I. Tuyên ngôn của các phong trào Công Giáo

Sau đây là các khuyến cáo gửi Thượng Hội Đồng do các phong trào Công Giáo công bố tại Rôma ngày 2 tháng Mười vừa qua sau khi tham dự một buổi làm việc chung do Pax Romana International Catholic Mouvement for Intellectual and Cultural Affairs tổ chức:

Nhập đề:

Chúng tôi, các tham dự viên, thuộc các Phong Trào Quốc Tế được gây hứng bởi Công Giáo và các phong trào giáo dân đang hoạt động tại Châu Phi họp nhau tại Rôma từ ngày 29 tháng Chín năm 2009 tới ngày 2 tháng Mười năm 2009 dưới sự bảo trợ của Pax Romana Catholic Mouvement for Intellectual and Cultural Affairs (ICMICA) và các phong trào khác. Cuộc họp mặt của chúng tôi được triệu tập để bày tỏ sự ủng hộ và liên đới đối với Thượng Hội Đồng lần thứ hai về Châu Phi và đưa ra các đóng góp của chúng tôi vào diễn trình quan trọng này.

1. Công bình kinh tế và chính trị

Chúng tôi khuyến cáo rằng Thượng Hội đồng nên xem sét dành ưu tiên cho các lãnh vực sau đây:

(1). Đầu tư cho các chương trình giáo dục công dân và đạo đức với viễn tượng tăng cường một nền văn hóa Công Lý và Hòa Bình và thành lập các Ủy Ban để bàn thảo các vấn đề liên quan tới việc cai trị và tư vấn có tính dân chủ. Điều quan trọng là phải hợp tác với các định chế như NEPAD (New Partnership for Africa’s Development, Hùn hạp mới để phát triển Châu Phi) để hiểu rõ các cơ chế tái duyệt và việc thực thi sau cùng của nó.

(2). Làm việc chặt chẽ với các Cơ Quan Công Giáo, nhất là các cơ quan đang làm việc với tuổi trẻ và những ai có liên quan tới việc huấn luyện và trợ giúp để đào tạo các nhà lãnh đạo Châu Phi mới cho Công Giáo/Kitô Giáo, những nhà lãnh đạo biết tôn trọng nhân phẩm, đạo đức và luân lý.

(3). Bảo đảm để giáo dục căn bản được có sẵn cho mọi người bằng cách cổ vũ việc loại bỏ tiền học phí quá cao. Diễn trình giáo dục phải bao gồm các yếu tố đạo đức và luân lý. Cung cấp kiến thức cho nhiều người trẻ sẽ góp phần xây dựng được một tầng lớp công dân có trách nhiệm.

(4). Xem sét việc đề cử các đại diện liên lạc của Giáo Hội Công Giáo bên trong các cơ cấu vùng và Liên Châu Phi (như AU [African Union?] chẳng hạn) với mục tiêu cổ vũ và chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức ngõ hầu thăng tiến phẩm chất quyết định bên trong các cơ cấu đó.

2. Công bình và bất quân bình xã hội

Chúng tôi khuyến cáo rằng Thương Hội Đồng nên xem sét dành ưu tiên cho các lãnh vực sau đây:

(1). Hiện đang có nhu cầu khẩn cấp phải khai triển một hệ thống giáo dục mới và toàn bộ biết thích ứng với việc chu toàn chức năng xã hội của nó là làm lợi cho toàn bộ con người. Một mô thức giáo dục như thế phải cố gắng để đáp ứng nhu cầu phát triển địa phương ngõ hầu duy trì được một nền cai trị Châu Phi có tính cộng đồng (communocracy) mà ngôn ngữ Zulu gọi là “Ubuntu" hay Ujamaa (tiếng Kiswahili). Một triết lý như thế khắc sâu trong ta một cảm thức hợp nhất, một tinh thần công dân có trách nhiệm và một thúc đẩy để ta khai triển ra các chiến lược có thể giảm thiểu nạn khô cạn chất sám.

(2). Chúng tôi khẩn khoản xin Thượng Hội Đồng Các Giám Mục về Châu Phi khẩn cấp xem sét các nhu cầu ngày một lớn hơn phải đề cử các vị tuyên úy có khả năng, nhiều dấn thân, có ý thức và sẵn sàng đảm nhiệm thừa tác vụ này.

3. Công lý và An Toàn/Chủ Quyền Thực Phẩm

Chúng tôi khuyến cáo rằng Thượng Hội Đồng nên xem sét dành ưu tiên cho các lãnh vực sau đây:

(1). Giáo Hội nên khuyến khích việc sử dụng mô thức có thể duy trì được là mô thức gia đình, xã hội và môi sinh cũng như các mô thức có giá trị khác để gia tăng khả năng sản xuất và bảo đảm chủ quyền về thực phẩm.

(2). Giáo Hội nên cổ vũ các chính phủ và những ai có trách nhiệm đưa ra các quyết định chính trị đầu tư vào các vùng nông thôn và khai triển các chính sách công, bằng cách phân phối tốt các tài nguyên có lợi cho dân chúng nông thôn, nơi đa số dân nghèo và những người kém thế đang sống tập trung.

(3). Phải hỗ trợ các phong trào nông dân Công Giáo, người trẻ tại nông thôn cũng như các nghiệp đoàn.

(4). Giáo Hội nên cổ vũ việc đầu tư vào hạ tầng cơ sở vận tải tại các vùng nông thôn vốn là chìa khóa để giảm thiểu chi phí vận chuyển và mở rộng các thị trường cho dân nghèo.

4. Công bình giữa đàn ông và đàn bà

Chúng tôi khuyến cáo rằng Thượng Hội Đồng nên xem sét dành ưu tiên cho các lãnh vực sau đây:

(1). Làm cho phụ nữ tham dự vào mọi bình diện đưa ra quyết định, cả nơi nhà nước lẫn trong Giáo Hội. Điều này bao gồm việc soạn thảo, thay đổi và tu chỉnh hiến pháp, các luật lệ khác và các chính sách công.

(2). Cổ vũ các thay đổi cần thiết trong luật lệ để bảo đảm rằng giáo dục được coi như một quyền của mọi phụ nữ. Bình đẳng về quyền lợi giữa đàn bà và đàn ông phải được lồng vào diễn trình tạo luật. Việc ấy phải được phản ảnh trong việc làm và cả lương bổng nữa.

(3). Các giáo hội phải cổ vũ nền giáo dục giúp phụ nữ đủ năng lực trở nên các tham dự viên có hiệu năng trong các diễn trình tạo quyết định, nhất là trong các lãnh vực ảnh hưởng đến họ nhiều hơn như chăm sóc cho người kém thế và trẻ em.

(4). Các giáo hội phải đồng hành với phụ nữ nhất là trong hoàn cảnh bị khủng hoảng và túng thiếu nghiêm trọng thường làm cho phụ nữ phải một mình đảm nhiệm sinh kế của cả gia đình.

(5). Các giáo hội phải cổ vũ các nhà lập pháp Châu Phi phải xem sét việc đưa ra các đạo luật biết tích cực khích lệ việc phụ nữ làm đại diện trong chính trường.

5. Các khuynh hướng mới trong tranh chấp Châu Phi: Viễn tượng nào cho một nền hòa bình bền vững?

Chúng tôi khuyến cáo rằng Thượng Hội Đồng nên xem sét dành ưu tiên cho các lãnh vực sau đây:

(1). Phổ biến rộng rãi công trình và các kinh nghiệm thành công đã được khai triển bởi nhiều Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình trong các định chế và cơ cấu chính trị “Hòa Bình và An Ninh”.

(2). Khai triển một nền văn hóa làm việc đồng bộ giữa các tổ chức Công Giáo ngõ hầu giúp họ cũng như các tổ chức ngoài xã hội dân sự khác có đủ năng lực để vận động hành lang chống lại việc buôn bán vũ khí.

(3). Thành lập các nhóm chuyên viên để liên tục theo dõi, lượng định và đánh giá các động lực phức tạp của tranh chấp và đưa ra các hành động chiến lược hướng tới việc ngăn ngừa tranh chấp và giải quyết tranh chấp cách bất bạo động trong các nước có tiềm năng tranh chấp cũng như hậu tranh chấp.

(4). Phát triển các Viện Nghiên Cứu Hòa Bình trên đất Châu Phi với các chương trình huấn luyện có thể làm phát sinh ra việc khai triển các giải pháp thích đáng cần thiết cho hoàn cảnh địa phương.

(5). Đưa ra các đề nghị để tái lên khuôn các tổ chức vùng cũng như bán vùng cho cả lục địa lẫn Giáo Hội để đương đầu với các thách đố mới phát sinh từ việc khoanh vùng.

(6). Phát triển sự hợp tác đồng bộ (synergies) giữa Giáo Hội và các tổ chức của xã hội dân sự thuộc mọi bình diện.

(7). Cổ vũ các chương trình huấn luyện về trị liệu xã hội và các kỹ thuật huấn đạo chấn thương xúc cảm (trauma couseling).

(8). Xem sét lại bản sắc Kitô giáo và xây dựng gia đình mới quanh Phép Thánh Thể vốn là nguồn năng lực mới để ta biết tôn trọng sự sống và phẩm giá con người, ngõ hầu Châu Phi cảm nhận được một hồi sinh. Giáo Hội tại Châu Phi cần các tiên tri và các thợ lành nghề tái thiết.

6. Tranh chấp liên tôn giáo - Hồi Giáo tại Châu Phi (dựa trên kinh nghiệm)

Chúng tôi khuyến cáo rằng Thượng Hội Đồng nên xem sét dành ưu tiên cho các lãnh vực sau đây:

(1). Học hỏi từ các kinh nghiệm tích cực cuả cuộc đối thoại liên tôn ngõ hầu đánh đuổi các thái độ tiêu cực, nhất là giữa người Công Giáo và Hồi Giáo, những thái độ dễ dàng đưa tới việc gia trọng các tranh chấp.

(2). Các giáo hội nên can dự vào việc cổ vũ truyền thông cũng như các chiến dịch tích cực để phát huy các thái độ và các mối liên hệ tích cực giữa các cộng đồng tín ngưỡng khác nhau, nhằm nuôi dưỡng việc tôn trọng lẫn nhau, tình bằng hữu, lòng thành thực, tính hỗ tương và sự hiểu biết lẫn nhau.

7. Nhân quyền, dân chủ và pháp trị

Chúng tôi khuyến cáo Thượng Hội Đồng nên xem sét dành ưu tiên cho các lãnh vực sau đây:

(1). Hành động hướng tới việc bảo đảm có được sự che chở cho các cá nhân thoát khỏi các hành động quá trớn và độc đoán của nhà nước cũng như các tổ chức phi nhà nước.

(2). Góp phần mở rộng không gian dân chủ tại Châu Phi, bằng việc tích cực che chở các nhà hành động chủ chốt của xã hội dân sự và những người bênh vực nhân quyền.

(3). Cổ vũ việc tôn trọng và phẩm giá của mọi cá nhân bất kể các dị biệt xã hội, kinh tế, văn hóa, chính trị hay sắc tộc của họ bằng cách tích cực chống lại nền văn hóa đặc miễn (culture of impunity).

(4). Cổ vũ nền văn hóa trong sáng và sẵn sàng chịu trách nhiệm trong mọi khía cạnh ngõ hầu phát huy Pháp Trị và việc tôn trọng Nhân Quyền của mọi người.

(5). Cổ vũ đối thoại giữa các nhóm hội chính trị đối nghịch nhau ngõ hầu ngăn ngừa việc sử dụng bạo lực giải quyết các vấn đề.

(6). Chính thức thừa nhận các nhu cầu khẩn cấp của những người kém thế như người tị nạn, người rời cư quốc tế, các nhóm thiểu số, phụ nữ, người trẻ và trẻ em và cố gắng đưa ra các cơ chế bảo vệ thích đáng.

(7). Cổ vũ một môi trường tích cực nhờ đó mọi nhân quyền đều được bảo đảm.

(8). Vận động các nhà tạo quyết định để phương thức dựa trên nhân quyền thấm nhiễm vào mọi khuôn khổ định chế ở mọi bình diện: chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.

8. Di dân, nguồn tranh chấp và hòa bình

Chúng tôi khuyến cáo Thượng Hội Đồng xem sét dành ưu tiên cho các lãnh vực sau đây:

(1). Vì hiện nay đang có một hình ảnh tiêu cực về di dân, nên các giáo hội phải nhận trách nhiệm trở thành khí cụ để mang lại một ý thức về nguyên nhân và ích lợi của di dân, nhất là tập chú vào việc khai triển nhân bản và xã hội của mọi người.

(2). Xử trí các thực tại nghịch lý của vấn đề di dân. Mặc dù việc cạn dần chất xám đang là quan tâm chính của lục địa, nhưng cũng có các vấn đề vi phạm nhân quyền đối với các di dân nữa.

(3). Gây ý thức nơi các cộng đồng và các nhà lãnh đạo chính trị để giảm thiểu việc thiếu hiểu biết về các lý do khiến người ta di dân. Di dân cũng đem lại tính đa dạng và nhiều yếu tố tích cực cho việc phát triển kinh tế và nhân bản của lục địa.

(4). Tái thiết mô thức mới để suy nghĩ trong xã hội ngày nay ngõ hầu tạo được một thứ nối kết mới, một thứ cầu bắc mới giữa lục địa và các cộng đồng di dân đang tản mạn khắp thế giới.

(5). Bảo vệ các quyền và nhu cầu của các nhóm thiểu số trong đó có các nhóm di dân.

9. Châu Phi bình yên với quá khứ của mình

Chúng tôi khuyến cáo rằng Thượng Hội Đồng nêm xem sét các lãnh vực sau đây:

(1). Thế giới cần nghiêm chỉnh đối với Châu Phi và lắng tai nghe Châu Phi đòi hỏi hòa bình.

(2). Lắng nghe cái phần bị lãng quên của xã hội đang hòa giải, tức người trẻ, những người đang là nạn nhân và tác nhân cho việc kiến tạo hoà bình và các cố gắng hòa giải đang diễn tiến.

(3). Các giáo hội nên nghiêm chỉnh đối với các khả năng đã xây dựng được từ những người trẻ từng dấn thân nối vòng tay lớn cho hòa giải và công lý và phải dành cho họ tiếng nói và vị thế thích đáng trong các kế hoạch mục vụ có tính chiến lược dành công lý và hòa giải.

10. Châu Phi hòa giải với hoàn cầu hóa

Chúng tôi khuyến cáo rằng Thượng Hội Đồng nên xem sét dành ưu tiên cho những lãnh vực sau đây:

(1). Giáo Hội nên khích lệ để Châu Phi khai thác và xây dựng được các thị trường riêng của mình. Hòa nhập vào các thị trường thế giới phải đi đôi với việc tăng cường các thị trường địa phương cả ở bình diện lục địa lẫn bình diện vùng.

(2). Khi hợp tác với các chính phủ, Giáo Hội nên giúp các cộng đồng nâng cao thu nhập cho các nhà sản xuất đệ nhất kỹ nghệ của chúng ta. Tình liên đới quốc tế với các nước có thiện chí có thể giúp đỡ các nước Châu Phi qua diễn trình chuyển giao kỹ thuật và giúp các nước này trở nên cạnh tranh được. Kỹ thuật thông tin và truyền thông (ICT=Information and Communication Technology) là một phương tiện quan trọng có thể mở ra các thị trường bên trong.

(3). Dù tư hữu hóa được coi là quy phạm trong thế giới hoàn cầu hóa ngày nay, Giáo Hội nên giúp các chính phủ hiểu rằng vẫn có một số lãnh vực chủ yếu cần phải được nằm trong tay nhà nước thí dụ các dịch vụ như y tế, giáo dục, cung cấp nước, hạ tầng cơ sở và nhiều lãnh vực dịch vụ chủ yếu khác. Tư hữu hóa các dịch vụ này sẽ bất công buộc người nghèo phải đứng bên ngoài các phúc lợi ấy và làm tồi tệ thêm sự sinh tồn của họ.

(4). Giáo Hội nên giúp cổ vũ công bình trong bối cảnh lưu chuyển con người và hàng hóa. Hoàn cầu hóa cũng phải có khuôn mặt nhân bản chứ không phải chỉ là khuôn mặt kinh tế.

(5). Trong khi hợp tác với các tác nhân dân sự, Giáo Hội nên khai triển các mạng lưới hữu hiệu để cổ vũ sự trong sáng noi các công ty đa quốc hiện đang đầu tư tại Châu Phi. Tình liên đới quốc tế sẽ giúp đảm bảo rằng các công ty đa quốc sẽ trong sáng và có tinh thần trách nhiệm hơn.

(6). Giáo Hội nên tố cáo thứ hoàn cầu hóa chỉ biết cổ vũ các khía cạnh vị kỷ và ích kỷ. Hoàn cầu hóa có thể trở thành một khí cụ quan trọng giúp người ta thăng tiến nhau, qua tình liên đới quốc tế để cải thiện phúc lợi của mọi con người.

(7). Phải tập chú vào việc nhận diện các điểm mạnh và các điểm dễ bị thương tổn của Châu Phi và hành động thích đáng. Châu Phi không thể buộc mình tham gia diễn trình hoàn cầu hóa một cách mù quáng nếu nó muốn cạnh tranh với người khác. Giáo Hội có một vai trò quan trọng trong việc giáo dục các quốc gia về lãnh vực này.

Kết luận:

Chúng tôi sung sướng và tự hào đã có thể đóng góp vào Thượng Hội Đồng vốn là một diễn trình chứ không phải chỉ là một biến cố. Chúng tôi ý thức các hạn chế trong việc làm của mình: một số các vấn đề quan trọng đối với tương lai không được bàn tới, như Tôn Giáo Truyền Thống Châu Phi, Các Giáo Hội và phong trào Tin Lành, HIV-AIDS, các hậu quả của cuộc khủng hoảng đối với Châu Phi, công lý môi sinh, ấy mới chỉ là một số vấn đề.

Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đóng góp vào diễn trình của Thượng Hội Đồng, vào việc thực thi các kết quả và khuyến cáo của nó, vào việc theo dõi việc thực thi này và đẩy mạnh các kết quả của nó.

Tài liệu của Dịch Vụ Thông Tin Công Giáo cho Châu Phi do AllAfrica Global Media (allAfrica.com) phổ biến.

II. Cuộc Cách Mạng Xanh ở Châu Phi

Trong khi đó, một nhóm chuyên gia khác họp nhau tại Ateneo Pontificio Regina Apostolorum ở Rôma cũng đưa ra khuyến cáo 10 điểm cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Châu Phi, nhằm tranh đấu cho hòa bình và phát triển nông nghiệp tại lục điạ này. Cuộc gặp mặt trên đưa ra chủ đề: “Tiến tới Cuộc Cách Mạng Xanh tại Châu Phi: Phát Triển là Tên Mới Của Hòa Bình”.

Hội nghị đau buồn trước sự kiện: Thiên Chúa đã bội hậu ban cho Châu Phi nhiều tài nguyên, nhưng, nghịch lý thay, người dân Châu Phi lại nghèo nhất trên hành tinh này. Khan hiếm thực phẩm, thiếu thốn kinh tế, thiếu đầu tư, và hạ tầng cơ sở kém cỏi đã đẻ ra việc thiếu phát triển và dẫn tới việc di cư cũng như tranh chấp vũ trang.

Mười khuyến cáo này dựa trên sự kiện hơn 70% lực lượng lao động của Châu Phi hiện diện trong khu vực nông nghiệp. Sau đây là 10 khuyến cáo ấy:

(1). Trường học và các cơ sở giáo dục là hạ tầng cơ sở cần đến nhất tại Châu Phi: con người nhân bản là vốn liếng đầu tiên cần được bảo vệ và thăng tiến vì phát triển là tổng số các đức tính nhân bản của người chơi.

(2). Huấn luyện và giáo dục phải được khích lệ, nhất là cho phụ nữ, những người chỉ được tới trường một cách hạn chế trong nhiều miền tại Châu Phi.

(3) Các chính sách nhằm bảo vệ và hỗ trợ các gia đình phải được cổ vũ vì vốn liếng nhân bản và xã hội tùy thuộc vào sự gắn bó và vững ổn của gia đình, nhất là trong những giai đoạn tiên khởi.

(4) Để nông nghiệp trở thành lực lượng chân thực thúc đẩy phát triển, ta cần phải gia tăng năng xuất bằng cách tối đa hóa việc khai thác đất đai từng đã được canh tác. Điều này bao hàm hiểu biết và các kỹ thuật giúp ta sử dụng tốt nhất các tài nguyên.

(5) Phát triển nông nghiệp đòi phải đầu tư vào nghiên cứu và phát triển với mục tiêu cổ vũ khả năng sản xuất của mọi thành viên cuộc chơi, nhất là những nông dân canh tác nhỏ.

(6) Các nông dân canh tác nhỏ đặc biệt cần phải nắm được các kỹ thuật canh nông tân tiến nhất, những loại nông phẩm cho sản lượng cao, các nhập lượng căn bản như phân bón, cũng như các dịch vụ và huấn luyện rộng lớn hơn.

(7) Cần phải đầu tư thêm cả về phẩm chất lẫn hệ thống phân phối hàng hóa để tạo giá trị gia tăng và giúp các nông dân Châu Phi gia nhập được các thị trường có phẩm chất cao cho các sản phẩm của họ.

(8) Thiệt hại do hạn hán và lụt lội có thể được giảm thiểu và điều hòa nhờ việc xây dựng một hệ thống nước tổng hợp với các nhà máy biến chế nước mặn, khả năng chứa nước, các giếng, các đập, các kinh đào, mạng lưới phân phối, hệ thống tái chế biến và các cơ sở dẫn thủy.

(9) Hệ thống chuyên chở cũng cần được phát triển bằng cách xây dựng thêm đường xá, cầu cống, hải cảng, đường rầy xe lửa và phi trường, giúp các sản phẩm Châu Phi tới được các thị trường lục địa và liên lục địa.

(10) Phát huy các kế hoạch nghiên cứu và phát triển về canh nông Châu Phi và khích lệ các thế hệ mới chịu học tập và làm việc tại ngay quê hương xứ sở mình cũng là những mục tiêu rất quan trọng. Lãnh vực kỹ thuật sinh học (biotechnology) xem ra rất nhiều hứa hẹn, không những cho việc cải thiện và phong phú hóa hạt giống cũng như các giống gia súc để vượt thắng khí hậu và các điều kiện canh tác không thuận lợi, như hạn hán, độ mặn trong đất, sâu bọ và bệnh tật, nhưng còn để sản xuất ra các loại thuốc điều trị và thuốc chủng.

Các chuyên gia cho hay toàn bộ dự án phát triển canh nông Châu Phi là một phần trong khuôn khổ có tên là “sinh thái nhân bản” từng được hai vị giáo hoàng là Đức Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI khai triển.