Trong một số bài trước (Vietcatholic từ ngày 27 tháng 2, 2022), chúng tôi đã dựa vào cuốn Maurice Blondel, Sa vie, Son Oeuvre của Jean Lacroix do nhà xuất bản Presses Universitaires de France xuất bản năm 1963, để trình bầy về cuộc đời và sự nghiệp của triết gia Maurice Blondel, song song với việc này, chúng tôi cũng chuyển sang Việt ngữ hai bài báo của tạp chí thần học Công Giáo Communio chuyên biệt nói tới ảnh hưởng tư tưởng Blondel đối với nền thần học Công Giáo Thế kỷ 20 cũng như đối với tư duy của Công đồng Vatican II và của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Nay xin trích dịch một số đoạn văn được Jean Lacroix coi là tiêu biểu lấy từ các tác phẩm của triết gia Công Giáo này.



Thiết kế của Maurice Blondel

Dù một số người cho là thế, nhưng không phải ý định hộ giáo, cũng không phải mối quan tâm của một nhà đạo đức, cũng không phải mong muốn cải cách hoặc sự mới lạ đã hướng dẫn tôi trong suốt hành trình dài của cuộc phiêu lưu trí thức của tôi; và những cuộc phiêu lưu này không phải không có nguy hiểm và đau khổ. Một cách chủ yếu, tôi luôn muốn thực hiện công trình kỹ thuật và độc lập của triết gia, trong tính liên tục với nỗ lực tập thể và ý nghĩa truyền thống, không có tham vọng nào khác ngoài việc kiên nhẫn khám phá toàn bộ lãnh vực mà lý trí có thể tiếp cận được trong các vấn đề hỗn hợp, làm chính xác và mở rộng năng lực triết học trong các giới hạn tận cùng của nó, nhắc nhớ hoặc trình bầy với cử toạ tất cả các tinh thần phê phán biết các vấn đề đầu tiên hoặc cuối cùng mà họ đã thoái lui hoặc vì thiếu một phương pháp thích hợp, họ đã không minh nhiên nêu ra trong lãnh vực thuần lý. Đến nỗi, một công trình đuợc quan niệm như thế chỉ có thể thành công bằng cách đạt tới một học thuyết toàn vẹn về Tư tưởng, Hữu thể và Hành động, tới một nền Triết học không "tách biệt" cũng không "lệ thuộc" vào khoa học cũng như vào tôn giáo thực chứng, và là một nền triết học - có tính tôn giáo trong yếu tính, chứ không phải tình cờ, thiên vị hay thêm thắt [surcroît] - chung sống một cách tự phát, trong nhận thức của chúng ta cũng như trong cuộc sống của chúng ta, với khoa Phê phán dũng cảm nhất và với đạo Công Giáo chân chính nhất. Người ta có thấy kế sách này, được xác định như thế, có những khó khăn chưa được thăm dò, nhưng cũng có sự thống nhất nhất quán và hoàn toàn không? Người ta có thấy tại sao mọi điều tôi thấy nơi các bậc thầy của tôi, cả nơi Thánh Augustinô, mà cuối cùng tôi đã khám phá ra, cả nơi Spinoza, trong ông Delbos đã như dẫn tôi lên một sân thượng bí mật trên mái nhà của tôi, cả nơi Pascal thân yêu của tôi, người mà tôi không thể tha thứ vì đã không tìm kiếm lý do tại sao chúng ta "xuống thuyền" mà phải chấp nhận như các sự kiện khó khăn điều đi vào như các sự thật ngọt ngào trong những phát minh hài hòa của đức ái, vâng, tất cả những điều này, tôi phải chuyển vị sang một tầm nhìn mà đối với tôi dường như không hề có điều gì được đặt ra và duy trì một cách có phương pháp? (Itinéraire philosophique, tr. 44-46).

Sự ra đời của luận án về Hành động

Hành động một cách chân thực há không luôn dẫn khởi điều mới mẻ hay sao? Cũng thế, nghiên cứu hành động, với tinh thần hành động, là không ngừng tự tôi luyện trong suối nguồn của tuổi trẻ. Vì vậy, đối với tôi dường như là ngày hôm qua, Ngày 5 tháng 11 năm 1882, vào đầu năm thứ hai của tôi tại Cao đẳng Sư phạm, tôi đã sửa lại tựa đề này mà các bạn muốn được thông báo. Tôi vẫn thấy vị trí trong phòng học, tôi vẫn còn giữ tờ giấy mà tôi đã phác họa dự án của tôi cho chính tôi. Người hàng xóm thân yêu của tôi, Gabriel Audiat, với cái nhìn thấu suốt, đọc qua vai tôi và đi quảng bá bí mật của tôi. “Một luận án về hành động, Thiên Chúa cao cả ơi! Điều này có thể là gì đây? Chữ Hành động thậm chí không xuất hiện trong cả cuốn Từ điển Khoa Triết học của Adolphe Franck", từ điển duy nhất chúng ta có lúc đó.

Thực thế, tại Sorbonne, khi tôi xin đăng ký chủ đề của tôi, chủ đề đối với tôi dường như hợp lý đến không thể khích động một loại ngạc nhiên đến như thế, cô thư ký dễ thương Lantoine đã trả lời tôi trước, theo các ý kiến có thẩm quyền, rằng người ta không hề thấy ở đấy có chất liệu gì cho một luận án triết học. Thích thú với chuyện kỳ quặc này, các đồng bạn của tôi đã trêu chọc tôi một cách nhẹ nhàng, bằng cách thỉnh thoảng lại đưa tin tức về cuộc phiêu lưu kỳ lạ này.

Một thời gian sau, Lucien Herr, người quan tâm nghiêm túc hơn đến nó qua giọng điệu chế giễu của một người bảo vệ khổng lồ tốt lành, đã khuyên tôi, tuy anh ta lúc đó vốn là một nhà thư mục học uyên bác: "Blondel bé bỏng của tôi, bạn không nên biến một cái tên riêng duy nhất trong luận án này thành một biểu tượng, vì nó xứng đáng được xử lý trong tính toàn bộ của nó; đây là một điều mới mẻ!” Đó quả thực là quyết tâm của tôi.

Điều tôi muốn là tự giải phóng bản thân, bằng cách sử dụng nó, sử dụng môi trường, mới mẻ đối với tôi, bao quanh tôi ở bên phải cũng như ở bên trái và tạo cho tôi ấn tượng không còn thở một cách thoải mái nữa; một môi trường nơi các thái cực trái ngược nhau tự khiêu khích lẫn nhau và không chịu bù đắp cho nhau; một môi trường nơi người ta dao động từ chủ nghĩa tài tử [dilettantisme] sang chủ nghĩa khoa học; nơi tân Kitô giáo theo kiểu Nga tương phản với sự kỳ tài cứng cỏi của chủ nghĩa duy tâm [idéalisme] triệt để kiểu Đức; nơi, trong nghệ thuật và văn chương cũng như trong triết học, nếu không muốn nói trong chính khoa sư phạm tôn giáo, đối với tôi điều khái niệm, điều hình thức, cả điều phi thực dường như đã chiến thắng; nơi cả các cố gắng người ta làm để khơi lại cội nguồn của một đời sống sâu sắc và một nghệ thuật tươi mát chỉ dẫn đến chủ nghĩa biểu tượng, mà không tiến tới chỗ khôi phục lại điều cụ thể, điều trực tiếp, điều đặc thù, điều nhập thân, ngôn từ sống động vốn mang theo toàn bộ phức thể con người, thực hành bí tích, vốn gieo vào huyết quản chúng ta một tinh thần thiêng liêng hơn tinh thần của chúng ta, một ý nghĩa bình dân và một chủ nghĩa hiện thực Công Giáo.

Người ta tin có thể tự làm cho mình phong phú bằng cách thổi phồng mọi ý thức hệ ủy thác (idéologie fiduciaire); như thể các giải thích tượng hình và các suy đoán cao ngạo của những tay thông thái nửa mùa đã đưa người ta tiến xa và đáng giá hơn những thực tại khiêm tốn và cao siêu của những người đơn sơ và hiền giả! Tuy nhiên, đối với tôi, hành động dường như là "sợi dây liên kết chủ yếu” tạo nên tính thống nhất cụ thể của mọi hữu thể bằng cách bảo đảm sự hiệp thông của nó với mọi hữu thể. Thực vậy, há nó không phải là sự hợp lưu trong chúng ta của tư tưởng và sự sống, của tính độc đáo cá nhân và trật tự xã hội, thậm chí toàn diện, của khoa học và đức tin đó sao? Bằng cách diễn dịch điều có tính độc đáo, chưa ai nói tới, khởi tạo trong mỗi con người, nó cũng chịu ảnh hưởng không kém của thế giới bên dưới, của thế giới bên trong, của thế giới bên trên: nó phát xuất từ thể phổ quát, nó sẽ quay trở lại đó, nhưng bằng cách dẫn về điều có tính quyết định; nó là qũy tích trong đó, thể tự nhiên, thể nhân bản, thể thần linh gặp nhau (Itinéraire philosophique, trang 63-67).

Ý nghĩa thực sự của "Hành động"

Gửi Georges Perrot {1}.

Ngày 20 tháng 10 năm 1893.

Thưa Ông Giám đốc, Ông đã tỏ ý muốn với tôi mong được minh xác bằng một tuyên bố ngắn về ý nghĩa luận án của tôi và về những ý định mà tôi có trong việc bàn tới hành động. Tôi càng xin cảm ơn ông một cách chân thành hơn khi lòng nhân từ đầy trìu mến của ông quý giá hơn đối với tôi và làm tôi dễ dàng giải thích sự khó khăn trong việc biện phân rõ định hướng đích thực của một công trình rộng lớn và phức tạp, mà các chi tiết chỉ hoàn toàn khả niệm khi có cái nhìn tổng thể. Tôi xin nói thêm rằng sau khi cố gắng khảo sát một cách có phê phán các câu hỏi, mà ít nhất ở Pháp, những tinh thần cao thượng thường hay quá làm ngơ, tôi càng cảm thấy các ý định của tôi bị hiểu lầm. Việc không phát biểu ý kiến, mà nước Anh và nhất là nước Đức còn lâu mới bắt chước, đối với tôi dường như đầy nguy hiểm, bởi vì, trong trường hợp không có bất cứ cuộc thảo luận thuần lý nào về những vấn đề không thể bị dẹp bỏ, nó bỏ ngỏ lĩnh vực cho cuộc xung đột bạo lực đầy đam mê: ngoài ra, trước nguy cơ bị tấn công của bên này hay bên kia, tôi muốn khắc phục việc tự ý cắt xén tư tưởng Pháp. Những vấn đề này - mà nơi chúng ta, người ta đã quen với việc không coi chúng có tính triết học bởi vì, trước sự hỗn loạn về quyền lợi hoặc tham vọng hòa lẫn với nhau trong đó, các tâm hồn hào phóng nhất và các tinh thần ôn hòa nhất quay lưng bỏ đi một cách buồn bã hoặc khinh bỉ - tôi đã cố gắng bàn tới chúng với sự vô tư của một tinh thần mới. Tôi biết vì các hình thức tư tưởng tôn giáo từng thịnh hành ở Pháp, công việc chắc chắn là tế nhị; nhưng đối với tôi dường như điều đó không phải là bất khả, đối với tôi nó dường như còn là điều cần thiết và cấp bách. Do đó, vì lý trí, tôi nhận trách nhiệm phần đã bị bỏ ngỏ; tôi đã làm việc này để không một thẩm quyền đã được qui định nào có thể khiếu nại về các hành vi bị coi là lấn lướt, để không một suy nghĩ thực sự tự do nào có thể buộc tội tôi đã kéo nó ra khỏi lối lập luận thuần lý. Tôi tự đặt mình vào chỗ, nơi các cuộc thảo luận, bất luận sống động bao nhiêu, có thể trở thành và mãi thanh thản và hòa bình. Tôi cố gắng làm cho hình thức Công Giáo của tư tưởng tôn giáo điều mà nước Đức đã làm từ lâu và vẫn luôn làm, cho hình thức Thệ phản mà triết học, thật sự như thế, dễ dàng thoát ra hơn.

Như thế, trong công việc của mình, tôi mang đến một kế sách hòa bình và chinh phục – một chinh phục, không chống lại lý trí, mà vì lý trí, vì tôi cố gắng khôi phục cho nó điều, theo hướng ngược lại, sự cuồng tín đã lầm lẫn tương tự khi loại bỏ khỏi nó; một kế sách hòa bình, vì các cuộc tranh luận khoa học có hiệu quả bổ ích là thay đổi kẻ thù thành đối thủ, vì chúng biến đổi các đam mê mù quáng thành các ý tưởng, những ý tưởng, nhờ soi sáng lẫn nhau, sẽ hòa hợp với nhau, bất chấp các phản bác được công nhận. Mong muốn của tôi là thừa nhận mọi đa dạng của lương tâm con người, không làm nản lòng bất cứ thiện chí nào, không nghi ngờ bất cứ lòng chân thành nào. Và nếu đôi khi xem ra tôi quở trách các tâm trí có định kiến quá sớm hoặc các lương tâm ì ạch và nhát gan, chính là để dẫn họ đến nơi mà đối với tôi dường như ý chí bí mật của họ muốn đi tới, là để cung cấp cho họ một điều gì đó hơn điều tối thiểu mà họ đang tìm cách để tự hài lòng. Nhưng khi cảnh cáo họ chống lại việc không bày tỏ ý kiến một cách liều lĩnh, không bao giờ tôi chỉ cân nhắc điều hơn có thể miễn chước điều ít.

Do đó, về ý định và phương pháp, việc làm của tôi hoàn toàn có tính triết học. Đối với tôi, dường như nó càng là như thế do bản chất của học thuyết cũng như do các kết luận của tôi. Nhưng chính ở đây hơn cả, người ta dễ dàng hiểu lầm; vì mối tương quan giữa trật tự nhận thức và điều vượt quá nó chưa bao giờ được xác định như tôi đã cố gắng làm. Ngày nay, những bộ óc đa dạng nhất đồng ý với nhau đủ để nhìn nhận rằng đời sống con người không hoàn toàn bị giới hạn trong điều khoa học thực chứng hay suy đoán thuần lý có thể xác định một cách chính xác: một điều không biết, có lẽ không thể biết, dường như bao phủ chúng ta và vào tận sâu trong chúng ta. Thế mà, mối liên hệ này của điều đã biết với điều sau đã được quan niệm nhiều cách khác nhau, và một cách đại khái, đây là cách các khái niệm này đã diễn biến. Đối với phái kinh viện, hai trật tự phụ thuộc nhau trong một phẩm trật đi lên chồng chéo lên nhau bằng cách chạm vào nhau và thông đạt với nhau, nhưng vẫn như ở bên ngoài lẫn nhau. Thệ phản, khi bác bỏ ý niệm về bất cứ sự chuẩn bị thuần lý nào cho đức tin, đã bắt đầu bằng cách san bằng toàn bộ tòa nhà lý trí và tự do, ngoại trừ sau đó nâng nó trở lại với tính độc lập và toàn vẹn của nó, mà từ nay, người ta không thấy trong đó nền tảng của một phương thức cao hơn. Như thế, trong mắt họ, có thể nói hai trật tự chỉ đứng bên cạnh nhau, trong khi chờ đợi nhân danh trật tự đầu, người ta ráng loại trừ trật tự sau. Nhưng không thể duy trì sự phủ nhận hoàn toàn này. Chính trong trật tự duy nhất được bảo tồn, mà kể từ đó người ta đã phát hiện lại nhu cầu cần trật tự kia. Và thế là, vào lúc này, một xu hướng nổi bật: đó là coi cuộc sống và tư tưởng, niềm tin và khoa học diễn biến song song thành hai loại không thể thông đạt với nhau. Riêng kiến thức mà thôi, cuối cùng, không chỉ cho chúng ta biết được mầu nhiệm đang bao phủ chúng ta; nó giản lược chúng ta vào thế bất động, giống như những du khách kia, đêm khuya trên một bến bờ vô định, đang chờ đợi một bình minh không bao giờ ló dạng. Nhưng, người ta nói thêm, bằng việc thực hành cuộc sống, chúng ta mới thấu triệt mầu nhiệm này; chúng ta di chuyển trong nó, chúng ta ở trong nó, nó là chính chúng ta. Thế nhưng, giữa niềm tin và khoa học, đối với tôi, dường như có một điểm giao nhau vĩnh viễn, đó là hành động: trong đó, hai trật tự mà người ta đã chồng lên nhau, xếp cạnh nhau, đối lập nhau, được kết hợp trong một cuộc thấu nhập [compénétration] hỗ tương. Bằng cách làm cho người ta thấy các sự thật tích cực nhất được trích xuất từ hành động ra sao, tôi sẵn sàng trích xuất từ hành động các sự thật bề ngoài có vẻ siêu việt mà thực ra vốn nội tại trong đó. Quả thế, một mặt, tôi chứng tỏ rằng kiến thức, trong toàn bộ trương độ của nó, là một dẫn khởi [dérivé] từ hành động nơi nó tìm thấy sự biện minh và thực tại của nó. Mặt khác, tôi chứng minh rằng Hành động của con người chúng ta ngụ hàm mọi nhu cầu tôn giáo kia, mà người ta vốn trình bầy với chúng ta như ở bên ngoài chúng ta hoặc giống như những điều viển vông. Cùng một trương độ [coextensifs], chúng đi vào chính đạo đức tự nhiên mà ý niệm về nó sẽ không trọn vẹn nếu người ta không đi tới chỗ tôi đã đi: tôi không hạn chế hoặc thỏa hiệp nó, tôi đã mở rộng và phát triển nó. Điều mà con người thực hiện chắc chắn chỉ là một phần của điều tự thực hiện trong nó; nhưng phần này có cùng một trương độ với toàn bộ; đó là lý do tại sao tôi nghiên cứu điều có vẻ như vượt quá vai trò riêng của con người, mà không ra ngoài vai trò của triết học, bởi vì tôi không ra ngoài Hành động nhân bản của chúng ta. Nếu tôi nói về siêu nhiên, thì đó vẫn là tiếng kêu của thiên nhiên, một lời kêu gọi của lương tâm đạo đức và một đòi hỏi của lý trí mà tôi làm cho người ta nghe. Đó là lý do tại sao tôi nghiên cứu điều dường như vượt quá vai trò của chính nó mà không ra ngoài lãnh vực của lý trí, đơn giản bằng cách theo dõi diễn biến liên tục của các ý tưởng khoa học, luân lý và tôn giáo; như thế, tôi đạt tới chỗ làm phát sinh từ ý thức, từ bên trong, điều dường như được áp đặt từ bên ngoài, từ nguồn gốc của chuyển động này. Các hành vi của chúng ta bao hàm trong cấu trúc tự nhiên của chúng, tất cả những gì siêu nhiên có thể ở đó. Ngoài ra, khi tôi nói về những gì vượt trội khoa học hay lý trí, nó vẫn nhân danh lý trí và do nhu cầu của tự nhiên (Lettres philosophiques, trang 32-36).

Sự suy tư

Một lý do hành động [motif] không phải là một lý do nếu đứng một mình. Nếu nó đứng một mình, đó là một mong muốn động vật, một hình ảnh bản năng. Nếu nó xuất hiện một mình với ý thức, nó là một xung động tự phát hoặc thói quen máy móc, một mê sảng của bệnh nhân hoặc người mất trí, một gợi ý của người mộng du, một tính tự động của người phân tâm hoặc mơ mộng; nó là một ám ảnh, chứ không phải là một ý niệm.

Mọi ý niệm, mọi trạng thái ý thức rõ ràng đều bao hàm sự tương phản và đối lập bên trong: giống như mắt tự kích thích màu bổ sung cho mầu nó mệt mỏi không còn tri nhận được để làm cho chúng sinh động lẫn nhau, tương tự như vậy, thì sinh vật có tâm trí cũng được cấu tạo một cách khiến mọi biểu thị đều gợi lên các đối lập và đối kháng, giống như rất nhiều âm bội [harmoniques] nhằm đặt chúng nổi bật bởi việc song song dùng một cái chặn tiếng [sourdine]. Người ta vốn nhắc nhở, ý thức chỉ phát sinh từ một phân biệt, nó tự phát triển dưới ảnh hưởng của định luật tương đối.

Việc nghiên cứu điều gọi là phân cực tâm lý cho thấy rằng, dưới mọi tri nhận có vẻ đơn giản và thẳng thắn đều che giấu hình ảnh của một tri nhận khác có tính hư ảo, sẵn sàng thay thế tri nhận đầu. Cũng theo cách này, trong cơn cuồng loạn, người ta có thể giải thích nhu cầu mô phỏng và cả sở thích nói dối nữa, một sở thích đàng khác đã ám ảnh một số tổ chức rất khó tính, nhưng vẫn lành mạnh: vì bên cạnh các ký ức có thực chất, xuất hiện và phát triển một hệ thống liên tưởng trái ngược; và do sự lôi kéo của một cơn cám dỗ kỳ lạ, người ta tiến tới chỗ, bất chấp bản thân, nói điều ngược lại với điều họ suy nghĩ, cởi bỏ cuộc sống có ý thức, rơi vào ảo tưởng, như thể các mô tả dối trá, vì hết thẩy đều có tính chủ quan, nên đúng là có nhiều thẩm quyền đối với chủ thể hơn những mô tả mà chủ thể có ấn tượng thực sự. Cũng thế, cơ chế phủ định thông thường kích hoạt một cặp khẳng định đối nghịch nhau, trong đó khẳng định này thành công nhờ loại trừ khẳng định kia, nhưng không bao giờ hủy diệt được nó. Từ đó có tinh thần mâu thuẫn; từ đó có nguy cơ khơi dậy, nơi trẻ em, sự nghi ngờ hoặc không vâng lời bởi một câu hỏi sớm sủa nào đó. Mặt khác, từ đó, bù lại, có tiện ích đánh bại cơn cám dỗ, để củng cố chính sức mạnh của ý nghĩa luân lý. Nói tóm lại, quan niệm rõ ràng một hành động là cùng một lúc tưởng tượng, ít nhất mờ mờ, khả thể có nhiều hành động khác nhau, dùng như vật làm nổi và giúp làm chính xác quan niệm ban đầu bằng cách loại bỏ và phỏng chừng. Như thế, mọi quan niệm giống như một phân số chỉ có nghĩa nhờ liên hệ với một đơn vị và đòi hỏi sự bổ sung của một phân số khác.

Đây là các sự kiện: tính tự động thú vật nơi con người và tính tất định của cuộc sống họ, cả về phương diện sinh lý lẫn tâm lý, đều bị thâm nhập bởi định luật các tương phản đồng thời hoặc tiếp nối nhau {2}. Cơ chế bên trong, cho tới tận trung tâm sự sống thô sơ của chúng ta, được cấu tạo một cách khiến cho sự thống nhất đơn điệu và không được tri nhận của diễn trình hữu cơ liên tục bị đi qua, phân chia, xé nát bởi những cuộc đấu đá nội bộ. Vì vậy, như chúng ta đã thấy khi nghiên cứu tính tự phát chủ quan, nếu đúng là mọi hành vi của ý thức đều là một tổng hợp sức mạnh và một nguyên lý mới của sức mạnh, thì cũng đúng là mọi ý thức về một hành vi (ý tưởng hoặc tình cảm) đều là kết quả của một cuộc xung đột, một xáo trộn và một ngưng đọng trong tính năng động của tâm trí, một "sự ức chế" ít nhất từng phần. Cần phải nghiên cứu nguyên nhân và hậu quả của nó.

Khi hình ảnh và ý tưởng nảy sinh nhiều hơn, nhiều vấn đề tự đặt ra hơn cho hoạt động; vì công việc vô thức của đời sống tâm lý tự chuyển dịch một cách tự phát dưới dạng các mục đích phải đạt được. Tính tất định dự phóng mục tiêu nó tự chỉ định cho mình và với sự trợ giúp của các điều kiện có trước, nó tạo thành lý tưởng để theo đuổi. Chính như thế mà, giữa các khuynh hướng khác nhau, tự tỏ hiện trong chúng ta do một tất yếu không ai biết, các hệ thống tương phản của các cùng đích đã biết tự hình thành; mỗi một hệ thống mang một sức mạnh hiện thực hóa trong nó. Và bởi sức thu hút của các lý do hữu thức khác nhau, các sức mạnh tản mác của đời sống nội tâm được nhóm họp lại, theo một quy luật cùng đích, trong những tổng hợp đối kháng nhau. Vậy thì, giữa các nhóm dị biệt này làm thế nào có sự đối lập? Làm thế nào từ cuộc đấu tranh nội bộ này rút ra một kiến thức rõ ràng hơn và một sức chú ý mới? Làm thế nào từ chính ý thức này nảy sinh ra suy tư? Làm thế nào sự phân rẽ các khuynh hướng thường không đồng đều và không cân xứng dẫn đến “sự ức chế”?

Thì đây.

Nếu các hệ thống đối kháng chống lại nhau trong ý thức, thì đó là vì, bất chấp đối kháng này, chúng được bao gồm trong sự thống nhất phức tạp của một cơ thể duy nhất; là vì chúng cũng phụ thuộc một sức mạnh cao hơn của các thể đối lập; là vì thay vì là những mảnh cô lập, chúng là các bộ phận của một tổng thể. Tính đa dạng của các hình ảnh và lý do chắc chắn đã chuẩn bị, nhưng trước hết nó giả thiết một sự thống nhất có khả năng bao gồm chúng và sản sinh ra chúng. Ngoài ra, trước những lý do trái nghịch thì như có một lý do thứ ba can thiệp để chống đối chúng. Ngay cả trước một lý do duy nhất, từ thời điểm nó được quan niệm một cách rõ rệt, người ta vẫn coi nó chỉ như một trong những giải pháp khả hữu, trong mối quan hệ của nó với tổng số các ấn tượng và xu hướng hiện có. Trong ý thức, mối tương quan của các bộ phận tương phản nhau với toàn bộ và với nhau này nói đúng ra chính là việc suy tư. Nó là kết quả đặc tính từng phần của các trạng thái đối kháng nhau; nhưng tính đa nguyên của các trạng thái liên đới và đối lập này chỉ có thể khả hữu nhờ hành động nội tại của một sức mạnh có khả năng bao trùm trọn tính đa dạng của các thể đối lập trong một thể thống nhất cao hơn, mà ta phải gọi đúng là lý trí.

Như thế, ngay khi có những mâu thuẫn bên trong và sự ngưng đọng của các khuynh hướng, ý thức, khi tự khám phá trong mình một sức mạnh lớn hơn, trở thành suy tư. Từ cuộc xung đột giữa các năng lực và các mong muốn bị ngưng đọng phát sinh các trạng thái cảm xúc dùng làm chất liệu và thực phẩm cho các trạng thái tri thức mới. Thay vì vẫn mù mờ và không mạch lạc, các lý do khác nhau của Hành động xuất hiện để đối đầu với nhau; nó là Lý trí bao gồm trong chính nó toàn bộ hệ thống các lý do đối địch nhau, nó không phải là một lý do đặc thù nào trong các lý do này; nó chứa chúng tất cả, nó tự phân biệt với chúng tất cả và đặt tất cả chúng ở trạng thái cân bằng, vì nó thấy mỗi lý do trong số này, một phần trong tổng thể, chỉ là một lý do giữa những lý do khác và giống như những lý do khác, una e multis [một từ nhiều]. Đây là lý do tại sao, bất cứ sự bất bình đẳng nào của các sức mạnh đang hiện diện, việc suy tư cũng làm tê liệt chúng như nhau; vì nó giả thiết, không những sức mạnh của một trong các thành tố thù địch nhau, nhưng là sự kết hợp mọi năng lực tiềm tàng. Nó moi cho những năng lực tự phát này tất cả những gì chúng có từ sức mạnh cổ vũ và sử dụng chúng để ngăn chặn chúng.

Cũng ở đó, cách ý thức tính tất định tự thành hình trong chúng ta đã tự tỏ bày ra. Vì chúng ta chỉ quan niệm tính tất yếu của một hành vi dưới ảnh hưởng hấp dẫn của một mô tả tâm trí, khi tưởng tượng rằng, hệ thống các lý do trổi vượt đã loại bỏ mọi xu hướng trái nghịch và, có thể nói, nó đã trở thành một phần toàn bộ; nghĩa là nhờ dùng trừu tượng, coi lý do trổi vượt này như lý do duy nhất chân thực và hữu hiệu, chúng ta duy trì trước nó, để hiểu sức mạnh xác định ra nó, ý tưởng có lẽ nó chỉ là một bên trong một toàn bộ. Đến nỗi, tính tất định chỉ được biết đến bao lâu người ta tìm thấy trong mình điều có thể nhờ đó vượt quá được nó.

Cuối cùng, việc phân tích này giúp ta có thể giải thích tại sao, ngược lại, một số đề xuất dẫn đến hành động dưới ảnh hưởng của tính tất yếu, đã để lại nơi tác nhân một ảo tưởng về tự do. Khi hành động được đề xuất thực sự xuất hiện với tất cả các lý do có thể hỗ trợ nó, đó chính là hậu quả của đề xuất nhằm loại bỏ khỏi lĩnh vực ý thức các trở ngại và ý muốn thoáng qua trái ngược nhau. Tuy không có bất cứ sự đàn áp thực sự nào đối với các xu hướng đối kháng nhau, vẫn có sự gây mê chủ quan; vừa rồi, bằng một câu chuyện hư cấu, chúng ta tưởng tượng một lý do từng phần đã hấp thụ toàn bộ hoạt động, và kết luận với thuyết tất định; bây giờ có vẻ như đối với người kiên nhẫn, chịu thực hiện gợi ý cho rằng trong trường hợp không có bất cứ lý do nào khác, một mục tiêu được đề nghị với họ, và trong khi nhắm tới nó, họ nghĩ rằng họ được tự do như thể họ được như thế nếu họ hành xử bằng sự biện phân trọn vẹn thông thường của mình.

Kiến thức suy tư vì vậy giống như một tổng hợp bậc hai; nó là mô tả của các mô tả. Điều nó có tóm tắt điều có trong chúng ta, và điều có trong chúng ta tóm tắt mọi điều khác. Nhưng sau khi, nhờ một tiến bộ nhất thiết, người ta đã leo lên các bậc có cấp này, nếu họ quay lại, thì làm thế nào họ có thể giải thích được việc, theo cách này, điều nhiều hơn dường như phát xuất từ điều ít hơn? Tại sao lại có sức mạnh chiến thắng của các tình trạng được dẫn khởi này? Do đâu có việc, cùng một lúc, sự suy tư thu hẹp phạm vi của sự sống tự phát, vì nó đưa vào đó các giới hạn và các tương phản, trong khi mở rộng sức mạnh của các lý do đặc thù, vì nó làm cho bất cứ một trong số chúng có khả năng đánh bại tất cả?

Đó là vì sự chuyển dịch đi lên này tự nó được định đoạt trước bởi một khát vọng thầm kín mà, ngay từ nguồn gốc, đã gieo mầm cho những sự phát triển bất ngờ này. Nhìn từ dưới lên trên, theo chuỗi các phương tiện, mọi điều dường như nhất thiết; nhưng chỉ có sự hạn chế bề ngoài. Nhìn từ cao xuống thấp, có thể nói, và trong thứ tự các mục đích theo đuổi, tất cả đều phát sinh từ một sáng kiến mà mỗi nỗ lực mới phải biểu lộ tốt hơn. Và chính vì thế, mỗi tổng hợp về sau chứa nhiều hơn các tiền thân đã xác định của nó; chính vì thế, sự sao chép trong ý thức các trạng thái vô thức tạo ra một năng lực mới; cũng chính vì điều này, sự suy tư, khi tập trung ánh sáng tản mạn vào một điểm, phần nào nhân thừa nó lên; cuối cùng, chính vì điều này, ngay cả sự rõ ràng tăng lên này cũng chưa đủ để đưa chúng ta đến hành động nếu chúng ta vẫn không thấy quá bên kia sức hấp dẫn của bóng tối và điều chưa biết.

Do đó, khi đặt vào cùng một thời điểm của đời sống bên trong, người ta không hề có thể giải quyết vấn đề tự do và thuyết tất định ngay lập tức. Vì những gì ban đầu làm nhất thiết đến lượt nó, cũng sẽ trở thành nhất thiết: chỉ theo ngôn từ mà thôi, nếu người ta đạt được nó, họ sẽ phát hiện ra đặc điểm thực sự của chuyển động toàn diện của sự sống này. Vì vậy, chỉ cần chứng tỏ, ở mỗi sự phát triển của hành vi, sự tiếp nối bắt buộc của chính sự phát triển này và sự chiến thắng của tình trạng mới theo các điều kiện của riêng nó. Nhưng phải cẩn thận đừng đảo thứ tự hoặc nhầm lẫn các mức độ của sự tiến triển nghiêm ngặt này: nếu không, người ta sẽ hiểu sai đặc điểm khoa học của diễn biến này, và người ta sẽ tự rơi vào chỗ coi cho việc nhất thiết phát sinh tự do {3} (một phương diện thường bị bỏ qua) thành sự hấp thụ tự do ngay trong nhất thiết.

Đó là khởi nguyên, là tính công hiệu của suy tư: nó phát khởi từ tính tự phát, và nó tự giải thoát khỏi nó bằng cách giải thích nó; nó diễn tiến từ tính tất định, nhưng nó vượt ra ngoài tính tất định để biết nó. Sinh ra từ một sự dị biệt hóa bên trong và một sự ức chế, nó là chính năng lực ức chế và gây rối này (như Chủ nghĩa duy nghiệm đã nhận xét về nó rất đúng). Kể từ thời điểm xuất hiện, bất cứ xu hướng nào cũng được cư xử một cách kính trọng; nó đình chỉ, không phải nhận thức mà nó xác định, mà là hoạt động tức khắc, bởi một sức mạnh mà nó vay mượn từ các khuynh hướng đối kháng đa dạng và là sức mạnh vượt trội hơn từng sức mạnh và mọi sức mạnh. Thực thế, há người ta không hay nhận xét rằng một sự chú ý quá hẹp sẽ làm trật kế sách tự nhiên và cản trở sự dễ dàng của các chuyển động thông thường nhất, việc phân tích ham biết và bác học giết chết đà hăng hái, cảm giác hạnh phúc ngây thơ, tính phong phú của cuộc sống, và chính tình yêu; và há người ta không thấy các bản năng và các phong tục truyền thống đôi khi phải nhường bước trước sự tiến bộ của sức mạnh hòa tan này, tức suy tư đó sao?

Do đó, từ tính tất định của thể di động và các lý do nảy sinh một sức mạnh làm nó luôn bị lúng túng. Nhờ có nó, không một gợi ý tự nhiên nào giữ được sự quyến rũ ma thuật từng biến nó thành tối cao; trước nó, không có ảnh hưởng quyết định nào, không có giá trị tuyệt đối nào; có thể nói, không điều gì đáng phải thực hiện nữa: có sự ngưng đọng, có sự dửng dưng. Há đó không phải là cái chết của hành động, và há nó không chỉ được quan niệm để trục bỏ đó sao? (Hành động, trang 110-115).

Còn tiếp