NHỮNG SAI LẦM HIỆN NAY VỀ CHÚA GIÊSU KITÔ



Lời Nói Đầu

Có lần các giáo phái Tin lành họp lại, sau mấy ngày bàn cãi về Kinh Thánh, họ đặt vấn đề : rốt cuộc phải tin những điều gì ? Tất cả phải đồng ý : phải tin những điều trong kinh Tin kính các Tông đồ.

Trong việc đối thoại giữa Công giáo và các tôn giáo khác, nhiều quan điểm (point de vue) được nêu ra : ơn Chúa, ơn linh hứng, sự cứu độ của hoặc trong các tôn giáo khác ngoài Do thái giáo và Kitô giáo.

Vai trò trung gian hữu nhất vô nhị của Chúa Giêsu Kitô đã được mạc khải trong Kinh Thánh thật rõ ràng bây giờ được bàn cãi nhiều. Tính duy nhất và phổ quát của Giáo hội bây giờ nên hiểu như thế nào ?

Một số người đưa ra nhiều thuyết, nhiều cách diễn tả để làm giảm đi tính Trung gian hữu nhất vô nhị của Chúa Giêsu Kitô, từ đó phát sinh hệ luận : tính duy nhất và phổ quát của Giáo hội không còn nữa. Cuối cùng người ta đi đến kết luận : đạo nào cũng giống như đạo nào, đạo nào cũng được. Thuyết tương đối về tôn giáo xuất hiện rõ ràng nơi miệng của họ mặc dầu họ là kitô hữu.

Đặt bút viết tập sách này, kẻ hèn được nghe một Linh mục Dòng nói : không biết ra Tuyên ngôn "Dominus Jesus" để làm gì ? Vị thì bảo Tuyên ngôn nầy tỏ bày lập trường cứng rắn, khép kín nhất trong vòng 30 năm qua về đối thoại liên tôn. Thiện chí của ngài được thấy rõ nhưng cũng đừng quên những nguy hiểm rình kề :

  • - Xem sự thật có tính tương đối vì một điều là sự thật đối với người này thì có thể là giả đối với người khác.
  • - Nhấn mạnh thái quá đến mức chống nhau không khoan nhượng giữa não trạng lý luận Tây phương và não trạng lý luận Đông phương.
  • - Coi lý trí như nguồn duy nhất của tri thức.
  • - Tước bỏ hết ý nghĩa siêu nhiên của mầu nhiệm Nhập thể.
  • - Dùng các phạm trù triết học và tôn giáo khác để dung hợp với Đức Tin Kitô giáo mà không biết rằng có những cái không thể dung hợp với Đức Tin Kitô giáo được.
  • - Khuynh hướng giải thích Kinh Thánh vượt ra ngoài truyền thống và quyền Giáo huấn của Giáo hội.
Viết xong tập nhỏ nầy, kẻ hèn nầy thấy rõ cái lý do, sự cần thiết của Tuyên ngôn Dominus Jesus của Thánh bộ Đức tin ban hành ngày 06/8/2000.

(Mùa Chay năm 2003)

LM Fx. Tân Yên Nguyễn Hùng Oánh



Bài 1

SAI LẦM HIỆN NAY VỀ MẠC KHẢI LIÊN QUAN TỚI CHÚA KITÔ



Đi từ nhận định về con người : con người dầu là bác học hoặc một thiên tài đến đâu v.v... vẫn là thụ tạo hữu hạn. Thời gian sống trên quả đất có giới hạn dầu khoa học có giúp người ta sống lâu hơn, sức khỏe tốt hơn nhưng cũng có giới hạn. Kiến thức về vũ trụ này dầu khoa học tiến đến đâu cũng chỉ mở rộng giới hạn mà thôi. Vậy làm sao có thể hiểu biết về Thiên Chúa là Đấng vô giới hạn, Đấng vô cùng ? Rõ ràng, các bức tường giới hạn bao bọc con người. Cố gắng, các bức tường giới hạn nới rộng ra thôi, con người không bao giờ thoát khỏi giới hạn.

Vì thế, trí óc con người không hiểu thấu hữu thể của Thiên Chúa, chỉ có Thiên Chúa hiểu thấu chính Ngài mà thôi (seul Dieu possède une connaissance compréhensive de Lui-même), không một trí thông minh của thụ tạo nào có thể biết Thiên Chúa một cách vô giới hạn (Aucune intelligence créée ne peut connaitre Dieu d'une manière infinie, Cfr S. Th 1,12,7). Cũng vậy, các chân lý thần linh thuộc bản thể của Chúa, trí óc con người không thể thấu hiểu, ngôn ngữ loài người không thể diễn tả đầy đủ và trọn vẹn. Thánh Phaolô nói : “Bây giờ, ở trần thế, ta biết Thiên Chúa như ở trong gương, biết một cách lờ mờ, mai sau, ta biết Chúa như mặt giáp mặt. Bây giờ, ta chỉ biết có ngần có hạn, mai sau, ta sẽ biết rõ ràng như Thiên Chúa biết ta” (1 Cor 13,12).

Vâng, ở trên trời ta biết Thiên Chúa một cách rõ ràng, minh bạch và đầy đủ nhưng ta là thụ tạo thì ở trên trời ta vẫn là thụ tạo nên ta vẫn không thấu hiểu được Thiên Chúa vô cùng, vô giới hạn.

Dựa vào tính hữu hạn của con người, một lý thuyết thời nay xuất hiện : Chúa Giêsu Kitô mạc khải về Thiên Chúa không đầy đủ, và mạc khải về mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa ban cho nhân loại do Chúa Giêsu Kitô rao giảng và thực hiện cũng bất toàn (incomplètement) nên cần có mạc khải trong các tôn giáo khác bổ túc.

Lý thuyết trên trái nghịch với Kinh Thánh và Giáo lý Công Giáo :

1. Kinh Thánh mạc khải

Kinh Thánh mạc khải Ngôi Hai Thiên Chúa làm người và cư ngụ giữa chúng ta (x. Gioan 1,14), do Đức Trinh Nữ Maria cưu mang (x. Lc 1,31) và sinh ra (x. Lc 2,7), đặt tên là Giêsu (x. Lc 2.21), được gọi là Giêsu Nazareth (x. Mt 2,23), đến trần gian làm viên mãn của toàn thể mạc khải (Dei Verbum, số 2).

a. Ngài sẽ mạc khải những mối liên hệ giữa Ngài là Con và Chúa Cha mà Cựu Ước không biết đến (cũng như bất cứ tôn giáo nào ngoài Kitô giáo không biết đến) : là Con Thiên Chúa hằng sống (Mt 16,16), chỉ mình Ngài biết Chúa Cha và có quyền mạc khải Chúa Cha (Mt 11,27 ss). Nhục thể và máu huyết không thể đạt đến mầu nhiệm Ngôi Vị thần linh của Ngài, vì chỉ có Chúa Cha mạc khải cho mới biết về Ngài (Mt 16,17) và Chúa Cha là tác giả mạc khải về Ngài (Gioan 6,44) và “không phải cho những người khôn ngoan, thông thái mà cho những tâm hồn khiêm nhường” (x. Mt 11,25 ss). Ngài là “Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Gioan 14,6) và mạc khải cho nhân loại biết Chúa Cha : không ai thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Ngài đã mạc khải cho chúng ta biết (Gioan 1,18). Như vậy Chúa Giêsu Kitô là Đấng hữu nhất vô nhị mạc khải về Chúa Cha vì Ngài là Con Chúa Cha (x. Gioan 3,11; 6,46; 7,16). Thánh Phaolô nói : “Nơi Chúa Giêsu Kitô, tất cả sự viên mãn của Thần tính hiện diện cách cụ thể” (Col 2, 9-10) vì “Không ai biết rõ Người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ Người Con và kẻ mà Người Con muốn mạc khải cho” (Mt 11,27) và “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Gioan 14,9).

b. Ngài mạc khải về Chúa Thánh Thần như là Đấng Bảo Trợ (paraklêtos) khác (Gioan 14,16) từ Chúa Cha gửi đến (Gioan 14, 14-16), và Ngài cũng là Đấng Bảo Trợ (1 Gioan 2,1) trước Tòa Chúa Cha. Ngài dạy các môn đệ ở lại thành cho đến khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần (x. Lc 24,48; CvTđ 1,8) rồi hãy thi hành lời Ngài dạy : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 19-20).

c. Đến lượt các Tông đồ ra đi rao giảng Lời Chúa, rao giảng mạc khải ơn cứu độ. Trong các thư của các thánh Tông đồ, lời nói của Chúa Kitô ít được trích dẫn cụ thể, các Ngài dành cho việc nhấn mạnh, làm nổi bật sự kiện Chúa Kitô và nhất là cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô như là trung tâm. Chính trong biến cố Vượt Qua nầy, sự cứu độ Thiên Chúa đã hứa cho Israen, ý định cứu độ nhân loại của Thiên Chúa được mạc khải đầy đủ trọn vẹn, mang tính hữu nhất vô nhị đối với những phương cách Thiên Chúa cứu độ nhân loại : Chiên con không tỳ ố được Thiên Chúa biết ngay từ lúc tạo dựng vũ trụ, đã được biểu lộ ra trong thời sau hết vì chúng ta (1 Phêrô 1,20). Ngài đã được biểu lộ ra một lần thay cho tất cả để tẩy xóa tội lỗi nhờ sự hy tế của Ngài (Dth 9,26). Nhờ sự xuất hiện này của Đấng Cứu độ chúng ta, là Đức Giêsu Kitô, ân sủng của Thiên Chúa được biểu lộ rõ ràng như ban ngày (2 Timôtê 1,10). Nơi Ngài, đức công chính cứu độ (la justice salvifique) của Thiên Chúa mà Luật và các ngôn sứ làm chứng đã được biểu lộ ra rõ ràng (Rm 3,21; x. 1,17). Nơi Ngài, mầu nhiệm được dấu kín không cho các thế hệ trước biết, nay được mạc khải (Rm 16,26; Col 1,26; 1Tm 3,16). Thiên Chúa làm cho chúng ta nhận biết mầu nhiệm đó (Eph 1,9) giống như đã thông báo cho các bậc Quyền thần và Quản thần trên trời (Eph 3,10). Mầu nhiệm nầy là bí nhiệm sau cùng của ý định cứu độ (xem từ ngữ Révélation trong Vocabulaire de théologie biblique).

Kết luận : Như vậy, nhiệm cục cứu độ (économie du salut), ý định cứu độ của Một Thiên Chúa Ba Ngôi đã được mạc khải trọn vẹn, hữu nhất vô nhị và dứt khoát và chung cuộc nơi Chúa Giêsu Kitô vừa là Thiên Chúa vừa là con người, nhất là nơi sự chết và sống lại của Ngài. Không cần và không có một mạc khải nào nữa. Nếu chủ trương cần bổ túc mạc khải do Chúa Kitô đã thực hiện tức là nhận rằng Chúa Kitô đã mạc khải thiếu sót, cần phải nhờ mạc khải khác bổ túc.

Vai trò Chúa Thánh Thần hiện xuống cũng không phải để bổ túc cho mạc khải của Chúa Kitô. Thật vậy, Chúa Thánh Thần mà Chúa Kitô đã mạc khải trước và sau khi Ngài sống lại giữ vai trò chứng nhân cho Chúa Kitô (Gioan 15,26), cho công việc cứu chuộc và mạc khải của Chúa Kitô (Gioan 16,13) và sẽ dạy trọn vẹn những điều Chúa Kitô mạc khải (Gioan 14,26; 16, 12-13). Như vậy, Chúa Thánh Thần không mạc khải điều gì mới khác mạc khải của Chúa Kitô.

Sau cùng, Chúa Kitô đã mạc khải việc Ngài sẽ trở lại trong vinh quang (Mt 24,30; Mc 13,26; Lc 17,30) để phán xét nhân loại (Mt 24,31; 25, 31-46).

Nhân loại không còn chờ mong một mạc khải mới mẽ khác trước khi Đức Giêsu xuất trong vinh quang (x. 1Tm 6,14; Tt 2,13) (xem Tuyên ngôn Dominus Jesus, số 5).

Nếu có một nhân loại khác ở trong vũ trụ hiện nay của chúng ta thì sao ? Nhân loại đó cũng do một Thiên Chúa Ba Ngôi dựng nên như đã dựng nên loài người chúng ta và cũng nhờ Ngôi Lời mà vũ trụ, muôn loài được tạo dựng, và Chúa Giêsu thi hành quyền làm vua trên khắp vũ trụ này (mọi quyền hành trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy, Mt 28,18) Ngài cũng thi hành quyền làm vua trên loài người đó, nhưng ta không biết Ngài thi hành bằng cách nào, cũng không loại trừ một cuộc nhập thể khác (S.Th III, q.3, a.7)

Còn trên hành tinh của chúng ta, chỉ có một nhập thể hữu nhất và duy nhất của Ngôi Hai Thiên Chúa, Con Một Thiên Chúa mà thôi, không bao giờ tái diễn nhập thể nơi này nơi kia của Ngôi Hai Thiên Chúa trên quả đất chúng ta. Ông R. Panikkar đưa giả thuyết : “Chỉ có một Đức Kitô tư tế vũ trụ (Ngôi Hai) chiếu sáng khắp nơi, mang lại nguồn hứng cho khắp nơi, còn Ngôi Hai Nhập Thể thì không phải chỉ có một lần” (nghĩa là Ngôi Hai nhập thể nơi con người Giêsu Nazareth và cũng có thể nhập thể nơi Đức P., Đức M. v.v... tức là Đức Giêsu Kitô Nazareth không phải là Đấng trung gian hữu nhất và duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Giả thuyết này đưa tới các tôn giáo khác ngoài Do thái Kitô giáo cũng là tôn giáo cứu độ ngang hàng Kitô giáo vì Ngôi Lời cũng nhập thể vào nơi các Đấng trung gian của các tôn giáo đó) (xem R. Panikkar, The Unknow Christ of Hinduism, Maryknoll, New York, 1981). Dĩ nhiên, ta thấy rõ giả thuyết của R. Panikkar đi ngược lại với mạc khải Kinh Thánh và Giáo lý Công giáo.

Chúng ta tin chắc vào mạc khải trong Kinh Thánh và Giáo lý của Giáo hội Công giáo mặc dầu những thực tại thần linh còn ẩn dấu dưới các dấu chỉ, vì mắt ta chưa thấy “diện đối diện” các chân lý thần linh, ta còn sống trong chế độ đức tin (không thấy mà tin, công nhận những điều chưa thấy) (x. Gioan 21,29). Chế độ đức tin và trông đợi sẽ chấm dứt khi Chúa Kitô trở lại trong ngày tận thế với vinh quang tột đỉnh của Ngài, lúc đó chúng ta cũng nên sáng láng vinh quang trong vinh quang sáng láng của Chúa Kitô (Col 3,4). Vậy, tất cả mọi thụ tạo với chúng ta đang mong chờ cuộc mạc khải cánh chung của con cái Thiên Chúa (Rm 8, 19-23), nóng lòng tiến bước trong đức tin (2Cor 5,7) để được trực tiếp thấy Chúa “diện đối diện” (1Cor 13,12) thay thế cho đức tin.

2. Quyền Giáo huấn của Giáo hội

Công đồng Chalcédoine năm 451 tuyên xưng Đức Kitô “là Thiên Chúa thật và là người thật” (D.148, DS 301) vì thế Đức Kitô mạc khải về Thiên Chúa, về ý định cứu độ nhân loại của Thiên Chúa do Ngài đến thực hiện là chính Ngôi Hai Thiên Chúa mạc khải, là chính Thiên Chúa mạc khải. Vì thế tự bản thân mạc khải của Đức Kitô thực hiện (nói và làm) có những đặc tính : chân thật tuyệt đối, hữu nhất vô nhị, đầy đủ và hoàn hảo tuyệt đối, chung cuộc và dứt khoát.

Công đồng Vatican II dạy : Sau khi phán dạy nhiều lần, nhiều cách qua các Tiên tri “nay là thời cuối cùng, Thiên Chúa đã nói với chúng ta qua Chúa Con” (Dth 1, 1-2). Thực vậy, Người đã sai Ngôi Con là Ngôi Lời vĩnh cửu, Đấng sáng soi mọi người, đến sống giữa loài người và nói cho họ nghe những điều kín nhiệm nơi Thiên Chúa (x. Gioan 1, 1-18). Bởi vậy, Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể “là người đã được sai đến với loài người”, “nói tiếng của Thiên Chúa” (Gioan 3,34) và hoàn thành công trình cứu rỗi của Chúa Cha đã giao phó cho Ngài thực hiện (x. Gio 5,36; 17,4). Vì thế, chính Ngài, Đấng mà ai thấy, tức là thấy Chúa Cha (x. Gio 14,9) đã đến bổ túc và hoàn tất mạc khải, bằng tất cả sự hiện diện và tỏ mình qua lời nói, cũng như việc làm, dấu chỉ và phép lạ, nhất là qua cái chết và sự sống lại vinh quang từ kẻ chết, sau cùng, bằng việc phái Thần Chân lý đến, bằng chứng tích của một Thiên Chúa, Ngài xác nhận Thiên Chúa hằng ở cùng chúng ta để giải thoát chúng ta khỏi bóng tối tội lỗi và sự chết, rồi phục sinh chúng ta để được sống đời đời.

Vậy nhiệm cục Kitô giáo, vì là giao ước mới và vĩnh viễn, sẽ không bao giờ mai một. Chúng ta không phải chờ đợi một mạc khải công cộng nào khác nữa trước khi Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta hiện đến trong vinh quang (x. 1Tm 6,14; Tit 2,13) (Hiến chế Dei Verbum, số 4, bản dịch của Giáo hoàng học viện).

Ghi chú : Sau cùng, Đức Kitô đã hoàn tất việc mạc khải chu toàn công cuộc cứu chuộc trên thập giá, nhờ đó Ngài đã đem lại cho con người ơn cứu rỗi, và sự tự do đích thực, Ngài đã làm chứng cho chân lý (Tuyên ngôn Dignitatis humanae, Tự do Tôn giáo, số II).

Ghi chú : Mạc khải đã đầy đủ và viên mãn tuyệt đối nơi Chúa Giêsu, không còn tiến triển về nội dung mạc khải, nhưng tiến triển trong nhận thức của mỗi người chúng ta về sự hiểu biết và thực hành nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn ta.