Raissa Maritain sinh năm 1883 tại Nga trong một gia đình Do Thái sùng đạo. Ngay từ khi còn nhỏ, Raissa đã có tiếng có năng khiếu học tập, vì vậy để bảo đảm khả năng theo đuổi con đường học vấn, gia đình bà đã di cư sang Pháp. Khi ở Pháp, sự lôi cuốn của các phong trào vô thần, chủ nghĩa duy nhân bản vào đầu thế kỷ 20 đã lôi kéo cha mẹ bà rời xa nguồn gốc Do Thái của họ và đi vào lối sống vật chất, kéo theo họ là Raissa trẻ tuổi. Mặc dù đức tin Do Thái ban đầu đã ảnh hưởng đến bà rất nhiều, nhưng bà đã trải qua những năm tháng thiếu niên như một người vô thần, càng ngày càng xa rời Thiên Chúa. Năm 16 tuổi, bà có cơ hội theo học ngành khoa học tự nhiên tại Đại học Sorbonne ở Pháp, nơi bà gặp chồng mình là Jacques.



Ngay từ khi gặp nhau, Jacques và Raissa đã không thể tách rời nhau. Cùng với việc quen biết và yêu nhau, họ đã dành thời gian theo đuổi việc nghiên cứu triết học. Mặc dù Jacques lớn lên trong một gia đình Thệ Phản, họ cùng nhau ngày càng xa rời đức tin của tuổi trẻ và rơi vào một quan điểm hư vô chủ nghĩa, duy vật chủ nghĩa và ảm đạm về cuộc sống. Khi Raissa 19 tuổi và Jacques 20 tuổi, họ quyết định sẽ cùng tự tử nếu, trong vòng một năm, họ không tìm được câu trả lời cho câu hỏi lớn nhất của mình, tức lý do sống.

Trong năm tìm kiếm này, họ đã đọc một cuốn sách có tựa đề La Femme Pauvre (Người đàn bà nghèo) của tác giả Công Giáo Leon Bloy, cuốn sách đã khiến họ tò mò và hé mở cánh cửa đức tin cho họ. Bloy viết "Thảm kịch lớn duy nhất trong đời là không trở thành một vị thánh." Cái nhìn táo bạo về cuộc sống này đã thu hút họ. Họ đến gặp Bloy và tình bạn suốt đời với nhà văn này đã bắt đầu –– một tình bạn dẫn vợ chồng Maritain đến với Giáo Hội Công Giáo. Họ cùng được rửa tội vào năm 1906 với Bloy làm cha đỡ đầu.

Sau khi gia nhập Giáo Hội Công Giáo, cuộc sống của họ không tránh khỏi những thử thách –– bệnh tật, chiến tranh và mất mát đã đeo bám họ trong suốt cuộc đời của họ. Nhưng đức tin của họ đã mang lại cho những thử thách này ý nghĩa và mục đích, và vì vậy nó đã đưa họ vượt qua những khó khăn này. Raissa bắt đầu cuốn hồi ký của mình, có tựa đề Les Grandes Amitiés (những tình bạn vĩ đại), với những lời lẽ bề ngoài có vẻ như tuyệt vọng, "Không còn tương lai nào cho tôi trên thế giới này." Mặc dù những lời này ngụ ý rằng bà đã bỏ cuộc, nhưng trong cùng một đoạn sau đó, bà đã viết về niềm tin tưởng sâu sắc nhất đã nâng đỡ bà trong việc đối đầu với sự tuyệt vọng đó: “Vương quốc của Chúa Kitô không thuộc về thế gian này.” Chính nhờ quan điểm này mà Raissa và Jacques đã sống cuộc hôn nhân của họ, tạo nên một tấm gương cho tất cả những ai mong muốn sống cuộc sống trong một cộng đồng không tìm thấy cùng đích của nó trên trái đất này.

Nhân chứng hôn nhân của họ

Mặc dù Jacques và Raissa sau đó đã chọn sống như anh chị em (được gọi là cuộc hôn nhân kiểu Thánh Giuse), và vì vậy không có con, cuộc hôn nhân của họ vẫn là một tình yêu và tự hiến đáng kinh ngạc. Mối liên hệ của họ được xây dựng dựa trên sự lãng mạn, chắc chắn như thế, nhưng nó cũng có nền tảng ở sự theo đuổi sâu sắc khôn ngoan, cái đẹp và sự thật. Raissa đã viết trong hồi ký của mình rằng, khi bắt đầu mối liên hệ của họ, "Chúng tôi cùng nhau nghĩ lại toàn bộ vũ trụ, ý nghĩa của cuộc sống, số phận của con người, sự công bằng và bất công của xã hội." Niềm đam mê tìm hiểu này tiếp tục diễn ra trong suốt cuộc đời họ với nhau –– tạo cho họ một mục đích ở bên ngoài mối liên hệ của chính họ, hướng tới điều vốn định hướng thời gian, năng lực và trí tuệ vĩ đại của họ.

Jacques theo đuổi chân lý và cái đẹp thông qua triết học bằng cách viết sách và tiểu luận về đức tin, đặc biệt là về các tác phẩm của Thánh Tôma Aquinô. Mặc dù Raissa rất thông thạo về triết học (bà thường hiệu đính các bài tiểu luận và sách của Jacques), bà đã chọn chia sẻ việc theo đuổi chân lý của mình thông qua nghệ thuật, viết thơ và sách cũng như kể chuyện cho bạn bè và các sinh viên trẻ của bà.

Mặc dù đã dành nhiều năng lực cho việc tìm kiếm sự thật, nhưng họ vẫn tập trung cuộc sống của mình vào việc cầu nguyện. Raissa biết rằng ngay cả những theo đuổi cao cả nhất, theo đuổi chân lý và vẻ đẹp, cũng không thể có kết quả nếu nó không xuất phát từ việc cầu nguyện. Cùng với việc duy trì đời sống trí thức, chính từ đời sống cầu nguyện này mà cả Jacques và Raissa đã nhận được ân sủng để sống một cuộc hôn nhân mẫu mực.

Trong cuốn hồi ký của mình, Raissa kể lại cách họ giải quyết những bất đồng; bà nói rằng các bất đồng “không thể dung thứ được đối với chúng tôi, nhưng để có thể hòa giải thì không có điều gì ngoài việc cố gắng hiểu nhau và giải quyết vấn đề vì lợi ích của chúng tôi”. Trong cuộc sống hôn nhân, họ đặt người kia lên hàng đầu, luôn tìm cách hiểu và học hỏi, và vì vậy họ luôn sống một cuộc sống hiến thân chân chính.

Cuộc hôn nhân của họ là mẫu mực cho lý tưởng hôn nhân Kitô giáo, tìm thấy trong thư Êphêsô 5: 22-23, nơi Thánh Phaolô viết rằng “Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng mình… Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, như Chúa Kitô yêu Giáo Hội và xả thân vì Giáo Hội”. Mặc dù câu này đôi khi khiến người ta bối rối, nhưng cuộc hôn nhân của vợ chồng Maritain cho thấy câu này có thể được sống một cách đẹp đẽ như thế nào. Trong nhật ký của bà, Raissa viết “Jacques yêu quý của tôi! Trong hơn hai mươi năm, tôi đã thấy anh ấy sống với tấm lòng luôn hướng về Thiên Chúa. Tất cả cuộc sống của tôi là phục vụ anh ấy, phục vụ công việc của anh ấy vốn dành trọn vẹn cho Thiên Chúa.” Như một cặp vợ chồng, sứ mệnh của họ hợp nhất với sứ mệnh của Thiên Chúa đến nỗi Raissa có thể nói rằng bà đã phục vụ chồng mình mà không hề tỏ ra thua kém anh ta. Bà phục vụ chồng vì chồng bà phục vụ Thiên Chúa. Bằng cách sống như vậy, Raissa và Jacques được coi như một bức tranh sống động về cuộc hôn nhân được Thánh Phaolô mô tả, một nhân chứng mà tất cả các cặp vợ chồng đã kết hôn có thể ngắm nhìn.

Vun xới Giáo hội Tại gia

Mặc dù Jacques và Raissa chưa từng có con nhưng họ không để điều đó ngăn cản họ tạo ra một ngôi nhà mà ở đó tất cả những ai bước vào đều được chào đón như gia đình. Trong nhật ký của mình, Raissa viết "Tôi muốn người lân cận của tôi có một nơi trú ẩn trong trái tim tôi cũng như chính tôi cũng muốn tìm một nơi trú ẩn trong Trái tim nhân hậu của Chúa Giêsu." Qua việc vun xới Giáo hội Tại gia, bà đã thực hiện được mong muốn này.

Căn nhà của vợ chồng Maritain đã trở thành nơi ẩn náu với những cuộc đối thoại hấp dẫn và kích thích đối với nhiều người Công Giáo có ảnh hưởng, tạo ra nơi nương náu trong một nước Pháp vốn thường thù nghịch với người Công Giáo. Một số nhân vật nổi bật thường được nhìn thấy trong căn nhà của họ là nhà thần học Reginald Garrigou-Lagrange (người sau này trở thành người hướng dẫn luận án của vị Giáo hoàng tương lai Gioan Phaolô II), nhà thơ Charles Peguy, tác giả Léon Bloy, và Tôi tớ của Chúa Elisabeth Leseur.

Vào khoảng năm 1910, cặp vợ chồng cùng với Vera, em gái của Raissa, đã trở thành những người dòng ba của Dòng Biển Đức và bằng cách đó, họ chính thức cam kết dâng cuộc đời của họ cho Chúa Kitô. Họ tuân theo lối sống tìm thấy trong Luật của Thánh Biển Đức và tạo ra trong nhà của họ một cộng đồng cầu nguyện tại gia. Cuộc sống hàng ngày của họ xoay quanh thánh lễ, phụng vụ các giờ kinh và cầu nguyện thầm lặng, cũng như hình thành thói quen cầu nguyện, làm việc và cộng đồng.

Một gương sáng phi thực tiễn?

Trong khi xem xét cuộc sống của cặp vợ chồng này, việc bắt chước cách sống của họ dường như là một nhiệm vụ bất khả thi. Họ không có con hoặc không có loại công việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều vốn đòi hỏi thời gian và năng lực của họ. Nhưng vẫn còn rất nhiều khía cạnh trong đời họ đáng được bất cứ ai noi theo, kể cả những cặp đã kết hôn và những người độc thân.

Thứ nhất, việc họ vun đắp một ngôi nhà trong đó chân, thiện, mỹ luôn được theo đuổi, là một tấm gương có thể noi gương theo trong những cách nhỏ nhặt, chẳng hạn như trưng bày tác phẩm nghệ thuật đẹp đẽ, nghe âm nhạc đáng giá, hoặc đọc những cuốn sách hay. Thứ hai, gương sáng của họ trong việc tạo ra một ngôi nhà, nơi mọi người đều được chào đón và là nơi có những cuộc trò chuyện nâng cao tinh thần và đầy thách thức, cũng là một thí dụ đáng xem xét. Cuối cùng, chứng tá của họ về đời sống cầu nguyện cũng đầy cảm hứng –– họ không bắt thời gian cầu nguyện phải thích ứng theo những ngày sống bận rộn của họ, thay vào đó họ đã lên lịch cho các ngày sống của mình quanh việc cầu nguyện.

Qua cả sự hiến thân chân chính vốn hiển hiện trong cuộc hôn nhân của họ và qua mô hình giáo hội tại gia mà họ trình bầy, tất cả những ai muốn sống một cuộc đời theo đuổi chân lý, vẻ đẹp và cộng đồng trung thành đều có thể tìm thấy tấm gương trong cuộc đời của Jacques và Raissa Maritain.

Nguồn: Anna Laughery, https://www.theyoungcatholicwoman.com/archivescollection/raissa-and-jacques-maritain-in-pursuit-of-truth-beauty-and-community