Trong một bài phân tích đầu năm nay phổ biến trên ZenitNews, linh mục John Flynn có nói tới việc xì hơi của trái bom dân số. Theo cha, khoảng cuối năm nay, dân số thế giới sẽ lên tới 7 tỉ người. Nhận định về sự kiện này trên trang mạng Spiked, Brendan O'Neill cho rằng sẽ có vô số những tiên đoán bi quan của các đồ đệ Malthus trên các ngả thông tin. Thực vậy, tờ National Geographic, trong số tháng Giêng vừa qua, nhân bàn đến vấn đề dân số, đã trích dẫn lời tuyên bố của nhiều nhà bi quan. Trong số đó có Jared Diamond. Trong cuốn "Collapse", tác giả này cho rằng các cuộc thảm sát hàng trăm ngàn người tại Rwanda trong năm 1994 một phần do nạn nhân mãn tạo ra. Tuy thế, bài báo của National Geographic nói trên cũng cho ta một số nguồn khác có thế giá và quân bình hơn. Như Hania Zlotnik, giám đốc Phân Bộ Dân Số của Liên Hiệp Quốc, từng tuyên bố: “Xét toàn bộ, dân số đang trên đường tiến tới chỗ không nổ bùng nữa”. Phân bộ của ông phụ trách công bố các tín liệu thống kê, chứ không phải cơ quan kế hoạch hóa gia đình.

Zlotnik cũng cho tạp chí này hay: nhịp độ giảm sinh xuất tại khá nhiều quốc gia và nền văn hóa là điều khó hiểu, hiện cơ quan ông không hiểu lý do tại sao. Trung Tâm Nghiên Cứu Pew cũng đưa ra một phúc trình vào ngày 25 tháng 6 năm ngoái cho thấy đà giảm thiểu ấy. Gần 1 phần 5 phụ nữ Hoa Kỳ kết thúc thời kỳ có thể có con mà thực sự chưa bao giờ có con, so với tỷ lệ 1 phần 10 vào thập niên 1970. Theo phúc trình này, phụ nữ da trắng là những người có khuynh hướng không có con nhiều hơn cả. Tuy nhiên, trong thập niên vừa qua, tỷ số không con đã gia tăng khá nhanh nơi các phụ nữ da đen, nói tiếng Tây Ban Nha và Á Châu, cho nên sự khác biệt về sắc tộc trong vấn đề này hiện đã bớt đi nhiều.

Các con số trên thay đổi đôi chút tại các nước khác. Phúc trình cho rằng đối với các phụ nữ sinh năm 1960, 22% không có con tại Vương Quốc Thống Nhất (Anh), 19% tại Phần Lan và Hòa Lan, và 17% tại Ý và Ái Nhĩ Lan. Tỷ số này thay đổi từ 12% đến 14% đối với Tây Ban Nha, Na Uy, Đan Mạch, Bỉ và Thụy Điển.

Sai lầm

Tạp chí National Geographic cũng phỏng vấn Joel E. Cohen, tác giả cuốn sách xuất bản năm 1995 “How Many People Can the Earth Support?” (Trái Đất Có Thể Hỗ Trợ Bao Nhiêu Người?). Về tác động của mức dân số cao trên việc trái đất càng ngày càng ấm lên, Cohen cho hay: “Những ai cho rằng trọn vấn nạn là mức dân số đều sai lầm”. Ông còn cho rằng nó không phải là yếu tố nổi bật.

Khuôn mặt ‘giáo phụ’ của chủ nghĩa Malthus tân thời thì bi quan hơn. Ngày 14 tháng Giêng vừa qua, Nhật Báo Guardian có phúc trình rằng: Paul Erlich, tác giả cuốn sách xuất bản năm 1968 “The Population Bomb” chủ trương rằng trái đất đã vượt quá khả năng dung chứa của nó. Mặc dù các tiên đoán trong tác phẩm ấy phần lớn không đúng, Erlich vẫn tuyên bố rằng lúc này ông còn bi quan hơn lúc viết ra tác phẩm đó.

Một quan điểm chừng mực hơn đã được đưa ra trong một phúc trình ngày 14 tháng Giêng vừa rồi, do một cơ quan Anh là Institution of Mechanical Engineers công bố. Phúc trình này không giảm thiểu hóa các thách đố do vấn đề gia tăng dân số đem lại, nhưng cho hay các thách đố này có thể xử lý được.

Tuy nhiên, như Dominic Lawson đã trình bày trong mục ý kiến của nhật báo Independent tại Anh, ý thích nghe tin xấu vẫn trổi hơn ý thích nghe tin vui. Nên nhật báo của ông chỉ phổ biến phúc trình ấy bằng một mẩu tin ngắn, trong khi nhiều tờ báo khác phớt lờ luôn phúc trình ấy.

Trong một bài báo ngày 18 tháng Giêng, Lawson nhận xét rằng: một phúc trình khác được một trung tâm nghiên cứu nông nghiệp và phát triển toàn quốc tại Pháp công bố cũng đã bị giới truyền thông phớt lờ không đăng tải. Phúc trình này đặt vấn đề như sau: liệu một dân số hoàn cầu vào khoảng 9 tỉ người, tức mức cao nhất hiện được giới chuyên môn tiên đoán, có thể có đủ lượng 3,000 calories cho một người một ngày hay không. Câu trả lời của họ là có.

Nhiều quá chăng?

Tại Anh, bản phúc trình “Population: One Planet, Too Many People?” sau khi cho rằng thỏa mãn nhu cầu của một dân số có thể lên tới 9 tỉ vào cuối thế kỷ này quả là một thách đố lớn cho các chính phủ và cho xã hội nói chung, đã khảo sát 4 lãnh vực quan trọng sau đây: thực phẩm, nước, đô thị hóa và năng lượng.

Phúc trình cho rằng trong mấy thập niên qua, đã có sự cải thiện to lớn đối với phẩm chất và số lượng thực phẩm sản xuất. Đầu thập niên 1900, một nông gia ở Mỹ sản xuất vừa đủ để nuôi 2.5 người. Một thế kỷ sau, cũng một nông gia ấy sản xuất đủ để nuôi 97 người Mỹ và 32 người ngoại quốc.

Phúc trình nhận xét rằng tiếp tục gia tăng sản xuất thực phẩm không chỉ tùy thuộc các phát triển tương lai của kỹ thuật. Người ta có thể đạt được lượng sản xuất cao nhờ giảm lãng phí. Không dưới 25% các thực phẩm tươi mua tại các nước phát triển đã bị đổ đi. Tại Ấn Độ chẳng hạn, hàng năm có khoảng từ 35% tới 40% sản xuất rau trái đã bị thất thoát trước khi tới tay người tiêu thụ. Số lượng ấy lớn hơn toàn bộ mức tiêu thụ tại Vương Quốc Thống Nhất, do kho chứa tồi hay xử lý không thích đáng.

Khả năng sản xuất đủ thực phẩm, tự nó, không hề bảo đảm được việc sẽ không có nạn đói. Bản phúc trình này cho biết: đói thường là vấn đề chính trị hay vấn đề nghèo mà ra, chứ không phải là vấn đề khả năng sản xuất.

Về vấn đề nước, phúc trình nhận định rằng hiện nay ta có đủ các kỹ thuật và thực hành cần thiết để bảo đảm an toàn nước dùng. Bản phúc trình chỉ kêu gọi phải biến nước thành ưu tiên cao hơn khi xem sét các dự án phát triển. Hiện đang có nhiều khả thể trong phạm vi này, đi từ việc lọc nước mặn (desalination) đến việc gia tăng tái chế biến nước thải (water recycling). Một biện pháp khác cũng đang được xem sét là cung cấp hai hệ thống biệt lập nước thải và nước mưa (sewage & storm-water). Điều này giúp người ta lưu trữ được số nước mưa ít bị ô nhiễm trong những lúc mưa lớn để dùng cho lúc hạn hán.

Các tác giả phúc trình cũng thúc giục phải xem sét lại các thực hành hiện hữu để có thể cung cấp nước ở độ sạch rất cao bất kể dùng để làm gì, và phải dán nhãn cho nước thải coi nó như ô nhiễm ở độ cao nhất bất kể nó được dùng làm gì.

Thách đố của đô thị

Hầu hết mọi gia tăng dân số trong các thập niên sắp tới sẽ xẩy ra tại các vùng đô thị của các quốc gia đang phát triển. Phúc trình quả quyết rằng: “Cũng như đối với các vấn đề khác do việc gia tăng dân số đặt ra, ta thấy thường có một số trở ngại kỹ thuật đối với việc tại sao người ta không tìm ra giải pháp cho vấn đề gia tăng đô thị hóa”.

Điều cần phải làm là bảo đảm có được một việc hoạch định thích đáng và giải pháp đúng đắn phải chọn là các giải pháp thích hợp với các nhu cầu địa phương. Cũng thế, các vấn đề như tài chánh, quyền sở hữu và việc tham gia của cộng đồng phải được đề cập tới.

Còn về năng lượng, phúc trình nhận định rằng khó có thể tiên đoán mức cầu trong tương lai, nên các ước lượng hiện nay hết sức khác nhau về số lượng dầu hiện còn tồn trữ. Tuy nhiên, các kỹ thuật mới về năng lượng đang được phát triển, dù phí tổn khá cao.

Một lần nữa, phúc trình cho rằng ta không cần đặt hy vọng của ta trên một số kỹ thuật trong tương lai. Hiện nay, bất chấp các dự phóng về sự gia tăng mức cầu trong tương lai, kỹ thuật thuộc khoa công trình (engineering technology), vốn đã được hiểu biết thấu đáo, đã trưởng thành và đang ở vào giai đoạn phát triển cao, sẽ đủ khả năng để đem lại số năng lượng đòi hỏi cho suốt thế kỷ 21 mà không cần phải có những phát kiến mới về khoa học.

Tuy nhiên, phúc trình có đưa ra lời cảnh cáo sau: dù giải pháp có đó, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong phạm vi luật lệ, tài chánh và chính trị. Điều ấy đòi phải có sự phối hợp lớn hơn giữa các kỹ sư, các cộng đồng và các chính phủ.

Bản phúc trình kết luận bằng cách nhắc lại lời khẳng định này: có thể đương đầu với các tiên đoán về gia tăng dân số bằng các kỹ thuật hiện có. Nên các trở ngại hiện có không có tính kỹ thuật, mà liên hệ tới việc thực hiện, thông đạt và phối hợp. Đó là điều cần ghi nhớ khi đọc các tiên đoán thảm hại trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Dân số thế giới

Từ điển mở Wikipedia cho hay: theo tính toán tự động hàng ngày của Sở Thống Kê Mỹ, dân số hoàn cầu hiện nay là 6,899,200,000. Á Châu chiếm 60%, khoảng hơn 4 tỉ người (Trung Hoa và Ấn Độ chiếm khoảng 37%); Phi Châu chiếm 15%, tức 1 tỉ, Âu Châu chiếm 11% tức 733 triệu, Bắc Mỹ chiếm 5% tức 352 triệu, Mỹ Châu La Tinh và Vùng Caribbean chiếm 9% tức 589 triệu và Đại Dương Châu chiếm dưới 1% tức 35 triệu người.

Thế kỷ 20 là thế kỷ gia tăng dân số nhiều nhất nhờ tử xuất giảm, nhờ các tiến bộ y khoa và nhờ sản lượng nông nhiệp gia tăng đáng kể do cuộc Cách Mạng Xanh. Năm 2000, Liên Hiệp Quốc dự đoán dân số thế giới gia tăng mỗi năm 1.14% (khoảng 75 triệu người), ít hơn năm 1989 lúc dân số thế giới tăng 88 triệu người. Năm 2000 cũng là năm, dân số thế giới tăng gấp 10 lần so với trước đó 300 năm.

Tại một số quốc gia, tỷ xuất gia tăng dân số (số sinh trừ số tử cộng số di dân thuần) được coi là tiêu cực, nhất là tại Trung và Đông Âu. Trong thập niên tới, Nhật và Tây Âu cũng gặp hiện tượng tỷ xuất gia tăng dân số tiêu cực. Dù con số người trên mặt đất tăng, nhưng tỷ xuất gia tăng dân số hiện đang đi xuống. Về lâu về dài, sự gia tăng dân số thế giới là điều khó tiên đoán và con số của Liên Hiệp Quốc và Sở Thống Kê Mỹ có khác nhau. Mỹ thì tiên đoán dân số ấy sẽ lên tới 7 tỉ người vào tháng 7 năm 2012, trong khi Liên Hiệp Quốc thì cho là vào cuối năm 2011.

Năm 1798, Thomas Malthus tiên đóan sai rằng việc gia tăng dân số sẽ vượt quá khả năng cung cấp thực phẩm vào giữa thế kỷ 19. Năm 1968, Paul R. Ehrlich lặp lại cùng một lập luận trong cuốn “The Population Bomb” đã nhắc trên đây. Ông ta tiên đoán các thập niên 1970 và 1980 đều xẩy ra đói kém. Các tiên đoán của những người tân-Malthus này bị nhiều nhà kinh tế học thách thức kịch liệt. Các nghiên cứu nông nghiệp, nhất là cuộc Cách Mạng Xanh, đang hỗ trợ các thách thức này. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp đã gia tăng đáng kể, đủ sức đương đầu với bất cứ việc gia tăng dân số nào. Vì từ năm 1950 tới 1984, cuộc Cách Mang Xanh đã giúp việc sản xuất lúa gạo gia tăng 250% trên thế giới. Trong khi ấy, kể từ khi bắt đầu có cuộc Cách Mạng Xanh, dân số thế giới gia tăng 4 tỉ người. Vì thế, nhiều người cho rằng nếu không có cuộc Cách Mạng này, chắc chắn thế giới đã lâm vào thảm họa, hay ít nhất nạn đói và thiếu dinh dưỡng trên thế giới sẽ còn cao hơn nhiều so với ước tính hiện nay của Liên Hiệp Quốc (khoảng 850 triều người thiếu dinh dưỡng kinh niên).

Có điều, năng lượng cho cuộc Cách Mạng Xanh được cung cấp bởi nhiên liệu thực vật dưới dạng phân bón (hơi khí nhân tạo), thuốc trừ sâu (dầu hỏa) và việc dẫn thủy nhập điền sử dụng nhiên liệu hydrocarbon. Cho nên, việc sản xuất dầu hỏa trở thành khí cụ đo lường giá trị của lý thuyết Malthus và Ehrlich. Đến tháng 5 năm 2005, giá lúa hạt đã tăng đáng kể do việc nhà nông sử dụng nhiên liệu sinh học (biofuels), do giá dầu hoả lên tới 140 dollars một thùng, tức 880 dollars một thước khối, do gia tăng dân số hoàn cầu, thay đổi khí hậu, mất đất nông nghiệp cho việc phát triển gia cư và kỹ nghệ… Bạo động thực phẩm đã xẩy ra tại nhiều nơi trên thế giới như Morocco, Yemen, Mexico, Guinea, Mauritania, Senegal và Uzbekistan.

Tuy nhiên, như nhận định trên đây, tình thế ấy không hẳn do khả năng sản xuất nông nghiệp cho bằng các lý do chính trị, thực hiện thiếu sót, thiếu thông đạt và phối hợp.