I.Một thế giới Kitô giáo dịu dàng hơn

Trên tờ New York Times tháng 6 năm 2022, Ross Douthat có bài nhận định về một Thế giới Kitô giáo dịu dàng hơn [a Gentler Christendom] theo quan điểm của Jacques Maritain.



Các Kitô hữu đương thời nên phản ứng như thế nào trước sự suy sụp của các Giáo Hội của họ, sự tục hóa nền văn hóa, sự mất mát cuối cùng của thế giới Kitô giáo? Có lẽ, một tác giả quan trọng từng đề nghị, họ nên tự hòa giải với sự xếp đặt mới của trời, chấp nhận rằng “thời hiện đại không phải là thời đại thánh thiêng, mà là thời đại thế tục,” nhà nước không còn có thể bị đối xử như là “cánh tay thế tục của quyền lực thiêng liêng nữa, "tự do lương tâm cá nhân" là một trong những "tài sản quan yếu" của nền văn minh của chúng ta. Theo trật tự mới này, bất cứ phương thức tiếp cận chính trị nào của Kitô giáo đều phải chấp nhận sự kiện chủ nghĩa đa nguyên, với “các dòng dõi tâm linh đa dạng” của nó và “nhiều tín điều đạo đức đa dạng”, và đặt hy vọng của nó vào quyền tự do của Giáo Hội, cơ hội của nó để hoạt động như “men thiêng liêng” thoát khỏi mọi sa đọa của quá khứ.

Nếu điều này nghe có vẻ như đầu hàng trước tinh thần thời đại, thì có một quan điểm khác. Thay vào đó, các Kitô hữu có thể bắt đầu xây dựng “một thế giới Kitô giáo mới, một nền văn minh mới lấy cảm hứng từ Kitô giáo”. Họ có thể cố gắng mang lại sự sống mới từ những gì còn sót lại của nền văn hóa Kitô giáo - “các tâm tư Kitô giáo thường vô thức và các cấu trúc đạo đức hiện thân trong lịch sử của các quốc gia được sinh ra từ thế giới Kitô giáo cũ.” Họ có thể tìm cách xoay chuyển nhà nước khỏi chủ nghĩa thờ ơ đạo đức đầy nguy hiểm, vì “mục tiêu cuối cùng của luật pháp là làm cho con người trở nên tốt về mặt đạo đức,” và hướng tới sự công nhận của công chúng đối với Thiên Chúa và đức tin Kinh thánh.

Trên hết, họ nên bác bỏ cái ảo giác trung lập hoàn hảo về đạo đức và thần học. Vì trên thực tế, “thế giới đã từ bỏ trung lập từ lâu rồi. Dù muốn hay không, các Nhà nước cũng buộc phải lựa chọn một là ủng hộ hai là chống lại Tin Mừng. Họ sẽ được lên khuôn bởi tinh thần toàn trị hoặc bởi tinh thần Kitô giáo."

Những trích dẫn tương phản trên cung ứng một lượng giá hợp lý về một trong những chia rẽ quan trọng trong giới trí thức Kitô giáo ngày nay - không những khiến phe bảo thủ chống lại phe cấp tiến mà còn khiến phe bảo thủ chống lại nhau, trong một cuộc tranh luận về việc Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô nên nghĩ về chủ nghĩa cấp tiến, chủ nghĩa thế tục, Hoa Kỳ, và chính thời hiện đại ra sao.

Nhưng thực tại là tất cả những câu trích dẫn trên đều thuộc về cùng một nhà văn. Thật vậy, không những từ cùng một nhà văn, mà từ cùng một nhà văn trong cùng một chương của cùng một cuốn sách duy nhất: đó là Jacques Maritain, viết về “Giáo hội và Nhà nước” trong chương thứ sáu của cuốn Man and the State (Con người và Nhà nước), xuất bản năm 1951. Và thực tại là người ta có thể xây dựng những câu chuyện khác nhau như vậy từ một tiểu luận duy nhất cho thấy rằng việc quay lại với công trình của Maritain có thể làm sáng tỏ nhiều điều đáng lưu ý về những tranh cãi của chính chúng ta, gần ba thế hệ sau.

Trong chương được đề cập, Maritain - như một phần của một phong trào lớn hơn - cố gắng khai triển giáo huấn Công Giáo về mối liên hệ giữa Giáo hội và nhà nước ngoài quan điểm truyền thống của Giáo hội ông khi cho rằng, một cách lý tưởng, hai quyền lực nên thống nhất trên thực tế, được tích nhập vào nhau như linh hồn và thể xác tích nhập vào nhau trong suy nghĩ và hoạt động. Quan điểm cũ hơn hàm nghĩa rằng Công Giáo nên được công nhận là tôn giáo chính thức của nhà nước, cần có một số sự phục tùng của quyền lực thế tục đối với quyền lực phẩm trật của Giáo hội, và Giáo hội phải có khả năng hoàn toàn dựa vào quyền lực thế tục để thực thi các đòi hỏi của riêng mình đối với tất cả các Kitô hữu đã chịu phép rửa — khiến quyền lực nhà nước sẵn sàng cưỡng chế những kẻ dị giáo và ly giáo, duy trì tính độc dạng hơn là đa nguyên trong thực hành và niềm tin Kitô giáo.

Vào đầu thế kỷ 20, Giáo Hội Công Giáo sẵn sàng chấp nhận rằng sự sắp xếp trên thường là bất khả thi trong thực tế, nhưng nó vẫn được duy trì như một lý tưởng chính thức, một điểm đến được ngay cả một nước cộng hòa đa dạng và thiên nặng về Thệ phản như Hoa Kỳ hy vọng. Ngược lại, Maritain lập luận, một cách hết sức quan tâm và thận trọng, cho một sự thay đổi minh nhiên hơn, một sự thay đổi trong đó Giáo hội nên nói rằng lý tưởng của các mối liên hệ giữa Giáo hội và nhà nước thời Trung cổ “thánh thiêng” không còn được áp dụng trong thời hiện đại “thế tục” nữa, và mối liên hệ lý tưởng giờ đây đã khác rồi — đến nỗi không thể quay trở lại với thần học chính trị, chẳng hạn, của Tòa án Dị giáo Tây Ban Nha nữa.

Dù Maritain có thành công hay không về mặt trí thức khi lập luận rằng sự thay đổi này có thể xảy ra mà không có sự thay đổi về tín lý chính thức, thì trên thực tế, ông và những người khác đã thành công trong việc đẩy nhanh việc thay đổi thái độ công khai của Giáo hội mình. Vào thời Man and the State, những tuyên bố của các vị giáo hoàng đã có vẻ thuận lợi hơn cho những ý tưởng về tự do tôn giáo, và mười bốn năm sau, Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo của Công đồng Vatican II đã phê chuẩn một sự thay đổi lớn. Sau đó, theo mức độ giáo huấn cũ vẫn còn đó, nó đã coi giáo huấn này như một khía cạnh cần che giấu, một bí mật duy truyền thống được bọc kỹ bằng những mỹ từ có âm thanh hiện đại. Ngay cả các học giả như Thomas Pink, những người cho rằng Công đồng thực sự vẫn duy trì giáo huấn cũ, tức lý tưởng duy toàn diện (integralist), cũng có xu hướng dựa vào việc đọc kỹ và phân tích cú pháp cẩn thận, trong khi thừa nhận rằng về việc Giáo hội tự trình bầy về chính mình, các ý niệm của nền “thần học chính thức” – để phân biệt với nền “thần học huấn quyền” không sai lầm – như của Maritain mang tất cả những gì có trước chúng.

Nhưng họ làm như vậy, một cách chủ yếu, vì họ hứa hẹn một điều gì đó không chỉ đơn giản là sự tách biệt giữa Giáo Hội và nhà nước, và chắc chắn một điều gì đó hơn cả sự hòa giải với chủ nghĩa cấp tiến ở khía cạnh tục hóa nhất của nó. Các nhị nguyên biểu kiến trong tiểu luận của Maritain phản ảnh yếu tố chủ chốt trong lập luận của ông, đó là: trong việc gạt bỏ bất cứ chủ trương chính thức nào về quyền lực chính trị, như việc bỏ mũ ba tầng của Giáo Hoàng, Giáo Hội của Chúa Kitô không những chỉ duy trì ảnh hưởng, mà còn mong muốn có được một quyền bá chủ mềm, một quyền lực trong bối cảnh đa nguyên được thực hiện một cách gián tiếp hơn nhưng vẫn giữ nguyên quyền lực thực sự - thực vậy, đủ thực để xứng với nhãn hiệu cũ “Thế giới Kitô giáo”, bất chấp các đặc điểm hiện đại của nó khác biệt ra sao.

Quyền lực trên trước hết sẽ phát sinh từ điều Maritain gọi là “nguồn cảm hứng sinh động” (vivifying inspiration). Giáo Hội tách biệt khỏi nhà nước và thoát khỏi một số sa đọa và cám dỗ nào đó sẽ rạng rỡ hơn, với “ảnh hưởng thâm nhập và sinh động” đối với “các tác nhân khác... có vị trí thấp hơn trong bậc thang hữu thể.” Nhưng ảnh hưởng đó sẽ không chỉ được cảm nhận trong lương tâm cá nhân. “Các tác nhân khác” của Maritain bao gồm tất cả các hình thức quyền lực thế tục, quyền làm luật và lên khuôn văn hóa, điều mà ông mong đợi sẽ đứng về phía Tin Mừng, không bao giờ áp đặt mọi tín lý của mình nhưng vẫn làm sinh động bằng các giáo huấn của mình, vẫn tìm kiếm một nền chính trị Kitô giáo giữa bối cảnh đa nguyên trong niềm tin thần học.

Nếu từ vọng nhìn của năm 1951 - Maritain là một người theo phe cấp tiến, thì từ vọng nhìn của năm 2022, giọng ông nghe có vẻ như giọng của một trong những nhà hậu-cấp tiến của chúng ta hơn, với lời hứa của họ về một xã hội “được sắp xếp lại vì lợi ích chung và cuối cùng là Điều thiện Cao nhất,” nói theo câu tấn công nổi tiếng của Sohrab Ahmari chống lại phe hữu cấp tiến cổ điển.

Viễn kiến của Maritain loại trừ sự cưỡng bức niềm tin nhưng rõ ràng vẫn cho phép, trong giới hạn khôn ngoan, tất cả các cách thức làm luật đạo đức, làm luật sabát (*), cấm nội dung khiêu dâm và phải cầu nguyện trong các trường học. Nó đòi hỏi việc khoan dung tôn giáo và sự tách biệt giữa Giáo Hội và nhà nước nhưng không mong đợi việc mọi nhóm tôn giáo đều được hưởng cùng một ảnh hưởng hoặc tôn trọng như nhau. Nó mong muốn nhà nước có thể khoan dung sự yếu đuối của con người nhưng cũng phải tìm cách cải thiện đạo đức, không đơn giản để mặc các cá nhân cho các trò phóng túng của họ. Nó giả định một số thừa nhận công khai về sự hiện hữu của Thiên Chúa, thậm chí một số “phát biểu công khai” về “việc tuyên xưng Kitô giáo”.

Và nếu viễn kiến về xã hội Kitô giáo này có vẻ hơi mơ hồ và trừu tượng, cũng như duy tâm và lạc quan quá mức — nếu hai động lực được trích dẫn ở phần đầu của tiểu luận này không hoàn toàn hài hòa — thì Maritain vẫn có thể cho rằng nó quả có một cơ sở tuy không được thiện cảm nhưng thực tế trong thế giới thực. Với bất cứ hành trang lý thuyết nào, chủ yếu ông mô tả một điều giống như mô hình Hoa Kỳ giữa thế kỷ về mối liên hệ giữa Giáo Hội và nhà nước, về nền chính trị Kitô giáo diễn ra trong một xã hội đa nguyên, tuy trong lập luận của mình, ông tái tưởng tượng một xã hội với đa số Công Giáo hơn là đa số Thệ phản.

Nói cách khác, việc thực thi thích đáng quyền lực Kitô giáo trong những điều kiện hiện đại, không chỉ hiển hiện trong một số điều không tưởng về mặt lý thuyết. Nó đã đủ rõ ràng trong vai trò mà các Giáo Hội Thệ phản đã đóng ở Hoa Kỳ trong nhiều thế hệ và cuối cùng được Giáo Hội Công Giáo tham gia. Ở đây niềm tin Kitô giáo không bị áp đặt, cũng như không có bất cứ giáo phái cá thể nào được đặc quyền. Tuy nhiên, Hoa kỳ rõ ràng là một xã hội Kitô giáo, được phó thác cho Đấng Toàn năng trong Lời thề Trung thành (pledge of Allegiance) và trên đồng tiền của họ, Kitô giáo trong thực hành, hơn nhiều nước châu Âu, với sức mạnh của đức tin hiển hiện trong vai trò lên khuôn mà các ý tưởng Kitô giáo đã đóng trong rất nhiều định chế và các cuộc tranh luận của nó.

Không bao giờ đòi hỏi phải hành động phù hợp với tín ngưỡng, Kitô giáo Hoa Kỳ không ngừng tranh luận về việc áp dụng đúng nguyên tắc Kinh thánh và luật tự nhiên vào chính trị thế tục, liên tục tạo ra các phong trào cải cách tôn giáo với viễn kiến xã hội hoặc kinh tế vì lợi ích chung. Và kinh nghiệm lâu dài đó - từ chủ nghĩa bãi nô đến phong trào ôn hòa, từ Tin Mừng xã hội đến Thỏa thuận mới, với phong trào thức tỉnh lòng đạo (revivalism) như một hằng số xuyên suốt, đã chứng minh tính hợp lý căn bản của viễn kiến Maritain. Nhà nước có thể tách mình ra khỏi Giáo Hội mà không tách Kitô giáo ra khỏi chính trị, không làm suy yếu đức tin Kitô giáo, thậm chí không từ bỏ chính lý tưởng thế giới Kitô giáo.

Ngày nay chúng ta biết rằng sự lạc quan này chỉ giá trị có lúc (timebound) và yểu mệnh. Các dàn xếp tôn giáo mà Maritain đã quan sát ở Mỹ, sự pha trộn giữa sự tách biệt Giáo Hội và nhà nước và quyền bá chủ mềm của Thệ Phản, đã tan biến qua nhiều thế hệ sau tiểu luận của ông, và chủ nghĩa bảo thủ tôn giáo từng tìm cách khôi phục một thế giới Kitô giáo Mỹ bằng liên minh Công Giáo-Tin lành, đến lượt nó, đã bị đánh bại. Ở châu Âu, một mô hình Maritain được cho là có thể thực hiện được trong khoảng thời gian ngắn ngủi lúc sinh thời của ông, thời đại Dân chủ Kitô giáo của Konrad Adenauer, Alcide De Gasperi và Jean Monnet — và rồi bị giải thể tương tự thành hiện tượng phi Kitô hóa, với bất cứ phương thức thay thế nào cũng bị giới hạn ở các vùng ngoại vi của lục địa.

Trải nghiệm này đã tạo ra nhiều lời phê bình khác nhau về viễn kiến ban đầu của Maritain trong số các nhà văn đang sàng lọc đống đổ nát của Kitô giáo phương Tây. (Và cần phải lưu ý rằng tất cả các lời phê bình này đều theo bước chân của chính Maritain, vì từ thời The Peasant of the Garonne [Người nông dân xứ Garonne], tiếng than vỡ mộng cuối đời, giữa những năm 1960 của ông, ông xác tín rằng niềm hy vọng trước đó của ông “về việc ra đời của một nền chính trị Kitô giáo” đã “hoàn toàn nản chí.”)

Đối với mục đích của chúng ta, lời phê bình thẳng thừng nhất trong số này là lập luận cho rằng Maritain quá ngây thơ về những gì sẽ xảy ra, sớm hay muộn, từ việc Giáo Hội từ bỏ quyền lực chính trị chính thức. Dù đức tin giữ lại được quyền lực mềm nào đi nữa, thì các điều khoản từ bỏ này, trong căn bản vẫn khiến Kitô giáo phải rơi vào sự xài xể của nhà nước — và như Pink từng viết trong một lời phê bình trực tiếp hơn đối với Church and State [Giáo Hội và Nhà nước], kể từ những năm 1950 “việc thế tục hóa chính trị đã không mang một hình thức nhân từ nào” như Maritain dự đoán.

Thay vì vun xới (như Maritain hy vọng) sự phân biệt rõ ràng hơn giữa trần thế và thánh thiêng, cảm thức rõ ràng hơn về tính ưu việt của Giáo Hội so với lĩnh vực chính trị, nhà nước thế tục ngày nay áp đặt nó lên Kitô giáo hơn bao giờ hết, liên tục đòi hỏi những điều vốn thuộc Giáo Hội, coi thường các giới hạn quyền lực của nó mà Maritain, cũng như các thẩm quyền của Công đồng Vatican II, cho rằng mình nắm giữ. Và rồi bài học, đặc biệt đối với các nhà văn có thiện cảm với phong cách duy toàn diện [integralism] cũ - có thể là: một chế độ không minh nhiên sử dụng quyền lực của mình để ủng hộ đức tin chân chính, cuối cùng sẽ sử dụng những quyền lực đó chống lại đức tin, và nếu bạn từ bỏ tất cả các yêu sách đòi thẩm quyền đối với nhà nước, cuối cùng bạn sẽ nhận được sự thù địch của nó.

Từ lời phê bình này, bạn có thể nói tới câu chuyện suy sụp của Kitô giáo ở Mỹ, trong đó nhà nước thế tục trở thành tay chơi chính. Theo lý thuyết này, quyền bá chủ mềm của Thệ Phản Hoa Kỳ không những chỉ thất bại từ những năm 1950 trở đi. Thay vào đó, nó đã bị đánh phá bởi quyền lực chính trị trần trụi, bắt đầu bằng các quyết định của Tối cao Pháp viện về việc cầu nguyện trong trường học và tiếp tục từ phán quyết Roe v. Wade qua phán quyết Obergefell v. Hodges, cùng với các cú đánh phá về xã hội và kinh tế cũng như các cuộc cách mạng từ trên cao bổ xuống. Quyền lực mềm của Kitô giáo mà Maritain quan sát và ca ngợi không thể sánh được với quyền lực cứng của giới tinh hoa tự do và tân tự do. Loại tính thế tục chính trị chuyên biệt được ông bảo vệ luôn có định mệnh phải nhường chỗ cho một điều khác thế, ít nhân từ và Kitô giáo hơn, trái lại, hung hăng hơn, độc đoán và bất khoan dung hơn.

Điểm cuối cùng trên, về bản chất có thời hạn trong lập luận của Maritain, đại diện cho lời phê phán mạnh mẽ nhất, vì ngày nay không thể đọc Maritain mà không thỉnh thoảng lưu ý tới sự rung cảm quá lạc quan đã thông tri cho rất nhiều bài viết tôn giáo giữa Thế chiến II và những năm 1960 — tức tâm tư cho rằng bạn đang nghe một nhà quy hoạch đô thị giữa thế kỷ tự tin sẽ bán cho bạn một căn hộ ở Brasilia — và mười lăm năm sau, trông đã có tính giới hạn về thời gian đối với chính bản thân Maritain rồi, chứ đừng nói đến chúng ta ngày nay.

Nhưng với sự nhượng bộ đó, người ta có thể đưa ra hai lập luận để bảo vệ viễn kiến chung của Maritain. Lập luận đầu tiên thách thức chủ trương cho rằng động lực chính thúc đẩy sự rút lui của Kitô giáo Hoa Kỳ là sức mạnh của một nhà nước thế tục và phản Kitô giáo. Đúng, quyền lực nhà nước đáng kể đối với sự thay đổi tôn giáo, nhưng theo cách thường mang tính tạm thời hơn là dứt khoát và thường không những phụ thuộc vào các xu hướng văn hóa và xã hội nói chung, mà còn phụ thuộc các phát triển và khủng hoảng trong chính Giáo Hội Kitô giáo.

Vì vậy, các phán quyết về cầu nguyện tại trường học, chẳng hạn, đã giáng một đòn mạnh vào quyền bá chủ mềm của Thệ Phản, nhưng sự thù địch tư pháp đối với các biểu hiện công khai của Kitô giáo đã lên đến cao điểm vào những năm 1960 và đầu những năm 1970 và đã bị các thẩm phán thân thiện hơn với tự do tôn giáo lật ngược lại một phần trong những thập niên kể từ đó. Các phán quyết quan trọng của Tối cao Pháp viện về vấn đề đồng tính luyến ái theo sau sự thay đổi rộng rãi trong dư luận thay vì đi trước các quyết định đó, chỉ phê chuẩn một cuộc cách mạng văn hóa chứ không áp đặt cuộc cách mạng đó. Việc sử dụng luật dân quyền gần đây để xách nhiễu các Kitô hữu bảo thủ chỉ là thế thôi — một phát triển gần đây trở thành khả hữu do sự yếu đuối của Kitô giáo, chứ không phải là hệ quả tức thời và không thể thay đổi của các luật lệ đã được thông qua gần sáu mươi năm trước. Và trong khi phán quyết của Tối cao Pháp viện về việc phá thai quả đã áp đặt một mệnh lệnh cách mạng, vì phong trào ủng hộ sự sống là thành phần duy nhất của chủ nghĩa bảo thủ tôn giáo đã thực sự có cơ sở kể từ những năm 1970, thật khó để lập luận rằng Roe v. Wade giải thích được phong trào thế tục hóa, sự suy giảm của việc nhận diện tôn giáo, sự yếu kém về văn hóa của các Giáo Hội.

Thay vào đó, lời giải thích quan trọng hơn nằm ở bên trong, trong sự chia rẽ nội bộ của Kitô giáo, sự thất bại của nó trong việc phản ứng hữu hiệu đối với những thay đổi xã hội và kinh tế và kỹ thuật, các cuộc nội chiến thần học và sự thất bại của giới lãnh đạo và những vụ tai tiếng nghiêm trọng. Không có thẩm quyền thế tục tàn nhẫn nào đã đẩy chính dòng Thệ Phản sụp đổ. Cuộc khủng hoảng đức tin của các nhà lãnh đạo Chính Dòng, các giám mục và các nhà thần học, những người phủ nhận các học thuyết cốt lõi của Kitô giáo, việc chạy theo các chính nghĩa chính trị một cách tuyệt vọng để bù đắp cho sự suy giảm nhiệt tình truyền giáo — ngay cả xu hướng, có từ trước những năm 1960, chấp nhận để giai cấp thượng và trung lưu của các phái Trưởng lão, Luthêrô và Giám lý, ít có con hơn - tất cả những điều này đáng kể hơn nhiều so với bất cứ điều gì được Tòa án Warren hay chủ nghĩa tân cấp tiến thực hiện.

Tương tự như vậy, thật khó thấy một phán quyết của Tối cao Pháp viện cấm cầu nguyện trong trường học công lập lại dẫn đến sự suy giảm nhanh chóng sau những năm 1960 của hạ tầng cơ sở Công Giáo ở Mỹ — một hạ tầng cơ sở mà xét cho cùng, đã được thiết lập chính là để thay thế cho Thệ Phản mềm trong giáo dục công lập, và đã phát triển mạnh mẽ trong một thời kỳ có nhiều áp đặt chống Công Giáo hơn so với bất cứ điều gì được nhà nước thế tục mang ra thi hành trong những năm 1960 và 1970.

Tuy nhiên, những năm đó, chứ không phải những năm 1870, là những thập niên Công Giáo khủng hoảng và sụp đổ — một lần nữa, không phải vì áp lực bên ngoài từ nhà nước, mà vì những chia rẽ nội bộ khủng khiếp về cách thích ứng, hay không, với các xu hướng xã hội và những thay đổi của thời đại. Công Giáo Hậu Vatican II bị chia rẽ về phụng vụ, thần học, đạo đức và chính trị, và sau đó việc khôi phục thống nhất một phần thời Đức Gioan Phaolô II đã bị hủy hoại bởi sự khủng khiếp của cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục. Nếu Giáo Hội tránh được tất cả những điều này, thì liệu vụ Griswold v. Connecticut có được quyết định cách khác không? Chắc chắn là không: Việc đổ vỡ của đạo Công Giáo tiền công đồng là điều mà người Công Giáo đã tự làm.

Không nên ngạc nhiên khi công thức của Maritain cho một hình thức bá chủ mềm của Kitô giáo đã thất bại trong thời đại mà rất nhiều Kitô hữu mất niềm tin vào học thuyết của chính họ, khi các Giáo Hội bị chia rẽ về các giáo huấn thiết yếu và khi muối mất đi hương vị của nó theo nhiều cách gây tai tiếng. Công thức của ông về quyền lực Kitô giáo theo chủ nghĩa đa nguyên không đòi hỏi sự hoàn hảo của Kitô giáo — không ai gọi cơ sở Thệ Phản thế kỷ 19 ở Mỹ là hoàn hảo — nhưng nó đòi hỏi một mức độ tự tin về tín lý, sự phù hợp hợp lý giữa các cơ cấu giáo hội và các xu hướng xã hội, một cảm thức rõ ràng về lòng nhiệt thành truyền giáo. Vì vậy, sự kiện mô hình của ông thất bại trong thời đại khi người Công Giáo tranh chấp gay gắt về phụng vụ của chính họ, khi Chính dòng Thệ Phản mất niềm tin vào sự Phục sinh và Việc sinh hạ đồng trinh, và khi giới lãnh đạo của phong trào phúc âm thoái hóa từ Billy Graham xuống Jerry Falwell, Jr., đã kết tội các Kitô hữu của thời đại nhiều hơn nó kết tội mô hình của Maritain về việc xã hội Kitô phải hoạt động ra sao.

Cũng cùng thời kỳ đó, không có điển hình gây tác dụng ngược lại nào về việc mối liên hệ chặt chẽ hơn giữa Giáo Hội và nhà nước có thể cứu quyền lực của Kitô giáo khỏi bị che khuất. Hoàn toàn ngược lại: Mặc dù mô hình quyền lực của Mỹ trong bối cảnh đa nguyên không ngăn cản được sự suy tàn của Kitô giáo, nhưng sự suy thoái của đức tin và ảnh hưởng của Kitô giáo ít hoàn thiện hơn ở Hoa Kỳ so với những xã hội đã lên mô hình cho mối liên hệ nhà nước - giáo hội tích hợp hơn trước những năm 1960. Ý niệm tự biết là cứng ngắc, đầy hơi hướm Đại Tòa án Dị Giáo nghĩ rằng Giáo Hội có thể sống thoát tai tiếng, thay đổi xã hội và khủng hoảng thần học qua việc chỉ cần thực thi quyền lực có thể đúng trong một số trường hợp lịch sử nào đó, nhưng nó không tìm được điển hình nào để minh chứng trong lịch sử gần đây. Sự hội nhập nhà nước-nhà thờ mạnh mẽ hơn, chẳng hạn, ở Québec hoặc Tây Ban Nha hoặc Ái Nhĩ Lan đã chứng tỏ chỉ là con hổ giấy hơn là một người bảo vệ vững chắc kiểu Platông, và chỉ đơn giản sụp đổ khi nó bị thử nghiệm.

Trong khi đó — và ở đây chúng ta đến điểm thứ hai có thể được đưa ra để bảo vệ giả thuyết của ông — mô hình quyền lực- tôn giáo-giữa- tính đa nguyên của Maritain được cho là tiếp tục hoạt động khá ấn tượng ở nước Mỹ sau những năm 1960. Chỉ là vì một thế giới quan tôn giáo khác đã lấp đầy nơi mà cho đến nay Kitô giáo vốn chiếm giữ, nắm quyền bá chủ mềm của chính nó, lấp đầy khoảng trống do sự rạn nứt của Chính Dòng và những thất bại khác nhau của Công Giáo và Phong trào Phúc âm để lại. Quảng trường công cộng Hoa Kỳ, trong bối cảnh này, đơn giản trở nên “trần trụi” khi ảnh hưởng của Kitô giáo suy giảm. Thay vào đó, một xu hướng tôn giáo, vốn phụ thuộc trong suốt lịch sử Hoa Kỳ, mạnh mẽ nhưng không bá quyền, đã chiếm lấy vai trò mà Maritain đã hình dung cho Giáo Hội của mình và cho toàn bộ Kitô giáo nói chung.

Xu hướng này có thể mang nhiều nhãn hiệu, nhưng đối với mục đích của bài tiểu luận này, chúng ta có thể gọi nó là Thuyết Ngộ đạo Hậu Thệ Phản. Nó xuống dốc dọc theo các tuyến khác nhau từ Chủ nghĩa Duy thần của người Mỹ sơ khai, Chủ nghĩa siêu việt và những chủ nghĩa mê say sức khỏe và giầu có khác nhau. Nó hiển hiện trong các hình thức trị liệu tâm linh đã được tô vẽ trong những năm 1960 và 1970, vào thời điểm họ nắm được quyền lực, bởi các nhà văn như Philip Rieff và Robert Bellah. Và hiện bây giờ nó đang hoạt động trong cuộc sống của người Mỹ gần như cùng một cách, với cùng một kiểu ảnh hưởng, mà Phong trào Thệ phản Chính dòng đã làm cách đây một trăm năm.

Vì nó thiếu các định nghĩa tín lý chắc chắn và các phẩm trật giáo hội, và đưa vào hàng ngũ của mình một hỗn hợp các cam kết chính thức — thế tục và thiêng liêng, ngoại giáo, Kitô giáo hơi hướm và Kitô giáo hẳn hoi — cái tính giáo hội này của tôn giáo không hiển thị ngay lập tức, đó là một lý do mà các Kitô hữu trong những năm 1960 và 1970 thường lo lắng về chủ nghĩa vô thần thuần túy hơn là về thế giới quan đang thực sự chiếm mất vị trí của họ trong nền văn hóa.

Nhưng theo thời gian, cái nhãn hiệu được những kẻ phản động áp dụng cho việc hình thành hậu Kitô giáo này, "Nhà thờ chính tòa", ngày càng trở nên phù hợp hơn. Giống như cơ sở tôn giáo cũ, thuyết ngộ đạo ngày một lên cao đã hoạt động qua một tập hợp các định chế giống như một ecclesia (giáo hội) —qua các định chế cũ của Kitô giáo Thệ Phản, đặc biệt là các trường đại học của nó, và cũng qua các định chế mới lạ hơn, từ mớ bòng bong các quĩ và các tổ chức từ thiện lớn và các cơ đội tranh đấu đến "nhà thờ của quần chúng" hiển hiện trên các phương tiện truyền thông và truyền hình và Thung lũng Silicon.

Giống như cơ sở Kitô giáo cũ, bá quyền mới này chứa đựng một lượng lớn sự đa dạng thần học, và giống như cơ sở cũ, nó trải qua các giai đoạn phục hưng và bất ổn nội tâm, trong đó những căng thẳng nội bộ của nó được tranh luận và tái lên khuôn. “Tân Đại” [New Age] của những năm 1960 có tính đào tạo giống như thời đại của George Whitefield và Jonathan Edwards có tính đào tạo đối với Phong trào Thệ Phản cộng hòa sơ khai; Phong trào “Great Awokening” [Đại Thức Tỉnh] hiện tại giống như phong trào Awakening [Thức Tỉnh] ở thế kỷ 19 trong nỗ lực đổi mới và định hình lại các định chế khác nhau của Giáo Hội.

Điều quan trọng, thuyết ngộ đạo mỗi ngày một lên cao này ảnh hưởng đến xã hội gần như cùng một cách với mô hình của Maritain. Nó sử dụng quyền lực của mình chủ yếu qua ảnh hưởng văn hóa của các định chế phi chính trị, và một cách thứ yếu qua việc trực tiếp tạo luật lệ hoặc quy tắc. Việc cai trị của nó vững chắc trong lĩnh vực định chế nhưng hạn chế hơn và dung hòa hơn trong lĩnh vực chính trị. Nơi nào nó trực tiếp lên khuôn việc giải thích luật lệ, nó làm như vậy qua “việc gợi hứng sinh động” chứ không phải việc áp đặt của giáo hội. Thí dụ, các giá trị ngộ đạo man mác khắp các phán quyết quan trọng của một nhân vật như Anthony Kennedy, nhưng không có một số sắc lệnh tôn giáo ngộ đạo rõ ràng nào mà Kennedy Công Giáo buộc phải tuân theo. Tương tự như vậy, không hề có ủy ban trung ương của phong trào thức tỉnh (woke), không có Văn phòng Thánh cấp tiến, thúc đẩy việc diễn giải lại Đạo luật Dân quyền.

Đồng thời, bá quyền mới cũng khoan dung với sự khác biệt tôn giáo, cho phép các hình thức Kitô giáo bảo thủ tồn tại giống như cách cơ sở Kitô giáo cũ đã cho phép các dị giáo khác nhau của Hoa Kỳ phát triển mạnh mẽ. Nó chỉ đặt ra những giới hạn nào đó đối với quyền tự do của họ, thiết lập các phẩm trật văn hóa mặc nhiên và nói chung cố gắng thúc đẩy các tín ngưỡng khác về phía nó, đặc biệt trong một số vấn đề quan trọng. Chẳng hạn, những nỗ lực khác nhau nhằm thúc đẩy các Giáo Hội Kitô giáo hướng tới một sự hòa giải với cuộc cách mạng tình dục, không giống như sự đàn áp bất đồng tôn giáo trong thời kỳ Cải cách. Nhưng chúng phần nào giống với áp lực mà Phái Mormon hoặc Khoa học Kitô giáo [Christian Science] hoặc thậm chí đạo Công Giáo trong quá khứ Thệ Phản hơn của chúng ta, khi vấn đề không phải là bản văn tín lý lớn mà là một số thực hành hoặc ý tưởng chuyên biệt đi quá xa so với sự đồng thuận về đạo đức và văn hóa. Hãy giữ vững niềm tin của bạn nhưng hãy cân nhắc việc làm cho nó giống niềm tin của chúng tôi hơn một chút, là thông điệp liên tục từ kẻ bá quyền này, với lời hứa thêm rằng nếu bạn đồng ý với kẻ bá quyền, bạn có thể chia sẻ một số quyền lực văn hóa của nó hơn là ở lại mãi ngoài cửa “Nhà thờ chính tòa”.

Tất nhiên, áp lực đối với những người không theo Thệ Phản trong thế kỷ 19 không phải lúc nào cũng nhẹ nhàng, và một số nhà phê bình đối với bá quyền ngộ đạo cho rằng khả năng khoan dung tương đối của chính nó chỉ là một giai đoạn tạm thời —trong các qui luật phát ngôn và triệt tiêu cũng như kiểm duyệt phương tiện truyền thông xã hội, chúng ta từng quan sát một chủ nghĩa toàn trị mới chớm nở, một tương lai kiểm duyệt và có tính tòa dị giáo hơn, với việc bắt bớ công khai đang lấp ló. Và người ta chắc chắn đúng về việc bá quyền văn hóa mới đã trở nên bất khoan dung hơn khi quyền lực của nó trong một số định chế cốt lõi gia tăng.

Nhưng vẫn còn một câu hỏi bỏ ngỏ là liệu sự bất khoan dung đó nhất định sẽ dẫn đến quyền lực lớn hơn đối với toàn bộ nền văn hóa, hay liệu trong một nền xã hội đa dạng và phức tạp như của chúng ta, lòng nhiệt thành của một bá chủ sẽ có tác dụng tự giới hạn mình — tạo phản ứng dữ dội hơn khi sử dụng quyền lực quá công khai, tạo ra các trung tâm phản kháng mới khi nó áp đặt lệnh lạc thần học một cách quá rõ ràng, và áp đặt chủ trương đóng băng của Brezhnev (hoặc chủ trương Boston cuối thế kỷ 19) trông có vẻ vững chắc nhưng không thể sống sót qua sức nóng của khủng hoảng.

Trong khi chủ trương bá quyền ngộ đạo thoải mái hơn, một hình thức có tính Maritain hơn — thí dụ chương trình Hy vọng và Thay đổi [Hope and Change] thời kỳ đầu của Obama, chứ không phải là đỉnh cao Great Awokening - có thể có nhiều quyền lực tồn tại hơn, giải trừ đối lập và đánh phủ đầu phản công, cân bằng quyền lực của nó và chủ nghĩa đa nguyên của xã hội một cách bền vững hơn là mạo hiểm đánh phá để kiểm soát kiểu tòa dị giáo.

Ít nhất, chúng ta có thể nhận thấy giải pháp thay thế khốc liệt hơn đang gặp phải sự phản kháng khắp nơi, không chỉ ở Texas và Florida mà ngay cả với hội đồng trường học của San Francisco. Và giống như các biểu thức nghiêm ngặt nhất của bá quyền Thệ Phản ở nước Mỹ cũ đôi khi thấy mình bị ghét bỏ và phải quay trở lại thế nào, thì khuynh hướng ngộ đạo của chúng ta có thể vẫn được thiết lập về mặt văn hóa cho một thế hệ nữa, nhưng nhận ra rằng các chiến binh và nhà truyền giáo của nó buộc phải quay trở lại với các chiến thuật nhẹ nhàng hơn trong một thời gian như thế.

Do đó, từ cách giải thích lịch sử tôn giáo này, chúng ta có thể rút ra một số kết luận tạm thời. Đầu tiên, có cơ sở chung quan trọng giữa nỗ lực của Maritain nhằm dung hòa giáo huấn Công Giáo với tự do tôn giáo và chủ nghĩa đa nguyên và nỗ lực hậu tự do hiện tại nhằm phân biệt viễn kiến chính trị của Kitô giáo với chủ nghĩa tự do cổ điển và chủ nghĩa buông thả [libertarianism]. Các viễn kiến của Maritain và hậu tự do đều hình dung một xã hội được định hình một cách sâu sắc bởi quyền lực tôn giáo; cả hai đều mong luật pháp là người thầy đạo đức và nhà nước công nhận Quyền năng Tối cao và mưu cầu lợi ích chung. Họ chia sẻ quan điểm mặc nhiên coi chủ nghĩa tự do cổ điển ở hình thức thuần túy nhất của nó như là ngây thơ đến mức chết người, và mục tiêu trung lập nghiêm ngặt của nó như là một điều bất khả thi về mặt chức năng.

Và họ đồng ý rằng ngay cả trong các điều kiện đa nguyên, tôn giáo và chính trị sẽ không bao giờ tách rời nhau, một số tôn giáo sẽ luôn lên khuôn luật lệ hơn những tôn giáo khác, tôn giáo nào có nhiều người trở lại đạo chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến quyền lực chính trị — và nếu bạn đánh đổ một bá quyền tôn giáo, thì một quyền lực tinh thần mới sẽ sớm lấp đầy khoảng trống.

Nếu quan điểm chung này mà đúng, thì điều đó có thể ngụ ý rằng một số cuộc tranh luận lâu dài về mối liên hệ của Kitô giáo với việc sáng lập nước Mỹ, vị trí của tôn giáo cổ xưa trong chủ nghĩa tự do hiện đại, đang đặt quá nhiều tầm quan trọng lên điều chúng ta có thể giả thiết trên lý thuyết nhưng không đủ tầm quan trọng để áp đặt lên điều chúng ta đã thấy trong thực hành.

Bất kể thế hệ sáng lập có ý định gì một cách hữu thức, bất kể ý tưởng của họ được cho là ngụ ý gì, năm 1776 và 1789 đã tạo ra một trật tự chính trị tương ứng với nhiều hình thức bá quyền tôn giáo mềm khác nhau, tùy thuộc vào cách bạn phân chia lịch sử của chúng ta — thí dụ, thời đại ngắn ngủi của Phái Độc vị [unitarian], thời đại đi lên lâu dài của Thệ Phản, thời đại Tin lành-Công Giáo ngắn hơn và rồi thời đại “Do thái-Kitô giáo”, và cuối cùng là thời kỳ quyền lực ngộ đạo của chính chúng ta.

Mỗi hình thức bá quyền đều mạnh mẽ và có ảnh hưởng, mỗi hình thức cũng đều bị tranh cãi và ngẫu nhiên - và không có lý do gì để cho rằng ngày nay câu chuyện đã kết thúc, trật tự tự do - dân chủ đã mang hình thức tiền định và cuối cùng của nó. Chủ trương rằng tự do tôn giáo hay đa nguyên hoặc sự tách biệt giữa Giáo Hội và nhà nước sẽ nhất định và mãi mãi dẫn đến bá quyền ngộ đạo là bỏ qua sự kiện này: tranh chấp giữa Kitô giáo và thuyết ngộ đạo cũng đã có từ lâu như chính Kitô giáo, xuất hiện dưới các điều kiện phong kiến và đế quốc La Mã thường xuyên như ở thời hiện đại Mỹ. Và nếu một số điều kiện xã hội và kỹ thuật nào đó đã cho phép thuyết ngộ đạo đặc biệt nở rộ ngày nay, thì chúng đã không làm cho việc thống trị của nó thành tuyệt đối — và đối với bất cứ ai bất mãn với quyền bá chủ hiện tại của chúng ta, lịch sử Hoa Kỳ cho phép đủ loại khát vọng thay thế, bao gồm cả viễn kiến về một thế giới Kitô giáo Mỹ đổi mới được Maritain và những người hậu tự do chia sẻ.

Nhưng rồi, khi nói đến việc một sự đổi mới như vậy có thể xảy ra cách nào, tại nơi Maritain đã tách khỏi chủ nghĩa toàn diện cũ, và dường như tách rời khỏi chủ nghĩa toàn diện mới nữa — về câu hỏi Giáo Hội và nhà nước nên liên kết một cách chặt chẽ ra sao, một thế giới Kitô giáo đổi mới cần phải khoan dung chủ nghĩa đa nguyên ra sao, liệu việc đổi mới Kitô giáo có thể được áp đặt cách nào đó về mặt chính trị hay liệu nó phải bắt đầu như một diễn trình hữu cơ và tự nguyện - hồ sơ của bảy mươi năm qua tiếp tục cung cấp bằng chứng có lợi cho ông.

Bằng chứng đó, trong một danh sách: là sự suy sụp của Kitô giáo Hoa Kỳ bị thúc đẩy bởi một cuộc khủng hoảng đức tin nội bộ hơn là bởi áp lực từ bên ngoài; các giải pháp duy toàn diện cho cuộc khủng hoảng đã thất bại hoàn toàn hơn so với mô hình Maritain; hình thức kế vị cho bá quyền Thệ Phản đã đạt được sự thăng tiến của nó theo đúng cách được Maritain tưởng tượng quyền lực tôn giáo sẽ được vận dụng trong chủ nghĩa đa nguyên; và việc nắm giữ quyền lực của thuyết ngộ đạo này càng mong manh và dễ bị tổn thương hơn để có thể phản công, khi nó tìm cách trở thành duy toàn diện hơn.

Và điểm cuối cùng: Dù giá trị của các mô hình (chủ yếu là Trung Âu) được những người hậu tự do viện dẫn ra sao về cách thức khuyến khích sự phục hưng Kitô giáo từ phía trên, vẫn không có mô hình nào trong số này rõ ràng tạo ra một Thế giới Kitô giáo thay thế trong thực tế quan trọng như Kitô giáo Mỹ vẫn còn ngay cả bây giờ, như một quyền lực tôn giáo yếu hơn dưới chủ nghĩa đa nguyên, sau nhiều thập niên rút lui về văn hóa.

Tất cả những điều này, một mặt, cho thấy các Kitô hữu Mỹ quan tâm đến việc khôi phục ảnh hưởng đã mất có thể chấp nhận đến một mức nào đó sự phê phán của những người theo chủ nghĩa tự do cổ điển. Họ có thể nhận ra rằng xã hội hoàn toàn trung lập không hề hiện hữu, để rao giảng Tin Mừng chắc chắn phải tìm kiếm một loại Thế giới Kitô giáo nào đó, và những gì Kitô hữu nhìn thấy trong chủ nghĩa tiến bộ đang dâng cao ngày nay không phải chỉ là việc bắt chước cách thức đức tin của chính họ từng phát huy quyền lực bên trong một xã hội đa nguyên ra sao, nhưng cũng là một mô hình để một ngày nào đó nó có thể làm như thế một lần nữa.

Mặt khác, bằng chứng này cũng cho thấy tầm quan trọng của việc nhận ra các lợi thế về mặt đạo đức và tinh thần của việc đặt giới hạn cho những tham vọng trần thế của đức tin và cố gắng sử dụng quyền lực trong chủ nghĩa đa nguyên thay vì chống lại nó.

Đối với những người có tai để nghe, đây là những bài học thực tế của quá khứ Kitô giáo gần đây, và đặc biệt là lịch sử của đất nước Hoa Kỳ. Quyền lực tôn giáo được sử dụng một cách khôn ngoan, nhẹ nhàng và gián tiếp, tôn trọng sự tự do và đa dạng và tập trung trước hết vào sự lành mạnh và lòng nhiệt thành bên trong của đức tin, có thể duy trì sự thăng tiến của tôn giáo trong nhiều thế hệ.

Nhưng quyền lực tôn giáo được sử dụng quá nhiều để chống lại chủ nghĩa đa nguyên, với tham vọng chính trị thay thế cho lòng trung thành thực sự, sẽ làm hỏng và kiệt sức cũng như mang lại hậu quả tai hại cho chính nó.
_________________________________________________________________________
(*) Luật sabat: cổ vũ việc giữ không những Chúa nhật mà nói chung cả Mười Điều răn nữa.

Kỳ sau: Ông đã đi đâu, Jacques Maritain?