Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu – Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooperation, viết tắt là APEC) sẽ họp thượng đỉnh tại Ðà Nẵng trong hai ngày 11 và 12.11.2017. Ngoài ra, sau hội nghị, nhiều lãnh đạo các quốc gia tham dự diễn đàn sẽ viếng thăm chính thức Hà nội, đặc biệt là Tổng thống Donald Trump (Hoa kỳ) mà những người Việt quan tâm đến vấn đề Nhân Quyền đang chờ nghe ông có đặt đến vấn đề với đảng viên lãnh đạo nước này không. Do đó, nhân bài này chúng ta sẽ tìm biết APEC là gì và những sự chà đạp về nhân quyền có cơ may giãm bớt trong tương lai hay không, sau khi đồng bào đau khổ đã phải đóng thuế để tổ chức diễn đàn, tiếp đãi tiệc tùng và quà cáp cho các thượng khách và những phái đoàn.
I.- DIỄN ÐÀN HỢP TÁC KINH TẾ Á CHÂU – THÁI BÌNH DƯƠNG.
A. Sự Hình Thành.
Diễn đàn này được thành lập vào năm 1989 nhằm đáp ứng sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng giữa các nền kinh tế Á Châu Thái Bình Dương (còn gọi là Vành đai Thái Bình Dương) và đã đưa đến sự hình thành một thị trường mới cho các sản phẩm nông nghiệp và nguyên liệu ngoài Âu châu.
Tháng Giêng 1989, Thủ tướng Úc Bob Hawke đưa ra lời kêu gọi kiến tạo một sự hợp tác kinh tế hữu hiệu hơn cho toàn vùng Á châu -Thái Bình Dương. Kết quả, vào tháng 10, Tổng, Bộ trưởng 12 quốc gia trong trong vùng đã đến Canberra, thủ đô Uùc, tham dự Hội nghị đặt dưới quyền chủ tọa của bộ trưởng ngoại giao Úc, Gareth Evans. Hội nghị bế mạc với lời đồng thuận sẽ tổ chức Hội nghị hàng năm tại Singapore và Hàn Quốc.
Hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo APEC được tổ chức lần đầu vào năm 1993 khi Tổng thống Bill Clinton (Hoa Kỳ) quyết định mời các nhà lãnh đạo những nền kinh tế thành viên đến tham dự Hội nghị tại đảo Blake, tiểu bang Washington. Ông nghĩ rằng có thể dùng Hội nghị thượng đỉnh này để giúp đem vòng đàm phán Uruguay (các vòng đàm phán để tiến tới sự hình thành Tổ chức Thương mại Thế giới, WTO), lúc ấy đang lạc hướng, trở lại với lộ trình ban đầu. Tại đây, các lãnh đạo kêu gọi tiếp tục tháo gỡ những rào cản thương mại và đầu tư. Trụ sở APEC được đặt tại Singapore.
Từ đó, các Diễn đàn thượng đỉnh được tổ chức thường niên lần lượt tại một quốc gia thành viên*, được gọi là ‘Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC’ (APEC Economic Leaders' Meeting), báo chí Việt Nam gọi là ‘Hội nghị cấp cao APEC’.
* {Năm 1991, Tàu cộng lẫn Đài Loan đều được chấp nhận là thành viên APEC. Trước áp lực của thành viên mới Tàu cộng này, các nước APEC khác buộc phải tuân theo :
1. cụm từ ‘các nền kinh tế’ được dùng để chỉ các nước thành viên thay vì sử dụng cụm từ ‘quốc gia’ ;
2. không còn gọi là ‘Hội nghị thượng đỉnh’, vì nó thường chỉ dùng để chỉ một cuộc họp của các nguyên thủ quốc gia, mà gọi là ‘Hội nghị cấp cao’ ;
3. Ðài Loan chỉ được biết dưới tên ‘Trung hoa Ðài Bắc’ (Ðài Bắc là thủ đô Ðài Loan), chỉ được cử đại diện cấp Bộ trưởng đến tham dự ‘Hội nghị cấp cao’ này ;
4. Dựa vào các trường hợp của Hồng Kông và Đài Loan, nền kinh tế Đảo Guam mạnh mẽ đòi hỏi một ghế thành viên APEC, nhưng bị Hoa Kỳ bác bỏ vì lý do, phần đất này cho đến nay vẫn được đại diện chính thức bởi Hoa kỳ.
5. Do đó, nguyên tắc ‘bình đẳng’ giữa các quốc gia thành viên không còn được tôn trọng và được thay thế bằng ‘luật của kẻ mạnh’.}
B. Những Hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo đáng lưu ý.
Năm 1994, Bản dự thảo ‘Mục tiêu Bogor’ được chuẩn thuận bởi Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC, nhằm mở rộng và tự do hóa các lãnh vực thương mại và đầu tư bằng cách giảm thiểu rào cản thuế quan trong khu vực Á châu – Thái Bình Dương từ mức số 0 và 5 % vào lối năm 2010 tại các nước đã công nghiệp hóa và năm 2020 tại các nước đang phát triển.
Năm 1995, APEC thiết lập Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp APEC (ABAC) với thành phần nhân sự là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đến từ các nền kinh tế thành viên (ba người mỗi thành viên). APEC đã đẩy mạnh vòng đàm phán thương mại mới và ủng hộ chương trình hỗ trợ kiến tạo năng lực thương mại tại Hội nghị các nhà lãnh đạo năm 2001, Hội nghị đã ủng hộ ‘Thỏa hiệp Thượng Hải’ do Hoa kỳ đề xuất, nhằm mở cửa thị trường, cải cách cơ chế và xây dựng năng lực. Các nhà lãnh đạo cam kết phát triển và thực thi những tiêu chuẩn về tính minh bạch (transperancy) của APEC.
Hội nghị cao cấp APEC nhóm tại Chí lợi (Chile) năm 2004 chú trọng vào các vấn đề khủng bố và thương mại, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng chuẩn bị cho Thỏa ước Tự do Mậu dịch và Thỏa ước Thương mại Khu vực. Năm 2005, Hội nghị tổ chức tại Busan (Hàn Quốc), chú trọng vào vòng đàm phán thương mại Doha dự định được đem ra thảo luận tại Hội nghị bộ trưởng Tổ chức Thương mại Quốc tế sẽ họp tại Hương Cảng vào tháng 12 sau đó.
C. Các nền kinh tế thành viên :
a./ Các thành viên sáng lập năm 1989 :
1. Úc đại lợi (Australia, tên chính thức dùng trong APEC) ;
2. Brunei (Brunei Darussalam) ;
3. Gia nã đại (Canada) ;
4. Nam dương (Indonesia) ;
5. Nhật bản (Japan) ;
6. Hàn quốc (Republic of Korea) ;
7. Mã lai á (Malaysia) ;
8. Tân tây lan (Nez Zealand) ;
9. Phi luật tân (The Philippines) ;
10. Tân gia ba (Singapore) ;
11. Thái lan (Thailand) ;
12. Hoa kỳ (The United States).
b./ Các thành viên gia nhập năm 1991 :
1. Ðài loan (Chinese Taipei) ;
2. Hương cảng (Hong Kong, China) ;
3. Trung quốc (People’s Republic of China) ;
c./ Các thành viên gia nhập năm 1993 :
1. Mễ tây cơ (Mexico) ;
2. Papua tân Guinea (Papua tân Guinea).
d./ Thành viên gia nhập năm 1994 :
1. Chí lợi (Chile).
e./ Các thành viên gia nhập năm 1998 :
1. Peru (Peru) ;
2. Nga (Russia) ;
3. Việt Nam (Vietnam).
D. APEC họp cấp cao tại Ðà Nẵng (Việt Nam)
Ðây là lần Hội nghị thượng đỉnh thứ 29 của 21 nền kinh tế APEC - đại diện cho 39% dân số thế giới, 57% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) và 49% thương mại toàn cầu, đang gặp thách thức mới vì Hoa Kỳ tỏ ra ít lưu tâm đến chủ nghĩa đa phương khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) khiến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam bị bất ngờ. APEC hiện đang cố gắng đạt được mục tiêu của Bogor về tự do thương mại và đầu tư vào năm 2020. Nhưng, điều quan trọng là APEC sẽ tiếp tục bước đi trên lộ trình và đóng vai trò đáng kể trong việc bảo đảm sự tăng trưởng bền vững của thế giới, tránh khỏi những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thúc đẩy kinh tế kỹ thuật số, hạn chế bất bình đẳng và bù đắp những tác động tiêu cực do toàn cầu hóa. Do đó, APEC đòi hỏi một nỗ lực chung,…
Tuy là nước cuối cùng tham gia APEC vào năm 1998, Việt Nam cộng sản đã hai lần đang cai tổ chức Hội nghị cao cấp của Tổ chức quốc tế này. Lần đầu vào năm 2006, tức chỉ 8 năm sau khi gia nhập, và lần thứ nhì năm 2017, tức 11 năm sau lần thứ nhất. Tại sao phải đòi tổ chức nhanh và nhiều như vậy ?
a. Nhà nước không mang tính cách dân chủ, tức các cơ quan công quyền không do dân bầu. Hành pháp gồm Chủ tịch nước và Thủ tướng đều do đảng viên cộng đảng bầu. Lập pháp giao cho Quốc hội gồm các dân biểu (nghị gật) do ‘đảng cử, dân bầu’. Thế mà, gần đây, một dân biểu ‘mất chức’ tên Châu Thị Thu Nga tố cáo đã ‘chi’ cho Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân 1,5 triệu mỹ kim để có được ghế tại ‘đảng hội’. Chuyện hư thực thế nào phải chờ Tòa (Tư pháp) xét xử, nếu có. Quyền lực Trên hết là Cộng đảng mà ‘quyền tuyệt đối’ nằm trong tay Tổng bí thư.
b. Cộng hòa XHCN việt nam là một nền kinh tế nổi tiếng tham nhũng gồm các quan chức đều là đảng viên, nên việc chống tham nhũõng đã không thành công vì ‘ta không thể đánh ta’. Vừa rồi, ‘củi khô’ Trịnh Xuân Thanh được ‘chở về’ từ Ðức để chờ đưa vào lò để đốt lửa. Khi lò đỏ lửa, các củi chưa khô lắm cũng phải cháy. Nhưng rồi, ngày 11.10.2017, khi bế mạc hội nghị trung ương 6, chủ lò đã đập bể lò bằng tuyên bố ‘ai đã trót nhúng chàm thì sớm tự giác gột rửa’.
Trở lại chuyện ‘tổ chức Hội nghị APEC’, các đồng chí phụ trách xây dựng mặc sức đồng ý để lập các hóa đơn thật với những giá giả và số tiền cách biệt được để vào túi đồng chí có nhiệm vụ đặt hàng… Ðó là điều rất thường xảy ra ở Việt Nam. Việc tổ chức tốn rất nhiều chi phí được trả bằng tiền đóng thuế của người dân lao động. Khi ngân sách bị thâm hụt thì nhà nước phải in thêm tiền khiến gây lạm phát, vật giá gia tăng. Nếu không, nhà nước phải đi vay để lấp mức thâm hụt này.
Số nợ vay (nợ công) này, theo báo cáo của Chính phủ Hà Nội gửi Quốc hội ngày 25.10.2017, được biết đến cuối 2016 nợ công Việt Nam là 2,8 triệu tỷ đồng, bằng 63,6% GDP. Như vậy, trung bình mỗi người Việt hiện gánh khoảng 30 triệu đồng nợ công và số tiền nợ này sẽ tiếp tục tăng vào cuối năm 2017. Sang năm mới 2018, nhà nước cộng sản Việt dự kiến sẽ vay thêm để trả nợ gốc hơn 146.700 tỷ đồng, vay nước ngoài về cho vay lại 40.000 tỷ đồng và vay bù đắp bội chi khoảng 195.000 tỷ đồng. Thật tội nghiệp cho đồng bào chúng ta vì, tiếp tay cho cộng sản bằng dọa nhau ‘đừng làm chánh trị’ để mặc cho cộng sản bắt và đánh dập những ân nhân vì tiền đồ Dân tộc đã đứng ra phản kháng bọn ‘hèn với giặc và ác với dân’. Khi chúng ta đi hết ‘con đường lữ thứ trần gian, nợ công này sẽ được chuyển cho con cháu chúng ta gánh và phải trả …
II. NHÂN QUYỀN CHO DÂN TỘC VIỆT.
APEC chỉ đề xướng tự do thương mại, chứ không nhằm tự do cho con người. Chúng khoe : ‘Kể từ khi khởi sự vào năm 1989, tỷ suất thuế trung bình giữa các thành viên đã giảm gần 2/3 trong khi mậu dịch qua lại trong khu vực đã tăng hơn gấp 7 lần’. Trong sự gia tăng buôn bán đó, con dân nước Việt đã chết vì thực phẩm độc, vì súng đạn để nhà nước đảng trị chống lại các Anh Hùng Dân tộc đang tay không để bảo vệ Ðộc Lập cho Tổ Quốc và Tự Do Dân Chủ cho Ðồng Bào. Những Vị này rất đông (tuy là thiểu số so với dân vô cảm) phải kể từ Linh mục Nguyễn Văn Lý cho đến sinh viên Nguyễn Phương Uyên, ngoài việc bị tù tội, Phương Uyên còn bị cấm học Ðại học… Sự ‘tự do thương mại’ còn cho phép bọn kinh doanh nhập cảng hàng hóa độc hại Tàu cộng rồi dán nhãn hiệu ‘made in Việt Nam’ để lường gạt đồng bào.
Với chủ đề ‘Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung,’ các lãnh đạo cao cấp các nền kinh tế dự thượng đỉnh APEC 2017, trong khi bàn về tương lai tự do mậu dịch, tăng trưởng kinh tế và vai trò của APEC trước các thách thức chung của khu vực, có biết biết vì sự có mặt của họ trên đất Việt, bao nhiêu công dân yêu nước đã bị công an theo dõi, côn đồ hành hung… Bởi thế, quý Vị có ngờ hay không, dù tại Tòa Ðại sứ nào cũng có tình báo viên, là mình đang bị lừa gạt là Dân Việt không biết biểu tình như người Canada năm 1997 khi Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC họp ở Vancouver (Canada), Cảnh sát Hoàng gia nước này đã sử dụng hơi cay chống lại những người biểu tình bất bạo động phản đối sự hiện diện của các nhà độc tài như Tổng thống Suharto (Indonesia).
A. Những Lời Kêu Gọi Nhân Quyền.
1./ ‘Gõ cửa’ Quốc hội Mỹ vì nhân quyền Việt Nam
Ngày 24.10.2017, Mục sư Nguyễn Công Chính cùng vợ, bà Trần Thị Hồng, đã có buổi trình bày về hiện trạng tự do tôn giáo Việt Nam tại văn phòng Hạ viện Hoa kỳ để các Dân biểu liên bang thuộc nhóm làm việc về Việt Nam trong Viện Lập pháp này lắng nghe câu chuyện từ các nhân chứng để tiến đến xem xét có đề xuất với Bộ Ngoại giao Hoa kỳ đưa Việt Nam cộng sản trở lại danh sách ‘Các nước cần quan tâm đặc biệt’ (CPC) hay không.
Trình bày trước các dân biểu Mỹ, ông Chính nói ‘tôi đã chịu sự đàn áp của cộng sản suốt 37 năm, trong đó có 20 năm không được cấp giấy tờ tùy thân và 17 năm đi truyền giáo bị đàn áp. Ở trong tù tôi đã bị ngược đãi, tra tấn, đàn áp’. Ông cho biết ;
- nhà thờ của ông bị phá sập, hàng trăm bản Kinh Thánh bị tịch thu và cả trăm nhà thờ ở Tây Nguyên bị đóng cửa trong khi nhiều mục sư và tín đồ Tin lành bị bắt vào tù ;
- Chính quyền Cộng sản luôn dùng chính sách hai mặt (về tôn giáo). Một mặt họ thành lập các tổ chức tôn giáo quốc doanh còn những tôn giáo họ không công nhận thì bị đàn áp. Khi dư luận quốc tế lên tiếng thì họ đưa các tôn giáo trong Mặt trận ra để nói là có tự do tôn giáo.
Ông mời gọi : ‘đừng tin vào lời nói’ mà ‘hãy tin vào hành động’ của chính quyền Việt Nam về tự do tôn giáo. ‘Hãy đưa Việt Nam vào CPC và chỉ khi nào nhà cầm quyền cộng sản phóng thích tất cả các tù nhân lương tâm, tôn giáo và chính trị và các tổ chức tôn giáo được tự do hoạt động thì mới coi là có thay đổi’.
Phát biểu tại đây, Dân biểu Ed Royce (Cộng hòa, California) nói rằng quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Mỹ-Việt cần phải dựa trên điều kiện là ‘hai nước có tiếp xúc hiệu quả hơn về vấn đề Việt Nam đối xử với người dân của họ như thế nào về phương diện tín ngưỡng tôn giáo. Sự tiếp tục hợp tác và cải thiện quan hệ Mỹ-Việt cần phải tùy thuộc vào sự tôn trọng nhân quyền’. Dân biểu Lou Correa cho Ðài VOA biết ‘Chúng tôi sẽ xem liệu chúng tôi có hội đủ sự ủng hộ của Quốc hội để yêu cầu Tổng thống Donald Trump nêu vấn đề này với các lãnh đạo Việt Nam khi ông đến thăm nước này (vào tháng 11) và đưa Việt Nam trở lại CPC hay không’. Ðược hỏi liệu động thái này có làm tổn hại đến quan hệ Mỹ-Việt hay không, ông trả lời ‘nếu có tổn hại thì nó chỉ khiến Việt Nam thay đổi và khi đó quan hệ hai nước sẽ thay đổi. Tất cả những gì Việt Nam cần làm là tôn trọng nhân quyền’.
2./ Lãnh đạo APEC đừng làm ngơ 105 tù chính trị.
Ngày 02.11.2017, Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế (Human Rights Watch, HRW) kêu gọi Việt Nam ngay lập tức trả tự do cho tất cả những người đang bị giam giữ chỉ vì họ ‘đã thực thi các quyền cơ bản của mình một cách ôn hòa’. HRW mở một trang mạng mới dành riêng cho lời kêu gọi này, trong đó nêu bật 15 trường hợp trong số 105 người đang bị giam cầm vì các lý do chính trị hay tôn giáo. HRW thúc giục các nhà lãnh đạo và đối tác thương mại quốc tế tới tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017 lên tiếng kêu gọi ‘nhà cầm quyền Việt Nam chấm dứt đàn áp một cách có hệ thống nhắm vào những người lên tiếng phê bình ôn hòa và bảo đảm các quyền căn bản về tự do ngôn luận, lập hội, nhóm họp, và tôn giáo cho người dân Việt Nam’.
‘Trong những lúc chụp ảnh chung hay ký kết hợp đồng thương mại với các lãnh đạo nhà nước Việt Nam độc đảng, các quan chức ngoại quốc tới Việt Nam dự APEC đừng nhắm mắt làm ngơ với 105 tù nhân chính trị đang bị chính các lãnh đạo Việt Nam đó giam giữ sau song sắt… Ngay trong lúc Việt Nam đang thể hiện vai trò một nước chủ nhà thân thiện khi tiếp đón các phái đoàn quốc tế, nhà cầm quyền nước này lại gia tăng đàn áp bất cứ cá nhân nào có can đảm lên tiếng ủng hộ dân chủ và nhân quyền’. Giám đốc phụ trách Á châu của HRW Brad Adams viết trong thông cáo của tổ chức này.
Trong vòng 12 tháng qua**, công an đã bắt giữ ít nhất 28 người với các tội danh ‘an ninh quốc gia’ có phạm vi áp dụng quá rộng được dùng để trừng phạt những người lên tiếng chỉ trích, phê phán. Vụ gần nhất xảy ra ngày 17/10, theo HRW, khi công an bắt giữ nhà hoạt động vì môi trường Trần Thị Xuân ở Hà Tĩnh với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’. Những nhà hoạt động này bị bắt thường bị tạm giam một thời gian dài trước khi xét xử mà không được tiếp cận nguồn hỗ trợ pháp lý hay gia đình thăm gặp, HRW nhận định.
** Thời gian này bắt đầu từ sau khi Khôi nguyên Nobel Hòa bình Obama đến Việt Nam để bán súng ống và Osius đã không (hay bất lực) can thiệp để những Vị được ông mời, như ông Nguyễn Quang A, đến gặp Obama.
3./ 17 Tổ chức bảo vệ nhân quyền và đảng phái chính trị trong và ngoài nước, ngày 07.11.2017, đã cùng ký tên trong thư ngỏ ‘Ngưng ngay đàn áp tại Việt Nam’ gửi lãnh đạo các quốc gia tham dự Hội nghị Cấp cao APEC tại Đà Nẵng (Việt Nam), lưu tâm đến tình trạng nhân quyền ngày càng tồi tệ của quốc gia chủ nhà.
17 tổ chức này viết ‘Trong năm qua Việt Nam đã gia tăng đàn áp các tiếng nói dân chủ, có ít nhất 25 nhà hoạt động và blogger ôn hòa bị bắt giữ hoặc bị lưu đày. Ngoài ra nhà nước Việt Nam cũng tuyên án tù dài hạn những nhà hoạt động nhân quyền có tên tuổi như bà Trần Thị Nga, ông Nguyễn Văn Oai, blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, mặc dù những người vừa nêu đều tranh đấu ôn hòa’. Thư ngỏ cũng nhắc đến trường hợp luật sư nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Văn Đài bị giam giữ gần hai năm mà không được xét xử.
Thư ngỏ có đoạn viết : «Đợt đàn áp này đi ngược lại với mục tiêu ‘Tạo Động Lực Mới, Cùng Vun Đắp Tương Lai Chung’ là chủ đề của diễn đàn APEC năm nay. Giam giữ tùy tiện, kiểm duyệt, dùng bạo lực nhà nước đối với giới hoạt động và bảo vệ nhân quyền chẳng những là một sự sỉ nhục đối với tính nhân bản chung mà còn là một vi phạm nghiêm trọng pháp luật và chuẩn mực nhân quyền quốc tế. »… « Nếu chính quyền Việt Nam không tuân thủ theo các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế, thì làm sao có thể tin tưởng Việt Nam sẽ tôn trọng các thỏa thuận sẽ được ký kết tại APEC 2017 ».
4./ Từ Canada, cũng liên quan đến nhân quyền Việt Nam, Thượng nghị sĩ gốc Việt Ngô Thanh Hải, vừa cho phổ biến bản tuyên bố, kêu gọi Thủ tướng Canada Justin Trudeau thúc đẩy Việt Nam cải tiến nhân quyền, khi ông Trudeau có mặt tại Việt Nam để tham dự APEC và viếng thăm chính thức Hà Nội. Ông viết : « Tình trạng nhân quyền tại Việt Nam hiện đang ngày một tồi tệ hơn, đặc biệt những vụ đàn áp đã gia tăng sau thảm họa môi trường Formosa. Thượng Nghị Sĩ nhấn mạnh đây là cơ hội đầy thuận lợi để Thủ tướng Trudeau đòi hỏi Việt Nam phải ngưng ngay những vụ đàn áp những tổ chức hoạt động độc lập, ngưng những cấm đoán nhắm vào các tổ chức tôn giáo và phải thể hiện những bước cải tiến để chấm dứt tình trạng tham nhũng và tra tấn.
5./ Thư gởi Ðệ Nhất Phu Nhân Hoa kỳ.
Nhận được tin đệ nhất phu nhân Hoa kỳ là bà Melania Trump sẽ cùng chồng là Tổng thống Donald Trump sang Việt Nam tham dự Hội nghị APEC 2017, trưởng nữ của Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bé Nguyễn Bảo Nguyên, đã viết một bức thư ước mong được bà giúp đỡ để đoàn tụ gia đình. Tuy nhiên, đại diện gia đình bà Quỳnh không dám hi vọng gì lắm là lời mong muốn trong bức thư thành hiện thực… Lý do sự nhờ giúp đỡ này vì, ngày 29.03.2017, Bộ Ngoại giao Hoa kỳ đã tổ chức lễ Vinh Danh 13 khôi nguyên giải Phụ nữ Quốc tế Dũng cảm, dưới quyền chủ tọa của bà Melania Trump. Sau khi đại diện Bộ Ngoại giao đọc bản Vinh Danh bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bà Trump và toàn thể cử tọa đã đứng dậy và vỗ tay tán dương Phụ nữ Quốc tế Dũng cảm người Việt vắng mặt vì bạo quyền cộng sản giam cầm.
Nguyên văn nội dung bức thư của bé Nguyễn Bảo Nguyên viết gửi bà Melania Trump như sau:
“Nha Trang ngày 26 tháng 10 năm 2017
Kính gửi bà Melania Trump!
Con là Nấm (con của mẹ Nguyễn Ngọc Như Quỳnh- Blogger Mẹ Nấm), đây là bức thư thứ tư con viết để xin Bà giúp gia đình con được đoàn tụ. Những lần thư trước, con luôn hỏi bà ngoại không biết Bà có nhận được thư của con không, nhưng bà ngoại con chỉ trả lời chúng ta chỉ biết hi vọng thôi.
Con có đọc trên mạng và biết gia đình Bà sẽ tới thăm Việt Nam để dự đại hội APEC. Chỉ còn vài ngày nữa là đã tới ngày sinh nhật con và em con là Gấu, thế là một lần sinh nhất nữa mà không có mẹ bên cạnh chúng con. Chúng con yêu mẹ nhiều lắm và chỉ mong muốn mẹ về với chúng con.
Xin Bà hãy giúp gia đình con được đoàn tụ vì con biết mẹ con chẳng làm gì sai cả và vì chính Bà cũng đã trao tặng giải thưởng ‘Phụ nữ can đảm’ cho mẹ con, con và gia đình con xin thay mẹ cảm ơn Bà lần nữa.
Con rất tin tưởng vào Bà, xin Bà giúp mẹ con trở về với chúng con. Con xin chào Bà và chúc gia đình Bà hạnh phúc.
Con:
Nguyễn Bảo Nguyên
24 Đặng Tất-Nhà trang- Việt Nam”
Tin giờ chót : Ðệ Nhất Phu nhân Hoa kỳ sẽ không đến Việt Nam với chồng, nhưng không thấy nêu lý do chính thức.
Hà Minh Thảo