Matthew Walter là chủ bút của tờ The Lamp, một tạp chí Công Giáo hai tháng 1 kỳ, thiết lập tại Michigan năm 2019, chuyên bàn về các vấn đề văn hóa và chính trị theo quan điểm chính thống Công Giáo. Chủ chương của tập san này là đón nhận các bài báo có tính giải trí, xây dựng, gây cảm xúc và kích thích suy tư. Họ khuyến khích người ta gạt qua một bên các thiên kiến thế tục và thực sự suy tư các vấn đề văn hóa và chính trị theo tâm thức Công Giáo.

Chính trong chiều hướng ấy, Matthew Walter đã viết về triều đại Phanxicô như một triều đại kết liễu hình ảnh anh hùng của ngôi vị Giáo Hoàng trong bài “The End of the Heroic Papacy” (https://thelampmagazine.com/2022/01/21/the-end-of-the-heroic-papacy/):




Vào tháng 5 năm 2013, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhận được một trăm lẻ bảy đĩa C.D. thu âm của nhạc trưởng Wilhelm Furtwängler như một món quà từ Nữ Thủ tướng Angela Merkel. Không giống như hầu hết các món quà được trao đổi bởi các nguyên thủ quốc gia, món quà này dường như đã được lựa chọn cẩn thận.

Mối liên hệ thân thiết nổi tiếng của Đức Thánh Cha với Furtwängler dường như chưa bao giờ là ngẫu nhiên đối với tôi, và không phải chỉ vì lối điều khiển của nhạc trưởng thiên tài người Đức thỉnh thoảng có tính ngẫu nhiên— đặc biệt là sự coi thường nhịp độ của ông — gợi nhớ đến phong cách tự do của Đức Phanxicô trong các cuộc phỏng vấn và yết kiến trong tư cách Giáo hoàng. Trong số các đĩa Furtwängler được Đức Giáo Hoàng yêu thích là bản ghi âm bài Der Ring des Nibelungen của Wagner ở Milan.

Trong nhiều năm, tôi vẫn giữ quan điểm cho rằng có điều gì đó trong căn bản có tính Wagner về vị giáo hoàng này. Bất chấp tính phức tạp về mặt âm nhạc và thời gian dài đáng kinh ngạc của các đĩa nhạc — khoảng mười lăm giờ — chủ đề của bản Ring rất đơn giản: sự từ bỏ chủ nghĩa anh hùng, kết thúc trật tự của các vị thần. Thay vào đó, những kẻ tử sinh thấy mình trôi dạt trong một thế giới quen thuộc hơn nhưng ít chắc chắn hơn. Tương tự như thế, ngày càng có vẻ như là triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô đã đưa chúng ta đến cuối điều mà tôi vẫn nghĩ đến như là “ngôi giáo hoàng anh hùng”, một cách hiểu về chức vụ Phêrô mà, theo vọng nhìn của lịch sử giáo hội, có vẻ như không thể đứng vững như một định chế thần thoại kiểu Valhalla (*).

Nguồn gốc của ngôi giáo hoàng anh hùng là thế kỷ 19, với Đức Piô IX và việc cướp phá các Quốc gia Giáo hoàng, và các cuộc tranh luận dẫn đến định nghĩa về sự không sai lầm của ngôi vị Giáo hoàng. Kể từ đó, một phần do những tiến bộ trong kỹ thuật truyền thông, một phần (người ta nghi ngờ) đơn giản vì các vị giáo hoàng bị cắt bỏ quyền lực trần thế nên buộc phải quan niệm lại bản chất của chức vụ giảng dạy của mình, người Công Giáo đã quen với việc nghe nhiều hơn từ Rôma. hơn tổ tiên của họ được nghe.

Trong khi các vị hoàng tử vĩ đại của Giáo hội trong thời kỳ Phục hưng đã ban hành các sắc chỉ về pháp lý và ít thường xuyên hơn, các vấn đề tín lý, các vị giáo hoàng kể từ Đức Lêô XIII đã viết hàng nghìn văn kiện — thông điệp, tông thư, tông huấn, tự sắc — về các chủ đề từ các công đoàn, qua Shakespeare tới Martin Luther King. Đấy là chưa kể tới các bài diễn văn lúc đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu, các bài giảng được chép lại, các bài giảng lễ, diễn từ, và các cuộc phỏng vấn được công bố, một số trong số đó được thực hiện bởi các nhà báo không Công Giáo.

Phần lớn những ngôn từ trên có tính cách xây dựng. Không có nó, giáo huấn xã hội Công Giáo hiện đại đã không hiện hữu và những thành tựu mà nó đã giúp làm cho khả hữu - Thỏa Hiệp mới, nền dân chủ Kitô giáo sau chiến tranh ở châu Âu - sẽ ít có khả năng xảy ra hơn. Nhưng khó có thể phủ nhận việc nguyên khối lượng đồ sộ của chúng cũng đã dẫn đến sự suy giảm tương ứng về sự phổ biến các lời phát biểu của vị Giáo hoàng. Nó cũng làm nảy sinh kỳ vọng rằng các vị giáo hoàng trong nhiều thập niên nên phát biểu một cách nhất quán, một điều vừa bất khả vừa dường như không đáng mong ước khi những điều phi lý như chủ nghĩa vắng toà (sedevacantism), chủ nghĩa chiểu tự hoàn toàn trong Kinh thánh liên tiếp xuất hiện...

Triều đại của Thánh Gioan Phaolô II là đỉnh cao của ngôi giáo hoàng anh hùng. Bây giờ thật khó để gợi lại bầu không khí của những ngày đó. Nhiều tín hữu Công Giáo tin rằng vị giáo hoàng là điều duy nhất đứng giữa họ và sự lãng quên. Một thái độ bất thành văn cho thấy rằng giữa sự hỗn loạn diễn ra sau Công đồng Vatican II, và sự suy giảm tương ứng trong việc tham dự Thánh lễ và các ơn gọi vào chức linh mục và đời sống tu trì của phụ nữ, toàn bộ tòa nhà đức tin được duy trì không phải bởi những lời hứa của Chúa Kitô mà bởi sức mạnh ý chí bất khuất của vị giáo hoàng. Một điều gì đó của quan điểm bàng bạc một thời này đã được Joan Osbourne ghi lại trong lời bài hát "One of Us", được xếp vào một trong 40 bản ca hàng đầu, nói về một Chúa Giêsu cô đơn: "Không ai gọi điện thoại / ngoại trừ gọi cho vị giáo hoàng ở Rome" ) Bầu không khí đấu tranh anh hùng này càng dâng cao bởi sự đau đớn công khai của ngài nhờ căn bệnh Parkinson, căn bệnh mà cả thế giới đều thấy làm ngài cao quí.

Trong số những điều khác, ngôi giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II đã ngầm khuyến khích một kiểu tự mãn ngây thơ. Bất chấp mọi việc tồi tệ diễn ra như thế nào ở từng giáo xứ và giáo phận, các linh mục và giáo dân đều tin rằng những người lớn trong phòng sẽ lo liệu mọi việc - miễn là không bao giờ được nghi vấn các quyết định của các ngài. Vì vậy, những lời chỉ trích một số cuộc bổ nhiệm giám mục rõ ràng tai hại của Đức Gioan Phaolô II, chẳng hạn như vụ bổ nhiệm Theodore McCarrick ở Washington, D.C., và Roger Mahony ở Los Angeles, đã bị gạt bỏ như những lời kỳ quặc hoặc muốn ly giáo. Điều này cũng đúng đối với những người phản đối ly nhựa tại Ngày Giới trẻ Thế giới hoặc việc bình thường hóa việc rước lễ trên tay. Các đồng minh bảo thủ của Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng nếu ngài cho phép những điều như vậy khi thực hiện tính không sai lầm về kỷ luật của ngài, thì đâu còn gì khác để nói về vấn đề này nữa. Những tín hữu đặt câu hỏi về chất lượng của việc đào tạo mà các linh mục trong giáo phận của họ nhận được thì được cho biết, các giáo sư thần học đã được chọn bởi các giám đốc chủng viện; những vị này thì được bổ nhiệm bởi giám mục; các giám mục thì được Đức Thánh Cha bổ nhiệm – chỉ có thế. (Trong số những người đề xuất lối hiểu duy tín này về thẩm quyền trong giáo hội, ta thấy có Cha Maciel).

Trong khi đó, trong triều giáo hoàng của ngài, việc suy tư thần học và thậm chí cả việc dạy giáo lý nữa quá thường xuyên chỉ còn là việc diễn lại “quan điểm” biểu kiến của Đức Giáo Hoàng. Câu trả lời cho mọi câu hỏi thần học luôn là: Bởi vì Đức Thánh Cha đã nói như vậy!

Bất kể có ý hướng tốt ra sao, những đáp ứng như vậy không hữu ích vì một số lý do. Lý do đầu tiên đơn giản là chúng đã không thuyết phục được những người vốn có xu hướng coi thường thẩm quyền của Rôma. Chúng cho các nhà quan sát không Công Giáo ấn tượng này là các giáo huấn không thể sửa đổi chỉ đơn giản là những vấn đề thuộc luật thực định có thể được các vị giáo hoàng trong tương lai xem xét lại, giống như cách mà Chính sách Thành phố Mexico (Mexico City Policy) được các tổng thống Mỹ kế tiếp đảo ngược và tái thiết lập. (Đây là lý do tại sao trong các phương tiện truyền thông thế tục, giáo huấn không thể thay đổi của Giáo hội rằng việc truyền chức linh mục dâng lễ hy sinh cho phụ nữ là điều không thể xảy ra về mặt bản thể học thường được mô tả như một “lệnh cấm”). Việc lên khuôn này không khuyến khích người Công Giáo nghĩ đến các nguồn sau cùng của đức tin vốn vượt lên trên triều giáo hoàng hiện nay. Thay vì các cách phát biểu truyền thống về đức tin Công Giáo như Sách giáo lý tóm tắt cũ, dưới hình thức hỏi thưa ngắn gọn hết sức đáng ngưỡng mộ, hai thế hệ tín hữu đã được hướng dẫn vào các trước tác của chính Đức Gioan Phaolô II, một sự tổng hợp hấp dẫn giữa Thần học mới của Pháp và hiện tượng luận của Đức vốn nổi tiếng là không phù hợp với nhiệm vụ cung cấp giáo huấn tôn giáo căn bản cho trẻ em và thanh niên.

Đức Thánh Cha Phanxicô không coi chức vụ của mình theo nghĩa anh hùng. Ngài không quan tâm đến việc giữ cho Giáo Hội ở trên cao. Ngài không khổ công chỉ nói hoặc viết những điều có thể tái trấn an các tín hữu. Một dấu hiệu u ám hoàng hôn phảng phất trong nhiều phát biểu của ngài. Ấn tượng mà chúng ta được mời tiếp nhận là về một người lang thang cô đơn mà người ta có thể gặp khi đi trên đường rừng tối tăm vào ban đêm — một người bạn đồng hành đầy thiện cảm nhưng luôn khẳng định rằng họ có rất ít khôn ngoan để chia sẻ cho cuộc hành trình đầy bất trắc ở phía trước.

Nếu Đức Phanxicô thoái thác vai trò giáo hoàng anh hùng để ủng hộ một cách tự hiểu khiêm tốn hơn về chức vụ của mình, thì cần phải nhận thấy rằng vị tiền nhiệm của ngài là Đức Giáo Hoàng hưu trí Bênêđíctô XVI đã biến điều này thành khả hữu. Việc thoái vị của ngài đã phi huyền thọai hóa ngôi vị giáo hoàng; lẽ ra nó phải chuẩn bị những người ngưỡng mộ ngài cho một tương lai trong đó họ sẽ phải bảo vệ những gì họ tin cho dù không có lệnh rõ ràng của giáo hoàng, trong bầu khí thay đổi, trong đó các kẻ thù lớn nhất của Giáo hội nhận được sự trợ lực từ các nhà lãnh đạo của Giáo Hội.

Giờ đây, đối với nhiều người trong chúng ta, thời gian đã trở nên quá muộn rồi. Có những khuôn mặt trong Rừng Hoang và những giọng nói kỳ lạ thì thầm trong bóng tối. Nhưng trong một Giáo hội trong đó, sự tiến bộ được tính bằng nhiều thế kỷ, thì sự kết thúc của triều đại giáo hoàng anh hùng đối với tôi như một sự khai triển đáng hoan nghênh và không thể tránh khỏi.
________________________________
(*) Thần thoại Na Uy chỉ nơi các dũng sĩ đến sau khi chết