Lễ Giáng Sinh dẫn đầu một loạt các ngày lễ nhắc ta nhớ tới thuở ấu thơ, thuở thiếu thời, và lúc bước vào tuổi trưởng thành của Chúa Giêsu. Đó là các ngày lễ Các Thánh Anh Hài, lễ Thánh Gia, lễ Hiển Linh và lễ Đức Mẹ Dâng Con Vào Đền Thờ. Ấy thế mà ta vẫn biết rất ít về gốc gác và 30 năm đầu đời của Chúa Giêsu. Thánh Mátthêu và thánh Luca trình bày với ta điều vốn được gọi là trình thuật thơ ấu, ở hai chương đầu phúc âm của các ngài. Còn các tác giả Tân Ước khác, chẳng ai lo tới truyện phải nói điều gì đó về cuộc sống làm một bé thơ và một bé trai của Chúa Giêsu cả.

Các phúc âm ngoại thư

Việc thiếu tín liệu này có thể làm người ta thất vọng, khó chịu và ngay cả bất công nữa. Nó đẩy một số Kitô hữu sơ khai sáng chế ra nhiều chi tiết để trám vào những khoảng trống. Điều nay ta gọi là “Các Phúc Âm Ngoại Thư” (Apocryphal Gospels) quả đã để cho trí tưởng tượng sổ lồng qua việc tạo ra nhiều truyện kể. Như trong một trình thuật kia, Chúa Giêsu lúc đó lên bẩy, đang vui chơi với các trẻ em khác cùng trang lứa. Bọn trẻ dùng bùn đất tạo ra đủ thứ hình dạng lừa, bò, chim chóc. Trẻ nào cũng tự hào rằng con chim đất của mình đẹp xiết bao. Thì đột nhiên, từ tay Chúa Giêsu bay ra một con chim nhỏ, lượn vòng trên đầu rồi đậu xuống bàn tay của Người, trước sự thán phục của mọi người.

Trong một trình thuật khác, khi Đức Mẹ và Thánh Giuse trốn Hêrốt chạy qua Ai Cập, các ngài rơi vào tay bọn cướp. Một trong các tên cướp ấy không là ai khác mà chính là Dimas, cái tên đã được gán cho Kẻ Trộm Lành trong Phúc Âm Ngoại Thư này. Khi Dimas trông thấy hài nhi Giêsu, hắn nhận ra ngay đây không phải là một em bé bình thường, bèn thưa rằng: “Ôi người có phúc nhất trong mọi em bé, nếu có bao giờ đến lúc thương xót tôi, thì xin nhớ đến tôi và đừng quên giờ phút này”. Rồi Dimas nộp tiền chuộc để cứu Thánh Gia. Giáo Hội coi các Phúc Âm Ngoại Thư này chỉ là những trước tác giả mạo của những tâm trí tò mò. Bởi thế đã loại bỏ các sản phẩm của trí tưởng tượng ấy ra khỏi bộ Tân Ước.

Những điều "hẳn phải là"

Như thế, thử hỏi liệu chúng ta có nên đơn giản chịu đựng sự thiếu tín liệu đối với tuổi thiếu niên và thời đào luyện trong cuộc đời của Chúa Giêsu hay không? Ở điểm này, một số Kitô hữu tìm ẩn náu nơi điều “hẳn phải là”. Vì “giống chúng ta trong mọi sự, chỉ trừ tội lỗi”, “hẳn” Người phải kinh qua mọi giai đoạn bình thường trong diễn trình phát triển xã hội và tâm lý để bước vào tuổi trưởng thành. Vì là con trẻ không có tội của một bà mẹ không có tội, “hẳn” Người có được những mối liên hệ không hề có chút chi rắc rối đối với mẹ. Các nhà thần học và nhiều người khác thuờng cố gắng đẩy xa thứ luận bác này. Họ đã dựng được cả một bộ những kết luận về những điều “hẳn” phải đúng về Chúa Giêsu.

Tuy nhiên, phương thức ấy đụng phải hai khó khăn lâu đời. Khó khăn thứ nhất, các kết quả của nó chỉ là khoảng không. “Các mối liên hệ không hề có chút chi rắc rối” của Chúa Giêsu với mẹ Người kia trên thực tế là gì? Làm sao ta có thể vượt qua những tổng quát hóa mơ hồ ấy mà làm cho luận bác của ta đem lại một ít chi tiết cụ thể nào đó về cuộc sống gia đình tại Nadarét? Khó khăn thứ hai, không phải ai cũng nhất trí với những điều “hẳn phải là” kia. Tất cả còn tùy thuộc điều ta coi là thích đáng khi đưa ra một trình thuật nào đó về thuở thiếu thời của Chúa Giêsu. Một số người có thể luận bác rằng Người hẳn đã có được mọi hình thức có thể có của nhận thức nhân bản. Một số người khác có thể cực lực bác bỏ điều ấy. Một gán ghép như thế rất có thể khiến cho cuộc hiện sinh nhân bản của Người ra đáng hoài nghị và không thật. Một số người có thể cho rằng Chúa Giêsu hẳn đã kinh qua cuộc khủng hoảng tính dục bình thường của tuổi dậy thì. Nhiều người khác có thể bác bỏ kết luận ấy, coi nó như hoàn toàn ghê tởm.

Cả trí tưởng tượng tự do của các Phúc Âm Ngoại Thư lẫn các cố gắng diễn dịch từ điều “hẳn phải là” đều không giúp ta tiến được bao xa. Nên ba mươi năm đầu cuộc đời Chúa Giêsu vẫn chìm trong bong tối, ngoài tầm tay với của ta, điều ấy có thể làm ta ngã lòng.

Ngôn từ của chính Chúa Giêsu

Tuy nhiên, ta có thể rút ra một số tín liệu từ một nguồn vốn bị quên lãng lâu nay, đó là ngôn từ do chính Chúa Giêsu sử dụng trong ba Phúc Âm đầu. Thiển nghĩ nên giải thích rõ các giả thiết ở đây. Ta không cho rằng mọi ngôn từ được các Thánh Mátthêu, Máccô và Luca gán cho Chúa Giêsu đều nhất thiết trích dẫn nguyên văn từ thừa tác vụ thực tế của Người. Vì một số từ ngữ ấy có thể của chính các soạn giả Phúc Âm, hay của Giáo Hội sơ khai, mà cũng có thể của chính Chúa Kitô phục sinh. Ta cũng không chủ trương rằng các soạn giả Phúc Âm nhất thiết trình bày một bản chép lại nguyên văn y như lời Chúa Giêsu nói trong các lời giáo huấn của Người. Nhưng ta nhất trí với nhiều học giả rằng các Phúc Âm Mátthêu, Máccô và Luca đã duy trì được cái luồng và cái vị (flow & flavor) trong ngôn từ được Chúa Giêsu chọn lựa. Dĩ nhiên, ai cũng ước mơ có thể sử dụng được những đoạn chắc chắn do chính Chúa Giêsu nói.

Ở đây, chúng ta muốn nói rằng các hình ảnh và ngôn từ được Chúa Giêsu sử dụng gợi cho ta một vài điều về cách thế trí tưởng tượng của Người hành động và cách thế cảm xúc tính của Người được thành hình lúc Người còn ẩn dật tại Nadarét. Xin đơn cử hai nét trong giáo huấn của Người. Hai nét này cho thấy các đường nét qua đó, trí tưởng tượng của Người đã được phát triển và tự tỏ bày ra.

Một ngôn từ biết rõ hạnh phúc và đau khổ nhân bản

Nét thứ nhất, Chúa Giêsu chứng tỏ Người biết rõ và biết đáp ứng nhiều hình thức sinh hoạt, đau khổ, và hạnh phúc nhân bản. Người quan sát điều đang xẩy ra khi người nông dân gieo hạt, thấy họ xây thêm kho lẫm như thế nào để chứa mùa màng bội thu và thuật lại phương pháp tiên đoán thời tiết của họ. “Khi các ông thấy mây xuất hiện ở phía tây, các ông sẽ nói ngay: ‘một trận mưa sắp sửa tới’; và nó đã tới thật. Và khi các ông thấy gió nam thổi, các ông bảo: ‘cơn nóng nung người sẽ tới nơi’; và nó tới thật” (Lc 12:54 tt). Chúa Giêsu cũng lưu ý người ta đặt những mảnh vải vá trên chiếc áo choàng rách ra sao và họ dùng bình da mới để chứa rượu mới như thế nào. Người nói tới thuế má, việc cho vay tiền, vai trò quản lý trông coi những gia hộ lớn, công việc của dân chài, người chăn dắt các đàn súc vật, quần áo lụa là của người giầu có, chó đợi vụn bánh từ bàn chủ, người lữ hành lỡ bước đêm khuya, tới xin thực phẩm, việc điều hành luật lệ, giá cả đương thời của chim sẻ và nhiều chuyện khác. Con mắt của Chúa Giêsu quét qua cả một loạt sinh hoạt rộng lớn của con người. Tổng hợp các hình ảnh của Người, ta sẽ có được một bức chân dung tương đối đầy đủ về sinh hoạt thường nhật tại Miền Galilê xưa.

Trí tưởng tượng của Người không tránh nghĩ tới việc phải giáp mặt với đau khổ nhân bản. Một trong những truyện đáng nhớ nhất do chính Người kể nói về người du khách bị cướp, bị đánh đập và chết dở bỏ lại bên đường miền quê. Chúa Giêsu nói tới cái tham lam của người giầu có, luôn luôn phóng túng xa hoa dù người bệnh đang đói lả trước cổng nhà mình. Người nhắc đến những tính toán của ông hoàng ông chúa trước khi dẫn binh sĩ của mình ra trận. Hạnh phúc nhân bản cũng không lọt con mắt Chúa Giêsu. Người nói tới niềm vui của người cha khi đứa con đi hoang tìm về, đến những cử hành tân hôn, đến bà nội trợ vui mừng hớn hở vì tìm lại được đồng tiền đánh mất. Nói tóm lại, lời giảng của Chúa Giêsu cho thấy một trí tưởng tượng đã lớn mạnh đủ để có thể nhậy cảm nhận thức rõ mọi điều đang xẩy ra trong thế giới của Người.

Một ngôn từ hết sức cụ thể và dễ hiểu

Nét thứ hai, ta sẽ vất bỏ mất quyền nhận định về cách Chúa Giêsu nhận thức thực tại, nếu ta bỏ qua tính đặc thù hết sức cụ thể dễ hiểu trong ngôn từ của Người. Một cách hết sức đặc trưng, Người thường trả lời những câu hỏi đại loại như “Ai là người láng giềng của tôi?” bằng cách kể một câu truyện (Lc 10:29-37). Lẽ dĩ nhiên, các thầy (rabbis) khác cũng làm như thế trước và sau Chúa Giêsu. Nhưng nguyên sự kiện họ cũng có thói quen đó không làm nó ít đặc trưng là của Người hơn. Người suy nghĩ từ dưới suy nghĩ lên, không theo phương thức diễn dịch từ trên. Người đề nghị các trường hợp để thính giả của Người có thể tự họ rút ra các nguyên tắc tổng quát, nếu họ muốn. Ngay các nhận định có tính tổng quát hóa của Người cũng rất gần gũi tính đất, tính cụ thể dễ hiểu. “Không ai, sau khi uống rượu cũ, lại thèm rượu mới” (Lc 5:39). Có một nét rất thường thức trong những phương ngôn Người trích dẫn. Ở hội đường Nadarét, Người kể cho cộng đoàn nghe: “Chắc chắn các ông sẽ trích dẫn cho tôi câu phương ngôn này: Hỡi thầy thuốc, hãy tự chữa mình đi” (Lc 4:23). Người mời các thính giả của Người nhận thức các sự vật đặc thù chung quanh họ. Trí tưởng tượng của Người hòa điệu với sự khôn ngoan thực tiễn của người dân thường. Tất cả những điều ấy khiến Người trở thành người rao giảng tuyệt vời với nét hết sức thường thức. Người cùng nói với ta và nói cho ta, không phải chỉ nhắm vào ta.

Ngôn ngữ được Chúa Giêsu sử dụng trong lời giảng của Người cho ta thấy ít điều về cách Người tưởng tượng và nhận thức ra sao về thế giới. Đồng thời, những cái nhìn sâu sắc vào trí tưởng tượng trưởng thành của Người ấy sẽ đưa lại cho ta nhiều mách bảo để ta thấy được sự nhạy cảm của Người đã được đào tạo ra sao lúc Người còn niên thiếu. Nói tóm lại, lời giảng của Chúa Giêsu là nguồn phong phú nhất giúp ta các tín liệu qúy giá về quãng đời người ta vốn coi là ẩn dật của Người tại Nadarét.