Theo tin Zenit ngày 10 tháng 7, chính phủ Anh vừa cho công bố một tài liệu cho thấy nhiều tư liệu khá đau buồn về phá thai trong đó, nhiều thai nhi khuyết tật bị lựa ra để loại trừ. Đó là các thai nhi có hàm xẻ, chân dị dạng (club feet), và mắc hội chứng Down.

Đài BBC, trong tường trình ngày 4 tháng 7 về vấn đề này, có cho hay: các con số thống kê không dễ gì mà có. Năm 2003, Bộ Y Tế Anh quyết định không cho đăng tải tín liệu liên quan tới các vụ phá thai vào giai đoạn cuối sau khi có những chỉ trích rộng rãi đối với việc trục thai các thai nhi bị chứng hàm xẻ.

Sau đó, Liên Minh Phò Sự Sống, dựa vào đạo luật tự do thông tri, đã yêu cầu được cung cấp chi tiết liên quan tới các vụ phá thai loại này. Bộ Y Tế bác bỏ lời yêu cầu ấy, và chỉ nhượng bộ sau khi bị Tối Cao Pháp Việt buộc phải công bố. Các bảng trên trang mạng của Bộ Y Tế hiện nay từng liệt kê những trường hợp phá thai vì lý do khuyết tật di truyền cũng như vì người mẹ còn vị thành niên, nghĩa là 16 tuổi tại Anh và Wales.

Trong một thông cáo báo chí công bố ngày 4 tháng 7, Liên Minh Phò Sự Sống hoan nghinh việc công bố các tín liệu nói trên, sau điều được họ mô tả là một “cuộc đấu luật pháp kiểu Đavít và Gôliát”. Liên minh đưa ra lời yêu cầu trên hồi tháng 2 năm 2005.

Ann Furedi, tổng giám đốc Sở Cố Vấn Thai Nghén Anh, lại nghĩ khác.Vì tổ chức này vốn dĩ cung cấp việc phá thai. BBC tường trình rằng “Việc công bố các số thống kê sau một chiến dịch của những người vận động hành lang chuyên chống ngừa thai này cho thấy nhiều điều hơn là việc họ được biện minh”.

Kỳ thị người khuyết tật

Năm 2010, có tất cả 482 thai nhi mắc hội chứng Down đã bị trục thai. Mười em trong số ấy đã được hơn 24 tuần lễ. 181 em khác bị trục thai vì lịch sử gia đình từng mang các dị hình di truyền. Tổng cộng, trong năm 2010, có tất cả 2,290 vụ phá thai vì lý do khuyết tật hay vấn đề di truyền. Trong số đó, 147 vụ thực hiện sau khi thai nhi đã được 24 tuần lễ.

Trong một tuyên bố công cộng, Hội Bảo Vệ Trẻ Em Chưa Sinh bày tỏ sự lo ngại đối với các dữ kiện phá thai. Anthony Ozimic, quản trị viên về truyền thông của tổ chức này nhận định rằng: “Giữa các năm 2001 và 2010, con số phá thai vì lý do khuyết tật đã tăng 1/3, gấp 10 lần so với tỷ lệ phá thai nói chung. Rõ ràng việc luật lệ cho phép phá thai là một hệ thống kỳ thị chết người chống lại người khuyết tật”.

Lẽ dĩ nhiên, Anh và Wales không phải là những xứ duy nhất trong việc loại trừ có lựa chọn này. Hiện nay, mỗi năm có khoảng 6,000 trẻ em mắc hội chứng Down sinh ra tại Hoa Kỳ. Con số này đã giảm hơn trước do việc sử dụng rộng rãi kỹ thuật kiểm tra tiền sinh (prenatal screening). Theo bản tường trình ngày 12 tháng 6 vừa qua của hãng Associated Press về chủ đề kiểm tra tiền sinh, việc giảm nói trên vào khoảng 11% giữa các năm 1989 và 2006, trong lúc người ta tưởng sẽ có gia tăng đáng kể.

Con số các vụ phá thai cho các thiếu nữ dưới tuổi ưng thuận tại Anh và Wales cũng rất đáng kể. Năm 2010, có 3,718 vụ phá thai cho các thiếu nữ dưới 16 tuổi. Phân tích thêm con số ấy, người ta thấy 2,676 vụ cho các em tuổi 14-15, 906 vụ cho các em tuổi 13-14, 134 vụ cho các em tuồi 12-13, và 2 vụ cho các em 12 tuổi và nhỏ hơn.

Trong các năm từ 2002 tới 2010, có tất cả 35,262 vụ phá thai cho các thiếu nữ dưới 16 tuổi. Tại Anh và Wales, các tư liệu mới nhất chưa hẳn là lý do duy nhất khiến người ta lo ngại về phá thai. Trong thập niên vừa qua, con số phá thai tăng 8%. Trong một thông cáo báo chí đề ngày 24 tháng 5, Bộ Y Tế Anh cho hay: tổng số các vụ phá thai trong năm 2010 là 189,574, tức 8% tăng hơn con số của năm 2000 (175,542).

Tỷ lệ phá thai cao nhất là 33 trên 1000 phụ nữ tuổi 19 và 20. Phụ nữ độc thân chiếm 81% tổng số phá thai. Xét chung, 91% các vụ phá thai lúc thai nhi dưới 13 tuần, 77% dưới 10 tuần. Các vụ phá thai bằng thuốc chiếm 43% tổng số, một gia tăng đáng kể so với 10 năm trước đây. Năm 2000, tỷ lệ ấy chỉ là 10%.

Michaela Aston, thuộc nhóm chiến dịch Sự Sống, cho hay bà quan tâm tới việc các phụ nữ có khuynh hướng vội vàng muốn phá thai ở ngay giai đoạn đầu. Tờ Telegraph ngày 24 tháng 5 tường trình rằng: “Cần dành thì giờ cho các phụ nữ suy nghĩ chín chắn mọi giải pháp, nhất là vì các dữ kiện từ các quốc gia khác vốn cho thấy ‘thời gian nguôi ngoai’ (cooling off) trước khi phá thai có tầm rất quan trọng trong việc làm giảm tỷ lệ phá thai, vì nhờ thế, các phụ nữ cũng như người phối ngẫu và gia đình họ có thì giờ xem sét các lựa chọn của mình”.

Lặp đi lặp lại

Phúc trình của Bộ Y Tế Anh cũng cho thấy con số các phụ nữ từng phá thai hơn một lần đã tăng lên. Năm 2010, 34% phụ nữ thuộc loại này, tăng 30% so với năm 2000. Các nguy hiểm của việc phá thai nhiều lần khi còn ít tuổi đã được một nghiên cứu gần đây nhấn mạnh. Cuộc nghiên cứu này thực hiện trên hơn 1 triệu vụ thai nghén tại Tô Cách Lan trong vòng 26 năm cho thấy: phụ nữ phá thai hơn một lần có nguy cơ nhiều hơn sẽ hạ sinh các trẻ em trước tháng và do đó chịu đủ thứ biến chứng.

Theo phúc trình về cuộc nghiên cứu này, được đăng trên nhật báo Times ở Luân Đôn ngày 5 tháng 7, các phụ nữ đã phá thai có 34% nguy cơ đẻ thiếu tháng hơn các phụ nữ có thai lần đầu. Tỷ lệ đó tăng lên 73% cao hơn các phụ có đứa con thứ hai, là những người có nguy cơ đẻ con thiếu tháng thấp hơn. Sohinee Bhattacharya, thuộc Đại Học Aberdeen, lãnh đạo cuộc nghiên cứu này, một cuộc nghiên cứu vẫn đang ở giai đoạn sơ khởi và chưa được công bố.

Mặt khác, tờ Times cũng cho hay: nguy cơ đẻ con thiếu tháng tăng lên đáng kể khi người đàn bà phá thai hai lần. Một trong năm phụ nữ phá thai 4 lần sẽ đẻ con trước khi nó được 37 tuần, so với chưa đầy 1 trong số 10 phụ nữ chỉ phá thai 1 lần.

Bhattacharya giải thích rằng nguy cơ đẻ con thiếu tháng vào khoảng 6% trong khi đối với các phụ nữ từng phá thai 1 lần, tỷ lệ ấy tăng tới 10%. Theo lời Josephine Quintavalle, thuộc Liên Minh Phò Sự Sống, nói với tờ Times, cho dù con số các phụ nữ bị ảnh hưởng như thế tương đối nhỏ, nhưng điều ấy cũng đủ chứng cớ cho thấy tác động của phá thai đối với sức khỏe. Bà nói: “Bất kể quan điểm của người ta ra sao về đạo đức học của việc phá thai, điều hiển nhiên là hiện nay việc báo động cho các phụ nữ biết các nguy cơ rất thực và có tính gia tăng về xẩy thai trong tương lai phải là một phần chủ yếu trong các thủ tục ưng thuận có hiểu biết”

Lương tâm luân lý

Ngày 26 tháng 2, Đức Bênêđíctô XVI đã nói chuyện với các thành viên của Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Sự Sống, lúc ấy đang họp hội nghị hàng năm. Một trong các chủ đề được thảo luận là những chấn thương nơi các phụ nữ phá thai. Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng các khốn khổ về tâm lý nơi các phụ nữ phá thai “cho thấy tiếng nói không thể nào dập tắt được của lương tâm luân lý và vết thương trầm trọng nhất nó phải chịu mỗi lần hành vi con người phản bội tiếng gọi bên trong hướng tới sự thiện của con người nhân bản mà lương tâm kia vốn là chứng tá”.

Ngài cũng chỉ trích những người cha đã để các phụ nữ mang thai hoàn toàn cô đơn. Ngài nhận định rằng chúng ta đang sống trong một tình huống văn hóa trong đó cảm thức về sự sống bị che mờ, làm người ta không còn nhận ra tính trầm trọng của việc phá thai. Thiển nghĩ không chứng cớ nào rõ hơn các tin tức trên đây từ Anh Quốc.

Theo Cha John Flynn, LC, Zenit 10 tháng 7.