Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) vừa kêu gọi dư luận có hành động khẩn cấp để phản đối việc ông Lê Công Định bị rút chứng chỉ luật sư và cấm hành nghề.

BBC - LS Lê Công Định lúc chưa bị bắt
Trong một thông cáo trên website của mình, Ân xá Quốc tế viết "ông Lê Công Định là tù nhân lương tâm và hiện không có tin tức gì kể từ khi ông bị bắt hôm 13/06".

"Ông Lê Công Định vẫn chưa được phép gặp thân nhân hay tiếp xúc bất kỳ luật sư bào chữa nào và tình hình sức khỏe của ông không ai biết."

Thông cáo viết tiếp: "Chính quyền Việt Nam đã tiến hành một chiến dịch tuyên truyền chống lại ông Định sau khi quốc tế gây áp lực đòi phải trả tự do cho ông".

Tổ chức theo dõi nhân quyền có trụ sở chính ở Anh này cũng kêu gọi những người quan tâm gửi thư cho Bộ trưởng Công an Việt Nam Lê Hồng Anh và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, cũng như cho đại sứ quán Việt Nam ở các nước để bày tỏ quan ngại.

Ân xá Quốc tế cũng đề nghị gửi thư yêu cầu trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Lê Công Định, cho ông quyền tiếp xúc gia đình và luật sư, được chăm sóc y tế nếu cần; và kêu gọi chính quyền thay thế hoặc sửa đổi các điều trong Luật hình sự năm 1999 vốn hình sự hóa hoạt động bất đồng chính kiến một cách ôn hòa.

Chiến dịch truyền thông

Trường hợp ông Lê Công Định vừa được nhắc tới trên truyền thông Việt Nam hôm thứ Tư 08/07.

Tường thuật buổi tiếp Viện trưởng Viện Công tố Đan Mạch Jorgen Steen Sorensen của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết chiều 07/07, Đài Tiếng nói Việt Nam cho hay Chủ tịch Triết đã giải thích về vụ bắt giữ ông Định.

Đài này trích lời ông Chủ tịch nói Việt Nam có đầy đủ bằng chứng cho thấy "Lê Công Định câu kết với thế lực bên ngoài, âm mưu lật đổ chế độ".

"Vì vậy, việc bắt giam Lê Công Định là hoàn toàn đúng pháp luật, không có chuyện bắt giam vì bất đồng chính kiến."

Những ngày qua, báo đài trong nước cũng tập trung nói về vụ bắt giữ hai nhân vật khác hôm 07/07 là Nguyễn Tiến Trung và Trần Anh Kim.

Báo Lao Động viết Nguyễn Tiến Trung "là người đưa Lê Công Định vào tham gia tổ chức phản động".

Báo Hà Nội Mới, trong bài viết hôm 08/07 dưới tựa đề "Ảo vọng ngông cuồng, hành vi nguy hiểm" thì kết luận: "Hành vi phản bội Tổ quốc và coi thường pháp luật của Nguyễn Tiến Trung và Trần Anh Kim sẽ phải trả giá thích đáng".

"Mong rằng đây sẽ là bài học cho những ai mang ảo vọng ngông cuồng, phá hoại sự ổn định, hòa bình của đất nước mà biết bao thế hệ người Việt Nam đã chung sức chung lòng để bảo vệ và gìn giữ."

Phản ứng của Đảng dân chủ Việt Nam

Tất cả các vụ bắt ở trên, theo thông tin loan tải trên báo Việt Nam, đều có liên quan tới Đảng Dân chủ Việt Nam mà chính quyền Việt Nam coi là "tổ chức phản động lưu vong do Nguyễn Sĩ Bình và Nguyễn Xuân Ngãi cầm đầu".

Từ Hoa Kỳ, ông Nguyễn Sĩ Bình nói với BBC hôm thứ Năm 09/07 rằng các động thái vừa rồi là hành động chính trị "tập trung nhắm vào đảng Dân chủ Việt Nam và răn đe những ai yếu vía hay chưa sẵn sàng nhất quyết nói chung".

Ông Bình cũng bác bỏ tin nói rằng Nguyễn Tiến Trung là đầu mối giới thiệu các nhân vật ở Việt Nam cho đảng Dân chủ ở hải ngoại.

Ông nói việc các nhà hoạt động "tìm tới nhau là việc bình thường".

"Hơn nữa, việc giới thiệu người hay ai quan hệ với ai trong sinh hoạt dân chủ ôn hòa không phải là hành vi vi phạm pháp luật."

Ông Nguyễn Sĩ Bình cho hay đảng này đang tìm cách vận động cho những người vừa bị bắt.

"Vận động gây áp lực lên Nhà nước Việt Nam để họ sớm trả tự do cho các anh chị em dân chủ bị bắt là việc chúng tôi đang tập trung. Áp lực bao gồm từ nhiều phía, từ các chính phủ có quan hệ với Việt Nam đến các đoàn thể xã hội và người dân yêu chuộng tự do, dân chủ, bình đẳng cả trong và ngoài nước."

Cho tới nay, vẫn chưa có phản ứng gì từ các chính phủ nước ngoài về vụ bắt giữ hai ông Nguyễn Tiến Trung và Trần Anh Kim, ngoại trừ các phát biểu của một số dân biểu Hoa Kỳ như bà Loretta Sanchez và ông Joseph Cao bày tỏ bất bình và nói sẽ kêu gọi Quốc hội can thiệp.

(Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/07/090709_ai_lecongdinh.shtml)