Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Quốc gia nào sản sinh ra nhiều linh mục nhất so với quy mô dân số Công Giáo? Phải chăng là Brazil, cường quốc của Công Giáo Mỹ Latinh? Phải chăng là Cộng hòa Dân chủ Congo, với một Giáo hội phát triển nhanh chóng vượt bậc? Phải chăng là Phi Luật Tân nơi dân số Công Giáo ổn định nhất trên thế giới?
Câu trả lời là: không phải quốc gia nào trong số những quốc gia này. Quốc gia đang đào tạo nhiều linh mục Công Giáo nhất trên thế giới, tính theo bách phân dân số Công Giáo thế giới, thật đáng ngạc nhiên là Miến Điện. Đó là kết luận của một nghiên cứu mới đầy thuyết phục của Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng trong các hoạt động tông đồ, gọi tắt là CARA, của Đại học Georgetown.
Các nhà nghiên cứu không đưa ra các suy đoán nhưng tìm hiểu đến nơi đến chốn lý do tại sao Miến Điện, nơi Phật giáo chiếm một đa số áp đảo lại là một điểm nóng trong ơn gọi linh mục. Miến Điện chỉ có 750,000 người Công Giáo trong cả nước – chiếm chỉ một phần trăm dân số thôi. Nhưng Giáo hội được lãnh đạo bởi một nhân vật năng động là Đức Hồng Y Charles Maung Bo. Ngài có một tầm nhìn minh mẫn về Giáo hội như một lực lượng trung gian giữa đa số Phật giáo và các nhóm thiểu số bị bao vây và thường xuyên bị ức hiếp. Có lẽ tấm gương của ngài đang truyền cảm hứng cho những người Công Giáo Miến Điện khác cống hiến cuộc đời của họ cho Giáo hội.
CARA nhận thấy rằng sau Miến Điện, là quốc gia có tỷ lệ tân linh mục so với bách phân dân số Công Giáo cao nhất trên thế giới, nước đứng thứ hai là Thái Lan (một quốc gia đa số Phật giáo khác), tiếp đến là Togo, Việt Nam và Bangladesh. Như thế, bốn trong số năm quốc gia hàng đầu thuộc về Á châu và một quốc gia thuộc Phi châu.
Điều này thật bất ngờ vì chúng ta không quen nghĩ Công Giáo là một hiện tượng ở Á châu. Chúng ta có xu hướng nhìn về Âu châu, Mỹ Latinh và Phi châu vì chỉ có ba phần trăm người Á châu theo Công Giáo và chỉ có hai trong số 48 quốc gia Á châu là nơi có đa số dân theo Công Giáo, là Phi Luật Tân và Đông Timor.
Nhưng trong những thế kỷ tới, bức tranh tổng thể có thể thay đổi. Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle của Manila đã từng tiết lộ rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với ngài rằng, theo nhận định của ngài, tương lai của Giáo hội là ở Á châu. Chúng ta có thể hình dung rằng chỉ trong thế kỷ này thôi có thể có một vị Giáo Hoàng người Á châu.
Mới hôm thứ Bảy 13 tháng Bẩy, dòng Đa Minh đã bầu ra nhà lãnh đạo Á châu đầu tiên trong lịch sử 800 năm của mình, Cha Gerard Timoner người Phi Luật Tân. Đã có những quốc gia có cộng đồng thiểu số Công Giáo như Ấn Độ và Nam Hàn đang gửi một số lượng lớn các nhà truyền giáo ra nước ngoài. Có lẽ trong tương lai, hầu hết các linh mục tại các giáo xứ phương Tây là những người đến từ Á châu cũng như từ Phi châu.
Còn các nước khác thì sao trong nghiên cứu CARA? Hoa Kỳ đứng ở vị trí thứ 50 trong số 108 nước có trong nghiên cứu này. Khá hơn một chút, ở vị trí thứ 49, là Vương quốc Anh (được định nghĩa là Anh quốc, xứ Wales và Tô Cách Lan). Cả Hoa Kỳ và Anh quốc đều vượt xa các quốc gia Công Giáo truyền thống như Tây Ban Nha (thứ 73), Đức (thứ 75), Ái Nhĩ Lan (bao gồm cả Bắc Ái Nhĩ Lan, thứ 78), Á Căn Đình (thứ 98) và Pháp (thứ 99). Cầm đèn đỏ ở cuối bảng là Bỉ nơi vẫn được coi là thành trì của Công Giáo.
Thống kê của CARA dựa trên các số liệu gần đây nhất về việc phong chức linh mục (trong năm 2015, 2016 và 2017) và dữ liệu dân số Công Giáo năm 2017 từ Tòa thánh Vatican được nêu trong Niên Giám Thường Niên của Giáo Hội. Để tránh kết quả sai lệch, các nhà nghiên cứu chỉ bao gồm các quốc gia có ít nhất 100,000 người Công Giáo, có ít nhất 9 linh mục được thụ phong từ năm 2015 đến năm 2017 và tối thiểu một vị được thụ phong trong mỗi ba năm được nghiên cứu.
Nghiên cứu mới chỉ cung cấp một thước đo sơ bộ về sức sống của Giáo Hội tại các quốc gia. Phi Luật Tân, chẳng hạn, đứng thứ 95 trong số 108 quốc gia. Tuy nhiên, đây là một trong những Giáo Hội sống động nhất trên thế giới, với các Thánh lễ ngoài trời lớn không tưởng tượng nổi, và gửi vô số nhà truyền giáo ra nước ngoài và đào tạo ra các nhà lãnh đạo có tầm vóc toàn cầu như Đức Hồng Y Tagle.
Tuy nhiên, bảng xếp hạng CARA cho phép chúng ta so sánh sức khỏe tương đối của Công Giáo trên toàn thế giới (mặc dù thận trọng). Các kết này nói với chúng tôi một điều quan trọng: các bộ phận của Giáo hội ở Á Châu đang phát triển vượt mọi mong đợi. Chúng ta cần hiểu tại sao Miến Điện, Thái Lan, Việt Nam và những nơi tương tự có thể tạo ra sự phong phú của các ơn gọi linh mục mặc dù người Công Giáo chỉ là một thiểu số. Phải chăng nhỏ bé đôi khi thực sự lại là một lợi thế. Phải chăng sự nhỏ bé ấy có thể ràng buộc các thành viên của Giáo hội lại với nhau và cho họ cảm giác cấp bách về sứ vụ truyền giáo là điều chúng ta không tìm thấy ở các quốc gia đa số Công Giáo?
Chúng ta chỉ có thể suy đoán. Nhưng nhờ vào nghiên cứu của CARA, chúng ta biết nhiều hơn một chút về Giáo hội toàn cầu so với trước đây.
2. Đức Hồng Y Turkson cho biết “nhiều người ngày nay phải làm việc trong những điều kiện bất hợp pháp và bấp bênh”
“Các mục tiêu mong muốn hòa bình, an ninh và thúc đẩy hòa nhập xã hội không thể đạt được nếu chúng ta không quan tâm đến các cam kết chung nhằm bảo đảm cho tất cả mọi người có công ăn việc làm bền vững, công bằng và tự do, những việc làm xây dựng xung quanh người và nhu cầu phát triển con người toàn diện”. Đức Hồng Y Peter Turkson, Tổng Trưởng Bộ Dịch Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện đã viết như trên trong thông điệp Ngày Du lịch thế giới, được tổ chức vào ngày 27 tháng 9 năm nay, với chủ đề “ Du lịch và Công ăn việc làm: một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả chúng ta”.
Trích dẫn Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đức Hồng Y nói: “Nơi nào không có công ăn việc làm, thì nơi đó không thể có sự tiến bộ, không có phúc lợi, và rõ ràng, không thể có một tương lai.” Do đó, công ăn việc cần phải được xem không chỉ “là một công việc” , mà theo nghĩa nào đó là điều mà thông qua đó con người đạt được sự viên mãn như một hữu thể trong xã hội và trên thế giới.
Công ăn việc làm đóng một vai trò thiết yếu trong việc đạt được sự phát triển nhân bản không thể thiếu được của cả cá nhân từng người và toàn bộ cộng đồng trong đó người đó sinh sống.
Tập trung vào “một số vấn đề ảnh hưởng đến công ăn việc làm trong ngành du lịch”, Đức Hồng Y Peter Turkson, Tổng Trưởng Bộ Dịch Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện chỉ trích tình trạng hiện nay theo đó “nhiều người phải làm việc trong điều kiện bấp bênh và đôi khi là bất hợp pháp, với mức lương chết đói, buộc phải làm những việc lao động khổ sai, thường xa gia đình, có nguy cơ cao bị căng thẳng , và phải tuân theo các quy tắc của cuộc chạy đua cạnh tranh với nhau”.
Đức Hồng Y bày tỏ sự phẫn nộ đối với “việc khai thác lao động ở các nước nghèo nơi là điểm đến hàng đầu của ngành du lịch” và lên án các “hành vi bạo lực không thể chấp nhận được đối với người dân ở nước chủ nhà” như việc mua dâm trong kỹ nghệ du lịch tình dục.
3. Lá thư của Đức Thánh Cha gửi cho tổng thống Bashar al-Assad gây ra những tranh cãi tại Syria
Một lá bức thư “dũng cảm” của Đức Thánh Cha Phanxicô đã gây ra những tranh luận tại Syria: lá thư được đánh giá cao “trong hàng ngũ những người đối lập chiến đấu chống lại sự lãnh đạo của Damascus”; nhưng vấp phải những chỉ trích và “hiểu lầm” rất lớn trong số những người trung thành với tổng thống Bashar al-Assad.
Trong thư, Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu tổng thống “bảo vệ cuộc sống của người dân” và “những cơ sở hạ tầng chính yếu” của đất nước.
Các nguồn tin Giáo Hội tại thủ đô Damascus nói với thông tấn xã AsiaNews của Liên Hiệp Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, rằng cuộc chiến tại Syria là một vấn đề hết sức tế nhị, cho nên các phản ứng tương phản nhau đã nổi lên xung quanh bức thư của Đức Giáo Hoàng gửi cho tổng thống Assad.
Trong thư - được Đức Hồng Y Peter Turkson, Tổng Trưởng Bộ Dịch Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện trao tận tay tổng thống Assad trong một cuộc gặp gỡ có sự hiện diện của Đức Hồng Y Mario Zenari, Sứ Thần Tòa Thánh tại Syria, Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ “lo ngại sâu sắc về tình hình nhân đạo” đang diễn ra tại Idlib. Ngài sử dụng từ “hòa giải” đến ba lần khi khuyến khích ông Assad hãy có những “cử chỉ quan trọng” đối với hòa bình, an ninh cho những người vô phương tự vệ và quyền được hồi hương của những người lưu vong.
Những người trung thành với tổng thống Assad, bao gồm một số lớn các nhà lãnh đạo các Giáo Hội Kitô ở Syria tỏ ra dị ứng với những lời chỉ trích vị tổng thống mà họ đặt nhiều kỳ vọng trong việc bảo vệ các tín hữu Kitô.
Những người trung thành với tổng thống Assad tỏ ra đồng tình với các cố gắng mạnh tay của ông trong việc tái chiếm cứ điểm cuối cùng của đất nước tại thành phố Idlib vẫn còn nằm trong tay các nhóm chống chính phủ được Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm thánh chiến hỗ trợ.
Idlib là tiền đồn của quân nổi loạn nhằm mở ra các cuộc tấn công mới. Đối với nhiều người Syria, dẹp tan Idlib bằng mọi giá, là bước phải làm để tái lập nền hòa bình tại Syria. Chính vì thế, ngay trong hàng ngũ các Giáo Hội Kitô tại Syria, nhiều vị không đồng tình với Đức Giáo Hoàng. Thông tấn xã Asia News cho biết như trên.
4. Nan đề của các tín hữu Kitô tại Mosul và vùng đồng bằng Nineveh
Trong công cuộc giải phóng Mosul và vùng đồng bằng Nineveh, một lữ đoàn Kitô Giáo, gọi là Lữ đoàn Babylon, đã được hình thành để giải phóng các vùng lãnh thổ lọt vào tay bọn khủng bố Hồi Giáo IS.
Sau khi thành phố này được giải phóng, lữ đoàn này đã được giải tán. Tuy nhiên, Lực lượng Huy động Nhân dân của người Shiite không bị giải tán và ngày càng lớn mạnh.
Sau chiến thắng Mosul, Kitô hữu lũ lượt trở về cố hương, tái xây dựng lại cuộc sống. Tuy nhiên, theo thông tấn xã AsiaNews của Liên Hiệp Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, các nguồn tin Giáo Hội trong vùng cho biết trong mấy tháng gần đây mỗi tuần có hàng chục gia đình Kitô hữu đã lặng lẽ dọn đi vì không chịu nổi những sách nhiễu gây ra từ các tiểu tổ nằm vùng của bọn khủng bố Hồi Giáo IS vẫn còn sót lại. Họ cũng phải chịu cả những khó khăn gây ra từ các chiến binh trong Lực lượng Huy động Nhân dân của người Shiite.
Phong trào Al-Hashd Al-Shaabi, quy tụ các chính trị gia Kitô hữu, đang có ý muốn khôi phục lại Lữ đoàn Babylon để bảo vệ các Kitô hữu trong vùng.
Tuy nhiên, Đức Hồng Y Louis Sako cho biết ngài không tán thành ý kiến này:
“Thay vì hình thành một lực lượng dân quân Kitô giáo, chúng tôi khuyến khích các thanh niên của chúng ta tham gia vào quân đội chính thức Iraq và các ngành cảnh sát liên bang, trong khi những người trong các khu vực Kurdistan của Iraq nên tham gia vào quân Peshmerga của người Kurd.”
“Chúng tôi tôn trọng quyết định cá nhân tham gia vào phong trào Al-Hashd Al-Shaabi hoặc các tổ chức chính trị khác, nhưng tạo thành 'lữ đoàn' Kitô hữu thì không nên vì điều đó mâu thuẫn với tinh thần Kitô giáo là kêu gọi yêu thương, bao dung, tha thứ và hòa bình.”
Tuy nhiên, nếu không có một lực lượng nào bảo vệ họ, các Kitô hữu có lẽ sẽ sớm biến mất khỏi vùng phía Bắc Iraq.