Học Lý Kitô Học (1)

1. Phương Pháp

Đầu tiên ta sẽ xét đến vấn đề phương pháp; đồng thời thảo luận một số các phát biểu Ki-tô Học dựa theo các phương pháp họ sử dụng.

a. Ki-tô Học suy lý và duy tâm, mặc dù xét trong tổng quát có giá trị lớn, đã từ từ mất đi sức thuyết phục thế nào thì phương thức cổ truyền có tính giáo điều và diễn dịch (khởi đi từ việc xem sét các thuộc tính của chính Thiên Chúa và sự tiền hữu của Chúa Ki-tô) cũng cùng chung một số phận như vậy. Trong Ki-tô Học này, mạc khải phải được coi chủ yếu là làm cho người ta biết đến các liên hệ đời đời của Thiên Chúa, nghĩa là một nhận thức đi lùi lại phía sau lịch sử và có thế giá học lý. Nhưng ta đâu có trực tiếp nắm được thứ nhận thức phía sau lịch sử, mà chỉ biết được các hiện tượng cụ thể như đã được biểu hiện ra trong lịch sử. Cho nên bất cứ cố gắng nào nhằm phục hồi quan điểm suy lý và diễn dịch đều bế tắc trên chính Phúc Âm.

Mà diễn trình qui nạp cũng chả thích đáng bao nhiêu. Đây là một diễn trình ngược hẳn lại diễn trình trên nghĩa là đi tìm ý nghĩa của Chúa Giê-su bằng cách tóm lược tất cả các hiệu quả lịch sử mà Người đã mang lại. Phương thức nghiên cứu ấy có thể biện minh được cách hoàn hảo, khi dựa trên lịch sử tư tưởng; nhưng cả khi đã đạt tới bình diện cao nhờ hiểu được tường tận tâm lý học tôn giáo và lịch sử các tôn giáo, nó vẫn không thể đưa ta vào chính hữu thể sâu xa nhất của Chúa Ki-tô. Trong phương thức này, người ta chú ý trước nhất đến điều thực sự đã đạt được trong giòng lịch sử, và việc miêu tả về Chúa Ki-tô dựa trên các điều đã đạt được ấy, tức là dựa vào những hiệu quả sờ mó được do Người mang lại. Điều này không những giả thiết rằng theo một nghĩa nào đó ta có thể coi các hiệu quả kia đã hoàn tất và hoàn bị, mặt khác cũng phải giả thiết rằng qui mô của các hiệu quả kia thực ra tùy thuộc con người đã tạo ra chúng và qui mô các hoạt động bản thân của người này. Bây giờ, chắc chắn ta có thể nói đến qui mô và giới hạn của con người Chúa Ki-tô, khi ta nhìn Người như một biến cố lịch sử được giới hạn vào các khả thể của một cuộc đời nhân bản nhất định, nhưng cái qui mô và giới hạn này được ấn định bởi hình thức mà đời sống kia mặc lấy, chứ không phải bởi chính nội dung bên trong của nó. Dù gì đi nữa, Phúc Âm cũng đã qui trách việc giới hạn các thành quả lịch sử trong sứ mệnh Chúa Giê-su trên những người đã từ khước không chịu tiếp nhận Người: ‘Các ngươi đã từ khước không đến với Ta’. Và Phúc Âm đã liên kết luận phạt với việc qui trách ấy. Như thế, đức tin có thể thấy các hiệu quả ở bên ngoài phạm vi lịch sử tư tưởng con người; chỉ có đức tin mới có khả năng luận án một cách chính đáng đâu là giới hạn của các hiệu quả mà cuộc sống của Chúa Giê-su đã đem lại trong giòng lịch sử. Đức tin không xem xét vấn đề liệu các giới hạn kia có chống đối cách nào đến thẩm quyền hoàn toàn mà Chúa Ki-tô đã có được trên lịch sử cũng như thời hiện tại hay không, đúng hơn nó chỉ coi sự kiện Chúa Ki-tô có quyền lực và gây hiệu quả vô giới hạn như là một sự kiện tự nó có thể chứng minh được. Điều có tính quyết định đối với đức tin không phải là hiệu quả tính lớn hơn hay nhỏ hơn của Chúa Ki-tô, mà là ý nghĩa của nó. Hiệu quả lịch sử là điều tương đối, vì đời người là tương đối; đó là lý do tại sao hiệu quả ấy có thể đánh lừa những ai không nhìn quá bên kia nó. Chính vì lý do này, quan điểm của Schleiermacher liên quan đến toàn bộ cuộc đời của Chúa Ki-tô xem ra không thỏa đáng lắm về phương diện phương pháp học. Ông từng nhấn mạnh rằng sức mạnh trong ý thức của Chúa Giê-su về Thiên Chúa luôn luôn được thể hiện trong cuộc sống nhân bản như một toàn bộ. Do đó, trong cách phán đoán này, ông đã giả thiết phải có đức tin vào Chúa Ki-tô.

Việc nghiên cứu cuộc đời Chúa Giê-su theo phương thức lịch sử và phê phán (historical and critical) cũng không đưa chúng ta lại gần mục tiêu của mình hơn chút nào. Cái cảm tình lớn mà trước đây phương thức này vốn duy trì được đã và đang bị phản ứng chống chủ nghĩa duy sử (historicism) của thời nay gặm nhấm, và điều ấy cũng đúng thôi. Bởi vì phương thức ấy bị cột chặt vào những vấn đề chi tiết không thể giải quyết được; chính những chi tiết này ảnh hưởng đến việc hiểu toàn bộ và biến nó thành nghi vấn. Và quan tâm của chúng ta là vấn đề trung tâm và ý nghĩa của nó đối với chúng ta. Càng ngày người ta càng nhìn nhận rộng rãi rằng việc hiểu vấn đề trung tâm của Ki-tô Học đòi phải có những giả thiết mà chức năng chính thức của các nghiên cứu phê phán không thể cung cấp được; thí dụ nếu không có việc đức tin nhìn nhận các khẳng định về Chúa Giê-su, thì người ta không thể nào hiểu biết được tận tường các khẳng định ấy hoặc phán định được vị trí của Người trong lịch sử tôn giáo. Khoa phê bình sử học là một dụng cụ có giá trị; nhưng giá trị của nó tùy thuộc cách nó được sử dụng, theo tinh thần nào và do ai.

Việc cố gắng đưa ra một chân dung đạo đức có tính tổng quát hơn về Chúa Ki-tô, biệt lập với cái nhìn hạn hữu hơn của đức tin nhằm đưa lại một giải thích về Người được nhiều người hơn ủng hộ, trên thực tế cũng là điều không thể có được. Chính Chúa Giê-su có lẽ cũng không chấp nhận, vì lý tưởng đạo đức cũng như sức mạnh đạo đức của Người chỉ có thể hiểu như là việc nói lên và khẳng nhận sự hiệp nhất của Người với Thiên Chúa, chứ không phải là căn bản của sự hiệp nhất ấy. Ta chỉ có thể hiểu nội dung đạo đức trong công việc của Người trên căn bản trách vụ cao cả của Người và tất cả những gì được trao ban cho Người. Ai không coi mình được Người hiệp nhất với Thiên Chúa thì không thể nhận ra sự thật trong lý tưởng đạo đức của Người. Tự nó, tư tưởng đạo đức của Chúa Giê-su rất lớn lao và có ý nghĩa, nhưng rất bí nhiệm và khó hiểu và do đó bị người ta nghi ngờ. Việc giải thích về Chúa Giê-su trên phương diện đạo đức không thể tách lìa khỏi sự giải thích do đức tin mang lại, mà phải tạo thành một phần của sự giải thích sau, như là một khía cạnh của nó. Tuy thế ta phải luôn nhớ rằng đức tin cũng phải có một hình ảnh rõ nét về khía cạnh đạo đức trong công việc của Chúa Giê-su.

b. Từ quan điểm của đức tin, Chúa Ki-tô phải được hiểu theo ý nghĩa sứ mệnh của Người. Như thế, Người đòi hỏi một quyết định, một đáp trả và một thái độ có tính bản thân, sự vâng lời và lòng sùng kính hoàn toàn. Người đòi hỏi tất cả những điều đó vì Thiên Chúa, bằng cách đòi hỏi chúng cho chính Người. Chỉ có sự đối chất bên trong đó mới mở mắt ta để thấy Người, thấy công việc của Người và thấy chính con người của Người. Qua đó, ta đạt được sự hiểu biết dưới hai phạm trù cứu độ và mạc khải, là hai phạm trù không thể tách biệt với nhau; đến nỗi ta có thể nói rằng sự hiểu biết ấy đến với ta dưới phạm trù duy nhất là sự mạc khải ơn cứu độ, một mạc khải giúp ta chọn lựa giữa sống và chết, nó đụng đến chính nền móng cuộc hiện sinh của ta. Đó không phải là hình thức nhận thức tự nhiên hay phi bản vị, vì nó không quan tâm đến các liên hệ phi bản vị; nó là một nhận thức rút từ hoàn cảnh cứu độ mà ta được đặt vào, một nhận thức rút từ đức tin. Không một phát biểu nào nếu muốn chở theo nhận thức về Chúa Ki-tô được phép phát biểu mà lại đi trước đức tin hoặc tách biệt khỏi đức tin, vì điều ấy sẽ đem ta trở lại với chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa duy thức (intellectualism), là hai chủ nghĩa thật xa rời thánh kinh Phúc Âm. Nghịch lý (paradox) mà thôi không đủ; việc nhẩy vào bóng tối, một phần của đức tin, không phải là một dấn thân vô nghĩa vào điều nghịch lý vốn hấp dẫn trí khôn ta, nhưng là một hướng mặt về Chúa Ki-tô và Chúa Cha trên trời. Tình thuận hảo với Thiên Chúa càng tuyệt vời trong con mắt đức tin, thì ý nghĩa càng sâu sắc. Yếu tố duy nhất có tính quyết định là vị trí của Chúa Ki-tô, vì chính vị trí này thiết lập ra tình thuận hảo (fellowship) với Thiên Chúa tối cao. Trong Chúa Ki-tô, đức tin biết mình đang đứng trong một liên hệ tuyệt đối mới với Thiên Chúa, liên hệ cha con; liên hệ này là một cái gì hoàn toàn, bất kể các hiệu quả trần thế có nhỏ nhoi, có giới hạn thế nào đi chăng nữa. Trong mối liên hệ này, đấng Trung Gian không phải là nguồn chia rẽ, mà là nguồn hiệp nhất; Người không cản lối ta trực tiếp đến với Chúa Cha cũng như liên kết trực tiếp với Chúa Cha, nhưng khai mở đường đến với Chúa Cha một lần mãi mãi. Trách vụ chân thực của Ki-tô Học là để miêu tả điều đó; thành quả lớn nhất của những người từng giảng dạy đức tin Ki-tô Giáo là hiểu được và biết nhìn nhận vấn đề ấy. Nhưng mọi người đều thất bại trong việc giải quyết nó, và liên tục thất bại cho đến tận ngày nay.

Tuy nhiên, nhận thức do đức tin mang lại không thể dựa trên cảm nghiệm nội tâm để kết luận về điều Chúa Ki-tô đang thực hiện, bởi như thế là phán đoán hoàn toàn tương đối. Dù yếu tố chủ quan của đức tin có lớn bao nhiêu, nó cũng phải được điều hướng về Chúa Ki-tô, Đấng mà nơi Ngài mối liên hệ tuyệt đối của một người con Chúa phải đặt căn bản vào. Kinh nghiệm đức tin có giá trị và nó có dẫn ta tới Chúa Ki-tô; nhưng điều quan trọng là nó phải hiểu thấu một cách trực tiếp và do đó nhìn nhận và chấp nhận các khẳng định và thế giá của Chúa Ki-tô, gồm cả những điều Người đã thực hiện lúc còn trên dương thế. Chứ không phải chỉ là cách nhìn ngược lại bắt đầu bằng Chúa Ki-tô khải hoàn. Đối với đức tin, Chúa Ki-tô khải hoàn cũng là Chúa Ki-tô đã từng chiến đấu và chịu đau khổ trên dương gian, và sau đó chịu đóng đinh. Trách vụ chân thực của Ki-tô Học phải là một cái nhìn toàn bộ (overall view). Chúa Ki-tô lịch sử phải được hiểu cùng một lúc với ý nghĩa siêu lịch sử của Người. Đức tin không khởi đi từ con người Giêsu đến Thiên Chúa của Người, nhưng nhìn Chúa Ki-tô một cách trực tiếp như đã được Thiên Chúa định nghĩa, nghĩa là dưới ánh sáng của Thiên Chúa, và đồng thời trong tương quan giữa Người và Thiên Chúa, tức là nhìn Chúa dưới ánh sáng của Chúa Ki-tô. Đức tin nhìn ra đấng hành động nhân danh Thiên Chúa và do quyền lực của Người trong Chúa Ki-tô. Thay vì một cấu trúc dựa trên diễn dịch luận lý, hay một quan điểm qui nạp dựa trên việc xem sét các hiện tượng lịch sử, cái nhìn tổng hợp của đức tin giúp ta nhìn ngay vào Chúa Ki-tô và ý nghĩa sứ mệnh của Người. Đức tin hiểu rằng ngay cả khi đã đạt được nhận thức, thì nhận thức ấy vẫn là đức tin. Cái lối ngộ đạo (gnosis) hiểu theo nghĩa nhận thức vượt quá đức tin là điều cần phải bác bỏ. Nhưng việc ráng tìm ra đầy đủ cấu trúc bên trong và căn bản mạc khải của Thiên Chúa trong Chúa Ki-tô lại là chuyện khác, vì điều này là điều có thể làm được, miễn là nó không làm ta sao lãng vấn đề duy nhất thực sự cốt yếu đó là tính thống nhất trong cuộc đời bản vị của Chúa Ki-tô, vốn là nền tảng cho đức tin của ta.

Bản vị và công việc của Chúa Ki-tô tạo thành một thực tại đơn nhất, và do đó chỉ về và soi sáng lẫn nhau. Công việc của Chúa Ki-tô giả thiết bản vị tính của Người; bản vị tính của Người chỉ được hoàn tất (consummated) trong công việc của Người mà thôi. Khi người ta nói rằng thực tại trên mang lại mạc khải, đền thay và cứu chuộc, là người ta nói đến cả hai khía cạnh trên cùng một lúc. Và trái với chủ nghĩa duy thức của thần học cổ truyền, đức tin cũng biết rằng nhận thức của mình có giới hạn. Đức tin tự bằng lòng khi hiểu được rằng ơn cưú độ đã được mang tới trong Chúa Ki-tô, và chính Chúa Ki-tô mang ơn cứu độ tới, còn cách thực hiện ơn cứu độ ấy ra sao thì mãi mãi là một mầu nhiệm, chỉ có Chúa biết mà thôi. Điều ta biết được chỉ là cuộc đời Chúa Giê-su, một cuộc đời hướng về ta, trong cuộc đời ấy việc Thiên Chúa tiếp cận với ta đã thành hiệu lực; còn cuộc đời quay hướng về Thiên Chúa của Người, tức cuộc sống thân mật với Chúa Cha của Người, và cuộc sống cầu nguyện từng làm Người có năng lực đem Thiên Chúa lại gần chúng ta thì mãi mãi vẫn còn là mầu nhiệm.

Sau cùng, phải chăng tương đối tính của các nguồn tài liệu há lại không hàm nghĩa tương đối tính của chính Chúa Ki-tô hay sao? Nếu điều gì đó có thể là đối tượng cho một tìm tòi sử học, thì há nó lại không trở thành tương đối hay sao? Giải thích hay miêu tả theo sử học quả có tương đối thật. Nhưng liệu con người mà các phương thức này miêu tả có hẳn cũng vì thế mà tương đối chăng? Không hẳn thế, vì cái yếu tính sâu thẳm nhất của một con người lúc nào cũng vượt quá tầm với của nghiên cứu sử học, và nói chung của bất cứ nhận thức đặc thù nào đó. Bởi thế, tương đối tính của các nguồn tài liệu lịch sử, với tất cả những đặc điểm tùy thể (accidental) của chúng vẫn có thể chứng thực về bản nhiên tuyệt đối của con người nó diễn tả. Một nguồn tài liệu vụn vặt (fragmentary) vẫn có thể diễn tả được đức tin vào thế giá tối thượng của Chúa Ki-tô.

2. Con Người Chúa Ki-tô

a. Những lời phát biểu liên quan đến bản vị Chúa Ki-tô không nhằm để giải thích bản vị ấy, mà chỉ nhằm để hiểu và đặt tên cho những quan điểm căn bản từ đó việc hiểu biết kia đã đạt được. Một nét quan trọng trong công thức Chalcedon là việc ấn định nhờ đó trương lực trong bản tính Chúa Ki-tô, tức nhị nguyên tính của nó, đã được phát biểu một cách mạnh mẽ. Chính vì từ khước mọi cố gắng để hiểu, nên nó đã không phục vụ đức tin bao nhiêu. Nó đã không thành công trong việc đưa ra một hình ảnh về đời sống thực sự bản vị của Chúa Ki-tô. Thần học gần đây nhấn mạnh nhiều hơn đến sự cần thiết phải đạt được một phương thức hiểu Chúa Ki-tô cả trong cuộc sống bản vị của Người. Nhưng luôn có nguy cơ là kiểu hiểu biết ấy sẽ làm hại đến trương lực nói trên. Thí dụ như Shleiermacher chẳng hạn, ông ráng hiểu Chúa Ki-tô như nguyên mẫu (archetype), như viên mãn, như hoàn hảo, như hành vi nền tảng của bản tính nhân loại, như Adam thứ hai. Người là nguyên mẫu theo nghĩa Người biểu lộ chân lý nội tại, cái thẳm sâu siêu hình của bản tính nhân loại. Nhưng điều ấy không giải thích tại sao nguyên mẫu ấy lại không được thể hiện thường xuyên hơn, ít nhất dưới ảnh hưởng của Chúa Giê-su. Nếu, thay vào đó, đấng Cứu Chuộc được coi như độc nhất và có một vị thứ tuyệt đối, thì rõ ràng điều này là do ý muốn của đức tin qua đó Giáo Hội muốn hiển dương Người, hệt như lối miêu tả Người như nguyên mẫu là do thế giới quan suy lý mà có. Phức tạp tính, mà cũng là hấp dẫn tính (fascination), của thứ Ki-tô Học trên là hậu quả của việc thất bại không hoà giải được các quan tâm tôn giáo và triết học. Việc lượng gía Chúa Ki-tô về phương diện tôn giáo tỏ ra giả tạo, và không phải là phần nội tại của toàn bộ cấu trúc, vì đã được thực hiện bằng những phương tiện ý niệm thiếu sót. Ngược lại, nơi thánh Phao-lô, ý niệm Adam thứ hai không hề được hiểu như là yếu tố chính trong Ki-tô Học của thánh nhân, mà chỉ là để tạo ra một quan niệm bổ túc. Nó có giá trị ở chỗ đã làm ta chú ý đến tầm quan trọng của đức vâng lời nơi Chúa Giê-su: Người đã biểu lộ đức vâng lời mà con cái Adam từng từ khước. Các giải thích tương tự khác cũng đã được đưa ra cùng trong chiều hướng này, không giống như lý thuyết của Schleiermacher. Khi tìm cách tránh né (skirted) các khó khăn, người ta lại càng ý thức được sự thiếu trương lực (tension) do nhị nguyên tính của Chúa Giê-su trong các phác họa về Người gây ra. Điều này đúng khi một trường phái coi Người như một thiên tài tôn giáo, một quan điểm khá hấp dẫn đối với nhiều người vì xem ra điều này vừa nói lên được nét đặc trưng nhất của Người vừa tránh được tuyệt đối tính quá cứng cỏi. Người ta cho rằng ý thức thiên sai nơi Chúa Giê-su chỉ là sản phẩm do môi trường đương thời đem lại. Đàng sau cái ý thức ấy là một thiên tài tôn giáo với cái nhìn hết sức sâu sắc và độc đáo về Thiên Chúa, một cái nhìn chứa đựng chân lý riêng và có giá trị tự kiểm chứng. Quan niệm coi Người như thiên tài, nhất là thiên tài tôn giáo là một quan niệm có giá trị; sứ mệnh của Người đến từ Thiên Chúa hóa công, Chúa Tể của lịch sử, và Người đặt sứ mệnh ấy dưới quyền sử dụng của nhân loại có thể vì ý muốn tự tôn vinh hay hoàn toàn do vị kỷ. Nhưng quan niệm ấy chỉ đúng nếu bản tính Người chỉ đơn thuần được nhìn từ cường độ sâu sắc và mạnh mẽ trong ý thức của Người về Thiên Chúa, nghĩa là, trong tôn giáo thiết thân của Người, và nếu cách thế Người được Thiên Chúa đánh động và hướng dẫn chỉ có nghĩa là Người không có gì khác biệt, trái lại hoàn toàn thuộc cùng một bản tính giống hệt với mọi người chúng ta. Trong trường hợp ấy, tầm quan trọng của Người chỉ hệ ở chỗ Người hiểu biết và có sức linh hứng, chứ chẳng hệ gì ở mối liên hệ đặc biệt, tiềm ẩn và liên tục của Người với Thiên Chúa. Vấn đề sẽ ra khác đi khi ta bàn đến căn bản của việc đánh bại tội lỗi và việc tạo ra tình thân thiện mới với Thiên Chúa toàn năng; ở đây, ta phải nhận rằng việc chắc chắn có được tình thân thiện kia tùy thuộc hành vi dứt khóat của Thiên Chúa làm chứng cho Người. Một thiên tài có thể gây hứng khởi cho ta như một anh hùng hay một lý tưởng; nhưng Chúa Ki-tô không phải chỉ gây hứng khởi cho ta mà thôi, mà Người đem ta tới mặt đối mặt với thực tại không thể trốn chạy được là Thiên Chúa, Đấng đơn thuần đòi hỏi con người cho chính mình. Người đem ta đến phục lạy trước sự thánh thiện của Thiên Chúa, buộc ta phải chọn lựa, và do đó biến cuộc đời dưới ánh sáng Thiên Chúa thành một gánh nặng; nhưng đồng thời chính Người lại giải quyết sự lựa chọn kia, cất đi gánh nặng này, và là hiện thân và bảo đảm tình yêu cứu vớt và thánh thiện của Thiên Chúa, và ban cho ta mãi mãi đường đi tới tình thân thiện với Người.

b. Nếu muốn có cách hiểu Chúa Giê-su từ thực tại cuộc sống và việc làm lịch sử của Người, thì tốt nhất ta nên tìm về với tước hiệu bản vị và hết sức độc đáo của Người, đó là tước hiệu Con được xức dầu của Thiên Chúa. Trước hết, tước hiệu này muốn nói đến ơn gọi độc đáo dành cho một con người duy nhất nào đó mà thôi, có đặc tính độc chiếm, một ý nghĩa phải được hiểu ngay bên trong nó chứ không trong liên hệ với những nhóm khác. Điều ấy đã tạo nên một trở ngại đối với lý trí, là khả năng vốn suy nghĩ theo nhóm, theo loại, cũng như đối với quan điểm triết học về lịch sử. Nhưng bất cứ ai đã đạt đến kết luận cho rằng Chúa Ki-tô không phải chỉ là một thiên tài tôn giáo thì phải sẵn sàng chấp nhận trở ngại này. Nhưng mặt khác, tước hiệu này cũng mang theo mình một nhị nguyên tính cốt yếu và độc đáo, vượt quá hiểu biết thuần lý và đầy giằng co. Nó đến với ta từ một diễn trình lịch sử cụ thể và chỉ về một một khuôn mặt lịch sử đặc thù; tuy nhiên cùng một lúc nó lại vượt quá lịch sử, và liên kết khuôn mặt lịch sử đặc thù kia một cách hết sức đặc biệt với sự sống Thiên Chúa, và với việc hành xử của Người với nhân loại; một người nào đó tuy là một con người trong số muôn người nhưng lại được tách biệt khỏi mọi người, và mọi sự cứu độ đều phải tìm về để khởi đi từ Người. Trách vụ của hiểu biết đức tin là phải thừa nhận nhị nguyên tính này, nghĩa là vừa phải hiểu dưới hình dung tôi tớ vừa phải hiểu như là thẩm quyền Con xức dầu của Thiên Chúa, được trải dài suốt dòng lịch sử. Quyền năng Thiên Chúa được mạc khải trong sự yếu đuối nhân loại. Ta tiếp nhận Phúc Âm để cúi đầu trước thực tại như nó xuất hiện với ta.

Ta đã đi quá học lý truyền thống của Giáo Hội khi nhìn nhị nguyên tính trong bản tính Chúa Giê-su Ki-tô như một cuộc đời bản vị đã được thống nhất hóa. Bất cứ giải thích nào về bản vị Chúa Ki-tô cũng phải dựa vào sự kiện trên. Như thế, ta không thể chấp nhận học lý phi bản vị (impersonality) trong bản tính nhân loại của Chúa Ki-tô. Điều nhân bản nhất và bản vị nhất ta biết được là đức tin và cầu nguyện. Chúa Giê-su thực hành cả hai điều ấy một cách sống động. Dĩ nhiên có cả một mầu nhiệm ở đây; như chủ thể của hành động đức tin này, Người lại là đối tượng cho đức tin của ta; con người nhân bản này đang thi hành thẩm quyền Thiên Chúa. Đức tin và lời cầu nguyện của Người là dấu chỉ cho thấy Người luôn luôn tiếp nhận từ Thiên Chúa, và lúc nào cũng tùng phục nơi Thiên Chúa. Trong mọi điều Người làm, Người đều tìm sự hướng dẫn và giúp đỡ từ Chúa Cha qua cầu nguyện. Ngay trong công cuộc cứu độ cao cả, Người cũng hoàn toàn trông cậy nơi Chúa Cha. Người ý thức rằng Người chỉ tiếp nhận quyền năng lạ lùng từ Chúa Cha đến mức cần thiết để chu toàn trách vụ thiên sai của mình. Quyền làm phép lạ đã được ban cho Người để khởi động đức tin, đó chính là lý do tại sao các phép lạ ấy đã không thể chấp nhận được bởi những người cứng đầu không tin, và đã bị từ chối đối với đám đông tìm chúng như những điềm thiêng. Người khiêm tốn nhận rằng mình không thể hứa cho ngồi bên phải hay bên trái trong vương quốc Chúa Cha. Lời cầu bầu của Người cho đức tin lung lay của Phê-rô và cho người Do Thái vốn từ khước Người đem vinh dự lại cho một mình Thiên Chúa mà thôi. Việc can thiệp vào lịch sử và việc khai mở nước Thiên Chúa là hành vi của một mình Thiên Chúa; trách vụ của Chúa Ki-tô là việc chuẩn bị có tính sinh tử lịch sử trong đó các sức mạnh của vương quốc trở thành hữu hiệu cách trông thấy. Quả tình việc ấy có tính quyết định đến độ Chúa Ki-tô đã được thiết dựng là người thay mặt Thiên Chúa trong ngày phán xét cuối cùng. Trách vụ của Chúa Ki-tô là cứu chuộc vào ngày phán xét chung, là mang lại ơn cứu độ và thiết lập vương quyền Thiên Chúa trên con người và trên lương tâm nhân loại. Người đòi con người hối lỗi và hoán cải. Người thi hành công việc cứu chuộc qua lời tha thứ. Quả thật Người không bao giờ nói lời quyền năng ấy mà lại không chắc mẩm rằng đó là ý Thiên Chúa, một chắc mẩm Người nhận được trong cầu nguyện; nghĩa là, Người chỉ nói lời ấy nhân danh Chúa Cha. Điều ấy quả là vô tiền khoáng hậu, như chính địch thủ Người đã nói ra. Bởi tha thứ tội lỗi là đặc quyền của Thiên Chúa. Tuy nhiên, với lời công bố tha tội, ta vẫn có thể coi Chúa Ki-tô như thuộc phạm trù tiên tri. Nhưng khi phân biệt với các tiên tri trong tước hiệu Con Thiên Chúa, Người là một cái gì còn hơn tiên tri nữa. Bởi vì không phải Người chỉ công bố lời tha tội mà thôi, mà lời tha tội của Người đã trở nên quyền năng, ở chỗ trong chính bản tính Người, Người hiện thân cho ý muốn tha thứ của Thiên Chúa, bởi từ trong chính bản vị của Người, ơn thánh của Thiên Chúa đã được thông ban cách hiệu quả tới ta. Điều độc đáo và chưa có tiền lệ là lời của Người công bố ra điều chính bản vị của Người mang tới một cách chắc chắn trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể; qua chính bản vị mình, Người dẫn đưa kẻ có tội vào cái chết và cái chết này lại là đường đưa họ đến sự sống. Cái ý nghĩa thâm sâu nhất của đức tin và lời cầu nguyện của Người tiềm ẩn nơi điều ấy. Chính đức tin của Người, một đức tin qua đó Người hoàn toàn phó thác cho Chúa Cha trong khi cầu nguyện, đã làm Người có thể hiến mình cho con người như một biểu thức tinh tuyền của tình yêu thánh thiện nơi Chúa Cha, và tự đặt mình vào thân phận khốn cùng lầm than của kiếp nhân sinh để giải thoát nhân loại khỏi cảnh lầm than ấy. Hoàn toàn được Chúa Cha thánh hóa, Người đã nói lên lời tha thứ một cách đặc biệt đến nỗi đã khơi lên đức tin và vượt thắng tâm thức tội lỗi. Nhờ thế, Người dẫn ta tới Chúa Cha, bằng cách mời gọi ta đến với Người, và kết hiệp ta với Thiên Chúa bằng cách kết hiệp ta với chính Người.

Trong tư cách một người đã băng qua kinh nghiệm tinh thần của kiếp nhân sinh lịch sử, một người từng tin và từng cầu nguyện, Chúa Giê-su đã phải trải qua các cơn cám dỗ.Ta thấy có những giai đọan hẳn hòi trong cuộc sống tinh thần của Người. Các cơn cám dỗ của giai đoạn thấp đi vào hậu trường nhường chỗ cho các cơn cám dỗ của giai đoạn cao hơn. Cuộc chiến đấu nội tâm tại Vườn Cây Dầu không phải chỉ là những nỗi sợ trần tục tầm thường của đau đớn và chết chóc, nhưng là nỗi sợ của đấng thiên sai, tức đấng hiểu rõ sự chết đang là án treo trên đầu nhân loại tội lỗi. Như thế, Chúa Ki-tô phải đối diện với các cơn cám dỗ thiên sai nghĩa là các cơn cám dỗ nằm bên ngoài các giới hạn tinh thần của kiếp nhân sinh, những cơn cám dỗ mà trong tư cách được chỉ định làm Đấng Thiên Sai, Người phải chống trả và vượt qua một mình, những cơn cám dỗ nhằm vào chính sứ mệnh của Người, và là những cơn cám dỗ, theo các trình thuật từ đầu các Phúc Âm nhất lãm, đã phát sinh từ chính các ý niệm của người Do Thái về Đấng Thiên Sai. Người đã chiến thắng các cám dỗ này; việc Người luôn quay hướng về Thiên Chúa đã nâng đỡ Người khi các nguy cơ trở nên lớn hơn. Ta có đủ lý do nhấn mạnh đến lòng thủy chung của Người, đến việc Người phó thác bản thân và phó thác cách tích cực cho Thiên Chúa.

Người chỉ là Chúa Ki-tô nếu Người chống trả được cơn cám dỗ cuối cùng, nếu không, Người không phải là Chúa Ki-tô. Bởi thế, các môn đệ biết rằng ơn cứu độ của họ tùy thuộc những gì được thực hiện trong cuộc đời của đấng vô tội. Đây là phán đoán của đức tin, một phán đoán không ngừng được sản sinh khi ta gặp gỡ Chúa Ki-tô. Công trình thiên sai của Người và tội lỗi là hai điều hoàn toàn khử trừ lẫn nhau. Quyền năng của Người trong việc đem ta vào tình thuận hảo với Chúa Cha tùy thuộc ở tình trạng vô tội của Người, nghĩa là tùy ở tình thuận hảo nguyên thủy, liên tục và căn cơ của riêng Người với Chúa Cha. Đối với người đã được sự hy sinh của Người giao hòa với Thiên Chúa, thì chỉ có thể có một phán đoán này là Người đã dâng lên một hy lễ hoàn toàn tinh tuyền. Chính nhân cách của Chúa Giê-su buộc người ta phải xác tín một cách không thể lầm lẫn rằng bất cứ ai chối từ tình trạng tội lỗi của riêng mình đều là kẻ nói láo và tự lừa dối mình. Điều ấy xác nhận đức tin của ta vào việc một ngày kia ta sẽ mặt đối mặt với Người trong tư cách quan án của ta. Như thế công việc của Người vừa là hành vi nhân bản vừa là công trình của Thiên Chúa cùng một lúc, trong một thống nhất không thể phân chia.

Nhưng ta nên nhìn xát hơn vào hành động của Thiên Chúa trong Chúa Ki-tô. Đúng là Chúa Giê-su đã hoàn toàn tự hiến mình cho ý muốn cứu độ của Thiên Chúa, và Người thực hiện sự tự hiến ấy cách hoàn toàn tự do; nhưng khi làm điều ấy, Người đã không chỉ tiếp nhận sự trợ giúp của Thiên Chúa trong các hành vi cá biệt, nhưng Người biết rõ Người được quyền năng và tình yêu Thiên Chúa hoàn toàn choán đầy và thấm nhiễm. Chính thái độ tin của Người khiến Người luôn luôn ý thức rằng Người được tràn đầy Thiên Chúa; đây là một mối tương quan mà ta chỉ có thể so sánh xa xa với mối tương quan của thế giá luân lý. Hình thức mà cuộc sống đức tin và cuộc đời cầu nguyện của Người mặc lấy đều là do cách thế Người được Chúa Cha bao bọc. Học lý cổ truyền của Giáo Hội xem ra như đã bác khước bản vị tính (personnality) đối với bản tính nhân loại của Chúa Ki-tô, tuy nhiên sự bác khước này có một hàm ý (implication) đúng dù khó diễn tả được hoàn toàn bằng những ý niệm hiện có: ý chí tiếp nhận từ một ý chí khác biết rằng khi tiếp nhận điều được ban cho kia, thì mình quả đã đâm rễ trong ý chí người cho vậy. Chỉ có Chúa Giê-su mới có thể, qua thực tại bản thân mình, chuyển tới ta phán quyết và ơn phúc từ Chúa một cách trực tiếp, không cần ta phải thực hiện một bước nào khác từ Người tới Chúa, bởi vì cuộc sống bản vị của Người đã được rút ra từ hữu thể và ý chí nội thẳm nhất của Thiên Chúa, và bởi vì cuộc sống ấy đặt căn bản thực sự nơi hữu thể và ý chí nội thẳm nhất của Thiên Chúa. Căn bản và nền tảng nơi Thiên Chúa này dĩ nhiên có đặc điểm đảm bảo tự do đích thực trong cuộc sống bản thân của Chúa Giê-su, và được diễn tả ra ngoài dưới hình thức một đức tin bản thân. Và mối liên hệ đó chính là mối liên hệ nguyên thủy, chứ không phải là mối liên hệ được tạo nên để khỏa lấp một khoảng trống, đúng hơn nó là mối liên hệ trong đó việc tự hiến mình của Chúa Cha được đáp trả bằng việc tự hiến hoàn toàn trong trắng của Chúa Con. Đức tin của ta, một đức tin thực ra cũng chỉ là một sự tự hiến bản thân, có thể hiểu được cách thế trong đó cuộc sống bản vị kia được rút ra một cách nguyên thủy và căn để từ Thiên Chúa, bất kể nó là một mầu nhiệm và phép lạ lớn lao thế nào đối với ta. Về điểm này, đức tin của ta được củng cố nhờ các tuyên xưng trong Phúc Âm Gio-an rằng Chúa Con thực thi công trình của Chúa Cha, lời của Người là lời của Chúa Cha mà Người đã vâng lời thi hành...

Người ta từng cho rằng giải pháp duy nhất thay thế cho Ki-tô Học cổ truyền có tính qui thần (theocentric) của Giáo Hội là Ki-tô Học qui nhân (anthopocentric). A. Rirschl chẳng hạn đã tìm cách trình bày bản vị tính nhân loại của Chúa Giê-su như một hiện thân biệt lập và độc lập cho mọi chức năng của Người, và coi việc mạc khải ơn phúc và dạ thủy chung của Thiên Chúa chẳng là gì khác hơn là chính nội dung cuộc sống của bản vị tính kia. Ông gợi ý rằng điều nguy hiểm khi ta coi cuộc sống bản vị của Chúa Ki-tô không ngừng được thành thân (embodied) nơi Thiên Chúa hay Ngôi Lời, là ta liều mình biến nó đơn thuần trở thành một cỗ máy. Điều này có thể đúng trong trường hợp người ta quan niệm về Thượng Đế theo kiểu không phải là Ki-tô Giáo, giống như thế giới cổ thời. Nhưng một cách tổng quát, quan điểm ấy lại một lần nữa khiến cho việc đánh giá Chúa Ki-tô về phương diện tôn giáo trở nên bấp bênh không chắc chắn, vì đã đặt sự đánh giá ấy dưới một số khía cạnh hoàn toàn có tính đạo đức (ethical), và đã để khía cạnh này thay thế khía cạnh kia. Cả hai khía cạnh trên đều phải kết hiệp thành một thể thống nhất ngay từ nguyên thủy. Mạc khải nào của Thiên Chúa nếu chỉ lấy cuộc sống nhân bản làm nội dung, chứ không phải toàn bộ hình thể, thì không phải là mạc khải tự mình của Thiên Chúa. Dù thế nào, đối tượng của đức tin Ki-tô giáo vẫn là một mạc khải về Thiên Chúa, mà sự mạc khải này, như một hành vi tự do của Thiên Chúa, đòi phải được đồng nhất hóa với một cuộc đời bản vị nhân bản tự hiến mình hoàn toàn tự do. Ki-tô Học qui thần cổ truyền, đặt căn bản trên học lý hai bản tính, và đã được hình thành một cách hết sức khó khăn, không thể thay thế được bằng một Ki-tô Học qui nhân, mà chỉ có thể thay thế bằng một Ki-tô Học qui thần là một Ki-tô Học gần hơn với sự thật và trả lại công bằng nhiều hơn cho các chứng tá Phúc Âm.

Thành thử ra, hiệp nhất tính của Chúa Giê-su với Thiên Chúa đối với chúng ta không phải chỉ là sự hiệp nhất trong ý định hay ý chí mà thôi, tức sự hiệp nhất hiểu theo nghĩa đạo đức; mà đó là sự hiệp nhất về bản thể (being) trong Thánh Linh, sự hiệp nhất làm Chúa Con thành đấng thay mặt Chúa Cha nơi nhân loại. Dĩ nhiên, một tiên tri cũng được Thiên Chúa trang bị với quyền lực Chúa Thánh Thần để thi hành mỗi trách vụ; nhưng Chúa Cha tự làm mình trở thành đấng Chúa Con có thể tới được trong bản thể và Thần Trí sâu thẳm nhất của Ngài, và trực tiếp hiến mình, cả trong bản thể lẫn trong Thần Trí sâu thẳm nhất, để sống thân thiện với Chúa Con, từ đó mà có mối liên hệ hiểu biết và thương yêu nhau; Chúa Cha được vinh dự nơi Chúa Con, và Chúa Con vinh danh Chúa Cha. Chúa Cha hiến mình trong Chúa Con, để trong Chúa Con, Người hiến mình cho nhân loại tội lỗi, một nhân loại Ngài yêu thương hết mình nơi Chúa Con, và như thế, trong Chúa Con, Ngài trao trọn trái tim mình cho nhân loại tội lỗi. Chúa Ki-tô là nhân vật lịch sử mang Thánh Thần Thiên Chúa, là ý chí cứu độ của Thiên Chúa đã hoá thành nhục thể, là đấng trung gian để Thiên Chúa thi hành và thể hiện việc tự hiến của Ngài cho nhân loại.

Viết theo Georg Wehrung Twentieth Century Theology in the Making

do Jaroslav Pelikan chủ biên. Bản tiếng Anh của R.A. Wilson, Collins The Fontana Library.