Trên tạp chí International Journal of Philosophy and Theoology (Triết học và Thần học Quốc tế) mùa Hè năm 1991, Donald Demarco, giáo sư triết tại cao đẳng St. Jerome, Ontario, Gia Nã Đại, cho rằng thuyết nhân vị dựa trên tư tưởng Thánh Tôma Aquinô của Jacques Maritain là luồng tư duy chống lại việc thế giới đương thời tôn vinh lòng ích kỷ. Demarco cho rằng với hơn 50 cuốn sách, viết suốt trong nửa thế kỷ và được dịch sang hầu hết các ngôn ngữ lớn trên thế giới, Jacques Maritain xứng đáng với danh hiệu “triết gia Công Giáo vĩ đại nhất” thời nay.
Trong các cuốn sách, bài báo và bài giảng của mình, Maritain nhiều lần và một cách nhiệt thành kêu gọi Giáo hội đưa thần học và triết học của mình tiếp xúc với các vấn đề ngày nay. Những tư tưởng tự do của ông liên quan đến các vấn đề chính trị và công bằng xã hội đã khiến ông trở thành kẻ thù cay đắng nơi các nhà tư tưởng cực bảo thủ của Giáo hội. Thậm chí, nhiều mưu toan đã được thực hiện, mặc dù không thành công, nhằm vận động để các cuốn sách của ông bị Vatican lên án.
Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã tôn vinh Maritain trong Công đồng Vatican II, và vào năm 1967, đã ghi công lao chưa từng có cho ông vì đã truyền cảm hứng cho thông điệp mang tính bước ngoặt của ngài về công bằng kinh tế, tức thông điệp Populorum Progressio. Như đã nói trong một bài trước, ngài cũng cân nhắc việc phong Maritain làm Hồng Y, nhưng nhà triết học đã từ chối đề nghị này.
Khi ông qua đời vào năm 1973, Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã công khai mô tả ông là “bậc thầy của nghệ thuật suy tư, cách sống và cầu nguyện”.
Maritain từng tự gọi mình là "một người mà Thiên Chúa đã lật từ trong ra ngoài như một chiếc găng tay." Trong một bức thư gửi nhà thơ Jean Cocteau, ông viết: “Tôi đã hiến cuộc đời mình cho Thánh Tôma, và lao động để truyền bá học thuyết của ngài. Vì tôi cũng vậy, tôi muốn trí hiểu được lấy khỏi Ác quỷ và trả lại cho Thiên Chúa”. Thật vậy, không có nhà tư tưởng Công Giáo hiện đại nào đã nỗ lực để đạt được mục tiêu này hơn Jacques Maritain.
Ngôi vị và Cá nhân
Trong cuốn The Person and the Common Good (Ngôi vị và lợi ích chung), tức tác phẩm rõ ràng nhất và nhất quán nhất của Maritain về ngôi vị, ông hỏi liệu ngôi vị có đơn giản chỉ là bản ngã [self] và không là gì khác hơn không. Đây là một câu hỏi thích hợp để nêu ra trong bối cảnh nền văn hóa hiện đại thường đồng nhất hóa hai yếu tố này. Chúng ta thấy việc đồng nhất hóa này trong các cách diễn đạt khác nhau của chủ nghĩa duy cá nhân khi họ chủ trương rằng một cá nhân có quyền theo đuổi các đối tượng họ mong muốn mà không xem xét tác dụng của việc theo đuổi này đối với người khác. Câu nói nổi tiếng của Jean-Paul Sartre trong vở kịch No Exit của ông ta - “Địa ngục là những người khác” - phản ảnh việc thiếu quan tâm phổ biến này mà những người vị bản ngã vốn dành cho người khác. Điểm qua danh sách những cuốn sách tự mình giúp mình bán chạy nhất đủ để chứng thực điểm này: Winning Through Intimidation; How to Be Your Own Best Friend; Having It All; Own Your Own Life; Creative Divorce [Chiến thắng nhờ đe dọa; Làm thế nào để trở thành người bạn tốt nhất của chính bạn; Có trọn nó; Sở hữu cuộc sống của riêng bạn; Ly hôn sáng tạo}; và Getting Divorced from Mother and Dad [Ly dị Cha Mẹ].
Ngày nay, vấn đề của Maritain có thể có giá trị hơn bao giờ hết, vì xã hội hiện tại bận tâm vô độ tới chủ nghĩa vị kỷ. Nhiều nhà phê bình văn hóa đương thời đã nghiên cứu hiện tượng này rất chi tiết. Một vài tác phẩm đáng chú ý có thể kể ra đây như: Culture of Narcissism [Văn hóa tự mê m,ệt mình] của Christopher Lasch; Psychology as Religion: The Cult of Self-worship [Tâm lý học như Tôn giáo: Đạo tôn thờ bản than] của Paul Vitz; The Heresy of Self-Love [Dị giáo về tự yêu mình] của Paul Zweig; The Inflated Self [Bản ngã thổi phồng] của David Myers; và The Age of Sensation [Thời náo động] của Herbert Hendin. Các tạp chí nổi tiếng và hầu như tất cả các quảng cáo thương mại đều dựa trên quan điểm cho rằng nhân vị chỉ đơn thuần là bản ngã, là trung tâm của trải nghiệm khoái lạc và thu mua của cải vật chất. Tiểu thuyết gia Thomas Pynchon đã nắm bắt được yếu tính của bản ngã tiêu dùng khi ông nói về một trong những nhân vật của mình như “đang đi dạo dọc các lối đi của một siêu thị bóng loáng, khổng lồ, thực hiện chức năng duy nhất của mình đối với nhu cầu”.
Maritain không muốn làm người vụ luân dạy đời. Ông không xỉ vả điều xấu hoặc sự hẹp hòi của cái tôi. Ông khuyên chúng ta không nên vội vàng gạt bỏ cái tôi, và nhấn mạnh rằng không ai có thể trở thành thánh mà không có ý thức mạnh mẽ về cái tôi của mình.
Ông muốn đưa chúng ta đi sâu hơn vào vấn đề. Bề ngoài, xem ra có sự mâu thuẫn. Ông nhắc đến Pascal, người khẳng định rằng “cái tôi là đáng ghét.” Mặt khác, Thánh Tôma nói rằng “Ngôi vị biểu thị điều hoàn hảo nhất trong toàn bộ tự nhiên.” Điều hết sức rõ ràng là không thể đánh đồng cái tôi với ngôi vị vì điều “đáng ghét” không thể là điều “hoàn hảo nhất trong toàn bộ tự nhiên”. Làm thế nào có thể giải quyết được mâu thuẫn rõ ràng này?
Maritain tránh mâu thuẫn bằng một phân biệt chủ yếu giữa cá nhân tính và và ngôi vị tính (individuality and personality). Chúng ta nên lưu ý ở đây rằng điều có thể phân biệt được bằng tâm trí không nhất thiết có thể phân biệt được trong thực tại. Xin đơn cử một thí dụ, chúng ta có thể phân biệt trong tâm trí bên phải và bên trái của một tờ giấy. Tuy nhiên, nếu chúng ta cắt bỏ mặt phải của tờ giấy, chúng ta không thành công trong việc gỡ bỏ mặt phải để chỉ còn lại cho chúng ta một tờ giấy chỉ có mặt trái. Bằng cách cắt mặt phải, chúng ta chỉ có một mảnh giấy nhỏ hơn mà vẫn có mặt phải theo tỷ lệ bằng nhau với phần đối diện bên trái của nó. Chúng ta không thể tách bên phải khỏi bên trái trong thực tại mặc dù chúng ta có thể thực hiện sự phân biệt rất hữu ích và thiết thực giữa chúng trong tâm trí.
Vì vậy, mặc dù chúng ta có thể phân biệt cá nhân tính với ngôi vị tính, chúng ta không thể tách chúng ra khỏi nhau trong hữu thể nhân bản cụ thể. Người ta đã nói về Maritain rằng phương châm của cuộc đời triết học của ông là "phân biệt để hợp nhất." Triết học là phân biệt (Philosophiae est distinguere). Nhưng mục đích cuối cùng của nó không phải là phân mọi thứ thành những mảnh vụn, mà là đánh giá sâu sắc hơn tính đa dạng bên trong tính thống nhất, cấu trúc nhiều mặt của hữu thể, cách thức trong đó đối tượng nghiên cứu triết học được tích hợp. Maritain muốn chúng ta hiểu cá nhân tính và ngôi vị tính (vốn là những nguyên tắc, chứ không phải những thực tại độc lập) kết hợp ra sao để tạo thành một con người đơn nhất, thống nhất, giống như thân xác và linh hồn.
Nhận xét của Pascal rằng “cái tôi là đáng ghét” xuất hiện trong tác phẩm cổ điển của ông, cuốn Pensées. Nhà khoa học, toán học, triết học và nhà tư tưởng tôn giáo vĩ đại của thế kỷ 16 giải thích rằng chúng ta ghét cái tôi bởi vì nó có thể tự coi mình là trung tâm của mọi sự, một sự áp đặt đối lập trực tiếp với công lý.
Nói tóm lại, cái tôi có hai phẩm chất: nó không công bằng vì nó tự cho mình là trung tâm của mọi sự; nó không nhất trí với người khác vì nó cố gắng hăm dọa họ; vì mỗi cái tôi đều là kẻ thù và muốn trở thành bạo chúa của mọi người khác. Bạn loại bỏ được sự khó chịu của nó, nhưng không loại bỏ được sự bất công của nó.[1]
Maritain cũng lập luận tương tự, rằng cực vật chất, vốn chỉ là “cái bóng của ngôi vị tính,” có xu hướng thu hút mọi sự về chính nó. Ngược lại, cực tâm linh, vốn liên quan đến ngôi vị tính đích thực, là điều được Thánh Tôma nghĩ đến khi ngài nói tới nguồn gốc của sự đại lượng và hào phóng.
Sự phân biệt giữa cá nhân tính và ngôi vị tính có nguồn gốc trong thế giới cổ đại. Người Hy Lạp có hai từ ngữ chỉ sự sống: bios và zoe. Điều trước dùng để chỉ sự sống cá nhân, sự sống chứa đựng bên trong một sinh vật đơn lẻ. Tuy nhiên, điều sau đề cập đến hình thức sống siêu việt, sự sống có thể được chia sẻ. Tín lý Kitô về Chúa Ba Ngôi cũng theo những dòng tương tự. Mỗi ngôi vị trong Chúa Ba Ngôi đều sở hữu cá nhân tính riêng. Tuy nhiên, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần có một nguồn sống dư tràn mà các ngôi này chia sẻ với nhau một cách mật thiết đến nỗi cả ba cùng tạo thành một Thiên Chúa đơn nhất, hợp nhất.
Gần đây hơn, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh lại việc hôn nhân giữa người nam và người nữ là hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi và là một communio personarum [cộng đồng (một sự hiệp thông) của các ngôi vị], một sự kết hợp hai trong một xác thịt của hai cá nhân vượt quá các điểm độc đáo riêng để chia sẻ ngôi vị tính của họ với nhau trong một thể thống nhất vừa thánh thiêng vừa sâu sắc. [2]
Nhà tâm lý học Paul Vitz đã giải thích rằng khái niệm “ngôi vị” là thành quả của thần học Do Thái và Kitô giáo. Tách khỏi gốc rễ này, “ngôi vị” bị cắt xén thành một “cá nhân tự hiện thực hóa mình, chỉ lo phát triển cái tôi thế tục của mình”. [3] Thành thử khi Carl Rogers đặt tựa đề cho công trình nổi tiếng nhất của ông, tức cuốn On Becoming a Person [Về việc Trở thành một Ngôi vị] nói về việc bồi dưỡng cái tội tự hiện thực hóa, thế tục, ông ta hoàn toàn sai lầm. Theo Vitz, phải gọi cuốn sách do Rogers viết là Về việc Trở thành một cá nhân.” [4]
Maritain ám chỉ đến sự đóng góp của nhà triết học hiện sinh Nicolas Berdiaeff vào kho tàng chủ nghĩa nhân vị. Nhà tư tưởng lỗi lạc người Nga này đã viết một cách say mê và sâu rộng về “ngôi vị”. Đối với Berdiaeff, khái niệm ngôi vị nằm bắt được đặc tính hai mặt, phân cực của hữu thể nhân bản. Những chữ sau đây có thể được viết bởi chính Maritain:
Con người là một ngôi vị không phải do tự nhiên mà là do tinh thần. Do tự nhiên, họ chỉ là một cá nhân. Tính ngôi vị không phải là một đơn tử [monad] tham gia vào một phẩm trật các đơn tử và lệ thuộc vào nó. Tính ngôi vị là một tiểu vũ trụ, một vũ trụ hoàn chỉnh. Chỉ riêng tính ngôi vị mới có thể mang lại với nhau một nội dung phổ quát và là một vũ trụ tiềm năng trong một hình thức riêng lẻ…. Đơn tử đóng kín, khép kín, nó không có cửa sổ cũng không có cửa ra vào. Tuy nhiên, đối với tính ngôi vị, vô tận mở rộng cửa, nó đi vào vô tận, và tiếp nhận vô tận vào chính nó; trong sự tự mặc khải của nó, nó hướng tới một nội dung vô tận. [5]
Sau khi giải quyết sự mâu thuẫn biểu kiến bằng cách phân biệt các cực vật chất và tinh thần, Maritain sau đó tiếp tục thảo luận sâu hơn về khái niệm cá nhân tính.
Cá nhân tính [Individuality]
Theo nghĩa căn bản mà hầu hết mọi người đều có thể hiểu được, chỉ có các cá nhân mới hiện hữu trong thế giới ngoài tâm trí của thực tại cụ thể. Các ý tưởng và những thứ tương tự không có sự hiện hữu thực sự, nghĩa là chúng không có khả năng thực hiện hành vi hiện hữu. Ở đây, Maritain đang viết với tư cách một nhà hiện sinh lặp lại chủ nghĩa hiện sinh của thầy mình, là Thánh Tôma Aquinô. Đối với Tiến sĩ Thiên thần, “Hiện hữu là điều hoàn thiện của những điều hòa thiện”; nó là điều nhờ đó mà một điều gì đó trở nên thực tại thực sự. Là “hành động đầu tiên” của một yếu tính, hiện hữu cụ thể hoá một yếu tính trong thực tại.
Ở điểm này, chúng ta phải lưu ý điều này: không phải yếu tính hiện hữu (và chắc chắn không phải hiện hữu hiện hữu), mà là chủ thể nằm ở bên dưới (hoặc “bản thể”[supposit]). Chính “bản thể” này thực hiện hành vi hiện hữu và làm nó đi vào thế giới thực. Đối với Maritain và Thánh Tôma, thực tại bao gồm các chủ thể thực hiện sự hiện hữu và biểu lộ một yếu tính. Đây là một điểm chủ chốt và cho phép nhà triết học phân biệt các thực thể thực chất với những yếu tính hay hình thức lý tưởng của Platông trôi nổi trong bầu trời trừu tượng.
Do đó, cá nhân tính chung cho tất cả mọi sự vật hiện hữu. Như thế, thiên thần và Thiên Chúa là những cá nhân. Các thuần thần là các cá nhân theo mô thức của họ. [6] Họ khác nhau như loài này khác loài nọ, chẳng hạn như ngựa khác với bò. Các hữu thể thiêng liêng là những cá nhân, mặc dù họ không bị “cá nhân hóa”, [7] nghĩa là “bị cá nhân hóa bởi chất thể.” [8]
Con người, bởi vì họ là vật chất, nên cá nhân tính của họ bắt nguồn từ chất thể. Tuy nhiên, chất thể tự nó chỉ là tiềm năng [potency] tiếp nhận các mô thức. Bản chất của nó, trong yếu tính, liên hệ đến điều có thể mặc mô thức [inform] cho nó. Về phương diện này, nó gần giống như phần cứng máy tính chỉ đơn thuần là một tiềm năng để nhận thông tin chứa trong phần mềm lập trình.
Bởi vì bản chất ký sinh triệt để này của chất thể, Maritain coi nó như một loại “không hiện hữu” tự trong nó. Và vì tính liên quan trong yếu tính của nó với mô thức, ông nói về chất thể như một “sự thèm khát hiện hữu”. Cùng với nhau, chất thể và mô thức kết hợp với nhau để tạo thành một thể thống nhất về bản thể. Nhân vị là một bản thể đơn nhất, thống nhất hóa, một toàn thể năng động, là tổng hợp của thể xác và linh hồn.
Ngôi vị tính [personality]
Sau khi thảo luận về khía cạnh cá nhân của con người, Maritain chuyển sang nhiệm vụ khó khăn hơn là phát biểu ý nghĩ của ông về ngôi vị tính. Ông bắt đầu cuộc khảo luận của mình bằng việc giải thích tình yêu là một chuyển động tự hướng tới trung tâm ngôi vị tính của một con người ra sao. Tình yêu không quan tâm đến các yếu tính, hay phẩm tính, hay khoái lạc, mà đến việc khẳng định trung tâm siêu hình của ngôi vị tính người được yêu. Tình yêu không làm ngơ các phẩm tính của người được yêu. Thật vậy, nó là một với chúng. Hơn nữa, người yêu không bằng lòng bày tỏ tình yêu của mình bằng những món quà chỉ tượng trưng cho tình yêu của mình. Họ tự cho đi chính họ như một món quà.
Tại trung tâm siêu hình của ngôi vị tính là khả năng tự cho đi như một ngôi vị và tiếp nhận sự hiến dâng của một ngôi vị khác. Điều này không thể có nếu những người yêu nhau không phải là những chủ thể có khả năng khẳng nhận hỗ tương giữa chủ thể này với chủ thể nọ. Tình yêu bắt nguồn từ siêu hình học của tính liên chủ quan [inter-subjectivity].
Điều được Maritain dẫn đến đây là một khái niệm từng khiến các sinh viên đau đầu rất nhiều, đó là khái niệm tồn hữu [subsistence]. Đây là một quan niệm có phê phán vì nó cần để xác lập, về mặt triết học, thực tại của chủ thể (đối lập với khách thể). Ngược lại, chủ thể quan trọng vì chỉ có chủ thể mới có thể hiện hữu như một ngôi vị.
Chủ thể hiện sinh (giống như chính hiện hữu) không có khả năng khái niệm hóa. Nó không phải là một đối tượng của suy nghĩ, một điều chúng ta có thể nắm bắt bằng trí hiểu. Do đó, nó có xu hướng vắng mặt trong nhiều nền triết lý, đặc biệt những nền triết lý có khuynh hướng duy lý. Trí hiểu biết sự vật như là các đối tượng. Nhưng tình yêu di chuyển trên một bình diện khác và yêu người khác như một chủ thể. Bản chất của chủ thể là như thế đến nỗi nó vượt lên trên sự vận hành của trí hiểu. Về phương diện này, chủ thể là một điều “siêu khả niệm.” [9] Tuy nhiên, nó phải được giả định, vì nó không phải là yếu tính hiện hữu tồn tại, mà là chủ thể. Yếu tính là điều mà một sự vật là; trong khi chủ thể là điều có một yếu tính, điều thực hiện sự hiện hữu và hành động, là điều “tồn hữu”.
Tính chủ quan đánh dấu biên giới ngăn cách triết học với tôn giáo. Triết học bao gồm mối liên hệ của trí hiểu với đối tượng; trong khi tôn giáo đi vào mối liên hệ của chủ thể với chủ thể. Tình yêu cho chúng ta cơ hội thiết lập mối liên hệ giữa ngôi vị với ngôi vị. Vì Thiên Chúa là tình yêu, nên tôn giáo trở thành một khuôn mẫu cho trải nghiệm về tính liên chủ thể này.
Chủ quan tính vừa nhận vừa cho. Qua trí hiểu, nó tiếp nhận bằng cách siêu hiện hữu trong nhận thức. Qua ý chí, nó cho đi bằng cách siêu hiện hữu trong tình yêu. Nhưng vì cho thì tốt hơn nhận, nên nhờ tình yêu mà một ngôi vị đạt tới mặc khải tối cao về thực tại ngôi vị của mình. Họ đồng thời khám phá ra sự hào phóng căn bản trong hiện hữu của mình, trong đó họ nhận ra chính ý nghĩa của hữu thể sống động của họ [10].
Như thế, tình yêu sẽ phá sập các rào cản khiến người ta luôn xa cách nhau, khiến họ coi nhau như đồ vật. Nó làm cho hữu thể chúng ta yêu trở nên một chúng ta khác, nghĩa là, một chủ thể tính khác đối với chúng ta, một chủ thể tính khác vốn là của chúng ta. Tình yêu có tính làm hoàn hảo các ngôi vị của chúng ta; nó giúp chúng ta đạt được một cách trọn vẹn hơn mục đích hiện hữu của mình, mà theo cách nói của Maritain, vốn là việc “làm chủ bản thân với mục đích tự hiến.” [11]
Sự sống của nhân vị không phải là việc tự bảo tồn hay tự làm mình lớn hơn như sự sống của cá nhân, mà là việc tự phát triển và tự hiến mình. Nó giả thiết sự hy sinh, và sự hy sinh không thể nào vô ngôi vị được. Chủ nghĩa cá nhân tâm lý, hết sức đặc trưng của thế kỷ 19 và 20, là mặt trái của chủ nghĩa nhân vị.
Nhân vị tính chia sẻ cuộc sống được vun bồi của chính nó với cuộc sống của những người khác. Trong diễn trình phát triển sự hiệp thông ngôi vị này với những người khác, cần có đối thoại. Tuy nhiên, như Maritain đã chỉ ra, sự hiệp thông như vậy hiếm khi khả hữu. Thật vậy, như một nhà tư tưởng theo chủ nghĩa nhân vị khác, Martin Buber, đã nhận xét, sự kiện người ta “không còn có thể tiếp tục đối thoại chân thực với nhau nữa là một triệu chứng sắc nét nhất của bệnh lý thời đại chúng ta”. Do đó, sự xa lánh, cả bản thân lẫn trí thức, dường như là đặc điểm của con người hiện đại hơn là sự kết hợp yêu thương, bản vị. Tình trạng bất hạnh này trực tiếp gắn liền với khía cạnh vật chất của con người mà lực kéo nội tâm đã lôi kéo họ xa khỏi người khác. Chỉ những ngôi vị mới tham dự đối thoại, vì chỉ có các ngôi vị mới có khả năng tham gia vào cuộc sống chung. Như các cá nhân, con người bị chia rẽ và xa lánh nhau. Như Maritain từng nhận xét, "cái ác xuất hiện khi, trong hành động của chính chúng ta, chúng ta dành ưu thế cho khía cạnh cá nhân của con người chúng ta."
Tiểu thuyết gia Công Giáo, Walker Percy, đã mô tả trạng thái tha hóa này của con người hiện đại trong cuốn Lost in the Cosmos: The Last Self-Help Book [Mất hút trong Vũ trụ: Sách Tự giúp Cuối cùng] của ông. Giống như Maritain, Percy nhìn thấy cội rễ của tình trạng khó xử này trong việc Descartes cô lập cái tôi có ý thức khỏi mối liên hệ thể xác với cả tính toàn vẹn ngôi vị cũng như vị trí của nó trong vũ trụ. Ông viết, “kể từ thời Descartes, cái tôi đã bị mắc kẹt, tách khỏi mọi điều khác trong Vũ trụ, một tâm trí tuyên bố mình hiểu được các vật thể và thiên hà nhưng do chính hành vi hiểu biết này, bị bỏ rơi trong Vũ trụ, mà nó không có mối liên hệ nào với.” [12]
Khái niệm “nhân vị tính” của Maritain có nhiều hệ luận tôn giáo sâu sắc (nhất là Kitô giáo). Qua việc thông đạt yêu thương với người khác, ngôi vị bắt đầu đánh giá cao sự phong phú vô tận của chủ quan tính. Hình ảnh về vô tận này ngụ ý một Nguồn sung mãn vô hạn. Như thế, con người có liên hệ trực tiếp với thể tuyệt đối và chỉ tìm thấy sự đầy đủ của nó trong mối liên hệ mật thiết với Thiên Chúa. Ý niệm này nhất quán với việc Kinh thánh coi con người được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa. “Hình ảnh” mà Kinh thánh đề cập đến, là hình ảnh thiêng liêng của Thiên Chúa nơi con người, giúp con người có thể nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, và nhờ ân sủng, tham dự vào Sự sống của Người.
Như một ngôi vị, hữu thể nhân bản là một toàn thể, là tổng hợp của thể xác và linh hồn. Nhưng, như Maritain đã nhận xét ở một chỗ khác, con người là một “toàn thể cởi mở”.[13] Sự cởi mở này cho phép nhiều sự hợp nhất hóa bổ xung và cao hơn. Do chính bản chất của mình, con người hướng đến đời sống xã hội và các phương thức hiệp thông chỉ có thể đạt tới sự thành toàn cuối cùng trong Thiên Chúa mà thôi. Có một sự hào phóng triệt để được ghi khắc chính bên trong hữu thể ngôi vị, một phẩm tính vốn là yếu tính của tinh thần. Không có gì mâu thuẫn cho ngôi vị cho bằng cô đơn một mình. Do bản chất không thể biến đổi của hữu thể thiêng liêng của mình, nhân vị muốn biết và yêu. Nhưng hơn thế nữa, nó muốn chia sẻ nhận thức và tình yêu đó với những người khác. Hơn nữa, nó muốn sự chia sẻ này đạt đến mức độ hoàn hảo chỉ có thể được thực hiện với Thiên Chúa.
Ghi chú:
[1] Blaise Pascal, Pascal’s Pensees, bản tiếng Anh của Martin Turnell (New York: Harper & Row, 1962), § 141, p. 78.
[2] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, The Original Unity of Man and Woman (Boston:Daughters of St. Paul, 1981), p. 76.
[3] Paul Vitz, “Empirical Sciences and Personhood: From an Old Consensus to a New Realism,” Theological Powers and the Person, A. S. Moraczewski et al., eds. (St. Louis: The Pope John Center, 1983), p. 191.
[4] Ibid., p. 207.
[5] Nikolai Berdyaev, Slavery and Freedom, bản tiếng Anh của R. M. French (New ork: Scribner’s Sons, 1944), pp. 21-22.
[6] Maritain, Scholasticism and Politics (Garden City: Doubleday,1960), p. 65.
[7] Ibid.
[8] Maritain,The Degrees of Knowledge, bản tiếng Anh của Gerald Phelan (New York: Scribner’s Sons, 1959), p. 233.
[9] Maritain, Existence and the Existent, bản tiếng Anh của L. Galantiere & G. Phelan (Garden City: Doubleday, 1957), p. 71.
[10] Ibid. p. 90.
[11] Ibid, p. 89.
[12] Walker Percy, Lost in the Cosmos: The Last Self-Help Book (New York: Washington Square Press,1984), p. 47.
[13] Maritain,The Rights of Man and Natural Law, bản tiếng Anh của Doris Anson (New York: Scribner’s Sons, 1947), p. 5.
https://media.christendom.edu/1991/06/the-christian-personalism-of-jacques-maritain/