỷ ban Văn hoá trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam thành lập một thư viện, trước là để đón nhận các sách vở, văn bản, tài liệu do Hội Dòng MEP có nhã ý chia sẻ dưới dạng tài liệu điện tử (ebooks) và kỹ thuật số. Đáng tiếc, dạo ấy UBVH gặp khó khăn về địa điểm, phương tiện, tài chánh và cả hành chánh”.

Và cũng theo Ban Tổ chức, bây giờ “trời đã sáng”, đã có cơ hội thuận tiện để UBVH thành lập Thư Viện Văn Hóa Công Giáo Việt Nam, để giúp có phương tiện nghiên cứu, đọc sách.

Đức Cha Chủ tịch UBVH chào đón khách mời, khai mạc Hội thảo. Sau đó, các thuyết trình viên trình bày các đề tài liên quan đến thư viện trong ba phần của buổi Hội thảo: “Đi tìm một lối đi”, “Đi tìm những người đọc”, và “Đi tìm một định dạng” cho thư viện.

Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp trình bày đề tài sâu sắc đầy ý nghĩa về văn hóa, khái niệm văn hóa theo cái nhìn xưa và nay. Đức Cha nhấn mạnh quan điểm của UNESCO: “Văn hóa như một hệ thống các giá trị truyền thống, thẩm mỹ và lối sống mà dựa trên đó các dân tộc tự khẳng định bản sắc riêng của mình”. Đức Cha trình bày quan điểm của Giáo hội qua Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, “Có nhiều tương quan giữa các sứ điệp cứu độ và văn hóa. Bởi vì, từ khi mạc khải cho dân Ngài tới khi biểu lộ tròn đầy trong Chúa Con Nhập thể, Thiên Chúa đã nói với con người qua các loại văn hóa riêng biệt của từng thời đại. (…) Giáo hội đã sử dụng nhiều tài nguyên của các nền văn hóa để phổ biến và trình bày sứ điệp của Đức Kitô cho muôn dân, qua lời rao giảng”.

Ở đây trọn cả nội dung về văn hóa, nói gần hay nói xa cũng để mở đường cho các công trình hội nhập văn hóa hay là làm văn hóa và tìm lối cho sách và thư viện vào đời, nói chung, cũng như tìm lối cho TVVHCGVN nhập cuộc, nói riêng.

Và Đức Cha dẫn đến vai trò của thư viện trong văn hóa. Ngài nói: “Tự cổ chí kim, thư viện vẫn là nơi lưu trữ kho tàng văn hóa của nhân loại”. Ngài dùng câu thần chú trong Alibaba và 40 Tên Cướp cũng “Vừng Ơi, Mở ra!” để kêu gọi “Văn Hóa Ơi, Mở Ra! Thư Viện Ơi, Mở Ra!”

Bài trình bày của Cha Thư ký UBVH Giuse Trịnh Tín Ý về “Sách và Thư viện” có hai phần: Sách hay là những cỗ xe chuyên chở Lời và Thư viện là những cuộc Hành hương về nguồn. Cha Giuse nói: “Chúa Giêsu luôn có trước mặt bộ Sách Thánh là bầu trời thăm thẳm, với rừng cây nội cỏ, ngàn hoa, chim trời, cá biển, với cảnh nông dân trên đồng lúa, ruộng nho, ngư dân lưới cá và cảnh phố chợ tấp nập”. Và ngài nói rằng với Chúa Giêsu, Sách Thánh như vật bất ly thân. “Sách Thánh là “Sách Mẹ”, ghi chép những lời khôn ngoan của Thiên Chúa. Từ Mẹ, cùng với, và theo khuôn mẫu của Mẹ là các “sách con”, sách con làm sáng tỏ Lời Chúa dưới nhiều góc cạnh”.

Cha Giuse nói: “Nếu hình dung Sách Thánh là cỗ Đại Thừa chuyên chở Lời Ánh Sáng, Lời Khôn Ngoan, chúng ta nhận ra các sách vở Công Giáo là cỗ Tiểu Thừa phản ảnh Lời Khôn Ngoan của Sách Thánh và chuyên chở cả những trăn trở thao thức, những cảm nhận buồn vui của con người làm lời đáp trả và tạ ơn Thiên Chúa”. “Sách là món đặc sản, sách ngọt lịm như mật được giới thiệu trong thị kiến của Tiên tri Êdêkien. Đặc biệt, minh họa cho thị kiến mà Cha Giuse nêu lên là một vũ khúc đặc sắc do các em ở giáo xứ Vinh sơn của ngài trình bày.

Cha Phanxicô Xaviê Phó Đức Giang, giám học của Dòng Anh Em Hèn Mọn thường xuyên tiếp cận với thư viện, trình bày về mô hình thư viện kỹ thuật số. Cha Giacôbê Đỗ Huy Nghĩa, Dòng Đaminh cũng trình bày những kinh nghiệm của ngài trong công việc điều hành thư viện lớn của Dòng.

Để tổng kết, Cha Giuse, Thư ký UBVH cùng với các hội thảo viên hướng tới mô hình gồm 6 điểm chính:

1/ Thư viện Văn hóa Công Giáo Việt nam ngỏ lời xin các sao bản điện tử từ phòng lưu trữ và thư viện thuộc các giáo phận tại Việt Nam và các dòng tu trong và ngoài nước.

2/ UBVH xin thương thảo các điều kiện về lưu trữ và bản quyền của các văn bản, tài liệu khi được trao.

3/ TVVHCGVN bước đầu hình thành như một thư viện lưu trữ và tiếp tới TVVHCGVN sẽ triển khai thư viện mạng.

4/ UBVH kêu gọi tác giả của các đề án tiến sĩ thuộc các đề tài liên hệ tới tín hữu và đạo lý Công Giáo góp bản sao kỹ thuật số cho TVVHCGVN. Các đề án này được xem như phần tinh hoa của văn hóa Công Giáo Việt Nam, TVVHCGVN mong được lưu trữ và luôn bảo đảm bản quyền.

5/ UBVH mong được thương thảo với chủ nhân hoặc người thừa kế các tủ sách Công Giáo tại Việt Nam hay ở nước ngoài để nhận mua hoặc nhận giữ các tài liệu văn bản Công Giáo như tài sản chung của Giáo hội Việt Nam.

6/ Để tiện đón nhận các tài liệu văn bản điện tử, TVVHCGVN tạm đặt tại địa chỉ: Nhà thờ Vinh Sơn, số 249-251 Ba Tháng Hai, P.10, Q.10, TPHCM. email: vinhson249251@gmail.com. ĐT: 0913801255.

Tìm được nguồn sách hay, giá trị cũng là vấn đề lớn. Trong buổi Hội thảo, có người cho biết là năm 1999, linh mục Trương bá Cần sang Rôma tìm tài liệu về lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt nam. Nhưng vì Rôma biết rõ về lý lịch của linh mục này nên ông bị xem là “độc giả bị hạn chế”. Sau đó phải chạy vạy nhờ người quen nên mới được tiếp đón. Ở Kho Lưu trữ Dòng Tên có hai đĩa CD liên quan đến Công Giáo Việt nam, linh mục này muốn mua thì các ngài chỉ bán cho một đĩa!

Vào lúc 16g00, Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, Chủ tịch UBVH đúc kết cuộc Hội thảo. Ngài thiết tha kêu gọi mọi người từ khắp các giáo phận, các dòng tu là chuyên viên thư viện, là người đọc, là chủ nhân các gia sản văn hóa, và cả những ai thiện chí góp ý, góp sức cho TVVHCGVN hình thành. Ước mong Thư viện sớm được thành lập để phục vụ dân Chúa tại Việt nam trước nhu cầu “phổ biến và trình bày sứ điệp của Đức Kitô cho muôn dân” như Đức Cha Phaolô đã nhắc trong bài trình bày của ngài.

Gioan Lê Quang Vinh