DELHI- Ấn Độ 25 09/06 – Nhật báo Delhi Pioneer ở Ấn Độ (http://www.dailypioneer.com/columnist), ấn bản Anh ngữ trong số ra ngày Chúa Nhật vừa qua, trên mục lập trường, ký giả Surya Prakash đã viết bài “Đức Giáo Hoàng Không Cô Đơn - Lời Bình Luận của Thánh Gandhi Về Hồi Giáo” (The Pope is not alone – Gandhi’s Comments on Islam).

Chủ đích bài báo muốn chứng minh cho độc giả thấy việc tuyên bố của ĐGH Bênêđictô XVI tại Rengensburg về vấn đề Hồi Giáo, không có gì mới lạ. Vấn đề đã được các danh nhân thế giới nói từ lâu. Và việc Hồi Giáo phản ứng mạnh trước bài diễn văn của ĐGH, như vụ giáo sĩ Hồi Giáo ở Somalia hô hào: “săn lùng ĐGH để giết đi”, chỉ chứng minh một sự thực như ĐGH đã nói là tôn giáo và bạo lực không thể đi đôi với nhau, mà tôn giáo chỉ có thể song hành với lý trí.

Sau khi nhắc lại bài diễn văn của ĐGH tại Regensburg và những phản ứng của thế giới Hồi Giáo, ký giả này viết rằng thế giới Hồi Giáo đã lợi dụng những lời trích dẫn của ĐGH để ồn ào chỉ trích Ngài mà bỏ quên điểm mấu chốt trong bài diễn văn. Đó là sự liên hệ giữa Tôn Giáo - Bạo Lực và Lý Trí. Tôn Giáo chỉ có thể đi chung với Lý Trí chứ không thể đi chung với Bạo Lực. Và nếu ĐGH có nhắc đến vấn đề Bạo Lực và Hồi Giáo thì Ngài không phải là người đầu tiên và đơn độc nói lên điều đó. Đồng thời trong tương lai vẫn sẽ còn những người nói những điều như ĐGH Bênêđictô XVI đã nói.

Ký giả Surya Prakash nêu ra các trường hợp các nhân vật lịch sử thế giới đã đưa ra những nhận xét về Hồi Giáo và Bạo Lực. Ông nêu các trường hợp tiêu biểu sau đây:

1. Triết gia Ấn Độ Swami Vivekananda nói trong một cuộc họp ở Luân Đôn vào năm 1896 rằng: “Trong kinh Quran, có giáo lý dậy rằng con người không tin vào những tín lý này thì phãi giết đi. Giết người ấy là sự thương xót. Hãy nghĩ đến việc đổ máu. Đổ máu và niềm tin có liên hệ nhân quả”.

2. Vào năm 1922, bà Annie Besant, một nhà cải cách xã hội nổi tiếng của Anh Quốc đã nói về Hồi Giáo như sau: "Lập luận của các nhà lãnh đạo Hồi Giáo cho rằng họ được tấn phong để tuân lệnh luật Hồi Giáo, chống lại luật lệ của quốc gia và phá vỡ trật tự và sự ổn định quốc gia".

3. Ông Ambedkar, người soạn ra bản hiến pháp Ấn Độ đã nhấn mạnh rằng: "Hồi Giáo phân chia thế giới thành hai miền. Miền gọi là Dar-ul Islam (Abode of Islam) là nơi của người Hồi Giáo. Miền kia gọi là Dar-ul Harb (Abode of War) tức miền của chiến tranh. Những quốc gia nào chưa do người Hồi Giáo kiểm soát thì phải gây chiến"

4. Sau vụ một người Hồi Giáo quá khích giết giáo sĩ Swami Shraddhanand của Ấn Giáo vào tháng 12 năm 1926, Thánh Mahatma Gandhi tuyên bố: “Những người Hồi Giáo có một thử thách cam go phải vượt qua. Chắc chắn họ được tự do sử dụng giao và súng. Lưỡi gươm là biểu hiệu của Hồi Giáo. Nhưng người Hồi Giáo được sinh ra trong môi trường sẵn có gươm và gươm vẫn tồn tại đến ngày nay. Gươm là luật tối thượng. Sứ điệp của Chúa Giêsu chứng tỏ bị vô hiệu hóa vì môi trường ấy không sẵn sàng chấp nhận sứ điệp của Chúa. Do vậy với sứ điệp của đấng Tiên Tri (tức Mohammed) thanh gươm vẫn là biểu tượng của người Hồi Giáo. Hồi Giáo muốn nói ý nghĩa hòa bình, phải bỏ gươm vào bao.”

5. Trong những năm gần đây ông Samuel Huntington, Giáo Sư viện đại học Harvard đưa ra lý thuyết về Sự Xung Đột Văn Minh (Clash of Civilisation’s theory). Ông đưa ra nhận xét “ Kinh Quran và niềm tin Hồi Giáo chứa đựng rất ít ý tưởng cấm dụng bạo lực. Và ý niệm bất bạo động không có trong giáo lý và việc hành đạo của Hồi Giáo.”

6. Sau khi ĐGH Bênêđictô nói về Hồi Giáo được một tuần, TGM Lord Carey, nguyên Tổng Giám Mục Canterbury của Anh Giáo và TGM Christodoulos, của Chính Thống Giáo Hy Lạp đã không sợ sệt, không quan tâm đến những lời đe dọa hay phản đối của Hồi Giáo, cả hai đã lên tiếng mạnh mẽ hơn về Hồi Giáo và lập trường của hai vị đó giống với quan điểm của ĐGH.

Đức TGM Christodoulos nói với các tín hữu của mình ở Athèns rằng : “Người Kitô giáo ở Phi Châu đang chịu khổ sở vì những người Hồi Giáo quá khích. Nữ tu Công Giáo đã bị người Hồi quá khích sát hại”

Nói về đề tài : Thánh Giá và Trăng Lưỡi Liềm: Sự Xung Đột Đức Tin Trong Thời Đại Tục Hóa (The Cross and the Crescent: The clash of faiths in an age of secularism"), nguyên TGM Canterbury của Anh Giáo đã dùng những lời lẽ mạnh mẽ hơn nhiều so với lời dẫn của ĐGH. TGM Anh Giáo Lord Carey nói : “Những biên giới của Hồi Giáo đầy máu, kể cả những gì ở bên trong. Vấn đề cơ bản không phải là chủ thuyết Hồi Giáo bảo thủ. Hồi Giáo có một nền văn minh khác biệt mà họ xác tín rằng văn hóa của họ chiếm thế thượng phong và họ lại bị ám ảnh bởi một chuyện quyền lực của họ lại ở vị thế yếu kém”

Sau khi trích dẫn lời nói của các nhân vật lịch sử kể trên, tờ báo đặt ra câu hỏi: “Vậy chuyện gì sẽ xảy ra cho những điều ĐGH đã nói cách đây mấy ngày ở Đức? Chúng ta có nên đem những lời nói của thánh Gandhi, triết gia Ambedkar, nhà cải cách Annie Besant, giáo sĩ Vivekananda để bỏ vào hộc tủ lịch sử không? Và chúng ta có nên bỏ qua chuyện của những tên quá khích nóng nảy trong thế giới Hồi Giáo không? Hay là chúng ta phải đứng lên nói cho những người quá khích này biết rằng thế giới tự do dân chủ đã hết kiên nhẫn với họ rồi. Sự sợ hãi của thế giới không theo Hồi Giáo đối với đạo Hồi là chuyện có thật. Người Hồi Giáo hãy nhận thức điều đó và hãy đưa ra sáng kiến nào để mình có một bộ mặt ôn hòa hơn. Việc đó không ai làm thay được, chỉ có người Hồi Giáo.