Sau phần nhập đề để nhắc lại quá trình triệu tập Thượng Hội Đồng, các thành phần tham dự, đường hướng tổng quát, lễ khai mạc Thượng Hội Đồng và lý do của sứ điệp, các nghị phụ đi thẳng vào nội dung sứ điệp, được trình bày thành 7 phần.

Phần I: Nhìn vào Châu Phi ngày nay

4. Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy mâu thuẫn và khủng hoảng trầm trọng. Khoa học và Kỹ thuật đang bước những bước khổng lồ trong mọi khía cạnh của đời sống, trang bị cho nhân loại đủ mọi phương tiện cần thiết để biến hành tinh này thành một nơi tốt đẹp cho mọi người chúng ta. Ấy thế nhưng các thảm cảnh của tị nạn, của cảnh nghèo tuyệt vọng, của bệnh tật và đói khát vẫn đang sát hại hàng ngàn người mỗi ngày.

5. Châu phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong tất cả các thảm cảnh trên. Vốn phong phú về tài nguyên nhân bản và thiên nhiên, nhiều người dân trong chúng tôi vẫn bị bỏ mặc, phải ngoi ngóp trong nghèo khó và khốn khổ, trong chiến tranh và tranh chấp, trong khủng hoảng và hỗn loạn. Các tai họa ấy hoạ hiếm mới do các thiên tai gây nên. Phần lớn chúng do các quyết định và hành động nhân bản từ những con người không biết đếm xỉa gì tới ích chung và điều ấy thường xẩy tới vì có sự đồng lõa đáng trách và âm mưu tội lỗi của các nhà lãnh đạo địa phương và các quyền lợi ngoại quốc.

6. Nhưng Châu Phi không nên thất vọng. Ơn phúc Chúa vẫn dồi dào, đang chờ được sử dụng một cách khôn ngoan và công chính nhằm phục vụ thiện ích cho con cái mình. Nơi có những điều kiện đúng đắn, con cái Châu Phi từng chứng tỏ họ có thể vươn tới, và quả thực họ đã vươn tới, đỉnh cao trong các cố gắng và khả năng con người. Hiện vẫn có những tin mừng tại nhiều nơi ở Châu Phi. Nhưng truyền thông hiện nay thường có khuynh hướng nhấn mạnh tới các tin xấu và do đó xem ra chỉ chú trọng theo dõi các khốn cùng và thiếu sót của chúng tôi hơn là các cố gắng tích cực mà chúng tôi đang thực hiện lúc này. Nhiều quốc gia mới phát sinh sau những năm dài chiến tranh và nay đang dần dần tiến bước trên nẻo đường hòa bình và thịnh vượng. Việc cai trị tốt đang thực hiện những tác động được đánh giá là tích cực tại một số quốc gia Châu Phi, và đang thách thức các quốc gia khác hãy duyệt lại các tập tục xấu của quá khứ và của hiện tại. Đang có nhiều dấu hiệu cho thấy nhiều sáng kiến nhằm tìm cách đưa lại các giải pháp hữu hiệu cho các vấn đề của chúng ta. Qua chính chủ đề của mình, Thượng Hội Đồng này hy vọng trở thành một phần của các sáng kiến trên. Chúng tôi kêu gọi mọi người mọi giới hãy chung tay để giải quyết các thách đố Hòa Giải, Công Lý và Hoà Bình tại Châu Phi. Nhiều người đang đau khổ và chết chóc: ta không còn thì giờ để phí phạm.

Phần II: Dưới ánh sáng Đức Tin

7. Chức vụ giám mục buộc chúng tôi phải xem sét mọi sự dưới ánh sáng Đức Tin. Sau khi công bố (tông huấn) Giáo Hội tại Châu Phi (EIA), các giám mục Châu Phi, qua Hội Nghị Chuyên Đề Các Hội Đồng Giám Mục Châu Phi và Madagasacr (SECAM), đã cho công bố một thư mục vụ tựa đề là “Chúa Kitô, Hòa Bình của chúng ta” (xem Tài Liệu Sau Cùng của Hội Nghị Toàn Thể SECAM tại Rocca di Papa, 1-8 tháng Mười, 2000, công bố tại Accra, 2001). Trong Hội Nghị này, chúng tôi thường nhắc nhở nhau rằng sáng kiến cho mọi việc hòa giải và nền hòa bình đến từ Thiên Chúa. Như Thánh Tông Đồ Phaolô từng tuyên bố: “Thiên Chúa trong Chúa Kitô đang hòa giải thế gian với chính Người”. Và Người thực hiện điều ấy qua hồng ân tha thứ nhưng không, vô điều kiện, “không tính những tội phạm chống lại chính họ” và nhờ thế đã dẫn chúng ta tới hòa bình (xem 2Cor 5:17-20). Còn về công lý, đó cũng là việc làm của Thiên Chúa, nhờ ơn công chính hóa của Người trong Chúa Kitô.

8. Trong cùng đoạn trên, Thánh Phaolô tiếp tục nói rằng Thiên Chúa “ủy thác cho chúng ta sứ điệp hoà giải” và quả tình đã đề cử chúng ta làm “đại sứ cho Chúa Kitô, Thiên Chúa đưa ra lời kêu gọi của Người qua chúng ta”. Đây là một thiên mệnh cao trọng mà chúng ta nhận được từ Thiên Chúa nhân từ và đầy cảm thương. Giáo Hội tại Châu Phi, cả trong tư cách gia đình Thiên Chúa lẫn trong tư cách tín hữu cá nhân, có nghĩa vụ trở thành khí cụ của hòa bình và hòa giải theo lòng Chúa Kitô, Đấng vốn là hòa bình và hòa giải của chúng ta. Và điều ấy chỉ có thể nên làm bao lâu chính Giáo Hội Châu Phi tự hòa giải với Thiên Chúa. Các chiến lược của Giáo Hội Châu Phi đối với hòa giải, công lý và hòa bình trong xã hội phải đi xa hơn và sâu hơn cách thế gian xử lý các vấn đề này. Giống như Thánh Phaolô, Thượng Hội Đồng xin kêu gọi mọi người dân Châu Phi: “Nhân danh Chúa Kitô, chúng tôi khẩn khoản xin anh em hãy hòa giải với Thiên Chúa” (2 Cor 5:20).

Nói cách khác, chúng tôi kêu gọi mọi người hãy để mình hòa giải với Thiên Chúa. Đó chính là điều sẽ mở đường cho một hòa giải đích thực giữa con người với nhau. Đó cũng chính là điều sẽ bẻ gẫy cái vòng luẩn quẩn của tấn công, trả thù và phản công. Trong tất cả những điều ấy, nhân đức tha thứ là chủ yếu hơn cả, ngay cả trước khi nhìn nhận lỗi lầm. Những ai bảo rằng tha thứ không ăn thua thì cứ thử trả thù rồi sẽ thấy. Tha thứ thật sự cổ vũ đức công bình của thống hối và đền bù, dẫn ta tới một nền hòa bình tận gốc, giúp ta thêm bạn bè, thêm anh thêm chị thêm em từ những người trước đây vốn là nạn nhân và là kẻ thù của ta. Vì chính Thiên Chúa làm cho thứ hòa giải này trở nên có thể, nên ta phải dành chỗ cho cầu nguyện và các bí tích trong thừa tác vụ này, nhất là Bí Tích Thống Hối.

Phần III: Gửi Thế Giới và Giáo Hội (World-Church)

9. Thượng Hội Đồng này bày tỏ quan tâm và tình liên đới của mình tới khắp lục địa Châu Phi. Chúng tôi cám ơn Đức Thánh Cha đã cùng sánh bước với Châu Phi trong mọi cuộc đấu tranh của nó và bênh vực chính nghĩa của nó với trọn sức mạnh trong thẩm quyền tinh thần to lớn của ngài. Giống như các vị tiền nhiệm của ngài, ngài đã luôn là một người bạn chân thực của Châu Phi và người Châu Phi. Khi giải quyết các thách đố của mình, chúng tôi luôn được phong phú hóa và hướng dẫn bởi kho tàng và sự khôn ngoan trong huấn quyền của các Đức Giáo Hoàng về các vấn đề chính trị và xã hội. Về phương diện này, Cuốn Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội là một sách gối đầu giường và là nguồn tư liệu mà tiện đây chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với toàn thể tín hữu giáo dân, nhất là những ai đang giữ các chức vụ cao trong các cộng đồng của chúng ta.

10. Tòa Thánh đã đưa ra nhiều sáng kiến trực tiếp về phát triển và thiện ích cho Châu Phi. Một trường hợp thuộc phạm vi này là Qũy Sahel nhằm chống lại việc sa mạc hóa các vùng Sahel. Chúng ta cũng không thể đánh giá thấp các dịch vụ vĩ đại do các đại diện của Đức Thánh Cha thực hiện tại các giáo hội địa phương của chúng ta. Hiện nay, Tòa Thánh có khâm sứ (nuncios) tại 50 trên tổng số 53 quốc gia Châu Phi. Đây là dấu chỉ mạnh mẽ cho thấy dấn thân của Tòa Thánh nhằm phục vụ lục địa này. Vì việc này, Thượng Hội Đồng xin bày tỏ lòng tri ân sâu xa.

11. Bằng tình âu yếm huynh đệ, chúng tôi xin kính chào toàn bộ Giáo Hội ở bên kia các bờ biển Châu Phi, tất cả chúng ta đều là chi thể của cùng một Gia Đình Thiên Chúa rải rác khắp mặt địa cầu. Sự hiện diện và tham dự tích cực vào hội nghị này của các đại biểu từ các châu lục khác đã xác nhận mối liên kết hiệp đoàn đầy hiệu quả và âu yếm của chúng ta. Chúng tôi xin cám ơn tất cả các Giáo Hội địa phương đã vươn tay ra phục vụ tại và cho Châu Phi cả trong lãnh vực thiêng liêng lẫn vật chất. Trong phạm vi hòa giải, công lý và hòa bình, Giáo Hội tại Châu Phi sẽ tiếp tục trông cậy vào sự ủng hộ hữu hiệu của các vị lãnh đạo Giáo Hội tại các quốc gia giầu có và hùng cường mà các chính sách, các hoạt động cũng như không hoạt động của họ từng tạo nên hay từng làm gia trọng tình trạng khó xử của Châu Phi.

Giữa Châu Âu và Châu Phi, có một sợi giây liên kết lịch sử rất đặc biệt. Bởi thế, về phương diện này, mối liên hệ hiện có giữa các bộ phận giám mục của hai châu lục, tức Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Âu (CCEE) và SECAM cần được tăng cường và thâm hậu hóa. Chúng tôi cũng hân hoan chào mừng mối giao tình huynh đệ đang xuất hiện giữa Giáo Hội tại Châu Phi và Giáo Hội tại Châu Mỹ.

12.Nhiều con trai con gái của Châu Phi đã bỏ nhà đi kiếm nơi định cư tại các lục địa khác. Một số những người này đang tiến triển tốt, góp phần một cách giá trị vào đời sống tại các quốc gia họ đang định cư. Nhiều người khác đang chật vật để sống còn. Chúng tôi xin trao phó tất cả những người trên cho sự chăm sóc mục vụ thoả đáng của Gia Đình Giáo Hội Chúa, bất cứ họ đang ở đâu. “Ta là khách lạ và các con đã chào đón Ta” (Mt 25:35) không phải chỉ là một dụ ngôn về ngày tận thế nhưng cũng là một bổn phận cần được chu toàn bây giờ. Giáo Hội tại Châu Phi cám tạ Chúa vì nhiều con trai con gái mình hiện đang là những nhà truyền giáo tại các lục địa khác. Trong cuộc trao đổi ơn phúc thánh thiện này, điều quan trọng là mọi người dự phần phải tiếp tục làm việc cho mối liên hệ trong sáng, sòng phẳng, đầy phẩm giá và hợp tinh thần Kitô Giáo này. Trong các phiên họp của Thượng Hội Đồng, Giáo Hội tại Châu Phi chấp nhận thách thức sẽ quan tâm tới những người có nguồn gốc Châu Phi tại các lục địa khác, nhất là tại Châu Mỹ.

13. Lúc này đây, Thượng Hội Đồng này cảm thấy có bổn phận phải bày tỏ lòng tri ân sâu xa đối với nhiều nhà truyền giáo, linh mục, tu sĩ cũng như tín hữu giáo dân, từ các lục địa khác đã đem đức tin đến cho hầu hết các quốc gia Châu Phi, mà nhiều vị hiện vẫn còn đang nhiệt tâm và anh hùng tận tụy làm việc tại đó. Chúng tôi xin đặc biệt cám ơn các vị vẫn kiên trì ở lại với con chiên của mình ngay lúc có chiến tranh và những khủng hoảng trầm trọng. Một số vị còn bằng lòng dùng chính mạng sống trả giá cho lòng trung trinh của mình.

Phần IV: Giáo Hội tại Châu Phi

14. Chúng tôi tự hào nhớ lại: Kitô Giáo đã có mặt tại Châu Phi ngay từ buổi đầu của mình, tại Ai Cập và tại Ethiopia, và chẳng bao lâu sau đó tại các vùng khác của Bắc Phi. Giáo Hội lâu đời này đã làm giầu Giáo Hội hoàn vũ với nhiều truyền thống sáng chói về thần học, linh đạo và phụng vụ, những vị thánh và tử đạo hiển hách, như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã rất hùng hồn chỉ ra (EIA, 31). Các Giáo Hội Ai Cập và Ethiopia, tức các giáo hội từng sống thoát nhiều gian nan thử thách và bách hại, xứng đáng được trọng vọng, và được sự hợp tác gần gũi hơn với các Giáo Hội trẻ trung hơn của lục địa.

Sự hợp tác như thế đặc biệt quan trọng nếu ta sét tới hàng ngàn di dân và sinh viên trẻ từ miền nam Sahara đang theo học ngành cao đẳng tại Maghreb. Nhiều người trong số này là Công Giáo, mang theo mình sự gắn bó với đức tin, chắc chắn sẽ làm tươi trẻ rất nhiều Giáo Hội địa phương nơi họ đang cư ngụ. Giáo Hội tại các nơi này, và tại các nơi khác, phần lớn gồm ngoại kiều, phải cậy trông vào tình liên đới của các Giáo Hội Chị Em của Châu Phi, mong các Giáo Hội này gửi tới các linh mục và các nhà truyền giáo khác làm món quà đức tin (Fidei Donum).

15. Trên khắp lục địa, Giáo Hội sẽ tiếp tục sánh bước trong liên đới với nhân dân của mình. Các vui mừng và buồn đau, các hy vọng và mộng ước của nhân dân chúng tôi cũng là của chính chúng tôi nữa (xem Vat. II, Vui Mừng và Hy Vọng,1). Chúng tôi xác tín rằng đóng góp đầu tiên và đặc biệt nhất của Giáo Hội cho nhân dân Châu Phi là công bố Phúc Âm của Chúa Kitô. Cho nên, chúng tôi cam kết sẽ mạnh mẽ theo đuổi việc công bố Phúc Âm cho nhân dân Châu Phi, vì “sự sống trong Chúa Kitô là nhân tố đầu hết và chính yếu của phát triển”, như Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã nói trong “Caritas in veritate” (CV, 8).

Vì cam kết phát triển phát sinh từ việc thay đổi tâm hồn, và việc thay đổi tâm hồn phát sinh từ việc quay về với Phúc Âm. Dưới ánh sáng điều này, chúng tôi chấp nhận trách nhiệm của mình phải trở thành khí cụ của hòa giải, công lý và hòa bình trong các cộng đồng của chúng tôi, “các đại sứ thay mặt Chúa Kitô” (2 Cor 5:20), Đấng vốn là hoà bình và hòa giải của chúng tôi. Về phương diện này, mọi thành phần Giáo Hội, linh mục, tu sĩ cũng như tín hữu giáo dân, phải được huy động để cùng làm việc với nhau trong một tinh thần đoàn kết tạo nên sức mạnh. Chúng ta được thách thức và khích lệ bởi câu châm ngôn Châu Phi như sau “một đoàn kiến có tổ chức sẽ triệt hạ được con voi khổng lồ”. Chúng ta không nên sợ, nhất là đừng ngã lòng, trước sự to lớn của các vấn đề tại lục địa chúng ta.

16. Giáo Hội tại Châu Phi vui mừng hoan nghinh lời kêu gọi đưa ra tại Phòng Thượng Hội Đồng đối với sự hợp tác “Nam - Nam” trong các cố gắng của chúng ta. Nhiều vấn đề của Châu Phi và đang đè nặng lên Châu Phi cũng đang xẩy ra tại Châu Á và Châu Mỹ Latinh. Chúng tôi tin rằng chúng ta sẽ có lợi rất nhiều qua việc không những so sánh ghi chép mà còn chung tay nữa. Xin Chúa chỉ đường cho chúng ta tiến trong hướng đi này.

17. SECAM là một định chế liên đới mục vụ có cơ năng của Giáo Hội phẩm trật tại Châu Phi (EIA, 16). Bất hạnh thay, cơ chế không thể thay thế này đã không nhận được sự hỗ trợ mà đáng lý ra nó phải nhận được, cả từ chính các giám mục Châu Phi. Chúng tôi tạ ơn Chúa vì Thượng Hội Đồng này là dịp may hồng phúc để nhấn mạnh tầm quan trọng của SECAM. Có đủ lý do để tin rằng các lời kêu gọi do nhiều Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đưa ra nhằm dấn thân hơn đối với SECAM đã không rơi vào những lỗ tai điếc. Đúng lúc đang chuẩn bị trở về quê hương, chúng tôi đã cam kết sẽ dành cho SECAM điều tối thiểu nó cần để chu toàn sứ mệnh. Được thiết lập theo sáng kiến của SECAM và điều hành trong hiệp thông trung thành với cơ chế này, Liên Đoàn Các Hội Đồng Bề Trên Cả Của Châu Phi và Madagascar (COMSAM), đang dần dần lớn lên thành khí cụ hữu hiệu để cổ vũ tình liên đới mục vụ có cơ năng trên bình diện lục địa, trong cuộc sống và công tác tông đồ của các tu sĩ tại Châu Phi. Thượng Hội Đồng hoan nghinh sự đóng góp giá trị của họ vào đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội tại Châu Phi.

18. Là các giám mục, chúng tôi tự thách thức mình sẽ đoàn kết làm việc trong các Hội Đồng cũng như trong các Phiên Họp giám mục, hòng mang lại cho các quốc gia của chúng tôi một mẫu mực về một định chế quốc gia có hòa giải và công chính, sẵn sàng hiến mình làm những người thợ kiến tạo hòa bình và hòa giải, bất cứ lúc nào và nơi nào cần tới. Chúng tôi ca ngợi các vị giám mục từng đóng các vai trò này, nhất là trên căn bản đại kết và/hoặc liên tôn, mà chúng tôi từng được chứng kiến tại các nơi như Mali, Cộng Hòa Dân Chủ Congo, Burkina Faso, Senegal, Niger và nhiều nơi khác.

Sự đoàn kết của hàng giám mục là nguồn sức mạnh rất lớn. Trái lại thiếu vắng sự đoàn kết này sẽ phí phạm năng lực, làm nản các cố gắng và dành chỗ cho các kẻ thù của Giáo Hội trung lập hóa được các nhân chứng của ta. Một phạm vi quan trọng trong đó sự hợp tác và gắn bó quốc gia như trên rất hữu ích chính là phạn vi truyền thông và thông tin xã hội. Kể từ ngày công bố EIA, đã có sự bùng nổ thực sự con số các đài phát thanh Công Giáo tại Châu Phi, từ con số 15 đài năm 1994 nay đã tăng quá 163 đài tại 32 quốc gia. Chúng tôi ca ngợi các quốc gia từng khích lệ việc phát triển này. Chúng tôi kêu gọi các quốc gia nào hiện còn dè dặt về phương diện này hãy duyệt lại chính sách, vì lợi ích của quốc gia và nhân dân họ.

19. Mỗi giám mục phải đặt ưu tiên cao cho các vấn đề hoà giải, công lý và hòa bình trong nghị trình mục vụ của giáo phận mình. Các vị phải chắc chắn sẽ thiết lập các Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình ở mọi cấp. Chúng ta nên tiếp tục làm việc thật hăng say để huấn luyện lương tâm và thay đổi tâm hồn người ta qua công tác giáo lý ở mọi cấp. Việc ấy phải tiến xa hơn việc “dạy giáo lý đơn giản” cho trẻ em và dự tòng lãnh nhận các bí tích. Chúng ta cần phải có sẵn các chương trình huấn luyện liên tục cho mọi tín hữu, nhất là những người giữ các chức vụ có thẩm quyền cao. Các giáo phận của chúng ta phải là mẫu mực cho việc quản trị tốt, của trong sáng và quản trị tài chánh tốt.

Chúng ta phải tiếp tục làm hết sức để giải quyết nạn nghèo đói, vốn là trở ngại chính đối với hòa bình và hòa giải. Ở đây, các gợi ý về kế sách tiểu tài chánh đáng được xem sét cẩn trọng. Cuối cùng, là người đứng đầu Giáo Hội địa phương, giám mục có bổn phận huy động mọi tín hữu của mình, mời gọi họ tham gia các vai trò thích ứng với họ trong việc đặt kế hoạch, phác thảo, thi hành và lượng giá các chính sách và chương trình của giáo phận nhằm hoà giải, công lý và hòa bình.

20. Linh mục là “người cộng tác cần thiết và gần gũi nhất của giám mục”. Trong Năm Linh Mục này, thưa anh em thân mến trong hàng ngũ linh mục, chúng tôi ngỏ lời đặc biệt với anh em, những người hiện đang nắm giữ một vị thế then chốt trong công tac tông đồ của giáo phận. Anh em mô tả khuôn mặt của hàng giáo sĩ một cách rõ rệt nhất

đối với người ta, cả trong lẫn ngoài Giáo Hội. Gương sáng của anh em trong việc sống chung hòa bình vuợt trên các lằn ranh bộ lạc và sắc tộc chắc chắn là chứng tá mạnh mẽ đối với người khác.

Điều ấy được chứng minh, tỷ dụ như lúc anh em hân hoan chào đón bất cứ vị nào được Tòa Thánh bổ nhiệm làm giám mục cho anh em, bất kể nơi sinh của vị ấy. Tùy thuộc anh em là phần lớn việc thực thi các chương trình mục vụ cấp giáo phận về hòa giải, công lý và hoà bình. Việc dạy giáo lý, đào tạo giáo dân, chăm sóc mục vụ cho người giữ chức vụ cao; không việc nào trong số này có thể tiến xa nếu không có sự dấn thân trọn vẹn của anh em tại giáo xứ của anh em và những nơi khác được chỉ định. Thượng Hội Đồng khuyên anh em đừng sao lãng bổn phận của nh em trong phạm vi này. Anh em sẽ đạt được thành công lớn hơn nếu anh em biết làm việc trên căn bản một thừa tác vụ hợp tác, biết đem lại với nhau mọi thành phần khác của cộng đồng giáo xứ; các phó tế, các tu sĩ, các giáo lý viên, các giáo dân, nam giới, nữ giới và thanh niên.

Trong nhiều trường hợp, linh mục là một trong những người sáng suốt nhất trong cộng đồng địa phương và do đó được người ta mong chờ đóng vai trò lãnh đạo công việc của cộng đồng. Anh em nên biết cách làm thế nào để cung hiến tốt nhất việc phục vụ của mình một cách không đảng phái, một cách hợp mục vụ và tinh thần phúc âm. Lòng trung thành với cam kết linh mục của anh em, nhất là đời sống độc thân trong sạch, cũng như xa lánh những điều vật chất chính là chứng tá hùng hồn nhất đối với Dân Chúa. Nhiều người trong anh em đã rời Châu Phi để hiến thân phục vụ truyền giáo tại các lục địa khác. Khi làm việc trong tinh thần hoàn toàn tôn trọng trật tự tốt, anh em đã phóng chiếu một hình ảnh tốt cho Châu Phi. Thượng Hội Đồng ca ngợi sự dấn thân của anh em vào trách vụ truyền giáo của Giáo Hội. Ước chi anh em nhận được phần thưởng đã hứa ban cho tất cả những ai “bỏ nhà… vì Nước Trời” (Lc 18:28).

còn tiếp