Luận lý Qui phạm (la normative)

Cũng giống như, để nghiên cứu tư tưởng, chúng ta quay trở lại chính nguồn gốc của nó và dò xét kỹ lưỡng các điều kiện của việc suy nghĩ hơn là bám vào sự đa dạng vô định của các suy nghĩ, mục đích của chúng ta lúc này là biện phân các điều kiện của hữu thể, của các hữu thể hơn là tính đa dạng của các quy luật đặc thù đối với các phạm trù khác nhau của hiện hữu thực tế. Do đó, chúng ta không hề hiểu sai cả điều các khoa học thực nghiệm có thể xác định trong trật tự các thuộc tính chuyên biệt hoặc các mối tương quan giữa các hữu thể, lẫn điều suy cứu thuần lý có thể khám phá ra từ thiên nhiên và từ phẩm trật vốn dùng để lên đặc điểm và, có thể nói, xếp tầng các hữu thể, mỗi hữu thể theo thứ bậc của nó hoặc trong chức năng của nó so với các hữu thể khác. Nhưng điều chúng ta thấy lại thuộc một trật tự hoàn toàn khác. Đó là việc xác định xem làm thế nào một hữu thể được tạo ra, dù nó là gì, có thể trở thành một hữu thể xứng đáng với cái tên đó. Và do đó, đây là việc tìm hiểu làm thế nào các hữu thể khác nhau, đồng qui và liên lập với nhau, có thể nói như thế, có thể bám vào nhau từng hữu thể một theo một đường bình thường và cùng nhau bám vào Hữu thể Tuyệt đối, Đấng, một mình Người, đóng vai trò nền tảng và cùng đích của tất cả những gì hiện hữu, tuy nhiên, để không điều gì nhờ Người mà hiện hữu ngưng duy trì được sự tồn hữu riêng và tính không thể đo lường (incommensurabilité) với Người.



Nếu người ta đi vào việc tìm hiểu vấn đề này, ngay lập tức họ sẽ thấy rằng ý niệm qui phạm (norme) thực sự là ý niệm của một thực tại hiện diện và cần thiết cho chính cấu trúc của mọi hữu thể. Ngoài ra, suy nghĩ chăm chú hơn cũng cho chúng ta thấy rằng, nếu mỗi loài hữu thể đều có một bản chất được điều chỉnh bởi các định luật riêng của nó, trong một thế cân bằng được phát biểu bởi mối tương quan qua lại của các hình thức và tính cố định tương đối của các hiện tượng được khoa học khác nhau nghiên cứu, thì còn có thêm và ở bên dưới, một mối nối kết phổ quát và được quy định mà khoa hữu thể học cần phải biểu lộ nguyên lý, sự phát triển và kết thúc của nó. Do đó, nếu (như chúng ta vừa nhận xét), nếu việc nghiên cứu về suy nghĩ gắn liền với điều làm cho suy nghĩ hữu hạn của chúng ta thành khả hữu bằng cách gắn nó trở lại với đối tượng tối cao và vô hạn, một cách đối xứng, thì việc nghiên cứu các hữu thể ngẫu nhiên phải cho thấy ở đây các đòi hỏi căn bản mà nếu không có chúng, không tạo vật nào, nói cho chính xác, là một hữu thể thực sự. Vì vậy, bỏ qua một bên, bất cứ chúng đáng lưu ý ra sao, vấn đề các qui tắc (normes) đặc thù và việc khảo sát hình thái hữu thể học (morphologie ontologique) theo sự đa dạng của các bản tính và yếu tính luôn luôn cần được bảo vệ, ở đây, chúng ta tập trung vào qui tắc của các qui tắc và vào ý nghĩa của toàn bộ vấn đề, của điều có thể được gọi là tính qui phạm (la normalité) chi phối cùng một lúc và trong tương quan qua lại của mọi hữu thể được tạo dựng. Do đó, theo quan điểm này, không có tính đa dạng mà chỉ là việc đặt các qui tắc bất đồng nhất ở cạnh nhau mà thôi. Bất chấp tính phức tạp của các khía cạnh diễn tiến, vấn đề là một và toàn bộ trong những điều liên quan đến kế hoạch, việc tổ chức, sự thống nhất năng động trong toàn bộ sáng thế. Một sự thống nhất không được tự mua chuộc (se monnayer) hoặc như thể tự phân tán trong các nghiên cứu và các giải pháp vụn vặn, như suy nghĩ trừu tượng và suy lý quá mức của chúng ta có thể mong muốn, nhưng đòi hỏi phải được duy trì trong tính bất khả phân chia toàn diện của nó, để vẫn còn nằm trong trật tự hữu thể học.

Quả thực, chúng ta nên hiểu rằng nếu, ngay đối với suy nghĩ, một "luận lý học tổng quát” chi phối và có xu hướng thống nhất mọi khía cạnh đặc thù dưới một định luật nhất quán phổ quát, thì dưới ngay quy tắc của sinh hoạt suy lý vẫn có một luận lý qui phạm (Une Normative), nghĩa là một luận lý học hữu hiệu về hữu thể mà các các đặc điểm và thực tại khác với cả luận lý học của tư tưởng trừu tượng vốn duy trì giá trị của nó, lẫn tính biện chứng của cuộc sống nội tâm và sự chiêm niệm hoàn toàn cụ thể vốn đã là một nhận thức có tính hợp nhất hơn.

Bằng loại suy với hình dung từ, được dùng như danh từ, để chỉ thuật ngữ dành riêng cho Luận lý học đứng đầu phương tiện thu lượm tư tưởng, người ta đề nghị gọi luận lý qui phạm là việc nghiên cứu có phương pháp nhằm mục đích nghiên cứu và cung cấp diễn trình bình thường nhờ đó các hữu thể thực hiện thiết kế mà từ đó chúng đã phát khởi, vận mệnh mà chúng hướng tới. Nhưng từ đó, trong số các hữu thể này, một số phải hợp tác vào việc khởi nguyên của chính chúng và do đó có thể không đạt tới số phận của chúng, há không cần thiết phải đưa vào hữu thể học việc khảo sát thuần lý các hệ quả của một thất bại, tình huống kỳ lạ do một khiếm khuyết và tạo thành "điều xấu", không hẳn như một hữu thể, cũng không phải như một hư không, nhưng như một sự thiếu sót tích cực [privation positive], debitae perfectionis privatio conscia [việc hữu thức lấy đi sự hoàn hảo phải có]? Không có việc khảo sát có phê phán câu hỏi mà triết học ít khi đề cập tới, vấn đề các hữu thể sẽ không tự làm mình sáng tỏ đủ, không hơn việc một bức tranh sẽ không có độ nổi và độ vững chắc của hình ảnh nếu không có những bóng tối và tương phản. Chúng ta thậm chí sẽ thấy rằng, để hiểu thấu ý nghĩa gốc rễ của một luận lý qui phạm của hữu thể bằng cách so sánh với luận lý của tư tưởng, chúng ta phải nhấn mạnh vào sự đối lập triệt để giữa ý niệm khẳng định và phủ định vốn là cơ sở của luận lý học Aristốt và ý niệm sở hữu và thiếu thốn vốn đóng vai trò như một bàn đạp cho động lực của hữu thể, và, hơn nữa, Aristốt đã không hiểu lầm khi ông nói về sự đối lập độc đáo giữa điều ông gọi là ἔξις καῖ στέρησις, một thuật ngữ được dịch đại khái là habitus et privatio [thói quen và thiếu sót].

Do đó, trước khi khảo sát xem các hữu thể khác nhau tiếp theo nhau, nâng cao nhau hoặc làm suy giảm nhau ra sao theo một quy luật tương quan qua lại mà sự thống nhất của thế giới thiên thể chỉ là biểu hiện đầu tiên của nó, điều quan trọng là suy tư về loại nối kết vốn thiết lập ra sự liên đới của mỗi hữu thể với bản thân nó, với các hữu thể khác và với mục đích tối cao mà tất cả đều hướng về: omnia itendunt assimilari [tất cả có xu hướng được hoà nhập], một khẳng định mà chúng ta đã chỉ ra ý nghĩa sâu sắc và sự thật đa dạng của nó.

Trong khi luận lý của tư tưởng hình thức phát khởi từ các ý niệm đã được xác định và của các nguyên tắc đã được đặt ra một cách tuyệt đối trong đó sự khẳng định loại trừ mâu thuẫn, mà không tính đến những gì được liên kết, thực tại cụ thể của các hữu thể bao hàm một sự sự xâm nhập lẫn nhau hoặc một sự suy thoái vô cùng phức tạp hơn với các hậu quả bất định. Một đàng, là lời có hoặc lời không, là các khẳng định ít liên quan đến các bản thể cho bằng các thể từ (substantifs) mà nhờ chúng tổng thể được chỉ định rõ trong các thực thể lời nói (entités verbales) với các đường viền rõ ràng và khép kín như các nguyên tử lý thuyết. Đàng khác, là chính sự thẩm thấu sinh tử, chính sự trao đổi có thực chất, chính việc làm giầu thêm hay làm nghèo đi, chính việc sở hữu hay thiếu thốn. Thế mà, hầu như trọn bộ nền triết lý của ta, kể cả nền hữu thể học, đều đã được xây dựng trên thứ luận lý học về trừu tượng, về nguyên tử lời nói (atome verbale), về tính tuyệt đối và ngoại suy này; trong khi khoa học về thực tại, chân lý và qui tắc về hữu thể lại dựa trên sự trao đổi cảm giới này, trên nhịp điệu hội nhập và hủy tiêu này, trên nguy cơ thu lượm hoặc tước bỏ mà ta cần phải xác định diễn trình và đích đến đích thực của nó.

Để làm cho việc giải thích luận lý qui phạm này của hữu thể được rõ ràng hơn, ta hãy lấy một thí dụ trong trật tự nhân bản và theo các kinh nghiệm thông thường nhất của chúng ta, mặc dù triết học vẫn chưa rút tỉa mọi hậu quả từ đó mà ra.

Ý thức chúng ta tự nuôi dưỡng không ngừng bằng các suy nghĩa tương phản nhau. Không chỉ vì quanh ta và trong ta sản sinh ra các khác biệt và đối kháng bất định mà sinh hoạt tri thức diễn tiến mới mẻ và sáng suốt; mà nhân khi một ý niệm được tri nhận, đều xuất hiện một sáng kiến đối nghịch, một thể hiện ít nhất thô sơ, một cách thường mặc nhiên nhưng có thực và hữu hiệu. Hình ảnh đường cong chỉ có nghĩa nhờ ý niệm đường thẳng hay các hình ảnh khác có thể thực hiện được. Chúng ta chỉ có cảm tình với điều chân, điều thiện nhờ ý thức được điều sai, điều xấu. Trước định luật tâm lý này, luận lý học trừu tượng và luận lý học qui phạm đích thực sẽ xử sự với nhau ra sao? Trong việc tạo tính nhất quán thuần lý, luận lý học trừu tượng diễn tiến bằng cách loại bỏ những gì không lọt vào tòa nhà nhận thức và khuôn khổ khoa học của nó. Do đó, nó cắt bỏ bằng cách lồng khẳng định hay bằng cách loại phủ định, và cấu trúc ngôn ngữ thừa nhận phương pháp tách biệt này giữa hiện diện và khuyết diện, giữa có và không. Hoàn toàn khác là diễn trình luận lý qui phạm đích thực; với diễn trình này, những gì bị đẩy lui không vì thế mà bị loại bỏ. Chính như thế mà cám dỗ dùng để kích động, làm cho chính xác, làm cho phong phú chính năng lực luân lý; còn nếu có sự yếu ớt, thì điều xấu sẽ gia trọng cùng một tỷ lệ với ý thức và giá trị của điều xấu bị coi thường và sự lỏng lẻo của ý chí. Trong thế giới vật lý, không hề có việc tận diệt các sức mạnh bề ngoài coi như bị loại bỏ hoặc đánh bại thế nào, thì trong trật tự tâm linh, cũng không có việc phương thức này loại trừ hẳn phương thức kia và ngăn cản nó đóng vai trò của chiếc gươm hai lưỡi. Không lưu ý tới chân lý nền tảng và phổ quát này trong mọi cách tổ chức thực tại há không phải là làm suy vi, thậm chí xâm hại chính chân lý cụ thể của trọn bộ hữu thể học đó sao? Há không phải là tự chường mình cho việc không nhận thức được sự tương tác và số phận của các hữu thể đó sao? (L’Être et les êtres, p. 253-258).

Sự chắc chắn tinh thần

Luôn xem xét, trong tính toàn diện của nó, hành động chuyên biệt nhân bản, một hành động luôn phải dựa động lực nguyên thủy của nó vào đích nhắm cuối cùng, chúng ta, vì thế, đã phải chứng minh không những tính liên tục trong diễn trình trở thành này, mà nhất là tính nhất quán trong trật tự hữu thể học của bi kịch luôn phải nối liền khởi điểm [terminus à quo] vớ đích điểm[terminus ad quem]. Bởi thế, điều khó khăn là khám phá một cách hồi cố hay, đúng hơn, một cách sâu sắc, khát vọng ban đầu và thường hằng này, và đồng thời cũng phải dự ứng điều tương lai vẫn còn che giấu đối với chúng ta, nhưng là điều đã được bao hàm trong hiện tượng Thánh Augustinô gọi là hừng đông muôn thuở đã ló dạng ở thẳm sâu chúng ta. Nói bằng các từ ngữ khác, gần gũi hơn với ý thức hiện nay của chúng ta, cần phải nối liền (và đây là trọn bộ khoa học về hành động) tiền động (prémotion) vốn đã là đích nhắm, vô thức nhưng rất có thực, với kết luận đã trở nên có ý hướng và được ước muốn như một đích nhắm bao trùm toàn bộ lịch sử đời người đang tiến gần tới điều thiện và hạnh phúc trọn vẹn của họ. Và cũng là việc phải tìm hiểu xem, khi coi ý niệm từ đó nó phát khởi và nó có thể hoặc tiếp nhận hoặc bác bỏ là của riêng nó, ý chí chúng ta tìm cách ra sao để biện minh, như là của nó chính bi kịch mà nó không đặt cho mình dữ kiện và các điều kiện, liệu có đúng là chung cục phải được qui cho nó hay không. Sự nối kết giữa đích nhắm dưới này với đích nhắm trên cao hoạt động ra sao nơi tác giả là chúng ta, nhưng chỉ là người nhắc lại một cách thụ động vai trò đã được tác giả vô hình soạn tác?

Để khuyến khích cuộc tìm hiểu của chúng ta, một cuộc tìm hiểu có lẽ xem ra táo bạo, và làm ta hé thấy sức mạnh có sức thuyết phục của phương pháp từ nay cần phải dùng, chúng ta trước nhất hãy suy nghĩ một chút về loại bằng chứng thích hợp để thu lượm được sự chắc chắn khi nói tới hành động và tính an toàn của việc nó đạt đới đích sau cùng. Chắc chắn, người ta có thể nói đúng rằng vì tất cả những gì vô thức, bất dự phòng, tất cả các sức mạnh bên trong và bên ngoài mà nó phát động hay kích hoạt, hành động, kể cả hành động được suy gẫm nhiều nhất và thận trọng nhất, cũng luôn chứa đựng một điều bất ngờ. Sau Pascal, Guyau đã nhìn thấy sức lôi cuốn của kinh nghiệm này trong đó chúng ta tự đặt mình vào, của trò chơi này trong đó đôi khi chúng ta có nguy cơ đánh mất điều chúng ta vẫn coi là qúy giá hơn. Nhưng không phải việc thích nguy cơ này, không phải việc đánh cuộc đầy xúc cảm của một tay chơi cuồng nhiệt này, dù là một người tính toán các cái nhiên khôn khéo nhất, có thể biện minh cho các sáng kiến của chúng ta trong cái đà đưa đẩy hắc ám mà định mệnh đã đem chúng ta vào. Chúng ta cần một sự chắc chắn, dù bị che khuất khỏi các tầm nhìn nghi ngại, vẫn đem lại một sự an toàn cho những bàn tay đại lượng, cho những bước chân đi thẳng tới các trách nhiệm thoáng thấy. Sự pha trộn bóng tối và ánh sáng mà Pascal từng cảm nhận được nỗi đau nhưng cũng cả lợi ích tối cao của nó, không phải tự bản chất, nhằm tạo ra các do dự, sợ sai lầm mà hậu quả là không thể bước đi một cách tin tưởng. Chắc chắn, chúng ta không thể biện phân trước mọi điều kiện, mọi yêu cầu, mọi hậu quả của một thiện chí thành thực và nhất quán với chính mình; và chính Pascal đã từng nhận định rằng xét cho cùng, kinh nghiệm khiến chúng ta bác bỏ các rù quyến dễ dàng đoán định cho chúng ta thấy trái ngược rằng nhờ đẩy lui chúng, chúng ta khám phá ra bí quyết của điều khó hiểu: nhờ từ bỏ các thú vui để đi theo con đường khắc khổ của đời sống tâm linh, chúng ta không đánh mất chi, vì các thú vui này chỉ là các ảo tưởng thóang qua và hư vô, trái lại chúng ta được tất cả nhờ đánh cuộc cho vô hạn.

Tuy nhiên, bằng chứng hậu thiên này, ở ngay ngưỡng cửa nơi cần phải lựa chọn và tích cực có lập trường, có đủ để kích hoạt đà đẩy vững chắc, hữu lý, vô tư giúp quyết định xu hướng của chúng ta một cách chắc chắn, không hối hận hay không? Vấn đề sinh tử, vấn đề điều khiển không chần chừ, thậm chí không cố ý chọn lựa một giải pháp nào khác, đơn giản chỉ là sự ngay thẳng ngay lúc ban đầu; vì chính dưới hình thức trung thành đơn sơ và tức khắc có tính thực hành mà ý thức làm ta hiểu một lời kêu gọi được nghe và tuân theo một cách đơn sơ. Và sau đó, nếu sống thoát các đề kháng hay các mời mọc lừa đảo, ý chí thành thực sẽ nhận ra rằng nguồn sáng soi dẫn nằm chính trong việc trung thành thực hành nhiệm vụ, dù nó nặng nề và khó hiểu.

Liên quan tới sự chính trực của hành động, điều chủ yếu là không được đặt nó lệ thuộc các cuộc thảo luận trừu tượng và lý thuyết trước đó. Những cuộc thảo luận này hữu ích trong giờ phút của chúng và trong lãnh vực suy lý; nhưng khi thực hành không chịu đựng bất cứ trì hoãn nào, nó mang trong mình sự sáng tỏ theo mức trong đó giải pháp, được thành thực và thiện chí đánh giá, chứa sẵn lời biện minh. Ước mong sao hạn từ probabilis không làm chúng ta có ảo tưởng về ý nghĩa chân thực và về phương pháp được nó gợi ý. Nó không hoàn toàn tương ứng với nghĩa tiếng Pháp của hạn từ probable (cái nhiên). Đúng hơn, nó muốn nói hạn từ prouvable (có thể chứng minh), nếu người ta chịu cố gắng rộng lượng cần có để kiểm soát nhiệm vụ bằng cách vâng theo nhiệm vụ. Chính bằng giá này mà sự chắc chắn hoàn toàn hợp lý không bao giờ thiếu vắng nơi một ý chí ngay thẳng, và cho dù đường đời lữ thứ của chúng ta có nhiều bóng tối, đích nhắm sau cùng sẽ dẫn tới điểm tới tối hậu của hành động con người, không gặp bất cứ nguy cơ nào.

Do đó, ở đây không phải là một chuyện bất ngờ, đánh cuộc, một chọn lựa võ đoán, mà là một sự an toàn có thể kiểm chứng được một cuộc khảo sát thuần lý và thực nghiệm hoàn toàn soi sáng và củng cố. Ở đây, để có tính quyết định (và đây chính là tính độc đáo của nó), chứng cớ phải giả thiết rằng thay vì ở lại trong trạng thái mong chờ, tác nhân nhân bản phải tự đặt mình vào thế thử thách, họ phải dấn thân vào lời mời gọi của ý thức và đời sống, trong sự trung thành với ánh sáng và nhiệm vụ, là những điều không lừa dối. Sự chắc chắn tri thức không đòi sự hoài nghi trước đó thế nào, thì sự chắc chắn thực tế và đạo đức cũng không giả thiết một sự do dự trước đó trên con đường phải theo; và sáng kiến tốt lành tương ứng với một sự chân thành được soi sáng, với một sự tươi mát của linh hồn hiểu biết (L’Action, 1937, t. II, p. 459-461).

Còn một kỳ