HỘI THẢO LẦN THỨ IV
do Văn Phòng Truyền Giáo
thuộc LIÊN HIỆP HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC Á CHÂU
tổ chức tại Redemptorist Resort, Pattaya, Thái Lan
5 – 7 tháng 12 năm 2013

VƯỢT QUA CÁC BIÊN CƯƠNG
TÔNG ĐỒ KINH THÁNH ĐƯỢC ĐỔI MỚI CHO VIỆC TÂN PHÚC ÂM HÓA


Cảm hứng: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” (Mc 1,38)

1. Thành phần tham dự

Đến tham dự có 115 thành viên thuộc 21 quốc gia và vùng lãnh thổ Châu Á, bao gồm: 3 Tổng Giám Mục, 3 Giám Mục, 28 Linh Mục, 11 nam nữ Tu Sĩ, và nhiều giáo dân.

Từ Việt Nam có Linh Mục Đa-minh Ngô Quang Tuyên, Linh Mục Đa-minh Đinh Quang Vinh đại diện Ủy Ban Truyền Giáo; và Nữ Tu Ma-ri-a Đỗ Thị Yến đại diện Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ và cũng đại diện Uỷ Ban Kinh Thánh.

2. Sinh hoạt

Cuộc Hội Thảo sinh hoạt trong 3 ngày, mỗi ngày bắt đầu với việc thực hiện LECTIO DIVINA (45 phút), mỗi buổi sáng và mỗi buổi chiều có 2 bài thuyết trình, và buổi tối có Biblio-drama.

3. Đề tài các bài thuyết trình

- Bài thuyết trình I: “Tôi mắc nợ tất cả các Dân Tộc” (Rm 1,14) do Đức Tổng Giám Mục Thomas Menamparampil
- Bài thuyết trình II: Huấn Luyện Kinh Thánh cho Giáo Dân cho việc Tân Phúc Âm Hóa do Đức Tổng Giám Mục John Ha
- Bài thuyết trình III: Truyền Bá Tin Mừng Đức Ki-tô qua việc Học Hỏi Kinh Thánh theo chương trình của Trung Quốc do Linh Mục John Mi Shen
- Bài thuyết trình IV: Thánh Phao-lô, Việc Tân Phúc Âm Hóa và Mục Vụ Kinh Thánh do Linh Mục Thomas Manjaly
- Bài thuyết trình V: Kinh Thánh và Văn Hóa: Những Thách Đố đối với việc Tông Đồ Kinh Thánh do Giáo Sư Kirti Buncha
- Bài thuyết trình VI: Niềm Vui của Tin Mừng (Evangelii Gaudium của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô) do Đức Giám Mục David Pablo Virgilio
- Bài thuyết trình VII: Tông Đồ Kinh Thánh và việc Tân Phúc Âm Hóa, 50 năm sau Công Đồng Va-ti-can II do Linh Mục Ludger Feldkaemper
- Bài thuyết trình VIII: Làm Xanh hơn nữa Giáo Hội Công Giáo Hôm Nay. Tu Đức Kinh Thánh trong Thời Đại Tân Phúc Âm Hóa do Lysander P. Rivera
- Bài thuyết trình IX: Sử Dụng các Phương Tiện Truyền Thông vào Việc Trình Bày Kinh Thánh: Những Thách Đố và những Thuận Lợi do Manoj Sunny
- Bài thuyết trình X: Học Hỏi từ Chân Phước GABRIEL về việc Tông Đồ Kinh Thánh do Cô Cecilia Chui
- Trình bày những viễn tượng và kế hoạch cho tương lai do đại diện các Quốc Gia

4. Học hỏi thực hiện việc Tân Phúc Âm Hóa

Để việc tân Phúc Âm Hóa đạt kết quả, chúng ta cần theo gương Đức Giê-su, Đấng đã đồng hành với Hai Môn Đệ đang trở về Em-mau. Người đã thực hiện một cuộc tân loan báo Tin Mừng thật thành công cho hai môn đệ yêu mến đang thất vọng sau biến cố tử nạn của Thầy Giê-su, vị Ngôn Sứ đầy uy thế trong lời nói và việc làm (x. Lc 24,19).

Chúng ta chú ý đến diễn tiến của cuộc “tân loan báo Tin Mừng” đó: Đức Giê-su phục sinh, Đấng đến như một vị Mê-si-a chưa được biết đến, như một người xa lạ giữa những lữ khách. Trước tiên, Người tiến gần, rồi bước bên cạnh họ và đối thoại với họ và với sự đồng cảm, sau cùng Người kể lại cho họ cùng một câu chuyện mà họ đang thuật lại cho Người nhưng với một cách thức khác, đó là dưới ánh sáng của Kinh Thánh. Rồi Người trì hoãn hành trình của Người bằng cách ở lại với họ và bẻ bánh cùng họ. Làm như thế, Người đã dẫn họ vào một kinh nghiệm “mở mắt” giúp họ nhận ra Người. Cuối cùng, Người biến đi để Người có thể trở thành lửa trong họ, một ngọn lửa khiến họ lên đường trở lại Giê-ru-sa-lem, và sự sợ hãi thất vọng của họ biến thành sự can đảm và niềm vui.

Trình thuật Hai Môn Đệ làng Em-mau này dường như một văn bản ưa thích của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô. Người đã dùng bản văn này để khích lệ các Giám Mục Châu Mỹ La-tinh ở Bra-zin vào ngày 28-6-2013, trong Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Điều dường như đánh động Đức Thánh Cha nhất là bản văn cung cấp một mô hình cho việc Tân Phúc Âm Hóa. Người nhấn mạnh đặc điểm bí tích của công việc loan báo Tin Mừng, đó là nơi những người loan báo Tin Mừng phải có “Thiên Chúa, Đấng đến với...” (EG 136), một người loan báo Tin Mừng đến như một người xa lạ trên đường, cho phép quyền năng của Thiên Chúa được cảm nhận nơi những lữ khách đang mệt mỏi rã rời nhờ “những lời của con người”, những lời làm thắp lên ngọn lửa trong lòng họ. Đức Thánh Cha nói:

Ngày nay có nhiều người như hai môn đệ trên đường đi Em-mau... Đối diện với tình huống này, chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta cần một Giáo Hội không sợ ra đi trong đêm tối. Chúng ta cần một Giáo Hội có khả năng gặp gỡ họ trên hành trình của họ. Chúng ta cần một Giáo Hội có khả năng đối thoại với những người môn đệ đó, những người đang rời Giê-ru-sa-lem lại phía sau, và đang bước đi một cách bâng quơ cô đơn, với sự thất vọng của họ, bị tỉnh ngộ bởi một Ki-tô giáo mà nay được coi là vô ích, một mảnh đất không sinh hoa kết quả...”

Nên chú ý rằng bản văn của Lu-ca nói: “Rồi Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh, bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ” (Lc 24,27). Không phải Đức Giê-su giải thích Sách Thánh , nhưng Người giải thích kinh nghiệm của họ trong Giê-ru-sa-lem về Đức Giê-su trong ánh sáng của Kinh Thánh. Đây là điều quan trọng mà chúng ta phải chú ý về cách thức chúng ta thực hiện việc loan báo Tin Mừng hôm nay. Chúng ta có khuynh hướng tập trung vào việc “giải thích Kinh Thánh”. Đó là điều tốt, có điều là chúng ta quá quan tâm đến việc phải đưa Kinh Thánh đến cho mọi người, và Kinh Thánh đó phải được giải thích bởi những chuyên viên hay những nhà thần học, những chuyên viên chú giải vì có một điều hiểu ngậm là sợ Kinh Thánh bị giải thích cách không chính xác. Cần chú ý rằng vị khách lạ trên đường Em-mau đã gợi hứng để hai môn đệ kể lại kinh nghiệm của họ về Đức Giê-su, nhờ đó vị khách lạ đó có thể nói cho họ tin mừng như một câu chuyện về ơn cứu độ “dưới ánh sáng Kinh Thánh”. Điều cần được giải thích không phải là Kinh Thánh, nhưng là chính những kinh nghiệm của họ. Và với những kinh nghiệm khác nhau trên toàn thế giới, làm sao để có thể có một sự giải thích cách đúng đắn?

Đối tượng chính yếu của việc tân Phúc Âm hóa là hiện diện ở đó với những lữ hành đang mệt mỏi và nản lòng, những người không thể tìm ra được ý nghĩa cho những kinh nghiệm sống thê thảm và vô lý của họ hầu có thể dạy họ kể lại câu chuyện đó của họ nhưng với một sự khác biệt. Mọi Ki-tô hữu đều có thể kể lại kinh nghiệm của họ. Sứ mạng của chúng ta là dạy cho họ tường thuật lại những câu chuyện về những kinh nghiệm thê lương trong cuộc sống của họ nhưng đưa những câu chuyện ấy thành những câu chuyện cứu độ bằng cách nhìn những kinh nghiệm của cuộc sống trong ánh sáng của câu chuyện về Đức Giê-su, câu chuyện của Thiên Chúa về ơn cứu độ.

Hy vọng là điều mà mọi người tìm kiếm giữa những cám dỗ đưa đến sự thất vọng. Hy vọng là điều cốt lõi của việc loan báo Tin Mừng, đó là Tin Mừng được loan báo. Đây không phải là một sự thái quá về việc làm sao cho đạt được thật nhiều người trở lại với một tôn giáo. Dường như Đức Giê-su rất ít quan tâm đến việc trao ban một tín điều tôn giáo. Điều Người hết sức quan tâm là mang đến một Tin Mừng, và giải gỡ những tâm thần đang rũ rượi, trao ban cho con người điều gì đó tốt đẹp để sống và chết cho điều đó. Nếu đó là trọng tâm của việc loan báo Tin Mừng, thì chúng ta thấy lời của I-sai-a thật chính xác: “Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ” (Is 52,7).

Tân Phúc Âm hóa là giúp con người sống kinh nghiệm của họ với một cảm hứng căn bản là: làm sao tôi có thể làm cho cuộc sống có ý nghĩa? Đâu là ý nghĩa của tất cả những kinh nghiệm đó? Thiên Chúa nói điều gì với tôi/chúng tôi? Tôi/chúng tôi được mời gọi đáp trả Người như thế nào?

Kinh Thánh là để giúp chúng ta lắng nghe tiếng Thiên Chúa nói với chúng ta qua những kinh nghiệm của kiếp người. Kinh Thánh như một sự trợ giúp để làm giảm đi những sự điếc lác đối với tiếng nói của Thiên Chúa, đối với những sứ điệp Người trao ban.