Những quan điểm về vụ tranh vẽ châm biếm Hồi Giáo



Tháng 9 năm 2005 vừa qua, tuần san Charlie Hebdo ở Đan Mạch đăng hình vẽ châm biếm tiên tri Hồi Giáo Mohammed đội trên đầu chiếc khăn hình một quả bom đang đứng giữa những người đàn bà bịt kín mặt mũi, trong dáng dấp của một người lạc tính. Sau đó, một số tờ báo các nước khác ở Âu Châu cũng trích đăng hình vẽ đó. Ban biên tập của tuần san Charlie Hebdo nói rằng ấn bản in hình nói trên đã bán chạy như tôm tươi nên họ phải in thêm. Nhiều sạp bán báo tại Paris cũng cho biết họ đã bán sạch những số báo có in hình châm biếm này.

Những hình vẽ châm biếm đó trong tháng 2 này đã gây phản ứng dữ dội từ phía thế giới Hồi Giáo với những làn sóng biểu tình bạo động bắt đầu bùng nổ tại khu vực các nước Ả-Rập rồi lan dần sang các nước có đa số dân theo Hồi Giáo kể cả nước Nam Dương ở Đông Nam Á, nay đã tràn qua một số quốc gia Tây Phương. Hiện tượng này đã gây ra nhiều phản ứng khác nhau. Ngày 8.2.2006, Tổng Thống Pháp Jacques Chirac đã lên án hành động mang tính "khiêu khích" của một tờ báo Pháp do đã in lại những bức họa châm biếm tiên tri Mohammed của Hồi Giáo. Ông nói rằng tự do ngôn luận là một trong các nền tảng của Cộng Hòa Pháp nhưng không nên lạm dụng quyền này. Ông cũng kêu gọi lòng vị tha và sự tôn trọng đối với tất cả các niềm tin tôn giáo. Tổng Thống George W. Bush cũng đã phát biểu tương tự. Ngoài ra, vị Trợ Lý Ngoại Trưởng Nick Burns, nhân vật thứ ba trong Bộ Ngoại Giao Mỹ, đồng ‎ý rằng hình vẽ châm biếm nói trên xúc phạm ghê gớm, nhưng không có lý do gì để xảy ra các vụ tấn công dữ dội vừa qua nhắm đến các sứ quán của Đan Mạch, Na Uy, và nước Pháp. Ông mong các chính phủ Hồi Giáo và Ả Rập trên thế giới phải có nghĩa vụ bảo vệ các cơ quan ngoại giao, và thúc đẩy không khí tự do trao đổi ý tưởng, cũng như tranh luận.

Ngày 10.2.2006, trong một hội nghị quốc tế ở Kuala Lumpur, Thủ Tướng Malaysia, ông Abdullah Ahmad Badawi, than phiền nhiều người Tây Phương xem đạo Hồi đồng nghĩa với bạo lực và tín đồ Hồi Giáo là kẻ khủng bố bẩm sinh. Ông kêu gọi hai phía tìm cách giảm bớt chủ nghĩa cực đoan và thúc đẩy sự ôn hòa. Trong khi đó, Bà Ayaan Hirsi Ali, một dân biểu Hồi Giáo trong Quốc Hội Hà Lan, lại so sánh Hồi Giáo với chủ nghĩa cộng sản. Bà nói việc đăng tải hình vẽ đấng tiên tri Mohammed không chỉ là quyền, mà còn là nghĩa vụ, bởi vì một nền dân chủ không thể tồn tại nếu không có quyền tự do bày tỏ quan điểm. Bà nhấn mạnh: "Ngày nay, xã hội cởi mở đang bị chủ nghĩa Hồi Giáo thách thức. Nhiều người Hồi Giáo rất hiền hoà, không phải tất cả đều cuồng tín."

Bất hạnh thay, phản ứng bạo loạn thiếu suy nghĩ của số đông tín đồ Hồi Giáo hiện nay đã biến những người theo đạo Hồi chân chính, hiền hòa khắp nơi trên thế giới trở thành mục tiêu và nạn nhân của kỳ thị và thù nghịch. Thật ra, không phải chỉ có Hồi Giáo mới bị chế giễu. Chúa Giêsu Kitô đã bị xử án bất công, bị đóng đinh và bị giết một cách dã man và nhục nhả trên thập tự giá để mang lại tình thương và an bình cho nhân loại mà ngày nay vẫn có người nhẫn tâm bôi nhọ Chúa Giêsu bằng phim ảnh và sách báo tại nhiều nơi trên thế giới. Nhưng may mắn thay, chưa hề xảy ra vụ phản đối bạo động nào gây nhiều chết chóc và thiệt hại tài sản của kẻ vô tội như chúng ta đau lòng phải chứng kiến mỗi ngày.

Điển hình nhứt là trong năm qua, tác giả Dan Brown qua quyển tiểu thuyết “The Da Vinci Code” đã bóp méo nhân vật Giêsu và một số nhân vật khác trong Thánh Kinh như Maria Magdalêna, xuyên tạc sự thật bằng trí tưởng tượng của mình, với một tình tiết, một lối hư cấu và một cốt truyện hấp dẫn lôi cuốn người đọc khiến quyển sách trên trở thành sách bán chạy nhất. Nhưng các Kitô hữu chỉ có những phản ứng nhẹ nhàng, lịch sự và rất tích cực bằng trưng dẫn một cách bình tĩnh và hiền hòa những tài liệu trình bày sự thật, như nhà biên khảo Richard J. Mouw đã viết, “Người ta khắp nơi đang nói về câu chuyện này, và tôi biết rằng, là những kẻ có đức tin, không có gì làm giảm sút niềm tin của chúng ta mau chóng hơn là than phiền về những điều mà chúng ta không biết gì cả… Tôi hy vọng nhiều Kitô hữu sẽ cùng tôi coi hiện tượng văn hóa này thật nghiêm túc. Hãy đọc quyển tiểu thuyết ấy và xem phim! Và đừng lo lắng việc mình mua sách và xem phim tăng thêm mối lợi tài chính cho tác giả Dan Brown. Theo các báo cáo công bố năm ngoái, tiền bản quyền tác giả trong năm của ông ta lên đến 50 triệu mỹ kim. Việc bỏ thêm vào túi ông ta vài ba mỹ kim nữa cũng cần thiết và đáng làm, miễn là có thể huy động được nhiều người tham gia cuộc trò chuyện để hiểu biết về câu chuyện kể của tác giả. Điều đáng buồn là Dan Brown đã trình bày một cái nhìn bị bóp méo tai hại về con người Chúa Giêsu. Còn điều đáng mừng là bởi vì những gì ông ta đã viết cho nên nhiều người đang nói về Giêsu. Tất cả chúng ta cần chuẩn bị để tham gia cuộc trao đổi chuyện trò. Không còn đề tài nào khác quan trọng hơn!”

Ước chi các anh chị em tín đồ Hồi Giáo đã hành động theo lời khuyên của Thánh Giacôbê “Anh chị em nên biết rằng: mỗi người phải mau mắn lắng nghe, đừng vội nói và hãy chậm nổi giận, vì khi nóng giận, con người không thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa.”. Chắc chắn các anh chị em Hồi Giáo sẽ suy nghĩ chín chắn hơn về l‎ý do đưa đến việc phổ biến các hình ảnh châm biếm đó, và họ quay lại phản đối chính những đồng đạo quá khích và cuồng tín của mình mới phải, nhứt là hàng giáo sỹ tham sân si và một số chính trị gia hoạt đầu đã xúi giục họ biểu tình, phản đối, nổi loạn, ôm bom tự sát giết hại dân lành vô tội, giết cả đồng đạo của mình nữa.