Bài suy tư của Đức Tổng Giám Mục (TGM) Raymond L. Burke, D.D., J.C.D., Chánh Án Toà Án Tối Cao

Đây là hai bản tin từ hãng AP đăng tải sáng 29 tháng 10, 2009. Bản tin thứ nhất cho biết Chủ Tịch Hạ Viện, bà Nancy Pelosi, hết sức phấn khởi tiết lộ rằng: sau nhiều tháng trời vật lộn, cuối cùng thì bản dự luật cải tổ y tế chắc chắn sẽ được Hạ Viện thông qua nội trong tuần tới, bất chấp sự chống đối nhất loạt của phía Cộng Hòa. Lý do là bản dự thảo này rất hợp với đường hướng mà TT Obama đã ấp ủ bấy lâu, đó là trải rộng bảo hiểm sức khỏe cho hàng triệu người đang cần đến mà chưa được, cũng như tạo ra một lối bảo hiểm kiểu ‘quốc doanh’ (tức bảo hiểm công do chính phủ quản lý). Con số lạc quan được đưa ra là: sau khi thi hành và áp dụng trong nhiều năm tháng, qua nhiều giai đoạn, ước tính tỉ lệ dân chúng được bảo hiểm sức khỏe sẽ lên đến 96 phần trăm dân số Hoa Kỳ. Với viễn ảnh sáng chói như thế, việc thông qua dự luật cải tổ y tế phải được coi là “thời điểm lịch sử” (Pelosi: new health care bill is ‘historic moment,’ xem http://news.yahoo.com/s/ap/20091029"> )

Bản tin thứ hai thì không được vui: một công nhân làm việc cho Home Depot tại Florida bị sa thải vì đeo một cái khuy có mang dòng chữ “One Nation under God, indivisible.” (tạm dịch “Một Quốc Gia dưới (sự che chở của) Chúa, bất khả phân.” Bản tin cho biết: từ tháng Ba năm 2008, anh Trevor Keezor đã đeo cái khuy đó trên tấm tạp dề của anh trong khi làm công tác thâu ngân. Công ty bảo là anh không được phép biểu lộ niềm tin cá nhân như thế. Một ngày đầu tháng 10 năm nay, khi thấy anh mang cuốn Kinh Thánh ra đọc vào giờ ăn trưa, nhân viên ban quản trị đã nhân cơ hội yêu cầu anh cởi bỏ cái khuy có mang dòng chữ trên. Bản tin cho biết, sau khi từ chối, anh đã bị sa thải vào ngày 23 tháng Mười vừa qua, với lý do “vi phạm luật ăn mặc tại sở làm.” (Xem http://news.yahoo.com/s/ap/us_god_button_home_depot )

Bản tin về cải tổ y tế chính là bối cảnh để chúng ta cùng đọc những suy tư của Đức TGM Raymond Leo Burke, D.D., J.C.D., nguyên TGM Saint Louis, hiện đang giữ chức Chánh Án Toà Án Tối Cao tại Roma. Bài suy tư này được phát biểu ngày 18 tháng 9 năm 2009, trong Bữa Tối nhân kỷ niệm 14 năm thành lập ‘InsideCatholic,’ một nhóm chủ trương gióng lên tiếng nói Công giáo chân chính về đức tin, văn hoá lẫn chính trị giữa dòng đời hôm nay tại đất nước này ( Xem http://insidecatholic.com, ngày 26 tháng 9 năm 2009). Phải, nền văn hóa tại Hoa Kỳ, cũng giống như tại Châu Âu, đã thấm nhuần đậm đà và sâu xa truyền thống Kitô giáo trong hầu hết mọi khía cạnh của đời sống và sinh hoạt thường nhật, từ trong gia đinh, học đường, ra đến ngoài xã hội. Thế mà, với trào lưu tục hóa, người ta đang tìm đủ mọi cách bôi xóa hết tất cả những gì mang chút hơi hướng, những dấu vết gì khơi gợi người ta nhớ đếnThiên Chúa. Điều này không biết có thực hiện được hay không, hoặc cho tới một tầm mức nào. Tuy nhiên, điều chắc chắn là: khi chối bỏ Thiên Chúa, người ta đang tự tiêu diệt, bởi vì người ta đang phá hủy chính nguồn gốc và lịch sử của mình, để hoàn toàn rơi vào tình trạng mất hướng. Cứ đà này, chuyến xe định mệnh của con người, nếu không có phép mầu, tất không thể không lao xuống vực thẳm đang mở toang ở ngay trước mắt mà con người không muốn nhận ra. Không còn Thiên Chúa thì nói đến luân lý, đạo đức, phong hóa, thiện ác, tốt xấu để làm gì? Không còn Thiên Chúa thì chuyện gì là không được phép làm? Khi không còn một quyền lực nào ở trên mình, thì con người là chủ tể duy nhất và tuyệt đối của thế giới này; con người phải đứng lên dành lại hết mọi tự do xưa nay đã bị Thiên Chúa cấm cản. Và chuyện gì phải đến, tất sẽ đến. Trong tâm tình này, xin mời bạn đọc cùng lắng đọng với những suy tư rất thời sự của Đức TGM Raymond Burke sau đây.


Chúng ta đang trải qua một thời kỳ đấu tranh căng thẳng và có tính quyết định trong việc đẩy mạnh nền văn hóa sự sống tại đất nước này. Chính quyền liên bang đang công khai và hùng hổ theo đuổi một nghị trình duy thế tục. Cho dù họ vẫn sử dụng ngôn từ tôn giáo, kể cả việc kêu cầu danh thánh Chúa, họ vẫn đề xướng các chương trình và chính sách cho toàn dân mà không hề tỏ dấu kiêng nể Thiên Chúa và Luật lệ của Ngài. Nói theo ngôn ngữ của Tôi tớ Chúa, Đức Giáo Hoàng (ĐGH) Gioan-Phaolô II, thì họ cứ thẳng tiến “y như thể Thiên Chúa không hề hiện hữu” (xem Tông Huấn ‘Christifideles Laici’--Về Ơn Gọi và Sứ Mệnh của Giáo Dân trong Giáo Hội và thế giới,” ngày 30 tháng 12 năm 1988, số 34).

Cùng lúc ấy, lại thấy thiếu sự hợp nhất giữa những người đang hiến thân đẩy mạnh một nền văn hóa hoàn toàn trân quý món quà sự sống và tôn trọng nguồn gốc của nó là sự sinh sản, nghĩa là trong sự hợp tác của người nam và người nữ với Thiên Chúa qua sự kết hợp vợ chồng cũng như qua việc giáo dục tại gia, thành quả hôn nhân của họ. Những xôn xao mới đây, khởi đi từ tang lễ cố Thượng Nghị Sĩ Edward M. Kennedy, đã cho thấy mối bất đồng sâu xa, kể cả những phê phán gay gắt, ngay giữa những người công khai dấn thân cho Tin Mừng Sự Sống.

Vì cùng chia sẻ sự cam kết nuôi dưỡng lòng tôn trọng sự sống con người và sự toàn vẹn của hôn nhân và gia đình, tôi xin cống hiến một vài suy tư nền tảng về phương cách đẩy mạnh nền văn hóa sự sống trong đất nước chúng ta. Những suy tư này không hề bao quát tất cả. Tôi chỉ hy vọng rằng, tuy nhỏ bé và khiêm tốn, những suy tư này có thể giúp chúng ta vừa gửi được Tin Mừng Sự Sống một cách hữu hiệu đến cho giới lãnh đạo chính trị của chúng ta, lại vừa gây được tình hợp nhất với tất cả những ai đang thực sự hiến thân nhằm thăng tiến lòng tôn trọng sự sống con người và sự toàn vẹn của hôn nhân cùng với hoa trái của nó là đời sống gia đình.

Sau cùng, như một lời giới thiệu, tôi muốn liên kết những suy tư này lại với Thông Điệp ‘Caritas in Veritate’—“Về Sự Phát Triển Con Người Toàn Diện trong Bác Ái và Chân Lý--BACL”--của ĐGH Bênêđictô XVI, gửi ra ngày 29 tháng Sáu năm 2009. Tôi cho rằng việc phát triển mà Chúa nhắm đến khi tạo dựng con người đã được thành tựu trong sự thiết lập nền văn hóa sự sống. Đây là lời của chính ĐGH Bênêđictô XVI: “Vì thế, bác ái và chân lý đặt chúng ta trước một trách nhiệm hoàn toàn mới và đầy sức sáng tạo, chắc chắn sẽ rộng lớn và phức tạp. Đó là phải khai triển lý trí và giúp lý trí có khả năng nhận ra và hướng dẫn những năng động mới đầy ấn tượng, bằng cách linh động hóa những sức mạnh này từ bên trong theo viễn tượng nền “văn minh tình thương” mà Thiên Chúa đã gieo trong mỗi dân tộc và trong mỗi nền văn hóa.” (BACL số 33--Bản dịch của: UB Giáo Lý Đức Tin & TT Mục Vụ TGP Saigon)

Nỗ lực không mỏi mệt của chúng ta để cổ súy nền văn hóa sự sống phải thực sự đáp lại đúng nguyện vọng sâu xa nhất nơi mỗi người, và nơi mỗi xã hội. Nó khai mở và chuẩn bị “một trời mới và đất mới” mà Chúa Giêsu Kitô sẽ khai mạc khi Ngài lại đến (Khải Huyền 21:1).

HOÀN CẢNH GỢI SUY TƯ

Hoàn cảnh khơi gợi những suy tư này là sự thật (cho rằng) cuộc đấu tranh chống lại sự tục hóa toàn diện của quốc gia này thì hoàn toàn vô ích, chẳng có cách gì thành công được. Tại đất nước này, bất chấp tình huống bi thảm của việc tấn công vào những trẻ thơ vô tội, phá hủy đời sống của những kẻ không thể tự vệ được cũng như trực tiếp đánh thẳng vào sự toàn vẹn của hôn nhân xét như sự kết hợp của người nam và người nữ trong mối dây tình yêu trọn đời, thủy chung và tạo sinh, vẫn còn đó một tiếng nói vững mạnh vang lên nhằm bảo vệ những người anh chị em nhỏ bé nhất và dễ tổn thương nhất của chúng ta—không ranh giới, không luật trừ--cũng như bảo vệ chân lý về sự kết hợp phu thê như đã được Thiên Chúa tạo dựng ngay từ đầu. Tiếng nói Kitô giáo, tiếng nói của Chúa Kitô, nhờ các Tông Đồ thông truyền, vẫn còn vang vọng mãnh liệt tại đất nước này. Đó cũng là tiếng nói của những người có lòng thiện tâm—nam cũng như nữ--những người biết nhìn nhận và tuân thủ luật lệ của Thiên Chúa vốn đã được ghi khắc vào tâm khảm của mỗi chúng ta.

Là một người đang sống tại Âu Châu, bên ngoài đất nước Hoa Kỳ, tôi có thể tuyên bố không một chút do dự rằng: khi nhận ra vụ phá sản nhân bản của nền văn hóa duy thế tục, nhiều người đang đặt kỳ vọng vào quốc gia Hoa Kỳ, với hy vọng rằng dân tộc chúng ta sẽ tái lập và canh tân những nền móng dân chủ mang đầy chất Kitô giáo và đầy niềm kính úy đối với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tạo dựng nên ta để ta chọn lựa sự sống; Chúa Con Nhập Thể đã mang lại cuộc chiến thắng của sự sống, cuộc chiến thắng trên tội lỗi và nỗi chết đời đời (x. Dt 30:19; Jn 10:10). Do đó, chúng ta không bao giờ đầu hàng cuộc đấu tranh nhằm đẩy mạnh nền văn hóa chọn lựa sự sống, điều Thiên Chúa đã khắc ghi vào tâm khảm ta, cũng như đấu tranh dành chiến thắng cho sự sống, điều Chúa Kitô đã đắc thủ nơi bản tính con người. Quả vậy, hàng ngày chúng ta đều chứng kiến những người Hoa Kỳ có lòng kính sợ Chúa biết dấn thân vào công cuộc thăng tiến lý tưởng về sự sống và gia đình ngay trong gia đình mình, hoặc nơi cộng đoàn địa phương cũng như trong toàn thể quốc gia này.

Về phần các nền tảng dân chủ, đôi khi có nhận định rằng, cho dù các vị có công lập quốc đã sử dụng ngôn từ tôn giáo, nhưng niềm tin của các vị ấy lại không phải hoàn toàn mang tính Kitô giáo, theo nghĩa là nó đã mang đậm tầm ảnh hưởng triết lý duy thế tục của thời kỳ Ánh Sáng. Nói khác đi, cho dù tin Chúa, các vị ấy vẫn hiểu rằng Ngài ở xa con người và thế giới, để mặc con người tự nhiên sống theo bản tính của mình, tự tạo lấy mình và cải tạo thế giới này. Một cách đặc thù, cái lập trường cho rằng quốc gia chúng ta đây không thực sự được xây dựng trên nền móng đức tin vào Thiên Chúa, lập trường này phải được kiểm nhận bằng ngôn ngữ của Hiến Pháp Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, trong đó không hề thấy đả động gì đến Danh Thiên Chúa cũng như Luật Pháp của Ngài. Lập trường này thường được dùng để xác nhận rằng nền móng của quốc gia chúng ta đây không hề được xây dựng trên luật luân lý tự nhiên, mà trên nền tảng là nguyện vọng của đại đa số quần chúng thời ấy, phù hợp với một nền triết lý duy lý và duy thế tục.

Dù các nhà lập quốc có riêng một thứ triết lý nào chăng nữa, sự thực rõ ràng vẫn là: điều đã khởi hứng cho việc lập quốc chính là một niềm tin đã được cống bố dõng dạc, niềm tin vào Thiên Chúa và niềm tin tưởng nơi các quyền bất khả nhượng mà Thiên Chúa đã phú ban cho con người, như đã được diễn đạt trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập ngày 4 tháng 7 năm 1776. Bản Tuyên Ngôn Độc Lập minh chứng rằng chính phủ hiện hữu để bảo vệ các quyền bất khả nhượng của con người, vốn phát nguồn từ nơi Thiên Chúa và được Luật Ngài bảo vệ. Các vị đại diện đất nước chúng ta, ngay từ đầu, đã kết luận Bản Tuyên Ngôn Độc Lập với lời kêu cầu “Vị Thẩm Phán Tối Cao của trần thế” và “với niềm tin kiên cường vào sự hỗ trợ của Thiên Chúa Quan Phòng,” các vị đã cam kết cùng nhau dành cả đời sống, của cải, và danh vọng làm bảo chứng cho tất cả những gì mình đã tuyên bố. Bởi thế, cho dù liên tục bị ảnh hưởng dữ dội của trào lưu tục hóa, các công dân đất nước chúng ta vẫn trung kiên biểu lộ niềm tin vào Thiên Chúa và phó thác cho sự quan phòng của Ngài. Niềm tin và hy vọng cũng giúp họ, như đã từng giúp các nhà lập quốc, sẵn sàng hiến mạng để bảo vệ các quyền mà Chúa đã ban cho mình, đó là quyền “sống, tự do, và theo đuổi hạnh phúc.” Chối bỏ nền tảng Kitô giáo trong dòng sinh mệnh của quốc gia chúng ta tức là chối bỏ chính dòng lịch sử của ta vậy.

Mô tả khung cảnh khơi gợi những dòng suy tư này, tôi không hề muốn chối bỏ sự đóng góp của các tôn giáo bạn và của những người thiện chí đã cống hiến cho dòng sinh mệnh quốc gia. Thừa nhận niềm tin Kitô giáo đã gây cảm hứng cho việc lập quốc và kiến quốc không đồng nghĩa với việc tuyên bố phải nhẫn nhục chịu đựng đối với những vị ngoài Kitô giáo. Bởi lẽ, tự bản chất của niềm tin Kitô giáo là tình thương đối với con người, một tình thương vượt mọi biên cương và không loại trừ bất kỳ ai. Luật Vàng mà Chúa Giêsu đã dậy cho thấy người Kitô hữu yêu thương mọi người, bất chấp biên cương, không hề loại trừ ai (x. Mt 7:12). Với người Kitô hữu, việc chấp nhận những người không cùng chung tín ngưỡng không hề là vấn đề nhẫn nhục chịu đựng, mà là tình thương dính liền với chân lý của niềm tin trong khi tôn trọng tín ngưỡng của những người không thuộc Kitô giáo, miễn là tín ngưỡng này cùng nhất quán trong luật luân lý tự nhiên, nghĩa là phù hợp với sự tôn trọng các quyền bất khả nhượng mà Thiên Chúa đã phú ban cho con người. Tình thương Kitô hữu không hề xây dựng trên sự nhẫn nhục mù quáng đối với tha nhân, đối với những suy nghĩ, nói năng, và hành động của họ, mà là xây dựng trên nền tảng hiểu biết sâu xa đối với người khác, với tín ngưỡng của họ, và việc nhìn nhận một cách lương thiện các khác biệt trong tín ngưỡng, nhất là trong điều có thể đem lại sự thỏa hiệp trong nếp sinh hoạt của quốc gia chúng ta.

Bối cảnh thứ hai khơi gợi các suy tư của tôi chính là mối liên hệ then chốt giữa việc tôn trọng sự sống con người và sự toàn vẹn của hôn nhân và gia đinh. Việc tấn công vào mạng sống các trẻ em chưa được sinh ra, hoàn toàn vô tội, và chưa hề biết tự vệ khởi phát từ một quan điểm sai lạc về tính dục con người, đưa đến việc sử dụng các phương tiện cơ giới hoặc hóa học để triệt hạ bản chất sinh sản thiết yếu của hành vi vợ chồng. Sự sai lạc là cho rằng hành vi vợ chồng--vốn đã bị xoay lệch đi một cách ngụy tạo--vẫn còn giữ được tính toàn vẹn của nó. Ngụy biện nằm ở chỗ bảo rằng hành vi vợ chồng ấy vẫn mang nặng tính kết hợp trong khi bản chất sinh sản đã bị xâm phạm một cách trắng trợn. Thực ra, hành vi ấy không hề mang tính kết hợp, do bởi một hoặc cả hai người phối ngẫu đều giữ lại cái phần thiết yếu của món quà vốn là căn cốt của việc kết hợp vợ chồng. Cái não trạng mệnh danh là “ngừa thai ” thì đích thị chống lại sự sống. Rất nhiều hình thức mệnh danh là ngừa thai--mà thực chất chỉ là phá thai—nghĩa là, ngay từ đầu đã hủy hoại đi một mầm sống vừa mới tượng hình.

Việc lạm dụng hành vi vợ chồng, như ĐGH Phaolô VI tiên báo, đã dẫn đến nhiều hình thức bạo hành nhắm vào đời sống hôn nhân và gia đinh (x. Humanae Vitae, số 17). Khi não trạng ngừa thai đã lan tràn, nhất là giữa giới trẻ, thì tính dục con người không còn được coi là món quà của Thiên Chúa nữa, hiểu như điều lôi kéo nam nữ đến với nhau, trong mối dây tình yêu chung thủy trọn đời, mà tột đỉnh là món quà của một mầm sống mới được khai sinh. Tính dục chỉ còn là một dụng cụ thỏa mãn cá nhân. Một khi sự kết hợp tính dục không còn được nhìn nhận đúng như bản chất của nó là sinh sản nữa, thì tính dục con người sẽ bị lạm dụng bằng nhiều cách thức, đưa đến thiệt hại sâu xa, có khi còn hủy hoại con người và cả xã hội nữa. Cứ thử nghĩ đến sự tác hại mà nền kỹ nghệ tranh ảnh khỏa thân trị giá hàng triệu Mỹ Kim đang gây ra cho đất nước này mà xem. Muốn thăng tiến nền văn hóa sự sống, điều thiết yếu chính là công bố sự thật về việc kết hợp vợ chồng, bao hàm đủ mọi khía cạnh, đồng thời sửa sai cái lối ‘suy nghĩ ngừa thai’ đang làm cho người ta hãi sợ sự sống, e ngại sanh đẻ. Đó chính là điều ĐGH Bênêđíctô XVI đã ghi nhận trong Thông điệp “Bác Ái trong Chân Lý”, khi ngài nói đến Thông Điệp “Humanae Vitae” của ĐGH Gioan-Phaolô II, và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của “việc nói lên nội dung sự phát triển con người toàn diện theo đề nghị của Giáo hội (BACL, số 15). ĐGH Bênêđictô XVI minh định rằng giáo huấn trong ‘Humanae Vitae’ “không phải chỉ là luân lý cá nhân,” mà còn “cho thấy những liên hệ chặt chẽ giữa đạo đức của sự sống và đạo đức xã hội, khai mở một đề tài giáo huấn được triển khai trong nhiều tài liệu của huấn quyền, và mới đây nhất, trong Thông điệp Evangelium Vitae—Tin Mừng Sự Sống--của ĐGH Gioan-Phaolô II.

Ngài nhắc nhở chúng ta một điểm then chốt: một nhận thức đúng đắn về tính dục chỉ có thể có được trong sự phát triển con người toàn diện. Nói về vấn đề sinh sản, ngài nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nhận thức đúng đắn về tính dục, hôn nhân và gia đình, như sau: “Vì quan tâm đến sự phát triển đích thực của con người, Giáo hội thúc giục con người phải tôn trọng đầy đủ những giá trị nhân bản trong hành động tính dục. Tính dục không thể bị giảm thiểu thành khoái lạc hay giải trí thuần túy, cũng thế, giáo dục phái tính không thể chỉ là hướng dẫn về kỹ thuật với mục đích duy nhất là làm sao khỏi bị bệnh và tránh được “nguy cơ” thụ thai. Làm như thế là coi thường và nghèo nàn hóa ý nghĩa sâu xa của tính dục, vốn là ý nghĩa cần phải được nhìn nhận và thực hiện cách có trách nhiệm, không những đối với các cá nhân mà cả với cộng đồng (BACL, số 44).

(còn tiếp hai kỳ, Nguyễn Kim Ngân chuyển ngữ)

Ngày 10/29/09 Kính nhớ Á Thánh Don Rua, người đầu tiên kế vị Cha Thánh Gioan Bosco