I. Nhận định của một nhà báo

Đối với các nhà lãnh đạo chính trị cũng như các nhà lãnh đạo Công Giáo, phát triển nông nghiệp để tự túc về lương thực là một ưu tư hàng đầu của Phi Châu. Không lạ gì các bản tin quốc tế đều loan tin đại biểu nông dân Châu Phi đã chính thức gửi thông điệp chào mừng Thượng Hội Đồng lần thứ hai về Châu Phi hiện đang họp tại Rôma. Và ngày hôm qua, chúng tôi đã cho phổ biến một số khuyến cáo của các chuyên gia và phong trào Công Giáo gửi Thượng Hội Đồng với nội dung nhấn mạnh tới phát triển nông nghiệp. Hôm nay, chúng tôi cho phổ biến bài nhận định của Robert Moynihan, sáng lập viên và chủ bút nguyệt san Inside The Vatican, tác giả cuốn “Let God's Light Shine Forth: the Spiritual Vision of Pope Benedict XVI" (2005, Doubleday). Nội dung bài nhận định của Moynihan cũng tập chú vào phát triển nông nghiệp cho Châu Phi.

Vấn đề hạt giống đã được biến cải về phương diện di truyền (genetically modified) tự nó không phải là một vấn đề tôn giáo, nhất định không phải là một vấn đề thuộc đức tin. Thế nhưng, nó cũng gần như là một vấn đề tôn giáo, vì nó đan kết chặt chẽ với các vấn đề thuộc nền công lý căn bản, và dĩ nhiên thuộc lương tri nền tảng, vốn hết sức quan trọng đối với người Công Giáo, và cũng quan trọng đối với mọi người thiện chí nữa.

Và đó là lý do tại sao tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Châu Phi, khai mạc vào ngày hôm nay tại Rôma, đã bàn tới hạt giống đã được biến cải về phương diện di truyền trong số nhiều vấn đề khác. Và đó cũng là lý do tại sao chính Tòa Thánh cũng đang hết sức thận trọng nghiên cứu tận tường vấn đề này trong những năm gần đây.

Có lần tôi đã du hành hai tháng qua khắp Tây Phi, từ Algiers tới Abidjan. Đối với tôi, Châu Phi là một nơi sinh động, đầy sức sống, ngay cả ở Sahara khô cằn. Bởi thế, tôi đứng về phía những ai mong muốn cho sự sống tại Châu Phi được sống sung mãn hơn, cho chiến tranh bộ lạc chấm dứt và Châu Phi tìm được đường riêng để tiến tới.

Một hôm ở Châu Phi, tôi gặp một bé trai, có lẽ chỉ mới 3 tuổi, bị vết cắt ở gót chân. Em cúi lượm những mẩu cà-rốt tôi gọt bỏ vì bẩn và vì tôi không có nước để rửa, và nhanh tay cho vào miệng nuốt chửng. Vết cắt của em không được dán băng. Vết thương vì thế đầy bụi và một chút mủ trắng đã rỉ ra bên mép. Chúng tôi tìm được một chút nước, tôi bèn rửa vết cắt cho em. Bụi và mủ được lấy đi và tôi dùng miếng băng cấp cứu mang theo phủ vết thương cho em. Vết cắt sau đó đã lành.

Những điều chủ yếu đôi khi khá đơn giản: một miếng băng, hay một ống dẫn nước. Hay có lẽ một hạt giống cải tiến?

Có và không

Nhưng hạt giống đã được cải biến về phương diện di truyền có thực sự cải tiến chăng? Người bảo có kẻ bảo không. Đức Hồng Y Peter Turkson, trong tuyên bố hôm nay tại Thượng Hội Đồng Châu Phi Lần Thứ Hai, đã nói như sau: “Tại một lục địa mà nhiều phần hiện đang sống dưới bóng tranh chấp và chết chóc, Giáo Hội phải gieo những hạt giống đem lại sự sống”.

Thiển nghĩ ai cũng phải đồng ý rằng sản xuất được những mùa gặt tốt hơn chắc chắn là điều tốt. Nhưng nhiều vị giám mục Châu Phi sợ rằng những hạt giống đã được cải biến về phươn diện di truyền có thể khiến các nông gia Châu Phi phải lệ thuộc các công ty đa quốc về phương diện kinh tế, vốn là các công ty sản xuất ra các hạt giống ấy. Và các ngài lo rằng những hạt giống mới kia, được tạo ra với mục đích chống lại một số bệnh tật, rất có thể không tốt như đã hứa hẹn, vì các siêu bệnh tật có thể xuất hiện để tấn công mùa màng. Vả lại hậu quả lâu dài của các loại giống được con người biến đổi gien này đối với sức khỏe con người chưa ai biết được.

Đối với một số những hạt giống đó, quả có vấn đề căn bản này: chúng vô sinh (sterile). Nghĩa là, cây có mọc, trái có phát sinh, bất luận đó là bắp, gạo, lúa mì hay đậu nành, nhưng bắp, gạo, lúa mì hay đậu nành đó không có khả năng sinh sản (fertile), thành thử hạt giống của chúng không để dành cho mùa trồng tỉa tới được, vì một lẽ đơn giản nó không mọc mầm được.

Hạt giống mới do đó hàng năm lại phải mua của các công ty sản xuất ra chúng. Nhiều vị Giám mục Châu Phi cho đó là một nan đề. Và các ngài quả có lý. Nó là một vấn đề thực sự. Cả hàng nghìn năm nay, các nông gia vốn giữ hạt giống của họ cho mùa trồng tỉa sau. Rõ ràng đó là nghĩa nôm na của đoạn sách Sáng Thế: “khi thế giới còn tồn tại, thì vẫn còn mùa gieo hạt và mùa thu hoạch”. Cái chu kỳ đã có từ hàng nghìn năm ấy sẽ bị bẻ gẫy bởi cái thứ kỹ thuật mới này. Sẽ có mùa gieo hạt, mùa thu hoạch, và một mùa mới: mùa đi mua hạt giống cho năm tới từ các công ty canh nông sản xuất ra chúng. Nông gia sẽ mất đi khả năng tự túc, dù cái khả năng tự túc đó chỉ ở mức sống còn (subsistence). Họ sẽ hoàn toàn lệ thuộc công ty bán hạt giống.

Tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới nói như sau: “chiến dịch gây giống của những người chủ trương chương trình Thực Phẩm Sửa Giống (genetically modified food), một chương trình vốn có ý định bảo đảm sự an toàn về thực phẩm, không nên làm ngơ các nan đề thực sự của nền canh nông tại Châu Phi như thiếu đất có thể canh tác, nước, năng lượng, tín dụng, huấn luyện, thị trường địa phương, hạ tầng cơ sở đường xá, v.v… Chiến dịch này có nguy cơ khiến các tiểu điền chủ phá sản, triệt hạ các phương pháp gây giống cổ truyền và khiến các nông gia lệ thuộc các công ty sản xuất […]. Liệu các nghị phụ của Thượng Hội Đồng có thể duy trì thái độ bất đáp ứng đối với các nan đề đang đè nặng trên vai các đồng bào của họ?”

Nạn đói

Tuy nhiên, ngay trong lúc các giám mục Châu Phi bày tỏ quan tâm đối với những hạt giống kiểu mới này, thì một số các chức sắc của Tòa Thánh lại gợi ý là các loại hạt giống ấy rất có thể là phương cách tốt để cải thiện năng xuất cho các nông trại Châu Phi và do đó ngăn ngừa nạn đói trong tương lai.

Cải thiện nông nghiệp là chìa khóa cải thiện cuộc sống của người Châu Phi, nên mọi khí cụ, trong đó có hạt giống cải tiến nhân tạo, phải được xem sét để phát huy mục tiêu trên. Đó là lời phát biểu tại nghị luận hội ngày 24 tháng Chín vừa qua tại Rôma với chủ đề: “Tiến tới Cuộc Cách Mạng Xanh tại Châu Phi”.

Các nông gia tại Nam Phi và Burkina Faso sẵn sàng chứng minh các cải tiến đối với việc trồng trọt cũng như cuộc sống của họ khi du nhập các hạt giống cải tiến nhân tạo vào nông trại của mình. Đức Tổng Giám Mục Giampaolo Crepaldi, cựu thư ký Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hoa Bình (vừa được cử làm giám mục giáo phận Trieste, miền bắc nước Ý, và do đó không được coi là một chức sắc của Tòa Thánh nữa) từng nói rằng chậm phát triển và đói kém tại Châu Phi phần lớn là do “các phương pháp canh nông lỗi thời và không thích đáng”. Ngài cũng cho rằng các kỹ thuật mới, tức “các kỹ thuật có thể kích thích và nuôi sống các nông gia Châu Phi” phải có sẵn sàng, kể cả “các hạt giống vốn được cải tiến nhờ các kỹ thuật làm thay đổi cấu trúc di truyền của chúng”.

Một điểm giá trị đã được trình bày bởi Cha Gonzalo Miranda, một giáo sư về đạo đức sinh học (bioethics) tại đại học Regina Apostolorum, là đại học bảo trợ nghị luận hội nói trên. Cha nói rằng: “nếu dữ kiện chứng tỏ rằng kỹ thuật sinh học có thể đem lại cho ta những lợi ích lớn lao trong việc phát triển Châu Phi, thì ta có trách nhiệm luân lý phải cho phép các nước này thực hiện các thí nghiệm của họ”. Vấn đề chủ chốt ở đây chính là mệnh đề “nếu dữ kiện chứng tỏ rằng”. Và đó mới là nan đề thực sự ở đây. Vì dữ kiện chưa có chi rõ ràng cả.

Thực thế, hiện đang có rất nhiều dữ kiện cho người ta thấy các hạt giống mới này có vấn đề: chúng đòi nhiều nước hơn các hạt giống cổ truyền; chúng mắc giá hơn các hạt giống cũ, liều mình đưa các tiểu nông gia vào vòng nợ nần; và nhiều loại hạt giống này vô sinh, nghĩa là hàng năm phải mua hạt giống mới.

Những điểm tiêu cực này đã được ghi nhận trong một bài báo quan trọng của Francesco M. Valiante, một cây viết thường xuyên, đăng trên L’Osservatore Romano ngày 1 tháng Năm 2009. Chúng cũng được Đức Tổng Giám Mục George Nkuo của Cameroon ghi nhận trong cuộc phỏng vấn của nhà báo Mỹ John Allen, Jr. vào ngày 20 tháng Năm 2009. Đức Cha Nkuo có tham dự tuần lễ học hỏi tại Rôma từ ngày 15 tới ngày 19 tháng Năm do Hàn Lâm Viện Khoa Học Giáo Hoàng tổ chức để bàn bạc về toàn bộ vấn đề GMO (genetically modified organisms, các sinh vật được cải biến về phương diện di truyền). Ngài là vị giám mục Châu Phi duy nhất, và là một trong các vị không phải là khoa học gia, đã tham dự tuần lễ trên.

Không chắc chắn

Sau buổi gặp gỡ, Đức Cha Nkuo phát biểu: “khách quan mà nói, nếu kỹ thuật này thực sự làm cho cây trồng nhiều năng xuất hơn, nếu nó có sẵn cho người nghèo, và không có những nguy hiểm hiển nhiên đối với sức khỏe và môi trường, thì thiển nghĩ chả có gì xấu với nó cả”.

Nhưng ngài thêm rằng ngài không biết liệu tất cả những điều trên, tức năng xuất cao hơn, người nghèo với được, không có hậu quả phụ, có thực hay không. Ngài bảo: “Tôi thực sự không biết. Đó là vấn đề đối với tôi. Tôi không hiểu tại sao khoa học lại rắc rối đến thế. Tôi tưởng giả thiết phải có chứng cớ khách quan, nhưng xem ra khoa học cũng có mâu thuẫn. Tôi nghĩ quả là đáng ngạc nhiên khi thấy các ý kiến khác nhau đến thế. Phe ủng hộ GMO cho rằng những cây trồng này rất tốt cho môi trường và không hề đe dọa sức khỏe. Phe chống GMO lại bảo chúng nguy hiểm và có vấn đề về an toàn. Tôi phải tin gì đây?”

Nếu đó là tình thế hiện nay, nếu một vị giám mục từng tham dự một tuần học hỏi tại một hội nghị phò GMO tại Rôma mà vẫn không biết phải tin gì, thì đường hướng khôn ngoan là đừng phán đoán chi cho tới khi các sự kiện trở nên rõ ràng.

Bởi thế, điều khôn ngoan và hữu lý để các giám mục của Thượng Hội Đồng về Châu Phi phát biểu trong văn kiện cuối cùng nên là: sức khỏe và cuộc sống của nhân dân các vị phải là điều tối hệ trọng, và mọi phương thế cần phải được chấp nhận để cải tiến sức khỏe và cuộc sống ấy, miễn là các dữ kiện phải chứng tỏ được rằng đó là một cải tiến thực sự, chứ không phải là một ngõ cụt. Châu Phi không nên vội vàng chạy tới với những quyết định về hạt giống cải iến nhân tạo để rồi phải hối hận về sau.

II. Tuần lễ học hỏi tại Rôma

Nhân nói tới tuần lễ học hỏi tại Rôma do Hàn Lâm Viện Khoa Học Giáo Hoàng tổ chức hồi tháng Năm năm nay và những bối rối gây ra cho vị Tổng Giám Mục Châu Phi Nkuo, thiết tưởng nên nói rõ thêm một chút về tuần lễ này. Trước nhất, chủ đề của tuần lễ là “Cây Trồng Hoán Chuyển Di Truyền phục vụ An Toàn Thực Phẩm trong Bối Cảnh Phát Triển” (Transgenic Plants for Food Security in the Context of Development). Cha Charles Rue, trong một bài viết trên tờ “The Far East”, một nguyệt san của các cha Dòng Truyền Giáo Thánh Columban, số tháng Năm 2009, cho rằng tuần lễ học hỏi này có dáng dấp một cuộc thao diễn về phương diện giao tế của các công ty kỹ thuật sinh học, một cố gắng nhằm lôi kéo Vatican ủng hộ chương trình GMO. Cố gắng đầu tiên đã được đưa ra ngày 24 tháng Chín năm 2004, khi Toà Đại Sứ Mỹ cạnh Tòa Thánh và Hàn Lâm Viện Khoa Học Giáo Hoàng đã đồng tổ chức một buổi học hội, nhưng không thành công. Nay cố gắng ấy lại được tái sinh.

Theo nhận định của Cha Rue, trong tuần lễ học hỏi này, người ta không thấy sự có mặt của những nhà bình luận nổi tiếng vốn cảnh cáo các nguy hại của kế hoạch GMO như hai linh mục Dòng Tên Roland Lesseps và Peter Henriot, cũng như linh mục Dòng Thánh Columban Sean McDonagh. Các tham dự viên hoàn toàn là những người ủng hộ GMO và cùng cho rằng những người chống đối việc dùng kỹ thuật sinh học vào canh nông đều là vì ý thức hệ, trong khi họ không đề cập tới các tác động của GMO đối với sức khỏe, và các khía cạnh đa phức của GMO cũng như tính sống còn của các hệ thống canh nông.

Cha Rue cũng nhận định rằng các diển giả của tuần lễ học hỏi muốn người ta hiểu GMO như một thứ “thay thế gien” (gene replacement) hay “chuyển hóa di truyền” (transgenics). Các từ ngữ này vốn được kỹ nghệ kỹ thuật sinh học dùng để thuyết phục người ta rằng GMO chẳng có gì mới lạ vì nó vẫn từng đã có cả hàng nghìn năm nay qua việc gây giống có chọn lọc (selective breeding). Điều họ ít khi cho người ta thấy, thực sự là: việc gây giống có chọn lọc chỉ xẩy ra bên trong một chủng loại đặc thù nào đó mà thôi và đã được thử nghiệm nhiều năm để khám phá ra các hậu qủa tai hại có thể có. Gien không phải là các viên gạch muốn chuyển chỗ ra sao tùy ý. Chúng có sự sống, có liên hệ và có khả năng phát triển một cách phức tạp, mà không luôn luôn tích cực.

Cha Rue lấy làm tiếc là tài liệu “Nền Nông Nghiệp Hữu Cơ và An Toàn Thực Phẩm tại Châu Phi” năm 2008 của hai cơ quan UNCTAD và UNEP của Liên Hiệp Quốc đã không được đưa ra thảo luận tại tuần lễ học hỏi trên.