Chỉ 9 ngày sau khi công an bắt giữ luật sư Lê Công Định hôm 13/6/2009, ban chủ nhiệm luật sư đoàn TP. HCM đã ra văn bản khai trừ luật sư Định ra khỏi đoàn ngày 22/06/2009 (Xem: http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=164304&ChannelID=12).

Theo qui định điều 85 - 86 luật luật sư hiện hành, việc ra hình thức kỷ luật này phải thông qua đề nghị của hội đông khen thưởng ký luật luật sư đoàn. Việc đề nghị đương nhiên phải trên cơ sở lập thành hồ sơ. Đối với những người bị khởi tố hình sự thì tạm đình chỉ tư cách của họ, chờ phán quyết là có tội bằng một bản án có hiệu lực pháp luật, mới là căn cứ để lập thành hồ sơ đề nghị khai trừ một luật sư phạm tội hình sự. Qui định này có trong tất cả các nền pháp lý trên thế giới, nó còn nhằm bảo đảm người bị khởi tố hình sự có thể khiếu nại quyết định khai trừ mình sau khi qua giai đoạn bị hạn chế vì điều tra…

Ban chủ nhiệm luật sư đoàn TP. HCM căn cứ vào lời nhận tội của luật sư Định được báo chí truyền hình nhà nước trình chiếu… để ra quyết định trên. Nhưng theo qui định tại điều 54 bộ luật tố tụng hình sự hiện hành thì: “Không được dùng lời nhận tội của bị can bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội”. Đương nhiên ban chủ nhiệm luật sư đoàn TP. HCM không được tiếp xúc hồ sơ vụ án để có thể xem xét các chứng cứ buộc tội luật sư Định ngoài lời nhận tội được báo chí truyền hình công chiếu… Nhẹ nhất thì việc làm này của ban chủ nhiệm luật sư đoàn TP. HCM là bị ép buộc. Nhưng rõ ràng hành vi của họ là chà đạp pháp luật.

Bí mật về điều tra phải được giữ kín cho đến khi mở phiên toà sơ thẩm. Đây là nguyên tắc điều tra nhằm đảm bảo thông tin điều tra không bị lộ gây khó khăn cho công tác điều tra, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người bị khởi tố hình sự mà chưa phải là người có tội vì còn có trường hợp tại toà họ được tuyên không phạm tội… Bảo vệ quyền lợi của nhân chứng, của người liên quan… Trong vụ án này công an cũng như cơ quan công tố của nhà nước csvn ngang nhiên vi phạm các qui định về không được tiết lộ bí mật điều tra được qui định tại điều 101 BLTTHS: “Điều tra viên, kiểm sát viên, người tham gia tố tụng tiết lộ bí mật về điều tra thì tuỳ trường hợp phải chịu trách nhiệm theo các điều 263, 264, 286, 287, 327, 328 Bộ luật hình sự” – Ai cũng thấy được rằng, nếu an ninh điều tra không tiết lộ thông tin, cho báo chí, thì không thể có việc trình chiếu lời nhận tội, bản tự khai của Luật sư Định. Để cho an ninh điều tra làm việc này còn có trách nhiệm của viện kiểm sát.

Có một thế lực đứng ngoài luật pháp chỉ đạo những việc làm ngang nhiên vi phạm tố tụng của công an, kiểm sát. Thế lực này ép buộc những việc làm chà đạp pháp luật của ban chủ nhiệm luật sư đoàn TP. HCM (?). Chính nghĩa sáng ngời mà ông chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hùng hổ tuyên bố rằng người cộng sản Việt Nam có cách đây vài ngày… Chắc chính là cái quyền lực bên ngoài luật pháp này đây.

(Viết cho người em, ls Lê Công Định)