Kitô học, Bài 2:

ĐỜI SỐNG TỬ HỆ CỦA ĐỨC KITÔ



I. TỬ HỆ (FILIATION)

1. Tử hệ là gì ?

Tử là con, hệ là tương quan, dây liên hệ.

Tử hệ (Filiatio) là tương quan làm con phát xuất từ người sinh thành (cha mẹ).

Cách thông thường : vật sống bắt nguồn do một vật sống khác cùng bản tính (origo Viventis a Principio vivente conjuncto in similitudinem naturae), sự sống mới này là con đối với sự sống trước. Thí dụ : con bê này là con của bò cái kia, vì bò cái kia đẻ ra con bê này.

Nhưng khi nói đến tử hệ (filiatio) cũng như nói đến phụ hệ, mẫu hệ là nói tới ngôi vị (persona). Chỉ có nơi con người nơi Thiên Chúa Ba Ngôi mới có ngôi vị, nên mới có tử hệ, phụ hệ theo đúng nghĩa ở đây. Thánh Tôma Aquinô nói : tử hệ là đặt tính của ngôi vị, chứ không phải của bản tính (Filiatio proprie convenit hypostasi vel personae, non autem naturae. S.Th. 3,23,4).

2. Áp dụng vào Đức Kitô :

Đức Kitô có một ngôi vị là Ngôi Hai do Ngôi Cha sinh ra từ đời đời. Ngôi Hai có tử hệ thần linh với Ngôi Cha từ đời đời.

Xét về nhân tính (là người), Đức Kitô vẫn có tử hệ thần linh với Ngôi Cha, nghĩa là Đức Kitô là con tự nhiên của Ngôi Cha chứ không phải là dưỡng tử.

Tại sao Giáo hội đã tuyên tín như vậy ?

Thưa vì nơi Đức Kitô chỉ có một ngôi vị là Ngôi Hai làm chủ thể, nên Đức Kitô dầu xét về nhân tính thì Ngài vẫn là con tự nhiên (Filius naturalis) của Ngôi Cha. Nền tảng tử hệ tự nhiên nơi Đức Kitô là ngôi vị Ngôi Hai chứ không phải là một ơn sủng nào.

Để rõ ràng hơn, ta phân biệt nơi Đức Kitô có hai sự sinh ra (naissance) và một tử hệ (filiation). Ngôi Hai sinh bởi Ngôi Cha từ đời đời và Ngôi Hai làm người sinh bởi Đức Trinh nữ Maria. Có hai sự sinh ra nhưng chỉ có một ngôi vị là Ngôi Hai (do Ngôi Cha sinh ra từ đời đời), nên chỉ có một tử hệ. Đức Trinh nữ Maria sinh Ngôi hai theo bản tính nhân loại.

Vì Ngôi Hai là chủ thể đầu thai làm người trong cung lòng Đức Maria và Đức Maria đã sinh ra... nên Đức Maria là Mẹ Ngôi Hai làm người, là Mẹ Thiên Chúa theo nhân tính (secundum humanitatem).

Ghi chú : Con người tôi do cha mẹ tôi sinh ra (thực sự: xác tôi cha mẹ đúc nên, hồn tôi do Chúa Ba Ngôi dựng nên từ hư vô – ex nihilo) và tôi là chủ thể do cha mẹ sinh ra nên tôi có tử hệ với cha mẹ tôi. Nơi Chúa Kitô, Ngôi Hai là chủ thể do Ngôi Cha sinh ra nên Ngôi Hai có tử hệ với Ngôi Cha.

II. HOẠT ĐỘNG THẦN NHÂN CỦA ĐỨC KITÔ

Hoạt động thần nhân tiếng Latinh là operatio theandrica, đã xuất hiện trong quyển De divinis nominibus của Pseudo Dionysius Areopogita (Pseudo-Denys) năm 500 : "Ceteroquin divina non qua Dues patrabat, neque humana qua homo, sed qua Deus incarnatus, novam quamdam theadricam operationem nobis instituens : Lẽ rằng nơi Đức Kitô, việc thần linh không do Thiên Chúa làm, việc nhân loại không do con người làm, mà tất cả do Thiên Chúa nhập thể làm, tức là có thứ hoạt động mới gọi là hoạt động thần nhân" (De div. nom. 2,4. PG 3,1072).

Deus incarnatus (Thiên Chúa nhập thể) làm mọi việc nơi con người Đức Kitô, dạy như vậy rất đúng. Nhưng sau này, một số người suy nghĩ lời dạy trên, dựa vào từ ngữ hoạt động thần nhân, đề ra các thuyết :

  • Thuyết nhất ý (Mono-thélisme)
  • Thuyết nhất lực (Mono-énergisme).
rơi vào sai lầm.

Công đồng địa phương Latêranô năm 649 lên án các thuyết này và cấm sử dụng thuật ngữ “hoạt động thần nhân”.

Sau này, Thánh Đamascênô đã giải thích rõ ràng : "Hoạt động thần nhân là hoạt động mà Thiên Chúa nhập thể làm, những công việc loài người thì cũng là công việc của Thiên Chúa (được thần hóa), ngược lại, công việc thần linh nơi Đức Kitô cũng có sự tham dự của bản tính loài người” (x. De fide orthodoxa 3,19, PG. 94,1080).

Giải thích dựa vào mầu nhiệm Ngôi Hiệp :

  • Ngôi Hai Thiên Chúa là chủ thể của bản tính Thiên Chúa và loài người, nên Ngôi Hai là chủ nguyên (principium quod) và nhân tính là dụng nguyên (principium quo), vậy một việc nhân tính thực hiện (thì có chủ nguyên là Ngôi Hai và dụng nguyên là nhân tính) có giá trị cuả một Ngôi vị Thiên Chúa làm (có giá trị vô cùng) (thí dụ : ăn uống, chịu chết).
  • Hoặc một việc thiên tính thực hiện nơi Đức Kitô, nguyên nhân chính là thiên tính, nguyên nhân dụng cụ là nhân tính, ngôi vị Ngôi Hai là chủ hoạt động và chịu trách nhiệm (thí dụ : làm phép lạ).
III. CHUYỂN THÔNG ĐẶC TÍNH (COMMUNICATION DES IDIOMES)

Ngôi vị Ngôi Lời là chủ thể của thiên tính và nhân tính nơi con người Đức Kitô. Mỗi bản tính có các đặc tính riêng của nó :

Thiên tính thì toàn năng, mọi ưu phẩm đều tuyệt đối và vô cùng (toàn năng, thông minh, thánh thiện, nhân ái v.v...).

Nhân tính thì hữu hạn (chịu đau khổ, chịu chết v.v...).

Ngôi Lời làm chủ thiên tính, sở hữu những đặc tính của thiên tính. Vì thế, ta nói : "Đức Kitô là Thiên Chúa", "Đức Kitô hiện diện khắp mọi nơi"...

Ngôi Lời làm chủ của nhân tính, sở hữu những đặc tính của nhân tính. Vì thế, ta có thể nói : "Con Thiên Chúa đã chết", "Thiên Chúa đã chịu chết", "Thiên Chúa làm người"...

Riêng hai bản tính, thiên tính bất biến và vô cùng không thể trao cho nhân tính những đặc tính của mình, và ngược lại, nhân tính cũng không thể trao cho thiên tính những gì của mình. Nên ta không thể nói : "Thần tính của Đức Kitô chịu chết", "Nhân tính của Đức Kitô hiện diện khắp mọi nơi"...

IV. TÔN THỜ NHÂN TÍNH ĐỨC KITÔ.

  • Tôn thờ (adoratio), theo nghĩa rộng, là sự tôn kính Đấng cao trọng, thượng cấp, thí dụ : "Anh em đến lạy Giuse, mặt sát đất" (St 42,6). Theo nghĩa hẹp, việc tôn thờ chỉ dành cho Thiên Chúa mà thôi "Ngươi không được tôn thờ một vị thần khác ngoài Thiên Chúa ra" (Xh 34,14).
  • Phụng thờ (cultus) gồm những việc biểu lộ ra bên ngoài lòng tôn thờ.
Thần học thường dùng các từ tùy đối tượng :

  • Đối tượng là Thiên Chúa : Đấng Tạo Hóa, Đấng Bất Thụ Tạo, thần học dùng các từ ngữ tôn thờ, phụng thờ (cultus latriae : vừa tôn thờ bằng lễ nghi vừa vâng phục trong lòng; không vâng phục, tuân theo lệnh thì mắc tội...)
  • Đối tượng là các thánh : tức là các thụ tạo đáng kính, thần học dùng các từ ngữ tôn kính (cultus duliae : tôn trọng, kính mến và có thể biểu lộ ra ngoài bằng hình thức tôn kính, nhưng không theo đường lối của các ngài thì không mắc lỗi...).
  • Đối tượng là Đức Mẹ Maria : thần học dùng từ ngữ biệt kính (cultus hyperduliae : tôn kính cách đặc biệt vì Đức Mẹ trội vượt hơn mọi thụ tạo khác).
Chiếu theo luật, ta chỉ được tôn thờ một mình Thiên Chúa mà thôi. Đối với Đức Kitô, ta phải tôn thờ Ngài, vì mọi sự phụng thờ Đức Kitô đều quy hướng về phụng thờ Ngôi Hai Thiên Chúa.

Nhưng nhân tính Đức Kitô là thụ tạo (được dựng nên), Giáo Hội đã dạy thế nào ?

Thánh Athanasiô dạy : "Chúng ta không tôn thờ thụ tạo, dứt khoát như vậy, nhưng chúng ta tôn thờ Chúa Sáng Tạo đã làm người là Ngôi Lời Thiên Chúa. Nơi Đức Kitô, xác Ngài là thụ tạo thật đấy, nhưng thể xác đó là thân thể của Thiên Chúa, ta không thể tách ra được. Ta không tôn thờ xác tách khỏi Ngôi Lời, cũng không thể tôn thờ Ngôi Lời mà không có xác. Ai lại dại nói với Chúa : Hãy ra khỏi xác để con tôn thờ Ngài : Itaque rem creatam non adoramus absit... sed rerum creatarum Dominum carnem factum, Dei Verbum adoramus. Est enim ipsa caro seorsum spectata pars sit rerum creatarum, attamen Dei facta est corpus. Neque vero hujusmodi corpus a Verbo dividentes adoramus neque, cum Verbum volumus adorare ipsum a carne removemus... Quis ergo adeo demens sit ut Domino dicat : Recede a corpore ut Te adorem ?" (Epis. ad Adephium 3, PG 26,1073).

Chúng ta tôn thờ, phụng thờ, thờ lạy Đức Kitô nghĩa là tôn thờ toàn thể con người của Ngài. Sự tôn thờ này quy về ngôi vị Ngôi Lời là nền tảng của sự tôn thờ Đức Kitô. Tôn thờ nhân tính Đức Kitô vì Ngôi Lời là chủ thể, làm cho nhân tính hiện hữu và tồn tại :

Do mầu nhiệm Ngôi Hiệp nhân tính Đức Kitô phải được tôn thờ bằng một sợ tôn thờ duy nhất : tôn thờ Ngôi Lời Nhập thể.

Việc tôn thờ từng phần nhân tính của Đức Kitô (tôn thờ Mính Máu Thánh Đức Kitô, tôn thờ Thánh Tâm Đức Kitô, tôn thờ các Dấu Thánh Đức Kitô v.v...) là tôn thờ Ngôi Hai Thiên Chúa mặc lấy nhân tính nơi con người Đức Kitô, tức là tôn thờ toàn diện con người Đức Kitô (cả ngôi vị Ngôi Hai lẫn thân xác Ngôi Hai mặc lấy). Nhân tính Đức Kitô, nhờ Mầu nhiệm Ngội Hiệp, là thành phần (Quasi pars) của Ngời Lời, vì thế phải được tôn thờ với Ngôi Lời là chủ thể nên không thể tách phân ra Nhân tính khỏi Ngôi Lời để chỉ tôn thờ Ngôi Lời. Đối tuợng tôn thờ nhân tính Đức Kitô không phải chính nhân tính (In se), vì nhân tính, nhưng vì nhân tính kết hiệp với Ngôi Lời ?

Thánh Kinh đã xác nhận sự tôn thờ nhân tính Đức Kitô :

  • “Thiên Chúa đã siêu tôn Người, ban cho Người danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu” (Phil 2,9).
  • “Đem con đầu lòng vào thế gian, Thiên Chúa nói : tất cả thiên sứ hãy tôn thờ Người” (Dt 1,6)
Ghi chú : Một số việc tạo đức tôn thờ Nhân tính Đức Kitô :

1. Tôn thờ Thánh Tâm (Trái Tim) Đức Kitô :

Theo Kinh Thánh, Trái Tim là nơi phát xuất tư tưởng, ước muốn nội tâm, có ảnh hưởng hành động bên ngoài (x.Mt 15,18; 24,48; Mc 7,6; Rm 10,6; 2C 5,12). Trái tim còn là nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và lòng tin, giữa ân sủng và sự đón nhận của con người (x.Rm 2,29; 10,19 20; 1Tm 1,5).

Trong đời sống xã hội, trái tim tượng trưng cho toàn thể con người, cho tình yêu của con người.

Thánh Gioan cũng thích dùng hình ảnh trái tim để diễn tả tình yêu và ơn sủng của Đức Kitô :

  • “Ai tin vào Thầy, thì hãy uống. Như Thánh Kinh đã nói : 'Tự lòng Ngài sẽ chảy ra dòng Nước Trường Sinh'" (Ga 7,38).
  • “Có một tên lính lấy đòng dâm thủng qua cạnh sườn : tức thì máu và nước chảy ra” (Ga 19,34).
Qua mạc khải tư, Đức Kitô hiện ra với thánh nữ Margarita Maria, Ngài muốn mọi người tôn thờ Thánh Tâm Ngài v.v...

Theo nguyên tắc cả lý thuyết lẫn thực hành, nhân tính Đức Kitô đã được tôn thờ đúng như mạc khải Tân Ước, nhưng trong một hoàn cảnh nào đó, mạc khải tư xãy ra để lay tỉnh nhân tâm, thức tỉnh cả Giáo Hội. Mạc khải tư “tôn thờ Thánh Tâm” đến với Giáo Hội trong một hoàn cảnh luân lý suy đồi, lòng người tỏ ra bội nghĩa, vong ân trước tình yêu thương của Thiên Chúa, nhưng thần học chỉ căn cứ vào mạc khải công (Kinh Thánh, Tông truyên) mà thôi.

Sự tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu chính là tôn thờ Ngôi Hai Thiên Chúa Tình Yêu mà Trái Tim Chúa là biểu tượng cho Tình Yêu của Thiên Chúa và là một ấn tượng tình yêu cao nhất (Ngài chịu cho trái tim Ngài bị đâm thâu qua vì yêu thương nhân loại), đồng thời cũng nói lên sự tôn thờ toàn diện con người Đức Kitô (cả Ngôi Hai và thân xác Ngôi Hai mặc lấy). Đối tượng cụ thể (Objectum materiale partiale) là qủa tim Chúa Kitô như là thành phần thiết yếu của nhân tính Chúa Kitô kết hiệp với Ngôi Lời là chủ thể. Đối tượng toàn diện (Objectum materiale totale) là Ngôi Lời làm người. Đối tượng mô thể (Objectum formale) là ưu phẩm vô cùng của Ngôi Vị Thiên Chúa.

2. Đền tạ Thánh Tâm Đức Kitô :

Thống hối, trở lại là đề tài của Thánh Kinh. Nhấn mạnh tới đền tạ Thánh Tâm Đức Kitô tạo ra một ý lực, một phong trào thúc giục ta gia tăng việc đạo đức, việc hy sinh góp phần vào thập giá Đức Kitô đền bù tội của ta và người khác.

3. An ủi Thánh Tâm Chúa Giêsu :

Người ta chiêm ngắm cảnh đau khổ của Đức Kitô chịu trong Vườn Cây Dầu và hình dung ra đang thấy Đức Kitô đang đau khổ vì nhân loại cứ phạm tội tăng lên, vì thế, một ý nghĩa đạo đức trổi lên : làm việc lành để an ủi Chúa Giêsu đau khổ.

Thật ra, Chúa Giêsu đang hưởng vinh hiển trên trời Ngài không còn đau khổ nữa, mặc dầu tâm tình của Ngài trên thiên đàng vẫn giữ tâm tình hiến dâng cho Chúa Cha để đền tội cho cả nhân loại. Như vậy, việc an ủi Thánh Tâm Chúa Giêsu phải hướng về đời sống của ta, phải trở thành hiến tế hợp với hiến tế của Chúa Giêsu (bằng hy sinh, thanh luyện tâm hồn, bác ái, nhịn nhục v.v...)

4. Việc hiến dâng loài người cho Thánh Tâm :

Theo nguyên tắc về tình yêu, việc hiến dâng chỉ có giá trị khi người ta có ý thức và tự nguyện. Dâng cả nhân loại mà trong khi đông người không đồng tình, hoặc không ý thức thì điều đó chỉ là hình thức.

Việc dâng cả nhân loại cho Trái Tim Chúa Giêsu chỉ là một việc tôn vinh lòng thương của Chúa đối với nhân loại và thúc giục tín hữu tự nguyện để mình thuộc về Chúa, sống theo ý Chúa.