Tờ The Pillar, trong bản tin ngày 15 tháng 3, tường trình rằng Tòa Thánh vừa loan báo Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ dâng hiến Nước Nga và Nước Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ vào ngày 25 tháng 3 này, và một đặc phái viên của ngài sẽ cử hành cùng một nghi thức tại Fatima.



Các buổi dâng hiến này - được cử hành bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Hồng Y Konrad Krajewski - được thực hiện sau khi Nga xâm lược Ukraine, và được kết nối với sự hiện ra năm 1917 của Đức Mẹ Fatima thúc giục nước Nga được dâng hiến cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội Đức Mẹ.

Bạn không biết chắc về các vấn đề này ư? Đây là những gì bạn cần biết.

Dâng hiến là gì?

Dâng hiến có nghĩa là để một điều gì đó riêng ra một nơi, dâng hiến nó cho một mục đích thánh thiêng.

Kiểu nói này thường được dùng trong Đạo Công Giáo: nhà thờ được thánh hiến, bình thánh được thánh hiến, phụ nữ có thể trở thành trinh nữ được thánh hiến, các dòng tu của nam và nữ được gọi là “đời sống thánh hiến”, và “thánh hiến” (truyền phép) được dùng để mô tả việc biến đổi chất thể (confection) của Bí tích Thánh Thể.

Cũng có một phong tục sùng kính Công Giáo là dâng mình riêng cho Chúa Kitô qua Mẹ Maria, bằng một loạt các lời cầu nguyện sùng kính. Thực hành dâng mình cho Đức Maria có nguồn gốc từ những thế kỷ đầu của Kitô giáo, và được phổ biến ở nhiều nơi trong Giáo hội vào thế kỷ thứ chín.

Trong những thế kỷ gần đây, Thánh Louis de Montfort, Thánh Maximilian Kolbe, và Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khuyến khích việc dâng bản thân cho Mẹ Maria. Trên thực tế, khẩu hiệu của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Totus Tuus, gợi lên những lời dâng mình cho Chúa Kitô qua Mẹ Maria của ngài: “Lạy Mẹ Maria, tất cả là của Mẹ”.

Ngay từ thế kỷ thứ chín, các giám mục và linh mục cũng đã bắt đầu thánh hiến các thành phố cho Đức Trinh Nữ Maria, như một cách để cầu xin sự bảo vệ chuyển cầu của Mẹ. Louis XIII đã thánh hiến nước Pháp cho Đức Mẹ Maria vào năm 1638, và các nước khác cũng đã làm như vậy.

Đúng, nhưng sao lại nước Nga? Và việc này có liên quan gì đến Fatima?

Ba trẻ em Bồ Đào Nha vào năm 1917 đã được nhiều lần thị kiến Đức Trinh Nữ Maria, trong đó người ta cho là Đức Mẹ đã đưa ra nhiều thông điệp cho các trẻ em được thị kiến này về tình trạng của thế giới.

Ba trong số những thông điệp đó được gọi là bí mật của Fatima, vì chúng không được tiết lộ cho công chúng trong một thời gian dài. Nhưng một trong những người được thị kiến, Sơ Lucia dos Santos, đã tiết lộ hai thông điệp trong cuốn hồi ký năm 1941 của bà.

Bí mật đầu tiên là thị kiến về hỏa ngục mà các em nói rằng Đức Mẹ đã cho phép các em nhìn thấy.

Thứ hai là Chiến tranh thế giới thứ nhất sẽ kết thúc, và một cuộc chiến khác sẽ bắt đầu dưới triều đại của Đức Piô XI, “nếu mọi người không ngừng xúc phạm Thiên Chúa”.

Để ngăn chặn chiến tranh, các em nói rằng Đức Mẹ đã yêu cầu:

“Việc dâng nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của mẹ, và Rước Lễ đền tạ vào các ngày Thứ Bảy Đầu Tháng. Nếu yêu cầu của mẹ được lưu ý, nước Nga sẽ hoán cải, và sẽ có hòa bình; nếu không, nó sẽ gieo rắc các sai lầm của nó ra khắp thế giới, gây ra chiến tranh và đàn áp Giáo hội. Người tốt sẽ tử vì đạo; Đức Thánh Cha sẽ phải chịu nhiều đau khổ; nhiều quốc gia khác nhau sẽ bị tiêu diệt. Cuối cùng, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của mẹ sẽ chiến thắng. Đức Thánh Cha sẽ dâng hiến nước Nga cho mẹ, và nó sẽ hoán cải, và một thời kỳ hòa bình sẽ được ban cho thế giới ”.

Đức Piô XI qua đời vào đêm trước Thế chiến thứ hai, vài tháng trước khi Đức xâm lược Ba Lan, một điều vốn thường được coi là bắt đầu chiến tranh.

Vậy nước Nga đã được thánh hiến cho Mẹ Maria chưa?

Năm 1942, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã thánh hiến thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, cùng với các giám mục Bồ Đào Nha. Đức Thánh Cha nói rằng chỉ có Đức Maria, nữ hoàng hòa bình, mới có thể chấm dứt chiến tranh đang tàn phá Châu Âu, Châu Á và Bắc Phi, và ngài đã hiến dâng nhân loại cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ.

Năm 1952, Đức Piô XII đã ban hành một tông thư ủy thác người dân Nga cho sự chuyển cầu của Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ.

Năm 1964, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã dâng lời cầu nguyện công khai phó thác toàn thể nhân loại cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã dâng một số lời cầu nguyện dâng hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria; được công chúng biết đến nhiều nhất là vào năm 1984.

Ngày 25 tháng 3 năm 1984, ngài dâng lời cầu nguyện trọng thể, hiến dâng thế giới cho Mẹ Maria. Dù bản văn của Đức Giáo Hoàng không đề cập chuyên biệt đến Nga, một số sử gia nói rằng Đức Gioan-Phaolô II, một cách riêng tư, đã thêm nhiều chữ vào lời cầu nguyện của ngài. Các giám mục từ khắp nơi trên thế giới đã được mời tham gia việc dâng hiến, và nhiều vị đã làm như vậy.

Theo một số tường thuật, người ta khuyên Đức Giáo Hoàng không nêu đích danh Nga trong các buổi cầu nguyện công khai dâng hiến năm 1984, bởi vì điều đó sẽ làm tức giận hàng giáo phẩm Chính thống giáo Nga, những người phản đối ý niệm người Công Giáo dâng hiến đất nước của họ cho Đức Maria, và vì nỗ lực ngoại giao chính trị của Vatican với Liên Xô.

Vì sự bỏ sót đó, một số người Công Giáo đã cho rằng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã không thực sự dâng hiến nước Nga cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ Maria - và một số người Công Giáo tiếp tục nêu ra phản bác này.

Nhưng sau khi dâng hiến, Sơ Lucia - người thị kiến đã ghi lại sứ điệp của Mẹ Maria – nhiều lần nói rằng bà tin rằng lời yêu cầu dâng hiến đã được thực hiện. Và vào năm 2000, Tòa Thánh cho biết việc dâng hiến “đã được thực hiện đúng như lời Đức Mẹ yêu cầu”.

Vậy tại sao Đức Giáo Hoàng Phanxicô lại tái dâng hiến nước Nga? Há việc dâng hiến đầu đã không diễn ra hay sao?

Việc thánh hiến các vật linh thiêng, bao gồm cả nhà thờ, thường không được lặp lại, trừ khi có một số hành động phạm thượng nghiêm trọng, hoặc sự phạm thánh đã xảy ra trong chúng. Thí dụ, Đức Tổng Giám Mục Gregory Aymond đã tái dâng hiến vào năm 2020 một nhà thờ nơi một linh mục đã thực hiện các hành vi tình dục nghiêm trọng trên bàn thờ.

Nhưng việc dâng hiến bản thân có thể được làm lại như một hành vi đức tin và sùng kính, và thường được làm như vậy. Và vào đầu tháng 3, các giám mục Công Giáo Latinh của Ukraine đã yêu cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô “công khai thực hiện hành động dâng hiến cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ Maria cả Ukraine lẫn Nga, theo yêu cầu của Đức Trinh Nữ ở Fatima”.

Việc dâng hiến mới không phải là một nhượng bộ của Tòa thánh rằng việc dâng hiến năm 1984, một cách nào đó, chưa đầy đủ, nhưng hành động này sẽ rõ ràng hơn, có lẽ sẽ nêu tên Nga và Ukraine trong các lời cầu nguyện. Điều đó cũng có thể làm dấy lên nhiều thuyết âm mưu mới về các cuộc dâng hiến trong quá khứ, hoặc được coi như một dấu hiệu cho thấy Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã không thực sự hoàn tất việc dâng hiến.

Nhưng phần nhiều người ta coi Đức Giáo Hoàng Phanxicô có ý coi những lời cầu nguyện của ngài là những hành vi đổi mới - những lời khẩn cầu với Thiên Chúa, và Đức Trinh Nữ Maria - trong thời kỳ khó khăn lớn lao, chứ không hẳn bù đắp cho những hành vi trước đây bị nghi ngờ.