NHỮNG SAI LẦM HIỆN NAY VỀ ĐỨC TIN LIÊN QUAN TỚI CHÚA KITÔ



Kitô học: Bài 2

Có người đồng hóa đức tin của Giáo hội Công giáo với đức tin hoặc niềm tin của các tôn giáo khác, xem Đức Tin của Giáo hội Công giáo cũng là niềm tin của các tôn giáo khác. Thí dụ : người Việt Nam nói đến Ông Trời, tin vào Ông Trời, Đạo Công giáo nói đến Thiên Chúa, tin Thiên Chúa mà Thiên Chúa là Ông Trời (thiên là Trời, Chúa là chủ, chủ trời). Từ đó, người ta thấy các tôn giáo có niềm tin giống nhau, phân biệt tôn giáo nầy với tôn giáo kia làm gì ??

1. Đức tin Kitô giáo (foi chrétienne)

Là Đức tin của Giáo hội (foi de l'Eglise) khác với đức tin hoặc niềm tin nơi các tôn giáo. Để tìm hiểu rõ ràng hơn, thiết tưởng nên đọc các văn kiện quan trọng của Giáo hội :

“Phải bày tỏ sự vâng phục Đức tin” (x. Rm 16,26; 1,5; 2Cor 10, 5-6) đối với Thiên Chúa mạc khải. Nhờ sự vâng phục đó, con người phó thác toàn thân cho Thiên Chúa một cách tự do “dâng lên Thiên Chúa mạc khải sự quy phục hoàn toàn của lý trí và ý chí”, đồng thời sẵn lòng chấp nhận mạc khải Ngài ban cho. Để được niềm tin nầy cần có ân sủng Thiên Chúa đi trước giúp đỡ và sự trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần : Ngài thúc đẩy và quy hướng con tim về cùng Thiên Chúa, mở mắt lý trí và làm cho “mọi người cảm thấy dịu ngọt khi đón nhận tin theo chân lý”. Và để hiểu biết mạc khải được sâu rộng thêm mãi, cũng chính Chúa Thánh Thần không ngừng kiện toàn Đức tin qua các ơn của Ngài (Hiến chế Dei Verbum, số 5).

“Vâng phục trong Đức tin chính là tự nguyện, tự do tùng phục Lời Chúa mà ta đã nghe, vì sự chân thật của Lời Chúa đã được Thiên Chúa, là chính Đấng Chân Thật bảo đảm. Abraham là gương mẫu về sự tùng phục nầy mà Kinh Thánh đã giới thiệu. Đức Trinh Nữ Maria là mẫu gương thực hành rất hoàn hảo Lời Chúa”. (Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo, số 144).

“Trước mọi sự, tin là gắn chặt bản thân mình vào Thiên Chúa, đồng thời không bao giờ tách rời sự tự nguyện chấp nhận tất cả các chân lý Thiên Chúa đã mạc khải. Vì gắn chặt với Thiên Chúa và chấp nhận chân lý Thiên Chúa đã mạc khải, Đức tin Kitô giáo khác với niềm tin nơi một người thường. Tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa và tin tưởng tuyệt đối điều Thiên Chúa phán là đạo lý của đức tin. Vậy, một thứ tin tưởng tin vào thụ tạo là niềm tin uổng công và sai lầm” (Sđd số 150).

“Lúc thánh Phêrô tuyên xưng, Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, Đức Giêsu tuyên bố mạc khải nầy đến với Phêrô không do phàm nhân, nhưng do Cha của Đức Giêsu, Đấng ngự trên trời mạc khải cho (Mt 16,17). Vậy, Đức tin là ân huệ của Thiên Chúa, là một nhân đức siêu nhiên được Thiên Chúa phú ban. Để được ban ơn Đức tin nầy, người ta cần có ơn dự phòng và ơn trợ giúp của Thiên Chúa, cũng cần phải có ơn trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần. Thánh Thần thúc giục tâm hồn và chuyển xoay lòng người ta trở về với Thiên Chúa, mở mắt tâm trí và ban cho mọi người sự dịu ngọt thoải mái chấp thuận và tin vào chân lý” (Sđd, số 153).

Đọc các bản văn trên của Giáo hội, ta có thể tóm tắt về Đức tin Công giáo như sau :

a. Đức tin là nhân đức siêu nhiên

Đức tin là nhân đức siêu nhiên, là ân huệ Thiên Chúa ban cho con người để con người mật thiết gắn bó với Thiên Chúa mạc khải và đồng thời chấp nhận cách tự do tất cả các chân lý Thiên Chúa đã mạc khải.

b. Để đưa người ta đến Đức tin

Để đưa người ta đến Đức tin, Thiên Chúa ban ơn dự phòng (grâce prévenante, gratia praeveniens).

Chúa Giêsu đã nói về ơn nầy : “Không ai đến cùng Thầy được, nếu Cha Thầy, Đấng đã sai Thầy, không lôi kéo kẻ ấy (trước) (Gioan 6,44). Và Giáo hội dạy ơn dự phòng giữ một vai trò cần thiết để người ta được ơn công chính hóa : “Nơi người lớn, khởi đầu ơn công chính hóa từ ơn dự phòng đã nhận được bởi Đức Giêsu Kitô” (a Dei per Christum Jesum praeveniente gratia, Công đồng Tridentinô (1545-1563), D 813).

Đặc tính của ơn nầy là soi sáng, hướng dẫn trợ giúp lý trí và ý chí của ta trước khi ta đáp ứng (gratia in nobis sine nobis) và tạo ra những hành động như tự phát nghĩa là không cưỡng ép trí khôn và ý chí của ta, hướng ta về Thiên Chúa...

Trước đó cả ngàn năm, Công đồng Orange năm 529, chống lại phái Á Pélage (semi-pélagiens) đã tuyên bố : “Nếu ai nói... khởi đầu của Đức tin và chính hành vi tin tưởng không cần nhờ ân sủng nghĩa là không cần nhờ ơn thúc đẩy của Chúa Thánh Thần nhưng chỉ do khả năng tự nhiên của ta thôi thì người đó là kẻ thù tín điều của các Tông đồ” (Si quis... initium fidei ipsumque credulitatis affectum... non per gratiae donum, id est per inspirationem Spiritus Sancti... sed naturaliter nobis inesse dicit, Apostolicis adversarius approbatur) (D.178).

Khi lý trí và ý chí tự do của ta mở ra đón nhận Đức tin, ân sủng ở nơi ta hoạt động cùng với ta (gratia in nobis nobiscum). Thánh Phaolô nói : “Hiện ta có là gì ấy là nhờ ơn Thiên Chúa mà có và ơn Người ban cho tôi đã không ra hư luống; trái lại, tôi đã tận lực lao công hơn họ hết thảy, nhưng thực ra không phải tôi, mà là ơn của Thiên Chúa cùng một với tôi” (gratia Dei mecum) (1Cor 15,10). Thần học gọi ân sủng này là ân hiệp hoạt (gratia cooperans), ân trợ sủng (Gratia adjuvans), ân bền độ (gratia perseverantiae). Những ân sủng nói ở đây thuộc về ân hiện sủng (grâce actuelle, gratia actualis), là ân sủng nội tại siêu nhiên (grâce interne surnaturelle), phân biệt với ân sủng ngoại tại siêu nhiên (grâce externe surnaturelle).

Xin phép kể lại tại đây một câu truyện có thật trăm phần trăm : một số sinh viên Việt Nam du học tại Âu châu, nhờ Cha An, Dòng Phanxicô, họ đọc các sách thần học của các thần học gia cở lớn ở Âu châu. Một số trở lại Đạo Chúa. Một trí thức, bạn thân của nhóm trở lại, cũng đọc sách, cũng nghiên cứu về Đạo Chúa, như các bạn khác, nhưng lòng ông ta không “rung động”. Họ thành tài với những bằng cấp cao nhất ở Đại học, về Việt Nam giữ những vai trò lớn trong xã hội. Một hôm, nhà trí thức “không rung động” nầy, tới nhà bạn thân. Chờ bạn đang ở trên lầu, ông ta lấy quyển sách bổn của đức con bạn mới tám, chín tuổi, đang học lớp xưng tội rước lễ lần đầu. Giở sách đọc mấy câu bổn “hỏi thưa”, một quyết định chắc chắn bùng lên trong ông ta : đi Đạo Chúa. Bạn bè quá ngạc nhiên vì ai cũng biết “ông ta là kẻ cứng lòng tin”.

Ân sủng nội tại siêu nhiên đã hoạt động nơi ông ta (ơn dự phòng) liên tục suốt ngày đêm cho đến khi ông ta đọc xong mấy câu bổn, và ân sủng nôi tại siêu nhiên (ơn trợ giúp) trợ giúp ông, chuẩn bị cho việc Đi Đạo “bằng cách giúp ông tán đồng ân sủng và cộng tác với ân sủng” (en donnant librement son assentiment à la grâce et en coopérant avec elle, gratiae libere assentiendo et cooperando, xem D 797). Còn mạc khải, lời dạy và gương sáng của Chúa Kitô, lời rao giảng v.v... thuộc ân sủng ngoại tại siêu nhiên nghĩa là hoạt động từ bên ngoài vào, và gây ảnh hưởng cách luân lý.

c. Đức tin thần học (la foi théologique) :

Đức tin nầy cốt tại tin thật, tin có thật như vậy tất cả các chân lý Thiên Chúa đã mạc khải dựa vào quyền năng và thế giá của Thiên Chúa. Đức tin thần học khác biệt với đức tin phó thác (foi fiduciale) bên Luther, và khác biệt với niềm tin trong các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Giáo hội dạy ta phải có đức tin thần học, nghĩa là tin các chân lý thần linh mà Thiên Chúa đã mạc khải vì chân lý nầy “ban cho ta khả năng thấm nhuần mầu nhiệm đến nổi cho phép ta hiểu mầu nhiệm đó một cách chặt chẽ” (thông điệp Fides et ratio, số 15). Niềm tin của các tôn giáo có tính cách chung chung, lờ mờ, không rõ ràng. Thí dụ : người Việt Nam tin trời. Trời có thể là Ông Trời (Dieu personnel) nghĩa là Đấng linh thiêng, cao cả dựng nên trời đất hoặc trời (dieu impersonnel) không phải là con người thần linh mà chỉ là “mây xanh”.

2. Niềm tin hoặc là đức tin của các tôn giáo khác, của các truyền thống tâm linh khác.

LÀ SẢN PHẨM CỦA CON NGƯỜI

  • Là tổng số kinh nghiệm và tư tưởng về tâm linh, về sự linh thiêng trong tương quan của bản thân mình với Thần Linh.
  • Là tổng số kinh nghiệm và tin tưởng của bản thân mình với vũ trụ, với xã hội, với sự linh thiêng để tạo ra những tư tưởng khôn ngoan hướng dẫn mình và hướng dẫn người khác.
  • Là tổng số kinh nghiệm và tư tưởng nghĩ về lẽ thật, về chân lý trong tương quan với tuyệt đối.
  • Là tổng số kinh nghiệm và tư tưởng của lớp người trước với lớp người sau làm thành một truyền thống, một học thuyết về vũ trụ quan, về nhân sinh quan.
Tư tưởng và kinh nghiệm về tâm linh tạo nên một vũ trụ quan và một nhân sinh quan trong các tôn giáo khác biểu lộ sự khôn ngoan và khát vọng tôn giáo, một khát vọng của con người tìm kiếm sự thật trong tương quan của mình với Đấng Tuyệt đối, với Tuyệt đối. Họ đi tìm chân lý tuyệt đối, nhưng họ thiếu sự chấp nhận Thiên Chúa là Đấng mạc khải chính mình.

Kết luận : Đức tin Kitô giáo là ơn Chúa, là nhân đức siêu nhiên cho ta chấp nhận tất cả các chân lý thần linh đã được mạc khải và chấp nhận Thiên Chúa là Đấng mạc khải. Đức tin Kitô giáo là Đức tin thần học tức là tin tất cả các Chân lý do Thiên Chúa mạc khải.

Còn niềm tin của các tôn giáo khác chỉ là tổng hợp kinh nghiệm và tư tưởng về tâm linh, thiếu sự chấp nhận Thiên Chúa là Đấng mạc khải.

Giáo Hội tôn trọng các tôn giáo ngoài Do Thái và Kitô giáo. Giáo Hội khám phá ra những giá trị cao quí nơi các tôn giáo đó và khuyên mọi Kitô hữu đưa Chúa Kitô đến cho các tôn giáo đó (xem bài sau).