Ngày 5 tháng Mười vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Nikola Eterovic, tổng thư ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Châu Phi, đã đọc một bản tường trình trước Thượng Hội Đồng, trong đó, ngài đưa ra nhiều chi tiết về tình hình Giáo Hội tại Châu Phi. Theo bản tường trình này, tỷ lệ giữa số người Công Giáo Châu Phi và tổng số dân Châu Phi hiện nay là 17.5% (164,925,000 / 943,743,000), cao hơn tỷ lệ giữa số người Công Giáo thế giới và tổng số dân số thế giới là 17.3% (1,146,656,000 / 6,617,097,000) và dĩ nhiên cao hơn tỷ lệ 14.6% của năm 1994, tức năm có Thượng Hội Đồng về Châu Phi lần đầu tiên. Con số ơn gọi cũng đã gia tăng đáng kể: từ năm 1994 tới năm 2007, con số các lãnh thổ giáo hội tăng 16.21%, con số các giám mục tăng 28.07%, con số linh mục tăng 49.09%, con số các tru sĩ tăng 11.40%, con số các phó tế vĩnh viễn tăng 23.61%, con số tu sĩ các tu hội đời tăng 48.20%, con số nhà truyền giáo giáo dân tăng 94.36%, con số các giáo lý viên tăng 33.31%, con số các chủng sinh tăng 44.40%...

Tuy nhiên, con số thống kê không nói hết được năng động tính vĩ đại trong việc phúc âm hóa tại lục địa Châu Phi: nhiều người đã dấn thân một cách quảng đại và toàn diện vào công tác mục vụ đến độ đã anh dũng hy sinh mạng sống mình vì nó. Ngoài cố gắng phúc âm hóa, Giáo Hội Châu Phi đã tích cực can dự vào nhiều công trình bác ái, y tế, giáo dục và muôn vàn các sáng kiến khác nhằm phát huy con người, kể cả các công trình giúp đỡ nạn nhân bệnh AIDS, qua sự phối hợp của Caritas, của Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình. Hiện nay, Giáo Hội Công Giáo Châu Phi đang hiện diện tại 1,074 bệnh viện, 5,373 bệnh xá, 186 trại phong cùi, 753 nhà dành cho người già và khuyết tật, 979 viện mồ côi, 1,997 trung tâm giữ trẻ ban ngày, 1,590 trung tâm huấn đạo về hôn nhân, 2,947 trung tâm phục hồi và 1,279 các cơ sở chăm lo sức khỏe khác.

Theo các dữ liệu của cơ quan UNAIDS, 26% các cơ sở trực tiếp can dự vào việc điều trị AIDS trên thế giới là do các cơ quan Công Giáo điều khiển.

Về giáo dục, hiện có 12,496 trường mầm non (pre-school) với 1,266,444 học sinh; 33,263 trường tiểu học với 14,061,806 học sinh; 9,838 trường trung học với 3,738,238 học sinh. Về bậc cao đẳng Công Giáo, hiện có 54,362 sinh viên ghi danh; ngoài ra còn có 76,432 sinh viên theo học các môn khác nhau do các Đại Học Công Giáo bảo trợ.

Tuy nhiên, để chuẩn bị cho tương lai của Giáo Hội tại lục địa Phi Châu, một lục địa, trên bình diện hòa bình, đang kinh qua nhiều bất ổn về chính trị, kinh tế và xã hội, Đức Gioan Phaolô II đã quyết định mở Thượng Hội Đồng lần thứ hai về Châu Phi.

Chính ngài đã liệt kê một số các khó khăn như: tranh chấp vũ trang, nạn nghèo đói và bệnh tật kinh niên nhất là AIDS, tham nhũng và cảm thức bất an ở khắp mọi vùng. Theo ngài, các tín hữu phải cùng mọi người thiện chí cùng đến với nhau để kiến tạo một xã hội phồn vinh và ổn định, qua đó bảo đảm một tương lai tươi sáng cho các thế hệ đang đến. Muốn đạt được điều này, ngài thiết tha mong mỏi các giám mục Châu Phi phải đẩy mạnh hơn nữa việc thâm hậu hóa các thành quả đã thâu thập được về phương diện thiêng liêng, cũng như phát triển hàng ngũ giáo sĩ và giáo dân cả về phương diện nhân bản lẫn phương diện Kitô giáo.

Các quyết định và đường hướng cho Thượng Hội Đồng lần thứ hai về Châu Phi trên đã được vị kế nhiệm là Bênêđíctô XVI tiếp tục với niềm tin tưởng rằng: “nó sẽ mang thêm thúc đẩy cho công trình phúc âm hóa, hoà giải và phát triển Giáo Hội cũng như thăng tiến việc hòa giải và nền hòa bình trên lục địa Châu Phi”.

Kỷ luật làm việc

Và Thượng Hội Đồng đã chính thức khai mạc vào tuần qua tại Vatican. Theo Đức Tổng Giám Mục Eterovic, để các cuộc thảo luận tại Thượng Hội Đồng diễn ra êm thắm, có quy định là các phát biểu phải qui chiếu vào cấu trúc của Tài Liệu Làm Việc (Instrumentum laboris). Thông thường, các phát biểu này sẽ được công bố. Nhưng nếu nghị phụ nào không muốn bản tóm tắt các lời phát biểu của mình được công bố, thì phải thông báo cho văn phòng tổng thư ký. Các phát biểu và đề nghị nên hướng vào việc canh tân đời sống Giáo Hội cũng như các hoạt động mục vụ của Giáo Hội trong lãnh vực phúc âm hóa và phát huy nhân bản, nhất là các khía cạnh hòa giải, công lý và hòa bình.

Về các quí khách được mời, Đức Tổng Giám Mục Eterovic đặc biệt nhắc tới Ông Jacque Diouf, tổng giám đốc cơ quan FAO (Thực Phẩm và Canh Nông) của Liên Hiệp Quốc sẽ tới trình bày các cố gắng của cơ quan ông trong việc bảo đảm việc phân phối lương thực tại Châu Phi. Điều ấy nói lên thái độ nghiêm chỉnh của Thượng Hội Đồng đối với việc phát triển toàn diện con người, trong đó có những nhu cầu căn bản đệ nhất đối với Châu Phi.

Tuy nhiên, các vị giám mục Châu Phi không hẳn chỉ quan tâm tới cái bụng của mình cũng như của anh em đồng bào và đồng đạo của mình mà thôi. Quan tâm của các vị ít nhất cũng bao la như chính lục địa của các vị và cũng khẩn thiết như lục địa ấy. Được sự thúc giục của vị tổng thư ký Thượng Hội Đồng muốn mọi người cởi mở đối với việc hòa giải, vốn được coi là phong vũ biểu đo chiều sâu công cuộc phúc âm hóa trong đời sống cá nhân, gia đình, cộng đoàn, quốc gia và tại mỗi giáo hội đặc thù Châu Phi, các giám mục của lục địa này đã không ngần ngại đề cập đến những khía cạnh hết sức thực tiễn của thảm trạng Châu Phi, hay nói như vị tổng thư ký Thượng Hội Đồng “các thực tại phức tạp của lục địa này”.

Theo thông tín viên Jesús Colina của hãng tin Zenit, một trong các thực tại phức tạp đó đã được các vị giám mục Châu Phi chính thức nêu ra tại Thượng Hội Đồng: như nhân công bị đối xử như nô lệ và các thiếu nữ rời bỏ các tu hội để trở thành gái điếm.

Vì tính tế nhị của vấn đề, các thông tín viên quốc tế chỉ tường trình nội dung các phát biểu mà không nêu đích danh các vị phát biểu. Phần lớn các phát biểu này được đưa ra trong các buổi thảo luận tự do, một dịp để các nghị phụ thoải mái đề cập tới nhiều vấn đề nóng bỏng khác nhau.

Theo Đức Cha Joseph Bato'ora Ballong Wen Mewuda, phát ngôn viên Thượng Hội Đồng đại diện cho các vị giám mục nói tiếng Pháp, đã tiết lộ một số nội dung vô danh trên do 23 nghị phụ nêu ra vào hôm thứ Ba tuần trước. Đức cha cho biết: Đức Thánh Cha không tham dự buổi thảo luận này vì ngài bận chuẩn bị cho bài giáo lý của buổi triều kiến chung vào ngày hôm sau.

Vấn đề được thảo luận nhiều nhất chính là tình huống của giới trẻ Châu Phi ngày nay, quan trọng hơn cả là làm thế nào tiếp cận được họ, lớp người hiện là nạn nhân của các nhóm cực đoan. Ngoài ra, các nghị phụ Châu Phi cũng tỏ ý quan ngại về hiện tượng người trẻ Châu Phi ào ạt ra ngoại quốc, nhất là Phương Tây, để tìm kiếm một đời sống tốt hơn.

Vì tình huống ấy, các nghị phụ Châu Phi đề nghị một kế hoạch chuẩn bị cho các người trẻ có ý định di dân, giúp họ có thể đương đầu với các nền văn hóa và não trạng khác, cũng như cung cấp cho họ các tư liệu cần thiết về học thuyết xã hội Công Giáo.

Sa lưới

Tuy có vị giám mục cho rằng tình huống trên có thể có tính tích cực vì nhờ thế đôi khi người trẻ khám phá hay tái khám phá được đức tin tại các xứ các em di dân tới. Tuy nhiên, phần lớn các vị giám mục tỏ ý lo ngại đối với số phận người trẻ Châu Phi tại các xứ Phương Tây, nhất là các thiếu nữ Công Giáo. Một nghị phụ cho biết một số thiếu nữ này, vì tò mò muốn tìm hiểu ơn gọi, nên đã rời quê hương đi Âu Châu mong gặp được lối sống tu trì thích hợp với mình tại đó. Có nhiều trường hợp, các em phải rời bỏ cộng đoàn tu trì mới vì nó không thích hợp với mình và do đó lâm vào tình thế đơn côi trên xứ lạ, làm mồi cho những mạng lưới đĩ điếm tại đó.

Theo Đức Cha Ben Mewuda, để đương đầu với thảm trạng trên, hội đồng giám mục tại Công Hòa Dân Chủ Congo đã ban hành các chỉ dẫn buộc các thiếu nữ muốn đi tu phải chọn một tu hội hiện có mặt tại xứ sở của mình. Nhờ thế, họ sẽ luôn nối kết với quê hương mình một khi quyết định rời bỏ con đường tu học. Tại nhiều quốc gia khác thuộc Châu Phi, các vị giám mục cũng khuyến khích phương thức ấy nhưng không bắt buộc.

Một số nghị phụ không tiếc lời chỉ trích các tổ chức phi chính phủ: tuy họ có tiếng trong thế giới Phương Tây, nhưng trên thực tế chỉ là những tuyến đầu cho điều được các ngài gọi là “nghị trình dấu mặt và bí mật”. Các tổ chức này xâm lăng Châu Phi dưới chiêu bài viện trợ nhân đạo, nhưng trên thực tế, điều họ nhắm chỉ là cổ vũ cho các ý thức hệ.

Đức cha Wen Mewuda cho biết thêm: Các giám mục không minh nhiên nhằm lột mặt nạ các ý thức hệ này, nhưng theo ngài, các giám mục có ý nói tới một số tổ chức đứng ra che chở cho giáo phái (cults), hay các tổ chức cổ vũ phá thai dưới chiêu bài “sức khỏe sinh sản”. Một nghị phụ nhắc tới một tường trình trên tờ “Jeune Afrique” (Châu Phi Trẻ) cho hay: khá nhiều các lãnh tụ của các giáo phái này đã trở thành cố vấn cho các chính khách Châu Phi và cho cả các tổng thống nữa. Việc này rõ ràng góp phần đưa ra những chính sách sai lầm, tai hại.

Ít nhất cũng có 4 nghị phụ lớn tiếng yêu cầu Thượng Hội Đồng lên tiếng phản kháng các lạm dụng của các công ty đa quốc trong việc bóc lột các tài nguyên khóang sản và rừng của Châu Phi cũng như làm độc nguồn nước, gây thiệt hại lớn lao cho dân chúng địa phương. Các ngài cho hay: tại một số khu vực, khi các công ty đa quốc trên tới, họ chỉ biết khai thác các tài nguyên chứ không hề làm gì để giúp dân sở tại. Các ngài không chỉ mong phải tố cáo các công ty đa quốc trên mà còn phải tố cáo các chính khách địa phương đã cho phép các công ty này du nhập mà không xem sét các tai hại người Châu Phi phải hứng chịu vì họ. Các nghị phụ cũng nhắc tới các công ty Trung Quốc hiện càng ngày càng xâm lấn lục địa trong các dự án xây cất xa lộ và các công trình công cộng khác, với các nhân viên từ chính quốc trong các điều kiện làm việc gần giống như nô lệ.

Theo trình bày của Đức Hồng Y Turkson, tổng thuyết trình viên của Thượng Hội Đồng, thì Giáo Hội Châu Phi đang giáp mặt với nhiều thách đố: đa số phần phía bắc xích đạo, sự hiện diện của Giáo Hội kể như không có (Giáo Hội chỉ phồn thịnh ở phía nam Sahara); lòng trung thành và dấn thân của một giáo sĩ và tu sĩ đối với ơn gọi đang sa sút; con số giáo dân chạy theo các phong trào tôn giáo và giáo phái khác đang gia tăng; nhiều thanh niên qua các nước khac, lúc về trở thành người không Công Giáo. […] Hôn nhân và gia đình đang chịu nhiều áp lực bắt phải tái định nghĩa về bản chất lẫn chức năng với nhiều hình thức thay thế mất hết các đặc tính căn bản như cam kết suốt đời, dị tính luyến ái và mục đích truyền sinh; một nền luân lý hoàn cầu kỳ dị đang được đề nghị liên quan tới hôn nhân, gia đình, tính dục, phá thai, ngừa thai, cũng như kỹ thuật di truyền; Châu Phi đang trở thành đường chuyên chở ma túy giữa Nam Mỹ và Âu Châu, và chính Châu Phi cũng đang trở thành người tiêu thụ mạnh của ma túy, một tệ nạn đang làm cạn dần vốn liếng nhân bản, chỉ thua di dân, tranh chấp và bệnh tật (HIV-AIDS và sốt rét); bên cạnh việc buôn bán vũ khí và chính sách phiêu liêu chính trị, Châu Phi còn là nạn nhân của buôn bán vũ khí: các tay buôn vũ khí quốc tế đang dùng Châu Phi làm đường chuyên chở đủ thứ vũ khí nhất là vũ khí quy ước…

Cái nhìn lạc quan

Tuy nhiên, đọc kỹ hai bài tường trình đầu tiên của Đức Tổng Giám Mục Eterovic, và của Đức Hồng Y Turkson, nét nổi bật vẫn là cái nhìn lạc quan về tương lai Châu Phi nói chung và tương lai Giáo Hội tại đó nói riêng.

Theo Đức Hồng Y Tổng Thuyết Trình Viên, trong những năm gần đây, Giáo Hội Châu Phi càng ngày càng cống hiến cho Giáo Hội hoàn vũ các đóng góp quan trọng: nhiều thành viên Châu Phi của các tu hội truyền giáo đã chiếm giữ các chức vụ và vai trò lãnh đạo: thành viên hội đồng, phụ tá và bề trên cả; các giáo hội địa phương đã dấn thân vào các dự án kinh tế và phát sinh thu nhập để đảm bảo tự tức tự cường như ngân hàng, hiệp hội tín dụng, công ty bảo hiểm, địa ốc và tiệm buôn; gia tăng đáng kể về cơ cấu và định chế (chủng viện, đại học Công Giáo, viện cao đẳng, trung tâm tu nghiệp cho tu sĩ, giáo lý viên và giáo dân, các trường phúc âm hóa) cũng như tăng tiến con số các chuyên viên và nhân viên nghiên cứu trong các lãnh vực đức tin, truyền giáo, văn hóa, hội nhập, lịch sử, phúc âm hóa và giáo lý.

Đức Hồng Y cho biết thêm: dù cả Giáo Họi lẫn lục địa Châu Phi chưa ra khỏi rừng rậm, nhưng vẫn có quyền vui mừng về những thành quả của mình và bắt đầu có thể bác bỏ các tổng quát hóa có tính vơ đũa cả nắm (stereotypical) về các tranh chấp, nạn đói, tham nhũng và cai trị dở của mình. Bốn mươi tám quốc gia tạo nên khu vực Hạ Sahara cho thấy nhiều dị biệt thuộc tình hình giáo hội, việc cai trị và đời sống kinh tế xã hội. Trong 48 quốc gia này, chỉ có 4 quốc gia: Somalia, Sudan, Niger và một phần Cộng Hòa Nhân Dân Congo là đang có chiến tranh; trong đó, ít nhất, 2 quốc gia cũng đang chịu một cuộc chiến do thế lực ngoại lai can thiệp, đó là Sudan và Cộng Hòa Dân Chủ Congo. Người ta có thể nói hiện Châu Phi đang có ít chiến tranh hơn Á Châu. Càng ngày, những kẻ gây chiến và tội ác chiến tranh càng bị tố giác, buộc phải chịu trách nhiệm về tội ác và bị đem ra xét xử. Một viên chức của Cộng Hòa Dân Chủ Congo đã bị kết án, Charles Taylor của Liberia đang ra trước tòa án quốc tế.

Tuy xét chung, Châu Phi bị liệt vào hàng thứ mười trong nền kinh tế hoàn cầu, nhưng nó là thị trường thế giới lớn thứ nhì sau Trung Quốc. Như thế, nó đáng được coi là lục địa của cơ may, như nhận định của hội nghị G-8 vừa qua. Điều ấy cũng đúng đối với con người Châu Phi. Người ta hy vọng rằng việc mưu cầu hòa giải, công lý và hòa bình, một việc đã trở nên đặc trưng Kitô giáo nhờ gốc gác yêu thương và nhân ái của chúng, sẽ phục hoạt được tính toàn bộ cho gia đình Giáo Hội tại lục địa này, và gia đình này, trong tư cách là muối cho đời và ánh sáng cho thế gian, sẽ chữa lành “mọi trái tim nhân bản đang bị thương tích, nơi ẩn nấp sau cùng của mọi nguyên nhân gây bất ổn cho lục địa Châu Phi”. Nhờ thế, lục địa và mọi lãnh hải của nó sẽ hiểu ra mọi cơ may và ơn phúc do Thiên Chúa ban tặng.

Theo Đức Hồng Y Turkson, sự thật là Châu Phi bị truyền thông quốc tế làm méo mó quá lâu rồi với đủ mọi thứ rác rưởi của nhân loại, nay đã đến giờ phải “sang số” đòi lại công đạo cho Châu Phi, phải lấy tình yêu nói lên sự thật về Châu Phi, cổ vũ sự phát triển cho lục địa này để đem lại phồn vinh cho nó, và nhờ thế góp phần vào phúc lợi cho toàn thế giới. Các quốc gia G-8 và nói chung mọi quốc gia trên thế giới nên yêu thương Châu Phi trong sự thật.