1. Mẹ của danh thủ túc cầu Cristiano Ronaldo gặp Đức Thánh Cha Phanxicô, tặng áo làm quà

Mẹ của cầu thủ túc cầu người Bồ Đào Nha, bà Maria Dolores dos Santos Viveiros da Aveiro, đã tặng Đức Thánh Cha Phanxicô một trong những chiếc áo thi đấu của con trai bà trong buổi tiếp kiến Đức Giáo Hoàng hôm thứ Tư ngày 9 tháng 2.

Ronaldo được coi là một trong những cầu thủ bóng đá xuất sắc nhất mọi thời đại, và có tài khoản Instagram được theo dõi nhiều thứ hai trên thế giới. Anh cũng là một người Công Giáo thực hành đạo.

“Tôi theo đạo Công Giáo và tôi cảm ơn Chúa vì tất cả những gì ngài ban cho tôi”, Ronaldo nói vào năm 2018. “Tôi không đòi hỏi bất cứ điều gì, nhờ Chúa mà tôi có tất cả, tôi chỉ đơn giản cảm ơn Ngài đã bảo vệ gia đình và bạn bè của tôi”.

Dolores đã tặng cho Giáo hoàng chiếc áo đấu số 7 của con trai bà.

Đức Thánh Cha Phanxicô được tường thuật là rất thích túc cầu.

“Tôi muốn nhìn thấy những nỗ lực của nam giới và phụ nữ trẻ trong thể thao, bởi vì thể thao là một điều kỳ diệu,” Đức Giáo Hoàng nói. “Thể thao mang lại những gì tốt nhất trong chúng ta. Hãy tiếp tục với điều này, bởi vì nó rất cao quý.”

Giáo hoàng sẽ đưa áo thi đấu của Ronaldo vào bộ sưu tập được trưng bày tại các viện bảo tàng ở Vatican.
Source:Church POP

2. Năm mươi ngôi mộ của các tín hữu Ahmadi bị xâm phạm ở Hafizabad

Khoảng 50 ngôi mộ các tín hữu Ahmadi đã bị cảnh sát và các giáo sĩ Hồi giáo xúc phạm vào Chúa Nhật tuần trước tại nghĩa trang Ahmadiyya ở Premkot, cách Lahore khoảng 110 km.

Được xây dựng vào năm 1974, nghĩa trang có những ngôi mộ với các dòng chữ và biểu tượng của người Hồi Giáo Ahmadi khác với các bài viết và biểu tượng của Hồi Giáo Sunni.

Một nhóm phần tử cực đoan đã phá hủy những ngôi mộ có khắc những câu kinh Quran và đe dọa sẽ phá hủy nhà của những tín hữu Ahmadi địa phương nếu họ cũng không xóa các dòng chữ Hồi giáo khỏi nhà của họ.

Phản ứng về vụ việc, bộ phận báo chí của Jama'at Ahmadiyya Pakistan đã tweet: “Cuộc đàn áp được thực hiện chống lại Cộng đồng Ahmadi ở Pakistan không chỉ giới hạn ở những người còn sống, mà những người Ahmadi đã qua đời, mồ mả của họ cũng không được an toàn”.

Aamir Mahmood, phát ngôn viên của cộng đồng Ahmadi ở Punjab, nhấn mạnh rằng hành động của cảnh sát đối với cộng đồng Ahmadi ở Pakistan là vi phạm các quyền cơ bản của con người.

Trước khi xảy ra vụ việc, các trạng sư Amir Nazir, Mehr Asif, Ali Raza và những người khác đã đệ trình Báo cáo thông tin đầu tiên chống lại người Ahmadi theo luật báng bổ của Pakistan vì đã viết những câu thơ Hồi giáo trên các ngôi mộ. Cảnh sát đã từ chối nhận đơn của họ.

Ủy ban Nhân quyền Pakistan đã tweet rằng họ “kinh hoàng khi biết rằng khoảng 45 ngôi mộ của các tín hữu Ahmadi bị cảnh sát Hafizabad ở Premkot cho là mạo phạm. Những hành động như vậy gần như trở thành thông lệ, khiến các thành viên của cộng đồng Ahmadi bị coi như đã là chết mặc dù họ vẫn còn sống.

Ủy ban Nhân quyền Pakistan nói thêm: “Việc xúc phạm mồ mả là một sự xúc phạm đến phẩm giá con người và không thể được phép. Nếu chính phủ thành thật trong nỗ lực biến Pakistan trở thành một xã hội hòa nhập hơn, thì chính phủ phải chống lại và trừng phạt tất cả những hành vi như vậy”.

Trên phương tiện truyền thông xã hội, nhiều nhà hoạt động khác nhau đã phát động một chiến dịch chống lại việc xúc phạm mồ mả, kêu gọi chính quyền thực hiện các biện pháp ngay lập tức để bảo vệ các nhóm thiểu số tôn giáo.

Phong trào Hồi Giáo Ahmadi được thành lập ở Ấn Độ thuộc Anh vào cuối thế kỷ 19 bởi Mirza Ghulam Ahmad, người tự xưng là Mahdi, tức là đấng cứu thế mà người Hồi giáo mong đợi sẽ đến vào cuối thời gian.

Cả Hồi giáo Sunni và Shiite /si-ai/ đều coi ông là một kẻ dị giáo.

Năm 1974, quốc hội Pakistan tuyên bố cộng đồng Ahmadi không phải là các tín hữu Hồi Giáo. Một thập kỷ sau, họ bị cấm xưng mình là người Hồi giáo, không được giảng đạo Hồi, cũng không được hành hương đến Ả Rập Xê-út dự lễ hajj, là cuộc hành hương truyền thống mà người Hồi giáo được yêu cầu thực hiện ít nhất một lần trong đời.

Ở Pakistan, khoảng 10 triệu người trong tổng dân số 220 triệu người không theo đạo Hồi. Ba mục sư Kitô Giáo đã bị tấn công một tuần trước, một trong ba người sau đó đã chết vì các vết thương quá nghiêm trọng.

Theo nhiều cư dân địa phương, việc coi thường nghĩa trang là một cử chỉ không khoan dung khác trong một môi trường chính trị hỗn loạn, đang đặt ra những câu hỏi quan trọng về sự an toàn của các nhóm thiểu số trong nước.
Source:Asia News

3. Phải chăng liên hệ ngoại giao giữa Vatican và Bắc Kinh có đang ló dạng ở chân trời?

Các động thái gần đây của Tòa Thánh trong việc cử viên chức ngoại giao cao cấp nhất của mình tại Đài Loan đi làm sứ thần tại Rwanda, cộng đồng ngoại giao không khỏi có thắc mắc về mối liên hệ có thể có trong tương lai giữa Tòa Thánh và Trung Quốc. Chuyên gia về Vatican, Andrea Gagliarducci, ngày 11 tháng 2 vừa qua có bài nhận định nhan đề “Are diplomatic relations between the Vatican and Beijing on the horizon?”, nghĩa là “Phải chăng liên hệ ngoại giao giữa Vatican và Bắc Kinh có đang ló dạng ở chân trời?”

Theo các nguồn tin của Vatican, việc thiết lập liên hệ ngoại giao với Bắc Kinh không ló dạng ở chân trời, bất chấp những gì một số cuộc bổ nhiệm gần đây có thể gợi ý.

Ngày 31 tháng Giêng, Vatican cho biết Đức Ông Arnaldo Catalan, chargé d’affaires, hay đại biện lâm thời, của Tòa Thánh ở Đài Loan, đã được cử nhiệm đến Rwanda, nơi ngài sẽ là sứ thần Tòa thánh.

Mấy ngày sau đó, cụ thể là ngày 5 tháng 2, Đức Ông Javier Herrera Corona, người đứng đầu Phái đoàn Nghiên cứu của Tòa thánh tại Hương Cảng, được bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa thánh tại Cộng hòa Congo và Gabon.

Các bổ nhiệm trên khiến hai phái bộ ngoại giao của Vatican có liên quan chặt chẽ với Trung Quốc không có viên chức cao cấp nào, khiến người ta đặt câu hỏi liệu Tòa thánh có đang thay đổi chiến lược ngoại giao của mình hay không.

Tòa thánh đã có một sứ thần ở Bắc Kinh. Nhưng vào năm 1949, khi Mao Trạch Đông nắm quyền, Trung Quốc và Tòa thánh đã cắt đứt liên hệ. Năm 1951, Sứ thần Tòa thánh, là Đức Tổng Giám Mục Antonio Riberi, lánh nạn tại Hương Cảng, khi đó là một lãnh địa bảo hộ của Anh, và từ năm 1952, ngài sang Đài Loan.

Năm 1966, Tòa Khâm sứ được nâng lên thành Tòa Sứ thần, được chính thức gọi là Tòa Sứ Thần Cộng Hòa Trung Hoa, tên chính thức của Đài Loan.

Năm 1971, Liên Hiệp Quốc quyết định thay thế các đại diện của Đài Loan bằng các đại diện của Trung Quốc. Kể từ đó, Tòa thánh không còn bổ nhiệm Sứ thần tại Đài Bắc. Tòa Sứ thần luôn được lãnh đạo bởi một chargé d’affaires hay đại biện lâm thời, người thấp hơn Sứ thần một bậc. Do đó, Đức Ông Catalan là nhà ngoại giao cao cấp nhất của Vatican tại Đài Bắc.

Nền ngoại giao Vatican cũng quan sát Trung Quốc từ một “phái đoàn nghiên cứu” đặt trụ sở tại Hương Cảng, có liên hệ với Tòa Sứ thần ở Phi Luật Tân. Năm 2016, Niên giám Giáo hoàng lần đầu tiên báo cáo trong phần chú thích địa chỉ và số điện thoại của phái đoàn này.

Do đó, sự ra đi của các Đức Ông Catalan và Herrera Corona dường như cho thấy có sự thay đổi đang diễn ra trong cả liên hệ Vatican-Đài Bắc và Vatican-Bắc Kinh. Vì nếu Tòa thánh muốn thiết lập liên hệ ngoại giao với Bắc Kinh, thì trước tiên Tòa thánh phải bỏ rơi Đài Loan, nơi đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chỉ là một tỉnh nổi loạn. Đến nay, Tòa thánh là một trong 14 quốc gia vẫn công nhận Đài Loan.

Nhưng theo một nguồn tin quen thuộc với chính sách ngoại giao Đức Giáo Hoàng, “ít có xác suất” liên hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh sẽ sớm được thiết lập.

Nguồn tin cho hay, trước hết, cả Đức Ông Catalan lẫn Đức Ông Herrera Corona “ít lâu nay đều đã chạy đua để được thăng cấp”. Việc các ngài được đề cử gần như đồng thời làm Sứ thần Tòa thánh là “đáng tiếc, nhưng không phải là một phần của bất cứ âm mưu hay kế hoạch nào”.

Quả tình Đức Giáo Hoàng cần bổ nhiệm các sứ thần mới, và một vài động thái khác có thể được dự kiến trong những tháng tới. Thí dụ, trước khi Đức Ông Catalan được bổ nhiệm làm Sứ thần tại Rwanda và Đức Ông Herrera Corona tại Congo và Gabon, có 14 tòa sứ thần không có sứ thần lãnh đạo. Bây giờ, vẫn còn 12 sứ thần bị bỏ trống. Một số tòa rất quan trọng, chẳng hạn như Mễ Tây Cơ, Venezuela và Liên minh Âu Châu.

Vatican có 180 phái bộ đại diện ngoại giao ở nước ngoài. Trong số này, 106 là các phái bộ đại diện thường trú. Ngoài ra, Tòa thánh có các Sứ thần được cử cho nhiều quốc gia. Vatican cũng thường mở văn phòng Sứ thần tại các quốc gia cần có đại diện thường trực. Tòa cuối cùng được mở tại Armenia, mặc dù Sứ thần thường trú ở Georgia và đại diện cho Tòa thánh cả ở thủ đô Tbilisi của Georgia lẫn ở thủ đô Yerevan của Armenia.

Khoảng 10% các phái bộ thường trú hiện đang bị bỏ trống. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi sẽ có những động thái tiếp theo trong những tháng tới vì chúng đã được lên kế hoạch và là những thuyên chuyển cần thiết.

Tòa Sứ thần tại Đài Bắc và phái đoàn nghiên cứu tại Hương Cảng sẽ có lãnh đạo mới. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng đang bị bỏ trống vào lúc này. Đại biện lâm thời đã rời Đài Loan, nhưng Đức Ông Pavol Talapka, đệ nhất thư ký của tòa sứ thần, vẫn ở lại. Tại Hương Cảng, Đức Ông Alvaro Izurieta y Sea người Á Căn Đình, đến Hương Cảng năm 2020 với tư cách là phó trưởng phái bộ và vẫn còn ở đó.

Nguồn tin từ Vatican khẳng định rằng hiện tại Trung Quốc không quan tâm đến việc có liên hệ ngoại giao với Vatican hay việc Vatican cắt đứt liên hệ với Đài Loan.

Nguồn tin giải thích, điều này là do, “mặc dù Trung Quốc rất khắt khe trong quan hệ ngoại giao công khai với Đài Loan, nhưng có một lượng lớn thương mại giữa Đài Bắc và Bắc Kinh. Khoảng một triệu người Đài Loan hướng tới Trung Quốc đại lục để làm việc và sau đó quay trở lại Đài Loan”.

Hơn nữa, ưu tiên trong các cuộc đàm phán giữa Vatican và Bắc Kinh là đàm phán lại thỏa thuận về việc bổ nhiệm các giám mục đã được đồng ý lần đầu vào năm 2018 và sau đó được gia hạn thêm hai năm vào năm 2020 trên cơ sở thử nghiệm. Sau đó, Trung Quốc và Tòa thánh sẽ phải quyết định xem nên xác nhận thỏa thuận, sửa đổi hay hủy bỏ nó.

Kể từ khi thỏa thuận được ký kết, đã có năm giám mục được Tòa thánh bổ nhiệm với sự chấp thuận của cả Rôma lẫn Bắc Kinh. Nhưng tên của các giám mục mới vẫn chưa được đưa vào Niên giám Giáo hoàng, mặc dù bản tin của văn phòng báo chí Tòa thánh công bố cáo phó của các giám mục Trung Quốc.

Theo Niên giám Giáo hoàng, Trung Quốc được chia thành 150 tổng giáo phận, giáo phận và miền phủ doãn tông tòa trải rộng trên 20 tỉnh của giáo hội. Nhưng bức tranh này có từ năm 1950 bởi vì, kể từ khi Mao Trạch Đông nắm quyền, các niên giám Giáo hoàng đã không được cập nhật. Các giáo phận của Trung Quốc được coi là bỏ trống, ngoại trừ Macao và Hương Cảng, là những nơi có hoàn cảnh chính trị khác.

Về phần mình, Đài Loan đang nắm bắt mọi cơ hội để chứng tỏ sự gần gũi của mình với Tòa thánh. Khẩu hiệu mới của nó là “Đài Loan thân thiện - Fratelli Tutti,” có ý nhắc đến thông điệp mới nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Trong những năm gần đây, Tòa Đại sứ Đài Loan bên cạnh Tòa thánh đã đặc biệt cam kết hỗ trợ các định chế của Tòa thánh và Giáo Hội Công Giáo qua các chương trình viện trợ nhân đạo. Thí dụ, vào tháng 10 năm ngoái, Đại sứ Matthêu Lý Thế Minh đã trao 300 chiếc túi ngủ đa năng, phẩm chất cao được sản xuất tại Đài Loan cho giám đốc Caritas Ý, trong một buổi lễ có sự tham dự của một viên chức thuộc bộ phận người di cư và tị nạn của Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện.

Tòa thánh cũng đã gửi nhiều tín hiệu gián tiếp về sự gần gũi với Đài Loan. Năm 2017, đại hội quốc tế Tông Đồ Biển Khơi được tổ chức tại nước này. Năm 2018, một phái đoàn Lão giáo từ Đài Loan đã đến thăm Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Cũng trong năm 2017, hội nghị Phật giáo - Thiên chúa giáo lần thứ sáu do Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn tổ chức đã diễn ra tại Đài Loan.

Ngày 5 tháng 10 năm 2017, tại một hội nghị được tổ chức tại Đại học Giáo hoàng Urbannô để kỷ niệm 75 năm thiết lập liên hệ ngoại giao giữa Tòa thánh và Đài Loan, “bộ trưởng ngoại giao” của Vatican, Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, đã nói với Đại sứ Lý Thế Minh rằng “Tòa thánh sẽ tiếp tục làm bạn đồng hành tận tụy của qúi vị trong đại gia đình các dân tộc, ủng hộ mọi sáng kiến góp phần vào đối thoại, cổ vũ nền văn hóa gặp gỡ đích thực, và xây dựng những nhịp cầu huynh đệ và hòa bình vì lợi ích của mọi người”.

Bây giờ vấn đề là chờ đợi các bổ nhiệm mới cho tòa sứ thần ở Đài Bắc và phái bộ nghiên cứu ở Hương Cảng, cũng như theo dõi các tín hiệu cuối cùng sẽ dẫn đến việc tái tục thỏa thuận giữa Trung Quốc và Tòa thánh về việc bổ nhiệm các giám mục. Nếu bất cứ điều gì cần thay đổi, nó sẽ được nhìn từ những biến cố này.
Source:Catholic News Agency