Học Lý Kitô-Học (2)

3.Công Việc Chúa Ki-tô

Sứ mệnh con người Chúa Giê-su được chu toàn nơi công việc của Người. Hiệp nhất tính nơi con người của Người được diễn tả trong hiệp nhất tính nơi công việc Người làm. Mục tiêu công việc của Chúa Giê-su là Giáo Hội của các tín hữu; nói cách khác cho ngắn gọn mục tiêu ấy là chính đức tin. Đức tin nhìn thấy công việc của Người trong chính đồng cảnh của nó. Đức tin cũng nhìn thấy công việc ấy như một sinh hoạt trong hiện tại, cùng một lúc vừa hoàn bị vừa không hoàn bị. Ngày nay nhiều người nhìn nhận rằng cuộc đời và cái chết của Người tạo ra một hiệp nhất tính nội tại. Cuộc đời ấy là một cuộc đời đau khổ; vì nhân loại, đau khổ chia xẻ với nhân loại gánh nặng của tội lỗi, sự hy sinh, sự phục vụ, và sự cứu chuộc; cái chết của Người cũng là một hành động thể ấy, một dâng hiến thân mình cho Thiên Chúa, một hành động đức tin cao cả nhất. Về sự chết này, ta cần tránh hai quan điểm một chiều. Quan điểm đầu tiên là quan điểm coi sự chết như chứng cớ lòng trung thành của Chúa Giê-su đối với ơn gọi của Người, một hành vi hoàn toàn anh hùng; quan điểm kia là quan điểm hoàn toàn khách quan, theo đó hiệu quả chính là việc thay đổi tâm tư của Thiên Chúa nghĩa là đổi hướng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa từ con người qua Chúa Ki-tô. Theo quan điểm này, bản nhiên của đức tin đòi phải có nơi Chúa Ki-tô đã thay đổi hẳn; nó trở nên tri thức hóa. Nhưng ngược với môi trường tôn giáo của thế giới cổ thời, Tân Ước không hề đá động gì đến việc Thiên Chúa nguôi cơn giận, nhưng chỉ nói đến việc Người hành động nơi Chúa Ki-tô để giao hòa nhân loại với Người.

Ta có thể tóm lược công việc của Chúa Giê-su bằng một biểu thức duy nhất này là: công việc của Người là hành vi yêu thương mang lấy tội lỗi nhân loại. Người từng mời gọi tất cả chúng ta đến với Người, bởi vì tất cả chúng ta đều là kẻ tội lỗi. Khi, với tư cách đấng được Chúa Cha sai đến, Người nói lên lời tha tội, thì điều ấy áp dụng trước nhất cho các cá nhân mà Người gặp trực diện. Nhưng trước khi mời gọi tất cả đến với Người, Người đã tự đồng nhất Người với nỗi thống khổ của tất cả chúng ta trong phép rửa qua cái chết của Người. Đây là một giả định làm căn bản cho lời tuyên bố tha tội. Trong tư cách tôi tớ Thiên Chúa, Người chia sẻ sự sống và sự chết với dân Người, vác lấy gánh nặng của dân lên vai mình; và như thế chấp nhận thánh giá như hậu quả tất yếu cho hành động của mình. Điều mà một số cá nhân được bản thân nghe từ môi miệng Người, thì tất cả chúng ta đã cảm nhận nơi thánh giá, vì chính thánh giá của tôi tớ Thiên Chúa đã trực tiếp nói với ta, và nơi thánh giá ấy Thiên Chúa đã trực tiếp giao tiếp với ta. Nơi thánh giá của Người, Chúa Ki-tô mạnh mẽ đem tình yêu thánh thiêng của Thiên Chúa vào đời sống nhân bản mọi thời. Cũng nơi thánh giá ấy, Thiên Chúa bày tỏ sự thánh thiêng và tình yêu của Người cho mỗi tâm hồn.

Theo các Phúc Âm, vai trò thay thế (substitutionary) qua đó Chúa Ki-tô tự thực thi điều người khác không thể thực thi được phải được hiểu theo nghĩa bao hàm (inclusive). Trước nhất, Người đại diện Thiên Chúa vì chính nhân danh Thiên Chúa mà Người hành động và chịu khổ nạn. Sau đó, Người đại diện tất cả những ai Người đã hiệp nhất với Người như đầu (mình và chân tay). Người tự mang lấy thân phận những ai cực nhọc và khốn cùng. ‘Vì chúng, Con’ là lời luôn luôn ở cửa miệng Người suốt trong cuộc sống và sự chết. Đó chính là ý nghĩa của phục vụ mà Người đã đặt thành tiêu chuẩn yếu tính của nước Thiên Chúa.

Tinh thần phục vụ ấy đạt tới đỉnh cao nhất trong việc Chúa Ki-tô sẵn sàng chịu chết. Người lãnh nhận chén đắng từ tay Cha Người và chấp nhận mục tiêu cứu độ của Thiên Chúa qua cái chết của Người. Thánh giá cho ta thấy tình yêu của Thiên Chúa đã tách biệt chúng ta ra khỏi Thiên Chúa và đã kết hiệp chúng ta với Người ra sao; nó mạc khải cho thấy tình yêu và sự tự hiến của Thiên Chúa quả là tuyệt đối và hoàn toàn bất biến. Thánh giá cũng khẳng định sự thánh thiêng không thể xâm phạm được trong tình yêu của Người, một tình yêu cho đi không dè dặt. Chúa Ki-tô chết trên thánh giá để Người có thể đi vào nỗi khốn cùng nhất của đời người, tức cái đớn đau của chết chóc, một thân phận đáng giận đang chờ đợi toàn bộ nhân loại. Người, vốn là đấng vô tội, nhưng lại tự đồng hóa mình với nhân loại tội lỗi, đã đối diện và chia sẻ thực tại chết chóc vốn là án phạt trên đầu nhân loại tội lỗi; điều ấy giải thích tại sao Người đã khiếp sợ trong vườn Diệt-si-ma-ni, và đã cảm thấy như bị Thiên Chúa bỏ rơi trên thánh giá, nỗi sợ chỉ có thể vượt qua bằng niềm tin thiên sai qua tiếng kêu thống thiết ‘Lạy Chúa tôi!’. Qua cử chỉ tuân phục số mệnh và án phạt treo trên đầu nhân loại, vì chúng ta và để kết hiệp với ta, Người đã thánh hóa án phạt của Thiên Chúa bằng việc trung thành chịu đựng, và đồng thời biến ơn phúc của Chúa thành hữu hiệu, và nhờ đó Người vừa làm cho án phạt của Thiên Chúa được nhìn nhận vừa công bố sự tha thứ của Thiên Chúa, do đó thánh hóa ý Thiên Chúa trước mặt chúng ta và trong chúng ta.

Thánh giá là hành động tiêu biểu nhất của Chúa Giê-su, hành động của vị quân vương và chúa tể lịch sử, nhưng sự vâng lời có tính thụ động lại được kể là sự vâng lời có tính tác động ở độ cao nhất. Như thế, tình yêu mang lấy tội lỗi chúng ta đã hiện diện với chúng ta qua việc làm của Người một cách cao qúi đến độ không thể hạ giá hay lạm dụng được. Thánh giá là hình thức được hoạt động cứu độ của Chúa Giê-su mặc lấy trong giòng lịch sử, một cái gì được thiết dựng một lần mãi mãi, một cái gì chung kết nhưng lại không chấm dứt, và là một cái gì có giá trị nền tảng trong tư cách là thánh giá của Chúa Con, đấng đã hy sinh thân mình ‘qua thần khí đời đời’ (dia pneumatos aioniou), nghĩa là luôn luôn hiện hữu, chứ không phải chỉ là một cái gì thuộc dĩ vãng, do đó luôn trực tiếp đánh động và chinh phục trái tim ta.

Tư tưởng biện lý (rationalizing) đã thất bại không nhìn ra cái nội dung kép của việc làm cũng như của ngôi vị Chúa Ki-tô với đầy đủ trương lực của nó, và đôi lúc chỉ nhìn thấy nơi thánh giá hoặc tình yêu của Thiên Chúa hoặc án phạt của Thiên Chúa mà thôi. Một cái nhìn như thế một là hạ cấp và nhân loại hóa tình yêu kia hoặc là biến án phạt kia thành một cái gì hời hợt. Nếu chỉ nhìn thấy án phạt mà thôi, ta chỉ có thể suy diễn về tình yêu của Thiên Chúa; hậu qủa tai hại của cái nhìn ấy đối với việc tìm hiểu đức tin hết sức rõ rệt trong Ki-tô Giáo. Thực ra, nơi thánh giá, trong sự chết cũng như trong cuộc sống của Chúa Ki-tô, đức tin trực tiếp nhận ra cả tình yêu lẫn án phạt cùng một lúc, tình yêu chịu tuân phục án phạt, còn án phạt thì cứu vớt chứ không hủy diệt, án phạt tăng tiến sức mạnh của ơn phúc. Nơi thánh giá, điều đức tin trực tiếp nhận ra không phải chỉ là cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, mà là cả tình yêu lẫn cơn thịnh nộ của Người, thịnh nộ cứu độ và tình yêu kết án, liên kết với nhau đến nỗi khi nhận ra cơn thịnh nộ ấy, đức tin sẵn sàng nhẩy vào vòng tay của yêu thương. Sự thánh thiện và tình yêu của Thiên Chúa cùng hiện diện như nhau và cùng cung cấp căn bản cho trương lực sống động của đức tin, tạo nên thống nhất tính cho cả sợ sệt lẫn tin tưởng, một thống nhất tính trong đó tin tưởng luôn luôn thắng vượt sợ sệt; đó là giáo huấn của nhiều người, trong đó, với đức tin, con người luôn luôn vừa công chính vừa có tội trước nhan Thiên Chúa.

Không thể hiểu thánh giá theo nghĩa pháp lý, vì thánh giá vượt quá bất cứ liên hệ pháp lý nào; ta chỉ có thể quan niệm một cách đúng đắn về nó như một hành vi yêu đương thánh thiện của Thiên Chúa, một hành vi lạ lùng không tài nào hiểu thấu được, theo những phạm trù tư tưởng mới dựa trên một mình thánh giá mà thôi, chứ không theo các phạm trù khác thuộc thói quen pháp lý của con người cũng như thuộc đạo đức học nhân bản. Dĩ nhiên, thánh giá là nguồn ơn cứu độ chỉ vì nó là thánh giá của đấng đã sống lại từ cõi chết, cũng như phục sinh của Chúa Ki-tô là phục sinh của đấng đã chịu đóng đinh vậy. Nếu ta không được phép quên điều đó, thì ta phải miêu tả việc làm của tình yêu mang tội lỗi ta một cách xát hơn nữa từ hai điểm nhìn là đền thay và cứu chuộc. Thực vậy, việc làm của Chúa Giê-su đem lại việc đền thay tội lỗi ta. Trên thánh giá, Người hiến tặng ta sự tha thứ, nhưng cùng một lúc, Người cũng hiến tặng sự đền tội thay; đem lại sự tha thứ, vì Người đã đem lại sự đền thay và hòa giải. Tha thứ là một điều vĩ đại, nhưng đền thay tội còn cao cả hơn nữa. Vì đền thay tội có nghĩa là dọn đường cho tha thứ, là làm cho tha thứ có hiệu quả, là làm cho tha thứ diễn ra. Đền tội thay nói lên ý muốn sáng tạo, ý muốn nền tảng và khôn cùng của Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ tội lỗi ta. Theo lý thuyết, tha thứ và đền tội thay có thể do hai nhân vật thực hiện. Nhưng ở đây, chỉ có một nhân vật mà thôi, đó là Thiên Chúa trong Chúa Ki-tô; đấng Thiên Chúa này thể hiện sự tha thứ của Người trong Chúa Ki-tô bằng cách tỏ bày ý muốn của Người cho ta thấy, mạc khải cho ta thấy sự vô dụng của chính ta, và dẫn ta tới việc nhìn nhận điều ấy trong đức tin. Đền tội thay không phải là một ý niệm được Thiên Chúa công bố, nó không phải là một chân lý cố định và phổ quát mà ta có thể xem sét sau này và do đó thích hợp với chính ta. Đền tội thay không là gì khác hơn sự hòa giải của cá nhân mà lương tâm đã khiêm hạ và được giải thoát trong cuộc gặp gỡ thánh giá, và được đức tin vào ơn thánh của Chúa đưa lại câu trả lời; đền tội thay thực sự là sự hoà giải của Giáo Hội, một Giáo Hội biết rằng nơi thánh giá, mình được bảo bọc bằng ân sủng Chúa. Trong hành vi đền thay, Chúa Ki-tô thân hành đến gặp kẻ có tội đang cần sự đền thay, và gặp mỗi người có tội, để mỗi người có thể trực tiếp nhận ra và cảm nhận được án phạt và ơn phúc trong việc Người làm. Đúng là hành vi đền thay của Chúa Ki-tô cũng chẳng kém khách quan tính so với việc chuộc lỗi trong học lý của thánh Anselm; nhưng trong bản chất, khách quan tính của nó không cô lập, mà là một khách quan tính có tương quan với và hướng về chủ quan tính của đức tin, đó là lý do tại sao nó được đức tin nhìn nhận.

Cùng một lúc và trong cùng một hành động, Chúa Ki-tô đến với ta như đấng Cứu Chuộc. Người nhấn mạnh đến ý nghĩa này trong hành động của Người khi Người nói rằng Người đến hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người. Việc Người làm không chỉ liên hệ đến tội theo nghĩa nó tách rời con người khỏi Thiên Chúa, nhưng cũng liên hệ đến quyền lực sự ác như một toàn bộ, từng trải dài trên nhân loại. Câu nói ‘đây là giờ của các ông, và quyền lực của tối tăm’ (Lc 22:53), khi Người bị bắt cầm tù, có ý nhắc đến sự ác trong khách quan tính của nó mà giờ đây cần được bày tỏ đầy đủ trong cái chết của Người, nhưng đồng thời cũng cần phải coi nó như một ô nhục và quyền lực của nó cần được bẻ gẫy cách dứt khoát. Ở điểm này, tư tưởng của Ki-tô giáo nguyên khởi đã nói lên một chân lý quan trọng dưới hình thức huyền thoại, một chân lý thường bị quên lãng trong những năm gần đây. Chính Chúa Giê-su cũng đã coi công việc thiên sai của mình chủ yếu là để khuất phục quyền lực sự ác, sự dữ nói chung, và sự chết, vốn đối nghịch với Thiên Chúa, và để giải thoát và cứu chuộc con cái Thiên Chúa đang khắc khoải dưới ách các quyền lực trên.

Ta sẽ cố gắng trả lời câu hỏi này là trong bối cảnh trên làm thế nào giải thích được việc coi cái chết của Người từ nền tảng như một chiến thắng sự ác. Một câu trong Bài giảng Trên Núi tức câu đừng chống cự sự ác (Mt 6:39. Phần lớn các Bản đều dịch là: đừng chống trả người ác), nghĩa là đừng chống cự bằng vũ lực, cho ta một soi dẫn khá lý thú về cái chết của Người. Bởi vì sử dụng vũ lực luôn làm ta can dự vào sự ác và sẽ dẫn ta tới chính sự ác. Trái lại Chúa Ki-tô đã nạp mình cho quyền lực sự ác mà không hề chống cự. Điều này chỉ có người được Thần Trí Thiên Chúa chiếm hữu mới có thể làm được. Vì người ấy không lấy bạo hành đáp trả bạo hành, họ đứng bên ngoài lãnh địa tội lỗi. Bởi thế, cuộc khổ nạn của Người, cuộc khổ nạn của đấng vô tội, chính là bản án trên đầu quyền lực tối tăm. Qua việc đổ máu người vô tội, chính sự ác bị kết án, và quyền lực sự ác, một quyền lực tạo ra sự ác trong lãnh vực luân lý, bị hành vi luân lý của kẻ vô tội và tình yêu tự hiến mình, vốn chấp nhận đớn đau mà không chống cự, đánh cho nhừ tử. Dĩ nhiên, các hành động đền thay và cứu chuộc liên kết với nhau một cách chặt chẽ. Sự ác có quyền lực trên con người, vì con người tự tách mình xa khỏi Thiên Chúa, sống dưới cơn thịnh nộ của Người, và do đó cần sự đền thay. Đền thay lấy đi quyền của sự ác trên con người. Nhưng đồng thời, trong việc làm của Chúa Ki-tô, đặc biệt nơi thánh giá, sự ác bị tấn công trực tiếp, và bị kết án trong chính nó. Đó là lý do tại sao cứu chuộc không đơn thuần chỉ là phụ thuộc đối với việc đền thay; vì cả hai cùng là quà phúc của Thiên Chúa. Như thế, Chúa Ki-tô là đấng Cứu Chuộc khỏi quyền lực sự ác; và cả thế gian nữa, theo nghĩa của Tân Ước, nghĩa là bao gồm mọi sự chống lại Thiên Chúa. Trong tư cách một lực lượng khách quan, sự ác hay thế gian làm tê liệt hành động của ta và làm ta hoài nghi đối với sự thống trị của Chúa trên vũ trụ. Nhưng ‘các ông hoàng của thế gian’ bị người tôi trung tước hết quyền lực (1 Cor 2:6); họ biết rằng họ đã bị Thiên Chúa luận phạt. Do đó họ phải nhường bước khi ta gặp họ trong quyền lực Chúa Ki-tô. Tâm hồn ta thoát hết âu lo, và lòng can đảm trong ta được phục hồi; ta có thể đảm nhiệm cuộc chiến đấu này, bởi kết quả của cuộc chiến đã được định đoạt qua công trình thiên sai của Con Thiên Chúa. Cũng cách ấy, Chúa Ki-tô là đấng Cứu Chuộc khỏi ách sự chết, khỏi nỗi sợ sệt do chết chóc đưa lại, và khỏi cảnh hư thối. Trong cái chết của Người, Người tấn công quyền lực sự chết, và sự phục sinh của Người cho thấy Người đã chiến thắng sự chết. Ngay cái chết cũng không còn chứa đựng sợ sệt đối với chúng ta nữa.

Tóm lại, Chúa Ki-tô cứu chuộc ta để đưa ta vào vương quốc của Người, vào sự sống đời đời. Sự cứu chuộc bứng ta trồng vào sự sống siêu nhiên của tình thuận hảo với Thiên Chúa trong Chúa Giê-su Ki-tô.Vì Người đem đền thay và cứu chuộc đến, Chúa Ki-tô cũng đem mạc khải đến; Người làm ta biết Thiên Chúa và sự thánh thiện của Người, và bản chất của tình yêu nói chung cũng như tình yêu kẻ thù nói riêng, bằng cách Người thực thi tất cả những điều ấy trong ta. Mạc khải này không hề quan tâm đến chân lý phổ quát, mà quan tâm đến chứng tá bản vị của Thiên Chúa đối với chính Người, một chứng tá chỉ có được nhờ đức tin. Mọi hình thức duy thức cần được loại bỏ. Nếu Chúa Ki-tô Cứu Chuộc là đấng mà nơi Người Thiên Chúa thực thi ý định cứu độ của mình, và nếu cứu chuộc là hoàn thiện hóa công cuộc sáng tạo, thì đức tin Ki-tô Giáo có thể tìm hiểu Chúa Ki-tô như đấng trung gian trong kế hoạch đời đời của Thiên Chúa dành cho vũ trụ. Hậu quả sau chót của tư tưởng cuối cùng này có lẽ sẽ đưa ta tới kết luận như sau: đức tin tự ý thức được rằng ta chỉ có thể có được những ngôn từ ấp úng và những hiểu biết phiến diện, cho đến khi các cố gắng của nó được thăng hoa với việc nhãn tiền được nhìn ngắm dung nhan Thiên Chúa.

Viết theo Georg Wehrung, Twentieth Century Theology in the Making

do Jaroslav Pelikan chủ biên, Bản tiếng Anh của R.A. Wilson, Collins The Fontana Library.