Vatican City (Zenit.org) - Đức giáo hoàng Benedict XVI nhấn mạnh đến quyết tâm của Giáo hội trong cuộc chiến chống bất công ở châu Phi, bằng cách tíếp nối sứ mạng phúc âm hóa và các công trình bác ái của Giáo hội.

Đó là nội dung lời tuyên bố của Đức giáo hoàng hôm 4 tháng 10 trong bài giảng thánh lễ khai mạc Khóa họp đặc biệt thứ II về Phi châu của Thượng hội đồng các Giám mục. Khóa họp kéo dài từ ngày hôm nay cho đến ngày 25 tháng 10.

Khóa họp thứ I về Phi châu của Thượng hội đồng được tổ chức năm 1994. Năm nay, Thượng hội đồng quy tụ khoảng 400 tham dự viên, trong số này có 33 hồng y, 75 tổng giám mục, 120 giám mục và nhiều thành phần khác.

Thượng hội đồng giám mục sẽ đặt trong tâm vào chủ đề: “Giáo hội tại châu Phi trong công tác phục vụ Hòa giải, Công lý và Hòa bình. Các con là muối cho đời… Các con là ánh sáng cho trần gian!”

ĐGH nhận xét rằng “nhận biết Quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa là một trong những đặc tính kết hợp và nổi bật của nền văn hóa Phi châu.”

“Dĩ nhiên ở châu Phi có nhiều nền văn hoá khác nhau, nhưng hầu như tất cả đều đồng thuận ở điểm này: Thượng đế là Đấng sáng tạo vũ trụ và là nguồn mạch sự sống.”

Đức thánh cha nhấn mạnh đến một số khía cạnh rút tỉa từ những bài đọc phụng vụ trong ngày, lưu ý các tham dự viên Thượng hội đồng đang quy tụ trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô ở Roma rằng những khía cạnh đó “kêu gọi chúng ta thực hiện những công việc đang chờ đợi.”

Ngài nhấn mạnh đến ba khía cạnh: “Tính ưu việt của Thiên Chúa là Chúa và là Đấng Sáng tạo”, hôn nhân, và trẻ thơ.

Về khía cạnh thứ nhất, Đức giáo hoàng chú ý đến “ý thức sâu xa về Thiên Chúa” của châu Phi mà ngài đã cảm nghiệm được trong cuộc tông du mới rồi, ý thức đó làm nó trở thành “một “buồng phổi” tinh thần vĩ đại cho một nhân loại đang trong cuộc khủng hoảng đức tin và niềm hy vọng.”

Sau đó ngài đề cập đến hôn nhân, nhấn mạnh đến việc cần thiết phải có sự kết hợp với Thiên Chúa. Ngài nói: “Trong phạm vi tìm kiếm và phát triển niềm tin, châu Phi có thể khám phá ra những nguồn vô tận để ban phát, có lợi cho những gia đình xây dựng bằng hôn nhân.”

Tiếp đến Đức giáo hoàng nói về trẻ thơ, là thành phần tạo nên một “phần lớn dân số của châu Phi, nhưng bất hạnh thay, lại là thành phần đau khổ.”

Chất men

Ngài nói rằng “chắc chắn Giáo hội có thể cho Phi châu một phần đóng góp lớn lao vào mọi người trong xã hội, những xã hội bất hạnh đang trải nghiệm nghèo đói, bất công, bạo lực và chiến tranh ở nhiều nước.”

“Ơn gọi của Giáo hội – cộng đồng những người hòa giải với Thiên Chúa và với nhau – là trở thành ngôn sứ và chất men hòa giải giữa các nhóm khác biệt nhau về ngôn ngữ, chủng tộc và ngay cả về tôn giáo nữa, trong mỗi quốc gia hay khắp cả châu lục.

“Hòa giải, một ơn ban của Thiên Chúa mà loài người phải cầu khẩn van nài và ấp ủ, là nền tảng vững chắc trên đó người ta xây dựng hòa bình, là điều kiện cần thiết cho tiến bộ đích thực của con người và xã hội, đúng theo kế hoạch công bằng mà Thiên Chúa ước muốn.”

Sau Thánh lễ, Đức thánh cha di chuyển tới Quảng trường Thánh Phêrô để cầu kinh Truyền tin ban trưa với khách hành hương đang tụ tập ở đó, ngài giải thich rằng thượng hội đồng này “không phải là một nhóm nghiên cứu học hỏi, cũng chẳng phải là một cuộc họp để thảo chương trình.”

Ngài khẳng định: “Trong sảnh đường, sẽ nghe được các bài diễn từ và đối thoại, sẽ có thảo luận trong từng nhóm, nhưng chúng ta tất cả đều biết rằng chúng ta không phải là những người giữ vai trò chủ đạo: Chính Chúa và Thánh Thần của Người mới là người hướng dẫn Giáo hội.

“Điều quan yếu nhất đối với mỗi người là lắng nghe: lắng nghe nhau, và mỗi người đều lắng nghe Chúa muốn nói gì với chúng ta. Do đó, Thượng hội đồng tiến hành trong bầu khí đức tin và cầu nguyện, tôn kính tuân phục Lời Chúa.”

Đức giáo hoàng Benedict XVI chỉ ra “tài nguyên cực kỳ phong phú về con người ở châu Phi, cũng như nạn nghèo đói và “những bất công khủng khiếp” ở đó.

Ngài khẳng định: “Giáo hội quyết tâm khắc phục những thảm cảnh đó bằng quyền năng của Tin Mừng và tình đoàn kết cụ thể trong nhiều sáng kiến và cơ sở bác ái.

“Chúng ta hãy cầu nguyện với Đức Trinh nữ Maria, xin Người chúc phúc lành cho Khóa họp Đặc biệt thứ II về Châu Phi để đạt được hòa bình cũng như phát triển cho châu lục yêu quý và vĩ đại này.”