Thứ tư ngày 03-11-2010, các Linh mục Hat Chí hòa tĩnh tâm tháng tại giáo xứ Xây dựng, có mấy vấn đề đươc đề nghị đưa ra Đại hội Dân Chúa ngày 21-23 tháng 11 năm 2010 trong đó có vấn đề sửa Kinh để cho thống nhất Kinh Hạt trong toàn quốc.

Công việc nầy Ông Cha chúng ta đã làm trong phần Kinh Chung cho cả nươc Viẹt nam (Kinh làm dấu, Kinh Truyền Tin, Kinh Lay ơn Đức Chúa Thánh Thần, Kinh Tin Cậy Mền. Kinh Cáo mình, Kinh Lạy Cha, Kính mầng, Sáng danh, kinh An năn tội, Kinh Phú dâng, Kinh Cám ơn, Ba Câu Lạy, Trông cậy, Lần Hạt Năm Sự Vui, Năm Sự Thương, Năm Sự Mừng), một số lớn các kinh khác do Đức Cha địa phận dịch hoặc sáng tác, thí dụ: Kinh Ông Thánh Giuse có nơi thì dịch: trong cơn khốn nạn, có nơi thì dịch: trong cơn gian nan khốn khó, có nơi: trong cơn khốn khó.

Tuy nhiên, phải lưu ý các bậc sinh thành chúng ta, rồi đến con cháu giữ đạo nhờ thuộc lòng Kinh Bổn do các vị thừa sai và tổ tiên chúng ta có trình độ Hán Nôm cộng tác làm thành. Công của cái ngài rất lớn, rất giá trị. Thần học và Tu đức của Kinh Bổn rất cao. Việc sửa Kinh Bổn cần thiết một là để thống nhất, hai là văn phong xưa và nay của tiếng Việt đã thay đổi theo đà tiến bộ của thời gian. Tuy nhiên, có thể hiểu sai mà thay đổi ?? Xin đưa ra ít thí dụ;

1- Kinh TRUYỀN TIN (Angelus)

Lời nguyện: Lạy Chúa, chúng con (tôi) xin Chúa ban ơn (Chúa) xuồng trong linh hồn chúng con, là kẻ đã nhờ lời thánh Thiên thần truyền, mà biết thật Chúa Kytô là Con Chúa đã xuống thế làm người, thì xin vì công ơn Chúa chịu nạn chịu chết trên cây Thánh Giá, cho chúng con ngày sau khi sống lại, đặng đến nơi vinh hiển, cũng vì công nghiệp Chúa Kytô là Chúa chúng con. Amen ( Sách Mục lục, Nhà in và xuất bản Cần thơ ấn quán, 5/1 Nguyễn công Trứ – Cần thơ 1961 ).

Sách Kinh địa phận Hà nội không thêm (Chúa), và theo tiếng và âm chuẩn Hanoi dùng từ ngữ “được” thay từ ngữ đặng và xưa kia xưng với Chúa là tôi, chúng tôi.

Lúc bé cho đến giờ ( 73 tuổi), chúng tôi đã học kinh ở giáo xứ Phú Yên (Tân yên) huyện Quỳnh lưu, Nghệ an và còn thuộc như thế nầy: …………. là kẻ đã nhờ lời thánh Thiên Thần truyển mà biết thật Chúa Kytô là Con Chúa đã xuống thế làm người thì xin vì công ơn chịu nạn chịu chết trên cây Thánh Gía, Chúa cho chúng con ngày sau khi sống lại …………

Mấy năm gần đây, một số nhà thần học Việt nam đặt vấn dề sai thần học nơi câu: vì công nghiệp Chúa chịu nạn chịu chết (chữ Chúa ở đây chỉ Chúa Cha )… và đề nghị sửa lại: vì công nghiệp Con Chúa chịu nạn chịu chết hoặc: vì công nghiệp Người chịu nạn chịu chết.

Thiết tưởng xin xét lại cách dùng chữ THÌ ( là liên từ nối hai tư tưởng, nối hai mệnh đề hoặc nối hai câu )

Cách nói: đói thì ăn, khát thì uống. Chữ thì trong hai câu nầy nối hai động từ lại với nhau. Và có thề nói: tôi đói thì ăn, tôi khát thì uống, không cần lập lại chủ từ tôi (tôi đói thì tôi ăn, tôi khát thì tôi uống). Bảng đề cho công nhân: Ai làm suốt ngày thì được ăn. Vậy, tôi làm suốt ngày thì được ăn. Không cần lặp lại chủ từ: tôi làm suốt ngày thì tôi được ăn.

Học giả Phạm Quỳnh viết về giá trị Truyện Kiều: ” Như vậy thì Truyện Kiều không những đối với văn hóa nước nhà, mà đối với văn học thế giới cũng chiếm được một địa vị cao quý “ (Bài diễn thuyết về quốc ngữ, Nam Phong số 86 ) ( không lập lại: mà Truyện Kiều đối với văn học thế giới ). Thơ của cụ Nguyễn Trãi: Ở bầu thì dáng ắt nên tròn, Xấu tốt, đều thì lắp khuôn. Cụ đã vận dụng cách sáng tạo câu tục ngữ: Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Câu nói của Nguyễn thế Vinh (1716-1767): Văn chương có đủ sức sửa sang việc đời thì mới đáng lưu truyền ở đời (không lạp lại: thì văn chương mới đáng). Trong Quốc văn giáo khoa thư, truyện “Ông già với bốn đưá con “: ” Các con phải thương yêu nhau, đùm bọc nhau, thì mới đủ thế lực mà đôí vơi người ngoài” (không lập lại: thì các con mới đủ thế lực )

. Thiết nghĩ tổ tiên chúng ta không viết: thì xin vì công ơn Con Chúa chịu nạn chịu chết

mà viết: thì xin vì công ơn chịu nạn chịu chết, vì một mặt các ngài dùng từ ngữ thì nên không lập lại Con Chúa, hai là nói tới công ơn chịu nạn chịu chết thì phải biết thật là công ơn của Chúa Kytô là Con Chúa …, các ngài thông hơn chúng ta ! Hơn nữa, ta nói tiếng Việt, người ngoại quốc nghe tưởng là ta hát, còn ta thì nói “êm tai, chói tai”, thiết tưởng đọc câu: thi xin vì công ơn chịu nạn chịu chết trên cây Thánh Gía, Chúa cho chúng con xuôi tai hơn câu: thì xin vì công ơn Chúa chịu nạn chịu chết trên cây Thánh gía, cho chúng con.

2- Kinh Mười Điều Răn

“ Mười điều răn ấy tóm về hai điều nầy MÀ CHỚ: trươc kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen “ (nguyên bản )

“ Mười điểu răn ấy tóm lại hai điều nầy MÀ NHỚ: trươc kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen (bản sửa lại).

Có lẽ người sửa lại không hiểu ý nghĩa từ ngữ MÀ CHỚ. Huỳnh Tịnh Paulus Của giải thích “ mà chớ “: chắc như vậy, quả như vậy, không có thể gì khác ( Đại Nam Quấc Âm Tự Vị ). Eugène Gouin, Dictionnaire Vietnamien Chinois Francais, mà chớ: certainement,, sans aucun doute. Thời nay, từ ngữ “mà chớ” không thấy có trong các Tự điển tiếng Việt. Ta có thể tìm được cách nói nầy trong các thứ ngắm (ngắm Rằng: Phép lần hạt năm dấu thánh Đức Chúa Giêsu ):

Thứ ba thì ngắm: “….. Tôi có trách được quân Giudêu đóng đanh Chúa tôi giường ấy chăng ? Nếu tôi suy cho tỏ thì biết rằng: quân ấy đóng đanh Chúa tôi có một lần, vả lại vì lầm chẳng biết, mà tôi đã nghe biết, đã xem thấy hình tượng, đã tin thật, song tôi còn đóng đanh Con Đức Chúa Trời nhiều lần là phạm nhiều tội mà chớ “.

Thứ bốn thì ngắm: …… Thật có một ý cho tôi thờ phượng kính mến Cha Cả hết lòng hết sức, mà làm mọi việc lành cho nên, cho được rỗi linh hồn mà chớ. Có khi ép mình mà ăn một hai miếng thì cũng chẳng sinh nên cơ nhục gì, một nguội lạnh lòng liên, ấy là cội rễ mở đàng tội lỗi mà chớ.

3- Kinh Phúc thật tám mối

Thứ tám: ai chịu khốn nạn vì ĐẠO NGAY, ấy là phúc thật, vì chưng nước Đức Chúa Trời là của mình vậy.

Xin xem các nhà dịch Kinh Thánh ra tiếng Việt câu trên (Mt 5,10 ):

Bản dịch của Đức Hồng Y Trịnh văn Căn: phúc cho những kẻ bị bắt bớ vì sự công chính, vì Nước Trời là của họ.

Bản dịch của cha Nguyễn thế Thuấn: phúc thay những kẻ bị bắt bớ vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ (năm 1965). Dịch lại năm 1976: Phúc cho những kẻ bị bắt bớ vì sự công chính, vì Nước Trời là của họ.

Bản dịch của Cha An sơn Vị năm 1983: Phúc thay ai vì điều công chính chịu cơn bắt bớ ! Vì được chiếm hữu Nước Trời.

Bản dịch của Hội Ghi-đê-ôn ( bản nhuận chính ): Phước cho kẻ chịu bắt bớ vì sự công nghĩa, vì nước trời là của kẻ ấy.

Bản dịch của Phụng vụ Giờ kinh: Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính vì Nước Trời là của họ.

Tham khảo các bản tiếng nước ngoài:

Bản Vulgata ( cũ ): ” Beati qui persecutionem patiuntur propter iustitiam, quoniam ipsorum est regnum caelorum.

Louis Pirot Albert Clamer, La Sainte Bible: Bienheureux ceux qui sont persécutés

pour la justice, car le royaume des cieux leur appartient.

La “Bible de Jérusalem” năm 1961: ” Heureux les persécutés pour la justice car le Royaume des Cieux est à eux.

The new american bible: ” Blessed are they who are persecuted for the sake of righteousness for theirs is the kingdom of heaven.

Sống công chính, vua Minh Mạng bách hại tổ tiên ta thì vua Minh Mạng tự cho mình là người sóng công chính ( Minh Quân). Dụ bắt đạo đầu tiên của vua nầy phán: chúng dạy thiên đàng hoả ngục là những điều mê hoặc dân chúng, chúng dựng lên nhiều nhà thờ cho nam nữ ra vào hỗn độn để quyến rủ đàn bà con gái, chúng móc mắt những người đau ốm. Thât là trái luân thường đạo lý. …… Trẫm truyền cho tất cả những ai theo tả đạo nầy, từ quan đến dân, nếu biết sợ uy quyền của Trẫm thì hãy thật lòng bỏ tả đạo nầy …(dụ năm 1833, năm 1836 ).

Đối với vua Tự Đức, thời đó ai dám bảo vua Tự Đức không phải là Minh Quân ? Dụ năm 1848 lùng bắt các giáo sỹ ngoại quốc, dụ năm 1857 lên án quan quân ăn tiền tha cho người có đạo, dụ năm 1859 bắt các quan quân theo đạo, bao vây các làng có đạo.

Tháng bảy 1861: triều đình Huế ra lệnh tăng cường quản lý nghiêm ngặt số dân theo đạo: Đối với dân theo đạo Gia Tô – không kể gìa, trẻ, trai, gái; không kể kẻ đã bỏ đạo hay chưa bỏ đạo - đều phải thích chữ vào mặt và chia ghép đến các xã thôn không có người theo đạo để tiện việc quản thúc; đối với những giáo dân đầu sỏ, hung ác phài giam giữ cẩn thận; trường hợp quân Pháp – Tây Ban Nha kéo quân đến vùng có đạo ở thì lập tức phải đem giết hết dân đạo. Nơi nào không làm tròn việc nầy, sẽ chiểu quân luật trị tội. Dương Kinh Quốc, Việt nam những sự kiện lich sử (1858-1918), Nhà xuất bản Giáo dục 2006, trang 27).

Tháng mười hai 1861: Triều đình cho công bố một số hình thức xử lý đối với dân theo đạo. Chia làm hai loại. Loại đang bị đưa đi phục dịch việc quân: nếu cố tình không bỏ đạo, sẽ bị giam giữ cho đến chết; nếu là loại đầu sọ, hung hăng sẽ loại ra cho thắt cổ chết ngay ( quan địa phương chịu trách nhiệm giáo dục và mỗi tháng kiểm tra 2 lần để phân loại ). Loại đang bị đưa đi an trí: ai đã bỏ đạo nhưng xét ra chưa thực tâm, sẽ bị đánh 20 trượng, ai chưa bỏ đạo sẽ bị đánh 80 trượng; ai trốn đi nơi khác, bắt được sẽ sẽ đánh 100 trượng. Do lệnh nầy (và các lệnh trước đó) nguyên tỉnh Nam định có hơn 4.800 giáo dân bị giết. (sách đã dẫn trang 29).

Các dụ cấm đạo của vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều nói: Gia-tô tả đạo tức là đạo bất chính, đường lối không chính đáng; quan dân, nhóm văn thân dùng ba cách nói: tả đạo, tà đạo, tử đạo (đạo bất chính, đạo tà ma, ma thuật, dối trá, thứ đạo nầy là phải chết (tử đạo). Chống lại sự sai trái của vua quan và dân thời đó, các nhà thừa sai và tổ tiên ta nói: ai chịu khốn nạn vì ĐẠO NGAY, ấy là phúc thật, vì chưng nước Đức Chúa Trơì là của mình vậy. Từ ngữ “ đạo ngay” dịch từ chữ iustitia, rất chuẩn.

4- Kinh Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành

Các nhà Truyền giáo và Tổ tiên ta dịch với tài trí sáng tạo nhưng rất đúng với ý nghĩa kinh: Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành làm cho chúng con (tôi) được sống được vui, được cậy, thân lạy Mẹ ( Salve Regina, mater misericordiae: vita, dulcedo et spes nostra, salve) Salve. .: lạy…. Salve: thân lạy Mẹ. Cùng một chữ “salve”(lạy) làm khởi đầu và kết thúc (thân lạy Mẹ ) để chuyển tiếp cho câu sau không chê vào đâu được ! Với tinh thần cầu nguyện, các ngài dịch: làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy thay vì địch đúng nghĩa, đúng chữ: mẹ thương xót là sự sông, sự vui, sự cậy trông của chúng con. ….

Hỡi ôi ! Bà là Chúa bầu chúng con …(trong Nam in là: Hỡi ôi ! Bà là Chủ bầu chúng tôi): avocata nostra không dịch là thầy cải, hoặc trạng sư vì thời đó chỉ nhờ kẻ có quyền thế trước mặt vua ( quan) cầu bầu cho. Thánh Gioan gọi Chúa Kytô là Đấng cầu bầu (I Ga 2, I: paraklétos), và Chúa Thánh Thần cũng là Đấng cầu bầu, Gioan 14, 16). Mấy nhà thần học lấy tước vị của Đức Kytô gán cho Đức Mẹ (thí dụ: Đức Mẹ đồng công cứu chuộc, ở đây là: Chúa bầu chúng tôi). Nếu hiểu đúng Đức Mẹ luôn luôn ở vai trò thụ tạo, hoàn toàn lệ thuọc vào Ba Ngôi Thiên Chúa thì vai trò Đức Mẹ là Chúa bầu chúng con vượt trên mọi thụ tạo có thế giá bậc nhất trước toà Thiên Chúa Ba Ngôi. Đây là một xác tín mạnh liệt giữa mẹ và con cái. Theo thần học nầy, các ngài sáng tác kinh “ Cầu ơn chết lành”: Tôi lạy ơn rất thánh Đức Bà Maria là chúa bầu con (tôi),con tin thật Đức Chúa Trời ngôi thứ nhất là Đức Chúa Cha có phép tắc vô cùng, đã ban cho Đức Bà được quyền phép cả trên trời dưới đất. Vì vậy con cầu cùng Đức Bà phù hộ cho con trong khi con lâm chung, kẻo phải chước kẻ nghịch thù con. Amen. (xem hai kinh tiếp)

5- Kinh Trông cậy

Chúng con(tôi) trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ đồng trinh hiển vinh sáng láng.

Hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.

Kinh nầy các nhà Truyền giáo và tổ tiên chúng ta dịch từ kinh nào ? Chúng tôi đã đi hỏi từ các nguồn ( nguồn kinh tiếng Tây Ban nha, tiếng Latinh, tiếng Pháp ), rút cuộc vị linh mục

giáo sư đại học giở năm sau sách kinh và tìm thấy nó nằm sau cùng các kinh đọc hằng ngày bằng tiếng Latin: Sub tuum praesidium confugimus. Nếu đúng như vậy, các nhà Truyền giáo và tổ tiên chúng ta đã có một bản dịch đầy chất sáng tạo nhưng rất đúng ý nghĩa của bản kinh. Thời nay, có vị đã đặt vấn đề. Từ ngữ chớ, chớ có nghĩa là “cấm làm” (chớ lấy của người, chớ làm chứng dối ), chớ cũng có nghĩa khuyên đừng làm ( chớ lười biếng ). Xem ra, bề dưới dùng từ ngữ “chớ” đối với bề trên tỏ ra bất kính vì dám sai bảo bề trên. Các ngài đã ý thức rất rõ điều đó nên các ngài dùng: xin chớ trong các kinh đọc nghĩa là xin Chúa, xin Đức Mẹ vv đừng để con …... Chữ xin ghép vơi chữ chớ trở thành lời nói với thái độ khiêm nhường (xin) và cung kính.

Cụm từ “Đức Nữ đồng trinh hiển vinh sáng láng” dịch từ Virgo gloriosa (et benedicta) thuộc loại vocatif (Domine, audi me, lạy Chúa, xin nghe tiếng con) có thể đọc “cậy Mẹ đồng trinh hiển vinh sáng láng”, nhưng các ngài đã rất có lý khi để vài người đọc: ” chúng tôi trông cậy ….. trong cơn gian nan thiếu thốn (nghỉ, rồi mới đọc tiếp ): Đức Nữ Đồng trinh hiển vinh sáng láng” ( để chuyển tiếp cho tất cả đọc): Hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ, Amen ( lặp lại kinh Lạy Cha: (cầu với Chúa) bèn chữa chúng tôi cho khỏi sự dữ (ma quỹ) thành lời cầu với Đức Mẹ: hằng chữa chúng tôi cho khỏi mọi sự dữ. Amen). Tuyệt !