21. Trong những năm gần đây, Châu Phi cũng đã trở nên mảnh đất rất mầu mỡ cho ơn gọi tu dòng: linh mục, tu sĩ nam nữ. Chúng tôi tạ ơn Chúa vì hồng ân này. Thưa các tu sĩ nam nữ thân yêu, chúng tôi xin ca ngợi anh chị em vì chứng tá cuộc sống tu trì khấn giữ các lời khuyên phúc âm về đức khiết trinh, nghèo khó và vâng lời của anh chị em, một cuộc sống biến anh chị em thành tiên tri và mẫu mực của hòa giải, công lý và hoà bình, trong các hoàn cảnh áp lực cùng cực. Thượng Hội Đồng khuyên anh chị em hãy đem lại cho công tác tông đồ của anh chị em tính hữu hiệu tối đa, bằng cách hiệp thông một cách trung thành và đầy dấn thân với hàng giáo phẩm địa phương. Đặc biệt, thưa qúy nữ tu sĩ, Thượng Hội Đồng xin ca ngợi chị em vì sự tận tụy và nhiệt thành của chị em trong công tác tông đồ ở các ngành y tế, giáo dục và các phạm vi phát triển nhân bản khác.

22. Với lòng âu yếm sâu xa, Thượng Hội Đồng này xin ngỏ lời với anh chị em tín hữu giáo dân của Châu Phi. Anh chị em là Giáo Hội của Thiên Chúa nơi quảng trường công của xã hội. Chính nơi anh chị em và qua anh chị em, đời sống và chứng tá của Giáo Hội trở thành hữu hình đối với thế giới. Cho nên, anh chị em chia sẻ thiên mệnh của Giáo Hội để trở thành “các đại sứ của Chúa Kitô” mà làm việc cho sự hòa giải con người với Thiên Chúa và giữa họ với nhau. Điều này đòi anh chị em phải để cho đức tin Kitô Giáo thấm nhiễm mọi phương diện và khía cạnh của đời sống anh chị em: trong gia đình, nơi làm việc, trong nghề nghiệp, nơi chính trường và sinh hoạt công cộng. Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Chính vì vậy, anh chị em phải chuyên chăm chạy tới với các phương thế ơn thánh, qua cầu nguyện và năng chịu các bí tích.

Bản văn Thánh Kinh trong chủ đề của Thượng Hội Đồng, dùng để ngỏ với mọi môn đệ Chúa Kitô, quả đã đặc biệt nói với anh chị em như sau: “Anh chị em là muối đất… Anh chị em là ánh sáng thế gian” (Mt 5:13-14). Ở đây, chúng tôi muốn nhắc lại các khuyến cáo của Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Phi về tầm quan trọng của Các Tiểu Cộng Đoàn Kitô Giáo (EIA, 93). Ngoài cầu nguyện, anh chị em cũng phải trang bị cho mình kiến thức đầy đủ về đức tin Kitô Giáo để có thể “minh chứng cho niềm hy vọng mà anh chị em đang ấp ủ” (1 Pet 3:15) nơi các quảng trường ý niệm. Những người càng ở địa vị cao giữa anh chị em thì càng có nhiệm vụ phải thủ đắc cho mình một trình độ hiểu biết tương xứng về nền văn hóa tôn giáo của chúng ta. Một cách đặc biệt, chúng tôi xin mạnh mẽ đề nghị với anh chị em các nguồn căn bản của đức tin Công Giáo: Thánh Kinh, Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, và liên quan hàng đầu với chủ đề của Thượng Hội Đồng là cuốn Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội. Tất cả những sách này đều có sẵn với giá phải chăng.

Tiếp tục dốt nát về đức tin là điều không thể bào chữa được. Về phương diện này, Tông Huấn Giáo Hội Tại Châu Phi (EIA) đã nồng nhiệt khuyến cáo việc thiết lập ra các Đại Học Công Giáo. Chúng tôi cám tạ Chúa vì nhiều định chế loại này đã mọc lên trong 15 năm qua, và nhiều định chế nữa đang thành hình. Đây là một dự án có tầm quan trọng hàng đầu. Dự án ấy cũng đòi rất nhiều tiền bạc. Nhưng nó cần thiết, nếu chúng ta muốn đầu tư cho tương lai để có được những người giáo dân Công Giáo được đào tạo đàng hoàng, nhất là các nhà trí thức, biết sẵn sàng và có khả năng đứng lên làm chứng cho đức tin trong thế giới hiện đại. Chắc chắn, đây là phạm vi rất cần tới tình liên đới phổ quát của cả Gia Đình Giáo Hội Chúa.

23. Thưa anh chị em Công Giáo Châu Phi thân mến đang làm việc trong sinh hoạt công. Chúng tôi xin ca ngợi nhiều người trong anh chị em, bất chấp mọi hiểm nguy và bất trắc của nền chính trị tại Châu Phi, đã quảng đại hiến mình trong công vụ của dân mình, coi nó như một hình thức tông đồ để cổ vũ ích chung và Vương Quốc công lý, yêu thương và hòa bình của Chúa, phù hợp với các giáo huấn của Giáo Hội (Xem Vatican II, Vui Mừng và Hy Vọng, 75).

Anh chị em luôn có thể tin cậy vào sự khích lệ và hỗ trợ của Giáo Hội. Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Phi đã biểu lộ niềm hy vọng rằng các chính khách và các quốc trưởng thánh thiện sẽ xuất hiện tại Châu Phi. Nguyện ước ấy không phải chỉ là niềm hy vọng vô tích sự. Quả là ấm lòng khi thấy án phong chân phước cho Julius Nyerere of Tanzania đang được tiến hành. Châu Phi cần các vị thánh trong các chức vụ chính trị cao cấp: những chính khách thánh thiện sẽ làm sạch cái lục địa tham nhũng này, biết làm việc cho ích lợi người dân, và biết cách làm thế nào huy động được những người đàn ông đàn bà thiện chí ở bên ngoài Giáo Hội chịu nắm tay nhau chống lại các tệ nạn chung đang giáng xuống các quốc gia chúng ta.

Thượng Hội Đồng từng mạnh mẽ khuyến cáo các Giáo Hội địa phương hãy tăng cường việc tông đồ của mình trong việc chăm sóc thiêng liêng cho các người đang giữ các chức vụ công cộng, để tạo ra các ban tuyên úy có hiệu năng bên cạnh họ và tổ chức được các văn phòng liên lạc cấp cao nhằm phúc âm hóa các viện lập pháp. Chúng tôi khuyên tất cả anh chị em, nghĩa là mọi người tín hữu giáo dân đang hoạt động chính trị, hãy lợi dụng đầy đủ các chương trình loại ấy, ở bất cứ nơi nào chúng hiện hữu. Nhiều người Công Giáo có chức vụ cao đang xuống dốc thảm hại trong việc thi hành chức vụ của mình. Thượng Hội Đồng kêu gọi những người ấy hãy ăn năn thống hối, hay rời bỏ lãnh vực công và đừng gây thêm tai họa cho dân và mang tiếng xấu lại cho Giáo Hội Công Giáo.

24. Giờ đây, chúng tôi xin ngỏ lời với các gia đình Công Giáo thân thương của chúng tôi tại Châu Phi. Chúng tôi ca ngợi anh chị em đã nhất quyết tiếp tục trung thực với các lý tưởng của gia đình Kitô Giáo và duy trì được các giá trị tối hảo của gia đình Châu Phi. Chúng tôi xin cảnh báo để anh chị em đề phòng chống lại các nọc độc ý thức hệ đầy nguy hại đến từ nước ngoài, tự cho mình là văn hóa “hiện đại”. Anh chị em nên tiếp tục chào đón con cái như một hồng ân của Chúa, và huấn luyện để chúng nhận biết và kính sợ Thiên Chúa, trở thành những con người của hòa giải, công lý và hòa bình trong tương lai. Chúng tôi biết: nhiều gia đình của chúng ta đang bị căng thẳng rất lớn. Cái nghèo thường khiến các cha mẹ hết khả năng chăm sóc tốt cho con cái, đem lại biết bao hậu quả tai hại. Chúng tôi kêu gọi các chính phủ và thẩm quyền dân sự hãy nhớ rằng quốc gia nào dùng luật lệ tiêu diệt các gia đình của chính mình là làm một hành vi tự diệt. Phần lớn các gia đình chỉ yêu cầu điều cần đủ để sinh tồn. Họ có quyền được sống.

25. Các phụ nữ Công Giáo thân yêu, Thượng Hội Đồng xin ngỏ lời đặc biệt với qúy chị em. Qúy chị em là sương sống của Giáo Hội địa phương. Tại nhiều quốc gia, Các Tổ Chức Phụ Nữ Công Giáo là lực lượng lớn đối với công tác tông đồ của Giáo Hội. Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Phi khuyến cáo: trong Giáo Hội, “phụ nữ phải được huấn luyện thích đáng để họ tham gia vào sinh hoạt tông đồ ở các cấp thích hợp” (số 121). Tại nhiều nơi, nhiều tiến bộ trong phạm vi này đã được thực hiện. Nhưng nhiều điều vẫn còn cần phải được làm.

Sự đóng góp đặc trưng của phụ nữ cần phải được nhìn nhận và cổ vũ hơn nữa, không những trong gia đình, như những người vợ và người mẹ, mà còn trong khung cảnh xã hội nữa. Thượng Hội Đồng khuyến cáo các Giáo Hội địa phương hãy tiến xa hơn tuyên bố tổng quát của Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Phi, để đưa ra các cơ cấu cụ thể nhằm bảo đảm có được sự tham gia thực sự của phụ nữ “ở các cấp thích hợp”. Trong phạm vi này, Tòa Thánh đã cho chúng ta nhiều gương sáng bằng cách cử nhiệm nhiều phụ nữ vào các chức vụ rất cao cấp. Khắp Châu Phi, người ta đang nói nhiều về quyền nữ giới, nhất là qua kế hoạch hành động của nhiều cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc. Phần lớn những điều người ta nói đều đúng và phù hợp với những gì Giáo Hôi vốn lên tiếng. Tuy nhiên ta vẫn cần phải thận trọng đối với các dự án cụ thể đang được cổ vũ, vì đôi khi chúng có những nghị trình dấu mặt.

Chúng tôi xin trao cho chị em, các phụ nữ Công Giáo của chúng tôi, nhiệm vụ phải tham gia trọn vẹn các chương trình về phụ nữ tại các quốc gia chúng ta, nhưng phải mở to con mắt đức tin của chị em ra. Được trang bị bằng hiểu biết đầy đủ và giáo huấn xã hội của Giáo Hội, chị em hãy đảm bảo để những ý tưởng tốt không bị không tặc bởi những tên lái buôn ngoại quốc cũng như các ý thức hệ luân lý độc hại về phái giống và tính dục nhân bản. Xin Mẹ Maria của chúng ta, Đấng là Tòa Khôn Ngoan, hướng dẫn chị em trong việc thực hiện điều ấy.

26. Cũng thế, thưa qúy nam giới Công Giáo, Thượng Hội Đồng kêu gọi qúy anh em hãy đóng vai trò quan yếu làm những người cha có trách nhiệm và những người chồng tốt và trung thành. Anh em hãy noi gương Thánh Giuse (xem Mt 2:13-23) trong việc chăm sóc gia đình, trong việc bảo vệ sự sống ngay từ lúc tượng thai và giáo dục con cái. Anh em hãy tự tổ chức thành hiệp hội và các Nhóm Công Giáo Tiến Hành để anh em có khả năng thăng tiến phẩm tính cuộc sống Kitô hữu và dấn thân phục vụ Giáo Hội. Điều ấy cũng giúp anh em có được tư thế tốt hơn để thủ diễn các vai trò hàng đầu trong xã hội cũng như trở nên các nhân chứng và người cổ vũ hữu hiệu hơn của hòa giải, công lý và hòa bình, làm muối cho trái đất và ánh sáng cho thế gian.

27. Cuối cùng, chúng tôi xin thân thưa với các con, những người con trai con gái của chúng tôi, giới trẻ trong các cộng đồng của chúng tôi. Các con không phải chỉ là tương lai của Giáo Hội: các con còn đã hiện diện với chúng tôi với những con số lớn. Tại nhiếu quốc gia Châu Phi, quá 60% dân số dưới 25 tuổi. Tỷ lệ ấy trong Giáo Hội chắc cũng không khác chi. Các con phải đứng ở tuyến đầu phục vụ các thay đổi xã hội tích cực cũng như làm khí cụ cho hòa bình. Chúng tôi thấy cần phải chú ý đặc biệt tới các con, hỡi những người trưởng thành trẻ trung. Các con thường bị lãng quên, để mặc tình trôi dạt, làm đích nhắm cho đủ mọi thứ ý thức hệ và giáo hệ (sects). Các con là những người thường nhất bị bạo lực tuyển dụng và sử dụng. Chúng tôi khẩn khoản yêu cầu mọi Giáo Hội địa phương hãy coi việc tông đồ cho giới trẻ như ưu tiên hàng đầu.

28. Chúa Giêsu từng nói, “Hãy để trẻ nhỏ đến với Thầy. Vì Nước Trời thuộc về chúng” (Mt 19:14). Thượng Hội Đồng không quên các con đâu, hỡi các em bé thân thương của chúng tôi. Các con luôn là đối tượng cho các quan tâm và chú ý của chúng tôi. Nhưng chúng tôi cũng nhìn nhận và lo lắng sử dụng một cách tích cực lòng hứng khởi và tính hiệu năng của các con làm nhân tố tích cực cho việc phúc âm hóa, nhất là giữa bạn bè cùng trang lứa với các con. Các con sẽ được dành không gian, cơ sở và hướng dẫn thích đáng để tự tổ chức lấy công việc tông đồ. Chúng tôi đặc biệt khuyến cáo các con tham gia tổ chức Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, nhất là Hiệp Hội Trẻ Thơ Thánh (Holy Childhood Association).

Phần V: Lời kêu gọi gửi cộng đồng quốc tế

29. Gia Đình Thiên Chúa đi xa hơn các biên giới hữu hình của Giáo Hội, để bao gồm toàn thể nhân loại. Khi nói tới các vấn đề hòa giải, công lý và hòa bình, tất cả chúng ta đều gặp nhau tại bình diện sâu sắc hơn của tính nhân bản chung. Dự án này là quan tâm của mọi người, kêu gọi mọi người hành động chung. Vì thế, chúng tôi lên tiếng kêu gọi mọi người có thiện chí. Đặc biệt, chúng tôi kêu gọi các vị mà với họ chúng tôi vốn tuyên xưng cùng một niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô cũng như các vị có niềm tin khác.

30. Xét toàn diện, các cơ quan Liên Hiệp Quốc đang thực hiện nhiều việc tốt tại Châu Phi về phát triển, duy trì hòa bình, bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và trẻ em, cũng như chống nghèo đói và các bệnh tật: HIV/AIDS, sốt rét, bệnh lao, và các vấn đề khác. Thượng Hội Đồng ca ngợi các việc tốt họ đang thực hiện. Tuy nhiên, chúng tôi kêu gọi họ hãy nhất quán hơn và trong sáng hơn trong việc thực thi các chương trình của họ. Chúng tôi thúc giục các quốc gia Châu Phi hãy thận trọng xem sét tỉ mỉ các dịch vụ đang được cung hiến cho nhân dân họ, để bảo đảm rằng các dịch vụ đó thực sự tốt đối với chúng ta. Cách riêng, Thượng Hội Đồng tố giác mọi mưu toan lén lút nhằm tiêu diệt và phá hoại các giá trị qúy báu của Châu Phi về đời sống gia đình và đời sống nhân bản (như điều ghê tởm số 14 trong Nghị Định Thư Maputo và các đề nghị tương tự khác).

31. Giáo Hội không thua ai trong cuộc chiến chống HIV/AIDS và chăm sóc những người mắc bệnh và lây nhiễm nó tại Châu Phi. Thượng Hội Đồng cám ơn tất cả những ai quảng đại dấn thân vào việc tông đồ yêu thương và chăm sóc đầy khó khăn này. Chúng tôi nài xin cho có sự hỗ trợ lâu bền để thoả mãn nhu cầu của nhiều người đang cần được trợ giúp (EIA, 31). Cùng với Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, Thượng Hội Đồng này nghiêm chỉ cảnh giác rằng vấn đề này không thể giải quyết bằng việc phân phối áo mưa (prophylactics). Chúng tôi kêu gọi mọi người thực sự quan tâm tới vấn đề chặn đứng việc truyền bệnh HIV/AIDS qua tính dục hãy nhìn nhận sự thành công của các chương trình tiết dục nơi những người chưa kết hôn, và chung thủy nơi những người đã kết hôn.

Một diễn trình hành động như trên không những đề nghị được phương thức bảo vệ tốt nhất chống lại sự tràn lan của bệnh mà còn phù hợp với nền luân lý Kitô Giáo. Chúng tôi đặc biệt muốn ngỏ lời với các con, hỡi các thanh thiếu niên. Các con đừng để ai lừa dối các con đến tin rằng các con không thể tự kiểm soát được. Có, với ơn Chúa, các con có thể tự kiềm chế được.

32. Chúng tôi khẩn khoản xin các cường quốc thế giới: hãy đối xử với Châu Phi một cách kính trọng và có phẩm giá. Châu Phi đang kêu gọi một sự thay đổi trong trật tự kinh tế thế giới, vì nhiều cơ cấu bất công đang đè nặng lên Châu Phi. Các bất ổn gần đây trong nền tài chánh thế giới cho thấy nhu cầu phải thay đổi tận gốc các luật lệ. Nhưng sẽ là một thảm trạng nếu người ta chỉ thực hiện các điều chỉnh vì quyền lợi người giầu mà thiệt hại tới người nghèo. Phần lớn các cuộc tranh chấp, chiến tranh và nghèo đói của Châu Phi chủ yếu là do những cơ cấu bất công kia tạo ra.

33. Nhân loại sẽ được lợi nhiều nếu biết lắng nghe lời khuyên khôn ngoan của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI trong “Caritas in veritate”. Một trật tự thế giới mới và công chính không những có thể có mà còn cần thiết đối với thiện ích của toàn thể nhân loại. Một sự thay đổi đang được kêu gọi liên quan tới gánh nợ đang đè nặng lên vai các nước nghèo, mà thực tế đang giết hại các trẻ em. Các công ty đa quốc phải chấm dứt việc phá hoại đầy tội ác đối với môi trường trong việc họ tham lam khai thác các tài nguyên thiên nhiên. Quả là một chính sách thiển cận khi gây ngòi chiến tranh để có được những mối lợi nhanh chóng từ cảnh hỗn loạn, dù phải hy sinh mạng sống và máu huyết con người. Liệu có ai đó ở ngoài kia có khả năng và ý chí chấm dứt mọi thứ tội ác chống lại nhân loại đó hay không?

Phần VI: Hỡi Châu Phi, hãy đứng lên!

34. Người ta thường nói rằng cái nôi nhân loại nằm đâu đó tại Châu Phi. Lục địa của chúng ta có một lịch sử lâu dài gồm nhiều đế quốc lớn và nền văn minh rực rỡ. Lịch sử tương lai của lục địa vẫn còn cần được viết ra. Thiên Chúa đã chúc phúc cho ta với nhiều tài nguyên lớn lao về thiên nhiên và con người. Trong các chỉ số xếp hạng quốc tế về nguyên liệu và phát triển, các quốc gia Châu Phi thường nằm cuối bảng. Nhưng đó không phải là nguyên cớ cho ta thất vọng. Vì từng xẩy ra những hành động lịch sử đầy bất công trắng trợn, như nạn buôn bán nô lệ và chủ nghĩa thực dân, mà các hậu quả tiêu cực vẫn còn lại tới bây giờ. Nhưng những bất công ấy không còn bào chữa cho việc chúng ta không chịu tiến lên phía trước nữa. Nhiều sự kiện đang diễn ra trên thực tế. Chúng tôi xin ca ngợi các cố gắng nhằm giải phóng Châu Phi khỏi cảnh tha hóa văn hóa và nô lệ chính trị. Ngày nay, Châu Phi phải đương đầu với thách đố đem lại cho con cái mình một mức sống xứng đáng.

Trên bình diện chính trị, đang có tiến bộ trong việc kết hợp lục địa, như việc Tổ Chức Đoàn Kết Châu Phi (OAU) đã phát triển thành Liên Hiệp Châu Phi (AU). Liên Hiệp Châu Phi và các nhóm liên vùng khác đã đảm nhiệm nhiều sáng kiến nhằm giải quyết các sung đột và duy trì hòa bình trong nhiều tình huống khủng hoảng trầm trọng, đôi lúc với sự hợp tác của Liên Hiệp Quốc. Trên mặt trận kinh tế, Châu Phi đã và đang tự khuôn định cho mình một cái khung chiến lược để phát triển gọi là NEPAD, tức Hùn Hạp Kinh Tế Mới để Phát Triển Châu Phi (New Economic Partnership for American Development). Lục địa này cũng đưa ra các dự khoản cho một tổ chức gọi là APRM tức Cơ Chế Đồng Duyệt Xét Châu Phi (African Peer Review Mechanism) để theo dõi và đo lường mức tuân hành nơi các quốc gia. Thượng Hội Đồng ca ngợi các cố gắng này, vì các chương trình này rõ ràng liên kết việc giải phóng kinh tế của Châu Phi với việc thiết lập ra chính sách cai trị tốt. Ở đây, chẳng may, lại là một điểm bế tắc. Đối với hầu hết các quốc gia Châu Phi, các tài liệu đẹp đẽ của NEPAD vẫn chỉ là những tử ngữ. Chúng ta vẫn phải mong cho có được sự cải tiến tổng quát về việc cai trị tại Châu Phi.

35. Thượng Hội Đồng sung sướng ca ngợi một số ít các quốc gia tại Châu Phi từng khởi đầu tiến vào con đường dân chủ thực sự. Họ đã chứng kiến được những thành quả tốt đẹp của chính sách thực hiện tốt mọi công việc. Nhiều quốc gia đã xuất hiện sau nhiều năm chiến tranh và tranh chấp đằng đẵng và đang dần dần xây dựng lại đất nước điêu tàn của mình. Chúng tôi hy vọng: gương sáng của họ sẽ hối thúc các quốc gia khác thay đổi các tập tục xấu của mình.

36. Thượng Hội Đồng đau buồn ghi nhận rằng tình thế tại nhiều quốc gia hiện hết sức đáng xấu hổ. Chúng tôi nghĩ cách riêng tới tình thế đau buồn tại Somalia, đang ngụp lặn trong một cuộc tranh chấp độc hại gần như cả hai thập niên qua, một cuộc tranh chấp đang tác động lên các quốc gia láng giềng. Chúng tôi không quên số phận bi thảm của hàng triệu người tại Vùng Các Đại Hồ, và cuộc khủng hoảng vẫn còn âm ỉ tại Bắc Uganda, Nam Sudan, Darfur, Guinea Conakry và nhiều nơi khác. Những người kiểm soát sự việc của các quốc gia này phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với việc làm đáng trách của họ. Trong hầu hết các trường hợp, chúng ta đang phải đương đầu với lòng tham quyền lực và giầu có bằng giá tổn hại của nhân dân và quốc gia. Bất kể trách nhiệm của các quyền lợi ngoại bang có như thế nào, luôn luôn vẫn có sự thông đồng nhơ nhuốc và bi thảm nơi các lãnh tụ địa phương: tức những chính khách sẵn sàng phản bội và bán rẻ dân tộc mình, những doanh nhân bẩn thỉu sẵn sàng thông đồng với các công ty đa quốc háu đói, những tay buôn bán và giao hoán vũ khí người Châu Phi phát đạt nhờ những vũ khí nhỏ nhưng gây chết chóc lớn cho sinh mạng con người, và các đại diện địa phương của một số cơ quan quốc tế sẵn sàng nhận tiền để rao bán các ý thức hệ độc hại mà chính họ vốn không tin.

37. Hậu quả tiêu cực của tất cả những thứ trên đã rõ trước mặt toàn thế giới: nghèo đói, khốn cùng và bệnh tật; người tị nạn bên trong và bên ngoài xứ sở và ngoại quốc, đổ xô đi tìm những bãi cỏ non hơn, dẫn tới việc cạn dần chất xám, di dân lén lút và buôn bán người, chiến tranh và đổ máu, đôi khi đánh nhau bằng ủy nhiệm (by proxy), sự độc ác của nạn lính trẻ em và bạo lực không thể nói được chống lại phụ nữ. Làm sao có người lại có thể tự hào đã “chủ trì” những hỗn loạn như thế cho được? Điều gì đã xẩy ra cho ý thức xỉ nhục trong truyền thống Châu Phi? Thượng Hội Đồng này lớn tiếng và rõ ràng công bố rằng: đã đến lúc thay đổi các thói quen, vì các thế hệ hiện tại và tương lai.

Phần VII: Hãy liên kết các lực lượng tâm linh của chúng ta

38. Chúng tôi muốn nhắc lại điều Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI nói trong bài giảng của ngài tại thánh lễ khai mạc Thượng Hội Đồng này: Châu Phi là “lá phổi thiêng liêng” của nhân loại ngày nay. Điều này là tài nguyên qúy giá, qúy giá hơn khoáng chất và đất đai. Nhưng ngài cũng cảnh giác chúng ta rằng lá phổi này đang gặp nguy cơ bị nhiễm độc bởi vi khuẩn kép của chủ nghĩa vật chất và chủ nghĩa cuồng tín tôn giáo. Trong quyết tâm duy trì gia tài thiêng liêng của chúng ta, chống lại mọi tấn công và lây nhiễm, Thượng Hội Đồng kêu gọi sự cộng tác đại kết càng ngày càng lớn hơn với các anh chị em trong các truyền thống Kitô giáo khác. Chúng tôi cũng mong được đối thoại và hợp tác nhiều hơn với người Hồi giáo, các tín hữu của Tôn Giáo Truyền Thống Châu Phi (ATR) và tín hữu các tôn giáo khác.

39. Chủ nghĩa cuồng tín tôn giáo đang tràn lan khắp thế giới. Nó đang gây tai họa khắp mọi nơi tại Châu Phi. Từ nền văn hóa tôn giáo cổ truyền, người Châu Phi từng hấp thụ được cảm thức sâu xa về Thiên Chúa, Đấng Hóa Công. Họ từng đem cảm thức ấy vào việc trở lại Kitô Giáo và Hồi Giáo. Khi lòng sốt mến tôn giáo này bị những người cuồng tín lèo lái hay bị các chính trị gia thao túng, thì tranh chấp sẽ bị khua động, có khuynh hướng giận chìm mọi người. Nhưng một khi được hướng dẫn và lãnh đạo đúng đắn, các tôn giáo sẽ trở thành sức mạnh to lớn, tạo nên thiện ích, nhất là tạo nên hòa bình và hoà giải.

40. Thượng Hội Đồng được nghe chứng tá của nhiều Nghị Phụ từng thành công tiến bước trên con đường đối thoại với người Hồi Giáo. Họ đã làm chứng cho sự kiện này là đối thoại hữu dụng và hợp tác là chuyện có thể và thường là hữu hiệu. Các vấn đề hòa giải, công lý và hòa bình nói chung được toàn bộ các cộng đồng quan tâm, bất chấp tín ngưỡng. Làm việc trên các giá trị chung giữa hai niềm tin Kitô Giáo và Hồi Giáo có thể góp phần rất nhiều vào việc tái lập hoà bình và hoà giải giữa các quốc gia của chúng ta. Điều này thực sự đã xẩy ra trong nhiều trường hợp. Thượng Hội Đồng xin ca ngợi các cố gắng này và giới thiệu chúng với người khác.

41. Đối thoại và hợp tác sẽ nở rộ nếu có lòng kính trọng nhau. Chúng tôi, các giám mục Công Giáo, đã có được các chỉ dẫn rõ ràng về đối thoại, tức giữ vững đức tin của mình nhưng để người khác tự do chọn lựa. Thượng Hội Đồng nhận được tin mừng: các cộng đồng Hồi Giáo đã thỏa thuận để Giáo Hội được tự do thờ phượng. Họ cũng vui mừng hoan nghinh và được ơn ích nhờ các công tác xã hội của Giáo Hội. Dù ca ngợi việc này, chúng tôi vẫn nhấn mạnh rằng làm thế chưa đủ. Tự do tôn giáo cũng bao gồm tự do chia sẻ niềm tin của mình, đề nghị, chứ không áp đặt, chấp nhận và chào đón người trở lại. Quốc gia nào dùng luật lệ ngăn cấm công dân mình không được ôm ấp niềm tin Kitô Giáo là lấy mất của người dân nhân quyền căn bản, được tự do quyết định nên theo tín ngưỡng nào. Mặc dù điều trên vốn từng xẩy ra đã từ lâu, nhưng nay là lúc phải duyệt lại tình thế dưới ánh sáng tôn trọng các nhân quyền căn bản. Thượng Hội Đồng này cảnh giác rằng một hạn chế quyền tự do như trên sẽ phá hoại cuộc đối thoại thành thực và làm nản sự hợp tác đúng nghĩa. Vì đã có những Kitô hữu quyết định thay đổi tôn giáo và được chào đón vào hàng ngũ Hồi Giáo, thì cũng cần có sự hỗ tương trong phạm vị này. Kính trọng nhau là cách thế tiến bộ. Trong thế giới đang xuất hiện, ta cần phải tạo không gian để mọi tín ngưỡng có thể hợp tác một cách trọn vẹn vào lợi ích của nhân loại.

Kết luận

Để kết luận, các Nghị Phụ xác tín rằng Châu Phi không vô vọng. “Số phận của chúng ta vẫn đang nằm trong tay chúng ta. Châu Phi chỉ xin có chỗ để thở và hưng thịnh. Châu Phi đang chuyển dịch; và Giáo Hội đang chuyển dịch với Châu Phi, bằng cách hiến tặng Châu Phi ánh sáng Phúc Âm. Mặt nước có thể đang sóng bão. Nhưng với con mắt hướng lên Chúa Kitô (xem Mt 14:28-32), chúng ta sẽ yên ổn tiến vào bến hòa giải, công lý và hòa bình”.